<!>
Nhìn chung, vaccine là công cụ cực kỳ quan trọng để chống lại đại dịch Covid-19 đang hành hạ cả thế giới. Nó mang một nguồn sáng phía cuối đường hầm cho một năm ngập tràn sự tăm tối. Tuy nhiên, sự có mặt của vaccine không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ sớm trở lại cuộc sống trước kia - theo Debra Goff, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ ĐH Bang Ohio.
"Tôi nghĩ nhiều người sẽ có quan điểm rằng chỉ cần tiêm vaccine là đủ an toàn, và có thể không cần phải đeo khẩu trang cũng như tiến hành giãn cách xã hội, nhưng thực ra không phải vậy," - Goff cho biết.
Thực tế, chúng ta cần thời gian để nắm được việc vaccine có thể bảo vệ những người xung quanh hay không, và nhìn chung thì việc đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để cho phép chúng ta chủ quan một chút là không dễ dàng.
"Vaccine chỉ là bước đầu tiên giúp chúng ta trở lại cuộc sống trước kia. Nó không phải là viên đạn bạc."
Bạn vẫn chưa thể bỏ khẩu trang và ngưng giãn cách đâu
Khoa học hiện vẫn chưa thể rõ liệu vaccine có thể bảo vệ chúng ta khỏi việc nhiễm bệnh không triệu chứng, hoặc trở thành các nguồn lây thầm lặng. Cho đến lúc này, vaccine của Pfizer và Moderna mới chỉ được xác nhận cho phép người được tiêm tránh khỏi các dấu hiệu nhiễm Covid-19 một cách rõ ràng.
"Vì nhân loại, bạn sẽ vẫn cần phải tiếp tục đeo khẩu trang và thi hành giãn cách xã hội," - Goff cho biết.
Một lý do nữa là bạn sẽ cần 10 - 12 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên để vaccine bắt đầu có tác dụng. Mà ngay cả ở thời điểm đó, hiệu quả cũng chỉ đạt 52%. Chỉ sau khi tiêm mũi thứ 2 (cách mũi đầu từ 3 - 4 tuần), tác dụng của vaccine mới được phát huy tối đa (khoảng 95%).
Vậy nên sau khi tiêm mũi đầu tiên mà bạn đã chạy vội lên bar quẩy thì... sai quá sai rồi.
Cuối cùng, cần biết rằng vaccine hiệu quả nhất hiện nay mới chỉ đạt khoảng 95% thôi (vaccine của Pfizer). Nghĩa là vẫn còn một tỉ lệ rủi ro lây nhiễm khá nhỏ, kể cả khi bạn tiêm đủ 2 mũi. "Vậy nên bạn không nên mạo hiểm với suy nghĩ mình sẽ không thể bị nhiễm nữa sau khi tiêm," - Goff nhận định.
Chưa thể tùy tiện tụ tập
Dĩ nhiên là tùy theo tình hình dịch bệnh và quy định của từng nước. Nhưng ở những thời điểm dịch bệnh căng thẳng, việc tụ tập vẫn là không nên tùy tiện, kể cả sau khi được tiêm vaccine. Nguyên nhân thì như đã nêu, bạn sẽ chẳng thể biết mình có phải là nguồn lây nhiễm thầm lặng cho cộng đồng hay không.
Nhưng nhìn chung, các hoạt động như vậy sẽ bớt rủi ro hơn nếu khoa học có thêm nhiều thông tin. Càng có nhiều người được tiêm chủng, dữ liệu sẽ càng nhiều hơn.
"Từ đây cho đến tháng 1/2021, chúng ta sẽ biết được nhiều thông tin hơn nữa mỗi ngày. Nhưng vẫn còn rất xa mới đến đích."
Đổi lại, chúng ta có thể dần lên kế hoạch cho tương lai
Các chuyên gia dự đoán rằng chúng ta có thể dần trở về cuộc sống trước-Covid từ giữa năm 2021, và chạm đến ngưỡng bình thường vào cuối năm. Nhìn chung nếu được tiêm chủng, bạn có quyền tự tin hơn và lên kế hoạch cho những mục tiêu lớn trong tương lai.
Các công ty có thể lên kế hoạch cho những sự kiện lớn, dù vẫn còn khá nan giải vì còn phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng và hiệu quả của vaccine. Theo Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ, cần khoảng 75% - 85% dân số được tiêm chủng mới có thể giải quyết dịch bệnh tại Mỹ.
Dẫu vậy, cuộc sống sẽ khó trở lại bình thường 100% cho đến khi cả thế giới đạt được mốc miễn dịch cộng đồng nhất định.
Bạn có thể tự tin chăm sóc người nhiễm Covid-19
Tại Mỹ, các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch là những người đầu tiên được tiêm chủng. Lý do rất đơn giản: Họ chính là những người phải chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19, và cần phải bảo vệ bản thân để hoàn thành tốt công việc của mình.
Vậy nên nếu bạn được tiêm, bạn sẽ ở vị thế tốt để đứng ra chăm sóc bạn bè, người thân. Rủi ro lây nhiễm sẽ là cực kỳ thấp, nếu bạn vẫn duy trì việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh đúng cách.
Và dần dần, sẽ không còn quá lo sợ nữa
Sau khi bạn và những người xung quanh được tiêm đủ 2 mũi và đạt được hiệu quả tối đa, bạn cũng không phải quá lo sợ nữa. Việc ra ngoài, ăn uống, tập gym, tụ tập tại nhà sẽ không còn phải là một trận chiến tư tưởng, về chuyện ai có khả năng lây nhiễm nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét