Trước hết, xin mời nghe:
“Nếu bạn nghĩ rằng ca khúc “Happy New Year” là ca khúc đón chào năm mới trứ danh nhất thế giới, thì bạn lầm. Thực tế là, ca khúc này của ABBA chỉ đặc biệt phổ biến ở Việt Nam và một vài xứ khác, theo lời quả quyết của một bài viết trên trang mạng Scienceinfo.net [1]. Trang từ điển quốc tế, Wikipedia, cũng cho rằng “Happy New Year” “được phổ biến một cách đặc biệt ở Việt Nam.” [2]
Có lẽ đúng như thế! Trong mấy thập niên qua, ca khúc này trông giống như một trong những ca khúc “nền” cho các chương trình ca nhạc đón chào năm mới Dương Lịch và Tết Âm Lịch ở trong nước, và đôi khi cả ở hải ngoại, sánh vai cùng một ca khúc mừng xuân khác, “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương. Nghe mãi đến nỗi âm hưởng của như nó khắc sâu vào tâm hồn nhiều người Việt Nam, kể cả trẻ con. Nhất là mấy chữ “Happy New Year” lập đi lập lại như một tiếng reo vui không dứt.
Có điều, phiên bản lời Việt của bài hát hoàn toàn không dính dáng gì tới nguyên bản tiếng Anh.
Xin chúc cho mọi nhà, cùng người thân hân hoan đón xuân. năm cũ đi năm mới sang. đón thêm bao tin vui nơi nơi. chào xuân mới trong gió xuân an lành. rộn ràng bao câu ca thắm tươi. ai cũng vui, bên gia đình. chúc năm nay an khang mọi nhà.(…) Xin chúc cho ông bà và mẹ cha được luôn sống lâu. vui đón xuân. bên cháu con, bé thơ đang mong bao lì xì. ngày đầu năm ai cũng vui xum vầy. cầu tình duyên mình đi lễ chùa, trong nắng xuân, chim én bay, khắp nơi nơi hoa xinh tuyệt vời. gió xuân chan hòa... tiếng reo ca.
Rất rộn ràng, rất Tết! Nhưng lời ca này hoàn toàn được “sáng tác” lại, chỉ dùng để ghép vào với nhạc mà hát, không chuyên chở bất cứ một ý nghĩa nào của nội dung nguyên thủy bài hát. Bất cứ ai hiểu đôi chút tiếng Anh, nghe hát lời Việt này không khỏi thấy nó kỳ kỳ. Có lẽ vì thế, nên có người đã tải lên Youtube một “video clip” gốc bài hát, có kèm theo lời dịch nguyên văn ra tiếng Việt, để ta vừa nghe vừa theo dõi nội dung [3]. Một cách làm đáng tán thưởng.
Trong nguyên bản tiếng Anh, lời ca nghe như lời thơ, một bài thơ hay, đượm mùi triết lý, đan xen giữa tuyệt vọng và hy vọng, bắt đầu bằng một khung cảnh buồn bã, tàn tạ:
No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
(Không còn rượu mừng/Và pháo hoa đã hết
Chỉ còn em và anh ở đây/cảm thấy lạc lõng và buồn bã)
Mấy chữ “Happy New Year” lập đi lập lại trong bài hát này, theo tôi, không phải reo vui như lời ca trong “Ly Rượu Mừng”, mà vừa là một lời chúc, vừa là một lời than thở, vừa là niềm hy vọng, mà cũng là lời nhắn gửi và kêu gọi. Một ly rượu đắng, chát. Một cốc ngậm ngùi và suy gẫm. Ðể buồn, và để nuôi lớn hy vọng cho những ngày tháng tới. Ta thử tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài hát và qua đó, hiểu thêm ý tứ sâu lắng của nó.
ABBA là một ban nhạc Thụy Điển (Sweden) gồm có 4 thành viên, hai nam, Björn Ulvaeus (1945), Benny Andersson (1946), và hai nữ, Agnetha Fältskog (1950), Anni-Frid Lyngstad (1945), thường được gọi là Frida. Họ cũng là hai cặp vợ chồng: Agnetha Fältskog và Björn Ulvaeus cưới nhau năm 1971; Benny and Frida cưới nhau năm 1978. Năm 1972, họ thành lập nhóm, lúc đầu gọi là nhóm “Björn & Benny, Agnetha & Anni-Frid”, đến năm 1974, thì chính thức đổi tên thành ABBA, lấy mấy chữ cái đầu tên (first name) của họ. Hoạt động đến cuối năm 1982, ban nhạc quyết định giải tán. “Happy New Year” được cặp vợ chồng Björn và Bennyn sáng tác vào đầu năm 1980, là thời gian mà ABBA đang trong cơn khủng hoảng tình cảm nặng nề. Một năm trước đó, 1979, trong lúc ban nhạc đang ở đỉnh cao nghề nghiệp, thì cặp Björn Ulvaeus và Agnetha Fältskog ly dị; cặp Benny Anderson và Anni-Frid Lyngstad dường như cũng không hòa thuận gì, nên một năm sau đó, 1981, cũng chia tay.
Ca khúc được thu băng vào tháng 4/1980 và được phát hành trong tuyển tập Super Trouper vào tháng 11/1980 với tựa đề lúc đầu là “Daddy Don't Get Drunk On Christmas Day”(Bố đừng uống say ngày giáng sinh nghe bố), sau đó mới đổi thành “Happy New Year”, được thu băng riêng với lời chúc năm mới bằng nhiều thứ tiếng, phát trên đài truyền hình Thụy Điển vào đêm giao thừa 1980. Trong số nhiều bài hát của ABBA, đây không phải là ca khúc yêu thích của họ và của công chúng Âu Châu; nó được xếp hạng 34 ở Thụy Điển, hạng 15 ở Hòa Lan và 75 ở Đức. Mãi đến năm 1999, nhân lúc cả nhân loại đang hào hứng bước qua thiên niên kỷ mới, ABBA mới chính thức thực hiện một phiên bản riêng cho nó, phát hành trên toàn thế giới. Ngoài yếu tố cá nhân, nội dung bài hát có vẻ cũng phản ảnh tình hình thế giới vào cuối thập niên 1970 khi nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra qua nhiều lục địa: cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô, tranh chấp Trung Đông, chế độ diệt chủng Polpot, sự thiếu hụt năng lượng và nạn nghèo đói tràn lan. Bjorn bảo, “Tôi cảm thấy thế giới Tây phương ngày nay đang gặp những vấn đề lớn nhất vì thiếu sự tin cậy, và hướng về tương lai bằng một cái nhìn tiêu cực. Happy New Year muốn đưa ra những mục đích tích cực cho tương lai. Chính nó mang một thông điệp chính trị.”
Vì thế, tuy giai điệu vui tươi, rộn ràng, sôi nổi, nhưng ý nghĩa đàng sau bài hát nhuốm mùi bi quan. Nỗi buồn như thấm vào từng chữ, gây nên một nỗi xúc động đặc biệt trước dòng thời gian miên man, không dứt.
Oh yes, man is a fool
And he thinks he’ll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he’s astray
Keeps on going anyway…
(Tạm dịch: Ôi, đúng thế, con người điên cuồng
Và cứ nghĩ là mình không sao đâu
tiếp tục lê bước đôi chân đất sét
chẳng bao giờ biết mình đã lạc đường,
cứ tiếp tục đi bất kể sẽ ra sao)
Có lẽ thấy buồn, nên đầu năm ngoái (2021), trang VNExpress trong nước cho đi bài viết, “Đừng mở bài Happy New Year buồn thảm nơi công cộng”, khuyên người Việt Nam không nên nghe bài hát này nữa.[4]
Dẫu vậy, đoạn hợp xướng toàn ban nghe có chút vui vui vì nói đến hy vọng ở tương lai.
Happy New Year, Happy New Year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
(Happy New Year, Happy New Year
Cầu mong tất cả chúng ta bây giờ và sau đó
Nhìn thấy một thế giới nơi mà mỗi láng giềng đều là bằng hữu)
Chắc không mấy ai ngờ rằng bản nhạc này đã đến Việt Nam khá sớm. Còn nhớ, hồi những năm 1982, 1983, tôi đã từng được nghe một số bản nhạc của ABBA vang lên đâu đó ở một vài cửa hàng hay qua đài phát thanh Hà Nội. Ngoài một số “nhạc xanh” Liên Xô, các bản nhạc ABBA đem lại một vài chút tươi vui trong cái không khí hết sức tang thương, ảm đạm của đất nước lúc bấy giờ.
Mới đây, qua thư mục của Wikipedia, tôi tình cờ tôi tìm thấy một bài viết ngắn bằng tiếng Anh, “Happy New Year’With a Bittersweet Smile” [5] (Happy New Year, với một nụ cười buồn vui lẫn lộn), đi trên báo mạng VNExpress (trong nước) phiên bản tiếng Anh, của Martin Rama, trưởng văn phòng Kinh Tế vùng Nam Á của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Bài viết chứa đựng nhiều thông tin khá lạ và thú vị về sự xuất hiện của bài hát này ở Hà Nội. Xin được tóm tắt vài điểm chính sau đây:
Năm nào cũng vậy mỗi khi gần đến Tết, thì bản nhạc “Happy New Year” của ban ABBA lại được các đài phát thanh và các cửa tiệm ở Hà Nội mang ra chơi đi chơi lại mãi không chán. Có lẽ đây là ca khúc được yêu thích nhất của Việt Nam sau bản “Tiến Quân Ca” (quốc ca Cộng Sản) của Văn Cao. Trở lại với thập niên 1980, ngay giữa thời bao cấp, Việt Nam hầu như bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài, chỉ giao dịch với các quốc gia anh em trong khối Xô Viết. Người nước ngoài rất hiếm thấy ở Hà Nội, chỉ trừ một ít viên chức người Nga, hẳn là đi công tác. Người Hà Nội xem họ như là “Những người Mỹ không mang theo đô la.” (Americans without dollars).
Nhưng có một, và chỉ một, nước Tây phương duy trì một quan hệ thân thiết với Việt Nam, đó là Thụy Điển, do chinh phủ nước này chống chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Olof Palme, thủ tướng Thụy Điển thời gian này, vốn là người phê phán mạnh mẽ cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô và ủng hộ các nước thuộc thế giới thứ ba. Năm 1986, ông bị ám sát chết ngay trên đường phố Stockholm khi vừa rời rạp chiếu bóng với vợ mà cho đến nay, vụ ám sát này vẫn còn bị bao trùm trong màn bí mật. Olof Palme là người nhiệt tình hỗ trợ bất cứ công trình nào mà Việt Nam cần. Chính vì thế, cuối thập niên 1960, hai nước ký hợp đồng xây một nhà máy giấy ở Bãi Bằng, nằm cách Hà Nội khoảng 90 cây số, với một tổng số tiền đầu tư lên tới 500 triệu đô la, đây là một ngân sách hết sức lớn lao đối một nước nhỏ như Thụy Điển. Đã thế, khi hoàn thành dự án, tổng số tiền tăng gấp 4 lần ngân sách dự chi ban đầu. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một cử chỉ hết sức hào phóng mà người đóng thuế của Thụy Điển đã chi trả để ủng hộ Việt Nam!
Cùng với nhà máy giấy, là sự xuất hiện của các nhà tắm hơi và băng nhạc ABBA. Vào thời gian này, nhà cầm quyền Cộng Sản rất nghi ngờ các ảnh hưởng của phương Tây. Họ sợ các sản phẩm văn hóa Tây Phương sẽ làm hư hỏng các lý tưởng xã hội của họ và ảnh hưởng dến dân chúng. Họ chỉ tin cậy Thụy Điển vì đã trải qua nhiều thử thách với quốc gia này. Nhưng đối với người Hà Nội thì hình ảnh hào nhoáng của ABBA và âm nhạc của họ đã trở thành đồng nghĩa với sự sung túc và hạnh phúc. Sự đón nhận chính thức ban ABBA diễn ra vào lúc mà cái gì cũng khan hiếm và người dân Việt Nam chẳng có gì để tôn vinh, tán thưởng. Người Hà Nội sắp hàng dài gần như vô tận với phiếu thực phẩm cầm tay chỉ để lãnh được một khẩu phần gạo xoàng xĩnh, không thấm vào đâu. Sinh hoạt văn hóa lại quá nghèo nàn, các cuộc tranh luận hầu như bị cấm tuyệt. Vì thế, các ca khúc của ABBA có mặt ở đó như thể là một nhắc nhở cho người dân biết rằng có một thế giới thịnh vượng và sung sướng ở ngoài Việt Nam, một thế giới phản ảnh niềm mơ ước sâu xa cho đất nước và gia đình họ.
Điều mỉa mai là lời ca của nó không hẳn vui như người dân Hà Nội say mê lầm tưởng. Rất ít người biết nói tiếng Thụy Điển. Phiên bản tiếng Anh thì phải nhiều năm sau mới có. Thành thử chẳng ai hay biết về nỗi buồn trong bài hát [6]. Nhưng cũng may là bài hát nêu lên ý tưởng về tình huynh đệ và tình yêu, niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, chống lại sự chênh lệch, ngay cả khi chúng ta “cảm thấy lạc lõng và cảm thấy buồn phiền.”
Thôi, gì đó thì gì! Chúng ta hãy cứ Happy New Year cái đã.
TDN
(1/2022)
If you think "Happy New Year" is the most famous new year song in the world, you're wrong. In fact, this song of Abba is only especially popular in Vietnam and some other countries.
2The song is especially popular in Vietnam
5Tôi lục lọi tìm thử xem có bản dịch tiếng Việt in trên bất cứu tờ báo nào trong nước không, nhưng không hề thấy.
6 Few people in Vietnam spoke Swedish at the time, and the English version was only released many years later. So the sorrow of the lyrics went mostly unnoticed.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét