Cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước và các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng mang vẻ đẹp rất riêng vào những ngày nhiều mây. Đà Nẵng huyền ảo trong làn mây hoàng hôn, khi thành phố vừa lên đèn. Tác giả bộ ảnh Nguyễn Sanh Quốc Huy, cho biết dùng kỹ thuật chụp panorama, ghép 27 tấm để thu toàn bộ vẻ đẹp các cây cầu vào trong một bức ảnh, từ trái qua là cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước.
Đà Nẵng là thủ phủ miền Trung, gần như chia đều khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và TP HCM, đồng thời là trung tâm kết nối 3 di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
“Thành phố của những cây cầu” mang vẻ đẹp rực rỡ vào ban đêm trong làn sương mây qua qua ảnh chụp panorama.
Đà Nẵng còn được mệnh danh là “thành phố ánh sáng” khi những cây cầu, các tòa cao ốc và khu dân cư đồng loạt lên đèn về đêm.
Cầu Rồng ẩn hiện trong mây. Với kiến trúc độc đáo mô phỏng rồng thời Lý mạnh mẽ vươn ra biển, đây là điểm nhấn quan trọng, biểu tượng kiến trúc của thành phố. Cây cầu hiện đại này có chiều dài khoảng 666 m, bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương – Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các phố chính, và cũng là tuyến đường đến biển Mỹ Khê và Non Nước. Một cảnh tượng đẹp du khách không nên bỏ qua khi khám phá cầu Rồng là chiêm ngưỡng cầu rồng phun lửa, phun nước vào mỗi tối thứ 7, chủ nhật lúc 21h.
Mây trôi trên cầu Trần Thị Lý, cây cầu vốn là cầu đường sắt, thời Pháp cầu được gọi là De Lattre de Tassigny. Sau năm 1975, cầu được đặt tên là Trần Thị Lý và nâng cấp thành cầu đường bộ. Công trình tạo nên một điểm nhấn kiến trúc, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn góp phần giảm ùn tắt giao thông ở cửa ngõ phía đông Đà Nẵng.
Cầu Thuận Phước lảng bảng trong sương mây. Tháng 7/2009, cầu Thuận Phước chính thức được thông xe với tổng chiều dài 1.856 m. Cầu nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An.
Mây giăng trên làng Pháp thuộc khu du lịch Bà Nà Hills. Tác giả bộ ảnh chia sẻ rằng mình không cần đi vùng cao miền bắc hay Tây Nguyên mới săn được mây. Tại Đà Nẵng, nếu chịu khó “canh” và có thêm một chút may mắn, du khách sẽ chụp được khoảnh khắc mây tràn về trên phố cũng như ở các điểm du lịch nổi tiếng như Bà Nà hay bán đảo Sơn Trà
.
Cầu Vàng, tọa lạc trên núi cao như “chốn bồng lai tiên cảnh”, kết nối cảnh quan từ ga Marseille tới vườn Thiên Thai và vườn hoa Le Jardin D’Amour của Bà Nà Hills. Công trình trở thành biểu tượng mới của du lịch Đà Nẵng sau khi mở cửa đón khách từ tháng 6/2018
.
Chùa Linh Ứng Bà Nà mang vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm trong mây. Nơi đây có tượng Thích Ca Phật Đài cao 27 m được tạc với dáng ngồi thiền định trên đài sen 6 m
.
Cảnh sắc bán đảo Sơn Trà với mây trôi trên đồi núi. Đi xe máy theo con đường ven biển Hoàng Sa, du khách khám phá vẻ đẹp bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 10 km về hướng đông bắc. Bán đảo này có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong che chắn cho TP Đà Nẵng.
Mây bay trên tượng Phật Bà Quan thế âm Bồ Tát cao 67 m, đứng trên tòa sen có đường kính 35 m tại chùa Linh Ứng Sơn Trà. Nằm ở độ cao 693 m so với mực nước biển, ngôi chùa này là quần thể nhiều hạng mục gồm chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường và thư viện.
Đèo Hải Vân trải dài theo sườn núi Hải Vân, nhìn về thành phố Đà Nẵng trong làn mây bồng bềnh. Đèo cao 500 m so với mực nuớc biển, là ranh giới tỉnh Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng. Vua Lê Thánh Tông Khi dừng chân đèo Hải Vân từng phong nơi đây là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Sanh Quốc Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét