Nói rồi cô ta cũng đứng dậy, vén váy nhảy qua nhảy về như con thoi trên trách lửa còn nghi ngút khói.
Cánh cửa sập sau lưng. Mận bật máy, bộ hình karaôkê bắt đầu diễu ra trong tivi. Tôi ngả người xuống ghế nệm, kéo tay Mận:
- Thôi. Dẹp đi. Anh đến đây có phải để hát hò đâu, em yêu.
Mận vặn nhỏ âm thanh:
- Kệ, có chút nhạc cho đúng điệu, ra vẻ mình đang hát kara thiệt.
Nói rồi Mận lại gần, đổ ập xuống, hai cánh tay rắn chắc xiết quanh tôi.
Nằm đè trên mình tôi như thế, nàng đưa tay xoa trán, bóp huyệt. Mận đã quen tính tôi rồi. Trước hết phải xả cho bộ dây thần kinh chùng xuống, các cơ thịt trên mặt giãn ra. Những giờ dài cầm lái trên đường làm tôi căng cả óc, mắt nhức, nhìn vào đâu cũng muốn gây sự.
Tay Mận thô, nhưng lòng bàn tay và mười đầu ngón rất mềm, ấm nóng. Mận có lần kể tôi nghe hồi mới vào làm ở đây, học lóm được của bà chủ cách ngâm tay bằng nước nóng rồi nhè nhẹ gỡ lần những cục chai to. Gỡ hàng tháng, da tay mới được như thế này. Cô lật sấp tôi lại. Những cái vuốt mạnh mẽ dọc theo lưng làm cơ thể ngổn ngang của tôi dần dần hồi tỉnh.
Cái ghế bành to đến nỗi tôi nằm thoải mái như nằm trên giường. Mận ngồi dậy, hai tay tuột cái áo chun qua đầu.
Giống như một ngọn lửa bùng lên, tôi cháy rất nhanh, rất đơn giản, rồi tắt.
Nhổm dậy, tôi quờ chân tìm giày.
"Khoan, để em khuyến mãi thêm một chầu tẩm quất”.
Tôi ngồi nán lại để cho Mận vừa vỗ rôm rốp sau gáy tôi vừa thăn thỉ hỏi : "Anh có ghé Cổ Kỳ không? Bữa ni chỗ nớ ra răng anh, có chi lạ không?"
Tất nhiên là tôi có ghé. Cái làng trơ trụi với những mái tranh, điểm vài căn nhà xây blô đơn giản. Những bức vách không tô trát, những cánh cửa gỗ ván cong vênh. Lần nào tới đây tôi cũng cố kiếm một cái tin nào đó cho Mận. Mấy bữa này thấy người ta chở gạch vào làng, xây giếng. Dạo này mới có cái đập nước mới xuất hiện gần ngã ba. "Chỉ có rứa thôi à?" "Ừ, anh chỉ thấy có vậy".
Lúc sắp đi, tôi rút ví. Mận xua tay: "Miễn phí cho anh đó". Tôi cự nự: "Đã ế, xông hơ xả xui, lại còn chảnh". Mận đẩy tôi ra : "Đi đi. Nếu qua đây thì ghé vô, kể chuyện làng cho em nghe là đủ rồi".
Tôi cười, gật gật: "Dễ mà".
Trong khi tôi cài lại khuy áo, Mận bó gối ngồi, nhìn trân trân vào vách. "Mau thiệt, rứa mà em xa quê sáu năm rồi". "Chưa hề về à?" "Có chứ, hai năm đầu em nói với xóm giềng vô học uốn tóc, về thăm luôn. Được hai năm thì thằng On xóm trên có lần vô chơi, trời xui đất khiến hắn vô trúng chỗ em, hết chối. Từ đó ông nội không cho về nữa, ông nói vác mặt về là ông chém chết".
Mận cười khừ khừ trong cổ, nghe như tiếng rên rỉ. Tôi hỏi: "Vậy trước đó em gửi tiền về, ông không hỏi tiền đâu mà có à?" Mận thở hắt ra, mắt ráo hoảnh:
- Ông cũng lờ mờ biết em làm nghề ni chớ. Nhưng khi xóm giềng chưa biết thì đâu có sao. Xóm giềng biết rồi là chuyện khác.
Tôi chịu, không hiểu nổi cái lôgic của ông cháu nhà Mận.
***
Làng Cổ Kỳ, quê Mận nằm không xa trục đường Bắc Nam. Đường vào làng phải rẽ vào một ngã ba, có dãy đồi chạy lan từ phía núi đến sát đường quốc lộ. Nhờ dãy đồi này mà phong cảnh Cổ Kỳ đẹp như tranh, nhưng cũng vì nó mà ngôi làng cách biệt hẳn với những vùng lân cận. Trong khi nhà ngói mọc lên ở hai bên đường một thì ngôi làng này vẫn tuềnh toàng chẳng khác gì mười lăm năm trước. Thật tình mà nói, Mận không lấy tiền tôi cũng phải. Nếu không có lời khẩn cầu của Mận thì tôi chẳng việc gì phải cho xe vào đây. Mất thêm ba mươi phút ra vào, mà chẳng có việc gì ngoài việc liếc qua xem "có gì lạ không".
Thỉnh thoảng Mận gửi tôi cầm về một ít tiền, một gói quà. Cô chẳng bao giờ nói cho tôi biết nhà ở đâu, chỉ bảo ghé đến chỗ bưu điện xã đưa cho người quen nhờ chuyển về cho Mận Xanh. "Lại cũng Mận à?" Mận gật đầu: "Chị là Mận Chín, em là Mận Xanh". Hai chữ Mận Xanh làm nước bọt tôi tưa ra. Vì chợt nhớ thói quen trèo cây hái quả non chấm muối ớt hồi nhỏ, chứ không phải vì thói đàn ông ham hố. Mận liếc nhìn cục tội trên cổ tôi phập phồng, nguýt dài thậm thượt. Tôi bảo:
- Sao em không chỉ nhà, anh đến đưa tận tay cho chắc.
- Thôi... Mận ngập ngừng lảng tránh, lát sau mới nói - Con bé còn đi học, tội nghiệp nó mà anh.
Tôi cáu:
- Em coi thường anh quá. Ăn có nơi, chơi có chốn, anh có phải là yêu râu xanh đâu.
- Biết rồi, nhưng anh mà vô nhà, hàng xóm biết quà em gửi, ông nội em ném ra cửa ngõ liền. Với lại, em sợ Mận Xanh thấy anh chi hắn cũng nèo nèo hỏi cho ra em ở đâu.
Tôi gật đầu, hiểu ý Mận.
Tôi là hình ảnh của phố phường. Bộ quần áo Jean, chiếc dây chuyền nơi cổ, cái đồng hồ trên tay. Hình ảnh tôi sẽ gợi lên tiếng gọi cồn cào từ một cuộc đời no đủ hơn, có thể sẽ làm nung nấu trong lòng Mận Xanh thơ ngây ý muốn bỏ làng ra phố. Như Mận Chín sáu năm trước. Phải, như Mận Chín cái hồi đi nhờ xe tôi vào đây, chưa biết xức nước hoa, mang giày cao gót và cố tẩy cho hết vẻ quê mùa như bây giờ.
***
Cầm lái đường dài thật buồn. Xe tôi băng qua những quãng đường miền Trung, hai bên là ruộng khô trơ trụi. Tiếng nhạc boléro từ chiếc máy nhạc làm tôi đỡ cô quạnh: "Đường dài, miệt mài tôi đi...".
Lần này ghé về thành phố thì đêm đã tối. Tôi tìm chỗ đậu an toàn dưới lùm cây bằng lăng. Một bóng đen từ xa sáp đến gần, với ngọn lửa sáng lập lòe. "Ai trứng lộn không?" Người đàn bà gầy nhom tay xách đèn, tay bưng thúng rà lui rà tới. Tiếng rao trứng lộn kéo dài, lập đi lập lại trong đêm mưa, thoạt nghe thật áo não, nghe lâu dễ khiến người ta tủm tỉm cười. Thấy bóng đen cứ lảng vảng không chịu đi, tôi chọc:
- Có mỗi một cái mà cũng xách đi bán hả o?
Người đàn bà thấy tôi bắt lời, lập tức chào hàng:
- Anh cần thì tui đi kêu, mấy cái cũng có.
- Thôi. Đang mệt bã cả người, vả lại mắc hàng hóa trên xe không đi đâu được.
- Thì phục vụ tận nơi, lo chi anh. Năm chục chơ mấy.
"Được rồi, chị tới chỗ nhà nghỉ Đoan Trang, kêu cho tôi..."
Mận lom khom che dù đi tới trong mưa. Tôi đóng sập cửa xe. Một tiếng ho từ cổ nàng phát ra. Tôi bật đèn xe, Mận xua tay:
- Tắt đi anh. Ra đây thì phải cẩn thận, chớ không em lãnh đủ.
Trong bóng tối tôi cảm thấy vai nàng mỏng hơn, hơi thở cũng nóng rực. "Coi chừng, em đang sốt đó". Mận cười khàn:
- Dạo này em đang đắt nên phải cố.
- Đắt?
- Bà chủ em giỏi lắm, có người âm phò trợ mà lại có cả người dương che chở nữa. Bà mới mua thêm căn nhà, mở thêm quán cà phê.
Mận cười uể oải: "Cà phê phía trước bốn ngàn một ly, ra mé sau bốn chục ngàn một ly... Mà thôi, kể chuyện làng em nghe đi..."
Tôi kể. Người ta đang kéo cáp về làng, chắc sắp có điện. Người quen ở bưu điện xã báo tin là Mận Xanh đã ra nhận tiền. Đúng như Mận đoán, nó nằng nặc hỏi thăm Mận đang ở đâu. Tôi đưa thư cho Mận. Trên đường vào, lúc nghỉ chân tôi đã đọc lén bức thư, những dòng chữ non nớt nguệch ngoạc: "Chị ơi đi học xa quá, trên thị trấn đứa mô cũng có xe đạp một mình em không có. Chừ em chỉ ưng ra phố học may …” Không dám bật đèn xe, Mận mượn tôi bật quẹt, che ngọn lửa đọc giấm giúi. "Không được! Không cho hắn lên phố. Bắt hắn phải đi học . Thiếu tiền em gửi!”
Mận rủ rỉ, giọng mệt mỏi nhưng đầy tự hào: "Em phong trần thiệt nhưng em của em học hành tử tế, ở làng con gái không ai được đi học như hắn mô.”
Tôi nhét tiền vào túi áo Mận, Mận giảy nãy, nhưng tôi đã mạnh tay đẩy nàng xuống khỏi xe:
- Lần này cầm lấy, liệu mà tẩm bổ kẻo rạc người ra bây giờ
***
Mận vào toalét rửa tay thật lâu rồi trở ra nằm xuống bên tôi. Tôi lùa tay vào áo nàng. Thịt nàng lạnh và mềm, chỉ còn đôi vú xộc xệch là có chút hơi ấm. Tôi nấn ná sưởi tay trên vùng ấm mong manh đó. Mận rúc cái đầu phảng phất mùi nước hoa rẻ tiền vào ngực tôi như mọi lần. Một lát, nàng đẩy tôi ra, vẻ khổ sở.
"Sao thế? - Tôi nhổm dậy - Anh có tiền mà".
Mận nhăn nhó:
- Em có tiếc gì với anh đâu, chỉ vì em đang bệnh.
Tôi lặng thinh. Buồn nhưng không quá bất ngờ. Kiếp giang hồ trước sau rồi cũng có lúc thế này. Mận kéo tôi nằm xuống, cười gượng:
- Anh đừng buồn, em vẫn có cách làm cho anh vui được mà.
"Thôi, không cần. Em mở cửa ra cho anh hút điếu thuốc".
Chân Mận lê lệt xệt trên sàn gạch. Hồi Mận mới vào làm, bà chủ mắng mãi vì cái tội lê dép. "Chỉ có đồ nhà quê mới đi nặng nề như voi đạp, nghe tiếng chân ngửi thấy cả cái mùi nước mặn đồng chua!". Bỏ cái thói đó, Mận đã phải tập tành vất vả lắm... Thấy Mận ngồi rụt rè cách một khoảng xa, tôi kéo nàng lại gần:
- Sao không đi khám chữa đi, muốn chết à.
- Đi chứ, gắng tới hết tuần đã. Ngoài làng em...
Ngoài làng em có chi lạ không, tôi trả lời câu hỏi của Mận không biết bao nhiêu lần rồi. "Điện vào làng rồi. Bữa qua nghe nói có người bị điện giật chết" "Ai? Anh có nghe tên ai không?" "Nghe nói ông Bỉnh, ông Binh chi đó, ông kẹp máy xịt nước trong nách mà tưới cây, xui xẻo điện hở mạch truyền vào nước". Mận than thở, chắt lằn chắt lưỡi một hồi. Nghe Mận nói hồi nàng đi thì ông này còn nghèo, mấy năm nay trồng vườn mới khá lên chút đỉnh thì chết oan chết uổng.
Tôi nói lảng qua chuyện khác:
- Ngã ba vào làng tráng nhựa rồi. Bữa này Mận Xanh đi học khỏi lội bùn lội bụi.
"Dạ". Mận lẩm bẩm như nói cho mình nghe: Không biết có khỏe mãi mà lo cho hắn được không?
Bỗng, mắt Mận sáng lên:
- Này, sao anh không lấy vợ đi, lang bạt mãi.
- Lù khù như anh, lấy ai bây giờ.
- Thôi mà, lù khù ôm lu cũng nổi. Lấy Mận Xanh không, em làm mối cho.
Tôi phá ra cười. Thật bất ngờ. Mận có vẻ tự ái:
- Em đi giang hồ thiệt nhưng nhà em đã từ rồi. Từ em rồi thì nhà em vẫn là nhà đàng hoàng, anh làm rể cũng đâu có xấu.
Tôi lắc đầu: "Quỷ. Ai mà nghĩ rắc rối như vậy".
- Vậy anh chê Mận Xanh cái gì?
- Ai chê. Có điều đã thấy mặt mày, tiếng tăm chi. Mấy năm nay em giữ khư khư không cho anh giáp mặt. Còn hơn gái cấm cung, rồi đùng một cái biểu lấy làm vợ. Biết hắn có ưng mình không, hay hắn cho mình cái tát, hắn chửi vào mặt mình là đồ vô duyên, chạy không kịp.
Mận cười, cố nín cơn ho:
- Nói nghe tội chưa. Anh mà thiệt bụng ưng Mận Xanh, em chỉ nhà chỉ xóm cho mà tìm. Anh cứ hứa đi đã, hứa chắc rồi em chỉ.
- Không hứa. Chuyện nhân duyên là số trời, ai dám hứa trước được. Tin thì tin, không tin thì thôi.
- Tin chớ sao không. Nghe em đi, cưới vợ ở quê cho chắc - Mận cầm tay tôi, trong hố mắt trõm sâu chợt ánh lên một tia lấp lánh: "Em làm gái mà anh còn tử tế thế này, mai sau chắc đối với vợ con cũng tốt, phải không anh?"
***
Ông già sờ soạng trên mặt bàn, đưa mấy ngón tay quều quào mân mê gói giấy. Nhướng đôi mắt mờ đục về phía tôi, ông hỏi:
- Tôi hỏi khí không phải... Mấy thứ này có phải là của con Mận gửi về?
Tôi nín khe một lúc, rồi nói dối:
- Dạ không. Có người bạn cháu quen với Mận Xanh, nhờ cháu cầm quà về giúp.
- Con Mận Xanh cả đời ở làng, làm sao quen ai ở xa.
Hai bàn tay xương xẩu run run mở gói giấy, những ngón tay lần mò quanh hộp chè và mấy chai dầu xanh. Hai giọt nước mắt lăn tăn từ từ ứa ra trong hai cái tròng mùa lòa. Ông già bập bệu:
- Anh đừng giấu tui, tui biết của con Mận đây mà. Anh biết hắn ở mô thì nói giùm hắn về cho tui gặp. Làng bữa ni cũng khá rồi, về mà làm ăn đừng đi trôi nổi nữa làm chi.
Thái độ của ông già làm tôi bất ngờ. Lúng túng một lúc, tôi khẽ "Dạ". Mừng cho Mận, mà cũng lo nữa, dù sao thì nàng đang bệnh, đâu thể về lúc này được. Tôi bảo ông cụ:
- Hay là cụ nói Mận Xanh viết thư nói rõ ý cụ như thế, chứ cháu chỉ nói mồm, sợ cô ấy không tin.
-Khổ, con Mận Xanh lại đi mô rồi… Anh cứ nói với con Mận Chín là tôi già rồi, sắp chết rồi, kêu hắn về.
- Thôi cụ cứ yên tâm ,cháu sẽ nói ,có gì lần sau cháu quay lại.
Từ giã ông già ra đi lòng tôi lâng lâng. Không rõ Mận Chín có đủ can đảm về không, nhưng ít nhất nàng cũng có một mái nhà chờ đợi.Mãi vui mà tôi quên cả đói, lúc xe ra đến ngã ba ven đồi, mới nhớ ra từ trưa đến giờ mình chưa có hạt cơm nào trong bụng.
Đúng là vùng này giờ đây đã khác nhiều lắm so với cái thời Mận Chín ra đi. Nhà ngói mọc lên đến vài chục nóc. Trên mặt đầm tĩnh lặng, mấy chiếc quán tranh mọc lên trên mặt nước. Những mái tranh được cắt tỉa gọn gàng, xinh xắn. Băng qua chiếc cầu tre mỏng mảnh, tôi vào một quán có chiếc nia bằng tre treo lủng lẳng ngoài cửa, trên nia vẽ mấy chữ "Cơm Quê". Chủ quán, một người đàn ông vạm vỡ đón tôi vào ngồi trên bộ bàn ghế gỗ thấp lè tè cạnh cái chiếu cói. "Dùng chi, eng? Cháo cá hỉ? Cá vớt ngay dưới hồ đây, tươi lắm".
Con cá giẫy đành đạch trong chiếc vợt sũng nước, người đàn ông xách vào căn bếp khuất sau bức vách nứa. Còn lại một mình, tôi nhìn ra cửa sổ. Quán nào cũng đầy vẻ bình yên với ngọn khói nhẹ nhàng vươn lên nền trời. Bên vệ đường, cạnh xe tôi còn vài chiếc ô tô khác đậu trong bóng cây - đa số là những chiếc xe bốn chỗ ngồi từ xa tới.
Tô cháo nghi ngút khói đặt trước mặt. Tôi ngước nhìn: Không phải gã chủ quán mà một cô bé, gọn gàng, chắc lẳn trong bộ quần lụa áo cánh. Da thịt trẻ trung rực rỡ trong bộ áo quê mùa mộc mạc. Cô bé nhìn tôi, cười ngây ngô. Bất giác tôi hít vào một hơi đầy lồng ngực, cảm thấy quanh đây cái gì cũng tươi tắn, mới mẻ, nguyên sơ.
Tôi húp một muỗng cháo, ruột gan thấy dịu lại, ngọt đến đầu lưỡi.
"Mận ơi, có quạt chưa?" Gã chủ quán hỏi vọng vào. "Có". Cái tên Mận làm tôi chững lại. Tôi buông thìa quay nhìn. Cô bé cười, vẻ mặt hồn nhiên, tay phe phẩy chiếc quạt mo rất chân quê:
- Thì anh cứ ăn đi đã, đi đâu mà vội.
Dứt lời, không dừng tay quạt, cô nằm xoài xuống bên tôi. Đưa tay lật thân áo trước lên lên, cô ưỡn người để lộ một khoang bụng nâu mịn với cái rốn sâu tròn trĩnh. Hai bắp vế căng đầy xoãi ra dưới lớp quần lụa. Dáng nằm vụng về, thô thiển mà gợi cảm, làm chốc lát tôi hiểu ngay ý nghĩa hai chữ "Cơm Quê" treo lủng lẳng ngoài cửa quán.
Dưới chân tôi, Mận Xanh đưa hai bàn tay xòe ngón lên, cho tôi biết giá cả. Thấy tôi cứ đờ ra, có lẽ cho rằng tôi chê đắt, cô ta nói, tỉnh queo:
- Anh thông cảm, vàng lên thì l...cũng lên chớ. Thời buổi ni, cơm quê có giá hơn cơm phố đó anh...
Tôi sững sờ, cúi mặt. Cảnh tượng như nhòe đi, chỉ còn hình ảnh đôi mắt của Mận Chín trõm sâu đầy bóng tối, với những tia lấp lánh chờ mong...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét