Thời gian là những năm tháng của thập niên 40, không gian là một tỉnh lỵ nằm trên đường số 5 giữa Thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng. Cả tỉnh chỉ có một bác sĩ, một nhà thương nhỏ. Nhà thương được một ông y tá, một bà đỡ và vài nhân viên tạp dịch điều hành. Sáng sớm mỗi ngày, bệnh nhân xếp hàng đợi lấy số thứ tự, cũng không đông, độ hai chục người, với mấy loại bệnh thông thường như nhức đầu, tiêu chảy, ban sởi trẻ em, ghẻ lở, bụng ỏng sán lãi. Thuốc men giản dị. Ghẻ lở được bôi với Bleu de Méthylène xanh lè cả chân cẳng. Nhức đầu được lãnh dăm viên Optalidon, Aspirin Bayer, tiêu chảy có Bismuth, Charcoal, nặng thì được vài viên Sulfaguanidine.
<!>
Bệnh trầm trọng hơn thì bác sĩ khám, nếu cần sẽ được chở về bệnh viện Phủ Doãn ở Hà Nội, có bác sĩ Tây, có nhiều ông thầy dạy học. Nói là nặng chứ không phải là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch mãu não, kích tim, giỏi lắm là vài trường hợp uốn ván, có thai ngoài dạ con, thương hàn, ngã nước.
Kháng sinh chưa có ngoài thuốc Dagénan, được coi là thần dược, trị mọi bệnh nhiễm trùng. Mà muốn có thuốc này, phải là dân nhà giàu, đến phòng mạch tư của bác sĩ, xin toa ra nhà thuốc tây duy nhất ở tỉnh để mua.
Bệnh nhận không đến nhà thương thì đến chẩn bệnh ở các vị đông ý, bốc thuốc bắc, thuốc nam ở các tiệm cao đơn hoàn tán của “chú khách”, hoặc đi lễ xin thuốc thần thuốc thánh, chữa theo kinh nghiệm dân gian “Đau bụng lấy bụng mà chườm”.
Phương tiện trị liệu, định bệnh thô sơ, tử vong cao, sống tới tuổi 40 đã ăn mừng tứ tuần đại khánh. Sự tiến bộ của văn minh y học trên thế giới chưa rọi tới mảnh đất thuộc địa nghèo nàn. Những phong trào nhà ánh sáng, lưu thông cống rãnh, vệ sinh thường thức chỉ mới manh nha.
Nhìn ra các nước tiên tiến trên thế giới, từ đầu thế kỷ, y học đã liên tục đi những bước dài để bảo vệ sức khỏe con người.
Một trăm năm qua đã có nhiều phát minh, sáng kiến tuyệt hảo để chẩn bệnh, trị bệnh, phòng bệnh. Tuổi thọ trung bình 45 tuổi ở năm 1900 đã được nâng lên 76,5 tuổi vào cuối thế kỷ, cái gọi là thất thập cổ lai hy đã trở nên chuyện bình thường, trường thọ đã là một trong nhiều quà tặng của nền y khoa tiến bộ trong thế kỷ 20 dành cho nhân loại.
Những tử vong vì đẻ non, vì bệnh nan y, vì điều kiện sinh sống kém, dinh dưỡng không cân bằng, vì những dịch truyền nhiễm đều đã được nhiều phần khắc phục.
Chúng tôi xin cùng quý vị tìm hiểu lại một số những tiến bộ tuyệt hảo này, rồi đoán vọng tương lai. Ta cùng ôn cố để tri tân.
1- Lãnh vực phòng ngừa bệnh
Trước thế kỷ 20, bệnh truyền nhiễm là một trong nhiều nguyên nhân gây ra số tử vong cao cho con người. Lý do là vì chưa có kháng sinh, vaccin tiêm phòng, vệ sinh cá nhân, nhà ở chưa được phổ biến, vi trùng tha hồ hoành hành tác hại.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 làm thiệt mạng hơn 20 triệu người trên toàn thế giới.
Bệnh lao, bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt trẻ em, bệnh bạch hầu, uốn ván tràn lan. Ngay cả Tổng thống Hoa Kì Roosevelt Franklin cũng bị bại liệt vào tháng 8 năm 1921 khiến liệt nửa thân.
Sau đó bệnh truyền nhiễm giảm bớt nhờ nhiều phương tiện, trong đó có tiêm chủng.
Khám phá ra dự chủng ngừa dựa vào một nhận xét là, những nông trại vắt sữa bò, bị lây bệnh đậu của bò thì không mắc bệnh đậu mùa nữa, do đó chích ngừa là để tạo ra chất kháng thể chống lại sự xâm nhập vi khuẩn cùng loại.
Năm 1790, Edward Jenner, người Anh, là người đầu tiên cấy chất liệu từ vết đậu của bò cho người để tạo tính miễn dịch, nhưng phải đợi tới thế kỷ 20 vaccin để chủng phòng bệnh đậu mùa mới được hoàn thiện.
Trong thế kỷ vừa qua, y khoa đã chế ra vaccin phòng bệnh lao BCG năm 1908, sốt vàng da năm 1937, bại liệt trẻ em năm 1955, bệnh sởi năm 1962, thủy đậu năm 1975 và nhiều loại thuốc ngừa các bệnh khác như bệnh quai bị, bạch hầu, cúm, viêm gan các loại, thương hàn, dịch tả, ho gà…
Bệnh đậu mùa, bệnh sởi đã được coi như bị xóa sổ trên thế giới, ngoại trừ một vài địa phương nhỏ. Trong tương lai gần đây, sẽ có vaccin phòng ngừa sốt rét, và phòng HIV/AIDS.
2- Thuốc kháng sinh
Còn nhớ lại những năm tản cư ở Đông Triều, Cổ Vịt, dân chúng cố kiếm mua mấy viên Dagénan mang theo để chữa đủ bệnh nhiễm trùng. Đôi khi còn phải nhờ người vào “thành” mua lậu cho mấy ống, vì thuốc mới quá hiếm. Viên Dagénan đã cứu sống nhiều người trong giai đoạn đó.
Theo định nghĩa, kháng sinh là chất do vi sinh vật tạo ra, có khả năng tiêu diệt hay ngăn ngừa sự tăng trưởng của vi sinh vật khác như vi khuẩn, nấm độc. Nhà bác học Pháp Louis Pasteur là người đầu tiên nhận ra đặc tính này.
Năm 1929, do sự tình cờ, Alexander Fleming tại bệnh viện St Mary Luân Đôn, thấy rằng mốc của nấm Penicillium natatum tiết ra chất Penicillin có thể giết chết được vi trùng. Nhưng ta phải đợi tới năm 1940, nhờ các nghiên cứu của H.W.Florey và E.B.Chain, thuốc Penicillin mới được sản xuất đại quy mô để trị bệnh.
Sự khám phá ra thuốc Penicillin được coi như một thành quả lớn của thế kỷ 20.
Thuốc trị vi trùng nhóm Sulfamid được bào chế năm 1932, Strepomycin trị lao năm 1943.
Ngày nay, kháng sinh có rất nhiều loại, trị được nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau, với cách dùng như uống, chích, bôi ngoài da. Nhưng vì con người lạm dụng thuốc nên một số vi trùng trở nên nhờn mặt với vài loại kháng sinh.
3- Giải pháp nối-ghép bộ phận cơ thể
Phương pháp ghép bộ phận cơ thể hiện nay khá phổ thông và tiến bộ tới mức trước đây không ai nghĩ tới. Các bác sĩ giải phẫu mổ lấy bộ phận người này ghép thay vào bộ phận thiếu hoặc không hoạt động ở người khác, qua sự sang nhượng hay lấy từ người sắp chết tặng. Cũng có thể tự ghép bộ phận như ghép da, ghép nối động tĩnh mạch, dây thần kinh.
Truyền máu cũng là một hình thức chuyển ghép tế bào, và đã được thực hiện từ thế kỷ 17 ở Châu Âu, nhưng có nhiều tai nạn chết người do phản ứng của máu người cho và người nhận. Mãi tới năm 1900, việc truyền máu mới được an toàn nhờ nhà bác học người Úc, Karl Landsteiner, tìm ra các loại máu A, B, O của con người.
Thận nhân tạo để lọc máu được sáng chế năm 1913.
Trường hợp ghép chuyển thận thành công đầu tiên vào năm 1954 được hai bác sĩ J.Hartwell Harrison và Joseph Murray, ở Boston, Hoa Kỳ thực hiện.
Năm 1963 các phẫu thuật gia bắt đầu thử thay phổi, thay gan, và hiện nay các sự thay ghép này đã được áp dụng.
Bác sĩ Christian N.Barnad, Nam Phi, giải phẫu thay tim đầu tiên vào năm 1967.
Một trở ngại thường gặp trong việc thay ghép là cơ thể người nhận đôi khi chối từ, tấn công bộ phận cho vì những bất đồng cấu tạo, sinh lý.
Từ năm 1970, việc chuyển ghép bộ phận cơ thể được thực hiện thường xuyên, rộng rãi nhờ thuốc Cyclosporin vô hiệu hóa việc đào thải mảnh ghép.
Hiện nay, mỗi năm riêng tại Hoa Kỳ có tới gần 3000 con tim được thay thế.
Tim nhân tạo cũng đã và đang được thử nghiệm, nhất là để tạm thời thay thế tim hư, chờ có tim cho.
Giác mạc mắt được thay ghép ít nhất trên 40,000 lần mỗi năm tại Hoa Kỳ do người sắp chết tặng. Vì số tặng không đủ, các khoa học gia, đặc biệt là bác sĩ May Griffith, đang nuôi giác mạc trong phòng thí nghiệm.
Xin kể thêm là phổi sắt (máy thở) được dùng đầu tiên năm 1927 để hỗ trợ hô hấp cho người bị tê liệt mà phổi không tự thở được.
Và việc thay khớp xương hông nhân tạo được bắt đầu vào năm 1938.
4- Dược phẩm quan trọng
Thời cổ xưa, người ta coi bệnh tâm thần là do ma quỷ nhập hay là do thần thánh, thượng đế trừng phạt. Bệnh nhân bị cô lập, bỏ tù, trói cột, hành hạ, đôi khi bị thiêu sống. Cho tới thế kỷ 19, bọn con buôn còn mang triển lãm, để lấy tiền, những người điên, cười nói, khóc lóc vô cớ, hành động không kiểm soát.
Khi bác sĩ Philippe Pinel, tổ sư ngành tâm thần học, cởi thả những người bị điên loạn thì cấp trên của ông ta bảo rằng anh điên hay sao mà thả họ ra. Pinel cho là cần phải có thái độ nhân đạo, hỗ trợ với người bị bệnh tâm thần.
Thuốc trị loạn tâm thần hưng trầm cảm Lithium được tìm ra năm 1949, và hiện giờ vẫn còn là thuốc căn bản trị bệnh này. Năm 1950, thuốc Chlorpromazin trị loạn tâm trí được bào chế.
Cho tới nay, đã có nhiều dược phẩm cũng như phương tiện khoa học để trị đủ loại bệnh tâm thần mỗi ngày mỗi tăng của thời đại.
Cách đây trên nửa thế kỉ, nếu có phương tiện công hiệu để trị bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch như ngày nay thì có lẽ Tổng thống Hoa Kì F.D.Roosevelt không bị chết vì các chứng xuất huyết trong bệnh cao huyết áp và suy tim của ông. Thực vậy, trong lãnh vực này, đã có những tiến bộ vượt bậc về các phương thức điều trị.
Ngoài dược phẩm có giá trị cao, phẫu thuật nối động mạch cơ tim được bác sĩ DeBakey thực hiện vào thập niên 60, rồi đến sự thông động mạch vành tắc nghẽn bằng bơm bóng, bằng tia Laser, bằng lưỡi dao tí hon xoay tròn mới đây, tất cả đã trở nên rất phổ biến.
Đồng thời sự hiểu biết tường tận về ích lợi của việc tập luyện cơ thể, cách thức giữ gìn ăn uống quân bình, về nguy cơ gây bệnh của rượu, thuốc lá, cholesterol đã đóng góp rất nhiều vào việc ngừa, chữa bệnh tim mạch các loại, và hạ thấp mức tử vong.
Năm 1921, chất Insulin được Frederick Banting và Charles Best, Đại hoc Toronto, lấy từ tụy tạng chó là sự kiện quan trọng trong lịch sử y khoa học.
Insulin là kích thích tố duy nhất làm giảm đường trong máu và được tụy tạng tiết ra khi đường tăng cao, như là sau bữa ăn hay khi bị căng thẳng tâm thần. Khi đường trong máu lên quá cao, bệnh nhân bị hôn mê, có nguy cơ mạng vong.
Mặc dù không trị dứt được bệnh tiểu đường nhưng Insulin là một loại thuốc tối cần thiết cho người mắc bệnh này và Insulin đã giảm thiểu tử vong do hôn mê vì lượng đường cao cũng như nhiều biến chứng trầm trọng về mắt, thận, tim.
Vào thập niên 60, thuốc viên ngừa thai (the Pill) gồm kích thích tố Estrogen và Progesteron được tung ra thị trường, cùng lúc với phong trào đòi nam nữ bình quyền, đã giúp nữ giới tận hưởng thú vui ân ái mà không lo ngại mang thai.
Cũng trong phạm vi thai nghén, năm 1978, em bé ống nghiệm đầu tiên Louise Brown ra đời ở Luân Đôn, và tới nay, riêng tại Mỹ, Louise có ít nhất trên 100.000 người em trai gái cùng được thụ thai trong phòng thí nghiệm, giữa những ống thủy tinh, thay vì trên giường.
Rồi đây, hành động ái ân biết đâu chẳng chỉ là phương tiện để thỏa mãn thú vui xác thịt chứ không cần thiết cho việc nối dõi tông đường.
5- Các phương pháp cơ khí trị liệu, tìm bệnh
Máy điện tâm đồ, đo hoạt động điện năng của cơ tim (Electrocardiograph), được dùng đầu tiên vào năm 1903 để khám phá chứng huyết khối động mạch vành, rối loạn nhịp tim, rối loạn cơ tim.
Máy điều hòa nhịp tim (pace maker) được hoàn tất năm 1957; mười năm sau chụp X quang tuyến vú được sử dụng để tìm kiếm ung thư cơ quan này.
Thực ra quang tuyến X được bác học người Đức Wilhelm Roentgen phát giác ra công dụng từ năm 1895, nhưng phải tới năm 1920, tia X mới áp dụng rộng rãi. Rồi những năm gần đây, người ta có thể chụp hình từng bộ phận cơ thể dưới nhiều khía cạnh khác nhau (cắt lớp) với CT scan, PET scan, MRI.
Về con mắt, vào những thập niên cuối của thế kỷ đã có một tiến bộ tuyệt hảo trong việc chữa các tật cận thị, viễn thị, bong tróc võng mạc bằng tia Laser, giúp cho nhiều người lấy lại được thị lực mà không cần mang kính điều chỉnh.
Tia Laser còn được sử dụng vào nhiều giải phẫu trị liệu khác, vừa ít đau vừa thu ngắn thời gian trên bàn mổ mà lại mau phục hồi.
6- Nhìn về tương lai
Còn nhiều thành quả khác có thể coi là ngoạn mục, cổ kim không ai nghĩ tới , của nền y khoa học trong thế kỷ vừa qua, những thành quả đã giúp con người sống lâu hơn, sống khỏe mạnh tích cực hơn.
Ngoài ra, cũng có nhiều phát minh, sáng kiến được mạnh nha nhưng có nhiều hứa hẹn thành công để hiểu rõ hơn nguyên nhân chính của bệnh tật, từ đó đưa ra phương thức điều trị.
Người ta nói tới sự thiết lập Dự Án Bộ Gen Con Người với đầy đủ mã số thông tin. Gen là yếu tố di truyền căn bản, mà khi bị đột biến sẽ là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật cũng như đẩy nhanh diễn tiến lão suy.
Trong tương lai, sẽ trị bệnh bằng cách sắp xếp lại cấu trúc Gen, và mỗi người sẽ có một Chip AND với toàn bộ danh mục Gen lành, Gen bệnh.
Sẽ không còn nối tắt động mạch vành bị tắc nghẽn, mà có phương pháp kích thích cơ tim tạo ra động mạch vành mới thay thế cho động mạch nghẽn.
Bằng kỹ thuật sinh sản vô tính, người ta đã tạo ra một con cừu do sự phối hợp của tế bào thường với trứng không nhân của con cừu cái khiến nhiều nhà tôn giáo, đạo đức đã cau mặt e ngại một ngày nào đó con người cũng được sinh sản vô tính.
Sẽ có thuốc chặn sự nuôi dưỡng, tăng trưởng tế bào ung thư khiến chúng bị hủy diệt hay gửi những “siêu trùng Kinh Kha” đột nhập tế bào ung thư để tiêu hủy.
Và bộ phận cơ thể sẽ được cấu tạo từ những tế bào gốc (stem cells) để thay thế cho trái tim già nua, lá gan suy yếu.
Kết luận
Sáng hôm đó, mở Internet coi tin tức, hoa hậu Vũ Trụ Ngân Giang thấy một quảng cáo của Viện Sinh Bào BAGIAI, Inc như sau:
“Các nhà Bác Vật của Viện nghiên cứu chúng tôi vừa mới hoàn tất một CHIP-DNA có 64 genes được xếp theo bộ tế bào thượng hạng số 76/69/35 bảo đảm không mắc mười ba loại bệnh ung thư, không bị dị ứng với hải sản, không bị nhồi máu cơ tim, phong tình nhập cốt và có thương số trí tuệ 109.
Quý vị có thể đặt mua CHIP-DNA này ngay từ bây giờ, bán “sêu” tới hết ngày 3/5/2035, và nhớ dùng CHIP này một tuần lễ trước ngày qúy bà dự trù có thai để có một đứa con lành mạnh, nhiều bản lãnh, bảo đảm sẽ làm lãnh tụ ở tuổi 36.
Mua trước ngày kể trên, quý vị sẽ được bổn Viện Trưởng thân thương tặng một ký lô xà bông giặt quần áo VŨ TẠO số 1 làm bằng nhiên liệu nhập, một phiếu miễn phí làm niềng răng bằng thủy ngân tại nhà trồng răng MINH SINH Hàng Bông Thợ Nhuộm”.
Người Đẹp đưa tay lấy cây bút máy nguyên tử cài trên vành tai, ký chi phiếu trên màn ảnh máy vi tính, trả tiền, mua liền một lúc hai CHIP, tự nhủ: một trăm hai mươi sáu ngàn tiền đô, mai đây sanh con trai cho làm Tổng Thống, con gái nối ngôi Hoa Hậu, rẻ chán!!!.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét