Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Nghĩ ngợi 30 tháng tư: Tại sao tôi ở Mỹ? - Bác sĩ Trần Xuân Ninh - April 17, 2021

Tuy ngày 30 tháng 4/1975 sụp đổ Viêt nam Cộng hòa tính đến nay đã là gần nửa thế kỷ - 46 năm - nhưng vẫn khiến nhiều người Việt nam hải ngoại có những suy nghĩ vấn vương. Khi tháng tư đến, có người đã tự hỏi và đặt câu hỏi cho tôi rằng tại sao mà lại ở Mỹ. Không nghĩ ngợi, tôi trả lời “tại cái số”. Bình thường, người mình sinh trưởng ở Việt Nam không mấy ai là không nghe nói đến số mệnh. Để giải thích những việc xẩy cho mình hay cho người một cách không ngờ, khó hiểu tại sao. Thí dụ như trúng số. Thí dụ như đạn bắn xuyên ngang cổ không chết hay trái đạn M79 nằm trong bụng không nổ.
<!>
Tôi ở Mỹ là do số mệnh. Là bởi vì tôi đã đi du học tu nghiệp một cách thành công tại Mỹ và mặc dầu có đủ điều kiện để ở lại Mỹ (trong khi các bạn đồng học được tu nghiệp như tôi đều đã trốn ở lại Mỹ hay Canada ) nhưng tôi đã quyết chí trở về để sống và làm viêc tại miền Nam nghèo nàn trong khi đang có chiến tranh (năm 1970) lúc chưa có vợ con bồ bịch gì chờ đợi.

Có số, cũng vì khi VC chiếm miền Nam và thi hành chủ trương ngăn sông cấm chợ, trấn áp vô lý vô lối để “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” theo khẩu hiệu của tay Cộng sản cuồng tín Hồ chí Minh đề ra, tôi đã vượt biên mùa bão, dịp lễ Vu Lan, vì bỗng nhiên có cơ hội đến mà tiền bạc không có gì, trừ mấy cái nhẫn cưới và giây chuyền vàng của vợ trong khi giá vượt biên chung chung là chín mười “cây” (lượng vàng) mỗi đầu người và giá “taxi” chở ra thuyền lớn là 2- 3 cây. Xin nói ngay rằng, sau hai năm rưỡi nằm tù cải tạo được thả vào dịp gọi là khoan hồng ngày 2 tháng 9, tôi đã được VC lập tức cho làm việc lại ở bệnh viện Nhi đồng và được trọng nể vì khả năng chuyên môn đặc biệt của tôi, chứ không phải là thất nghiệp hay là bị chỉ định chỗ hành nghề hoặc đi kinh tế mới theo như giấy cho xuất trại trong khuôn khổ chính sách bấy giờ đối với dân miền Nam, mà bất mãn ra đi. Tôi đã thà chết ra đi chứ không ở lại để phục vụ cho một lũ cường hào ác bá được gọi là “những con người mới xã hội chủ nghĩa” do Bác và Đảng đào luyện: Họ phân loại thuốc men theo loại quý là trụ sinh và loại thường là dùng cho các bệnh khác, họ điều trị bệnh nhân theo tiêu chuẩn: con cái cán bộ khác con cái dân thường. Tôi càng dứt khoát ra đi vào phút chót cũng vì không chịu được thái độ một tên cán bộ cường hào ác bá đem con đến khám bệnh ở phòng nhận bệnh bệnh viện Nhi đồng II, một ngày trước khi xuống thuyền. Chuyện này tôi đã kể trong một bài viết từ nhiều năm trước đây.
Thiếu tá ngưởi Phi luật Tân chì huy trưởng đảo Pag Asa phân ưu trong đám ma đứa con hai tuổi của tôi chết khát trên thuyền trước khi thuyền tới đảo (mùa bão Vu Lan năm 1978). Người chụp ảnh: môt quân nhân Phi luật Tân ở Pag Asa.
Có số, là bởi vì tôi đã không chết dù không cơm nước 6 ngày trên chiếc thuyền vượt biển dài chừng chục thước, chứa trên 70 mạng lớn nhỏ, bồng bềnh như chiếc lá tre giữa biển rộng, sóng cao như núi. Để sau cùng giạt vào được đảo Pag Asa Phi luật tân trấn giữ trong quần đảo Trường Sa, vào buổi chiều sau khi đứa con trai hai tuổi rưỡi chết khát trên tay buổi sáng, trong miệng còn ngậm thìa cà phê nước mưa bóng mây hứng được muộn màng. (Pag Asa tiếng Tagalog Phi luật Tân nghĩa là Hy vọng). Đến đêm thì một thuyền vượt biên khác ghé vào một đảo VC chiếm đóng cách đó vài hải lý và bị bắn nát. Người trên tầu chết hết trừ có một thiếu niên sống sót bám được vào một mảnh ván thuyền lênh đênh trên biển và được hải quân Phi luật Tân vớt hôm sau.

Tất cả những sự kiện trên nếu không giải thích bằng số mệnh thì không thể giải thích bằng gì được. Những người Mỹ đa số không tin số mệnh mà chỉ tin ở tài năng và mánh mung như Donald Trump và đồng đảng. Thập niên 1980, tôi còn nhớ có một số nhà nghiên cứu Mỹ đã cho tất cả những hiện tượng này là sự bất ngờ, là ngẫu nhiên, và dùng các phép tính xác xuất để giải thích cũng như tiên đoán, nhưng đều thất bại phải bỏ, vì không thể kiếm ra được một mô thức nào thích hợp để khảo sát. Kết cục đành gọi chung là chaos (hỗn loạn), nếu mà sự việc xẩy ra không giải thích được, không tiên đoán được.


Buổi chiều hai đứa con gái của tôi, 4 và 5 tuổi mê man vì thiếu nước được y tá quân đội Phi luật Tân truyền dịch cứu sống khi lên đảo Pag Asa. Ban đêm một thiếu niên sống sót nhờ bám vào mảnh ván của một thuyền vượt biển khác đã bị Việt Cộng bắn nát khiến những người trên thuyền chết hết khi thuyền trôi giạt vào một đảo do VC trấn giữ cách đó vài hải lý. Ngườii chụp ảnh: một quân nhân Phi Luật Tân ở Pag Asa

Đến đảo Pag Asa, tất cả đã nhẩy xuống nước ở chỗ đáy thuyền chạm đất. Lội vào bờ, nơi những người lính Phi luật tân lố nhố đứng chờ, tay không vũ khí. Họ hướng dẫn chúng tôi vào một căn nhà gạch để trống, cho ở trong đó. Chỉ lát sau là họ mang tới cho một chậu cà phê và một thùng nước uống. Rồi có người y tá quân đội mang nước biển đến truyền dịch vào gân máu hai đứa con gái tôi 4 và 5 tuổi nửa mê nửa tỉnh vì thiếu nước, nằm trên sàn xi măng. Lại còn mang cho một chảo cà ri nấu bằng thịt một con rùa biển lớn hơn cái thúng lạc trên bãi biển họ mới bắt được trong ngày. Vị thiếu tá chỉ huy đảo đến nói chuyện với tôi để hiểu rõ tình hình. Sáng hôm sau đã đến dự tang lễ của đứa con trai tôi và nói những lời phân ưu. Trên đảo không có gì, mấy quân nhân Phi luât tân đã làm một quan tài dã chiến bằng tôn rợn sóng lợp mái nhà và gỗ ghép, tháo ra từ một căn nhà chứa đồ vặt không dùng đến. 

Buổi trưa, tôi được cho lên một phi cơ quân sự DC3 bay về Western Command bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Phi luật tân ở Palawan để trình bày tự sự với giới chức trách nhiệm. Kết quả là một cái lều quân sự lớn được dựng lên ngay trên bãi biến Palawan để làm chỗ tạm trú cho tất cả đám thuyền nhân chúng tôi. Một trung sĩ tên là Gomez, được giao trách nhiệm lo ẩm thực mỗi sáng đều đặn đến dẫn vợ tôi là người biết tiếng Anh trong đám thuyền nhân chúng tôi ra chợ mua thực phẩm về nấu nướng tùy thích. Có thể nói đó là trại tị nạn thuyền nhân đầu tiên ở Phi Luật Tân. Sau vài ngày, con gái thứ hai của tôi bị sốt. Gomez ân cần đưa nó vào một bệnh xá thành phố cách bãi biển chừng một cây số, không xa chợ là bao. Gọi là bệnh xá nhưng chỉ có vài ba cái giường, với một bệnh nhân độc nhất là một đứa bé hơn một tuổi bị suy dinh dưỡng bụng to, mắt hốc, gầy trơ xương. Khi biết tình trạng của chúng tôi, người cha đứa bé đã lấy ra hai đồng bạc giấy 2 pesos cho tôi. Tôi hết sức từ chối mà không được. Đành nhận mà chẩy nước mắt vì lòng tốt không gì so sánh được của người dân quê Phi luật Tân nghèo đến độ con bị suy dinh dưỡng ở đảo Palawan này. Tôi đã không tiêu hai đồng bạc đó và giữ lại cho tới nay.



Đồng bạc hai pesos ân tình của người dân nghèo Palawan có con suy dinh dưỡng
Những ấn tượng tốt đẹp về cách đối xử ân cần của các quân nhân Phi luật Tân ở Pag Asa và của người dân quê nghèo tốt bụng ở Palawan đã ở lại mãi trong tôi khiến tôi luôn luôn nhìn người Phi luật tân với biệt nhãn và hảo cảm. Trong mấy chục năm hành nghề bác sĩ, bạn bè giao tiếp cùng nghề đủ mọi sắc dân nhưng tôi chỉ có một đồng nghiệp Phi luật tân là bạn. Không gặp nhau thường xuyên vì mỗi người có một cách sống riêng. Nhưng khi cần chỉ nhắc điện thoại lên là hết lòng với nhau.

Thời gian tôi ở Phi là cuối năm 1978. Không có nước nào trên thế giới muốn nhận những thuyền nhân, trừ vài biệt lệ, do lòng tốt của thuyền trưởng những chiếc tầu lớn đi qua. Ngay chiếc thuyền tôi vượt biên đã nhiều lần vẫy gọi cứu vớt mà đã bị phớt lờ. Những người vượt biển khi lên đến các trại tị nạn tạm trú thì cũng tiếp tục bị bỏ lơ không nước nào muốn cho định cư. Và tạ sự nói rằng Mỹ lấy hết người tài, để lại toàn hạng vô dụng trong các trại tị nạn, Dựa theo lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng rằng bọn thuyền nhân và di tản đa số là lưu manh lười biếng không muốn ở lại Việt Nam xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Vì thế, Mỹ ra lập trường chính thức là chỉ nhận định cư vì lý do nhân đạo chứ không lựa theo khả năng. Nước nào cần người khả năng thì phỏng vấn chọn trước. Mỹ sẽ chỉ nhận bất cứ ai bị từ chối sau khi được phỏng vấn.

Nhân tiện xin nói luôn ở đây rằng cấp chức VNCH di tản sang Mỹ năm 1975 người Mỹ chẳng coi ra gì. Vừa vì tinh thần Mỹ quốc là mọi người phải có khả năng hay có sức làm việc. Vừa vì tinh thần coi thường những kẻ thua cuộc là VNCH đã bị truyền thông phản chiến bêu xấu dài dài trong suốt cuộc chiến. Cho nên những lãnh đạo gộc VNCH chỉ có cách ngồi im thin thít, sống cho qua ngày bằng tiền “chắt bóp” được khi quyền thế, hay bằng những công việc “cổ trắng” (white collar) phù hợp khả năng. Đến những năm về sau, khi cộng đồng hải ngoại lớn mạnh với những thuyền nhân chống Cộng quyết liệt, mới dần dần thò mặt ra khoe khoang chức tước hay lon lá (nhiều khi là tự phong). Đa số xoay trở lấy, và phải bắt đầu bằng những công việc mạt hạng mà trồi lên dần dần 

Khi mới được định cư ở Mỹ năm 1979, tôi gặp và quen một trung úy đi năm 1975 đã học thành kỹ sư. Anh kể chuyện lúc mới đến Mỹ phải làm nghề cọ cầu tiêu ở những nơi công cộng. Tâm sự rằng thấy người ra vào vạch quần đái mà nhục chẩy nước mắt. Và cố học lên. Có nhà có cửa khang trang, với bồn tắm Jacuzzi là xu hướng thời thượng lúc đó. Anh đã mời tôi đến thăm nhà mới để ngâm mình trong jacuzzi một ngày trời lạnh và uống bia. Tôi không phải là thành phần bia rượu mà cho tới lúc đó cũng chưa bao giờ ngâm mình trong bồn tắm. Nhưng đã lái xe đường trường tới nhà anh và đã nhắp một chai cho anh vui. Tuy vậy chúng tôi trở thành bạn thân vì cùng có tinh thần phát huy truyền thống vượt lên của dân Việt. 

Những người có nghề đòi hỏi học vấn được nể trọng ở VN như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư, luật sư vân vân đều phải học lại hết, mà khó khăn đầu tiên là tiếng Anh. Có lấy được bằng tương đương và nói cho người Mỹ hiểu mới có thể hành nghề đúng cỡ. Một số cấp tá cấp úy VNCH, sang Mỹ chỉ có thể đi làm gác dan hay lao động chân tay, nhưng có đủ tiền mua xe hơi đi làm và cuối tuần đi chơi tennis là thứ thể thao của giới khá giả xưa kia ở Sàigon, có thể bỏ hết chuyện đã qua. Coi tất cả như một đổi đời thuận lợi, nhờ “hậu vận tốt”. Cũng có người làm nghề lao động tầm thường hay tệ hơn nữa là ăn tiền trợ cấp xã hội, nhưng huênh hoang tào lao bàn luận chuyện chính trị, chuyện xã hội dậy đời, để xóa cái mặc cảm thất trận và thua kém ngay cả trong ngôn ngữ giao dịch. Ít ai trong hạng này hiểu được lẽ vô thường, gió chuyển thì phướn động, mưa tới thì mang dù, hay là đầu óc khoáng đãng triết lý như Vương ngư Dương viết trong bài Đề từ truyện Liêu trai của Bồ Tùng Linh “Sự đời đã chán không buồn nhắc . Nghe quỷ mồ thu hát thấy ưa”

Trong tâm thức như vậy, một bên là quê hương trong gông cùm của một lũ bạo ngược cuồng tín xuẩn động man dã, một bên là Mỹ quốc giầu có nhưng chẳng có sức hấp dẫn gì để giữ tôi ở lại sau khi tu nghiệp năm 1970, và một bài học tình người thấm thía ở đất nghèo Palawan cuối năm 1978, tôi đã nói rẩt thật lòng mình khi được phái đoàn Úc phỏng vấn hỏi muốn định cư ở đâu. Là chỉ cần ra khỏi VN, và đã làm như thế bất kể sống chết. Đối với tôi, trong đáy lòng ở nước nào cũng được, cũng đều hơn Việt Nam dưới chế độ VC. Và chẳng cứ gì tôi, người Việt nào sống ở miền Nam cũng thấm thía hiểu 4 chữ viết tắt XHCN của chế độ Xã hội chủ nghĩa là “xuống hàng chó ngựa” vì thấy rõ rằng chính sách trấn áp triệt để cả tinh thần lẫn vật chất của VC cuồng tín chỉ là nhằm đẩy tất cả mọi người chúi vào chuyện sinh tồn theo thú tính như chó như ngựa hầu dễ dàng khống chế. 

Nếu Phi luật Tân có chính sách nhận người tị nạn thì tôi đã ở ngay đó. Nếu được sang Úc thì tôi nghe nói đất đai rộng lớn, làm nghề nông không khó, tôi sẵn sàng bắt đầu từ đầu với thứ công việc mệt rồi là nghỉ này. Tư tưởng sang Úc làm nông này tôi đã có trong đầu khi có người bạn rủ bỏ nước ra đi, ít ngày trước 30 tháng 4/1975. Người phỏng vấn nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy một bác sĩ chuyên khoa cao cấp (và hiếm lúc đó) tính đổi sang nghề nông. Ông nói xem hồ sơ của tôi thì sang Úc tôi cũng trở lại nghề Y được, nhưng nếu sang Mỹ thì sẽ nhẹ nhàng cho tôi hơn, sau khi trải qua thảm kịch con chết khát trong tay trên biển và sau khi phải qua mấy năm gian khổ trong trại tập trung (chắc ông ta nghĩ tới chế độ tù đầy Cộng sản như trong quyển Quần đảo ngục tù - Gulag Archipelago của Solzhenitsyn). Do đó ông từ chối nhận tôi vào Úc để cho tôi được Mỹ phỏng vấn và cho sang Mỹ. Nhưng nói rõ cho tôi biết nếu vì lý do gì mà Mỹ không nhận tôi, thì liên lạc với phái đoàn Úc, ông sẽ nhận ngay. Nghe thế, tôi ngùi ngùi trong dạ.

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy rõ ràng là cái số khiến tôi ở Mỹ, vì như đã nói tôi trở về VN sau khi tốt nghiệp. Cũng như trước đó đã vì cái số mà tôi được đi Mỹ du học vào lúc bất ngờ nhất, là sau trận VC tấn công Mậu Thân khi tình trạng khẩn cấp và tổng động viên được ban hành, chấm dứt mọi xuất ngoại, làm tan vỡ dự tính của giáo sư trưởng khoa Giải Phẫu tiểu nhi bệnh viện Nhi đồng là cho tôi sang Pháp học ở Paris để sửa soạn vào ban giảng huấn Y khoa đại học Sài gòn. Do lệnh cấm xuất ngoại, dù giấy tờ du học đã xong tôi vẫn phải tiếp tục làm việc lương tháng phụ giảng nhỏ nhít ở Nhi Đồng, chờ ngày tái ngũ với cấp bậc y sĩ trung úy trừ bị trong khi các bạn tôi đã là thiếu tá và ngay cả trung tá y sĩ giữ những chức vụ chỉ huy. 

Chỗ làm thêm khám bệnh ngoài giờ cho nhân viên nhà băng BFA do người anh họ làm ở đó giới thiệu thì bị một nhân viên cao cấp bộ Y tế thấy ngon chiếm đoạt. Vị quyền thế này đã chết ít lâu sau khi chạy sang Tây năm 1975. Lúc được đi Mỹ vì một may mắn bất ngờ, mà sách tử vi Nguyễn Mạnh Bảo giải thích là do các sao tụ hội theo cách tử vi gọi là “sấm nổ giữa trời xanh”, trong tình trạng túi rỗng, để kịp lên đường tôi phải vay tiền xổi, hẹn sang đến Mỹ lĩnh lương đô la sẽ trả, để may hai bộ đồ lớn giá rẻ nơi một người thợ may có lòng tốt ở đường Lý Thái Tổ gần giao tuyến Nguyễn Thiện Thuật, Hồng Thập Tự, Cống Quỳnh, Trần Hoàng Quân và có tiền đổi lấy số traveler’s checks chính phủ cho phép người du học tu nghiệp dằn túi.

Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 17 tháng 4/2021)

1 nhận xét:

quang tran nói...

B50/STD_SOG
Tôi có biết Y sỉ Trung úy Phạm văn Vận coi Bệnh xá B50/CCS/BMT.
Sau 75 đi tù về, làm tạu Bệnh viện Nhi đồng 2 (Grall Hospital).
Sau lần vượt biên thứ 1 thất bại, đến lần thứ 2 thì bị CS bắn chết
(với sự chứng kiến của bà vợ đi chung chuyến tàu!)