Bà Trang, một blogger và là tác giả đối lập nổi bật trong nước, bị công an Việt Nam bắt tạm giam hôm 6/10 tại TPHCM để điều tra về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” với mức án có thể lên tới 20 năm tù.
Trong video có tên #FreePhamDoanTrang mà RSF công bố trong chiến dịch này, các nhà báo, blogger và những người bạn của bà Trang hiện đang sống ở Pháp, Đức, Đài Loan và Mỹ “với lợi thế sống lưu vong để nói về những gì mà những người đồng hương của họ ở Việt Nam không thể nói ra mà không bị nguy cơ đối diện các án tù lâu dài.”
Tổ chức có trụ sở chính ở Paris cũng khởi động lấy chữ ký cho một thỉnh nguyện thư trong đó yêu cầu chính phủ Việt Nam thả tự do “ngay lập tức và không điều kiện” cho nhà báo từng nhận giải thưởng Tự do Báo chí của RSF về tầm ảnh hưởng vào năm 2019. Mục đích của RSF khi phát động thỉnh nguyện thư này là “nhằm tránh cho Phạm Đoan Trang bị án tù lâu dài bằng cách gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam.”
“Nhờ sự dũng cảm và sự hào phóng của mình, Phạm Đoan Trang đã trở thành một biểu tượng cho cuộc đấu tranh nhằm mang lại nền báo chí độc lập và đáng tin cậy cho những người dân Việt Nam,” Daniel Bastard, người đứng đầu ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo ra hôm 7/12.
Bà Trang là tác giả của nhiều cuốn sách mà chính quyền Việt Nam cấm xuất bản và lưu hành, trong đó có “Chính trị bình dân” và “Phản kháng phi bạo lực.” Được biết, trước khi bị bắt không lâu, bà Trang đã trao cho Lãnh sự quán Mỹ ở TPHCM bản “Báo cáo Đồng Tâm” mà bà là đồng tác giả với ông Will Nguyễn, một nhà tranh đấu cho Việt Nam từng bị chính quyền truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng” do tham gia biểu tình ở TPHCM, trong đó viết về vụ đụng độ giữa công an và người dân làng Đồng Tâm hồi đầu năm nay do tranh chấp đất đai.
Bà Trang, theo báo Công an Nhân dân, “có mối liên hệ mất thiết với các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, VOIVE” với mục đích “phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc” và “vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền.”
Việc bắt giữ bà Trang hôm 6/10 diễn ra chỉ vài giờ sau khi Việt Nam và Mỹ tiến hành đối thoại nhân quyền và sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ này cũng như cho biết đang “theo dõi chặt chẽ” vụ việc. Sau đó chính phủ Anh và Canada cũng lên tiếng bày tỏ việc Chính phủ Việt Nam bắt giữ các cá nhân, trong đó có bà Trang.
“Trong lịch sử Việt Nam kể từ năm 1975 đến nay, Đoan Trang có lẽ là một trong những nhà báo có ảnh hưởng nhất, một trong những nhà hoạt động dân chủ hiệu quả nhất và một trong những người Việt Nam can đảm nhất mà chúng ta có,” ông Trịnh Hữu Long, người cùng sáng lập Luật khoa Tạp chí với bà Trang và hiện đang sống ở Đài Loan, nói trong video mà RSF công bố hôm 7/12.
Một trong những người được RSF phỏng vấn trong video này là luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang sống lưu vong ở Đức sau khi được thả sớm hơn thời hạn bản án tù 15 năm vào năm 2018, nói rằng bà Trang “có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh dân chủ của người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước. Chị Phạm Đoan Trang đã viết rất nhiều sách để cổ suý cũng như để bảo vệ quyền con người cũng như thúc đẩy các quyền tự do chính trị của người dân Việt Nam.
Công an Việt Nam cho biết bà Trang bị bắt theo điều 88 Bộ Luật hình sự 1999 và điều 117 Bộ Luật hình sự 2015 và hiện bị di lý về Hà Nội để phục vụ điều tra.
“Hiện tại nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang dùng một điều luật hết sức là mơ hồ để nhét cô Trang ở trong trốn ngục tù.” Blogger Trần Thị Nga, người bị chính quyền Việt Nam kết án 9 năm tù trước khi được thả ra để sang Mỹ sống lưu vong, nói trong video của RSF và cho rằng “đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vi phạm đạo đức của con người.”
Việt Nam được coi là một trong số những quốc gia có nhiều hạn chế về quyền tự do báo chí khi bị RSF xếp hạng 175 trong số 180 quốc gia trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét