Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

Chút Kỷ Niệm Xưa - Cao Hoài Sơn


Mới đó mà đã cái vèo đi hai mươi mốt năm ngày rời bỏ quê hương để lên đường qua Mỹ. Những ngày Đông trời trở lạnh, những cơn mưa trộn lẫn tuyết trắng bay bay ngoài trời. Cái khí hậu không thích hợp cho người già này làm cơ thể mệt mỏi rất dễ bị cảm cúm. Chỉ còn biết ngồi nhà dán mắt vào màn hình của TV hay Computer để xem tin tức nơi quê nhà. Nhưng mà càng nghe, càng đọc thì nỗi đau lại cứ dày vò tâm trí mình, vì đất nước dưới sự cai trị của CS càng ngày càng bị tụt hậu và nạn tham nhũng gần như hết thuốc chữa. Cũng muốn một lần về thăm lại chốn xưa, thăm những người thân còn sống bên đó, nhưng lòng cứ quặn đau lưỡng lự để rồi quyết định không về vì ngày nào lũ giặc tham tàn ấy chưa bị diệt vong thì về mà làm gì, càng thêm khổ đau cho những người đã mang nặng lòng yêu quê mình tha thiết.
<!>
Qua gần 40 năm, hơn nửa đời người, giờ thân xác đã mòn mỏi, chỉ còn biết sống với những kỷ niệm xưa. Nhớ lại cũng thấy vui vui vì mỗi khi có dịp anh em lính cải tạo hồi chưa được ra đi mà ngồi lại với nhau thì toàn bàn chuyện ở bên Mỹ, mặc dù chả biết bên Mỹ nó ra làm sao, và cứ nghe nói mà cứ tưởng y như thiệt, đã từng sống nơi đất Mỹ. Nếu có nghe lén được tin tức gì từ các đài phát thanh BBC, VOA thì hôm sau gặp nhau lại đoán già đoán non. Mà nghĩ phe ta cũng tài thiêt, trong lúc đám VC địa phương chưa biết ất giáp gì hết về cái chương trình H.O đi Mỹ, vẫn còn tin tưởng đám sĩ quan cải tạo trở về đã cúi đầu an phận nghe theo lệnh của bác và đảng. Có anh cũng ra mặt làm bộ như chấp nhận lối sống mới, hòa mình vào cuộc sống ăn bo bo, ăn độn khoai đậu, sắp hàng trước các cửa hàng chờ mua từng thước vải, từng lít dầu. Các mụ vợ thì cũng ra vẻ hợp tác hợp te với chính quyền cách mạng, nhưng cũng lén lút đi buôn chuyến để kiếm sống qua ngày. 

Thì đùng một cái anh Thiếu tá Minh sau khi cải tạo về được cho lái máy cày tại HTX Bình Hội (Xuân Hội), rất được Cộng sản khen ngợi, coi như người tù Sĩ quan cải tạo gương mẫu của chế độ, đi tới đâu khi giáo huấn các Sĩ quan cựu cải tạo, các tay phét lác thường đem Thiếu tá Minh ra làm ví dụ điển hình để cho người khác học tập thì đùng một cái tin anh vượt biên như khối thuốc nổ bao trùm lên mọi thứ. Cái đám Sĩ quan cải tạo lại bị dòm ngó kỹ hơn, thậm chí còn có lệnh, không cho đám sĩ quan ngụy giữ chức vụ quan trọng trong HTX mới chết chứ. Bọn chúng làm như ai cũng muốn tình nguyện vào làm nô tài cho chúng nó, nếu không bị bắt buộc. Nhưng trời cao có mắt, trong làng xóm không ai có đủ năng lực để làm những chức vụ quan trọng cần có đầu óc tính toán như Thư ký đôi, Kế toán trưởng, nên đám “Ngụy” vẫn cứ nhởn nhơ làm ông cán.

Tôi còn nhớ gần cuối 1982 chúng tôi có trong tay những lá đơn không biết từ đâu mà có, được truyền tay nhau, đánh máy bằng tiếng Anh, trong đó nội dung là Đơn gởi cho Tòa Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan để xin đi qua Mỹ của những người bị Chế độ Cộng Sản VN bạc đãi. Thế là tôi vẫn còn đang trong diện quản chế, nhưng tối đến cũng leo lên xe đò trốn đi vô Sài Gòn tìm trăm phương nghìn kế để gởi những tờ đơn này qua Thái Lan và Paris Pháp, mà không sợ bị bắt đưa lại vào tù, vì không còn con đường nào để lựa chọn. Chúng tôi có những đường dây mật để gởi những tờ đơn này đến nơi đến chốn một cách an toàn. Hay một cái là đám công an mật vụ địa phương đông như lũ cào cào nhưng không tên nào đánh hơi được cả. 

Đến chừng năm 1990 lại nhận được tin cứ vào Ty Công An tại Phan Thiết mua đơn điền vào xin đi diện H.O. Thế là cả đám cứ thế mà đi như đi chợ không còn ngán thằng Công an nào. Vào đến Công An Tỉnh, họ hướng dẫn cũng cặn kẽ, làm chúng tôi rất yên tâm. Nhưng khi đơn thì điền xong mà không ai dám lên xã ký xác nhận phần lý lịch. Thế là tôi phải đích thân cùng ông Cậu làm mặt lỳ xung phong mở đường đi ký đầu tiên.
- Mấy tờ đơn này hai anh từ đâu có ? Tên Trưởng Công An xã Chợ Lầu hoạch họe:
- Tôi mua trong Công An Tỉnh, 9 ngàn đồng một hồ sơ, trong tỉnh bảo chúng tôi đem lên Công an xã ký xác nhận phần lý lịch.

Tên Công An xã tái mặt không tin vào sự thật, cầm tờ khai lý lịch nhìn, lại nhìn chúng tôi như người đến từ ngoài hành tinh khác, hắn ta lật đật gọi điện thoại lên công an Huyện Bắc Bình hỏi coi thế nào, thì trên huyện cũng mù tịt. Nhưng hắn ta bảo, mấy anh muốn ký thì đem lên huyện ký.
- Không ! Tôi trả lời dứt khoát, trong Công an tỉnh bảo chúng tôi đem về xã ký, huyện không ký được vì không quản lý lý lịch chúng tôi. Nếu anh không ký thì làm ơn viết vào lý do không ký để tôi mang vô nạp trong tỉnh.
Cuối cùng tên Công an xã chịu thua nói mấy anh để đó chờ tôi xin lệnh trên, mai hai anh lên lại đây.
Ngày hôm sau, chừng 9 giờ chúng tôi lên Ủy Ban Xã, trong lòng cũng có chút hồi hộp, mới tới ngang cửa văn phòng Công An Xã thì thấy hắn ta mặt hầm hầm tay cầm sẵn hai tập hồ sơ lý lịch, chắc do hắn thấy chúng tôi từ khi bước vào cổng Ủy Ban Xã đưa ra nói:
- Ký rồi đây, nhưng cố vớt vát vì quá quê nói:
- Mấy anh đừng hòng được đi.
Tức quá tôi nói thẳng ngay vào mặt hắn:
- Tôi nói thiệt với anh, ai khác thì còn nghi ngờ đi không được chứ tôi đã nạp đơn xin đi Pháp rồi và Tòa Đại Sứ Pháp đã chấp nhận, kêu tôi vào công an tỉnh làm thủ tục phỏng vấn, Công an tỉnh cũng đã gặp tôi nhưng tôi chưa quyết định đi Mỹ hay đi Pháp đây. Chuyện đi đâu là chuyện của tôi, các anh không ngăn được nữa rồi vì đây là chính sách của nhà nước, chúng tôi làm đúng luật.

Tên Công an xã cứng họng chỉ biết nhìn tôi trừng trừng.
Cầm được tờ đơn thấy có con dấu đỏ chói có ghi xác nhận phần lý lịch của các đương sự khai đúng sự thật, chúng tôi hân hoan ra về. Ngay sau đó tin này được loan truyền nhanh hơn đại bác bắn, thế là anh em ta "hồ hởi" phấn khởi cùng nhau đem đơn đi ký. Thế là HTX không có lý do gì để lưu giữ những người đã làm đơn đi nước ngoài nên năm đó 1991, chúng tôi đã được “giải phóng” không còn bị quản thúc tại địa phương và bị bắt buộc giữ chức vụ gì trong HTX nông nghiệp Bình Phước nữa. Tôi đã di chuyển hẳn về Phan Rí cũ để sống với gia đình không còn sợ gì nữa.

Sau mấy tháng chờ đợi, không biết hồ sơ của mình có được công an tỉnh Bình Thuận chuyển ra Trung ương chưa, thì đùng một cái vào một buổi sáng, một đám khoảng mấy người anh em Sĩ quan đã nạp đơn đi diện HO đi bộ từ dưới chợ cũ Phan Rí lên nhà tôi rủ tôi đi ra Đà Nẵng làm lại hồ sơ vì Dịch Vụ nhà nước tại Đà Nẵng được ủy quyền làm hồ sơ từ Phan Thiết ra tới Quảng Trị. Tôi chưa có chuẩn bị gì, và quan trọng một điều là có đi thì phải rủ anh Ngô Trúc Khánh, cậu tôi Trương Trọng Tám, em rể tôi Đặng Quang Thành, Trần Minh Khuông … cùng đi mới trọn tình. Tôi đành cám ơn mấy anh bạn như, Lợi, Mỹ…. hẹn sẽ đi sau có thể ngày mai.

Sau đó tôi đi lên Chợ Lầu kêu hết tất cả cùng đi ra Đà Nẵng vào ngày hôm sau lúc 9 giờ sáng. Chúng tôi đón xe tại Chợ Lầu cùng đi. Xe thời XHCN chạy rất chậm, theo đường họ rước khách rất nhiều, chở hàng hóa quá tải nên ì ạch đến khuya mới đến Quảng Ngãi. Chúng tôi lại phải sang xe để đi Đà Nẵng, đến 7 giờ sáng thì xe đã vào bến, không kịp ăn sáng chúng tôi đã vội vã nhờ mấy anh xe đạp thồ đưa tới Dịch vụ Xuất Nhập Cảnh. Chỗ này thì ai ở Đà Nẵng cũng biết vì nó quá nổi tiếng. Chúng tôi được nhân viên Dịch Vụ hướng dẫn làm lại hồ sơ xin đi Mỹ và chúng tôi đi ra chỉ sau một ngày mà mấy ông bạn tôi được xếp HO 9 còn chúng tôi bị xếp vào HO 11, đủ thấy mức độ người xin đi tăng mạnh trong từng ngày một. Người làm dịch vụ cho chúng tôi biết là chúng tôi cũng còn hên vì HO 11 đi rất sớm, mỗi HO chỉ cách nhau 2 tháng, nếu như cùng thời gian này ở Dịch Vụ Sài Gòn thì phải là HO 15 hoặc HO 16.

Làm xong thủ tục và đóng tiền, lấy biên nhận, ai nấy cũng thở ra nhẹ nhõm vì nghĩ thân phận mình đã bước sang một giai đoạn sáng sủa nhất. Lúc này mọi người mới cảm thấy đói cồn cào, nên rủ nhau đi ăn một bữa thật ngon để ăn mừng. Sau đó là đi dạo xem cho biết thành phố Đà Nẵng. Tối đến mướn phòng trọ gần bến xe để qua đêm, riêng tôi và anh Quán không sao ngủ được vì trong lòng bồn chồn, chắc nằm xuống không thể ngủ được, một lý do nữa là phòng trọ thời XHCN quá dơ, mùi ẩm thấp bốc hơi hôi hám, tôi không thể nào chịu nỗi. Tôi và anh Quán đành ngồi trước nhà trọ uống cà phê, tán gẩu với mấy em giang hồ cho qua hết đêm dài. Sáng hôm sau chúng tôi lại lên đường trở về nhà với một tâm trạng phấn chấn vì nghĩ đến một tương lai sáng lạn đang chờ mình ở phía trước. Trước mắt là nếu sang được Mỹ định cư đó là niềm mơ ước mà hầu hết người Việt Nam lúc đó ai cũng ao ước, các con tôi có cơ hội để tiếp tục học hành, và ít nhất cũng có cơ hội để thoát ly cái cảnh khốn cùng vì chánh sách kinh tế VN đang dồn người dân vào cảnh bần cùng. Riêng tôi, thoát được cái số kiếp tơ tằm bị ràng buộc bấy lâu nay. Một chân trời mới, một viễn cảnh tốt đẹp cứ chập chờn trong đầu làm cho tôi không sao ngủ được ….

Sau Tết năm 1992, chúng tôi HO 11 được giấy kêu đi phỏng vấn tại Sài Gòn. Chỉ riêng Cậu Tám của tôi vì trong giấy ra trại còn thiếu một tháng nữa mới đủ 3 năm nên bị từ chối phỏng vấn. Đây là một sự buồn chung của tất cả nhóm, nhưng biết sao đây. Cùng lúc tôi nhận được giấy IV của Chương Trinh Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc gọi tắt là ODP đặt tại Bangkok, Thailand báo cho tôi biết đã được chấp thuận cho đi Mỹ và đây là số hồ sơ của tôi, phải chi nó đến sớm hơn thì tôi đã đi qua Mỹ ở những HO đầu tiên. Một điều đáng nói là tờ Giấy Ra Trại khi về thì Công an xã Chợ Lầu tịch thu, cất vào ngăn lưu trữ hồ sơ cá nhân. Tôi có lên xã để xin lấy lại đi phỏng vấn thì tờ giấy ra trại không cánh mà bay, chẳng những của tôi mà những ai có trong diện đi Mỹ đều mất tích một cách kỳ lạ không tìm ra thủ phạm. Tôi cự nự là giấy tờ của tôi tại sao lại để mất, lấy gì tôi đi phỏng vấn đây thì công an xã xuống nước mở hết các ngăn tủ để cho tôi tự tìm. Sau đó thì có người đánh tiếng muốn lấy lại giấy ra trại thì lên công an Huyện để lấy. Tôi đứng giữa xã Chợ Lầu nói lớn:
- Chuyện giấy ra trại nếu muốn có là chuyện nhỏ, tôi chỉ cần bỏ công ra lại trại cũ xin phụ bản là được, không cần phải xin xỏ công an Huyện. Hãy giữ lấy để làm kỷ niệm, công an CS nó bần tiện đến như vậy, không còn chút liêm sỉ.

Sau đó tôi vào Sài Gòn hỏi ý kiến ông Cậu Bà con Đại úy Nguyễn Thúc Di, thì ổng nói chuyện nhỏ, miễn là có tiền, ông ta dẫn tôi đến BTL Cảnh Sát cũ của VNCH trên đường Trần Hưng Đạo, nay là chỗ làm việc của Công An Sài Gòn, tại đây bất cứ giấy tờ gì cũng có lưu trữ, kể cả giấy bổ nhiệm Đại Đội Trưởng, hay huy chương của tôi, miễn đóng 20 ngàn đồng là có ngay một bản sao, còn muốn bản chính của giấy ra trại thì giá một chỉ vàng. Tôi bỏ 60 ngàn lấy ba bản giấy ra trại cho bỏ ghét, dự trù về tặng lại cho Công an xã Chợ Lầu một bản để họ lưu hồ sơ nhưng sau lại thôi vì thấy chọc giận họ không cần thiết. Và tất cả việc phỏng vấn chỉ là hình thức để gặp mặt, xác nhận, hết cả anh em chúng tôi đều được chấp thuận đi định cư ở Hoa Kỳ.

Chúng tôi lo phần thủ tục chích ngừa và thanh toán mấy cái giấy tờ nhà đất, không thiếu nợ nhà nước VN, không thiếu nợ HTX và đóng hoàn tất cả số thuế. Chuyện buồn cười là khi đi ký các loại giấy trên, tôi vì không muốn chi tiền cho quân vô lại làm tiền nên giấy tờ bị ngâm gần nửa tháng, tôi ngày nào cũng ghé lại Huyện Bắc Bình để lấy giấy và tốn cả gói thuốc lá, nhưng nửa tháng sau mới hoàn tất được tất cả giấy tờ, nhờ có thằng em tay trong giúp đỡ.
Ngày rời khỏi Việt Nam đó là ngày 25-3-1992, tại Phi trường Tân Sơn Nhất, ngày đi có rất nhiều người thân nhân, bạn bè đưa tiễn, qua tới Bangkok phải ở lại cơ sở của Bộ Nội Vụ Thái tới 9 ngày mới có chuyến bay qua Mỹ và cũng phải ghé lại Phi Trường TOKYO Nhật hết một ngày mới có chuyến bay chuyển tiếp đến Seattle bang WA . Tại đây tôi được thân nhân đón về Lynden vùng phụ cận của thành phố Bellingham để sống cho tới ngày hôm nay.

Qua rồi những khổ đau của một đời người, mới đây mà thời gian qua nhanh quá, tóc đã hóa bạc, và người thanh niên năm nào nay đã già nua với tuổi đời chồng chất, nhưng đã cảm nhận được thế nào là tự do và có quyền được làm một con người không như những đồng đội kém may mắn của tôi còn bị kẹt lại nơi quê nhà. Tạ ơn trên đã giúp đỡ trên bước đường gian truân này, và may mắn không bị cảnh chết mất xác giữa rừng núi điệp trùng của trại Cải tạo nào đó như những bạn bè bất hạnh của tôi. Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi và những người đã một thời chiến đấu cho tự do tại VN.

Cao Hoài Sơn

Không có nhận xét nào: