Đây là bài số sáu trăm hai mươi bảy (627) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon. Chủ nhật 8-28-2022 vừa qua vợ chồng người viết được cậu em trai chở qua chùa đi dự lễ Vu Lan ở Bửu Hưng Tu viện, Vancouver, WA.Đã từ lâu rồi vì “tuổi hạc khá cao” nên vợ chồng người viết không dám lái xe đường xa lộ nữa vì nếu chạy xe trên xa lộ, ban phải tuân theo luật lệ tốc độ lái xe trên xa lộ vì nếu bạn chạy chậm quá làm cản trở lưu thông trên xa lộ, bạn cũng sẽ bị ông cảnh sát hỏi thăm sức khỏe cũng giống như bạn chạy quá tốc độ trên xa lộ.
Hơn thế nữa, từ nhà của người viết lái xe qua chùa Bửu Hưng it nhất cũng mất hơn 30 phút lái xe đường xa lộ vì thế mấy năm gần đây, người viết cũng không thể đi chùa Bửu Hưng thường xuyên được. Cũng đành thôi! Cũng may người viết được gia đình người em trai út rất tốt bụng đã có lòng ra tay giúp đỡ lái xe chở vợ chồng người viết đi chùa vào những ngày lễ lớn hay vào dịp Tết. Xin cám ơn lòng tốt của Thành và Hương nhé.
Đại lễ Vu Lan tại chùa Bửu Hưng được tổ chức dưới sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Tâm Hoàn tru trì Chùa Giác Hoa, kiêm viên chủ Bửu Hưng Tu Viện và hứa khả thuyết giảng “Con Đường Hiêu Đạo Mẹ và Con” với chương trình như sau:
10:00 am - 1:00 pm - Nghi Lễ Vu Lan, Lễ Dâng Hoa, Lễ Chúc Thọ, Bông Hồng cài áo
- Thuyết giảng “ Con Đường Hiếu Đạo Mẹ và Con” TT. Thich Tâm Hoàn
- Cúng Chư Hương Linh
- Cúng dường Trai Tăng và Phật tử thọ trai
Vợ chồng người viết hân hạnh được sư cô Huệ Hương mời ngồi vào hàng ghế đặc biệt cùng với qúy vị Phật tử khác niên kỷ trên 70 tuổi để nhận một hoa hồng từ Thượng Tọa Thích Tâm Hoàn trao tặng và một gói quà trong Lễ Chúc Thọ do chùa Bửu Hưng kính biếu.
Thật là niềm vui và cảm động khi chúng tôi nhận được ân phúc này.
Kính tri ân đến Thầy Thích Tâm Hoàn, sư cô Huệ Hương và ban tổ chức ch ùa Bửu Hưng đại Lễ Vu Lan và Lễ Chúc Thọ đặc biệt này đến với những người “không còn trẻ nữa” như chúng tôi.
Người viết không có đi chùa thường xuyên nhưng lúc nào cũng tán thán công đức những người làm việc thiện nguyện tại các chùa với cái tâm vô vị lợi vì ít ra trong những lúc bạn bận rộn việc Phật sự như thế, bạn đã chia sẻ cái tâm từ bi hoan hỷ đến với mọi người nên bạn không có thì giờ để nghĩ đến những việc ác khác. Đó là một việc làm tốt lành.
Người viết vẫn thường tâm niệm rằng: Một xã hội nếu xây thêm được một trường học cho tuổi trẻ, thành lập thêm được một nhà dưỡng lão cho tuổi già, cất thêm được một ngôi chùa hay một ngôi giáo đường cho nhiều người tu học, bắt thêm được một nhịp cầu, một con đường cho thiên hạ qua lại, thì vẫn tốt hơn là xây thêm một tòa án, một nhà tù, một lò nguyên tử phục vụ chiến tranh. Bạn có đồng ý hay chăng?
Khi chúng ta đi cúng chùa, làm được một việc thiện phước lành tức là chúng ta đang tu tập học hạnh bố thí mà chư Phật đã dạy. Theo nghĩa thông thường, thì bố thí cũng là một hình thức giúp đỡ (bố thí tài vật, bố thí pháp ngữ v..v…) tạo một ân phước nào đó đối với người nhận, nghĩa là trong việc này có kẻ cho và có người nhận.
Người xưa thường dạy “thi ân bất cầu báo”. Dù là bậc tăng già, cư sĩ hay đại chúng bình thường, khi đã thực tâm thực hành hạnh bố thí thì đừng mong cầu một sự cám ơn nơi người nhận mà đôi khi chúng ta cần phải cám ơn người nhận vì chính nhờ có người nhận nên người cho mới có thể thực hành sự bố thí đó được như trong câu chuyện mà người viết sưu tầm được trong 101 chuyện Thiền do Trần Đình Hoành dịch và bình dưới đây:
Người Cho Nên Cám Ơn
Lúc Seisetsu giảng dạy tại chùa Engaku ở Kamakura, thiền sư cần phòng ốc rộng hơn, vì nơi giảng dạy của thầy đã quá chật. Umezu Seibei, một thương gia ở Edo, quyết định là sẽ tặng 500 đồng vàng, gọi là ryo, vào việc xây trường rộng thêm. Umeza mang tiền đến cho thiền sư.
Seisetsu nói: “Tốt lắm. Tôi sẽ nhận.”
Umezu trao bao vàng cho Seisetsu, nhưng không hài lòng với thái độ của thiền sư. Một người có thể sống cả năm với chỉ 3 ryo, nhưng thương gia này không nhận được cả một tiếng cám ơn.
“Trong bao đó có 500 ryo,” Umezu nhắc khéo.
“Anh đã nói cho tôi biết rồi,” Seisetsu trả lời.
“Dù tôi là một thương gia giàu có, 500 ryo vẫn là rất nhiều tiền,” Umezu nói.
“Anh muốn tôi cám ơn anh?” Seisetsi hỏi.
“Thầy nên làm vậy,” Umezu trả lời.
“Tại sao tôi nên cám ơn?” Seisetsu thắc mắc. “Người cho nên cám ơn.”
Bình:
• Bố thí là một thực hành lớn trong nhà Phật. Con đường Bồ-tát (Bồ Tát Đạo) có 6 nhánh qua sông (lục độ ba-la-mật), tức là sáu phương cách thực hành (“hạnh”) để đến giác ngộ, trong đó Bố thí là “hạnh” đầu tiên–Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Cho đi cái mình có là cách đương nhiên nhất để thực hành “vô ngã” (“không có cái tôi”).
• Bố thí thế nào? Kinh Kim Cang, đoạn 4 viết: “Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.”
Câu này có nhiều tầng triết lý rất sâu xa, tuy nhiên nói giản dị theo cách sống hàng ngày của chúng ta thì câu này có thể hiểu là bố thí mà chẳng cầu gì cả, chẳng để được thấy tên mình trong danh sách (sắc), hay nghe được tên mình (thanh), hay tiếng tăm lừng lẫy của mình (hương), hay để nếm vị vinh quang của mình (vị), hay sờ được tên mình khắc trên bia đá (xúc), hay vì bất kỳ điều gì trong vũ trụ (pháp).
Bố thí với một tâm hoàn toàn rỗng lặng. Ngay cả dùng đạo pháp làm chủ đích của bố thí cũng không. Đoạn 14, Kinh Kim Cang viết: “Nếu Bồ-tát trụ nơi pháp mà làm việc bố thí thì ắt như người vào trong tối không thể thấy. Nếu Bồ-tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí thì như người có mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi, thấy các thứ hình sắc.”
(Ghi chú: Bố thí không vì mình mà vì đạo pháp thì hay lắm rồi, vẫn hơn không. Nhưng bố thí mà vượt qua được cả tầng “vì đạo pháp” này mới là chân ngộ của Bồ tát).
Bố thí tự nhiên như hít thở. Bố thí tự nhiên như khát nước thì uống nước mà chẳng hề suy nghĩ gì. Đó mới là bố thí hạnh của Bồ-tát.
• Đương nhiên là bố thí mà cần cám ơn như Umezu là không nên rồi. Và đương nhiên là một câu cám ơn cũng chẳng tốn công gì mà thiền sư Seisetsu lại không thể nói một tiếng cho vui vẻ cả làng. Nhưng, có lẽ là thiền sư biết tâm tính Umezu và cố tình im lặng để dạy cho Umezu một bài học về Phật pháp.
• Nhưng tại sao thiền sư nói “Người cho nên cảm ơn”?
Thưa, vì bố thí là hạnh Bồ tát, mà muốn thực hành hạnh này thì phải có người nhận. Nếu không có người nhận thì không thể làm việc bố thí được. Mang tiền ra vất ngoài sa mạc không phải là bố thí. Cho nên, người cho phải cám ơn người nhận đã tạo cho mình một cơ hội để thực hành hạnh bố thí.
Chú ý, câu đầu tiên thiền sư nói khi Umezu mang tiền vào: “Tốt lắm. Tôi sẽ nhận.” Tức là, tôi cho chú cơ hội làm việc bố thí.
• Không nên xem đây là một cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai người, Umezu và thiền sư, xem ai thắng.
Đa số mọi người trong chúng ta đều như Umezu, đều muốn nghe cám ơn khi bố thí–không những cám ơn mà còn phải cám ơn trên radio, TV, báo chí, Internet thì mới hả dạ. Umezu chẳng ai xa lạ hơn là cái tôi của mỗi người chúng ta.
Nhưng điều chúng ta không biết, và thiền sư Seisetsu muốn dạy, là: Người cho phải cám ơn người nhận.
( Nguồn: 101 Chuyện Thiền- Trần Đình Hoành dịch và bình)
Với lòng từ bi và bình đẳng, Đức Phật cũng đã dạy cho các tăng chúng cần phải biết rằng: Với lòng kính ngưỡng Phật Pháp thì việc cúng dường hai lít dầu thắp đèn của một bà lão nghèo nàn cũng có công đức ngang hàng như việc cúng dường hàng vạn ngọc ngà châu báu của vua Lương Võ Đế. Vì vậy chúng ta không nên phân biệt kẻ giàu sang quyền quý hay người cơ cực bần hàn trong việc tu tập công đức hay làm chuyện thiện lành. Bạn đồng ý chứ?
Mời xem Youtube Vu Lan Chúc Thọ năm 2022 do Chùa Bửu Hưng tổ chức do người viết thực hiện.
Video link
Vu Lan Báo Hiếu
Save
Vu Lan Chúc Thọ - Đại Lễ Vu Lan Bửu Hưng Tu Viện 8-28-2022
You saved to Vu Lan Báo Hiếu
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 627-ORTB 1054-8322022)
Sương Lam
Website: www.suonglamportland.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét