Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Mợ Hai - Trần Bạch Thu


Năm 17 tuổi mợ Hai Huê về làm dâu nhà Cả Tam, ai cũng trầm trồ là nhà có phước mới gả được con về làm dâu trong một gia đình giàu có tiếng tăm. Chỉ nghe tên thôi là biết. Hộ tịch làng tự động đổi tên, thay vì Hoa thành Huê để tránh húy kỵ. Người đẹp mà giỏi giang nữa mới quý, vốn là con nhà nghèo nên sớm ra đời làm lụng kiếm sống. Trời cho có chút nhan sắc lại siêng năng cần mẫn nên được cả xóm bến đò Chợ Gạo tấm tắc khen thầm. Cha mất sớm, là con gái lớn nên vất vả lao đao từ thuở nhỏ. Theo gia đình làm thuê trên ghe thương hồ đi khắp miền Lục tỉnh. Cho đến khi trôi dạt về tới Chợ Gạo mấy mẹ con mới ổn định cất nhà trụ lại ở bến đò. 
<!>
Đất lành chim đậu. Chỉ mỗi việc gặt lúa mướn, làm cỏ thuê quanh vùng cũng đủ để có cái ăn. Ngày thường làm mướn, lột dừa thuê cũng sống được. Dân tình dễ chịu không kén người làm thuê nên công ăn việc làm lúc nào cũng có.

Tiếng lành đồn xa, trai làng ngấp nghé nhưng chưa kịp mở lời thì duyên số gặp ngay cậu Hai Cảnh, con ông Cả Tam ngó đến đem lòng thương mến rồi thành chồng vợ. Đám cưới thật lớn, rất đông khách mời. Rước dâu bằng xe ngựa, do nhà đơn chiếc không có họ hàng nhà gái đưa dâu. Mẹ và các em ở lại nhà. Đường xa. Cô dâu khóc hết nước mắt suốt từ bến đò Chợ Gạo cho đến tận nhà trai, làng Long Bình Điền.

Nhà Cả Tam nức tiếng giàu có lâu đời. Bà Cả còn trẻ sinh nhiều lần nhưng đa số bị chết non. Khi mợ Hai về làm dâu thì bà đang mang thai lần thứ chín, trong nhà chỉ còn lại mỗi cô em chồng thứ bảy, tuổi chừng 15, 16. Sau đó mẹ chồng và con dâu đều sinh con trai trong năm. Chú cháu cùng tuổi với nhau. Thầy bói cho rằng rước mợ Hai về khiến cho nhà phát “đinh”, sinh toàn con trai.

Tuy về làm dâu có người ăn kẻ ở đầy nhà nhưng mợ Hai vẫn cực thân vì cô em chồng hay tị nạnh. Lại quen làm, không quen cự cãi nên mọi việc trong nhà hay ngoài đồng đều đùn đẩy hết cho mợ quán xuyến. Cậu Hai thấy vậy chạnh lòng nên xin với ông Cả cho ra riêng để lập thân, nhưng ông Cả không chịu và dứt khoát là cậu Hai phải thừa tự ở nhà từ đường. Từ đó sinh ra cảnh mẹ chồng và cô em ganh ghét, đay nghiến hành hạ con dâu.

Đến khi mợ Hai có bầu lần thứ hai thì bà Cả cũng mang thai lần thứ mười. Nhưng lần nầy lại khác, cô dâu mang bầu phải phục vụ suốt cho tới kỳ sanh nở của mẹ chồng. Công việc nhà còn phải lo tươm tất. Hôm ấy khi vác cây chuối đã chặt buồng băng ngang qua cây cầu dừa bị vấp ngã nên động thai sanh non, đứa bé chưa đầy 7 tháng tuổi. Không ai giúp đỡ săn sóc, may nhờ có bà mụ vườn thương tình đến nhà làm thuốc cho cả mẹ lẫn con mới còn sống sót.

Đứa nhỏ sanh ra không biết bú và mẹ cũng chưa có sữa. Bà mụ bắt con “còng gió” ở các bờ mương đem về rửa sạch giã nhỏ, vắt lấy nước đút mớm cho đứa nhỏ tập bú dần cho đến khi thuần thục thì mỗi bữa chắt lấy nước cơm sôi mà pha đường thay sữa cho bú tạm, chờ xin được sữa vú nuôi.

Ngoài công việc nhà bề bộn, mợ Hai coi luôn việc đồng ruộng, tính công cấy gặt. Rồi sau mỗi mùa gặt theo lệ thường còn phải lo việc tổ chức ăn uống cho đoàn hát lưu động do ông Cả rước về ăn ở trong nhà có khi kéo dài hàng tháng trời. Bận rộn quanh năm. Hết năm nầy sang năm khác. Riêng việc sinh con năm-một cũng có đến mười lần. Đâu có giờ nào rảnh để về thăm mẹ và các em. Coi như đi biệt xứ. Còn mong gì giúp đỡ hay phụng dưỡng mẹ già. Mợ Hai tràn nước mắt trong đêm khuya.

May mà còn có cậu Hai là niềm an ủi duy nhất trong gia đình, hết lòng thương mến và khuyên nhủ chờ ngày ra riêng. Còn xóm giềng, “vạn cấy” lúc nào cũng thương mợ hết dạ vì tánh cách bình dân cởi mở hay giúp đỡ mọi người. Đến mùa cấy cũng lội ruộng gia nhập với chị em.

Luôn luôn khi nào có mợ ra đồng thì công thợ cấy đều được ăn ngon. Đi cấy sớm từ lúc trời chưa rựng sáng cho tới khi mặt trời vừa rọi tới rặng trâm bầu là mợ Hai ra đến nơi đem theo cơm nếp với mắm cá sặc. Vạn cấy lên bờ lấy lá chuối tươi đựng cơm nếp rồi xé con mắm sống ra ăn từng nắm như xôi. Mợ Hai cùng ăn và lúc nào cũng không quên nhờ gia nhân mang theo ra ruộng một vại nước mưa mát lạnh.

Rồi cũng đến lúc, thay vì cho ra riêng, ông Cả cho cất nối thêm căn nhà chính ra thành hai căn nhà mới cho các con còn nhỏ cùng ở với nhau. Cô con gái thứ bảy lo chăm sóc cho hai đứa em trai thứ chín và thứ mười. Có thể đoán trước được sự tình anh em không hòa thuận khó sống chung lâu dài nên sẵn dịp cất nhà mới ông Cả chia luôn đất đai vườn tược cho các con. Ruộng thì giao hết cho cậu Hai thừa kế, không chia thành mảnh cho bất cứ ai. Trong họ tộc nói ra nói vào. Nhưng ông Cả quyết định như vậy.

– Còn nhỏ mà biết có tài sản ruộng vườn sớm thì sinh ra ỷ lại chơi bời lêu lổng. Có nên gì.

Đã vậy rồi ông Cả còn giao hết bằng khoán, tiền bạc tài sản cho cậu Hai cất giữ. Trong họ cho rằng mợ Hai là người đốc xúi mọi việc. Chưa được bao lâu thì nạn dịch tả hoành hành, dân làng mười phần chết bảy còn ba. Ông bà Cả Tam cùng qua đời lần lượt trong năm đó. Cô con gái thứ bảy nghe lời thầy bói cho rằng cuộc đất cũ nay đã bạc màu bèn dẫn hai đứa em nhỏ lánh xa lên phần đất mà ông Cả đã chia để cất nhà sinh sống. Huê lợi vườn dừa cũng đủ sống thong thả. Sau nầy, cậu Hai lấy quyền huynh thế phụ giao cho cô em mấy mẫu ruộng tốt trên kinh cống mà canh tác. Đầu trên xóm dưới ít liên lạc nhau. Chỉ giỗ chạp mới về cúng kiến.

Cô con gái thứ bảy của ông Cả rất xinh đẹp nhưng lại khó tính nên họ hàng cũng như tá điền đều đồng lòng gọi là Bảy “Dễ” với mong mõi là sẽ bớt khó cho mọi người được nhờ. Đã đến tuổi cặp kê, nhiều nơi mai mối nhưng đều cự tuyệt, cho đến khi cha mẹ qua đời thì nhất định ở vậy để nuôi em.

Tính hay cả quyết và việc gì đến tay thì tự mình quán xuyến, ít khi bàn bạc hay thố lộ cùng ai. Không thích mợ Hai từ khi mới về nhà làm dâu. Càng khó chịu hơn nữa khi có người khen mợ Hai giỏi cái nầy, hay cái kia, thậm chí là xinh đẹp hơn. Mâu thuẫn ngày càng lớn, bà Cả lại hay bênh con mình nên lâu dần trong nhà luôn có sự tranh chấp ngấm ngầm. Thiệt thòi luôn vẫn ở phần mợ Hai.

Kể từ khi cô Bảy Dễ dời đi, công việc nhà cũng như ngoài đồng đều thuận buồm xuôi gió ngày càng phát đạt. Rộng rãi và tự do nên cậu Hai ngoài thú vui đờn ca, hát xướng nay còn bắt đầu sinh ra cờ bạc rượu chè ngày càng thâm lạm. Cậu còn muốn sắm xe hơi để đi Sài Gòn, lên chơi ở “Đại thế giới” cho biết. Mợ Hai cản ngăn làm dữ lắm mới xong. Nhưng đã quen cờ bạc rồi thì khó mà bỏ được.

Đến năm Tây đem lính xuống làng đóng trên lộ đá bắn phá, ruồng bắt nghĩa quân và đốt nhà trong xóm, chỉ trừ nhà Bộ An vì có con làm thông ngôn theo Tây về làng nên mới khỏi. Mợ Hai cùng với gia đình chỉ kịp đem mấy cặp liễng và một ít bàn ghế, chén dĩa soong nồi liệng đùa xuống ao, đìa để tránh lửa cháy. Tàn cuộc tài sản của cải coi như mất trắng chỉ còn trơ lại cái nền nhà..

Cậu Hai tự tay gầy dựng lại nhà cửa. Thầy bói khuyên nên đắp nền nhà tấn lên phía trước thì mới bền vững. Vì tiếc mấy tảng đá xanh chôn chặt bao đời nay nên cậu vẫn dựng lại cột gỗ căm-xe kê táng trên nền nhà cũ. Chỉ lót gạch sân phơi lúa phía trước nhà, đốn dừa, phát quang thông thống ra ngoài lộ đá. Mặt tiền nhà khang trang hơn trước. Từ trên đường cái nhìn vào, nhà xây đúng cách “Tiền mã hậu gia.” Nghĩa trang gia tộc lừng lững trên gò đất cao trước hàng dừa xanh um, bát ngát.

Chưa được bao lâu thì Việt Minh nổi lên. Sự thế đổi khác. Họ bắt dân làng nhà nhà đều phải nộp tiền để ủng hộ kháng chiến. Đồng thời tịch thu dần các mẫu ruộng của chủ điền trong các khu căn cứ để chia lại cho tá điền, bần nông làm chủ. Công việc đồng áng không còn nhộn nhịp như xưa, dân tình chia hai, người trong bưng kẻ ngoài lộ đá. Chiến sự lan tràn. Đôi bên ra sức đánh phá. Vu cáo lẫn nhau để ám sát hay bức hại dân lành.


Đầu năm 1945 lại xảy ra nạn dịch đậu mùa hoành hành dữ dội, người làng chết như rạ. Mợ Hai đang ở cữ đứa thứ mười thì vướng bệnh. Đứa nhỏ chưa đầy tháng đã mất. Cả nhà lánh nạn chạy lên chùa tá túc chỉ còn cậu Hai ở lại túc trực bên giường bệnh lo sắc thuốc, săn sóc mợ Hai cho đến khi lành bệnh. Nhưng sau đó cậu Hai bị lây nhiễm và không qua khỏi. Mợ Hai trở thành góa bụa năm 38 tuổi.

Lúc bấy giờ trong họ tộc ngầm tín nhiệm cô Bảy Dễ lo chuyện chung như cúng giỗ, chăm sóc mồ mả ông bà tổ tiên cũng như qui định phần mộ cho người trong thân tộc khi qua đời. “Chỉ đâu chôn đó.” Dần dần xem xét luôn việc dựng vợ gả chồng cho con cháu trong họ. Đại diện cho nhà Cả Tam khi có đình đám ở trong làng. Sau đám giỗ đầu của cậu Hai, cô Bảy Dễ kén dâu cho người con trai trưởng của cậu Hai là Hai Kiệm mà không hề có ý kiến của mợ Hai. Tuy là dâu con ở với mẹ chồng nhưng lại vâng lời và nghe lời chỉ bảo của cô Bảy Dễ.

Hai Kiệm tính tình hiền lành hơi nhu nhược, bỏ học sớm, ưa nhậu nhẹt say sưa. Không lo gì việc đồng áng nói chi tới việc nhà. Mọi sự giao hết cho vợ. Đến khi có con đầu lòng lại muốn sắm xe ngựa. Trong làng có ông Bảy Hào chuyên nghề xe ngựa có mấy chiếc chạy đường Chợ Gạo – Mỹ Tho. Thương tình quen biết với cậu Hai Cảnh nên sang nhượng lại cho Hai Kiệm một chiếc xe ngựa cùng nhau dong ruổi cả ngày trên đường lộ đá. Chiều nào về hai người cũng tổ chức ăn nhậu cho tới khuya. Say sưa có hôm không về nhà mà ngủ ở lại luôn cho đến sáng.

Lâu nay vợ Hai Kiệm vì muốn lấn quyền mợ Hai và vượt qua phận làm con dâu nên toa rập với cô Bảy Dễ cáo giác mợ Hai có tư tình với Bảy Hào. Lựa hôm Bảy Hào nhậu say xỉn ngủ lại nhà báo cho cô Bảy Dễ biết để dẫn đầu nhà Cả Tam đốt đuốc rầm rập chạy tới nhà mợ Hai bắt gian tế.

Sau đó sự việc được đưa ra trước nhà việc Long Bình Điền xét xử. Bảy Hào khai chỉ tới nhà nhậu chơi với Hai Kiệm như tình chú cháu chứ không có ý tư tình gì cả với mợ Hai. Làng bãi nại đôi lần vì thiếu chứng cớ. Nhưng cô Bảy Dễ áp lực với làng xin xử lại viện cớ là

– Ngay tình, say xỉn sao còn có thể nhảy trốn trong lu đựng nước mưa có che mái lá dầm.

Các chức việc trong làng là chỗ quen biết thân tình với nhà Cả Tam, vả lại cũng kính nể cô Bảy Dễ nên đã xử ép Bảy Hào tuy không có chứng cớ nhưng đêm hôm đến nhà đàn bà góa mà ngủ lại qua đêm là không được nên xử tự hậu không được đến nhà Hai Kiệm nữa. Còn mợ Hai là người có nhan sắc lại góa bụa mà không biết giữ gìn ý tứ. Ban đêm có đàn ông con trai lạ say xỉn trong nhà mà không báo cho người thân đưa về là không ngay tình nên phạt án đòn 20 roi làm gương.

Bảy Hào xấu hổ về việc nhảy trốn trong lu nước. Làng trên xóm dưới xóm đồn đại về việc nầy không chịu nổi nên đành bỏ xứ ra đi lên chợ Mỹ Tho cất nhà bên Bến Tắm Ngựa làm nghề hớt tóc, chải bờm và đóng móng ngựa.

Cô Bảy Dễ họp gia tộc nhà Cả Tam, căn cứ vào án phạt của làng đuổi mợ Hai ra khỏi nhà từ đường. Vì có ba đứa con còn nhỏ nên cắt phần đất phía trong có độ trăm gốc dừa để thu huê lợi nuôi con. Vợ chồng Hai Kiệm thừa kế tất cả ruộng vườn, gia sản nhà Cả Tam

Ban đầu mợ Hai định dẫn con về quê cũ ở gần bến đò Chợ Gạo sinh sống, nhưng sau nghĩ lại dù thế nào đi nữa cũng còn tiếng đời là con cháu Cả Tam, không lẽ trôi sông lạc chợ. Phận mình đã đành sao lại để tiếng xấu cho con. Hơn nữa để chứng tỏ cho mọi người biết sự ngay tình của mình không có làm điều gì xấu hổ để phải bỏ đi. Mợ Hai quyết định trụ lại với bốn liếp vườn dừa, mở tiệm tạp hóa bán trong xóm và cất chuồng nuôi heo bầy.

Không cho con theo thói quen ăn chơi như công tử nhà giàu mà phải ra sức học hành để có chữ nghĩa với đời. Trời không phụ, ba đứa con sau nầy đều trở thành thầy, cô giáo và đứa út lên Sài Gòn học Cán Sự Điều Dưỡng sau ra trường về làm Trưởng chi Y tế ở Tầm Vu, Long An.

Lúc bấy giờ sau đình chiến năm 1954, xã hội phát triển theo đà văn minh thành thị cho nên sự học sẽ đem lại kiến thức và đồng thời nâng cao phẩm giá con người. Sự giàu có ở nông thôn không còn là giá trị cố hữu như trước nữa. Kinh tế cá nhân không còn lệ thuộc vào huê lợi ruộng vườn mà tự lập qua lương bổng hằng tháng nên rất ổn định. Mợ Hai giờ hãnh diện là đã nuôi con ăn học thành tài được hàng xóm trọng vọng. Lần lượt mấy đứa con lập gia đình ở thành phố đã nhiều lần muốn rước mợ Hai lên ở chợ. Nhưng chỉ được một vài hôm là đòi về nhà sống một mình thấy vui thú hơn.


Sự xung đột giữa mợ Hai với gia đình chồng cũng vẫn còn ngấm ngầm, nhất là khi thấy con đường đi lên của gia đình mẹ góa con côi chỉ với bốn liếp dừa lão. Lần cuối cùng cô Bảy Dễ lấy quyền đại diện nhà Cả Tam để từ chối cưới vợ cho chín Công, đứa con út của mợ Hai. Chín Công có quen biết một cô gái nết na, hiền lành xinh đẹp con của một thương gia giàu có ở chợ Tầm Vu xin vào học y tá trong bệnh xá quận. Đôi bên gia đình đều đồng ý tiến hành hôn nhân sau khi cô gái hoàn tất khóa học.

Tối hôm trước khi mợ Hai rời Tầm Vu trở về quê, chín Công hỏi:

– Má thấy cặp mắt cô Mai có gì lạ không?

– Không.

Chín Công kể lại rằng lúc nhỏ khi còn đi học cô Mai bị một cô bạn gái ngồi kế bên quơ trúng ngòi viết nhọn vào giữa tròng mắt bên trái nên bị thương thành sẹo che con ngươi không thấy đường. Mợ Hai hỏi:

– Thiệt vậy không?

– Thiệt.

Sau đó vài lần mợ Hai sang Tầm Vu để tìm biết sự thật. Chín Công thương thật lòng và muốn cưới cô Mai làm vợ. Mợ Hai thương con cũng đồng ý. Nhưng không biết sao cô Bảy Dễ lại biết được sự việc nầy nên ra sức ngăn cản:

– Hết người rồi hay sao mà đi cưới con dâu chột mắt?

Mợ Hai mạnh dạn quyết định cùng với chín Công tiến hành lễ cưới đàng hoàng với đầy đủ lễ nghi. Dĩ nhiên cô Bảy Dễ tuyên bố từ cháu và không nhìn nhận cháu dâu. Sau đó chín Công xin đổi nhiệm sở đi thật xa về tận Tắc Vân, Cà Mau. Sống đầm ấm hạnh phúc. Được vài năm hai vợ chồng mở một tiệm lớn buôn bán hàng gia dụng cao cấp. Mợ Hai vẫn thường hay xuống dưới Cà Mau ở với hai vợ chồng vui vẻ.

Thế rồi cộng sản tràn về ngày 30 Tháng Tư năm 1975 khiến cho xã hội bị xáo trộn. Rất nhiều gia đình trong Nam lâm vào cảnh khốn đốn. Thành phần thất học theo cộng sản nay về thành đem theo sự kiêu ngạo và đối xử nhẫn tâm với người dân. Tệ hại hơn nữa là chính quyền mới lại cấu kết với các thành phần bất hảo để trấn áp dân lành.

Làng Long Bình Điền cũng không ngoại lệ. Các gia đình có liên hệ với chính quyền cũ bị trù dập và phân biệt đối xử. Còn những gia đình có người vượt biên, vượt biển thì thuộc thành phần phản động. Gia đình của Mợ Hai thuộc diện chế độ cũ có người đi cải tạo. Sau lại có thêm người vượt biển sống ở nước ngoài nên lại càng bị lưu ý trong hồ sơ đen của xã.

Đến khi cộng sản thi hành chính sách rập khuôn theo miền Bắc gọi là hợp tác hóa. Tất cả ruộng vườn tư nhân đều phải gia nhập vào hợp tác xã hoặc bị tịch thu gom lại thành những tập đoàn nông nghiệp do nhà nước quản lý. Mợ Hai mất trắng vì già yếu không còn sức lực để tham gia lao động sản xuất trong các hợp tác xã. Bốn liếp vườn dừa không bồi đắp hằng năm nên huê lợi kém. Thuế nông nghiệp lại cao nên mợ Hai giao ruộng đất luôn cho hợp tác xã quản lý.

Trước tình hình neo đơn như vậy, chính quyền xã nhân đạo đã hiến tặng lại cho mợ Hai một cái quan tài gọi là “dưỡng thọ” đem đến để ở bên hiên nhà phòng khi qua đời có hòm mà chôn cất. Kêu trời không thấu. Nỗi ám ảnh sự chết gần kề. Càng ngày càng sợ. Mợ Hai thường hay bỏ nhà lên chùa làm công quả, lâu dần ở lại luôn trên chùa.

Rằm Tháng Giêng năm Quí Tỵ mợ Hai qua đời tại chùa Long Điền, được đem về an táng trong nghĩa trang tộc họ nhà Cả Tam nhưng không được dựng mộ bia vì chết nhằm ngày “táng vô mộ chí” theo lời cô Bảy Dễ.

Không có nhận xét nào: