LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Hồ Đankia-Suối Vàng là nguồn cung cấp nước cho thành phố Đà Lạt và vùng lân cận, nhưng nay lòng hồ cạn khô, nứt nẻ đang chết từng ngày…Báo Tuổi Trẻ dẫn phúc trình tại một kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng hồi năm 2017, cho biết các chuyên gia đã từng khuyến cáo “nếu cứ để hồ Đankia-Suối Vàng (hồ Đankia) có diện tích lưu vực khoảng 13,000 hécta, độ sâu trung bình 6 mét, nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, nơi khởi nguồn hệ thống sông Đồng Nai tiếp tục khô cạn và ô nhiễm, thì 10 năm nữa Đà Lạt không có nước uống.”
<!>
Và nay, người dân Đà Lạt cùng phần lớn huyện Lạc Dương, đang lo âu bởi điều tồi tệ nhất đang đến sớm hơn dự đoán. Phần lớn hồ Đankia không còn nước, lượng nước còn lại dồn về phía thung lũng Vàng…
Ông Trần Quang Tuyến, người dân ở thành phố Đà Lạt, lo lắng nói: “Cạn thế này thì chắc không bao lâu nữa Đà Lạt không có nước sinh hoạt. Phẩm chất nước sẽ không bảo đảm an toàn.”
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, người trồng hoa trong nhà kính cạnh hồ Đankia, cho biết lòng hồ bây giờ nền đất khô nẻ, xe gắn máy, xe hơi có thể chạy phăng phăng. Đứng đây, nhiều người cứ liên tưởng như đang đứng giữa vùng “rốn hạn” tỉnh Ninh Thuận mùa cao điểm hạn hán.
“Cạn như thế này chưa từng có, những năm thời tiết khắc nghiệt hơn cũng không đến nỗi này,” ông Dũng lo lắng nói với báo Tuổi Trẻ.
Cùng góp lời, ông Hồ Đắc Túc, người trồng rau cạnh bên, than: “Năm ngoái, thay vì bơm nước hồ tưới rau, tôi đã phải khoan giếng. Năm nay tệ hơn, hồ cạn không còn giọt nước.”
Hơn 20 năm làm nông ở khu vực dưới chân Langbiang, ông Túc chưa từng thấy cảnh xe tải có thể chạy tốc độ cao, gia súc có thể thả rông trên mặt hồ. Chiếc canô từng chở khách đi vào thắng cảnh “Cây thông cô đơn” đã bị kéo lên bờ nằm chỏng chơ trên nền đất nẻ.
Thế nhưng, hiện mỗi ngày hồ này vẫn còn cung cấp nước khoảng 74,000 khối cho nhà máy Thủy Điện Ankroet, và nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt cùng huyện Lạc Dương.
Hồ cạn, nông dân dựng nhà chứa nông sản ở lòng hồ. Máy cày, máy đào, máy ủi, xe tải lớn thường hiện diện dưới lòng hồ. Một số gia đình còn chở đất ở nơi khác đến phủ lên trên nền hồ thành những khu vườn rộng lớn, bằng phẳng.
Các chuyên gia thủy lợi cho rằng việc này gây nên những biến đổi rất lớn kết cấu lòng hồ, sau này muốn tái tạo phải tốn kém gấp nhiều lần so với lợi nhuận từ việc trồng nông sản ở lòng hồ.
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay các nhà máy cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương “đã sử dụng lượng nước vượt quá kế hoạch cấp nước” của hồ (24,000 khối/ngày đêm). Điều này khiến hồ càng mau chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt nước mặt.” Trong khi thủy điện Ankroet có kế hoạch sử dụng 133 triệu khối/năm, song hiện nước hồ chỉ đáp ứng được 90%.
Quanh hồ trước kia là vùng trồng cây lâu năm, nay đã trở thành vùng nhà kính trồng hoa, cây ngắn ngày. Việc thay đổi này cần nhiều nước, làm giảm lượng nước ngầm. Ước tính mỗi năm, cây ngắn ngày đã tiêu tốn hơn 30 triệu khối nước từ hồ này.
Theo đánh giá của Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam, ngoài việc thất thoát nước, lòng hồ Đankia có 8 triệu khối chất rắn sau nhiều năm không được nạo vét. Tốc độ bồi lắng đang ở mức độ nghiêm trọng và đang tăng nhanh theo diện tích đất nông nghiệp quanh hồ và ở thượng nguồn. (T)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét