Tôi không nhớ rõ đó là Xuân năm 1973 hay 74, sáng mùng một ngày đầu năm, đoàn Hướng Đạo của tôi nhận nhiệm vụ làm công tác tại Lăng Ông Bà Chiểu. Ngày Tết tại Lăng Ông người ta đi lễ xin xăm tại đây đông đảo và sẽ đốt nhang đèn vàng mã rất nhiều nên nhiệm vụ những Hướng Đạo Sinh chúng tôi là phòng cháy, và nếu hoả hoạn nhỏ xảy ra cũng có thể chữa cháy liền cấp thời. Và ngày đầu năm làm công tác đó tại Lăng Ông Bà Chiểu, khi đang rảo chung quanh khu vực trách nhiệm của mình tôi gặp một phụ nữ ăn xin chống gậy đi vào lên tiếng nhờ dẫn đến chỗ đông người để bà xin.
<!>
Tôi lấy làm lạ tại sao bà quấn khăn kín mít quanh mặt chi để cho…không thấy đường?! Nhưng kệ, không suy nghĩ gì hơn, bà không thấy đường mới hỏi, nên tôi nắm tay bà dẫn tới chỗ cổng chính ra vào rất đông người qua lại, nơi đó đã có vài người khác đứng xin và tôi thấy họ được cho rất nhiều.
Giúp bà ta kiếm được chỗ thuận tiện, tôi quay về lại khu phòng cháy của mình gặp anh đoàn trưởng. Anh hỏi có biết người phụ nữ ăn xin mới dẫn đi đó là ai không? Tôi ngạc nhiên, là ai mà anh có vẻ quan trọng? Anh nói đó là vủ nữ Cẩm Nhung, người bị đánh ghen tạt acid năm xưa báo chí vẫn hay nhắc. Tôi tuy còn nhỏ cũng biết vụ này.
Bây giờ mới vở lẽ tại sao bà quấn khăn quanh mặt.
…
Tên tuổi của bà Cẩm Nhung và vụ đánh ghen tạt acid vô tiền khoáng hậu xảy ra tại Sài Gòn năm 1963 không ai là không biết. Bao năm tháng qua, mỗi khi đọc báo, hay qua những câu chuyện phiếm với bạn bè, cái tên Cẩm Nhung thỉnh thoảng lại được nhắc tới. Thời đó, bà Ngô Đình Nhu động lòng thương cảm cho thân phận bẻ bàng của bà Cẩm Nhung và đã hứa giúp đưa qua Nhật chữa trị vết thương cháy ở mặt. Nhưng sau cuộc chính biến ngày 1 tháng 11 năm 1963, nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ khiến bà Ngô Đình Nhu phải rời đất nước sống đời lưu vong, không thể giúp gì được cho bà Cẩm Nhung. Âu cũng là số phận!
Bà Cẩm Nhung số phận hẩm hiu nên đành phải tiếp tục sống lây lất với những bất hạnh của cuộc đời tại quê nhà, và cuối cùng đã lìa bỏ cõi trần trong một ngôi chùa hẻo lánh nào đó tại miền Tây Việt Nam cách đây khoảng 9 năm.
Người ta nói rằng nhạc sĩ Nhật Ngân đã sáng tác bản “Tình Kỷ Nữ” cảm tác từ thân phận cuộc đời bà Cẩm Nhung trong đó có những câu:
“Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
Người đời vô tình giẵm nát thân em
Người đời vô tình giày xéo thân em
Người đời vô tình giết chết đời em…”
./.
ThaiNC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét