Khoảng 700 người đã tham dự Chương Trình Lam Phương, Tình Người và Tình Quê tại Schlesinger Concert Hall, Alexandria, Virginia vào chiều Chủ Nhật, 15-10-2017. Điều này cho thấy Nhạc Sĩ Lam Phương vẫn được nhiều người yêu âm nhạc ngưỡng mộ cho dù ông năm nay đã 80. Chương trình kéo dài 4 giờ bao gồm 40 bài do chính Nhạc Sĩ Lam Phương chọn lọc và trao cho 8 ca sĩ trình bầy: Anh Dũng, Diễm Liên, Hà Thanh Xuân, Hồ Hoàng Yến, Mạnh Quỳnh, Ngọc Hạ, Thanh Tuyền, và Thế Sơn. Ban nhạc Hoàng Thi Thi từ bên California qua. Âm thanh: Kỹ Sư Việt Anh. MC là Ô. Hoàng Vi Kha. Giới thiệu chương trình: Ô. Đào Trường Phúc và Nguyễn Thu Thủy. Ông bầu của chương trình là BS Nguyễn Tấn Phước, cháu của Nhạc Sĩ Lam Phương. Lâu lắm vùng thủ đô Hoa Kỳ mới có một chương trình ca nhạc Việt Nam khá vĩ đại và đặc biệt như thế này.
<!>Một số bài nổi tiếng của Lam Phương đã được trình diễn gồm có Khúc Ca Ngày Mùa, Đoàn Người Lữ Thứ, Chiều Thu Ấy, Đèn Khua, Thu Sầu, Tình Bơ Vơ, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Phút Cuối, Em Là Tất Cả, Mưa Lệ, Thiên Đàng Ái Ân, Em Đi Rồi, Một Mình, Tình Đẹp Như Mơ, Bài Tango Cho Em, Xót Xa, Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Hạnh Phúc Mang Theo.
Nhạc hay, hát hay, âm thanh hay. Nói chung là buổi trình diễn 68 Năm Âm Nhạc Lam Phương thành công mỹ mãn. Đây là một món quà vô giá mà gia đình của Nhạc Sĩ Lam Phương, nhóm Nhà Việt Nam / Tinh Hoa Nước Việt và khán thính giả miền Đông Hoa Kỳ đã dành cho ông.
Dưới đây là bài giới thiệu Nhạc Sĩ Lam Phương của LS Phạm Đức Tiến. Hình ảnh là của Nguyễn Quốc Khải. Chúng tôi rất tiếc là không được phép xử dụng đèn chớp khi chụp hình trên sân khấu. Do đó, một số hình ảnh trong thính đường không được rõ.
oo0oo
Chiều nay chúng ta chào đón một nghệ sĩ đã có một quá trình đóng góp to lớn vào nền âm nhạc Việt Nam. Đóng góp của ông không những nhiều về lượng, mà phong phú cả về phẩm; không những chỉ là tình ca mà cả về tình quê hương, cũng như về nỗi niềm chiến tranh lẫn nỗi niềm lưu vong.
Nhạc sĩ Lam Phương hôm nay đã tới vùng Hoa Thịnh Đốn với chúng ta khi mùa lá vàng rực rỡ đang khởi đầu cho một mùa đẹp nhất của vùng này: mùa thu. Mùa thu đúng là mùa của âm nhạc, của thi ca.
Thực ra tôi phải dùng chữ nhạc sĩ Lam Phương trở về lại Virgia mới đúng. Vì 42 năm trước đây, khi di tản khỏi quê hương, nhạc sĩ Lam Phương đã chọn Virginia làm nơi định cư đầu tiên. Và mười hai năm trước chúng ta cũng đã có một chương trình nhạc Lam Phương ngay trong hội trường này.
Chính tại Virginia, Lam Phương, từ một nhạc sĩ tài hoa, thành công và giầu có của Saigon, đã thành một người lao động tay chân để kiếm sống. Trong những năm tháng đầu tiên nơi quê người với những khó khăn tưởng như tuyệt vọng, nguồn cảm hứng của nhạc sĩ trở nên khô cạn. Trong thời gian đó ông không nghĩ một ngày nào đó ông có thể soạn nhạc lại.
Vây mà chỉ vài năm sau nguồn hứng khởi đã trở lại. Dòng nhạc mới của ông lại xuất hiện với tâm sự cũa một người di tản buồn. Buồn trong tình cảm, buồn trong cô đơn, buồn trong cay đắng lưu vong. Và nhạc của ông đã được đón tiếp nồng nhiệt. Nồng nhiệt như với những bài nhạc ông sáng tác mấy chục năm trước khi còn trong nước.
Từ khi sống ở hải ngoại, ông sáng tác nhiều bài với những âm hưởng mới, mang dấu vết nhạc cổ điển Tây Phương, nhưng tất cả đều chứa đựng tâm sự của một người lưu vong, chứa chất sầu đau của những người bị bật rễ ra khỏi quê hương.
Nhạc của ông được đón tiếp nồng nhiệt cũng vì nó đã cất lên chính tâm trạng của những người lưu vong như chúng ta.
Sinh năm 1937 tại Rạch Giá, nhạc sĩ Lam Phương đã lên Saigon học, và ông sáng tác ca khúc đầu tay “Chiều Thu Ấy” khi mới 15 tuổi. Ông đã tự in, và tự thuê xe chở đi bán khắp Saigon. Ba năm sau thì mọi người đều nhắc tới tên Lam Phương với hai sáng tác “Kiếp Nghèo”, và “Khúc Ca Ngày Mùa”. Từ đó tên tuổi ông gắn liền với nền âm nhạc miền Nam.
Những tác giả lớn luôn mang theo sứ mạng của một người sáng tác; đó là mỗi tác phẩm phải phản ảnh kỷ nguyên của mình, và phải chia sẻ tâm trạng của những người sống cùng thời mình, những người chịu chung biến cố lịch sử với mình.
Lam Phương đã là một trong những tác giả đó. Ông trải lòng mình theo chiều dài lịch sử. Nhạc của ông đã chuyên chở những tâm tình, vui buồn của thời đại ông sống. Ông không chỉ là chứng nhân, ông là một phần của lịch sử, thực sự dấn thân vào những thăng trầm của thời đại mình.
Khi đất nước chia đôi năm 1954 ông đã ghi lại tâm sự người di cư với “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, “Sầu Ly Hương”.
Rồi khi miền Nam đang hưởng thanh bình, chúng ta có niềm vui rộn ràng trong “ Nắng Đep Miền Nam”, “Khúc Ca Ngày Mùa”, “Trăng Thanh Bình”, cùng bao tâm sự được ông đưa vào ca khúc làm say mê bao thế hệ như “Ngày Tạm Biệt”, Kiếp Nghèo”, “Duyên Kiếp”
Khi chiến tranh mở rộng, những thanh niên của thời ông đều lên đường nhập ngũ, Lam Phương cũng theo dòng lịch sử, gia nhập quân đội, chia sẻ tâm tình với những người cầm súng qua bao nhiêu ca khúc về chiến tranh như “Biết Đến Bao Giờ”, “Chiều Hành Quân”, “Tình Anh Lính Chiến”
Rồi biến cố 75 đưa bao người phiêu bạt khắp thế giới. Mang cùng tâm sự của người lưu vong Lam Phương đã lại ghi lại những cay đắng, buồn vui qua những ca khúc mới như : “Người Di Tản Buồn”, “Lầm”, “Say”, “Bài Tango Cho Em”, “Cho Em Quên Tuổi Ngọc”,
Có thể nói người ta đọc được lịch sử Miền Nam qua từng thời kỳ, từ 1954 tới 1975, với nhạc Lam Phương.
Nhạc của ông đã chuyên chở những tâm tư khác nhau của con người, để người nghe thấy như chuyện chính mình. Đó là nỗi nhớ xa vời, đó là những cuộc tình đã quên, những chia tay chất ngất, những hồi tưởng ngậm ngùi
Nhạc của ông cũng đã chứa đựng những hình ảnh gần gũi với tâm hồn con người để người nghe thấy như hình ảnh của chính mình. Đó là hình ảnh của đêm trăng, của biển vắng, của cao nguyên, của lúa vàng, của chiều mưa.
Nhưng có lẽ cõi nhạc lớn nhất của Lam Phương vẫn là cõi nhạc tình. Lồng trong tâm tình thời đại là tâm tình của chính ông. Mỗi khi có một mối tình đi qua đời ông, chúng ta lại được nghe vài bản nhạc mang dấu vết cuộc đam mê, hay niềm hạnh phúc, hoặc nỗi đắng cay, chua xót của cuộc tình đó.
Qua mối tình đầu với Bạch Yến, Lam Phương đã cho ra đời “Chờ Người”, “Thu sầu”, “Tình Chết Theo Mùa Đông”. Rồi sau mối tình với ca sĩ Minh Hiếu ông có ““Thao Thức Vì Em”, “Biển Tình”. Khi cuộc tình với nghệ sĩ Hạnh Dung tan vỡ ông có “Giọt Lệ Sầu”, “Thành Phố Buồn” Với người vợ Túy Hồng khi đang nồng ấm ông có “Ngày Hanh Phúc”, và khi chia tay trong đắng cay có ca khúc “Lầm”. Vài năm sau, khi tìm lại được niềm vui mới với ca sĩ Cẩm Hường bên Paris chúng ta được nghe “Bài Tango Cho Em”, “Mùa Thu Yêu Đương”.
Tất cả đều là những tình khúc đầy đam mê và lãng mạn, chen lẫn với xót xa và cay đắng. Lam Phương đã tâm sự với chúng ta bằng những dòng nhạc của ông, một cách chân thật và đôn hậu.
Chính những tình khúc đã đưa Lam Phương vào hàng đầu của nền âm nhạc trữ tìnhViệt Nam. Giai điệu trong nhạc của ông không cầu kỳ, lời nhạc của ông không bóng bẩy. Nó như phát ra từ trái tim chân thật. Đó là điều làm cho nhạc Lam Phương gần gũi với mọi người. Và đó là điều làm ông thành một trong những nhạc sỉ đươc nhiều người nghe nhất.
Có thể nói không sai là nhạc sĩ Lam Phương là đại biểu lớn của âm nhạc Miền Nam từ sau khi đất nước chia đôi năm 54 tới năm 75. Nhạc của ông là nhạc của đại chúng. Bình dị, chân phương, nhưng cũng rất tha thiết giống như đặc tính của người miền Nam.
Chiều nay chúng ta sẽ có dịp nghe lại dòng nhạc của Lam Phương, từ những ngày khởi đầu, qua những biến cố quê hương, cho tới những năm tháng lưu vong.
Chúng ta sẽ nghe lại tâm sự của một nhạc sĩ đã sống một đời với âm nhạc, đã thở cùng nhịp thở của miền Nam để chúng ta tìm thấy lại chính tâm sự chúng ta trong đó.
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 80 của ông, xin cám ơn những đóng góp lớn lao của nhạc sĩ Lam Phương vào kho tàng âm nhạc Việt. Xin cám ơn nhạc sĩ đã chia sẻ tâm sự với chúng ta, đã cho nguời thưởng ngoạn những cảm xúc chân thật, và cho người nghe thấy được tâm sự của chính mình qua những dòng nhạc của ông.
Với một di sản âm nhạc đồ sộ, Lam Phương thật xứng đáng có một chỗ ngồi riêng biệt trên chiếu hoa của nền âm nhạc Viêt Nam cận đại.
LS Phạm Đức Tiến, 15-10-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét