Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Một Mảnh Đời Rạn Vỡ - Đoàn Xuân Thu -


Video an ninh từ ngày 4 tháng 10 năm 2014 cho thấy người đàn ông được gọi là Tuấn Nguyễn 53 tuổi. Nguyễn là người vô gia cư trong ba mươi năm ở Canoga Park. ẢNH JOLLY DONUTS Đọc xong bài phóng sự điều tra của ký giả David Montero, “Who was Tuan Nguyen?” đăng trên nhật báo Los Angeles Daily News ngày 25 Tháng Mười năm 2014. nhiều người Việt Tỵ Nạn chúng ta đã không cầm được nước mắt! Bà Kristin Chan, 42 tuổi, đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng, đâm sầm chiếc Jeep Liberty của mình vào cửa trước tiệm Jolly Donuts, bán bánh ngọt và cà phê ở góc đường Roscoe và DeSoto giết chết một người khách hàng đang ngồi uống cà phê trong quán và làm bị thương bốn người khác. 
<!>
Cảnh sát không nghĩ là tài xế này gây tai nạn vì chịu ảnh hưởng của bia rượu hay ma túy. Băng hình an ninh ghi lại vào ngày Thứ Bảy, 4 Tháng Mười năm 2014 cho thấy nạn nhân đến tiệm uống cà phê nửa tiếng đồng hồ trước khi anh bị xe đụng chết.

Đã ba tuần trôi qua mà không có người thân nào đến nhận xác nạn nhân. Năm 2014, tại thành phố Los Angeles, số người chết vô thừa nhận, theo Sở Pháp Y cho biết là có 5 người không phân biệt được giới tính nên gọi là "Undetermined Doe"; nếu là nữ được đặt tên là Jane Doe, có 89 người; nếu là nam, John Doe 296 người. Nạn nhân trong tai nạn xe cộ này theo cảnh sát tới giờ này chưa xác định được nhân thân nên mang tên là John Doe 278.

Đêm John Doe 278 bị đụng chết, trong túi anh đầy những tờ vé số đã cạo, 350 đô la tiền mặt, một điện thoại di động hiệu Samsung. John Doe 278 chưa từng gọi cho ai và cũng không có ai gọi cho anh cả. Điện thoại di động nầy anh dùng chỉ để chơi ‘gêm’.

John Doe 278 là một người không nhà, cô độc, có thói quen đến quán Jolly Donuts lúc 9 giờ tối mỗi đêm, mua một tách cà phê và cắm cái điện thoại di động này vào ổ điện để ‘sạc’ pin. Trong tiệm chỉ có hai cái bàn đặt gần ổ điện; nếu lỡ có ai ngồi rồi thì John Doe 278 kiên nhẫn chờ cho đến khi nào nó trống!

Video an ninh từ ngày 4 tháng 10 năm 2014 cho thấy người đàn ông được gọi là Tuấn Nguyễn 53 tuổi. Nguyễn là người vô gia cư trong ba mươi năm ở Canoga Park.

Thói quen của John Doe 278 khi bước vào tiệm bỏ cái nón kết kiểu của cầu thủ chơi dã cầu ra, gọi một ly cà phê, giá một đô la, uống với sữa bột có thêm đường chớ không uống với sữa tươi.

Giờ định mệnh đêm Thứ Bảy, 4 Tháng Mười đó, lúc 9 giờ 36 phút 34 giây, có 6 người ngồi rải rác trong tiệm. Chiếc bàn quen thuộc của John Doe 278 đêm ấy không có ai ngồi. Cái điện thoại Samsung chưa ‘sạc’ đầy pin thì chủ nhân của nó đã chết.

Anh là ai? Những người buôn bán ở đó cho Cảnh Sát biết vài chi tiết về nạn nhân. John Doe 278 là một kẻ không nhà đã hơn 30 năm nay. Anh tên là Tuấn; họ là Nguyễn, sanh năm 1961.

Cảnh Sát tìm ở cơ quan cấp bằng lái xe, danh sách có 632 người cùng tên, cùng họ, cùng năm sanh. Lục trong hồ sơ Cảnh Sát không tìm được dấu vân tay vì tuy là kẻ không nhà nhưng anh chưa hề phạm tội, chưa hề làm điều gì lôi thôi với luật pháp.

Một con người không hề có tên trong bất cứ một hồ sơ lưu trữ nào, của bất kỳ một cơ quan nào, theo hệ thống lưu trữ bằng điện toán, là không hiện hữu… dù Tuấn đã và đang có mặt trên đất nước Hoa Kỳ này suốt hơn 30 năm qua! Giờ chết đi, không xác nhận được nhân thân, chỉ là một tấm thẻ bài màu xanh cột vào ngón chân cái bên phải, tấm chăn phủ xác cũng màu xanh, nằm trong cái hộp đựng xác của văn phòng giảo nghiệm y khoa với bí danh là John Doe 278.

Nhưng John Doe 278 cũng có một cuộc đời! Theo bà Lori Huỳnh năm nay 77 tuổi, bà biết Tuấn hơn 20 năm về trước. Câu chuyện của Tuấn , một người tị nạn, đến nước Mỹ vài năm sau Tháng Tư 75, khi Sài Gòn sụp đổ, cũng âm hưởng tương tự như là câu chuyện của đời bà Lori Huỳnh, một người vượt biển.

Sau khi trốn khỏi Việt Nam năm 1980, đến Hoa Kỳ, Lori Huỳnh, năm 1986, mua lại tiệm Violet Nails Salon! Bà để ý đến một thanh niên dáng vẻ Á Châu, gầy ốm, hay lang thang trong bãi đậu xe một mình. Tối ngủ quanh quẩn trong một ngõ cụt đàng sau các cửa tiệm ở góc đường Roscoe và DeSoto.

Thoạt đầu bà mời anh thanh niên này một ly cà phê để làm quen và những cuộc nói chuyện rời rạc giữa hai người trong suốt 2 năm, được kết lại, vẽ nên cuộc đời của Nguyễn Tuấn.

Trong số khoảng 200 ngàn người tị nạn đã chết trên biển vào những năm 70 và 80, năm 1988, Tuấn, một lần duy nhứt, kể cho bà nghe là cả gia đình cha mẹ, (có thể còn có anh em nữa?) tất cả đều đã chết hết trên biển trong thảm trạng thuyền nhân. Và Tuấn là người duy nhứt trong gia đình còn sống sót!

Năm 2007, sau khi bán tiệm nail của mình đi, bà Lori Huỳnh không có cơ hội gặp Nguyễn Tuấn thường như trước nữa. Bà đã yêu cầu người chủ mới tới hãy chăm sóc Tuấn giùm bà. Họ đồng ý! Và khi anh mất, họ cùng nhau đến đặt hoa nơi hiện trường tai nạn xảy ra để tưởng niệm người xấu số!

Nguyễn Tuấn là con của một gia đình công chức Sở Thủy cục và Điện Lực Sài Gòn! Tuấn từng học Petrus Trương Vĩnh Ký, một trường trung học danh tiếng ở miền Nam. Anh có năng khiếu về Toán. Mặc dù sống hàng ba thập niên trên đường phố, đôi khi anh ngồi, còn giữ thói quen ngồi vẽ những biểu đồ đơn giản. Trên cái túi đeo lưng của anh, luôn luôn có một cuốn sách.

Bà cũng kể cho Tuấn nghe về chuyến vượt biển của mình. Sau 75, gia đình bà phải tan đàn xẻ nghé vì người chồng phải đi học tập cải tạo! Về chiếc tàu trôi dạt với 300 người trên đó và phải sống 6 tháng trên một hòn đảo kinh hoàng, gần nước Nam Dương, trước khi đặt chân lên nước Mỹ!

Vì chia sẻ cùng chung một phần số, trong nhiều năm liên tục, bà Lori Huỳnh hay mang thức ăn đến cho anh. Bà nhớ Tuấn rất thích ăn mì.

Tuan Nguyen chưa từng nhờ vào bất cứ trợ cấp nào của chánh phủ Mỹ, anh tự kiếm sống bằng cách nhặt những lon bia rồi đem bán, lãnh đổ rác cho tiệm giặt quần áo kế bên tiệm nail

trong suốt 32 năm trời!

Kate Leone, chủ nhân của viện thẩm mỹ Maine Affair Beauty Lounge thuật lại: “Một tối Chủ Nhựt, bà quên khóa cửa tiệm. Ngày Thứ Hai lại nghỉ. Sáng Thứ Ba quay lại, hoảng hốt khi thấy cửa vẫn còn mở, sau khi xem xét không thấy mất cái gì; coi lại hệ thống an ninh ghi hình của cửa tiệm, bà biết tại sao đã không bị ăn trộm; vì anh Tuan Nguyen đã ở đó suốt ngày Thứ Hai để canh chừng tiệm cho bà! Dù phải bận ra ngoài chỉ một chút, khi quay lại, anh vẫn xem xét lại để đoan chắc là không có ai đột nhập vào lúc mình vắng mặt!

Bà Maria Avila, người cắt tóc cho anh một năm hai lần, đã khóc khi nghe anh tử nạn. Maria nói để tôi cắt tóc miễn phí cho; nhưng anh không chịu! Lần nào cũng nài nỉ trả cho tôi 10 đô la, công cắt tóc.

“Anh ấy nghĩ chúng tôi đã chăm sóc cho anh ấy nhưng thực ra anh ấy mới là người đã chăm sóc cho chính chúng tôi”. “He thought we were looking out for him, but he was looking out for us,”

Cô Brooke Carrilo, 42 tuổi, cũng là một kẻ không nhà, sau khi bị mất việc không trả nổi tiền nhà, phải sống trong một chiếc xe, gợi nhớ vài kỷ niệm với Tuan Nguyen.

Brooke làm việc thiện nguyện cho một nhà thờ, nấu nướng và phục vụ bữa ăn cho những kẻ không nhà vào mỗi Thứ Năm nơi Tuan Nguyen thường hay ghé qua. Brooke dọn bữa ăn cuối cùng cho Tuan Nguyen vào ngày 2 Tháng Mười tại nhà thờ, hai ngày trước khi anh mất. Hôm đó, Tuan Nguyen ăn một dĩa mì Ý (spaghetti) và uống một ly nước trái cây.

“Anh ấy là một phần của chúng tôi trong một khoảng thời gian dài! Một năm không ai nghĩ là dài nhưng một năm không nhà, bụi đời như vậy là khoảng thời gian rất dài. Huống hồ hơn những ba mươi năm!”

Đôi mắt Brooke Carrilo đẫm lệ khi nghe tin Tuan Nguyen đã chết. “Một ngày xe bị hết xăng, anh móc túi cho tôi chút đỉnh tiền đổ xăng! Để tôi có thể di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác nhằm tránh sự quấy nhiễu của Cảnh Sát tuần tra” “Một con người tử tế, nhân hậu, không làm phiền nhiễu bất cứ một ai!”

Tuan chỉ có hai tật xấu: hút thuốc (tự mình vấn lấy) và mua vé số cạo! Cách đây không lâu, trúng được 800 đô, anh mua hoa tặng cho tiệm nail và nước hoa tặng cho mấy cô làm trong tiệm!

Hiện thời Tuan Nguyen đang nằm trong nhà xác, gần với khoảng 200 xác vô thừa nhận khác. Nếu không có bà con thân nhân nào đến nhận xác, anh sẽ được lấy mẫu DNA để lưu trữ. Từ 2 tới 4 tháng, xác John Doe 278, sẽ được đưa tới lò thiêu của quận Cam! Sau đó tro xác được lưu giữ tại nghĩa trang của thành phố Los Angeles. Tháng Chạp, thành phố sẽ làm một buổi lễ đơn sơ để chôn cất tất cả tro xác của những người chết vô thừa nhận vô cùng chung một huyệt mộ! Trên bia mộ chỉ đề duy nhứt năm những nạn nhân vô thừa nhận đã qua đời: 2014!

Cuối cùng Nguyễn Tuấn đã trở về nhà!

Có độc giả tự hỏi: “Tại sao một con người nhân từ, có tinh thần trách nhiệm như thế lại sống 30 năm ở ngoài đường? Tại sao anh ấy không xin phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ cấp tổng quát (General Relief) của chính phủ?” Vâng cũng có người đã giúp anh tìm một chỗ tạm cư; nhưng sau đó anh lại trở về đời ‘homeless’; vì theo anh ở đó vẫn còn người đối xử tử tế với anh!

Ký giả bài phóng sự điều tra này phỏng đoán: “Tôi nghĩ đây là câu chuyện bi đát của một người không quên được các thảm kịch mình đã trải qua; rồi sau đó không còn muốn trở về với đời sống thực tế nữa!”

“Tôi đoán trong chuyến vượt biển, cái chết của cha mẹ anh kinh khủng lắm nên anh mới thành một con người khác hẳn chúng ta.”

* * *
Thưa! Người viết bài nầy đã từng gặp một thanh niên tị nạn Việt Nam ở Flemington, Melbourne, Úc Châu, bề ngoài có vẻ rất bình thường, một hôm tình cờ bước vào một căn ‘flat’ của chánh phủ cho anh mướn. Trong nhà không còn một khoảng trống nào, từ phòng khách vào tới nhà bếp. Toàn là những chai nước ngọt đủ cỡ, đựng đầy những nước. Khi được hỏi chứa nước nhiều như vậy để làm gì? Thì mặt anh đột nhiên trở nên nhăn nhúm, thống khổ như hình tranh lập thể của họa sĩ Picasso, anh trả lời: “Ông không biết! Chớ nước quý lắm đó!”

Ôi! Những thảm kịch kinh hoàng của thuyền nhân trên biển. Những bi kịch không thể nhạt phai, những chấn thương tâm lý không bao giờ hồi phục. Chúng ta vô tình thản nhiên đi qua những niềm đau đó. Bác sĩ có thể chữa lành những vết thương về thể chất; còn những chấn thương tinh thần nầy mãi mãi sẽ không yên cho đến khi nạn nhân về với mộ!

Xin anh Nguyễn Tuấn (tên Việt Nam), Tuan Nguyen, (tên Mỹ) và John Doe 278, (tên một xác chết vô thừa nhận), đã sống một cuộc đời lặng lẽ, đã chết trong cô đơn, sẽ được bình yên phía bên kia cuộc đời, sum họp với cha mẹ, với anh em… Chắc sẽ làm đời anh bớt đau đớn hơn chăng?!

Vĩnh biệt anh! Một hình tượng của thảm trạng thuyền nhân Việt Nam!

Đoàn Xuân Thu – melbourne.
(Theo David Montero, Los Angeles Daily News.)

Không có nhận xét nào: