Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 27/08/2022


Liên Hiệp Quốc: Nga ngăn chặn việc thông qua một tuyên bố về giải trừ vũ khí hạt nhân - Logo của Liên Hiệp Quốc trước trụ sở chính ở New York, nơi diễn ra Hội nghị chống phổ biến vũ khí hạt nhân kéo dài từ ngày 01-28/08/2022. AP - John Minchillo Thùy Dương Sau 4 tuần họp lại, hội nghị lần thứ 10thẩm định việc thực thi Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân TNP đã kết thúc vào thứ Sáu 26/08/2022 mà không có kết quả. Nga đã ngăn cản Liên Hiệp Quốc thông qua một tuyên bố chung. Hiệp ước TNP nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí nguyên tử, thúc đẩy giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. 
<!>
Hội nghị lần thứ 10 thẩm định việc thực thi TNP quy tụ 191 nước ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đã mở ra từ ngày 01/08 tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.

Đại diện của Nga, Igor Vishnevetsky, đã tố cáo sự thiếu cân bằng và phản đối việc một số đoạn trong dự thảo văn bản cuối cùng dài hơn 30 trang mà theo ông, mang tính « chính trị một cách vô liêm sỉ ». AFP cho biết theo một số nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, Nga đặc biệt phản đối các nội dung liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraina mà quân Nga đang chiếm đóng.

Sau phát biểu của phái đoàn Nga, chủ tịch hội nghị, Gustavo Zlauvinen, thông báo « hội nghị không thể đạt được thỏa thuận ». Tuy nhiên, Beatrice Fihn, lãnh đạo ICAN - Chiến Dịch Quốc Tế Xóa Bỏ Vũ Khí Hạt Nhân - lưu ý: Vấn đề thực sự là dù văn bản có được thông qua hay không, thì cũng không thể làm giảm mức độ đe dọa hạt nhân, bởi vì dự thảo văn bản có nhiều « điểm yếu kém và tách rời khỏi thực tế », cũng như không có « các cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân ».

Hôm nay, Áo, một quốc gia trung lập và phi hạt nhân, đã tố cáo thái độ của các cường quốc hạt nhân : « Trong khi hơn 3/4 trong số 191 quốc gia ký kết ủng hộ những tiến bộ đáng tin cậy để giải trừ vũ khí hạt nhân, thì chính các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và trước hết là Nga lại chống đối » những nỗ lực này. Thông cáo của chính phủ Áo còn chỉ trích Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh và Nga, năm nước có vũ khí hạt nhân, « đi ngược cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân », tiếp tục « bổ sung hoặc hoàn thiện kho vũ khí nguyên tử ».

Diễn đàn Greenland về Vòng Bắc Cực : Quân sự, quốc phòng là một chủ đề thảo luận chính


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại khu căn cứ quân sự không quân 4 Wing Cold Lake, ở Cold Lake Alta, ngày 26/08/2022. AP - JASON FRANSON
Trọng Nghĩa
Diễn đàn Greenland về Vòng Bắc Cực khai mạc vào thứ Bảy 27/08/2022 tại Nuuk, thủ phủ hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm Diễn đàn mới được tổ chức trở lại, với sự tham dự của hàng trăm nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp, các tộc trưởng thổ dân và nhiều chính trị gia, trong đó có ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Chương trình thảo luận tại Diễn đàn liên quan đến nhiều vấn đề, chẳng hạn làm thế nào để khu vực này có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, đâu là tương lai cho các hoạt động khai thác kim loại hiếm, nay đã dễ tiếp cận hơn do băng tan. Nhờ nguồn kim loại hiếm, chất đốt, cũng như vị trí địa chiến lược, Bắc Cực ngày càng thu hút sự quan tâm của các cường quốc trong đó có cả Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, các nước không chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại tại Bắc Cực, chiến tranh Ukraina và mong muốn muốn gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu Phần Lan và Thụy Điển đã làm gia tăng căng thẳng với Nga ở vùng Bắc Cực. Vì thế, quân sự, quốc phòng cũng là những vấn đề chính được thảo luận tại Diễn Đàn Greenland.

Nhân dịp này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 26/08 thông báo thành lập chức vụ đại sứ Bắc Cực. Theo AFP, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực mang tính chiến lược này, để đối phó với những tham vọng của Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực. Quyết định của bộ Ngoại Giao Mỹ còn phải được Thượng Viện thông qua. Hiện tại, Washington mới có điều phối viên về Bắc Cực chứ chưa có đại sứ.

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg khi đến thăm các cơ sở quân sự ở Bắc Cực nhân chuyến công du Canada, nhấn mạnh : Liên Minh Bắc Đại Tây Dương phải củng cố an ninh ở sườn bắc để chống Nga, bởi « hành trình ngắn nhất đến Mỹ đối với tên lửa và oanh tạc cơ Nga » là qua Bắc Cực. Chính vì lẽ đó, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh Bắc Cực có vai trò chiến lược sống còn đối với Bắc Mỹ và NATO.

Ấn Độ đối lập với Nga tại LHQ, lần đầu tiên từ khi Nga xâm lược Ukraina


Quang cảnh cuộc họp ngày 24/08/2022 tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà Ấn Độ là thành viên không thường trực đến tháng 12/2022. AP - Mary Altaffer
Trọng Nghĩa
Trong một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ngày 24/08/2022, Ấn Độ đã bỏ phiếu chống lại quan điểm của Nga. Matxcơva phản đối việc mời tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham gia trực tuyến một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận về sáu tháng xung đột, trong khi New Delhi thì ủng hộ. Tuy nhiên, sự kiện đó sẽ không ảnh hưởng đến tính trung lập của Ấn Độ trong cuộc xung đột Nga-Ukraina.

Thông tín viên RFI tại Bangalore, Côme Bastin, phân tích:

« Trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, mà Ấn Độ là thành viên không thường trực cho đến tháng 12/2022, câu hỏi được nêu ra là sự tham dự của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Phía Nga đòi tổng thống Ukraina phải đích thân đến New York dự họp.

Vì thế, trong một cuộc bỏ phiếu về việc mời tổng thống Zelensky dự họp theo hình thức trực tuyến, Nga đã bỏ phiếu chống, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng và Ấn Độ bỏ phiếu tán thành.

Báo chí Ấn Độ đã bình luận nhiều về dấu hiệu bất đồng đầu tiên mang tính biểu tượng, nhưng theo ông NandanUnnikrishnan, chuyên gia về quan hệ với Nga, sự kiện đó chỉ có ý nghĩa tương đối. Ông giải thích:

“Đó là một cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục. Do vậy, đó là một cách để Ấn Độ cho thấy rằng họ có thể hành động độc lập. Ấn Độ quả là có thể biểu thị thái độ độc lập, nhưng chỉ trên một số vấn đề nhất định mà thôi. Riêng về Ukraina, Ấn Độ vẫn từ chối lên án hành động xâm lược của Nga.”

Bộ Ngoại Giao Ấn Độ hôm 25/08 cũng phủ nhận việc họ bỏ phiếu chống Nga, nói rằng cả hai nước đều đồng ý về sự tham gia của ông Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, đối với chuyên gia NandanUnnikrishnan, lập trường phi liên kết của Ấn Độ có thể khó duy trì được lâu: “Thế giới mới mà chúng ta thấy đang trỗi dậy sẽ là một thế giới lưỡng cực. Nếu điều này trở nên rõ nét hơn, Ấn Độ có thể bị buộc phải gia nhập khối phương Tây”.

Tại cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Ukraina. Hôm 25/08 vừa qua, New Delhi xác nhận việc gởi chuyến hàng nhân đạo thứ 12 đến Ukraina bao gồm thiết bị dược phẩm y tế. »

Biển Đông : Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới cắt « đường lưỡi bò » khỏi bản đồ Trung Quốc



Trung Quốc xác quyết chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông khiến nhiều nước trong khu vực bất bình. RFI
Trọng Nghĩa
Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới vừa kín đáo cắt bỏ « đường chín đoạn » trên Biển Đông khỏi bản đồ sóng nhiệt tại Trung Quốc đăng trên trang Facebook của mình. Sự kiện này xẩy ra sau khi Việt Nam, ngày 25/08/2022 đã chính thức lên tiếng phản đối.

Theo ghi nhận của hãng truyền thông Ấn Độ ANI, bản đồ minh họa cho một bài viết về đợt nắng nóng đang diễn ra ở Trung Quốc đã bị chỉnh sửa vào hôm nay, 27/08/2022 để chỉ hiển thị phần đất liền, bỏ đi phần biển có đường chín đoạn. Trên một bản đồ trước đó, độc giả có thể thấy ở góc một tấm bản đồ lớn một khung nhỏ biểu thị vùng biển có đường lưỡi bò.

Việc cắt bỏ đường lưỡi bò trên bản đồ Trung Quốc được thực hiện sau khi Việt Nam yêu cầu Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới dỡ bỏ đường chín đoạn để tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo hôm 25/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lưu ý Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới về vấn đề này đồng thời bác bỏ « cái gọi là đường chín đoạn », bị tố cáo là đi ngược lại luật pháp quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982).

Hãng tin Ấn Độ nhắc lại : Đường chín đoạn đã được Trung Quốc sử dụng để tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, nhưng đã bị quốc tế tố cáo và bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý quốc tế.

Với thái độ quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, sự bất bình của các nước Đông Nam Á ngày càng cao.

Phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga : Matxcơva sẽ không đình chiến dù Kiev ngưng đòi gia nhập NATO


Cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga trả lời phỏng vấn kênh truyền hình LCI ngày 26/08/2022. © Ảnh chụp màn hình LCI. Thùy Dương
Cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga hôm 26/08/2022 tuyên bố : Matxcơva sẽ không chấm dứt « chiến dịch quân sự » tại Ukraina kể cả khi Kiev từ bỏ việc xin gia nhập Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương.

Trả lời phỏng vấn đài LCI của Pháp, phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, DmitriMedvedev, người thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định Nga sẵn sàng thương lượng với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, nhưng với một số điều kiện và các cuộc thương lượng cũng sẽ phụ thuộc vào tiến triển của tình hình.

Đối với Medvedev, điều quan trọng sống còn hiện nay là Kiev từ bỏ việc muốn gia nhập NATO, nhưng điều đó « sẽ là chưa đủ để tái lập hòa bình ». Ông khẳng định Matxcơva sẽ tiếp tục « chiến dịch quân sự » tại Ukraina cho đến khi đạt được các mục tiêu.

Khi dân Nga nhiệt tình « săn lùng tin giả » chống quân đội
Cũng trong ngày hôm qua 26/08, Roskomnadzor, cơ quan quản lý viễn thông Nga, có vai trò như lực lượng cảnh sát internet, ra báo cáo cho biết số vụ tố giác trong dân chúng đã tăng mạnh từ khi Nga xâm lược Ukraina.

Xin nhắc lại là chỉ ít ngày sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân sang xâm lược Ukraina, Matxcơva ngày 04/03/2022 đã thông qua luật cấm « làm mất uy tín các lực lượng vũ trang Nga ». Theo đạo luật này, người vi phạm có thể bị phạt tới 15 năm tù giam. Từ đó, một bộ phận trong xã hội Nga đã tích cực tham gia vào việc săn lùng « tin giả » chống quân đội và tố giác với cơ quan quản lý viễn thông của Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri gửi về bài tường trình :

« Số vụ tố giác với lực lượng cảnh sát internet Nga đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Chính cơ quan này đã nêu rõ sự việc trong một báo cáo được đăng tải công khai trên trang web chính thức hôm thứ Năm (26/08). Đó là các tố giác bằng văn bản gửi qua mạng internet, đường bưu điện hay qua điện thoại.

Cơ quan quản lý viễn thông Nga, Roskomnadzor, nêu số tổng cộng chính xác có 144.835 tố giác trong vòng 6 tháng, đỉnh điểm là hồi tháng Ba vừa qua, tức là vào thời điểm đạo luật chính thức trấn áp các thông tin sai lệch về quân đội được thông qua.

Đó cũng là thời điểm các phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng của Nga ngưng mọi hoạt động trong nước. Kênh truyền hình Dojd đã bị xếp vào diện "nhân viên nước ngoài" hồi vào mùa hè năm 2021. Đài phát thanh Tiếng vọng Matxcơva giải thể ngày 03/03. Nhật báo Novaya Gazeta ngưng xuất bản từ ngày 28/03.

Roskomnadzor không nêu cụ thể tỉ lệ chính xác của các tố giác, nhưng lưu ý "đa phần liên quan đến các thông tin bất hợp pháp trên mạng internet và các thông tin sai lệch về chiến dịch đặc biệt ở Ukraina". »

Không có nhận xét nào: