Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Tam Thập Nhi Lập? - Tế Luân


Tế đã bước vào tuổi 75, đã vượt qua lứa tuổi (Thất thập cổ lai hy) nghĩa là tuổi 70 được cho là hiếm ở vào thời đại xa xưa, không phải thời hiện tại. Tuổi 70 ở vào thời đại hiện tại thế kỷ thứ 21, thì tuổi 70 xem như tuổi mới hưởng nhàn, còn trẻ lắm chưa đến nỗi già và “cổ lai hy” hiếm có. Tế suy ngẫm lại những câu nói của những văn nhân thi sĩ, hay triết gia thời xưa, đã lưu truyền lại những câu nói về tuổi tác con người. Như ông Đỗ Phủ là thi nhân nổi tiếng thời nhà Đường bên Trung Hoa, ông đã để lại câu thơ rất nổi tiếng: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy Hà tất lao hình sư quỷ tuỳ” Nghĩa là con người đã sống đến tuổi 70 mươi rồi, thì dại gì nhọc thân chạy theo điều dối trá.
<!>
Nếu chịu khó tìm hiểu thêm chút nữa về từng giai đoạn tuổi đời của con người thì có bậc hiền triết Khổng Tử là một triết gia nổi tiếng của Trung Hoa. Ông đã phân định tuổi tác con người theo từng giai đoạn

“Tam thập nhi lập” Đến tuổi 30 thì sức tự lập mới vững vàng
“Tứ thập nhi bất hoặc” Đến 40 thì hiểu được lý lẽ.
“Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Đến 50 thì hiểu biết mệnh trời dành cho mình
“Lục thập nhi nhĩ thuận” Đến 60 khi nghe điều gì nghịch lý sẽ không thấy khó chịu nữa.
“Thất thập cổ lai hy” Sống đến 70 tuổi là hiếm.
“Bát thập đắc hi hi”. Đến 80 tuổi là vui lắm
“Cửu thập siêu thọ” Đến 90 tuổi là thọ lắm rồi
“Bách thập niên giai lão”. Sống đến 100 tuổi thì quả thật là trường thọ.

Tế ngồi ngẫm nghĩ lại cuộc đời của mình thì nó không theo đúng với thứ tự của triết gia Khổng Tử đã phân định. Nó cứ nhảy loạn cả lên không theo thứ tự nhất định nào cả, vào cái thời binh lửa chiến chinh.

Khi Tế vừa bước vào tuổi 20 mươi thì đã giã từ trường lớp, khoác áo chiến binh bước vào quân đội. Cuộc đời chinh chiến dọc ngang, tiếng bom vụt qua xé toạc không gian, dưới từng bước chân tiếng bom mìn nổ tung mặt đất, trên những tàng cây không còn ngắm nhìn con chim đang hót líu lo, mà phải thận trọng phát hiện những họng súng bắn tỉa của những tên Việt cộng. Đôi mắt cú vọ của kẻ thù luôn rình rập lăm le bắn vỡ sọ người lính.

Mỗi sáng thức dậy mới nhận ra mình còn sống, ta phải xin cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy vẫn còn một ngày nữa để yêu thương.

Nhắc đến hai chữ yêu thương sao nghe có vẻ xa vời quá. Thật ra Tế có biết yêu bao giờ đâu, có gặp người con gái nào để gần gũi mà yêu đương.

Chiến tranh vẫn tiếp diễn, những trận chiến lớn nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra trên khắp chiến trường, làm gì có thời gian để hẹn hò yêu đương.

Chỉ nghe qua những chương trình phát thanh trên radio. Thường là sau bữa cơm chiều người lính thường mở radio nghe chương trình Dạ Lan - Em gái hậu phương. Chương trình này được phát thanh mỗi buổi chiều lúc 7 giờ tối.

Giọng nói rất quyến rũ và ngọt ngào của nữ xướng ngôn viên Hoàng Thi Xuân Lan, nhưng vài năm sau Xuân Lan xin thôi việc và chương trình đã có một giọng nói rất giống nhau và người thay thế cũng tên Lan đó là nữ xướng ngôn viên Hồng Phương Lan tức Mỹ Linh.

Người lính chiến nơi tiền tuyến chỉ còn biết thả hồn vào âm thanh giọng nói của nữ xướng ngôn viên nghe thật ngọt ngào phát ra từ cái radio, nhưng vẫn để lại trong tâm hồn người con trai nhiều cảm xúc mộng mơ.

Trong vòm trời đầy kỷ niệm có những hình ảnh nhạt nhoà, thấp thoáng ẩn hiện như trong một giấc mơ.

Rồi một lúc nào đó hiện ra bất chợt, chẳng hạn như được đọc một bài thơ, hay được nghe một bản nhạc quen thuộc xa xưa.

Có một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, mà âm hưởng rất dễ đi vào lòng người như ca khúc “Nhớ một chiều xuân”

"Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người.
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ.
Người nơi xa xăm phương trời ấy.
Người còn buồn còn thương còn nhớ.
Nắng phai rồi, em ơi!
Chiều xuân có một người ngơ ngác đi tìm.
Một tình thương nơi phương trời cũ.
Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá.
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá.
Tìm đâu bóng hình ai?"

Chiều xuân không phải chỉ có một người đi tìm mà hầu như tất cả những người lính đều ngơ ngác đi tìm, họ muốn tìm một hình bóng người thiếu nữ, tìm cho mình một tình yêu đôi lứa, nhưng nào có ai.

Nắng chiều làm nhạt dần sắc màu rực rỡ nhưng làm tăng thêm nỗi nhớ. Những cánh hoa trở nên mong manh, lòng người lính như trùng xuống chìm lắng vào giấc mộng yêu thương.

Sau ngày lên đường nhập ngũ Tế rất ít khi có dịp trở về thăm nơi chốn cũ, thăm cô hàng xóm dễ thương, hay thăm cô nữ sinh thơ ngây ngày nào.

Đời người tuy còn dài, nhưng đời lính thì (Sớm họp tối tan) biết thế nào được, lòng vẫn lo sợ giấc mộng tình yêu không có duyên may trở thành hiện thực.

Khi yêu ai mà chẳng ước mơ, nhưng ước mơ nhiều mà đời thì lại không cho phép, do đó niềm mơ ước chỉ là sự trống vắng như mây chiều. Cuộc đời người lính chiến dường như chỉ biết làm bạn cùng sương gió, dấn thân vào cuộc chiến nơi biên cương xa xăm.

Tế đã trưởng thành trong chiến tranh, trên quê hương đang bị cày xới bởi bom đạn. Đời sống như những vở kịch, đầy những giọt nước mắt của chia ly mất mát. Những cơn thịnh nộ của nghịch cảnh chiến tranh của bom đạn đang xoay quanh tình yêu đôi lứa.

Tế đã chứng kiến những đôi tình nhân mới yêu nhau, người con gái từ hậu phương lặn lội đường xa lên thăm người yêu, tại một tiền đồn heo hút cách biệt với làng quê. những lần thăm viếng không phải thường xuyên, do đó họ đã dồn hết cho nhau những khoảng khắc yêu đương nồng ấm nhất.

Một khi có người em gái hậu phương đến thăm, hai người yêu nhau được bạn bè nhường cho căn hầm trú ẩn, anh chị chìm đắm bên nhau trong cái lô cốt bằng bao cát trên cái giường kê vội bằng những thùng đạn, một cuộc tình cháy bỏng vì sự dồn nén lâu ngày, được đốt cháy bởi sự xung mãn của tuổi trẻ, cuộc tình đó như vũ bão dập dềnh theo cái giường được kê vội bằng thùng đạn.

Đời sống của những người lính Địa Phương Quân là gần gũi với người dân nơi đóng quân. Khi đơn vị đến đóng quân ở một tiền đồn của một khu vực nào đó. Thì nơi ấy chính là cứ điểm ngăn chận con đường giao liên, tiếp tế, liên lạc của du kích Việt Cộng.

Đại đội thường đóng quân trong một tiền đồn mà vị trí nằm bìa khu vực dân cư và đồng ruộng, do thời gian đóng quân lâu dài có khi vài tháng, đôi khi cả năm, do đó vợ con người lính thường theo chồng vào ở trong đồn cả tháng.

Đôi khi đơn vị chạm trán, đụng độ và giao chiến với quân du kích Việt Cộng, thì người vợ lính có thể trở thành một xạ thủ chiến đấu bên cạnh chồng mình.

Đó cũng là lợi thế của người lính Địa Phương Quân luôn sát cánh cùng đơn vị. Không như các đơn vị chủ lực hùng mạnh hay các sư đoàn bộ binh, thường phải bôn ba đây đó một khi chiến trường cần đến.

Địa Phương Quân đóng quân một chỗ, cùng lắm là di chuyển trong phạm vi Tỉnh Lỵ, do đo bình an hơn.

Có những đêm trời mưa gió bão bùng nằm trong lô cốt, với ngọn đèn dầu hôi leo lét sáng, nằm đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, hay lặng im nghe tiếng mưa rơi và tiếng ếch nhái kêu ngoài ruộng lúa. Thật là giờ phút thú vị và lãng mạn.

Tế như chợt giật mình nhìn lại đời mình, cũng đã có một thời trải qua giai đoạn yêu đương với một thôn nữ nơi Tế đóng quân.

Câu chuyện đã để lại trong tâm trí của Tế nhiều cảm giác, nhiều bâng khuâng khác nhau, đôi lúc tự hỏi đây có phải là tình yêu hay chỉ là tình dục.

Tế nhớ như in về thời gian này, thời gian say đắm nhất của tuổi trẻ, sự khao khát cháy bỏng trong mối quan hệ “Tình dục cộng hưởng” của trai gái.

Thời gian đó Tế đang đóng quân tại một tiền đồn của một Quận nhỏ bé. Vào buổi sáng sớm Tế đang ngồi trên bao cát của bờ thành hút thuốc lá, nhìn làn khói thuốc mơ màng nhẹ bay lan tỏa vào không gian, một làn gió lành lạnh nhẹ lướt qua, thời tiết tháng 12 tại vùng thôn quê miền nam, trời se lạnh vào buổi sáng sớm

Tế nhìn xa về cuối thôn, những khoảng ruộng đã gặt hái xong, bây giờ chỉ còn lại những gốc rạ vàng khô, và phía xa kia là những hàng tre xanh thẳm, cả một vùng rộng lớn không một bóng người dân.

Tế đang suy nghĩ miên man, thì người lính gác cổng chạy vào báo tin.
Ông thầy có người đẹp đến thăm.

Tế hỏi ai vậy. Người lính trả lời:
Em gái hậu phương, ông cứ ra ngoài sẽ biết.

Tế bước ra nhìn về phía cổng.

Thấp thoáng một bóng dáng thôn nữ, tay cầm nón lá đang nhẹ nhàng bước đi từ cổng vào bên trong đơn vị. từ xa Tế đã nhận ra hình bóng đó là ai.

Loan thường mặc bộ áo bà ba, hôm nay nàng mặc một chiếc áo bà ba màu mạ non, hai bên hông xẻ hơi cao để lộ một làn da trắng mịn, cái quần đen bóng láng, ôm sát đôi mông căng tròn, biểu lộ một sức sống mãnh liệt của tuổi con gái dậy thì.

Hôm nay nàng rất đẹp, cái đẹp tự nhiên của một thôn nữ, chen lẫn với cái đẹp xuân thì đẫy đà rất gợi tình, đầy sức quyến rũ của con gái.

Tế chợt nghĩ đã gần 2 tháng nay Loan không đến thăm sao hôm nay không hẹn trước Loan bất ngờ đến. Cứ mỗi lần đến thăm Loan thường ở lại với Tế vài ngày, và cả hai lại có dịp vồ vập, quấn quít bên nhau.

Tế đưa Loan vào trong căn hầm trú ẩn bằng bao cát, vừa bước qua cửa hầm Tế đã vòng tay qua lưng nàng, ôm chặt vòng eo thon gọn và quay người Loan về phía mình, Tế ôm chặt Loan và đặt lên môi nàng một nụ hôn thật say đắm.

Loan đẩy nhẹ Tế ra và nói:
Làm gì gấp vậy anh.

Tế vừa cười vừa trả lời:
Lính mà em.

Tế nhẹ nhàng dìu Loan nằm trên cái giường kê bằng thùng đạn pháo binh, rồi chuyện gì đến sẽ vẫn tiếp diễn, như qủa bom đã hẹn giờ, chỉ chờ đợi thời điểm nổ tung, cái giường gập gềnh lại có dịp bồng bềnh theo nhịp điệu yêu đương.

Buổi chiều tối hôm đó, Loan đã trổ tài nấu nướng, nàng nấu một nồi cháo gà thật ngon kèm theo vài xị rượu đế loại ngon mà Loan đem từ nhà lên, một bữa nhậu thật thú vị cùng với vài người lính đồng đội.

Dĩ nhiên tối hôm đó chúng tôi lại nằm bên nhau để cùng tận hưởng như một đêm tân hôn, hai người lại cuốn hút vào nhau, quằn quại yêu đương cùng dìu nhau đến tận chân mây trong cõi địa đàng của tình yêu.

Tiếng con gà trống nuôi trong đồn cất tiếng gáy vang, hình như nó đã gân cả cổ, để cất lên một tiếng gáy nghe rất oai hùng. Từ những bụi tre xanh thẳm trong thôn xóm, tiếng gà gáy vang vọng đáp lại.

Tế thức dậy sớm như một thói quen của người lính chiến. Loan thấy thế cũng dậy theo, nàng tự nhúm lửa đun nước sôi pha cà phê.

Trời còn mờ sáng Tế ngồi trên cái thùng đạn pháo binh cũ, đốt một điếu thuốc đầu tiên trong ngày, trên tay là ly cà phê còn bốc khói, lan tỏa một hương vị thơm mùi hương quen thuộc, mặc dù đây chỉ là loại cà phê rẻ tiền, nhưng với hương vị quen thuộc và vị hơi đắng của cà phê cũng làm cho tâm trí sảng khoái hơn.

Mỗi lần Loan đến thăm, nàng thường lưu lại ít nhất hai ngày, và hôm nay Loan đi về, bỏ lại nơi đây một khoảng trống vắng, một nỗi đam mê len lỏi vào tận tâm hồn, hay một sự thèm khát rạo rực mà thể xác luôn đòi hỏi.

Tình yêu là sự quan tâm cả hai bên có thoả mãn hay không?

Tình yêu khiến bạn muốn làm vui lòng "nửa kia" về cả thể chất và tình cảm. Có một điều gì đó huyền bí thôi thúc bên trong bạn. Nó không bao giờ là trải nghiệm vội vã, nhưng đầy gợi cảm, âu yếm và là khoảnh khắc người ta không nghĩ về bản thân mình.

Tình yêu với sự rung động của con tim kết hợp với tình dục, sẽ tạo cho bạn cảm giác có sự gắn kết với nửa kia, chứ không chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu ân ái.

Có một triết gia người Đức đã nói rằng:

“Đàn bà là thiên đường của đàn ông” có nghĩa rằng chỉ có đàn bà mới có thể đưa đàn ông lên chốn thiên đường.

Nhưng theo Tế đàn bà là cửa ngõ thiên đường và cũng là lối đi vào địa ngục. Tuy nhiên Tế vẫn thích ý tưởng “Đàn bà là cửa ngõ thiên đường”.

Em là cửa ngõ thiên đường
Là bông hoa lạ nghê thường đắm say
Phấn hoa quyến rũ ong bay
Đem từng giọt mật rót đầy vị ngon.
Chiều rơi nhuộm tím hoàng hôn
Cơn mê chợt đến bồn chồn nhớ em
Nỗi niềm khó nói trong đêm
Đem nhau vào giấc êm đềm tình say.
Em cho ta giấc mơ đầy
Bao năm quấn quít sum vầy bên nhau
Nghẹn ngào nói chẳng thành câu
Đường tình nối nhịp bắc cầu yêu đương
Dẫu là trong cõi vô thường
Tình em là chốn thiên đường trần gian
Cõi tạm hay chốn địa đàng
Có em đời sống rộn ràng đơm hoa.

Tế Luân

Tế ngồi đăm chiêu suy ngẫm lại đời mình, từ khi tưởng thành trong binh lửa chiến tranh, cuộc đời chinh chiến đôi lần bị thương, cứ tưởng rằng đã bỏ mạng tại chiến trường, xa rời cõi tạm từ lâu rồi, nhưng Thiên Chúa vẫn còn thương, nên mệnh số vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.

Tế vừa bước vào tuổi 30 lứa tuổi “Tam thập nhi lập” đến tuổi 30 thì sức tự lập mới vững vàng. Cái tuổi tự lập này chưa có dịp thi thố tài năng thì một biến cố lớn đã xảy ra.

Cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ. Hình như toàn thể quân dân miền nam VN không ai có thể ngờ được, chính quyền miền nam Việt Nam sẽ rơi vào tay cộng sản miền bắc một cách nhanh như thế.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày toàn thể quân dân cán chính miền nam VN bàng hoàng, rơi nước mắt đó là ngày mất đi một chính thể tự do. Chấm dứt nền đệ nhị Cộng Hoà.

Thật đau xót cho một dân tộc khi thế lực man rợ bạo tàn cộng sản lại đi xâm chiếm một nền văn minh, mà họ gọi đó là giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị của đế quốc, nhưng thực tế họ đã đánh đuổi nền văn minh của nhân loại, để hình thành một chế độ đạng trị thời trung cổ.

Chúng ta hãy nghe lại câu nói của tên ĐM, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, mỗi khi nhắc đến nhân vật này Tế hay dùng chữ viết tắt ĐM, vì từ ngữ này nó mang hàm ý một câu chửi thể, như một thói quen thường buột miệng mỗi khi gặp chuyện bực tức khó chịu.

Đỗ Mười đã từng tuyên bố trước sân tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngày 20/02/1976 vào lúc 10 giờ 15 phút rằng: “Giải phóng miền Nam chúng ta có quyền tịch thu tài sản trưng dụng nhà
cửa, hãng - xưởng, ruộng đất chúng nó, xe chúng nó ta đi, vợ chúng ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ, còn chúng nó thì ta đày đi kinh tế mới vào nơi rừng sâu nước độc, chúng nó sẽ chết lần mòn”.

Một người lãnh đạo đảng cộng sản mà tuyên bố như thế thì hỏi cái chế độ này có đáng tự hào hay không? Trách gì những người có lòng tự trọng có hiểu biết họ sẽ lên án chế độ tàn bạo này.

Như nhà văn Dương Thu Hương khi từ Hà Nội theo đoàn quân tiến vào miền nam, đã ngồi trên vỉa hè Sài Gòn và ôm mặt khóc, bà đã nói:

Xi trích đoạn:

“Thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải."

Sau này có biết bao những nhà văn nhà thơ những người cộng sản có tư tưởng phóng khoáng với lòng tự trọng, họ đã nhận ra đâu là chân lý, đâu là sự thật, họ đã lên tiếng.

Qua bài thơ ngắn của Thái Bá Tân một trí thức cộng sản, ông đã viết:

Tưởng và Hoá Ra

Tưởng ngọn đuốc soi sáng
Là cách mạng tháng mười
Hoá ra là thảm hoạ
Của lịch sử loài người.
Tưởng chiến tranh giải phóng
Vĩ đại và quang vinh
Hoá ra chúng ta chết
Để đánh đuổi văn minh.
Tưởng chủ nghĩa xã hội
Là giấc mơ thiên đường
Hoá ra là xã hội
Đầy bất công nhiễu nhương.
Tưởng nhiều cái tốt đẹp
Hoá ra nhiều xấu xa
Bao giờ mới hết tưởng
Bao giờ hết hoá ra.

Thái Bá Tân

Tế suy ngẫm lại đời mình khi mới bước vào tuổi 30, cái tuổi “Tam thập nhi lập” thì miền nam Việt Nam đã rơi vào tay cộng sản, đã phải sống trong cảnh nước mất nhà tan.

Những người lính VNCH phải hứng chịu sự trả thù từ kẻ chiến thắng, hơn nửa triệu Quân Dân Cán Chính miền Nam VN đã phải vào trong các trại tập trung của cộng sản, mà kẻ chiến thắng đã gọi đó là (trại cải tạo), rập khuôn theo mẫu các trại tập trung thời Stalin Liên Ban Xô Viết (Stalin Soviet Union).

Vận hạn của từng cá nhân thì quá nhỏ bé so với vận hạn của một dân tộc, một quốc gia. Nếu cá nhân đó đang sống trong vùng ảnh hưởng của một đại hạn lớn của quốc gia, thì phải chịu chung một số phận giống nhau.

Muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của đại hạn dân tộc thì chỉ có một cách duy nhất là chạy thoát ra ngoài vùng lãnh thổ này, có nghĩa là vượt biên đi tìm tự do nơi phương trời khác, nếu còn sống sót thì vận mệnh cuộc đời sẽ thay đổi.

Đây là lý do người Việt bỏ nước ra đi nhiều nhất, sau này theo con số thống kê vào thời điểm sau năm 1975 có đến hai triệu người vượt biên tìm tự do.

Tế phải nối bước theo chân từng đoàn người đi vào các trại tập trung của cộng sản, làm sao có thể trốn thoát vì đó là đại hạn của một dân tộc.

Cái tuổi 30 lập thân, chín chắn nhất xung mãn nhất thì nằm trong tù, sự nghiệp của một đời người tan theo mây khói, chỉ còn biết đem hết khả năng của mình để sinh tồn, làm sao chống lại đói rách và sự khủng bố tinh thần từ kẻ thù cộng sản.

Năm đầu tiên tù tập trung tại Biên Hoà, đến năm thứ hai 1976 theo đoàn tàu chở tù, cùng với hàng ngàn sĩ quan VNCH đi ra miền bắc xã hội chủ nghĩa, bị giam cầm nơi rừng rú thâm sâu thuộc vùng Hoàng Liên Sơn. Tế đã phải sống trong những môi trường khắc nghiệt nhất, đôi lần suýt chết vì bệnh tật. Trong giai đoạn này có hàng ngàn sĩ quan VNCH đã bỏ thân xác nơi các trại tù cải tạo, trên vùng rừng núi Hoàng liên Sơn.

Tế đã phải sống trong tù trong suốt thời gian 8 năm trời cho đến năm 1983 mới được trả tự do cho về nhà.

Từ nhà tù nhỏ được trở về sống trong một nhà tù rộng lớn hơn đó là xã hội cộng sản. Tất cả những người tù cải tạo khi trở về nhà đều cảm nhận chính mình đang bị ngược đãi sống lưu vong ngay trên thôn xóm quê hương của mình.

Sống vất vưởng không công ăn việc làm, tự mình phải bươn chải kiếm sống bằng những nghề thấp hèn nhất, như đạp xích lô, bốc vác, thợ hồ, nhiều người may mắn có vợ đang bán chợ trời thì phụ giúp ngoài chợ.

Rất nhiều anh em sau khi ra tù, lại tìm đường đi vượt biên, có người may mắn đi thoát, có người bỏ xác nơi rừng sâu biển cả, có nhiều người bị bắt lại và ngồi tù thêm vài năm nữa.

Tế cũng đi vượt biên và bị bắt giam tại Biên Hoà, nằm trong tù được vài tháng, khi chuyển trại đến vùng kinh tế Long Khánh. Tế đã vượt tù chạy trốn khỏi trại giam, không chấp nhận một định mệnh an bài, phải tự mình quyết định lấy số phận của mình.

Cái đau lớn nhất của dân tộc Việt Nam đó là lần đổi tiền thứ 3. Ngày 13 tháng 9 năm 1985. Đảng cộng sản ra lệnh cả nước đổi tiền lần thứ 3. Đây chính là một vụ đánh cướp trắng trợn nhất vào tài sản của từng người dân.

Họ muốn vơ vét toàn bộ tài sản của nhân dân vào tay chính quyền. Họ có tham vọng muốn kiểm soát kinh tế, họ muốn kiểm soát vật giá của một nền kinh tế đang xuống dốc thê thảm.

Thế nhưng họ đã sai lầm, bởi vì nền kinh tế thị trường là con ngựa bất kham, không thể cưỡi nó và điều khiển nó bằng roi vọt bạo tàn, mà bắt buộc phải nương theo nó mà tồn tại. Vừa đổi tiền xong thì qua ngày hôm sau vật giá đã leo thang chóng mặt, đồng tiền mất giá một cách phi mã không cưỡng chế được.

Bước sang năm 1986 mức lạm phát lên đến 774%. Những say sưa trên ánh hào quang chiến thắng của đảng cộng sản đã bị con ngựa bất kham của nền kinh tế quật ngã, họ phải nhìn lại và bắt đầu lo toan trăn trở của vận mệnh đất nước đang trên đà tụt hậu và nạn đói đang đe doạ.

Sức mạnh kinh tế thị trường đã dạy cho cộng sản một bài học. Bắt buộc chính quyền phải đổi mới phải theo kịp đà tiến của kinh tế, nếu không sức mạnh kinh tế sẽ quay lại đập tan chế độ cộng sản. Thế lực nào đủ sức mạnh đứng lên chống lại đảng cộng sản, thế lực đó không ai khác hơn chính là đảng viên, những tư bản đó mới nổi lên sẽ quay đầu cắn chủ nó, tiếp theo là quần chúng nhân dân sẽ vùng dậy đập tan chế độ cộng sản bạo tàn.

Chính vì điều này công sản rất khôn ngoan họ đã nương theo và đề ra chính sách đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy.

Tế trở về sống trong xã hội cộng sản, không công ăn việc làm. Đời sống không có tương lai, từng đêm giấc ngủ đi vào những cơn mơ đen tối không lối thoát. Vợ con Tế cũng phải chịu chung một số phận không lối thoát.

Không ai có thể học được chữ ngờ, có một tương lai vừa lóe sáng ở cuối đường hầm. Đó là chương trình HO xuất hiện vào năm 1990.

HO là tên viết tắt của Humanization Organization, tổ chức nhân đạo. Đây là chương trình được ký kết giữa Việt Nam cộng sản và Hoa Kỳ, diện định cư này cho phép tất cả những tù binh chiến tranh đã bị tù 3 năm trở lên sẽ được cấp phép đến định cư tại Hoa Kỳ.

Tế đã phải chờ đợi thêm 3 năm nữa kể từ năm 1990 khi chương trình này bắt đầu thực hiện và chuyến bay đầu tiên dánh cho những người nằm trong danh sách HO 1 đã rời khỏi Việt Nam.

Tế nằm trong danh sách HO 20 phải chờ thêm 3 năm. Cuối năm 1993 Tế và gia đình đã được chính thức rời khỏi Việt Nam đến định cư tại Hoa Kỳ.

Tế nhớ như in ngày ra phi trường Tân Sơn Nhất, bao nhiêu thân nhân tiễn đưa mọi người đều chúc mừng (đã thoát nạn cộng sản).

Qua bao nhiêu thủ tục giấy tờ. Tế dẫm vợ con đi qua cánh cổng cuối cùng để ra phi trường lên máy bay. Tế bị khựng lại tại cái bàn có hai nữ công an với sắc mặt hầm hầm, nói như quát vào mặt Tế,

Chứng minh nhân dân đâu đưa đây. Nữ công an ra lệnh
Tế vội đưa chứng minh nhân dân của cộng sản cho nữ công an.
Cô này cầm lấy xem xong và ném vào thùng, kèm theo câu nói:
Đã bỏ nước ra đi còn cầm theo làm gì?

Cô ta nói tiếp: thôi được rồi đi đi.

Tế mừng trong lòng vội dẫn vợ con ra khỏi phi trường lên máy bay. Khi bước lên máy bay Tế và những gia đình đi chung chuyến bay vẫn còn sợ vì đây là máy bay của hãng Air Việt Nam, có nghĩa là vẫn còn cộng sản chưa thể tự do được, vẫn phải khẽ mồm khẽ miệng.

Khi máy bay đáp xuống phi trường Taiwan (Đài Loan) mọi người lần lượt làm thủ tục và bước vào phi trường Đài Loan, lúc ấy mọi người mới thở phào nhẹ nhõm vì bây giờ mới thật sự thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cộng sản.

Tế và gia đình đã ngồi trên chiếc Boeing 747 của hãng hàng không American Airlines, sau 13 tiếng bay, chuyến bay đã đáp xuống phi trường San Francisco Airport. Vào đúng thời gian lễ Thanksgiving năm 1993.

Tế đến định cư tại vùng đất được mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng San Jose, một nơi người Việt tự do sinh sống khá đông. Nhờ vào những người đến trước, nhờ vào thân nhân đang sinh sống tại nơi này.

Tế bắt đầu gây dựng lại đời mình. Ở vào lứa tuổi “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Đến 50 thì hiểu biết mệnh trời dành cho mình.

Đúng như thế mệnh trời đã dành cho Tế một quê hương mới, vùng đất hứa cho quyền tự do của con người. Để từ đó chập chững đi lên từ con số không.

Sau 20 năm làm việc Tế vừa đủ (credit 40 quarter) để nghỉ hưu. Thì cũng đến giai đoạn tuổi già. Tế quyết định về hưu, mặc dù tiền hưu trí của Tế không nhiều nhưng có thêm tiền phụ trợ giúp cho người già bù qua, gọi là tiền SSI, thì cũng đủ sống.

Tế quan niệm như câu tục ngữ của ông bà xưa đã nói.

“Khéo ăn thì no. Khéo co thì ấm”

Tội gì phải đi làm thêm cho cực, những người giàu có họ bỏ tiền ra thuê mướn người giúp việc để nhàn thân, vậy thì mình đâu cần phải bán đi sự nhàn hạ và tự do của mình để đổi lấy đồng tiền.

“Thất thập cổ lai hy” Sống đến 70 tuổi là hiếm rồi, hãy vui thú điền viên cho đời sống thăng hoa, tôi gì phải bon chen cho thêm mệt.

Con cái đã trưởng thành mọi người có thể tự lo cho bản thân. Tất cả đều có một đời sống riêng tư khá xung túc.

Đúng là tiền hung, hậu kiết (trước xấu sau tốt). Như vậy là đủ rồi.

Xin tạ ơn Thiên Chúa đã ban sự bình an đến cuối đời.

Một Đời Hư Hao

Một đời đong đếm hư hao
Một thời hoang phế bước vào hư không
Theo cơn đồng thiếp phiêu bồng
Giấu đời trong cõi mênh mông cuối trời.

Phong trần phiêu lãng khắp nơi
Khoác vai áo trận tơi bời gió mưa
Chinh nhân lửa khói xa xưa
Cơn đau thất thủ còn chừa đắng cay.

Từ khi vướng cảnh đoạ đầy
Từ khi vận nước chia tay lệ sầu
Hận lòng còn thấm cơn đau
Thế thời chia cắt nhịp cầu quê hương.

Nhìn theo bụi đỏ xe đường
Cắn răng qua ải đoạn trường phong vân
Nhạt nhoà lệ ấy ngại ngần
Xa xăm nỗi nhớ đường trần thoáng qua.

Tế Luân

Tuổi già chợt nhớ một thời hư hao.

Truyện Ngắn (Tam Thập Nhi Lập)
Dựa trên những sự kiện có thật và thêm vào phần hư cấu
cho câu chuyện hấp dẫn hơn một chút.

Viết xong cuối tháng 8 năm 2022

 Người chinh phụ VNCH. “Photoshop by lê tuấn”


Không có nhận xét nào: