Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

CHỢ GÒ - NGUYỄN MẠNH AN DAN


Chợ Gò. Có phải khi đọc đến đề tựa này các bạn đang cau mày khó chịu và lầu bầu tự hỏi: "Cái chợ quái quỉ gì thế? Ở xó xỉnh nào vậy? Có gì lạ để mà phải mất thì giờ với nó vậy chớ? Mỗ đã đi mòn gót giày khắp năm châu bốn bể rồi, có cái gì lạ mà không biết! Có cảnh sắc nào hay đẹp mà không để mắt qua! Chợ hả, đồ bỏ!" Tôi biết Tôi biết! Nhưng bình tĩnh giùm tôi một chút đi bạn! Tết mà, hãy để thân tâm thường lạc đi, và làm ơn nghe tôi nói một chút. Có ông nhà văn viết quyển Ngọn Cỏ Bồng, ông ấy ví von hay lắm. Ông nói "rừng thu phong ở Mỹ không nhuộm màu quan san khỉ gì hết" và "nước ở Mỹ, dù là nước mưa, uống trà, dù là trà Đỗ Hữu, cũng chán ngắt". 
<!>
Ông nhà văn của chúng ta không kỳ thị gì đâu, tôi cũng vậy, nhưng tôi yêu cái kiểu nhớ nhà nhớ nước này lắm, vì vậy tôi liều mạng mời các bạn về quê tôi chơi một chuyến, cùng tôi đi dạo một cái chợ Tết rất lạ, rất nhà quê nhà mùa, nghèo vô cùng, nhỏ vô cùng và vô danh lắm lắm; nhưng trong cái nghèo nàn của nó ẩn tàng một ấm áp tuyệt vời, trong cái nhỏ nhoi là bóng dáng những to tát, và giữa những vô danh là tất cả những gì sâu đậm, thiêng liêng nhất.

Chợ ở đâu? Chà, khó cho tôi quá, tôi có chỉ các bạn cũng không tìm thấy đâu! Gò mà, quanh năm suốt tháng có thấy người ngợm bán buôn gì đâu mà tìm! Cho dù bạn có đến được chân núi Trường Úc, chỗ con sông Hà Thanh uốn cong bao bọc nuột nà đất cao, sát quốc lộ số một cũ, giữa khoảng chợ Dinh và chợ Huyện, thuộc xã Phước Hậu, quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định là đúng chỗ rồi, nhưng khổ nỗi lúc ấy bạn cũng chỉ thấy một bãi đất hoang, khi thì để trâu bò thơ thẩn gặm cỏ, trẻ con thả diều; khi thì làm bãi đổ cho những bè tre từ thượng nguồn sông Hà Thanh vượt ghềnh thác xuôi về; khi thì làm chỗ tạm cư cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc những năm giao tranh ác liệt; khi thì làm sân đá banh, phơi lúa. Chắc lúc đó bạn sẽ bực mình lắm và sẽ rủa tôi: "Tên cà chớn, làm mỗ mất công mà chả được tích sự gì! Chợ đâu mà chợ!" Xin bạn bớt giận, tôi không nói láo đâu Chợ thật mà, nhưng nó vậy đó. Có thế tôi mới nói là lạ, chứ nếu bạn gặp ngay một cái chợ thì thường quá, quê mình thiếu gì! Nghe tôi nói đây: Chợ Gò chỉ có mỗi năm một lần, vào đúng ngày mồng hai Tết Nguyên Đán.

Theo truyền thuyết, Chợ Gò xuất hiện từ thời anh em nhà Tây Sơn dấy nghiệp. Hồi đó, vị tướng quân trẻ tuổi và nhân ái Nguyễn Huệ, thông hiểu và chia sẻ nỗi buồn chinh chiến xa nhà của quân sĩ thuộc quyền, nhân dịp xuân về đã cho mở những lễ hội vui chơi và thao diễn quân sự để động viên tinh thần sĩ tốt. Núi Trường Úc là nơi bộ binh tập trận; sông Thanh Hà để thủy quân vùng vẫy, và gò đất rộng bên cạnh dòng sông và chân núi này là chốn gặp gỡ, vui chơi.

Đến ngày hội, hào mục các làng, dân chúng khắp vùng lũ lượt kéo về, đem theo những đặc sản, những kỹ năng và học thuật của địa phương mình góp vào ngày hội lớn. Chợ Gò xuất phát từ đó. Thời gian trôi qua, đã có biết bao biển dâu dời đổi, nhưng Chợ Gò vẫn tồn tại. Tinh thần hợp quần, hòa ái, lạc quan và cầu tiến của Chợ Gò vẫn còn mãi cho đến sau này.

Chợ Gò thật ra là một ngày hội dân gian, mang tính chất của những ước hẹn keo sơn, những đồng lòng gắn bó. Không một lời kêu gọi, không một ai tổ chức, nhưng cứ đến dịp xuân về là Chợ Gò lại chiếm một phần tâm trí của mọi người dân Bình Định. Mọi người đều rộn rã, đều nghe rõ những thôi thúc không tên trong lòng mình để tìm đến, để có mặt. Họ tự nguyện đóng góp, tự nguyện thu xếp để hình thành một quang cảnh chung, một không khí chung vui tươi và đầy ắp tình nghĩa thiêng liêng trong ngày đầu xuân đầm ấm của quê hương. Chợ Gò là như thế.

Từ sáng tinh mơ ngày mồng hai Tết mỗi năm, hàng hàng lớp lớp những con người, đủ mọi thành phần, đủ mọi tuổi tác, từ rất nhiều làng xã xa gần, y phục rực rỡ, nụ cười và lời chúc tốt lành trên môi, tấm lòng mở rộng chen chúc nhau trên những chuyến ghe sớm, trên xe ngựa, xe lam, xe hàng; hoặc thảnh thơi xe đạp, xe gắn máy và cả người rộn rã đôi chân, hân hoan không mệt mỏi đổ dồn đông đặc về Chợ Gò. Khách đến chợ không chỉ là người Quy Nhơn hay những xã lân cận như Phước Lộc, Phước Long, Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Thắng quận Tuy Phước, mà còn một số rất đông đến từ các quận xa xôi như An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Bình Khê của tỉnh Bình Định, đôi khi còn có những khách đường xa từ Phú Yên ở phía Nam và Quảng Ngãi ỏ mặt Bắc cũng đến chung vui.


Chợ Gò có đủ hàng hóa công nghiệp, đặc sản nông nghiệp, cây trái địa phương và quà xuân, bánh Tết đủ màu đủ cỡ, không thiếu thức gì: sắn Xuân Quơn, chuối Phước Thành, bòng Bồng Sơn, dưa, bầu, bí, mướp Long Vân, nón Gò Găng, bún Song Thần An Thái, nem nướng chợ Huyện... Những đặc sản ngon lạ, những kỹ năng hay đẹp của từng địa phương, từng ngành nghề đều tập trung về hội Tết Chợ Gò.

Không khí ở Chợ Gò náo nhiệt, mà kỹ cương, đông đặc mà nề nếp, người đến trước ngồi trước, người đến sau kế theo, không cần nhắc nhở, không ai tranh cãi. Mọi người tự bày biện thành hàng thành dãy, thẳng thớm, ngăn nắp. Khắp nơi rộn rã tiếng cười, câu chào, lời chúc; không bao giờ thấy cảnh xô xát, nặng lời. Người ta đến chợ bày hàng nhưng không phải chỉ vì mục đích mua bán, sinh lợi mà hầu hết đến vì một thói quen tinh thần, một lề tục gắn bó, một dịp mở hàng cầu phúc, một cơ hội gặp gỡ, vui chơi, thăm hỏi, chúc lành. Chợ đã trở thành một điểm hẹn, một nơi hội ngộ thân quen của bạn hàng, bằng hữu, bà con đến để thù tạc, hàn huyên và vui xuân, thưởng Tết.

Suốt ngày mồng hai Tết, trong cái không khí nhà nhà tưng bừng, người người rạng rỡ ở khắp nơi, Chợ Gò cũng có hơi thở và nhịp sống riêng của nó. Hết lớp người này đến lớp người khác đua nhau đổ về Chợ Gò. Người ta tìm thăm nhau, chúc lành cho nhau rồi túa ra mỗi người một hướng.

Các em bé ơi! Lại đây, lại đây chơi! Các em có bong bóng cao su, có mặt nạ giấy, có xe tăng, hình thú, búp bê, quý lắm, nhưng tôi bảo đảm những gì các em có sẽ không quý giá và nhiều ý nghĩa tinh thần bằng con gà đất này. Nó được nặn bằng tay đó, và sơn phết nữa, đẹp không? Và còn cái lưỡi gà bằng trúc nhỏ xíu này nữa, thổi đi, nó kêu te te vui lắm!

Tuổi các em hiếu động và thích tìm cái lạ, phải không? Lại chỗ "thằng nhào lộn" đi. Có gì đâu, chỉ là những thanh tre cắt uốn cong và những hình nộm giấy bồi thôi, rẻ tiền và mộc mạc lắm, nhưng các em sẽ được xem những hoạt cảnh ngoạn mục: Ông quan cỡi ngựa, hiệp sĩ phi thân, giai nhân che quạt cười duyên linh động và bắt mắt lắm! Thử đi, thử để biết là từ bao đời nay, lớp anh chị, cô chú và cả thế hệ ông bà các em giàu óc sáng tạo và tinh thần phong phú đến thế nào! Đời sống khó khăn lắm, thiếu thốn và lạc hậu lắm, họ chưa biết thế nào là những tiến bộ kỹ thuật, nhưng vẫn sống vui, sống đẹp; vẫn có tuổi thơ tràn ngập tiếng cười, và đầy ắp hạnh phúc. Các em cứ vui chơi đi nhé, tôi còn phải chào đón những người khác nữa.

Thưa cụ bà, cụ ông, các cụ đi đâu mà áo dài khăn đóng chỉnh tề thế? Xin chúc các cụ thiên niên trường thọ và xin mời các cụ ghé lại đây. Tôi biết dù quanh năm suốt tháng có khó khăn thế nào đi nữa, giờ này ở nhà ta cũng đã đầy đủ cả rồi: vạn thọ, mồng gà, thược dược, được trồng từ tháng mười; mai nhà đã nở, mai núi đã chặt về từ hai mươi sáu, hai mươi bảy tháng chạp; bàn thờ đã đèn đồng chùi bóng, bộ tam, bộ ngũ sáng choang; quả tử đã đơm đầy cây trái vườn nhà rồi. Nhưng không sao, xin mời các cụ xem qua các câu đối, các liễn Tết trên giấy hồng điều này. Xin các cụ đừng ngại, giá chẳng bao nhiêu đâu. Cụ thích thì cũng có thể biếu cụ một cặp dán chơi trong nhà cho vui mà. Tết Chợ Gò tình nghĩa là chính chứ có phải cốt buôn bán đâu! Rồi xin mời cụ qua xem mớ tranh này: con gà cồ vươn cổ gáy giữa trời cao đất rộng tượng trưng cho kẻ anh hùng đó; còn con hổ nữa, oai phong lẫm liệt không? Và đây, Triệu Tử Long phò ấu chúa, Trương Dưc Đức đại náo cầu Trường Bản, Quan Vân Trường quá ngũ quan trảm lục tướng. Còn bộ truyện cổ này nữa: Con Tấm Con Cám, Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa, Bạch Viên Tôn Các, Lục Vân Tiên, Kim Cổ Kỳ Duyên... Các cụ cứ thư thả mà xem. Tôi biết các cụ thích lắm và từ những điển tích, từ những tâm ly ai oán, những hào sảng anh hùng trong các tranh vẽ trên, các vụ sẽ có thể nói suốt đêm, suốt tháng với con cháu bao đời về một triết lý sống với những gương sáng của các anh hùng liệt nữ, của nề neap đạo đức Đông Phương, của thủy chung tình nghĩa và trung hiếu tiết liệt. Thưa cụ, đây là mớ cây uốn: tùng, trúc, sánh, bồ đề, dúi... đủ cả. Nhỏ xíu vậy chứ bao nhiêu là năm tuổi đó! Hòn giả sơn này nữa, cầu kỳ và tỉ mỉ không? Con cái lớn cả rồi, làm lụng vất vả một đời rồi, các cụ phải hưởng nhàn đi chứ.

Chào quý vị trung niên, quý vị đứng lớ ngớ ở đây làm gì vậy? Mời vô, đừng ngại. Tết mà! Đỏ đen một chút lấy hên đầu năm đâu có sao! Vô đi: lô tô, xóc dĩa, cờ người đấu tài đấu trí đi. Mệt thì kéo qua bên này, rượu gạo Đông Lâm, nem nướng, bì chua, củ kiệu thiếu gì, khề khà tâm sự cho thỏa thuê mong đợi, cho ấm lòng đầu xuân, ngắm nhìn giai nhân tài tử hội Tết chùa Gò đi! Ngày còn dài mà, cứ ngồi đây rồi sẽ có thêm tri kỷ. Chúng ta có hẹn ở đây mà, những ước hẹn không lời nhưng luôn luôn gợi nhắc, thôi thúc bạn ta đến với Chợ Gò.

Xin chào các bạn thanh niên nam nữ, xin chúc mừng tuổi trẻ tươi đẹp. Có chỗ riêng cho các cô các cậu rồi đây. Ghé vào khu bài chòi nhé. Có gì khó đâu, chỉ cần cặp sanh giữ nhịp là chúng ta tha hồ đối đáp, ví von với nhau. Bài bản thì dân gian thiếu gì! Dân ta nghèo nhưng đa tình lắm, gian khó nhưng lãng mạn lắm. Nào, nghe thử một câu chuyện tình ở quê ta xem. Lúc yêu nhau thì: Cái bánh ú cũng cắn làm hai, trái cau ta bổ làm bốn, chứ miếng trầu mình xẻ làm năm.

Rồi thì: Đi Đập Đá xem quay tơ, đi Phú Phong mà ăn chim mía, chứ đi Gò Bồi ăn bánh canh. Vậy mà: Bây giờ em lấy nẫu, em bỏ anh. Cho nên: Như con cuốc nó kêu tu qua, như con công nó lẻ bạn, úi chu chưa là buồn...

Coi bài chòi xong rồi thì mời các bạn qua tiếp bên này. Cái này vừa hay, lạ, vừa gợi nhắc thời oanh liệt của tiền nhân, vừa hun đúc ý chí của tuổi trẻ. Mời các bạn nhìn kỹ, hòa nhập vào tinh thần, cốt tủy của màn trình diễn. Xin tự vấn mình, tự lựa chọn cho mình một thái độ và phong cách sao để không hổ thẹn với người xưa. Bạn biết tôi muốn nói đến cái gì rồi, phải không? - Nhạc võ Tây Sơn, song thủ đả thập nhị cổ. Oai phong lẫm liệt trong những bộ võ phục gọn gàng, chân tay mạnh mẹ và uyển chuyển theo những bài quyền nhịp nhàng và linh động, mặt cương nghị và cả quyết, mắt sáng quắc đầy lạc quan và tự tin, không khí bùng lên với những âm thanh dồn dập, trầm bổng, thôi thúc từ 12 chiếc trống trạn lớn nhỏ được thiết kế đặc biệt dưới sự vận dụng tài hoa và khéo léo của đôi tay người nghệ sĩ dũng sĩ và đoàn võ sinh phụ diễn. Nhịp trống như những lời kêu gọi đanh thép, những mệnh lệnh quyết liệt. Chính những âm thanh thần kỳ của bộ nhạc võ này đã làm nức lòng quân sĩ, đã làm nhẹ bước chân meat mỏi, rút ngắn đoạn đường diệu vợi Phú Xuân - Thăng Long trong chiến dịch thần tốc năm nào của đoàn nghĩa dũng Tây Sơn. Và cũng chính khúc nhạc võ này đã làm bạt vía kinh hồn lũ gặc hung tàn ở Hà Nồi, Ngọc Hồi, ở Khuông Thượng, Thăng Long, góp phần giúp đoàn quân áo vải cờ đào tạo nên những kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc.

Chợ Gò. Chỉ chừng đó thôi sao? Không phải. Bài viết phải chấm dứt vì sự hiểu biết thiếu sót và khả năng diễn đạt giới hạn của tôi. Còn Chợ Gò - như cái từ đường của mỗi dòng họ, như đình miếu của mỗi xóm làng - mang nhiều ý nghĩa tinh thần thiêng liêng, bao gồm những đặc trưng về xã hội, đạo đức và phong tục đã trở thành truyền thống của cả một địa phương rộng lớn. Tôi không lột tả được hết. Lỗi ở tôi.

Bây giờ Chợ Gò vẫn còn đó. Mồng Hai Tết mỗi năm Chợ Gò vẫn nhóm họp đông người, nhưng bàng bạc đâu đó trong không khí chung của Chợ Gò cũng như trong những ánh mắt lo âu, những tấm lòng bất ổn của mỗi người là những bóng đen vô hình của các cường hào mới ở nông thôn, của kinh tế ba, của quản lý thị trường, của bảo vệ chính trị và của cả nỗi kinh hoàng to lớn và dai dẳng về một chế độ tàn độc đè nặng trên mỗi phận người.

Tinh thần Chợ Gò đã mất, còn lại chăng chỉ là chút gượng gạo tội nghiệp.

NGUYỄN MẠNH AN DAN

Không có nhận xét nào: