Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Cả Tàu Không Ăn Cỏ - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

                             (hình minh hoạ)

Đầu tháng Mười Một, thời tiết North Dakota chớm vào cuối thu, trời lạnh về đêm, và sáng sớm sương mai đóng băng trên những lá cỏ vàng úa. Trong vòng một tuần, đợt người tỵ nạn cuối cùng gồm hơn hai chục gia đình người Việt, ba gia đình người Miên, và hai gia đình người Lào từ trại tỵ nạn Đồn Chaffee lục tục kéo về Bismarck và xuất hiện trong các khu nhà apartment ở vùng phía nam thành phố. Họ là những người còn lại trong Đồn Chaffee khi chính phủ tiến hành việc đóng cửa trại trước khi mùa đông bắt đầu và được chuyển về đây vì North Dakota là một tiểu bang có mức thất nghiệp thấp nhất trên toàn quốc.
<!>
Cơ quan thiện nguyện Hội đồng Công giáo Hoa kỳ (USCC) và tiểu bang North Dakota hợp tác để định cư đợt “vét trại” này. USCC là đại diện chính thức của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong lãnh vực di trú, nhập cư, và tỵ nạn, và do đó tòa Giám mục Giáo phận Bismarck là cơ quan bảo trợ chính thức của họ. Cha Thomas Somers, một phụ tá cha xứ ở thành phố Mandan kế cận, được cử làm trưởng ban định cư của giáo phận. Mandan và Bismarck chỉ cách nhau bảy dặm Anh và được gọi là hai “thành phố sinh đôi.” Tiểu bang thành lập Ủy ban Đặc nhiệm Tỵ nạn Đông dương gồm thống đốc và đại diện các cơ quan chính quyền và dân sự liên hệ để tích cực yểm trợ chương trình định cư. 

USCC trung ương ở Nữu Ước gửi về hai cán sự xã hội là cô Mary và anh Bob để gánh vác công việc. Cả hai đều dưới ba mươi và có kinh nghiệm làm việc với người tỵ nạn ở Phi châu và Trung đông. Ngoài việc lo nhà cửa, ăn uống, thuốc men, và việc làm, hai nhân viên này còn đưa người chưa rành tiếng Anh đi học các lớp Anh ngữ căn bản ở trụ sở tòa giám mục. Buổi sáng, họ chia nhau đến từng gia đình, chở người lớn đi học, đưa trẻ em chưa tới tuổi đến trường tới nhà giữ trẻ, và chiều tan trường đưa tất cả về nhà. Mặc dù gia đình tôi không thuộc USCC, mẹ cũng được cho dự một lớp Anh ngữ đó.

Ông Nielsen mục sư trưởng của nhà thờ Ba ngôi Lutheran bảo trợ gia đình tôi có chân trong Ủy ban Đặc nhiệm. Ủy ban cử ông đến nhà yêu cầu tôi và Quỳnh Châu,

“Trong thời gian đầu, những người mới đến cần người tình nguyện đi thông dịch trong các giao dịch quan trọng. Chúng tôi không thể không nhờ anh chị.”

“Ban ngày cháu thường rảnh rỗi và sẵn lòng giúp,” Quỳnh Châu sốt sắng và nói tiếp, “Nhưng chồng cháu phải đi làm, chỉ rảnh vào buổi tối hay cuối tuần; chắc không cần anh ấy đâu.”

“Thật ra chúng tôi cần cả hai người. Ba Hoa, nếu dân tỵ nạn cần anh trong giờ làm việc, anh có thể rời sở ra đi mà không sợ bị khiển trách,” ông vịn vai tôi.

“Thật vậy sao bác?”

“Tôi điện thoại cho ông tổng giám đốc Công ty Tiện ích Montana-Dakota, ông ta nói châm ngôn của công ty là ‘In the Community to Serve’ (Trong cộng đồng để phục vụ) nên cho phép anh giúp chúng tôi trong những trường hợp khẩn cấp.”

Thế là Quỳnh Châu thành “chuyên viên” xin welfare và food stamps. Welfare là tiền trợ cấp dành cho “gia đình Mỹ có con cần nuôi dưỡng,” và food stamps là phiếu thực phẩm cấp cho người lợi tức kém, ghi trị giá bằng đô-la, và có thể dùng mua thức ăn tại các chợ. Nàng làm công việc này lâu dài và thường xuyên đến nỗi trong mấy năm đầu đời của Bích Mạc con đầu lòng của chúng tôi, thằng bé nhập tâm cho đó là việc làm chính thức của nàng. Ngày Bích Mạc lên ba, bắt đầu học nói, và bắt chước điệu bộ và ngôn ngữ người lớn, khi có người hỏi, “Cu Mạc đi đâu đó?” thằng bé làm bộ xách ví đi lon ton ra cửa và vênh mặt trả lời, “Mạc đi xin food stamps.”

Tôi là “chuyên viên” hòa giải khi cơ quan công lực cần tới. Giữa đêm khuya sở cảnh sát gọi nhờ đi thông dịch khi họ đáp lại các cú điện thoại gọi cầu cứu. Quỳnh Châu thường thức dậy đi với tôi; nàng nói, “Để cho chồng có bạn và bớt buồn ngủ,” nhưng thực ra biết rằng tôi cần tài phân giải khéo léo của nàng. Nếu là ẩu đả trong nhà, tức là chồng uýnh vợ, Quỳnh Châu can ngăn và khuyên nhủ chị vợ trình với cảnh sát cuộc xô xát do hiểu lầm mà ra và không khiếu nại. Tôi thuyết phục anh chồng chịu khó về nhà tôi ngủ một đêm trên ghế xô-pha trong phòng khách, thay vì phòng giam ở bót cảnh sát. Cảnh sát thấy êm chuyện, không tiếp tục điều tra, và ra về sau khi chúc mọi người ngủ ngon.

Nếu là xung đột dính dáng tới một hay hai cựu quân nhân trẻ tuổi háo thắng, chúng tôi đến thẳng bót cảnh sát vì họ đã bị còng tay điệu về đó. Ngày Việt nam, họ là chiến binh hào hùng đánh giặc như điên trên rừng và khi về phố ăn nhậu thả giàn, rượu vào lời ra, ai nói gì chạm tự ái là đòi rút dao lụi liền một khi – cái thói quen dữ dằn sang Mỹ chưa chịu chừa. Đối với luật pháp Hoa kỳ, đánh nhau tay đôi có thể chấp nhận được, nhưng cầm dao (võ khí giết người) là toan sát nhân. May là các chàng hảo hớn cũng biết ngán, vội vàng buông dao khi nghe gọi cảnh sát, và chưa lần nào gây ra đổ máu. Nhưng không dễ dầu gì mà thuyết phục cảnh sát thả ra: Nếu Quỳnh Châu dùng danh xưng giáo sư Đại học Cộng đồng Bismarck mà không thành công, tôi phải gọi Mục sư Nielsen đánh thức ông dậy đến can thiệp.

Cuối tuần tôi và Quỳnh Châu được đền ơn, mời ăn nhậu, và khoản đãi những món ăn khoái khẩu và mắt tiền nhất như tôm càng nướng, cua Alaska loại lớn hấp, hay thịt bít-tết hảo hạng chiên bên ngoài cháy mà giữa còn sống. Chủ nhân dùng food stamps để mua những thức ăn này. Tôi không khỏi nghĩ tới giai thoại về người thụ nhận welfare và food stamps mà mấy người bạn Mỹ kể lại: Hàng đêm vào khoảng hai giờ sáng, khi phần lớn mọi người ngủ để lấy sức sáng mai đi làm, xe hơi sang như Cadillac và Mercedes tấp nập ra vào bãi đậu xe của siêu thị. Từ trên xe (chắc hẳn do người khác đứng tên), các tay ăn welfare bước xuống vào siêu thị dùng food stamps mua đồ ăn xa xí người Mỹ trung lưu ít ai dám rớ, chất đầy xe đẩy. Quỳnh Châu lắc đầu không bằng lòng,

“Anh nhớ rằng đây là bạn tỵ nạn nghèo khó dùng food stamps tức là phần ăn của gia đình con cái họ để mua của ngon vật lạ đãi mình. Chồng đừng nghĩ quấy cho người ta mà tội nghiệp.”

Từ đó tôi chỉ nhận lời mời nếu chủ nhân bằng lòng cho mang bia tới đãi người lớn và nước ngọt hay bánh ngọt làm quà cho trẻ em. Tôi cũng bị cảnh sát gọi đi trong giờ làm việc, thường vào lúc bất ngờ nhất. Một hôm cô thư ký vào phòng họp gọi tôi ngay giữa buổi họp với ông Wally phó tổng giám đốc. Tôi đứng dậy đi ra, sau lưng nghe tiếng ông vừa bực mình vừa hãnh diện,

“Hôm nào tôi phải gửi cho sở Cảnh sát cái hóa đơn mới được.”

Ông dọa đùa sẽ tính tiền thì giờ tôi làm việc cho cảnh sát. Và đó là lần tôi đi giúp anh Tân. Anh là cựu sĩ quan, binh chủng nào không rõ vì anh không tiết lộ thân thế với ai. Chỉ biết anh độc thân, không bà con thân thích, ở Mỹ cũng như ở Việt nam. Anh làm việc cho hãng ráp và chế tạo đồ phụ tùng máy cày, để dành tiền mua chiếc xe Renault hai cửa cũ, và cuối tuần và ngày lễ lái đi chơi xa một mình – đi đâu anh không nói. Chiều nay, anh lái xe ra ngoài đồng ngoài ranh giới thành phố, lấy can xăng tưới ướt nệm xe, ngồi vào ghế tài xế, và châm lửa đốt. Khi tôi tới nơi, nhân viên cứu hỏa vừa dập tắt ngọn lửa, kéo anh ra khỏi xe, và đặt lên băng-ca (tiếng Pháp “brancard” tức là dá để khiêng người bệnh).

Tôi ký giấy tờ nhận là thân nhân của anh Tân; cảnh sát tin như thế vì tôi cùng họ với anh. Sáng hôm sau tờ Bismarck Tribune đăng tin, bạn đồng sự đến đưa thiệp phân ưu kèm theo món tiền phúng điếu nhỏ cho tôi, và ông Wally đích thân xuống chia buồn, ra lệnh cho tôi đi về nhà, và nhắc nhở theo điều lệ của công ty, nhân viên được phép nghỉ hai ngày để dự đám tang của anh chị hay em. Nhưng tôi thà đi làm để tâm trí bận rộn và khỏi nghĩ tới thi hài cháy đen nứt nẻ của kẻ bạc phước.

* * *

Cha Somers trạc tứ tuần, người phốp pháp béo trắng, và hay cười nụ một cách khó hiểu. Thỉnh thoảng, khi một thiếu phụ giàu có trẻ đẹp ở thành phố Mandan bên cạnh mang vật dụng và áo quần tặng các gia đình người Việt, cha đón tôi đi thông dịch. Xong việc cha đưa tôi về ngôi nhà lớn và sang trọng của thiếu phụ, nhà vắng người không có ai ngoài ba chúng tôi. Để tôi ngồi ăn bánh ngọt và uống cà-phê trong phòng khách, hai người lẳng lặng rút lui vào trong. Có lần tôi giả vờ đi tìm phòng vệ sinh và qua cánh cửa phòng ngủ tình cờ mở hé, thấy họ nằm khắng khít thân mật bên nhau. (Sau này, khi biết thái độ xem người Việt như cỏ rác của cha, tôi hiểu ra cha đã dùng tôi làm hình nộm đặt giữa cha và người tình có chồng để mà mắt thế gian.)

Một chiều thứ Sáu, mẹ đi học Anh văn về trễ và tới nhà là gọi tôi và cha ra kể chuyện hồi chiều. Trước đợt vét trại, cha Somers bảo trợ gia đình anh Mục và gửi lên cho một nhà thờ công giáo ở thành phố Williston lo liệu. Williston là vùng mỏ dầu nằm phía tây bắc North Dakota, từ Bismarck lái xe tới mất khoảng bốn tiếng đồng hồ. Vợ chồng anh có ba đứa con, cô bé lớn nhất 15 tuổi, và cậu nhỏ nhất lên sáu. Ba đứa con đã đi học, nhưng anh chị còn thất nghiệp vì việc làm mỏ dầu tuy đầy dẫy và trả lương cao nhưng đòi hỏi phải biết tiếng Anh. Khi nghe tin đợt người mới tới Bismarck được giúp đỡ mọi mặt, anh quyết định rời Williston, đưa gia đình xuống đây, đến văn phòng cha trong trụ sở tòa giám mục, và biểu cô con gái lớn bập bẹ thông dịch để thỉnh cầu cha.

Cha Somers lạnh lùng hỏi,

“Sao các người không ở Williston mà về đây làm gì?”

“Thưa cha, chúng con tiếng tăm không biết, việc vàn không có, bạn bè cũng không, và sống như cấm cung trong nhà. Chúng con nghe nói Bismarck có đông người Việt và có lớp học Anh ngữ, xin cha cho chúng con dời xuống đây,” vợ chồng anh Mục chấp tay khúm núm.

“Tôi lo cho các người xong rồi. Nếu không về lại Williston, các ngươi làm gì tôi không cần biết,” cha từ chối.

Hai vợ chồng năn nỉ lạy lục cách mấy cha Somers cũng không xiêu lòng. Anh Mục đến đường cùng nước bí,

“Xin cha thương một lần cuối và giúp phương tiện cho chúng con đi California, ở đó chúng con có bạn bè giúp đỡ. Sẽ không bao giờ làm phiền cha nữa.”

“Đã nói không là không, tôi hết trách nhiệm rồi,” cha nghiến răng.

“Nếu vậy, chúng con sẽ ngồi tại đây đến khi cha đồng ý giúp, hay cả gia đình năm mạng bỏ xác tại chốn này,” anh cương quyết không kém.

“Các người muốn nằm vạ hay muốn chết thì ra gốc cây ngoài sân mà ngồi. Tôi có việc phải làm.”

Vợ chồng anh Mục và ba đứa con thi gan ngồi lì dưới gốc cây trong sân, nhưng không ai đoái nhìn tới họ. Gần bốn tiếng đồng hồ sau, nhóm đồng hương bãi học ra ngoài trông thấy và hỏi thăm tự sự. Mẹ và các bà khác không cần bàn bạc dài dòng, lẹ làng thu xếp mời gia đình anh Mục về khu nhà apartment ở tạm. Trong hai ngày cuối tuần, cộng đồng Việt nam nhỏ bé nghèo nàn quyên góp đủ tiền mua vé xe đò và tặng lộ phí cho gia đình bị cự tuyệt để sáng thứ Hai họ lên đường xuôi về miền California nắng ấm.

Tối Chủ Nhật, bác Hòa cựu tham vụ ngoại giao đại diện cả nhóm trao cho tôi thư thỉnh nguyện để nhờ Mục sư Nielsen chuyển đạt đến đức Giám mục giáo phận và ông Thống đốc tiểu bang. Thư mang chữ ký tất cả các chủ gia đình USCC bảo trợ, yêu cầu cách chức cha Somers, và nói rõ ngày nào cha còn tại chức thì ngày đó học viên sẽ “bãi khóa” không đến lớp. Hành động của nhóm người thấp cổ bé miệng lột hết ý nghĩa của tình đồng bào, “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.”

Học viên “cúp cua” ở nhà hai ngày. Sáng thứ Tư, cô Mary và anh Bob đến từng nhà thông báo cha Somers đã bị thay thế và đón mọi người đi học trở lại. Tội nghiệp cho cái “tàu ngựa” của chúng tôi: đi tỵ nạn mà lại gặp nhằm ông cha hổ mang!

Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 26 tháng Tám, 2020

 

Không có nhận xét nào: