Cuộc đời thật là cay đắng. Cuộc đời thật là chông gai. Cuộc đời thật là… Tôi có hẳn ba quyển vở dày cộp chép toàn những câu triết lý về cuộc đời như thế. Tổng cộng khoảng gần 16 nghìn câu mà tôi cho là hay nhất. Đời là bể khổ. Đời là bờ dốc đứng. Đời là một ghềnh thác. Đời là một cái sân khấu, vân vân… Nhưng rồi ở trang cuối, tôi lại ghi mấy chữ: “Vậy thì đời là cái cóc khô gì?” Ồ, thưa quí vị, đời cay đắng và chua xót lắm! Không tin, xin quí vị cứ nghe câu chuyện tôi kể đây rồi tự xét đoán xem tôi nói có đúng hay không. Hồi ấy tôi không làm ăn gì cả. Chẳng phải vì tôi giàu có hay vì được thừa hưởng một gia tài kếch xù gì mà chẳng qua vì tôi không sao tìm nổi việc làm.
Đã hai ngày tôi sống bằng không khí và nước lã. Một hôm, tôi đến ngồi trên một chiếc ghế đá vườn hoa để suy nghĩ về bản chất cuộc đời. Bên cạnh tôi có một ông ngồi xem báo. Lúc ông ta nhét tờ báo vào trong túi, tôi hỏi:
– Ông có thể cho tôi ngó qua tờ báo một chút được không ạ?
Ông bạn ngồi cùng ghế đưa cho tôi tờ báo. Tôi vội lướt nhanh các mục rao vặt. Có một mẩu tin khiến tôi thoáng hy vọng: ”Cần tuyển người làm, bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ”. Thế là không để lỡ một phút, tôi trả lại tờ báo cho chủ nhân rồi ba chân bốn cẳng phóng ngay đến cái địa chỉ ghi trong mẩu rao vặt. Đó là một ngôi nhà năm tầng, nằm ngay giữa khu vực đông đúc nhất của thành phố. Sợ đến chậm, nên chẳng càn chờ thang máy, tôi cứ thế bước mấy bậc lên thẳng tầng thứ năm. Cánh cửa treo biển số 18 đây rồi! Tôi thấy người ta bước vào đó, lần lượt từng người một. Người nào lúc vào trông mặt cũng đầy hy vọng. Nhưng khi bước ra thì trông ai cũng hầm hầm tức giận.
Để cho hơi thở đã trở lại bình thường, tôi mới tiến lại phía cửa.
– Tôi xem báo thấy nói ở đây…
Không đợi tôi nói hết câu, người gác cửa khoát tay ra hiệu cho tôi vào. Tôi bước vào một căn buồng có kê rất nhiều ghế băng và ghế bành. Đã có 6 người đàn bà và 8 người đàn ông ngồi chờ ở đó. Còn 5 người khác, trong đó có tôi thì đứng.
– Công việc gì đấy hả ông? – Tôi hỏi người đứng bên cạnh.
Người này cũng có số phận hẩm hiu như tôi. Ông ta đáp:
– Tôi cũng không biết. Chỉ thấy người ta gọi từng người một vào. Nhưng vẫn được độ mười phút, hay cùng lắm là nửa tiếng, thì thấy ai cũng chạy bổ ra như ma đuổi, chửi ầm cả lên.
Đúng lúc đó cửa xịch mở và một người đàn ông mặt đỏ gay lao ra phòng chúng tôi, chửi rủa om sòm:
– Đồ đểu, đồ khốn nạn!
– Đến lượt ai? – Người gác cửa kêu to.
– Tôi ạ! – Một phụ nữ còn trẻ, phấn son loè loẹt, nói đoạn bước vào buồng trong. Tôi hỏi một người đang ngồi đợi:
– Họ làm gì trong ấy thế hả ông?
– Chắc họ thử trình độ!
Thế là tôi hối hả ôn lại trong trí nhớ tất cả những gì người ta dạy tôi ở trường học. Cứ dựa vào các dấu hiệu bên ngoài mà xét, thì ở đây là một cơ quan thương mại, như vậy ắt họ phải kiểm tra trình độ toán học. Tôi vội vàng nhẩm lại bảng cửu chương, rồi ôn lại cách tính phần trăm, tính hạ giá…
Bỗng cửa mở tung và người phụ nữ mang đồ trang sức rẻ tiền ban nãy bước ra, mặt đỏ như gấc.
– Quân khốn nạn, đồ vô lương tâm!
Chị ta kêu ầm lên và từ phía trong vọng ra một giọng cười đàn ông khả ố.
– Chả lẽ họ làm nhục chị ấy? – Tôi chợt rùng mình.
Không phải đâu – Người bên cạnh tôi đáp. – Tôi chắc người ta ra một câu hỏi gì hóc búa quá mà chị ta không trả lời được đấy thôi!
– Đến lượt ai nào? – Người gác cửa lại kêu to. Lần này người vào là một thanh niên, chính cái anh chàng vừa nãy nói rằng chị phụ nữ không trả lời được câu hỏi. Trong lúc tôi đang loay hoay ôn lại cách tính phần trăm rắc rối, thì thấy anh ta đã lao vọt ra như một mũi tên, miệng gào lên:
– Mẹ kiếp! Thế mà cũng gọi là công việc!
– Anh chàng này hoá ra lại kém cả đàn bà! – Người ngồi cạnh tôi với giọng chế giễu.
Lúc này sau lưng tôi đã có một dãy người. Người gác cửa vẫn tiếp tục gọi từng người một vào.
Tôi túm lấy áo ông ta, rụt rè hỏi:
– Họ làm gì trong ấy thế hả bác?
– Sát hạch! Ông ta cười khẩy đáp.
Cứ mỗi lần thấy có người từ bên trong lao ra và lớn tiếng chửi rủa, là tôi lại thấy mừng thầm. Vì như thế tôi càng có nhiều hy vọng có công ăn việc làm. Nhưng mừng mà vẫn lo. Vì không biết công việc gì mà họ kiểm tra một cách kỳ lạ như vậy? Giá như chưa đến nỗi đói lắm, thì tôi đã nhổ toẹt vào công việc và bỏ đi quách cho rồi! Hàng người cứ tiến lên rất nhanh. Trước mặt tôi là một ông già xanh rớt như tàu lá. Ở trong phòng bước ra, ông ta mệt lả người, đến nỗi không còn sức mà chửi rủa nữa.
– Họ làm gì trong ấy thế hả bố? – Tôi tò mò hỏi.
Ông ta khoát tay bảo:
– Không phải hỏi. Cứ vào trong ấy khắc biết.
Người gác cửa hỏi to đến lượt ai. Tôi im lặng.
Người xếp hàng sau tôi bảo:
– Đến lượt anh đấy.
– Ông vào trước đi. Tôi không vội lắm. – Tôi nói vậy, nhưng bị ông ta phản đối.
– Không được! Phải có trật tự chứ! Tôi chưa đến lượt, tôi không vào.
Đồ con lợn! Giá đây là xếp hàng đi xe điện hay xe buýt, thì có lẽ hắn chả tử tế như vậy mà huých bật tôi ra khỏi hàng từ lâu rồi.
– Mời ông cứ vào trước đi?
– Không, không! Anh phải vào trước chứ!
Người gốc cổng huých vào lưng tôi đẩy vào. Tôi nghe thấy cửa đóng sập lại sau lưng.
– Ôi lạy Chúa! – Tôi thầm khấn – Xin ngài che chở cho con. Nếu đúng là sát hạch hay kiểm tra gì thì xin ngài hãy giúp con vượt qua tất cả, để con có thể kiếm được việc làm.
Không hiểu vì đói hay vì sợ, tôi bỗng thấy mặt mày sa sẩm.
Căn buồng mà tôi bước vào bày biện như một văn phòng. Những người ngồi ở đó đang cười ha hả. Trông người nào cũng to béo, bụng chảy sệ, cằm thì hai ngấn. Thế thì làm gì mà họ không hay cười?
Tôi tiến lại gần một ông ngồi sau chiếc bàn lớn có mặt kính. Ông này chắc hẳn là chủ tịch hội đồng giám khảo.
– Anh có thích đùa không? – Ông ta hỏi.
Tôi đưa mắt quan sát tất cả mọi người có mặt trong phòng. Có chừng mười người tất cả. Nhưng không người nào ăn mặc tồi tàn và trông ốm đói như tôi. Vậy ắt hẳn họ phải là những người thích đùa. Vì thế tôi vội nở ngay một nụ cười đáp:
– Tất nhiên là thích chứ ạ? Chả nhẽ trên đời này lại có người không thích đùa hay sao?
– Tốt lắm. Thế nghĩa là anh r.â.ấ.t thích đùa? – Ông ta kéo dài giọng – Vậy thì anh hãy ngồi xuống chiếc ghế xa lông này!
Chân tôi lúc bấy giờ đã mỏi lắm, chỉ muốn khuỵu ngay xuống, nhưng vì sợ thất lễ nên tôi không dám ngồi.
– Dạ, thưa ngài, tôi đứng cũng được ạ.
– Không, không được! Anh vừa nói là thích đùa cơ mà! Thế cứ ngồi xuống!
Từ chối nữa e không tiện, tôi đành cảm ơn rồi rón rén ngồi xuống ghế.
– Không, ngồi vào đây, vào chiếc xa lông này cơ!
Tôi lại đứng dậy và ngồi sang chiếc xa lông.
– Thế, phải rồi! Tất cả những người mà anh thấy đang ngồi đều là những người thích đùa. – Viên chủ tịch giám khảo nói.
– Thưa ngài, thế thì hay quá! Gì chứ đùa thì tôi mê lắm ạ!
Thế là họ bắt đầu hỏi tôi đủ mọi chuyện. Tôi đáp lại họ bằng những câu ngắn gọn và lễ phép. Bỗng tôi cảm thấy cái ghế ngồi bắt đầu nóng lên, mỗi lúc một nóng hơn. Tôi thấy mình như một cái hạt dẻ bị rang trên chảo nóng. Lạy thánh Ala!… Hay là tôi lên cơn sốt chăng? Nhưng nếu sốt, thì cái nóng phải tập trung ở đầu, chứ không thể ở chỗ nào khác. Tôi bắt đầu nhăn nhó, oằn oại trên ghế. Thấy vậy mọi người phá lên cười. Thì họ là những người thích đùa mà lại, và điệu bộ tôi lúc ấy chắc phải tức cười lắm. Tôi cảm thấy như ngọn lửa đã cháy vào tận ruột gan nhưng nhìn thấy họ cười, tôi cũng bất đắc dĩ phải nở một nụ cười gượng gạo.
– Anh làm sao thế? Trong người khó chịu à? – Họ hỏi tôi.
Nếu tôi trả lời là bị ốm, thì tất nhiên đời nào họ còn lấy tôi vào làm nữa. Vì thế tôi phải nói:
– Đâu có ạ! Tôi khoẻ như trâu ấy chứ ạ!
– Thế tại sao anh cứ oằn oại thế?
Rồi họ lại nhìn tôi cười rũ ra.
– Xin lỗi, tội bị bệnh rò hậu môn, – tôi tìm cách nói dối như vậy, – xin các ngài cho phép tôi được đứng!
Nói đoạn, tôi đứng dậy, lau mồ hôi trán. Tôi đã toan hét to vào mặt họ: ”Làm gì mà các ông cười rống lên như vậy”, nhưng chợt nhớ ra họ là những người thích đùa, nói thế chỉ tổ bị đuổi thẳng ra ngoài, nên tôi lại thôi.
Vị ngồi sau bàn lại rung chuông gọi người gác cửa và bảo:
– Mang nước chè vào cho ông này!
Tôi nghe nói mà mát cả ruột. Như vậy là họ đã thích tôi. Nhưng cơn đói làm bụng tôi cồn cào. Chà, cái lũ giun chết tiệt ấy nó hành hạ tôi! Người gác cửa mang vào cho tôi một tách nước trà. Nhưng tôi chưa kịp thả hai miếng đường vào, thì nước trong cốc bỗng nhiên sủi bọt và trào ra ướt hết cả tay. Mọi người lại được một trận cười no bụng. Mà kể ra nhìn cái bộ dạng ngây độn của tôi lúc ấy thì ai mà nhịn được cười cho được!
Một vị trong ban giám khảo cố nhịn cười và bảo tôi:
– Anh hãy mở cánh cửa kia ra. Ở trên cái bàn phía sau cửa ấy có một cái gậy. Anh hãy cầm cái gậy ấy lại đây!
Tôi làm theo lệnh của ông ta, nhưng không thấy cái gậy nào cả.
– Thưa ngài, trên bàn không có gì ạ! – Tôi bối rối nói.
– À đây rồi, người ta lại gọi tôi lại. Rồi một viên giám khảo khác tiếp tục thẩm vấn tôi. Nhưng thật là tai hại, tôi bỗng lên cơn hắt xì hơi và không tài nào trả lời được. Đúng là hoạ vô đơn chí.
– Anh tên là gì?
– Tôi… hắt… hắt xì hơi? Tôi… tôi… tôi… hắt… hắt… xì. Tôi tên là… Ac… mét, xì hơi!
“Mình bị làm sao thế này?”. Tôi lo lắng tự hỏi.
Lần đầu tiên trong suốt bốn mươi năm, hy vọng có được việc làm vừa chợt loé lên, thì ác thay, cái ghế ngồi bỗng nóng rực lên, rồi nước chè tràn ra khỏi cốc rồi lại hắt xì hơi!
– Bốn… bốn… bốn… hắt xì... hơi. Bốn mươi… hắt… xì hơi… mốt…
Mọi người lại cười rộ lên. Cuối cùng, một vị trong ban giám khảo nói.
– Đằng kia có cái vòi nước kia kìa! Anh ra rửa mặt đi!
Tôi ra rửa mặt và cảm thấy dễ chịu hơn, không hắt xì hơi nữa, nhưng không hiểu sao nước mắt tôi bỗng chảy ràn rụa như suối. Hay là tại đói chăng? Tôi bắt đầu khóc nức nở như một thằng hề vậy. Thôi, thế là đi tong! Chưa hết hắt xì hơi đã lại bắt đầu chảy nước mắt thế này, thì còn ai người ta nhận vào làm nữa!
– Tại sao anh lại khóc?
– Ai? Tôi ấy ạ? Dạ, tôi cũng không biết tại sao nữa? Chắc tại tôi nhớ đến bà mẹ tôi đã mất…
Thế là mọi người lại lăn ra cười. Còn tôi thì cứ thút tha thút thít như đứa trẻ. Một vị giám khảo khác lấy trong túi ra một lọ nước hoa đưa cho tôi và bảo:
– Anh hít lấy một tý nước hoa này cho nó dễ chịu!
Tôi nhỏ mấy giọt nước hoa vào lòng bàn tay rồi đưa lên mũi hít. Thứ nước hoa đúng là đặc biệt thật. Vừa hít vào đã thấy dễ chịu ngay. Nhưng… ơ kìa! Tôi lại bị làm sao nữa thế này? Ấc… ấc. Chết cha rồi! Tôi lên cơn nấc? Thôi, lần này thì mới thật là hết nhé! Này… người ta sắp tống cổ tôi đi này!
– Trước đấy anh làm nghề gì?
– Dạ… ấc… ấc! Trước đây… ấc! Tôi làm… ấc! Nghề đánh… ấc? Giầy… ấc!…
– Thôi lạy Chúa, xin anh đừng nói nữa! Anh hãy mở cái tủ này ra!
Tôi vừa mở cánh cửa tủ thì bỗng… ầm một cái như tiếng đại bác. Hết hồn, tôi ngã bệt xuống đất. Thôi đến nước này thì còn hy vọng gì công việc nữa, tôi nghĩ thầm, không khéo mình còn phạm tội giết người nữa là đằng khác! Vì có khi họ bị vỡ bụng ra vì cười.
Bỗng tôi thấy một ông to béo thổi tung bụi ở bàn. Rồi một lát sau tôi cảm thấy ngứa không chịu được.
– Tại sao anh cứ phải gãi thế?
– Dạ, tôi cũng không hiểu tại sao nữa ạ! Tôi mới tắm hôm qua…
– Hay là tôi bị bọ nẹt đốt chăng? Nhưng nếu bọ đốt thì chỉ ngứa một chỗ thôi chứ? Đằng này khắp người tôi chỗ nào cũng ngứa ran.
– Trình độ văn hoá của anh thế nào? – Một ông nhiều tuổi nhất trong ban giám khảo hỏi.
– Dạ, thưa, tôi đã tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp ạ!
Ông ta dí sát tai vào mặt tôi bảo:
– Anh nói to lên, tôi bị nặng tai.
Quả thật tôi thấy một lỗ tai có đeo một cái ống nghe. Tôi hét to, trong khi vẫn ra sức gãi.
– Khoa văn.
– Cái gì?
Tôi lại hét to một lần nữa vào lỗ tai ông ta: “Khoa văn!”. Thế là từ cái ống nghe ở lỗ tai ông ta có một tia nước bắn vọt vào mặt tôi. Quá bất ngờ, tôi lại ngã phịch xuống sàn. Không biết đây là cái chỗ gì vậy nhỉ? Văn phòng quái gì mà lại thế? Hay là tôi rơi vào một cái hang quỉ sứ!
Xung quanh tôi, các vị giám khảo cứ ôm bụng lăn ra mà cười. Họ cười giật từng cơn như bị động kinh. Nhưng rồi cuối cùng, cơn cười cũng chấm dứt. Mọi người nghiêm trang đứng cả dậy.
– Khá lắm! – Một ông trong ban giám khảo khen tôi – Anh đã chịu được tất cả các cuộc thí nghiệm. Chúng tôi đã thử đến bốn chục người, nhưng không ai chịu được đến phút cuối cùng. Thậm chí có người mới vừa sau thí nghiệm thứ nhất đã bỏ chạy.
– Thưa ngài, tôi chưa hiểu. Ngài bảo tôi chịu được những cuộc thí nghiệm gì cơ ạ?
– À chả là thế này, ở Mỹ có một hãng chuyên sản xuất các thứ hàng đặc biệt. Họ gọi đó là những món hàng “biết đùa”, vì chúng có thể làm cho người ta cười. Hãng này có gửi cho chúng tôi một số hàng mẫu và đề nghị chúng tôi cùng kinh doanh.
– Vâng, thế thì sao ạ?
– À, nhưng vì một số thứ hàng có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm, nên chúng tôi quyết định phải thử trước…
Rồi họ quay sang bàn bạc với nhau:
– Nghe đâu ở bên Mỹ có đến hơn một vạn cửa hàng bán các thứ hàng này…
– Phải đấy! Riêng tiền xuất khẩu các thứ hàng này nghe nói cũng đã lên tới trên 20 triệu đôla cơ đấy?
– Họ có giới thiệu cho ta hơn 50 mặt hàng.
– Ta phải ký hợp đồng với họ ngay đi. Cái món hàng này hời đấy! Vì dân ta cũng ham đùa lắm, gì chứ món hàng này của Mỹ dứt khoát là họ phải đổ xô vào mua.
Vị nhiều tuổi nhất trong, đám nói với viên thư ký:
– Ông viết đi: Hai nghìn đệm ghế phát nhiệt, hai vạn hộp bột ngứa, năm trăm hòm nước hoà nấc, năm nghìn tá máy điếc bắn nước, hai vạn chai nước làm chảy nước mắt, năm tấn đường gây cười, ba vạn hộp phát tiếng nổ. Ông nhớ bảo họ gửi ngay cho ta tất cả các thứ đó nhé!
Tôi hiểu rằng như thế là tôi đã được nhận vào làm, nhưng không hiểu sẽ phải làm gì? Mọi người vẫn say sưa thảo luận nên chẳng còn ai nhớ đến tôi. Thấy vậy, tôi mới lên tiếng hỏi vị chủ tịch giám khảo:
– Thưa ngài, tôi có được nhận vào làm không ạ?
– Được – ông ta đáp, – anh tỏ ra là người có sức chịu đựng khá nhất trong số những người mà chúng tôi đã thử.
Đoạn ông ta quay sang bảo viên thư ký:
– Ông nói với ông thủ quỹ trả cho ông này 2 lia rưỡi. Rồi lại quay sang phía tôi nói tiếp:
– Công ty của chúng tôi mỗi tháng sẽ nhận được của hãng sản xuất hàng gây cười ở bên Mỹ tất cả những mặt hàng mới. Vậy cứ ngày mồng 5 mỗi tháng anh hãy đến đây để chúng tôi thử các mặt hàng mới nhận được. Anh sẽ được anh 2 lia rưỡi một tháng. Anh nhớ là cứ vào mồng 5 đầu tháng nhé!
– Ha ha ha!… Ha ha ha!… Đột nhiên tôi ôm bụng cười vang. Vị chủ tịch giám khảo cũng mỉm cười nhìn tôi:
– Ồ, té ra anh cũng là người biết đùa đấy nhỉ?
Tuy đã lả người đi vì đói, nhưng tôi vẫn cố thu nốt chút sức tàn, thoi một quả đấm vào giữa mũi lão chủ tịch. Lão ta bị một cú đấm trời giáng, ngã quay xuống đất.
– Xin các vị cứ coi như là tôi đùa. – Tôi bảo họ thế.
– Đùa kiểu du côn thế à?
– Các vị thứ lỗi cho, nhưng có 2 lia rưỡi một tháng thì bọn dân đen chúng tôi đâu có thể mua nổi những món hàng biết đùa của các ngài được! Nên chúng tôi phải đùa theo kiểu của chúng tôi vậy!
Nói đoạn, tôi đóng sập cửa, bỏ về.
Thái Hà dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét