Trung tâm học tập cộng đồng do UBND phường Phù Thủy quản lý, được cho là nơi ông Trần Văn Trí bị các dân quân hành hung. Photo SGGP. Hôm 14/2, công an ở Bình Thuận bắt giam năm dân quân tự vệ vì đã đánh chết một người đàn ông mà nhóm này cho rằng đã vi phạm các quy định về giãn cách xã hội trong phòng chống dịch COVID-19. Nạn nhân là ông Trần Văn Trí, 36 tuổi, bị các dân quân này cho là “vi phạm” Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, và “không mang theo giấy tờ tùy thân”. Năm dân quân tự vệ, tuổi từ 21 đến 31, đang bị điều tra về tội “cố ý gây thương tích cho người khác” và “bắt giữ người trái pháp luật”, truyền thông Việt Nam loan tin.
<!>
Vào tối ngày 31/8/2021, khi năm dân quân tự vệ được cử đi tuần tra và thực thi các quy định về giãn cách xã hội, họ phát hiện ông Trần Văn Trí không có giấy tờ tùy thân và cho rằng ông Trí “vi phạm các quy trình an toàn” theo chỉ thị 16.
Nhóm này giải ông Trí đến trụ sở, giam giữ trong bốn giờ, hành hung và đánh đập ông bằng gậy, theo trang Tuổi Trẻ Online.
Truyền thông Việt Nam đăng hình một trung tâm học tập cộng đồng do UBND phường Phù Thủy quản lý, được cho là nơi ông Trí bị các dân quân hành hung.
Báo Sài Gòn Giải phóng dẫn lời các bị can cho biết nhóm các dân quân có hành động như trên vì ông Trí “có lời lẽ chống đối, gây bức xúc” cho họ.
Ông Trí được cho về và sau đó chết tại nhà vào rạng sáng ngày hôm sau do bị thương nặng.
Các nhóm quân tự vệ, bên cạnh dân phòng và các đoàn thể, là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho ngành công an trong việc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát người dân chấp hành các quy định Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Việc chính quyền lạm dụng các quy tắc an toàn phòng chống dịch đã bị LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế nhiều lần lên tiếng.
Các chuyên gia LHQ nói: “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia kiên định trong việc duy trì cách tiếp cận dựa trên quyền con người để điều chỉnh đại dịch này”.
Vào tháng 9/2021, lúc Việt Nam cao điểm thực hiện Chỉ thị 16, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết rằng những biện pháp mạnh tay với lý do ngăn chặn dịch bệnh có thể làm phương hại đến hiệu quả công tác chống dịch COVID-19.
Tổ chức này nói: “Thay vì chỉ dựa vào sử dụng những biện pháp trừng phạt và cưỡng bức với lý do ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng Việt Nam cần áp dụng những biện pháp ứng phó phát xuất từ việc tôn trọng nhân quyền”.
Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền thông qua việc lợi dụng công tác phòng chống dịch, và nói rằng đó là “những luận điệu xuyên tạc, vu cáo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét