Thời gian cho dù có qua đi, nhưng tâm trí mọi người dân Miền Nam đều cảm nhận có một cái gì đó khó chấp nhận để tha thứ, sống chung với những kẻ xâm lược quê hương của họ, với mỹ từ giải phóng. Đoàn quân xâm lăng này đã gieo nhiều tội ác với nhân dân Miền Nam qua 20 năm của cuộc chiến, chúng đã biến một Miền Nam trù phú của một thời trở thành nơi xếp hàng ăn xin từng ký gạo, cục đường, một Sài Gòn hoa lệ, cùng những thành phố thanh lịch trở thành một nơi dị hợm xuống cấp, chỉ dành cho du khách Tàu và tràn ngập loại Tây Ba Lô, với đủ loại tệ nạn xã hội.
Từng lớp trai trẻ, đã tình nguyện lên đường, khoác trên thân thể đủ màu cờ, sắc áo. Nhưng dù sắc áo trận nào thì mục đích chung, lý tưởng đích thực cũng là để bảo vệ một Miền Nam tự do trước kẻ thù phương Bắc xâm lược. Họ chính là tên lính xung kích cho thế giới Cộng Sản Nga Tàu, đánh Mỹ đến người VN cuối cùng nhằm phá hủy bức tường thành kiên cố Việt Nam Cộng Hòa, hầu tràn xuống nhuộm đỏ cả Đông Nam Á.
Biết bao nhiêu người Trai hùng của Miền Nam thân yêu đã giã từ gia đình, người yêu khoác áo chinh y, để lại gánh nặng gia đình cho những người vợ, mẹ già cưu mang. Ngạn ngữ có câu: “Sau lưng người đàn ông thành đạt, đều có bóng dáng người phụ nữ”. Riêng trong thời chiến, nếu hậu phương không có những người phụ nữ đảm đang hy sinh vì chồng, nuôi dạy con cái, chăm sóc mẹ già, cổ súy cho chồng mạnh bước trên chốn sa trường đối diện với quân thù thì làm sao có những chiến tích oai hùng được lưu danh muôn thuở trong trang sử oai hùng của QL/ VNCH một thời. Đằng sau những tấm huy chương đều có thấp thoáng hình bóng của người vợ, người mẹ trong đó. Có những người vợ lính đi thăm chồng nơi tiền đồn xa xôi, gặp lúc giặc cộng tấn công, các chị cũng đã cùng chồng chung chiến hào chiến đấu đến giây phút cuối cùng của cuộc chiến, không ít chị đã hy sinh anh dũng trong chiến hào, trước giờ phút lâm chung đôi bàn tay giá lạnh còn ôm chặt người chồng thân yêu chiến binh lần cuối như muốn gởi gấm, kiếp sau em sẽ vẫn muốn là vợ anh .....
Những người vợ của lính Địa Phương Quân người Thượng thường theo chồng đồn trú tại các đồn xa xôi, gác cầu, chi khu...họ đã cùng chồng chiến đấu như một chiến binh can trường thật sự để bảo vệ mạng sống cho bản thân, cho chồng cùng đồng đội... Những chiến tích này cũng đã được ghi nhận lưu trong quân sự như một hành động tri ân ...
Trong đời thường họ là những người vợ hiền, người vợ tần tảo nuôi con, nuôi gia đình, chăm sóc mẹ già để người chiến binh VNCH yên tâm chiến đấu. Họ thật đáng được vinh danh như một chiến sỹ của tự do vì nếu không có họ đứng sau lưng thì làm sao những người lính VNCH yên tâm mà chiến đấu. Vô vàn thiếu phụ khóc chồng bên quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ điển hình như thiếu phụ: Người ở lại Charlie Nguyễn Đình Bảo, Người Hùng mang tên Đương. Anh Quốc ơi .... Vô vàn những chiến sĩ vô danh khác với chiến công còn hiển hách hơn những người được nêu tên đã nằm xuống cho quê hương này.
Có người may mắn linh cữu được phủ lá cờ thân thương, ngôi mộ được phủ xanh trong Nghĩa Trang nào đó. Có người được con thơ cầm di ảnh tiễn đưa, người vợ trẻ nhạt nhòa lệ, mẹ già héo hắt vuốt mắt con lần cuối để rồi vĩnh biệt ngàn thu. Ôi những người mẹ, người vợ cao quý hy sinh cả những gì quý giá nhất cho Tổ Quốc Miền Nam yêu thương.
Nhưng cũng có những người thân xác nằm xuống trong rừng già âm u nào đó, trên đường mòn HCM u uất, đường 9 Nam Lào, hay Đại Lộ Kinh Hoàng trong mùa hè đỏ lửa 1972, con đường máu 7B Tuy Hòa – Phú Bổn trong tháng 3-1975, và sau này là trong các trại tù cải tạo của quân thù dày đặc từ Bắc chí Nam ....
Bình Long, An Lộc, Đông Hà, rừng già Cà Mau của miền sông nước, chỗ nào cũng có thân xác các chiến sỹ kiêu hùng VNCH nằm xuống, thân xác các anh tô điểm cho non sông này, màu cờ vàng ba sọc đỏ thêm rực rỡ là nơi đó có những giọt nước mắt khóc thương, đẫm lệ của các mẹ, các chị ....
Các anh nằm xuống không vô ích, Miền Nam này có được 20 năm tự do, là hành trang của những hậu duệ VNCH được trang bị để quang phục quê hương. Bởi thế cho dù CSBV xâm lược có dùng mọi thủ đoạn đê tiện như chúng muốn xóa sổ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, cầm tù đầy đọa những người một thời cầm súng chiến đấu chống kẻ thù chung. Hơn 100 ngàn chiến sỹ VNCH anh dũng lại bỏ thây trên mọi trại tù khắp đất nước mà con thơ không cầm được di ảnh tiễn đưa, người vợ trẻ thổn thức nhạt nhòa, mẹ già vuốt mắt lần cuối cùng ...
Nhưng xác thân các anh đã hòa vào lòng đất mẹ một cách yên bình, được vỗ về bởi bàn tay của thiên nhiên, thay bàn tay mẹ già, những giọt nước mưa thay nước mắt vợ hiền. Anh nằm đó trong tiếc thương của cả dân Miền Nam, của những người con, người vợ, người cha, bạn bè, đồng đội đã may mắn vượt thoát gông cùm của kẻ xâm lăng đến bến bờ tự do. Hãy yên nghỉ ngàn thu những chiến hữu, đồng bào của tôi nhé. Một ngày nào đó không xa, đất nước sạch bóng quân thù, thân xác các anh không còn nhưng vẫn luôn hiện hữu mọi nơi, nó bàng bạc theo cơn gió nhẹ, theo từng ngọn sóng bạc đầu, vi vút theo từng tiếng ru của sáo diều đi vào tận mọi trái tim của người Miền Nam. Cảm ơn các anh đã nằm xuống cho chúng tôi có ngày hôm nay ...
Ngày 30 tháng 4 oan nghiệt khi các quân đoàn CSBV xâm lược đã tiến về SaiGon, người chịu cảnh bi thương, đau đớn nhất cũng chính là những người Mẹ, người Vợ của những lính chiến VNCH. Họ mất hết tất cả, bị trả thù tàn khốc, trong khi chồng con họ bị nhốt vào các trại tù cải tạo, để bị người chiến thắng trả thù bằng những thủ đọan đê tiện nhất, với gần cả trăm ngàn người đã nằm xuống trong các trại cải tạo, thân xác bị vùi dập trong bảy nẹp tre, bó bởi dây rừng. Thì chính những người vợ lính, họ càng chịu nhiều đau thương hơn, họ bị đẩy vào vùng kinh tế mới để chết lần chết mòn vì đói khát, bệnh tật. Một đòn trả thù hèn hạ của cái gọi là bên chiến thắng. Nhưng có một điều oái ăm là họ vẫn chịu đựng không dám rời bỏ nơi khốn cùng này cũng chỉ vì hy sinh cho chồng, hy vọng hành động của mình là để chồng, con được “cách mạng” cứu xét cho về xum họp ....
Những hình ảnh của những bà mẹ già lom khom, người vợ trẻ chắt chiu từng đồng không dám ăn để chờ đến ngày được đi thăm nuôi chồng con thật là cảm động với những tình tiết rơi nước mắt được ghi lại trong các hồi ký ... Những người kém may mắn hơn, chồng con bị tống ra đất Bắc xa xăm, không đủ điều kiện thăm nuôi đành rớt nước mắt mà nhớ thương chồng con ...
Tôi là nhân chứng cho khúc quanh lịch sử này, nên đã chứng kiến sự hy sinh cao quý của các bà mẹ, người vợ của các chiến sỹ VNCH lặn lội thăm chồng con nơi trại cải tạo heo hút trong rừng già Tam Biên của ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Tuy, Bình Thuận có tên là Địa Ngục Cà Tót. Nơi này quả thật là địa ngục của trần gian. Cái bọn tự xưng là “giải phóng” miệng quang quác lời nhân nghĩa cho rằng thì là cho Sỹ quan “Ngụy” cải tạo là để giúp họ thành con người mới, thế sao lại tống họ lên nơi rừng sâu đất chết đầy muỗi mòng, sốt rét thế này ? Thực chất bọn “Giải phóng” chỉ muốn trả thù giết chết cho bằng hết để hả giận, tô thêm máu lên lá cờ vốn đã nhuộm bằng 4 triệu dân Miền Bắc, và hằng triệu dân Miền Nam, nay chỉ muốn tô đậm thêm ...
Một lần nữa, Các bà mẹ, vợ lại lo lắng đi tìm chồng con. Mong được thấy mặt và nơi ăn chốn ở của chồng con mình để mà an tâm ...
Tại trại Tù Cà Tót sau chừng 10 ngày khi chúng tôi 105 người là Sỹ Quan của Bình Thuận sau khi đánh trận sau cùng tại Vũng Tàu thì buông súng theo lệnh TT hai ngày Dương Văn Minh và ra trình diện với “cách mạng” theo lệnh để được học tập một tuần và ngày 5-5-1975 thì bị chở nhốt hết tại Lao Xá Phan Thiết, để học làm người XHCN thì bị VC tống lên đây, và có số cấp thấp như lính Nghĩa Quân và nhân viên xã ấp mà VC cho là bọn ác ôn nên khi chiếm được Bình Thuận VC bắt hết lên đây, có một số lính từ Lâm đồng chạy về Phan Thiết trên tỉnh Lộ 8 Phan Thiết – Di Linh cũng bị bắt. Giá như không có ngày 30-4-1975 thì số này chắc phải chết hết để trả nợ máu cho mấy triệu tên Bắc cộng sinh Bắc tử Nam .
Nhờ có những anh em này trở về báo tin mà những người mẹ, người vợ mới biết tin tìm lên đây. Nên biết trại Cà Tót này là nơi VC Bình Thuận đặt BCH tỉnh ủy của chúng, trong một thung lũng chết bao vây một rừng cây cổ thụ và tre bạt ngàn dựa theo bờ con Sông Quao chảy về Phú Long để sau đó thoát ra biển lớn bằng cửa Phú Hài. Nên việc tìm ra địa điểm này theo lời chỉ dẫn thì quả ư là khó khăn, nhất là với phụ nữ chân yếu tay mềm chưa từng băng rừng lội suối, cũng chưa từng học qua bản đồ, định hướng đi ... thế mà một toán chừng mười bà họ tìm ra được chốn này mới tài, tôi cũng nễ phục họ.
Thật tình mà nói bản thân cũng rất muốn gia đình tìm lên đây đem theo thức ăn, áo ấm và nhất là thuốc sốt rét không thì thân này chắc phải bỏ mạng nơi rừng hoang sâu thẳm này cùng các đồng đội. Biết như thế này thì thà là tử chiến với quân xâm lược một trận oanh liệt nơi sa trường để không chết nơi ô nhục này. Nhưng trong lòng lại thầm van vái gia đình, nhất là mẹ và vợ tôi đừng dại dột mà tìm lên nơi tử địa này.... Sức nam nhi đã qua trui luyện như thép của chúng tôi còn không chịu nổi thì phận đàn bà làm sao chống chọi cho dù chỉ ngủ qua một đêm và uống nước nơi hiểm độc này.
Thế mà qua ngày thứ 21, tôi thấy thấp thoáng mấy tà áo trắng, nón lá của phụ nữ qua hàng cây vào một buổi chiểu tàn. Có anh bạn nào đó mau mắn chạy đến báo tin:
- Tao có thấy vợ mày trong số đó. Cảm xúc lúc đó thật lẫn lộn, nhưng thật sự rất là lo lắng, nhưng cũng tự an ủi, chắc không có gì đâu vì sau khi về nếu có bệnh thì đã có bác sỹ, có đầy đủ thuốc. Nhưng trời ơi, tôi có biết đâu rằng chỉ sau mấy ngày giặc phương Bắc tràn về, chúng đã vơ vét hết thuốc men và những nhu yếu phẩm mang về Bắc vì chúng chả có gì ngoài cái miệng khoe khoang tuyên truyền..... rằng thì là ngoài Bắc cái gì cũng có kể cả TV chạy đầy đường và cà rem thì ăn không hết phải phơi khô để dành ăn.
Thoạt đầu tên trại trưởng, thiếu tá VC tên Nguyễn Hoa người gốc Đức Nghĩa Phan Thiết, cương quyết không cho thân nhân được gặp tù chúng tôi, hắn lý luận rằng tại đây không thiếu thốn gì kể cả thuốc men.. Cuối cùng thì không biết các bà nói sao mà thuyết phục được hắn cho thăm gặp, nhưng chỉ được một tiếng, thế cũng đủ rồi. Thời gian chỉ đủ để nhắn nhủ những lời trăn trối vì nghĩ rằng chắc gì còn sống để trở về, không chết vì bệnh tật, cũng chết vì bị đọa đày. Khi chia tay mà lòng quặn đau, chỉ dặn dù hoàn cảnh thế nào phải ráng sống mà nuôi con khôn lớn ... Sau khi chia tay, tôi để lại cái áo len cho vợ tôi mặc và dặn kỹ cố không để cho muỗi cắn, sáng trước khi ra về thì gởi lại cho tôi chiếc áo len vì lúc ra đi trình diện, đâu có biết bọn chúng đưa lên chốn địa ngục này. Nhờ số thuốc trị sốt rét mà vợ tôi trao tay, tôi mới có cơ hội sống sót và giúp đỡ cho vài bạn thân còn mạng sống để quay về nhà sau này.
Điều tôi thắc mắc là bằng cách nào mà 11 bà toàn là dân thị thành chưa một lần lang bạt giang hồ, lại tìm được đến nơi đây để gặp chúng tôi. Câu chuyện dài dòng nhưng đại khái là trước khi họ lên đây đã có hai chị người Nùng Sông Mao trong đó có vợ Trung úy Lục Chấn Lầm đã tìm lên đây trước nhưng lại đi lạc lên trên Di Linh theo đường rừng núi thật gian khổ. Cuối cùng thì hai chị quay về và hướng dẫn toán này đi vì đã có kinh nghiệm và đã dò hỏi được đường qua các trạm giao liên của VC vẫn còn tồn tại. Tối đến hai chị phải leo lên cây ngủ vì sợ thú dữ, thật là vất vả trăm chiều, phải có lòng thương yêu chồng mới vượt qua được thử thách này.
Nhờ có sự hướng dẫn của hai chị người Nùng này mà toán 11 chị tìm được tới đây, để trao món quà tình nghĩa nhưng thật là quý giá. Tối phải ngủ lại tại trạm giao liên bên bờ con sông Quao và được họ hướng dẫn chỉ đường và dẫn đi một đoạn quan trọng để khỏi phải bị lạc trong rừng già ...
Đúng y như suy nghĩ của tôi, sau khi còn giữ được mạng sống để chuyển về trại Tổng Trại 8 Sông Mao do quân đội VC điều hành, trong lần thăm nuôi đầu tiên sau mấy tháng xa cách, tôi biết vợ tôi và các chị em lên Cà Tót thăm nuôi hôm đó cũng thoát chết bởi cơn sốt rét hành hạ, nét mặt còn xanh xao, ốm đi rất nhiều, trong khi đám chúng tôi nằm lại tại nơi này hơn 40 mạng người chỉ trong vòng 100 ngày.
Những người Mẹ, Vợ lính tâm hồn họ thật cao cả, có thể hy sinh cả mạng sống mình để bảo vệ người mình yêu thương. Cho nên chúng ta cần nói lên tiếng nói để cám ơn nghĩa cử cao đẹp này mà tôi tin rằng đó là thiên chức mà người phụ nữ nào trên quả đất này đều có. Nhưng đặc biệt phụ nữ Miền Nam ta thật là tuyệt vời, họ không đắn đo, phàn nàn cùng dấn thân lo cho gia đình, chính họ đã đóng góp quan trọng trong việc duy trì 20 năm thịnh vượng của Miền Nam thân yêu của chúng ta. Họ là những người rất xứng đáng được vinh danh cho dù nay đã muộn màng sau mấy mươi năm ngày tàn cuộc chiến. Họ mới thật sự là những anh hùng.
Sau ngày tàn cuộc chiến oan nghiệt đó, có bao nhiêu người vợ, người mẹ, người tình ... vẫn còn đứng trên Bến Bạch Đằng ngóng nhìn ra sông Sài Gòn, nước sông đục ngầu lững lờ chảy như mang theo mọi nỗi niềm chưa nói được. Họ còn đứng đây sau bao năm ngóng đợi một bóng hình quay về, nhưng những con tàu xưa sao không thấy về bến cũ, chỉ lưu dấu mỏi mòn trên khóe mắt của người ở lại. Những dáng quen thân của con tàu Nhật Tảo, Trần Khánh Dư, Chương Dương, Hàm Tử … sao tít mù khơi ….
Thành phố SAIGON bây giờ vẫn nhộn nhịp tấp nập, đường DUY TÂN vẫn còn hàng cổ thụ vươn mình dưới ánh nắng chói chang, nhưng nay thiếu vắng bóng dáng người lính Dù với chiếc mũ nồi đỏ, không còn thấy người lính Biệt Cách Dù tay trong tay với người yêu là cô gái nữ sinh Gia Long trên phố vắng. Đâu còn những chàng SVSQ Bộ Binh Thủ Đức, tay trong tay với người yêu. Đâu rồi tà áo trắng tung bay trong những chiều gió lộng. Hình bóng anh đứng tần ngần trước Nhà thờ ĐỨC BÀ như chờ đợi ai vẫn còn in dấu như ngày nào. Chợ SAIGON vẫn còn đó, nhưng hương vị xưa nay hẳn không còn vì người xưa đi mãi nơi nào để lại trong lòng cô gái Sài Gòn nỗi nhớ niềm thương da diết không thể nào quên. Họ nhớ lắm lá quốc kỳ VNCH tung bay trước Dinh Độc Lập trong buổi chiều lộng gió. Thấp thoáng đâu đây vóc dáng người xưa ….
Những buổi chiều tà, từng cặp tình nhân tay trong tay đủ sắc màu quân phục, thong thả đi dạo bước ….
Ôi hương xưa sao không thấy trở về, Người em gái hậu phương muốn thêm một lần nắm lấy bàn tay anh, họ thèm một cánh tay ôm trọn bờ vai bé bỏng. Nhưng những cái ước mơ đó giờ chỉ còn nhạt nhòa trong hư ảo.
Còn đâu tiếng trống nhịp nhàng của khúc quân hành, tiếng bước chân đều nhịp giữa đại lộ Trần Hưng Đạo trong ngày diễn hành lễ Quân Lực VNCH, có bóng dáng anh người lính Biệt Kích oai hùng, Lính Dù, BĐQ, TQLC, Hải Quân, Bộ Binh ....
Trong trang phục hoa rừng, màu cỏ úa, với dây biểu chương, trên nắp túi áo quân phục, những cuống huy chương được gắn đầy bởi những chiến công hiển hách, có phần của những người vợ trong đó.
Để rồi hôm nay mỗi khi ngày này lại về, người em gái hậu phương MN, người vợ... ra đứng nơi đại lộ năm nào để tìm lại hình bóng xưa, nhưng chờ và chờ mãi không thấy bóng dáng người xưa trở về, để nắm bàn tay chai xạm, bờ vai rộng ấm áp mùi thuốc súng. Nay chắc không còn nhưng chắc hơi ấm trong anh vẫn còn mãi ...
Cao Hoài Sơn
Đầu thu 2020 - Bellingham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét