Hai mươi ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ, nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyne, giải Nobel văn học năm 1970, tuyên bố trên đài truyền hình Paris rằng “Việt Nam sẽ trở thành một nhà tù khổng lồ.” (Michel Tauriac, Hồ sơ đen Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Văn dịch, California: Văn Mới 2002, tr. 36.)Alexandre Soljenitsyne (1918-2008) là nhà văn Nga chống chế độ Liên Xô, viết nhiều kịch và tiểu thuyết, nổi tiếng là Một ngày của Ivan Denisovich (1962), Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago) (tập 1 và 2 năm 1974, tập 3 năm 1976).
<!>
Alexandre Soljenitsyne tiên đoán như trên dựa theo kinh nghiệm bản thân tại quê hương ông là Liên Xô và những diễn tiến tại Đông Âu và Trung Cộng.
Tại Nga năm 1917, sau khi cầm quyền, CS thiết lập chế độ tù cải tạo vào những năm 1918-1921 và hợp thức hóa bằng luật pháp năm 1933. Tại Trung Cộng, chính sách “lao cải” (lao động cải tạo) được chính thức hóa ngày 26-8-1954 và hội đồng chính phủ chấp thuận thủ tục thi hành chính sách lao cải vào tháng 8-1957. (Phạm Hữu Trác, “Tù cải tạo: Trình bày và phân tích dữ kiện”, đăng trong Vàng, Máu và Nước Mắt, Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do: Canada, 2000, tr. 19.)
Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, đại đa số công chức, quân nhân chính thể Quốc Gia Việt Nam di cư vào Nam Việt Nam (NVN). Chỉ một số ít còn lại ở Bắc Việt Nam (BVN), liền bị chế độ cộng sản (CS) bắt giam, tù đày. Chính sách cải tạo do quốc hội BVN chính thức quy định vào năm 1961 trong nghị quyết 49-NQTVQH và thông tư số 121-CP của hội đồng chính phủ đặt ra các biện pháp thi hành nghị quyết nầy. (Phạm Hữu Trác, bài đã dẫn.)
Năm 1975, trước khi tấn công Sài Gòn, Ban bí thư Trung ương đảng Lao Động từ Hà Nội đưa ra chỉ thị số 218/CT-TW ngày 18-4-1975, quy định chính sách đối với công chức và sĩ quan VNCH bị bắt như sau:
“Đối với sĩ quan, tất cả đều phải tập trung giam giữ quản lý, giáo dục và lao động; sau nầy tùy sự tiến bộ của từng tên sẽ phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể. Những người có chuyên môn kỹ thuật [kể cả lính và sĩ quan] mà ta cần thì có thể dùng vào từng việc trong một thời gian nhất định, nhưng phải cảnh giác và phải quản lý chặt chẽ, sau nầy tùy theo yêu cầu của ta và tùy theo sự tiến bộ của từng người mà có thể tuyển dụng vào làm ở các ngành ngoài quân đội. Đối với những phần tử ác ôn, tình báo, an ninh quân đội, sĩ quan tâm lý, bình định chiêu hồi, đầu sỏ đảng phái phản động trong quân đội, thì bất kể là lính, hạ sĩ quan hay sĩ quan, đều phải tập trung cải tạo dài hạn, giam giữ riêng ở nơi an toà và quản lý chặt chẽ.” (Huy Đức, Bên thắng cuộc, I: Giải phóng, Saigon – Boston – Los Angeles: Osin Book, 2012, Chương 2: “Cải tạo”, mục “Ngụy quân’, tr. 39.)
Sau ngày 30-4-1975, nhà cầm quyền mới ở Nam Việt Nam (NVN) là Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam do đảng Lao Động tức đảng CS điều khiển, bắt giam tất cả những sĩ quan, công chức cao cấp của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nhằm các mục đích chính: 1) Triệt hạ vĩnh viễn quân đội và chính thể VNCH. 2) Giam giữ, bạo hành, trả thù, làm cho tù nhân sợ hãi, không dám chống đối chế độ mới. 3) Tiêu diệt tiềm lực VNCH, vì những người bị bắt học tập cải tạo ở độ tuổi trung niên để làm việc, sản xuất hay tranh đấu, có trình độ văn hóa trung bình cao so với trình độ văn hóa chung của toàn dân. 4) Bóc lột sức lao động của tù nhân, đưa đi canh tác những vùng đất bỏ hoang thời chiến tranh. 5) Đe dọa, trấn áp những gia đình có thân nhân bị tù. Nếu gia đình chống đối, thì tù nhân khó được trở về đoàn tụ gia đình. 6) Làm gương cảnh cáo dân chúng NVN, nếu vọng động thì sẽ bị số phận học tập cải tạo dài hạn không xét xử, làm ai cũng khiếp sợ.
Kế hoạch của CSVN nhằm tiêu diệt hoàn toàn quân đội VNCH rất tinh vi, chia thánh hai phần:
1) Thứ nhứt, vào giữa tháng 6-1975, CSVN ra lệnh cho hạ sĩ quan và công chức cấp thấp VNCH học tập tại chỗ các khóa chính trị tử đến 7 hay 10 ngày tùy địa phương.
2) Thứ hai, CSVN ra lệnh sĩ quan VNCH từ cấp thiếu úy trở lên và công chức cao cấp VNCH phải trình diện từ 13-6 đến 16-6-1975 và chuẩn bị lương thực 30 ngày, để học tập chính sách của “chính phủ cách mạng” trong một tháng. (Bác sĩ Trần Vỹ, “Đời sống trong trại giam ở miền Bắc”, đăng trong Vàng, Máu và Nước Mắt, sđd. tt. 239-250).
Khi đại đa số sĩ quan, công chức VNCH trình diện, thì tất cả bị đưa đi giam trong các trại tù mà CS gọi là trại học tập cải tạo trên các vùng rừng thiêng nước độc, không tuyên án và không thời hạn. Nếu bỏ trốn, không trình diện mà bị CS bắt, sẽ bị án phạt nặng nề. Sau những tuyên truyền huyễn hoặc thời chiến tranh trước năm 1975, đây là cuộc lừa phỉnh công khai vĩ đại của CSVN sau năm 1975 tại NVN, ghi đậm thành tích lừa dối phỉnh gạt của CSVN.
Người tù phải học tập chính sách của nhà nước CS, chủ nghĩa Mác-Lê, phải lao động từ sáng đến tối, dọn mìn, phá rừng, sản xuất, trồng trọt, làm gạch ngói, dựng nhà … Người tù đau ốm không thuốc thang, ăn uống thiếu thốn, đói quanh năm, khẩu phần rất thấp, so với khẩu phần của một tù nhân CS dưới chế độ VNCH. (Bác sĩ Trần Vỹ, bài đã dân.)
Theo bộ Encyclopedia of the Vietnam War, sau năm 1975, số lượng sĩ quan, công chức và cán bộ VNCH bị bỏ tù khoảng hơn 1,000,000 người trên tổng dân số NVN lúc đó khoảng 20 triệu người. Tất cả bị giam tại trên 150 trại giam; theo đó khoảng 500,000 được thả về trong 3 tháng đầu; 200,000 bị giam từ 2 đến 4 năm; 250,000 bị giam ít nhất 5 năm, và năm 1983 (tức sau 8 năm) còn khoảng 60,000 người bị giữ lại. (Spencer C. Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Vol. two, Santa Barbara, California: 1998, tr. 602. Sách trích tài liệu của Sagan, Ginette and Stephen Denney, Violations of Human Rights in the Socialist Republic of Vietnam, Palo Alto, California: Aurora Foundation, 1983.)
Trong số trên 1,000,000 người bị tù sau năm 1975, theo những cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Âu Châu, có khoảng 165,000 nạn nhân đã từ trần trong các trại tù “cải tạo”. (Anh Do & Hieu Tran Phan, “Millions of lives changed forever with Saigon’s fall”, nhật báo Orange County Register, Chủ Nhật, 29-4-2001, phụ trang đặc biệt về ngày 30-4, tt. 2-3.) Cộng sản hứa hẹn sẽ thả ra khỏi tù những ai học tập cải tạo tốt, nhưng không có tiêu chuẩn xác định thế nào là cải tạo tốt, nên chẳng ai hiểu thế nào là học tập cải tạo tốt để được thả ra. Và cứ thế, CS tùy thích giam cầm quân nhân, công chức VNCH không thời hạn theo sáng kiến của CS.
KẾT LUẬN
Đúng như văn hào Nga Alexandre Soljenitsyne, giải Nobel văn học năm 1970, tiên đoán trước ngày 30-4-1975, “Việt Nam sẽ trở thành một nhà tù khổng lồ.”
Chuyện sĩ quan, công chức cao cấp Việt Nam Cộng Hòa bị bắt giam, bị đày đọa trong các trại tù học tập cải tạo dưới chế độ CS sau năm 1975 là chuyện dài bất tận, vì đàng sau các sự kiện và số liệu trên đây, là nỗi đau khổ triền miên trong gia đình những tù nhân là những chiến sĩ đã tranh đấu cho sự sống còn của chính chúng ta, cho nền tự do dân chủ chẳng những miền NVN mà cho cả toàn quốc nữa..
Cuối cùng, để kết luận, xin được phép nhắc lại lời cuối trong bản nhạc “Cơn mê chiều” của nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi về biến cố Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế, qua cách trình bày tha thiết của nữ ca sĩ Thái Thanh, “Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên….”
Vâng, xin đừng bao giờ quên những đau thương cùng cực của những chiến sĩ VNCH; đừng bao giờ quên lý tưởng tự do dân chủ cao cả mà những chiến sĩ VNCH đã tận tình bảo vệ. Và cũng đừng bao giờ quên tội lỗi của CSVN, một chế độ “tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài. Nó tàn phá cả một dân tộc, hủy hoại tinh anh của nhiều thế hệ. Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền…” (Trần Độ, Nhật ký rồng rắn, trích đăng trên Việt Báo Online (vietbao.com) số 3489 ngày 21-10-2004.) (Nguồn: Chiến tranh 1954-1975, sẽ xuất bản).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét