Tui không bao giờ quên được ngày ba tui và hai ông bạn tình cờ đi chung chuyến bay diện HO qua Mỹ, cùng tuyên thệ kết nghĩa… vườn chanh đằng sau nhà tui. Nêu tên tuổi ra thì kể cũng hơi giống giống tích truyện tam quốc chí bên tàu. Ba tui lớn nhất tên Lưu, ông thứ hai tên Quang và chú Út tên Trung.Trong chuyến bay từ Việt Nam qua Mỹ, chắc cũng do trời sắp đặt đâu đó vòng vòng nên ba ông và bầu đoàn thê tử được xếp ngồi gần nhau. Ban đầu gật đầu cười cười, sau đó lân la chuyện trò thì cùng” phe ta”,cuối cùng là còn phát hiện chung một trại tù cải tạo, có điều kẻ vào trước người vào sau và đương nhiên người ra trước và kẻ ra sau mà thôi. Chưa hết lạ lùng nữa là cả ba gia đình đều định cư ở cùng một tiểu bang.
<!>Hồi đó, “phe ta” còn nai vàng ngơ ngác nên gặp đồng hương lại đồng chí hướng thì quý hơn…đô la Mỹ nhiều. Ổn định nhà cửa xong, cả ba giúp nhau lo công ăn việc làm, cuối tuần gặp nhau bàn định kế hoạch thể với lòng gan tim mề gì đó hổng để mất gốc. Người bàn cộng tác với báo chí, người đưa kế hoạch” đào tạo nhân tài “cho tương lai đất nước Việt Nam…sau khi cộng sản tiêu tùng(?) Nhân tài ở đây là tụi con nít ăn chưa no lo chưa tới, đứa nhỏ nhứt mới..,hai tuổi con chú Trung đứa lớn nhứt là tui mới…mười lăm tuổi rưỡi.Cả ba gia đình có tổng cộng sáu”nhân tài”của đất nước. Nhà tui ba đứa, nhà chú Quang hai đứa, còn nhà chú Trung có một đứa con gái. Trời đất quỷ thần ơi! Hổng hiểu sao chú thím Trung đẹp như tiên đồng ngọc nữ vậy mà con nhỏ nhìn xấu hoắc: mũi tẹt lét, mắt hí miệng chu chu. Khi tui thầm thì với má tui nhận xét này bà ký vào đầu tôi đau điếng la lên:-Em nó còn nhỏ, sao nói được, mai mốt trỗ mã, tiên nữ không bì cho coi.Tui bỏ chạy một nước. Thôi! Bỏ con nhỏ mắt hí,mũi tẹt đó đi.
Tui kể chuyện tiếp ba ông sĩ quan cải tạo “quỡn”quá,sau mấy tháng tâm đầu ý hợp bèn quyết định lập…bàn nhậu đằng sau nhà tui để kết nghĩa huynh đệ chi bình gì gì đó.-Thôi! Không có vườn đào thì coi như vườn chanh cũng được ha hai chú?Ba tôi đề nghị và hai chú kia gật đầu lia lịa,bừng bừng khí thế tưởng như cả tiểu đoàn sắp sửa lên đường chống lại tụi Việt cộng gian ác không bằng. Nói là vườn chanh cho oai chứ cả vườn có một cây chanh lùn tịt, le que mấy cái bông nhỏ xíu mà hổng có trái nào hết trơn hết trọi. Ba ông Lưu, Quang, Trung (chớ hổng phải là Lưu Quan,Trương trong tam quốc chí) trước bàn thờ khói hương nghi ngút trong phòng khách nhà tui sì sụp lễ lạy. Ba tui đọc tên tuổi rồi cất tiếng thề nguyền:có phước cùng hưởng,có họa cùng…chạy gì gì đó dài lắm nhưng tôi nhớ có bao nhiêu đó(!). Rồi má tui mở nhạc quốc ca Việt Nam Cộng Hòa lên, cả nhà cùng hát vang rồi cùng khóc hu hu vì quá cảm động.
Sau nghi thức kết nghĩa long trọng, ba tui và hai chú chụp hình lưu niệm rồi gọi các con lại và tuyên bố tụi tui bắt đầu từ bây giờ là anh em kết nghĩa, phải biết yêu thương, giúp đỡ và che chở cho nhau. Ba tui dân Nam kỳ thứ thiệt, chú Quang người Đà Nẵng có một trai,một gái,con bé đẹp như tiên(mặc dù tui chưa nhìn thấy tiên bao giờ). Con bé này thì còn được còn con nhỏ mắt hí,mũi tẹt nhà chú Trung Bắc kỳ năm tư mà là em tui thì…bất công cho tui quá(!). Nhưng thôi!”phụ xử tử vong,tử bất vong bất hiếu”mà,cha biểu chết có phải đi chết huống gì là biểu… làm anh kết nghĩa của con nhỏ xấu hoắc này. Rồi sau đó, tới mục chích máu ăn thề thì mấy ổng lại…chích máu mấy con gà sống mua ở nông trường để mấy bà bày ra nào canh măng,gà luộc,gỏi gà,gà Rôti tùm lum tà la.
Má tui nấu ăn ngon đã đành, hai bà thím cũng khéo không kém.Ngày đó tui hổng quan tâm tình nghĩa anh em của ba tui và hai chú kia sẽ ra sao mà lại rất khoái chí vì chưa bao giờ được ăn nhiều món ngon như thế.Cuộc sống có khác chút sau ngày mấy ổng kết nghĩa vườn chanh. Cuối tuần, ba nhà thay phiên nhau tụ tập. Bọn con nít được học tiếng Việt, được nghe kể chuyện cổ tích, truyện lịch sử, chuyện…chống cộng(chuyện này chỉ cho lứa tuổi”vị thành niên”như tui và con trai của chú Quang nghe thôi). Đồng thời sau khi bọn trẻ con học thì tới phiên tụi tui phải”trả lễ”lại bằng cách chỉ tiếng Mỹ cho mấy ông bà già. Vợ chồng chú Trung công nhận thông minh xuất sắc
Qua Mỹ một thời gian, cả hai tìm cách đi học lại, mấy năm sau đều ra trường.Đương nhiên,hai bà chị kết nghĩa thay nhau nuôi dùm con bé. Chú Trung cao ráo trắng trẻo đẹp trai đã đành, vợ chú cũng xinh xắn nhẹ nhàng tươi thắm. Tui thiệt hổng hiểu tại sao trời nỡ bất công cho họ một nhỏ con gái xấu như thế. Thông thường thì sau mỗi buổi học tiếng Việt,tụi tôi đứng dậy chào quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ rồi ôm nhau bày tỏ tình”huynh đệ”nhưng chả bao giờ tôi thèm ôm con nhỏ mắt hí đó.Ba anh em”kết nghĩa vườn chanh”còn tích cực tham gia vài công tác cộng đồng nhưng chẳng hiểu tại sao từ từ ai cũng ngao ngán,”ta về ta tắm ao ta” còn hơn.Có nghĩa là thôi thì cộng đồng ba gia đình Bắc ,Trung,Nam này cũng quá đủ, hết sức lo cho việc trị quốc,bình thiên hạ rồi.
Vợ chú Trung vì”ra đời” sớm nhứt nên hay đem những kiến thức sống ở xã hội Mỹ ra chỉ dẫn cho hai bà chị lơ tơ mơ của mình. Đôi khi, cô cũng cao hứng đề cập đến vấn đề”nữ quyền”làm ba tui với chú Quang có vẻ không bằng lòng lắm nhưng chú Trung yêu và nể vợ nên hai ông anh đành”nuốt bồ hòn làm ngọt”thôi.Tôi lớn lên đi học xa, huynh trưởng của lớp”đào tạo nhân tài”giao cho con trai của chú Quang.Rồi đến lúc anh chàng cũng rời xa gia đình để tiếp tục sự học.Lớp học còn toàn con gái:Hai đứa em tôi,cô bé đẹp như tiên con chú Quang và con bé mắt hí con chúTrung .Gia tài của tụi tui mang theo là lá cờ ba sọc và bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, ngoài ra chẳng còn gì.
Đời sống nơi phồn hoa bon chen đầy cám dỗ của nước Mỹ văn minh, nước Mỹ hùng cường, nước Mỹ”anh hai” của thế giới đã lôi cuốn tụi tui xa dần, xa dần chí hướng cha ông thuở”hàn vi” nơi xứ lạ quê người. Tụi tui nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ vì cảm thấy khó diễn tả ý nghĩ của mình bằng tiếng Việt quá. Một lần điện thoại về, ba má tui buồn rầu báo tin chú Trung dọn đi tiểu bang khác vì công việc làm ăn. Lần sau, thì lại được tin mới vợ chú Quang mất vì bệnh đau tim. Ba tui và chú Quang vẫn “cố thủ”ở nơi cũ, bây giờ vườn chanh không còn như xưa nữa. Nó đã trở thành một vườn chanh thực sự với nhiều cây chanh cao và những quả chanh to,mọng nước,thơm ngon.
Nhưng thời thế đã khác:”nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm”(Bình Ngô đại cáo-Nguyễn Trãi). Tôi thường nghe ông già than vãn như thế vì cả ba gia đình giờ tan tác, con cái có đứa nào còn nói được tiếng Việt là mừng hú hồn chứ mong gì nó trở về”rửa nhục cho nước,trả thù cho cha” như ông Nguyễn Trãi xưa kia nữa. Hai nhỏ em gái tui lấy chồng mắt xanh mũi lõ hết ráo, huấn luyện cho mấy cha nội này biết cầm đũa, ăn nước mắm sì sụp là má tui đã mừng rơi nước mắt rồi.Tới phiên nhỏ em kết nghĩa đẹp như tiên của tui càng lớn càng mập ú, xấu hoắc(chắc tại ăn hamburger uống Cola nhiều quá).Cô nàng học hành cũng ạch đụi nên cuối cùng là một nhân viên bình thường trong siêu thị, cũng lấy chồng Mỹ gốc Đài Loan nên cuối cùng tiếng Tàu em nói…như gió(!).
Phước ba đời nhà chú Quang là thằng con trai chú lấy được một cô vợ Việt Nam dễ thương ngoan ngoãn. Chú mời ba má tui đi dự đám cưới. Trong lúc điện thoại trò chuyện, chú khóc hu hu với ba tui chỉ vì mong gia đình tui đến dự để chia vui với chú về cô con dâu người Việt mà ba nó hồi xưa cũng là…lính Việt Nam Cộng HòaTại đám cưới này, tui gặp lại con nhỏ mắt hí nhà chú Trung. Trời! Xin thề tui ăn năn hối hận khủng khiếp là hồi xưa má tui dí nó cho tui mà tui hổng thèm ôm, bây giờ muốn thì e rằng đã quá muộn rồi(?)Bao năm rồi không gặp bây giờ em thực sự đẹp…hơn tiên. Ai ngờ, con nhỏ chủ động chạy lại ôm chầm lấy tui hỏi han tíu tít làm tui bay bổng lên chín từng mây không biết phải làm gì nữa. Còn má nó khi tôi nhìn thấy thì hết hồn có phải là” hoa hậu vườn chanh” khi xưa không dzậy?Nhìn thím bây giờ già hẳn đi buồn rầu và tiều tụy đến nổi má tôi còn phải thất kinh la lên:Mèn ơi! Em Loan phải hông ?bị bệnh gì mà nhìn tiêu điều dữ dzậy?Thím ôm má tui nước mắt ràn rụa không nói nên lời. Con gái thay mặt mẹ trả lời vắn tắt: -
Bác ơi! Ba má con mới ly dị! Ba con về Việt Nam nói là xây mộ cho ông nội xây mộ,cho bà nội rồi đầu tư làm ăn gì đó đi đi về về,rồi… bưng qua một cô vợ trẻ bằng tuổi con.Trong lúc ba má tui và chú Quang ngẩn ngơ, sửng sốt thì tui hỏi con nhỏ một câu trớt quớt:-Còn em dạo này ra sao? Hôm nay sao không đưa chồng đi cùng? Nhỏ liếc tui, mặt đỏ bừng làm tôi càng thấy nhỏ đẹp hơn. Nhỏ xì lên một tiếng, ngoe nguẩy:-Chồng gì mà chồng, bắt ớn! Em thề …không lấy chồng đàn ông bây giờ có ai tốt lành gì đâu!Tui lại thấy hình như mình đang ở trên trên chín từng mây lần nữa vì cơ hội đang ở lù lù trước mắt kia.
Má tui ôm thím Loan vỗ về an ủi, tui cũng giả vờ lại gần nhỏ”đẹp hơn tiên”khuyên lơn dỗ dành. Nhỏ coi vậy mà khó lắm à nha! Tui phải “dỗ dành khuyên lơn” cả gần hai năm trời mới đem được nhỏ về nhà mình đó chớ. Một phần là tui cũng phải đi…đường vòng “xúi”má tui rủ rê cô Loan về lại quê cũ” vườn chanh” để có chị có em bầu bạn.
Bây giờ thì tui lại nói nghiệp “gia phong” mở lớp “đào tạo nhân tài” là ba đứa con của tui còn cô giáo là bà má ”đẹp hơn tiên” của tụi nó. Vẫn là lá cờ vàng ba sọc đỏ và bài hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa năm nào, có khác chăng là mỗi lần nhắc đến chú Trung, ba tui lại thở dài tặc lưỡi.:-Đúng là cái thứ nửa người, nửa ngợm, nửa đười!
Ngọc Thanh Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét