Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

“Nếu biết yêu NGƯỜI, tại sao không phản chiến”? - Minh Phượng


Ngày 14 tháng 2 là ngày “Tình Yêu” …Thường chỉ cô đọng trong tình yêu đôi lứa… Những lý tưởng, và mọi hy sinh, cố gắng của con người cho một ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn, công bằng hơn cho nhân loại, cho một quốc gia, một cộng đồng, hay nhỏ bé hơn là cho gia đình đều xuất phát, hoặc dần dà sẽ, kết tinh thành tình yêu, lớn nhỏ, chan hòa, miên man, hay cô đọng tùy tâm, tùy duyên, tùy nghiệp  Cũng vậy, sự công bằng, trân trọng sự hiện diện, sống còn của từng cá nhân trong thế gian thuờng xuất phát từ tình người, cũng luôn là tiêu đề đưa đến những thay đổi của xã hôi loài người, bởi những hệ tư tưởng, đường lối và chủ thuyết, v.v…
<!>
Chữ “theo đạo” (huớng đến một con đường) tự nó đã nói lên một quyết định, từ trái tim, từ khối óc, từ sự tư duy, hay niềm tin nào đó…

Nếu sự chân thành không có, hoặc bị chính những người lãnh đạo lợi dụng vì danh lợi cá nhân, thì chủ thuyết nào, phương cách, giáo pháp vi diệu đến độ nào cũng không thể mang đến niềm an lạc, công bằng, nhân ái cho đại đa số thành viên của xã hội đó.

Trước hết, tôi xin thắp một nén huơng lòng, kính cẩn dâng lên những người con yêu tổ quốc đã ngã xuống vì lý tưởng quốc gia trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, một cuộc chiến khởi đi từ những tranh giành, tính toán bởi các cường quốc, ngoại bang với lòng tham không dứt. Tôi cũng xin nghiêng mình chân thành tri ân những người đã gióng lên tiếng nói chân thành, nói lên sự thật phũ phàng rằng chúng ta đã KHÔNG hề có quyền tự quyết!

Điểm chính tôi muốn nhấn mạnh là sự phi lý, tàn nhẫn vô cùng của một cuộc chiến gần 2 thập niên trên VN, mà người dân, cũng như những người trong giới “lãnh đạo” đều không thực sự có quyền.

Cái khác giữa miền Nam và miền Bắc là miền Nam có được phần nào đó sự tự do, dù rất tương đối, và có nhiều người đã đau xót khi phải chứng kiến vận nước điêu linh, hiểu rõ thân phận của một nước nhược tiểu, bị đặt trong cái thế phải làm theo ý “ông chủ” cho tiền viện trợ. Trong khi đó, tại miền Bắc thì những tư duy về con người, về dân tộc gần như hoàn toàn bị thiêu đốt bởi những “lãnh tụ”, nhưng kẻ đã “hồ hởi phấn khởi” tôn sùng, rước vào VN các chủ thuyết vô thần, lai căng Lê-Mác. Những kẻ cầm đầu miền bắc trong suốt cuộc chiến đã bằng mọi cách muốn thôn tính, nhuộm đỏ toàn cõi quê hương theo mệnh lệnh của đảng CS quốc Tế.

Xin lập lại: dù là ở miền Nam, hay Bắc thì cái quyền thực sự được tự quyết bởi chính người dân KHÔNG bao giờ, chưa bao giờ có được trên cả nước VN.

Vừa được “độc lập”, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, VN lại bị chia đôi và trở thành bãi chiến trường để các thể chế đối đầu thi thố, tranh giành ảnh huởng. Kết cuộc là người dân Việt bị lùa vào một cuộc chiến mà nạn nhân đa số là những người dân chân lấm tay bùn, những đời trai trẻ chết, lắm khi không toàn thây, ở miền Nam, để chống lại sự xâm lăng của những người trẻ miền Bắc bị thúc đẩy, tẩy não, kích thích để lao đầu vào cuộc chiến với “lý tưởng” Sinh Bắc Tử Nam!

Khi được (hay bị) làm nhân chứng sống cho phần nào những nghiệt ngã của một xã hội bị chiến tranh tàn phá, đầy rẫy bất công, mà nạn nhân trực tiếp liên tục gánh chịu những tai ương oan khiên đó, đa số là những người nghèo khổ, trong vùng xôi đậu, quê nghèo, khô cằn vì đạn bom không thuơng tiếc, cùng lúc, phải chứng kiến những phù phiếm xa hoa của người thành phố, thì một người có chút lòng người, chút lòng yêu nước không thể không khỏi nghe xót xa, chua chát ….

Khi bị mất đất, mất nhà vì chiến tranh tàn phá, không còn có thể trồng trọt, cầy cấy, gia đình người mất kẻ còn, tan tác khắp nơi, những người dân nghèo khổ đó đã phải chạy ra thành phố, làm lụng vất vả để có miếng cơm manh áo. Hình ảnh/đời sống như bèo dạt mây trôi của họ không được tô vẽ trong các bản nhạc tình, nhạc trẻ. Sự hiện diện đau xót của họ không làm cho những cô chiêu cậu ấm thấy phải bớt đi cảnh tiệc tùng sinh nhật, dạ vũ, hay đua đòi theo mốt, mua sắm những hàng hiệu, đồ chơi từ Pháp, Mỹ…Những mất mát vì tai trời, ách nước của ngừoi dân nghèo không làm giảm đi những rút rỉa của công bởi những kẻ có quyền, để vợ con được thêm ăn sung, mặc sướng.

“Chính nghĩa” tự do, dân chủ, nhân quyền dường như không “có phần” cho họ, những nạn nhân đau khổ nhất của chiến tranh!

Những người cậy quyền thế, thừa nước đục thả câu, tham nhũng và bòn rút của công ở miền Nam, dưới đồng tiền “viện trợ” của Mỹ thời ấy đã đưa đến sự bất mãn cùng cực của dân chúng, của sinh viên học sinh lớn bé. Họ không hiểu, hay không muốn hiểu là ngay cả chính họ cũng bị lợi dụng. Họ hãnh diện với những cái “lon”, những “hoa mai”, “ngôi sao” họ được trao tặng bởi sự hy sinh xương máu của những người lính nghèo khổ, đa số cũng chỉ muốn hoặc được tiếp tục đi học, hoặc được chí thú làm ăn, vui với gia đình, với Mẹ già, với đàn con thơ yêu dấu. Thay vì san sẻ, bù đắp những mất mát lớn lao của những gia đình cô nhi tử sĩ, họ đã vẫn “ăn trên, ngồi trước”, tận huởng lối sống xa hoa, qua sự tham nhũng, hối lộ của những kẻ có tiền, chạy chọt cho con trai khỏi phải đi lính.

Phong trào du ca ra đời với những bản nhạc nói lên phần nào sự buồn tủi của thân phận nhược tiểu, và những mơ ước cho một VN hòa bình, trong nhân bản, công bằng, với tình người bao la, dung dị. Những lời ca đôi khi là tiếng kêu thống thiết của cả một thế hệ, tiêu biểu là bài “Tuổi Trẻ Chúng Tôi” của Giang Châu

Ngay cả sách báo, truyện ngắn hay dài, cũng đã nói lên những cái hố phân chia giàu nghèo, những bất công, nghiệt ngã và những đảo lộn trong xã hội vì vật chất, vì tiền lính Mỹ bỏ ra để chu cấp cho những người đàn bà đáng thương, phải sống với nghề bán phấn buôn hương…

Và các ông, bà làm “lớn” thì vẫn tiếp tục áp phe, tham nhũng, bòn rút của công để sống một cách xa hoa, phung phí, thác loạn bên những cảnh đời lây lất, nổi trôi như đã được mô tả trong tác phẩm “Thềm Hoang” của Nhật Tiến, hay “Tòa Bin-đing Bỏ Không” của Nhã Ca…

Thế nhưng những bài hát, tác phẩm văn chương nói lên bao cảnh đời oan khiên bởi chiến tranh, hay những nguyện vọng chính đáng lại bị một số người cho là “phản chiến”! Với những người này, cứ hễ “phản chiến” , hay biểu tình chống bất côngg, thì bị xem là đồng lõa với CS! Và đã bị xem là CS thì không thể lên tiếng nói!

Từ ngay trong cái nền tự do, dân chủ phôi thai, trong bối cảnh chiến tranh nghiệt ngã ấy, tiếng nói của người dân, của người sinh viên học sinh tuy đã từng bị một số trong hàng ngũ lãnh đạo xem thường, mặc kệ, nhưng việc lên tiếng đó mới thực sự phản ảnh trung thực của một xã hội có tự do, dân chủ!

Miền Nam thua không vì thiếu người tài, mà vì thiếu đạn dược súng ống viện trợ từ Mỹ, đúng vậy! Nhưng miền Nam thua đậm vì người lính miền Nam đã phải chiến đấu vất vả, hy sinh xương máu, chỉ để thấy chua xót, ngỡ ngàng bởi những bất công trong xã hội, ngay trước mắt họ, cùng lúc có đôi khi bị “triệu’ về thành phố để dẹp loạn, dẹp biểu tình, khi chính người dân, giới trẻ miền Nam đòi quyền tự quyết, chống lại nạn tham nhũng, thối nát, bất công lan tràn…

Thật không còn gì đau xót hơn cho người lính miền Nam! Thật quá sức chịu đựng của một con người khi phải vừa đánh ngoài trận địa với một “kẻ thù” cùng chung dòng máu Việt, một kẻ thù bị tẩy não, chỉ biết tuân theo lệnh giết người như những người máy, rồi phải về lại thành phố, để thấy sự nhởn nhơ của một số người giàu sang, ích kỷ, và phải đi “dẹp” những cuộc biểu tình chống lại chính quyền, rất chính đáng, của tầng lớp sinh viên, học sinh, nhà văn, nhà giáo!

Đối với miền Bắc thì sự phẫn uất đó, những bản nhạc du ca bị xem là phản chiến thật đúng là “nhã nhạc”, giúp cho họ có thêm cái cớ để bêu rếu, kết tội lãnh đạo miền Nam
!
Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 1963

Điều đó cũng không khác chi thời Phật Tử xuống đường biểu tình chống lại sự đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Dù đã thành công trong việc đưa người di tản từ miền Bắc (đa số là các con chiên công giáo) vào Nam và xây dựng một nền văn hóa, học đường rất phổ thông, nhưng vì không muốn có sự hiện diện của Mỹ, những việc bắt bớ, đàn áp Phật Tử, cấm đoán chùa chiền đã được VC và báo chí Mỹ khai thác triệt để, để có cớ mà lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963, để Mỹ có thể vào miền Nam, tha hồ “cố vấn” chỉ đạo theo ý của Mỹ.

Và để đối lại những dư luận đó thì những kẻ có quyền cao chức trọng ở miền Nam đã làm gì? Đàn áp, bắt bớ thêm những ai lên tiếng trong thời TT Ngô Đình Diệm! Trong thời đệ nhị cộng Hòa thì sự tham nhũng ngày càng lan tràn, tệ hại, nhất là khi việc đôn quân, bắt quân dịch ngày càng gia tăng theo mức độ chiến tranh. Lính “kiểng” được đem về nhà để làm đầu bếp, tài xế, giữ em cho các tiểu thư công tử con nhà quan!

Mỹ muốn có mặt, tham chiến với binh lính bên VN, bằng mọi cách, và muốn kiểm soát, vì không tin tưởng, thậm chí xem thường tướng lãnh của quân đội miền Nam, Mỹ đến, với lính, và súng ống, đạn dược, với các ông “cố vấn”. Mỹ đã hy sinh nhiều lính Mỹ thật, nhưng sự hiện diện của họ chỉ làm cho VC có thêm cớ để mà bêu rếu, xỉa xói hung hăng đòi “giải phóng” miền Nam!

Từ chuyện làm đảo lộn xã hội VN với những phù phiếm, với những cô gái bán bar sống xa hoa, sung sướng hơn một người lính nghèo, hay những người công chức, giáo chức, cùng với viện mồ côi tăng vọt vì chiến tranh, vì con lai bị bỏ rơi, cho đến sự tham nhũng lan tràn bởi những kẻ có quyền cao, chức trọng, sự hỗn loạn, bất mãn, lên tiếng là điều tất nhiên phải xảy đến.

Mỹ không tin tưởng giới lãnh đạo Nam VN nên tự động, không ai thỉnh, không ai mời, chường mặt qua tận VN, để điều động, kiểm soát chặt chẽ, làm “cố vấn”! Rồi sau, cũng vì chuyện không tin tưởng, và đi đêm với Trung Cộng, vì quyền lợi của Mỹ, Mỹ bỏ mặc miền Nam sau hiệp định Paris năm 1973! Và khi Mỹ muốn đi thì “bậu gieo tiếng ác cho rồi bậu đi!” không khác khi Mỹ muốn rút khỏi Afghanistan năm rồi vậy! Khi Mỹ muốn vào, thì sẽ vẽ ra là vì muốn bảo vệ “lý tưởng” tự do nên phải vào. Khi Mỹ muốn đi thì kêu ca là miền Nam đã “không thể đứng vững trên đôi chân của mình”, cùng với bao nhiêu điều “xấu xa” khác như lãnh đạo ươn hèn, tham nhũng, đàn áp người dân v.v…(mà trước đó thì Mỹ đã dung túng vì còn muốn “ảnh hưởng” bên Đông Nam Á). Miền nam có tham nhũng không? Có chứ! Đương nhiên, không phải ai trong hàng ngũ lãnh đạo cũng thế, nhưng chỉ một con sâu thôi, cũng làm rầu nồi canh, đằng này, “sâu bọ” có cũng khá nhiều!

Ông bà ta có câu “thuợng bất chính, hạ tắc loạn” là vậy! Đừng nói chi xa xôi, trong nhà, nếu cha mẹ không biết lo lắng thương yêu con cái, chỉ lo hưởng riêng mình, thì đừng trách ai khi nó “nổi loạn”, chống đối, làm bậy!

Nhưng có thể trách họ, quy lỗi hoàn toàn cho họ không? Cũng KHÔNG luôn! Vì họ thực sự cũng chẳng có thực quyền chi hết! Nếu muốn giải phóng miền Bắc, Mỹ không cho, thì lãnh đạo miền Nam cũng phải bó tay! Nếu Mỹ muốn dung dưỡng những người dễ bảo dễ cầm đầu, vì đã dính chàm, tham nhũng công khai, thì sự chống lại chuyện tham nhũng có thể cũng sẽ khiến họ phải bị đi hành quân “mút mùa lệ thủy” như trường hợp của Ba tôi.

Thật là quá bất công, và tội nghiệp, oan ức cho người lính miền Nam và cả một số đông tướng lãnh thanh liêm, biết thương lính, thương dân nữa, sau khi phải buông súng, làm sao họ có thể tự biện hộ cho được? Khi người Mỹ đã dựa vào một số con sâu, mà đánh đồng cả tập thể chiến sĩ VNCH, để đỡ “quê” khi bỏ đồng minh, ai sẽ biện hộ, thanh minh, giải oan cho họ?

Trong khi đó, miền Bắc điêu ngoa, gian xảo, trơ tráo vẫn tiếp tục ra rả hằn học, bêu rếu miền Nam, tẩy não lính bắc Việt và tiếp tục đánh chiếm với đạn dược, xe tăng được cung cấp đầy đủ bởi TC và Nga! Thế nhưng những kẻ ích kỷ vẫn tiếp tục đổ dầu thêm lửa, tham nhũng không ngơi, nối giáo cho giặc”, khiến cho VC có thêm lợi khí về mặt tuyên truyền!

Mãi đến 1975, miền Nam mới mất thì cũng là một điều lạ!

Ba tôi, một sĩ quan Hải Quân (HQ), khoá 2, đã qua đời năm 1964, trong một chuyến công tác, khi tôi còn chưa vào tiểu học. Má tôi kể Ba tôi ghét nhất là sự tham nhũng, và cấm ngặt Má tôi không được nhận quà cáp từ bất cứ ai muốn mua “chỗ” trong HQ (vì đi HQ đỡ nguy hiểm hơn các binh chủng khác). Nhiều lúc, tôi nghĩ, may mà Ba tôi chết sớm! Người mà còn sống thì chắc sẽ đau lòng biết bao nhiêu khi phải nhìn bao cảnh bất công, bao điều nghiệt ngã, bao cảnh đời tan tác, nhất là sau 1975.

Khi không định mà đi qua Mỹ năm 1975, tôi từng ngỡ rằng những người từng làm “lớn”, có quyền trong quân đội, trong chính phủ miền Nam sẽ rất buồn, và hối hận nếu đã từng “lỡ dại”, “nối giáo cho giặc”, góp tay làm cho miền Nam bị mất vì sự tham nhũng, ích kỷ, yếu đuối của họ.

Thế nhưng phần lớn trong số này, nhất là những người muốn “dựng lại niềm tin vào VNCH”, vẫn tiếp tục luận điệu đổ tội cho những kẻ “phản chiến”. Nếu những năm trước 1975, họ không tham nhũng, biết thương dân, lo cho người tản cư từ các vùng xôi đậu, khiến cho dân nghèo có công ăn việc làm, xa lánh VC, và nhất là khiến cho Mỹ chỉ viện trợ, mà không “hiện diện” trên Nam VN, thì làm sao có sự kiện phản chiến, làm sao mà VC nó giựt dây, nó lũng đoạn miền Nam được? Mỹ “lắng nghe” người VN biểu tình nên rút quân hả? Nghe hay nhỉ! Bao nhiêu năm ở đây, họ đã học được gì từ chính sách đối ngoại của Mỹ?

Một cuộc chiến được dựng nên bởi ngoại bang: Mỹ, Tàu, Nga! Người chết đa số là người dân Việt! Nếu còn chút lòng thương dân nghèo, lính tráng hằng ngày đối diện với cái chết, cùng lúc thấy rõ những cảnh đời xa hoa ích kỷ, thì làm sao mà một người có chút lương tri, có chút lòng nhân không bất mãn cho được? Nghèo khổ, cùng đinh đến đâu, họ cũng là người, tại sao mạng của họ bị coi thường, xem rẻ như vậy? Ngay cả những người miệt mài trong rừng sâu nước độc, hy sinh cả một đời trai trẻ dãi nắng dầm mưa trong bao năm chinh chiến, họ đã có được tiếng nói gì?

Mấy chục năm rồi, cái luận điệu đổ thừa đó vẫn tiếp tục, bởi những người từng hưởng sự “thanh bình”, được thảnh thơi đến trường, ăn chơi, mơ mộng, nhờ sự hy sinh xương máu ngút trời của những người lính tội nghiệp, và nhờ cả sự làm công với giá rẻ mạt của người dân nghèo phải tản cư kiếm đường mưu sinh, sống sót ….
Câu hỏi “Tại sao phản chiến”, theo thiển ý, nên thêm một chữ “Tại sao KHÔNG phản chiến”? Trong một nền dân chủ thực sự, có tự do thực sự, thì chuyện phản chiến là bình thường, đáng trân trọng. Người dân Mỹ phản chiến hà rằm! Từ chiến tranh Đại hàn, đến Viêt Nam, đến Trung Đông, Iraq, Syria, v.v…Chiến tranh nào Mỹ tham gia cũng có người chống vì chống sự tàn ác phi nhân của những con buôn vũ khí, hưởng lợi từ chiến tranh. Thế nhưng những quyết định bắt đầu và kết thúc sự tham chiến của Mỹ không bao giờ, chưa bao giờ là vì chính phủ Mỹ đã “nghe lời người dân Mỹ”! Báo chí truyền thông cũng là một bộ phận thứ tư, trong đường lối đối ngoại, trong chiến tranh lạnh của Mỹ!

Khi, vì lợi ích của quốc gia, Mỹ muốn đến hay đi, sẽ có nhiều cách để chính phủ dẫn dắt truyền thông Mỹ, miễn sao không “mất mặt quá độ ” thôi! Chính người dân Mỹ mà còn không ảnh hưởng được thì nói chi đến tiếng nói của một vài nhân sĩ miền Nam, hay một thầy tu lưu vong hằng mấy chục năm như thầy Nhất Hạnh, trong tay không có chút quyền hành, hay ảnh hưởng chi đến chính trường Mỹ, thời bấy giờ! Nhưng dù chính phủ Mỹ có nghe hay không, có nhận hay chối, thì chúng ta vẫn phải có bổn phận phải lên tiếng, để nhận chân cái thân phận khổ ải của một dân tộc nhược tiểu, chưa bao giờ thực sự có quyền tự quyết, mãi cho đến ngay bây giờ!

Còn lên tiếng với CS hả? Từ khi nào người CS đã học được cái “hạnh” lắng nghe tiếng dân? Họ giết sạch, thẳng tay thanh trừng người nào dám lên tiếng, chỉ vì họ chỉ biết vâng theo lời chủ nhân ông Tàu, Nga trước 1975. Sau 1975, “thắng” rồi, ai có thể khiến họ phải nghe lời yêu cầu, “thỉnh nguyện”? Đó là lý do những ai trong hay ngoài nước chống họ đều bị bêu rếu, đánh phủ đầu, tống giam, hay thanh toán ngay lập tức. Những người về VN trong mấy chục năm qua, đã có ai lên tiếng đòi được cái quyền gì cho người dân chưa?

Cho nên, có lẽ chúng ta nên nhìn lại chính mình, để hiểu tại sao có chuyện phản chiến bên VN, dù kết quả thắng thua của miền Nam gần như hoàn toàn không dính dáng chi đến tiếng nói của sinh viên, học sinh, hay các phong trào du ca, các nhà văn, nhà chí sĩ, cả những nhà tu dấn thân vì tình yêu người, xót xa, khắc khoải, ưu tư với tiền đồ, tương lai dân tộc ngày đó!

Minh Phượng

Không có nhận xét nào: