Trở lại, khi hỏi chuyện với vợ Quý, biết Quý chiều mai trở về Sài Gòn, tôi hẹn với vợ Quý chiều mai tôi trở lại gặp Quý. Chị nói tôi mang xe đạp vô nhà và mời tôi ăn cơm trưa. Cơm nước xong, tôi cám ơn chị và xin phép đi Gò Vấp gặp ông cậu vì tôi đang nóng lòng muốn biết vợ con tôi nay ở đâu. Nhưng khi gặp được ông cậu, ông cũng chỉ biết gia đình tôi phải đi kinh tế mới ở Đồng Phú thế thôi, không biết gì thêm nữa. Như thế, tôi cũng khó tìm ra điạ chỉ để nhắn gởi tin tức về tôi.
Hôm sau, tôi xuống nhà Quý, anh em mừng rỡ gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách. Quý cũng đi “cải tạo” nhưng khá “rẻ” chỉ 4 năm 3 tháng, chúng tôi kể chuyện vui buồn rồi sau đó Quý kể chuyện chuẩn bị vượt biên. Quý cho biết đang đóng tàu quy mô hơn để đưa toàn bộ gia đình kể cả bố mẹ mình và bố mẹ vợ, còn chuyến này chỉ cho con trai đi theo thuyền nhỏ để dò đường, thuyền này chở cũng được 20 người toàn là người Hoa, chắc cũng còn vài ngày nữa là khởi hành, mọi sự đã chuẩn bị xong xuôi, bãi đáp đâu đó họ đã lo tính cả rồi.
“Anh mới về, nếu anh muốn đi, vợ chồng Quý mời anh và gia đình cùng đi.”
Tôi ôm choàng lấy Quý và vui mừng vô hạn. Tôi hỏi Quý bao giờ đi?
Quý đáp, “Chuyến dò đường ba ngày nữa khởi hành, chuyến này là bạn của Quý, tôi chỉ hùn hạp chút đỉnh, còn chuyến sau của chính riêng Quý phải mất 4, 5 tháng chờ tin tức con tôi đi chuyến này ra sao đã, vả lại đóng tàu mới còn nhiều phức tạp phải giải quyết từ từ mới an toàn.”
Tôi không một chút suy nghĩ trả lời với Quý rằng, “Quý cho anh đi chuyến đầu.”
Quý lại hỏi tôi, “Vậy anh làm sao liên lạc được với chị cho kịp, cấp bách như thế không ổn đâu anh Dật.”
Tôi nói với Quý, “Không sao, nếu Trời Phật cho tôi liên lạc được gia đình thì phước đức cho tôi lắm... nếu không, Quý dành cho anh ba chỗ trong chuyến này được không.”
Quý trả lời, “Trừ anh ra còn hai người khác nếu không phải là gia đình anh thì phải đóng ba cây.”
Tôi nói, “Vậy là tốt lắm rồi.”
Ngày tôi mới ra tù và tá túc tại nhà người bạn như tôi đã kể phần trên, trên đường đi xe đạp từ Nhà Thờ Ba Chuông đường Trương Mình Giảng đến đường Bạch Đằng nơi có tượng Đức Thánh Trần tôi phải đi ngang qua chợ Trương Minh Giảng, nơi đây tôi có bà chị bà con bạn Dì ruột ở cạnh chợ, nên tôi có ghé thăm để hỏi chị ấy có biết tin tức về gia đình tôi không. Nhưng đều vô vọng, tôi cũng thăm dò chị ấy có quen ai tổ chức đi vượt biên không.
Chị ấy trả lời, “Lúc ni thì không, trước đây thì có. Chị mất biết bao nhiêu vàng cho hai đứa con đi vượt biên, nhưng tiền mất tật mang còn bị lộ, bị bắt rồi bao nhiêu vàng vòng cũng phải chạy chọt cho con ra. Bây giờ, cậu muốn đi thì phải cẩn thận, tìm chỗ nào chắc chắn đàng hoàng mình tin được, cậu dọ hỏi xem, chị sẽ cho cậu vàng để đi và luôn tiện cậu dẫn hai cháu đi cho chị.”
Tôi quá mừng và chính vì vậy mà hôm nay tôi phải ghé nhà chị ấy để báo cho chị tôi biết là tôi đã có đường dây tổ chức vượt biên rất bảo đảm, ba cây một người. Sau một hồi căn dặn tôi cẩn thận, chị đưa cho tôi 9 cây vàng. Chị quá tốt, thương con lo cho con một phần mà còn thương đứa em mới ra tù chưa gặp được vợ con mà đã vội ra đi.
Tôi thưa với chị tôi rằng, “Em nhận sáu cây để đóng cho hai cháu, còn em, người tổ chức là bạn em họ cho em đi không, nhưng nếu chị cho thì em xin nhận một cây để góp thêm cho bạn em đóng tàu.”
Chị vui vẻ đưa thêm cho tôi, tôi nhận bảy cây vàng và nhanh chóng đạp xe xuống nhà bạn tôi để thông báo và chuẩn bị tinh thần ra đi, dù chưa gặp được gia đình sau bao nhiêu năm xa cách... Tôi luôn nhắc nhở trong lòng hãy can đảm lên, không được nhút nhát nếu ra đi bị lộ, bị bắt thì cứ xem như mình được chúng cho “đi phép” về Sài Gòn chơi 28 ngày, hết phép trở vô lại trại là xong ngay, có gì mà lo sợ. Đối đế, tàu bị bão tố đánh chìm hay hải tặc cướp của, hãm hiếp, giết người rồi đâm chìm tàu thì mình cứ xem như đã chết trong ngục tù Cộng Sản do bọn chúng hành hạ khổ sai lao động đói khát, bệnh tật chết là được rồi, nên tôi rất yên tâm ra đi không một chút do dự đắn đo. Chúng tôi ra đi trong mùa sóng to gió lớn bão tố triền miên xảy ra (tháng 11 mùa mưa bão), anh Quý lợi dụng thời tiết khắc nghiệt như vậy vì bọn Cộng Sản lơ là canh gác, nên quyết định ra đi là quá chí lý, nó an toàn hơn, nhưng lại thập phần nguy hiểm với thời tiết. Nghĩ cho cùng, ĐƯỜNG TÌM TỰ DO không phải tự nhiên mà có, nó phải trả bằng máu, nước mắt và thân mạng. Do vậy, chúng tôi vui vẻ ra đi, không do dự
Ôi! Xin phó thác thân mạng cho Trời, Phật, các Đấng Thiêng Liêng phù hộ và che chở. Chỉ nghĩ như vậy và luôn cầu nguyện mà thôi.
Hôm ấy, ngày 14/11/1985, vào khoảng 5 giờ sáng ba cậu cháu tôi khởi hành từ chợ Trương Minh Giảng lên bến xe Miền Đông, đến bến xe tôi cứ theo kế hoạch của Quý đã hướng dẫn, tìm người dẫn đường đúng dấu hiệu cứ bám theo người đó và không được nhìn mặt nhau. Quý đã cho tôi cũng như người dẫn đường biết dấu hiệu nhau, nên tôi yên tâm tìm đối tượng. Ồ! Người đó đây rồi, tôi như trinh thám bám sát mục tiêu, người ấy cầm sẵn bốn vé xe đò bước lên xe, ba cậu cháu tôi cũng tiếp theo chân người đó lên xe tỉnh bơ không một chút gì lo ngại, đến bến xe Cần Thơ người ấy xuống, cậu cháu chúng tôi xuống, mục tiêu đi trước, chúng tôi theo sau, lên xe ngựa chúng tôi cũng lên theo, tiền bạc người ấy trả, cậu cháu tôi cứ ngồi tỉnh bơ, xuống xe đi một đoạn đường khá dài, qua một rạch nước rộng đi sâu vào lùm cây có một chiếc ghe nhỏ và một người chờ sẵn ở đó.
Cả bốn người chúng tôi lên ghe, lúc bấy giờ trời đã ngả tối, ghe chở chúng tôi qua những suối rạch quanh co rồi ra sông. Đấy là chiếc ghe taxi (từ của người vượt biên gọi), ghe chạy giữa giòng sông một đoạn rồi tấp vào lùm cây cừa bên giòng sông. Bấy giờ người hướng dẫn mới lên tiếng nói, “Ông trèo lên cây cừa này ngồi chờ, cố gắng đừng lộ diện, đừng ho, khi nào tôi trở lại đây, tôi sẽ bấm một chớp đèn pin báo hiệu để ông nhận diện và hai chớp thì ông lên tiếng tôi sẽ vào chở ông ra tàu mẹ, còn hai cháu này tôi sẽ ém nơi khác, ông yên tâm.”
Ngồi ở trên cây này, nhìn đồng hồ đeo tay, đã 12 giờ khuya sao vắng vẻ, tôi hơi lo và nghĩ anh Quý và mình bị “taxi” Cộng Sản gài rồi. Thế nhưng, 1 giờ 15 phút sáng, có đèn pin chớp 1 cái tôi mừng, tiếp theo hai chớp. Theo lời dặn người dẫn đường, tôi lên tiếng! Người ấy bảo tôi xuống ghe ra “ tàu mẹ”... nhảy vọt xuống ghe lòng vui khôn tả, khi ghe tấp vào mạn tàu mẹ. Thật tình mà tả, nói đến hai tiếng tàu mẹ tưởng như to lớn ghê gớm lắm, nhưng không, đó là một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ cỡ 13 thước chiều dài, rộng chừng 6, 7 thước thôi. Việc đầu tiên, tôi nhảy qua tàu, lên tiếng kêu Thọ, Thảo hai đứa có đây không? Cả hai trả lời “Dạ! có rồi cậu.”
Tôi mừng quá, lọt mất hai đứa cháu thì tôi không biết sẽ ăn nói với chị tôi đây? Lạy Phật, con xin đội ơn Ngài che chở cho cậu cháu con. Ra đến hải phận quốc tế, sóng to gió lớn, cơn bão thịnh nộ nổi lên, con tàu bấp bênh nhào lên lộn xuống, sóng, nước đập vào mạn tàu, tàu vỡ, mọi người hoảng hốt, tài công thì quá trẻ, trên ghe đa số là phụ nữ tổng cộng 24 người, trong đó tôi là người đàn ông lớn tuổi nhất và với năm cháu trai tuổi 15, 16, con của Quý có mặt ở trên tàu nhưng tuổi cũng còn ngây thơ.
Lúc bấy giờ tôi phải ra tay. Tôi yêu cầu mọi người bình tĩnh và đề nghi mọi người cởi áo, phụ nữ chỉ chừa lại áo ngực tất cả giao cho tôi để trám các lỗ bị sóng đánh vỡ và sắp xếp người ngồi tấn giữ chỗ trám không cho nước tràn vào, còn các cháu con trai, tôi điều động xuống ngồi dưới cạnh máy nổ, sau đó tôi đổ bớt 3 can dầu
để làm 3 cái gầu tát nước, cầm cự như thế.
Sóng gió giữa đại dương
Hễ chúng tôi trông thấy tàu hàng, tàu buôn chúng tôi đều lấy áo đốt lửa và lấy áo viết chữ S.O.S kêu cứu, nhưng đã 3, 4 ngày dù gặp ít nhất ba lần tàu xuất hiện nhưng chẳng có tàu nào cứu, trong lúc tàu chúng tôi đã bị tàu hải tặc chận cướp bóc và hãm hiếp, chúng nhảy qua tàu xô đẩy lục lạo tìm vàng và giành nhau hãm hiếp không chừa một ai. Quá tội nghiệp cho các chị....
Nước biển lại ồ ạt tràn vào, tôi lại phải sắp xếp một lần nữa, các cháu trai quá mệt mỏi, đuối sức không giữ được gầu, để gầu trôi mất, tôi lại phải đổ bớt hai can dầu nữa, lần này tôi lấy vải áo xe dây cột vào gầu và nhắc nhở các cháu cố gắng nắm giữ chặt sợi dây vì mình chỉ còn một can dầu mà thôi, nếu đánh rơi nữa thì hết đường hy vọng. Cháu gái tôi cũng may mắn, tôi hóa trang cho cháu giống con trai ngồi chung với 5 cháu trai dưới máy nổ nên hai lần hải tặc cháu đều thoát được, nhưng cũng đã đuối sức vì đói, khát nước mà phải lăn lộn tát với mấy cậu con trai cả suốt mấy ngày qua, rất tội nghiệp cho cháu gái tôi. (Tôi xin mở ngoặc ở đây, lúc cháu gái tôi đã lên được thuyền và để tránh hải tặc dòm ngó con gái với cái tuổi 14, 15 nên tôi hóa trang cháu con trai).
Trời đã xế chiều, sóng vẫn còn đập mạnh, lênh đênh trên đại dương đã năm ngày đường, vô vọng tìm phương hướng. Con của Quý và cháu trai của tôi lớn nhất trong đám, chúng nó cũng lăn lộn mấy ngày này rất vất vả để động viên lũ nhỏ, nhưng cả hai đứa cũng không khá hơn ai.
Cháu tôi tuy 16 tuổi nhưng rất thư sinh vì con nhà giàu chỉ biết lo ăn học nên cũng yếu đuối lắm. Rồi lại một chiếc gầu bị sóng đánh đứt dây nữa. Tôi thở dài, hết đường cứu chữa. Lần này, chỉ còn một cái là hết, tôi xe dây lớn gấp hai lần trước, khoan lỗ cột kỹ càng và nói với các cháu, “Tụi con thay nhau mà tát, thấy mệt thì nghỉ đứa khác tát, mình cầm chừng chờ sáng mai gió yên biển lặng mình hy vọng gặp tàu cứu.”
Nhưng sức người có hạn 5, 6 ngày đường kiệt quệ lương khô, nước uống cũng cạn. Chị tôi cũng cho cậu cháu tôi 10 trái bách thảo khô Đà Lạt đi đường mỗi khi khát nước bẻ một miếng ngậm cho đỡ khát, nhưng đâu chỉ dùng riêng cho cậu cháu tôi, tôi cũng phải chia xẻ cho mọi người trong mấy ngày qua nên giờ này không còn một trái, chính tôi cũng mệt lả đây rồi, môi nứt, nôn mửa muốn xỉu, nhưng gắng gượng phụ giúp tài công và con trai anh Quý giữa lúc 9 phần chết một phần sống ai nấy mang nỗi thất vọng.
Thế rồi, trong màn đêm đen tối, bầu trời không trăng, bỗng nghe tiếng kêu thất thanh của cháu trai tôi, “Cậu ơi! Cậu Dật ơi! Con Thảo xỉu rồi, nó thả mất cái gầu rồi.”
Thế là hết can dầu, đâu còn nữa, tôi điên cả cái đầu. Tàu hết dầu, tắt máy để cho gió đẩy tới đâu thì tới không cần biết, giờ này thì vô vọng; tôi phải chạy tới lo cho cháu gái tôi, nó đang ngất xỉu, nó là đứa con gái cưng của chị tôi, tôi phải lo và gìn giữ nó, ra đi chị tôi đã căn dặn và gởi gắm nó cho tôi. Trời đất ơi! Chỉ một khoảnh khắc trôi qua, nước đã tràn vào đầy ấp cả lòng thuyền vì không còn bất cứ vật gì để dùng tát nước, mọi người nhao nhao đòi phá sàn tàu để lấy ván thủ thân khi tàu bị chìm còn có tấm ván để ôm hy vọng lênh đênh trên đại dương cầu may được tàu vớt. Nước đã lên cao rồi, tôi phải làm sao đây bây giờ?
Không còn kịp suy nghĩ, tôi nói to lên, “Xin bà con yên lặng, những ngày qua bà con chúng ta đã hết lòng cầu nguyện Trời, Phật, giờ này đây cùng đường rồi, trong lúc THẬP TỬ NHẤT SANH xin bà con yên lặng bình tỉnh nhất tâm cầu nguyện lần nữa.”
Trong yên lặng, tôi đang lâm râm cầu nguyện “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát” thì một vệt sáng bay xẹt qua mắt tôi, tôi hét lên, “Thảo! Con cởi cái áo cho cậu.” Cầm cái áo tôi đến đầu máy ngấm dầu xăng bật lửa đốt. Trời! Từ phía bên phải thuyền chúng tôi có đèn pha rọi vào, mọi người trong chúng tôi la lên CỨU, CỨU Chúng Tôi Với!! (Nhìn đồng hồ lúc ấy 11giờ 49 phút đêm 20/11/85).
Nếu không phải là phép mầu nhiệm, thì hiện tượng ấy không thể xảy ra giữa cơn tuyệt vọng.
Gặp người Thái tốt bụng
Đêm 20 trời tối như mực, mây phủ cả bầu trời, tàu chúng tôi dạt vào đó mà không hay biết có một chiếc tàu đang neo ở đấy. Mừng quá nó xuất hiện đúng lúc tàu chúng tôi sắp chìm vì nước đã vào đầy gần đến mạn tàu. Thế rồi chiếc tàu ấy nổ máy chạy sát vào tàu chúng tôi, quăng giây qua tàu chúng tôi và chỉ cho chúng cột chặt vào sườn tàu rồi từng người đu dây qua tàu bên đó. Tôi là người qua cuối cùng vì phải đứng bên này giữ phụ sợi dây, khi qua được bên tàu vớt, tôi nằm sải trên boong tàu ôm bình nước uống cho đã vì mấy ngày qua không có một giọt nước vào miệng, khô cả họng. Uống gần hết bình nước, nhìn qua tàu mình thì chiếc tàu đã chìm mất.
Cháu Thọ tôi, nói tiếng Anh thông thạo trao đổi được đôi chút với người Thái này (cậu Thái này bập bẹ nói và hiểu chút chút) nên chúng tôi biết anh ta lái tàu nhỏ này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất cứ ba tiếng đồng hồ, anh cho nổ máy chạy đi kiểm soát phao giăng lưới vì công ty anh giăng lưới đánh cá cả một vùng rộng lớn ở đây, kiểm soát xong anh lại trở về neo ở đây vì nơi này là thung lũng lặng gió. Sau đó cháu Thọ nói với anh ấy, chúng tôi vừa khát nước vừa đói, khát thì anh đã cho uống còn bây giờ anh có gì ăn được giúp cho chúng tôi ăn với, thế rồi anh ấy lấy gạo nấu cháo cho chúng tôi dùng tạm, thật quá dễ thương gặp được người Thái quá tốt bụng.
Ăn cháo xong, anh ta nói, vì tàu này nhỏ không đủ sức chứa số đông này, vả lại không có lương thực để giúp chúng tôi, nên anh sẽ đưa chúng tôi đến tàu lớn hơn cũng cùng công ty đánh bắt cá. Nói xong chừng một tiếng, anh ta cho nổ máy kéo neo lên và cho tàu chạy lòng vòng khá lâu, lúc bấy giờ trời đã sáng, mới gặp được một tàu khá lớn, anh ấy dừng tàu, tắt máy, nói chuyện với đám thủy thủ bên tàu kia bằng tiếng Thái rồi anh ta thả neo, lội qua tàu bên kia, nhảy lên đài chỉ huy... thì đám thủy thủ tàu lớn ào ào phóng xuống lội qua tàu chúng tôi tấn công dành nhau lột quần áo phụ nữ dở trò hãm hiếp. Chúng tôi la lên, “Cứu chúng tôi, cứu chúng tôi với!”
Ngay lập tức cậu chủ thuyền nhỏ từ trên đài chỉ huy phóng xuống nhảy lên tàu nhào xô bọn hải tặc, và cũng ngay lúc đó loa phóng thanh tàu lớn lên tiếng can thiệp, bọn dâm tặc này nhảy xuống tàu trở về lại tàu lớn. Các chị em hú hồn thoát được bọn này, thương quá là thương! Tội nghiệp cho các chị và các em gái trên tàu tôi. Bây giờ người Thái trẻ chủ tàu cứu chúng tôi nói với cháu trai tôi rằng, anh ta sẽ đưa chúng tôi ra gởi tại giàn khoan và đây là giàn khoan của Mỹ, vì công ty chúng tôi không cho nhận người vượt biên lên tàu. Tin này cháu tôi loan báo cho mọi người biết, tất cả đều vui mừng, reo hò quên hết mệt mỏi sợ hãi, vì ở Sài Gòn họ thường nghe nói đi vượt biên gặp được giàn khoan xem như mình đã thoát và sẽ được đến bến bờ TỰ DO.
Thế rồi cậu ta kéo neo cho tàu chạy một đoạn khá xa tàu lớn hồi nãy, sau đó dừng lại và tắt máy, không hiểu tại sao cậu ta lại ngồi sững sờ ôm đầu khóc, cháu trai tôi hỏi lý do? Cậu ta cho biết cách đây 10 năm khi cậu ta bắt đầu đi hành nghề biển, mẹ cậu có cho một sợi dây chuyền 5 lượng bằng vàng có tượng Phật, và bà đeo vào cổ cậu, dặn trước khi nhảy xuống nước hãy ngậm tượng Phật. Lúc cậu nghe mấy người la thất thanh dưới tàu, cậu không kịp ngậm Tượng Phật, vội nhảy xuống để cứu mấy người, sóng đánh đứt sợi dây chuyền chìm mất. Cậu vừa nói vừa tức tưởi khóc như đứa trẻ mới lớn lên, quá tội nghiệp.
Các bà, các chị chẳng ai bảo ai, họ tự động rút vàng dấu trong chỗ kín trong người ra để tặng lại cho cậu ấy. (Xin mở ngoặc ở đây, người Hoa đi vượt biên thường họ để dành những chiếc khâu vàng cột thành chuỗi nhét vào hậu môn để dấu kín tránh bị hải tặc cướp bóc, khi đến nơi an toàn kéo ra để tiêu dùng.) Nhưng cậu ta từ chối, không những thế cậu ta cho biết 6, 7 ngày nữa cậu ta sẽ vào đất liền, nếu trên tàu ai có địa chỉ thân nhân ở bất cứ nước nào muốn liên lạc báo tin thì ghi rõ địa chỉ. Vào đất liền cậu có rất nhiều bạn Việt Nam ở đó, cậu sẽ nhờ họ gởi đi cho. Mọi người vui mừng và không ngớt cám ơn cậu ta, thế là hai cây bút chì chúng tôi chuyền nhau viết.
Tôi xin thưa ở đây, khi ba cậu cháu chúng tôi đi, chị tôi (mẹ của hai đứa cháu) có đưa cho tôi địa chỉ Sư Ông Nhất Hạnh bên Pháp, sợ đưa địa chỉ VN sẽ không báo tin được vì chưa có nước nào trong khối Tự Do bang giao với VN lúc bấy giờ, điạ chỉ ấy tôi viết vào chiếc áo thun bận trong người nên rất an toàn.
Người chủ tàu tốt bụng ấy, lúc đó cho nổ máy, kéo neo lên và chạy ra giàn khoan, chúng tôi gom thư lại, chính tay tôi chuyển đến cậu ấy, và các chị cũng không quên gởi tặng mấy khâu nhẫn vàng; nhưng lại một lần nữa cậu ta cự tuyệt, từ chối không nhận bất cứ tặng vật nào. Chúng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng quá tốt của một người Thái trẻ tuổi có một đức tính Từ Bi hiếm có, chúng tôi ai nấy rất cảm động và hết lời cám ơn ráo riết.
Đến trại tị nạn Sikiew
Ngày lại ngày trôi qua. Một hôm Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho tàu ra chở chúng tôi vào đất Thái, chúng tôi từ giã công nhân và ban chỉ huy giàn khoan và không ngớt lời cám ơn đã cứu hộ, nếu không có giàn khoan ở gần vùng biển tàu Thái cứu chúng tôi thì lúc ấy biết tính làm sao, trong lúc nghiệp đoàn công ty đánh bắt cá của cậu Thái không cho vớt người vượt biên tỵ nạn. Tàu Cao Ủy rời giàn khoan, đưa chúng tôi vào trại tỵ nạn Songkhla (gần bờ biển) và sau đó chúng tôi được di chuyển bằng đường bộ cả 3, 4 trăm thuyền nhân được đưa lên nhiều chiếc xe đò lớn chở sâu vào nội địa Thái suốt đêm rạng sáng mới đến một trại tỵ nạn quá đồ sộ. Đó là Trại Tỵ Nạn Sikiew, trại thuộc tẩm cỡ lớn nhất Đông Nam Á và có văn phòng Đại Diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ở đó.
Đoàn xe vào sân trại, chúng tôi xuống ngồi tập trung trước sân, gần 400 thuyền nhân đang ngồi chờ để được sắp xếp vào các dãy nhà ở. Bỗng loa phóng thanh gọi đích danh tôi, ông Lê Quang Dật đứng dậy, ra khỏi hàng có cảnh sát dẫn đến gặp Cao Ủy. Tôi không biết chuyện gì xảy ra nữa đây? Quá khiếp, các cháu tôi kể cả những người đi chung tàu cũng ngạc nhiên và ngẩn ngơ lo cho tôi. Vào Văn Phòng Cao Ủy, tôi đứng đối diện với một phụ nữ trung niên quý phái, cô ta lên tiếng, “Chào Ông Dật” và mời tôi ngồi. Hú hồn! Phụ nữ này là người Việt Nam, tôi bớt lo sợ phần nào, bình tỉnh chào lại, sau đó chị ấy kéo trong hộc bàn ra một tấm giấy trao cho tôi và nói, “Ông Dật xem đi!”
Tấm giấy là một điện thư từ Làng Mai bên Pháp gởi Bà Kim Dung Đại Diện phái bộ Liên Hiệp Quốc, Cao Ủy Trưởng các Trại Tỵ Nạn Đông Nam Á, đọc được hàng chữ nơi gởi là tôi mừng rồi, biết đây là Sư Ông Nhất Hạnh Làng Mai đã nhận được thơ của tôi rồi (thơ tôi viết gởi Ngài lúc tàu Thái cứu), tôi mỉm cười vui mừng.
Bà ấy giới thiệu ngay và nói, “Tôi là Kim Dung đại diện Cao Ủy, tôi là bạn thân với chị Cao Ngọc Phượng cùng học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Cao Ngọc Phượng bây giờ là thư ký riêng của Ngài Nhất Hạnh bên Pháp. Ngài nhận được thư của Ông và Ngài đã bảo Cao Ngọc Phượng đánh điện thư cho tôi để báo tin ông đã có mặt tại giàn khoan và cũng có thể vào đất Thái, chính vì vậy mà tôi cho tàu ra giàn khoan sớm hơn quy trình đề luôn dịp chở ông vào đất liền nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe, đồng thời tôi cũng được biết ông Dật là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử mà tôi cũng là Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử đây. Phật đã đưa đẩy cho anh em mình gặp nhau, vậy từ nay chúng ta là anh em nhé, anh Dật xem hết điện văn đi, Kim Dung sẽ cho anh thêm một tin vui nữa.”
Rồi chị Kim Dung lại kéo hộc ra lấy một bao thư gởi bằng đường bưu điện, đọc qua thư, tôi được chị Cao Ngọc Phượng kể cho chị Kim Dung biết sơ lược lý lịch của tôi và trong đó có kể tôi đi “cải tạo” gần 11 năm, ra tù 28 ngày chưa gặp đựơc gia đình nhưng gặp được nhân viên cũ trước 75 đã cho đi vượt biên, chính vì vậy Sư Ông Nhất Hạnh bảo Cao Ngọc Phượng gởi cấp tốc tặng tôi $200 đô-la. Chị Kim Dung nói, “Do vậy, Kim Dung mời anh Dật lên gặp Kim Dung đây.”
Vui ơi là vui! Một thuyền nhân mới cập BẾN BỜ TỰ DO lại được nhận $200 tiền Mỹ như một giấc mơ. Cám ơn Trời Phật. Tôi sẽ dành số tiền này nhờ chị Kim Dung ra phố mua cho tôi ít quà gởi về Việt Nam cho gia đình theo địa chỉ nhà chị tôi ở chợ Trương Minh Giảng, để nhờ chị tôi tìm cách chuyển đến cho gia đình vợ con tôi hiện đang sống trong rừng thiêng nước độc khu kinh tế mới của CSVN. Gia đình tôi chắc chắn giờ này đang cần thuốc chống sốt rét, mùng, mền, vải, áo quần và một ít kẹo bánh cho con tôi. Tôi nói với chị Kim Dung như vậy, và tôi nhờ chị ấy mua hết $200 đồng theo những món tôi vừa kể trên, và chị ấy cũng nói với tôi, “Anh cần mua thứ gì nhớ ghi rõ tờ giấy cho tôi, đồng thời anh cũng viết một lá thư cho gia đình anh, Kim Dung sẽ bỏ vào thùng quà gởi đi.”
Chính nhờ chị Kim Dung nhắc như vậy, nên tôi lại phải nhờ chị ấy mua thêm hai chai rượu “Tây” để một chai tặng cho anh rể tôi (tức ba của hai đứa cháu) và một chai tặng cho anh Quý, đây là món qùa đầu tiên tôi mới đặt chân lên vùng trời TỰ DO. Tôi còn căn dặn vợ tôi nhớ kèm theo ít bánh kẹo để tặng hai anh.
Từ đó, tôi và chị Kim Dung gặp nhau hằng ngày, chị ấy mời tôi hợp tác với Cao Ủy viết một ít nguyên tắc, điều kiện và hệ thống điều hành cấp tỉnh trở xuống của Ngành Cảnh Sát Quốc Gia để phụ giúp khi phái bộ phỏng vấn những thuyền nhân làm việc cho lực lượng CSQG/ VNCH. Chị Kim Dung còn giới thiệu tôi cho Đức Cha Peter Namvong người Thái gốc Việt (300 năm, ba đời người lưu vong trên đất Thái), để Đức Cha mời tôi vào dạy học Trường Our School tại trại, và tôi đã được Đức Cha sắp xếp dạy lớp 7 về môn toán. Trường này của nhà thờ Công Giáo, có từ lớp mẫu giáo đến lớp 9 gồm 1,200 học sinh và trên 100 thầy, cô giáo vào thời điểm đó.
Tôi cũng được chị Kim Dung giới thiệu với Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Chính Quyền Hoàng Gia Trại Tỵ Nạn Sikiew Thailand giữ vai trò Đại Diện Cộng Đồng Tỵ Nạn đợt 8 ở trại này vì hầu hết Ban Đại Diện Cộng Đồng đợt 7 sắp lên đường đi định cư các nước đệ tam quốc gia. Ở lại đây một năm, tôi mới chuyển qua Philippines để chuẩn bị lên đường đi định cư Hoa Kỳ. (Tôi xin mở ngoặc ở đây, lúc tôi mới đặt chân vào Trại Tỵ Nạn Sikiew Thailand thì trước hôm đó một ngày phái đoàn phỏng vấn Hoa Kỳ đã rời Trại, và theo chu kỳ một năm sau họ mới quay trở lại Thái Lan. Chị Kim Dung nói với tôi, “Nếu anh Dật muốn đi Úc thì Kim Dung sẽ lập tức lo thủ tục cho anh đi ngay lúc này, vì phái đoàn Úc đang có mặt ở đây.” Tôi thưa với chị Kim Dung, Dật có diện đi Mỹ, nên chờ phái đoàn Mỹ đến để được đi định cư tại quốc gia này. Và như vậy tôi ở lại trại này một năm sau mới lên đường đi định cư.
Trong một năm ở đấy, tôi ôm đồm nhiều việc, bởi toàn bộ tổ chức cộng đồng đợt 7 đã đi định cư các nước đệ tam quốc gia, tôi vừa dạy học vừa làm Tổng Giám Thị Trường Our School, vừa phụ Cao Ủy, vừa là Chủ Tịch Ban Đại Diện Cộng Đồng Tỵ Nạn, vừa thay mặt Ban Tôn Giáo trại và cũng không từ chối nhận trách nhiệm Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trại này mà chị Kim Dung đã tiến cử, trong lúc đó tôi còn bận rộn lo hướng dẫn các em Gia Đình Phật Tử tu học nữa. Ngày nào cũng lu bu công việc, và cùng nhờ vậy thời gian nó qua mau, thấm thoắt mới đó mà tôi đã chuẩn bị chia tay hai đứa cháu tôi và cậu con trai anh Quý. Cháu tôi không có diện đi Mỹ, chúng nó đi diện nhân đạo, được nhận đi Canada, còn con anh Quý chắc chắn sẽ được đi Mỹ vì có bố là cựu sĩ quan CSQG / VNCH, nhưng cháu còn đợi phỏng vấn.
Thời gian ở đây, tôi dạy học và làm Tổng Giám Thị, tiền phụ cấp mỗi tháng 700 bạt (tiền Thái) bốn người chúng tôi sống trong trại tương đối thoải mái, đấy là chưa kể lâu lâu tôi được hai ông anh ở Mỹ gởi cho 1, 2 trăm đô nữa.
Nói chuyện ở trại tỵ nạn có nhiều điều thú vị lắm và cá nhân tôi cũng làm được những việc bổ ích cho đồng bào thuyền nhân tỵ nạn tại trại này, cũng như tại trại Batanan, Philippines, nhưng chuyện kể cũng đã khá dài, tôi hẹn sẽ kể tiếp nếu có dịp rảnh rỗi.
Hôm nay (2020), nhân kỷ niệm 45 năm ngày đau buồn của dân tộc, 30 THÁNG TƯ ĐEN, những biến cố đau thương trong cuộc đời của tôi từ khi miền Nam thân yêu của chúng ta rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, đặc biệt trong CHUYẾN HẢI HÀNH TỬ SINH tìm sự sống, trong sự chết, biết chết trước gang tay mà tôi vẫn phải ra đi TÌM TỰ DO. Lạy Ơn Trên Trời Phật, liều mình, tôi mới còn có ngày hôm nay và chính vì vậy, tôi phải viết lại để kể cho con cháu chúng tôi biết cái giá HAI CHỮ TỰ DO, cái SUNG SƯỚNG, cái HẠNH PHÚC gia đình hưởng được ngày hôm nay là nhờ cha ông của chúng đã đánh đổi bằng bao năm tù tội, bằng liều mình hy sinh, một sống chín chết để hôm nay con cháu được SỐNG và sống trên vùng trời tự do, được hạnh phúc, cơm no áo ấm và học hành thành đạt nên các cháu thế hệ trẻ mãi mãi nhớ những điều đó. Đừng bao giờ quên!!!
Viết trong những ngày lánh nạn đại dịch coronavirus Vũ Hán,
Little Sài Gòn, Tháng Tư Đen 2020
Tâm Hòa Lê Quang Dật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét