Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

MỘT BỨC ẢNH NGÀN LỜI NÓI - Lão Móc


Một bức ảnh, ngàn lời nói! Không ai có thể phủ nhận chuyện này, ngay cả những kẻ chuyên nghề bênh bậy, cãi bừa. Cách đây mấy năm, bức ảnh của em bé 3 tuổi Aylan Kurdi nằm chết trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm chấn động thế giới và các nước Âu châu, kể cả Hoa Kỳ đã phải mở cửa tiếp nhận các nạn nhân của cuộc nội chiến tại Syria từ năm 2011. Bài viết sau đây chỉ xin tản mạn về chuyện “nhất ảnh, vạn từ” của những bức ảnh nổi tiếng.
<!>
Mỗi năm, cứ đến ngày 30 tháng 4, ngày xe tăng Liên Sô ủi sập cổng sắt Dinh Độc Lập của chế độ VNCH để áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước VN, thì báo chí Mỹ lại đem chuyện bức ảnh đã được chụp cách đây trên 40 năm ra nói, đó là bức ảnh ký giả Eddie Adams chụp ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Đại úy đặc công VC Nguyễn Văn Lớp.
Cách đây mấy năm, trên Dallas Morning News có bản tin như sau:
“Năm 1968, ký giả Eddie Adams của hãng tin AP đã đoạt giải Pulitzer do chụp được tấm ảnh nổi tiếng trong chiến tranh VN có tên “Saigon Execution” trong đó Tướng Cảnh Sát Nguyễn Ngọc Loan cầm súng bắn vào đầu một tù binh VC. Ông Adams đã qua đời vào năm 2004 và từng lên tiếng rằng ông không bao giờ thích tấm ảnh này. Theo Donald R. Winslow, tác giả về nhiếp ảnh “Lens” trên New York Times, lý do là vì ông Adams nghĩ là ông phải đoạt giải Pulitzer năm 1963 với 1
bức ảnh khác. Đó là bức ảnh chụp bà Jacqueline Kennedy nhận lá cờ Hoa Kỳ gấp lại được trao cho bà trong lễ tang Tổng Thống Kennedy vào ngày 25-11-1963. Tấm ảnh cho thấy nét đau buồn lớn lao trong ánh mắt bà Kennedy.
Nhưng trong năm 1963, giải Pulitzer được trao cho Bob Jackson khi phóng viên này “chộp” được tấm ảnh vô giá là hung thủ đã sát hại ông Kennedy, Lee Harvey Oswald, bị kẻ khác bắn chết khi được đưa từ nhà tù Dallas ra. Ông Adams đã đầu tư công sức rất nhiều cho tấm ảnh chụp bà Kennedy vì thế ông ‘ôm nỗi buồn không nguôi’ khi giải báo chí cao quý nhất về tay một ký giả khác quá may mắn.
Sau đó ông Adams nói thẳng rằng ông rất ân hận là tấm ảnh ông chụp đã làm “tan nát binh nghiệp Tướng Loan”. Lúc đó ông Loan bắn ông Nguyễn Văn Lem là 1 tù binh bị bắt trong vụ Tết Mậu Thân.

Ông Adams nói: “Tướng Loan chỉ làm công việc của ông ta là bắn 1 tù binh”, tôi cũng có thể làm như ông ta nếu ở vào địa vị lúc đó. Tôi chụp bức ảnh một cách máy móc khi thấy ông Loan giơ khẩu súng 35 ly vào mặt ông Lem và không chắc khi rửa ra là tấm hình gì”(bản dịch của Trường Giang).
Theo nhà văn Nguyễn Việt Nữ thì, “chính Eddie Adams kể lại cho Al
Santoli trong “To Bear Any Burden” (trang 182) thì Eddie đang làm phóng sự chiến tranh cho thông tấn Mỹ AP, khi nghe có trận đánh ở vùng chùa Ấn Quang (Sàigòn), bèn lái xe tới. Lúc ấy VC đang chiếm chùa Ấn Quang ở bên trong và đang nả súng vào lính VNCH đang bao vây ở ngoài. Thấy Tướng Loan đưa cây súng nhắm bắn vào một người bị dẫn đi. Phản ứng tự nhiên là ông ta bấm máy ảnh. Rồi không nghĩ tới và cứ gửi trọn cuốn phim đi về Mỹ. Vài ngày sau bức ảnh đó nằm chình ình trên trang nhất của tất cả các tờ báo trên thế giới. Chính Eddie thú nhận rằng như vậy là bất công không công bằng cho Tướng Loan, vì chính tên VC này đã giết chết bạn thân của Tướng Loan rồi đâm chết vợ cùng 6 đứa con và những thân nhân khác.

Trong chiến tranh việc giết qua giết lại là điều phải xảy ra. Eddie bảo rằng nếu đăng hình ấy làm chết cuộc đời chính trị của Tướng Loan thì ông phải gửi đăng hình tên VC giết 7 người kia mới công bằng, nhưng Eddie chẳng có mặt vào lúc ấy.
Nếu so sánh hai hành vi sát nhân, thì tội của tên VC nặng hơn tội của Tướng Loan nhiều. Bởi hắn giết trên trên 7 mạng người, trong ấy gồm có đàn bà và trẻ con và nhất là hắn tìm đến nhà nạn nhân với quyết tâm hạ sát cả nhà. Còn Tướng Loan thì giết tên VC trong chiến tranh, lúc hắn bị bắt bắt tại trận đang đánh chiếm Sàigòn, đang nả súng vào dân chúng và quân đội VNCH.
Tội phá rối trị an và xâm phạm an ninh quốc gia đó, theo hình luật cũng đáng tội tử hình. Nhưng không ai được quyền tự xử, nội vụ phải giao qua tòa án, với đầy đủ thủ tục, điều tra, xét xử và biện hộ.
Do đó mà bức hình này được thế giới tự do, nhất là dân phản chiến Mỹ coi như bằng chứng hùng hồn về cái tội lỗi, cái sai lầm của Hoa Kỳ, khi đi giúp một chế độ “sát nhân” như vậy. Và dĩ nhiên Hà Nội dùng việc này như một lợi khí tuyên truyền tối đa cho “chính nghĩa” của họ. Mười ba năm sau chiến thắng, tức vào năm 1983, Eddie Adam trở lại VN, được mời vào xem Viện Bảo Tàng Chiến Tranh nơi mà CSHN dụ ông rằng bức ảnh ông ta chụp được trưng bày ở một nơi trang trọng nhất. Eddie trở về Mỹ viết báo kể lại việc này và bảo rằng: “Nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal có bức ảnh nổi danh ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn về việc chiến thắng của Hoa Kỳ ở Iwo Jima, tôi cũng có cái danh dự ấy ở Hà Nội”. Nhưng ông lại cho độc giả biết rằng dù CSVN nài nỉ, ông cũng chẳng bao giờ thèm đặt chân đến cái Viện Bảo Tàng chó chết ấy! (Nguyên văn: “I never went to the fuckin’ place”).

Được biết, khi Tướng Nguyễn Ngọc Loan qua đời, Eddie Adams có đến dự tang lễ và đã phát biểu như sau: “Ông là một vị anh hùng. Cả nước Mỹ nên khóc thương ông mới phải, tôi không muốn ông ra đi như thế này, người ta không hiểu gì về ông ấy” (The guy was a hero, America should be crying. I hate to see him go this way – Without people knowing anything about him!)
Theo tôi, những lời nói muộn màng này cũng giống như người ta bôi thuốc lên một vết thương đã thành sẹo. Nhưng dù sao có cũng còn hơn không! Còn hơn phải nghe một ông cựu Đại Tá QLVNCH đã từng tuyên bố tại Mạc Tư Khoa vào năm 1992: “Nếu có súng tôi đã bắn nó! (tức Tướng Nguyễn Ngọc Loan)” khi nhà văn Nguyễn Việt Nữ đọc bài tham luận “Thư gửi quả phụ Bảy Lớp” để biện minh cho việc làm của Tướng Nguyễn Ngọc Loan tại Đại hội Nhân Quyền do bà Irena tổ chức vào
năm 1992.

Một bức ảnh khác cũng được VC lợi dụng để tuyên truyền trong nhiều năm trời là bức ảnh chụp cô bé trần truồng bị phỏng cháy bởi bom Napalm trong một trận đánh ở Trảng Bàng (Tây Ninh) vào năm 1972 do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp. Cô gái tên Phan Thị Kim Phúc. Bọn phản chiến Mỹ đã khai thác tối đa bức ảnh này để tuyên truyền. Nhưng, vở kịch hối hận và tha thứ do một mục sư (thủ vai viên phi công ném bom) và Phạn Thị Kim Phúc bị tạp chí Vietnam do một số cựu chiến binh
Hoa Kỳ biên tập, lật tẩy khiến vở kịch không còn ăn khách.
Khi bà Trần Lệ Xuân chết, cái chết của bà được hầu hết các cơ quan truyền thông loan tin.
Trong báo Người Việt, có một bài phỏng vấn ông Trương Phú Thứ, có đoạn như sau:
“... Nói chuyện qua điện thoại từ Seattle, ông Thứ, một trong những người hiếm hoi gặp gỡ và trò chuyện với bà Nhu từ sau chính biến 1963 cho đến ngày bà mất, chia sẻ cảm nghĩ, “Đứng trên phương diện tình cảm con người bất kỳ sự ra đi nào của một con người cũng đều là tin buồn, sự mất mát. Nhưng riêng trường hợp của bà Nhu, tôi lại cảm thấy mừng cho bà, bà là người đàn bà trung trinh, tiết hạnh, thờ chồng, nuôi con”. Cái mừng của ông Thứ là cái mừng của giáo dân tin vào nước Chúa. Ông Thứ nói trong sự xúc động:
“Bà đã sống thui thủi gần suốt cả nửa thế kỷ trong 1 căn apartment, để làm gì? Để một ngày nào đó gặp lại người chồng của mình, người mà lúc ông chết, bà đã không được nhìn mặt, không được lo chôn cất, không được deo khăn tang. Giờ thì bà đã được gặp chồng bà. Chính vì vậy mà tôi mừng cho bà”.

Trong bài viết của Donald R. Winslow, ông này cho biết là Eddie Adams rất hy vọng sẽ đoạt giải Pulitzer vào năm 1963 với bức ảnh chụp bà Jacqueline Kennedy nhận lá cờ Hoa Kỳ gấp lại được trao cho bà trong lễ tang TT Kennedy vào ngày 25-11-1963. Tấm ảnh cho thấy nét đau buồn lớn lao trong ánh mắt bà Kennedy”.
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã chết. Eddie Adams đã chết. Đại úy đặc công VC Nguyễn Văn Lớp cũng đã chết.
Tổng Thống Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqeline cũng đã về với cát bụi.
TT Ngô Đình Diệm, ông “Cố vấn” Ngô Đình Nhu và “đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân cũng đã về nước Chúa!
Không biết có nhiếp ảnh gia nào chụp được bức ảnh của bà Trần Lệ Xuân, đệ nhất phu nhân chế độ đệ nhất VNCH, một góa phụ “lúc chồng chết không được nhìn mặt, không được lo chôn cất, không được đeo khăn tang” so với bà Jacqueline Kennedy, đệ nhất phu nhân Mỹ quốc, lúc nhận lá cờ Hoa Kỳ gấp lại được trao cho bà trong Quốc tang dành cho chồng mình, một Tổng Thống của xứ Hoa Kỳ, để coi... ai buồn hơn ai?

Là tù binh của VC, là cựu tù nhân của 6 “trại cải tạo” và 2 “trung tâm tạm giam tỉnh và huyện” của VC; nhưng tôi không qua Mỹ theo diện HO, tôi là một thuyền nhân. Tôi đã vượt biên vào năm 1986 với đứa con trai 5 tuổi. Thảm cảnh này đã được viết lại trong “Người đàn bà mang thai trên biển Đông” viết bằng Việt ngữ. Quyển truyện “The Life Stories: Pregnant Women At Sea” viết bằng Anh ngữ do tôi (Nguyễn Thiếu Nhẫn) và Nguyễn Thanh Nam, đứa con 5 tuổi (mà tôi đã dẫn nó đi vượt biên) thực hiện với mục đích tố cáo tội ác của CSVN với toàn thế giới đã được nhà xuất bản SBPRA in ấn và phát hành khắp thế giới trong
tháng 9 vừa qua.

Thú thật tôi cảm thấy rất là bất công (?) khi có rất nhiều bài viết ca tụng nữ phóng viên chụp bức ảnh em bé Syria đang nằm chết như mơ (?). Nhưng tôi cũng biết rằng sẽ vô cùng lố bịch khi đem so sánh thảm cảnh này với thảm cảnh khác; cũng như sẽ vô cùng bệnh hoạn khi đem so sánh chế độ tù đày giữa chế độ CSVN, chính thể Việt Nam Cộng Hòa và nhà tù Mỹ Quốc.
Do đó, xin được trích đoạn ý kiến của tác giả Khuất Đẩu về thảm cảnh thuyền nhân ở Địa Trung Hải đã được đăng trên diễn đàn điện tử để kết thúc bài tản mạn “Nhất Ảnh, Vạn Từ”:

“Họ bỏ nước mà đi vì chiến tranh, trong khi những người miền Nam VN lại ra đi vì hoà bình – khác lạ là ở đó. Mà cũng cay đắng từ đó.
Tôi không chối cãi họ là những kẻ khốn khổ. Nhưng bỏ nước ra đi mà được như họ, đi một cách tự do cùng vợ con, chắc miền Nam chỉ còn lại những trụ đèn.
Em bé Syria ơi, thật tội nghiệp cho em, những dẫu sao em cũng được chết để lên nước Trời, ở đó em sẽ bay lượn giữa muôn vì sao. Nơi bãi cát em nằm sẽ có những bó hoa yêu thương song sẽ mang đi. Tối đến sẽ có hàng trăm ngọn nến được thắp lên để sưởi ấm cho linh hồn em.

Trong khi đó; những đứa bé VN, nếu không được vào bụng cá tối tăm thì cũng thối rữa trong các hố rác dơ bẩn, không có được một nắm đất để yên nghỉ. Suốt 40 năm qua, những linh hồn bé bỏng mong manh ấy vẫn lang thang giữa muôn ngàn sóng gió trùng khơi mịt mùng.

Không một cánh hoa!
Không một ngọn nến!

Thương thay!”
LÃO MÓC

Không có nhận xét nào: