Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. (Hình: zdgrupp)
Theo AP, ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, bị cáo buộc làm thất thoát khoảng $150 triệu đô trong thời gian tại chức.
Ông Thanh bị Bộ Công An Việt Nam truy nã quốc tế từ Tháng Chín năm ngoái.
Hôm Thứ Hai, Bộ Công An nói rằng ông "đầu thú" tại Hà Nội sau một thời gian bỏ trốn. Tuy nhiên, chính quyền Đức bây giờ nói rằng ông Thanh bị bắt cóc.
Đức cũng cho biết ông Thanh từng xin tỵ nạn, nhưng đơn của ông chưa được duyệt xét, và phía Việt Nam đòi Đức trục xuất ông.
"Không còn gì có thể nghi ngờ là tình báo và tòa đại sứ Việt Nam có tham dự trong vụ bắt cóc công dân Việt Nam tại Berlin", ông Martin Schaefer, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đức, nói với báo giới.
Trịnh Xuân Thanh đứng chụp hình phía sau một chuyến xe buýt chứng minh ông ta đang ở Âu Châu hồi Tháng Mười Một 2016. (Hình: Bùi Thanh Hiếu Blogspot)
Hôm Thứ Ba, đại sứ Việt Nam tại Đức bị triệu đến Bộ Ngoại Giao, và Đức yêu cầu Việt Nam giao trả ông Thanh lại cho họ để có thể duyệt xét yêu cầu tỵ nạn của ông một cách đúng đắn.
Ông Schaefer nói rằng các giới chức Đức và Việt Nam có thảo luận với nhau bên lề cuộc họp thượng đỉnh G-20, về yêu cầu của Hà Nội, muốn dẫn độ ông Thanh về nước.
Đức tuyên bố tùy viên an ninh tại tòa đại sứ Việt Nam ở Berlin là "người không được chấp thuận"(persona non grata) và yêu cầu người này phải rời Đức trong 48 giờ, ông Schaefer nói.
Theo dữ liệu của báo chí địa phương, ngày 23 tháng Bảy nhóm nam giới có vũ trang đã bắt cóc người đàn ông 51 tuổi trong công viên Tiergarten ở trung tâm thủ đô Đức. Các nhân chứng thông báo rằng họ đã nhìn thấy ông này bị ấn vào một chiếc xe và đưa đi hướng nào không rõ. Vào ngày thứ Hai, người bị bắt cóc đã ở Hà Nội.
Cảnh sát CHLB Đức đã khởi tố hình sự về vụ việc tình nghi dùng vũ lực bắt cóc người. Như ông Schaefer giải thích, nhân vật bị bắt cóc ở đây nguyên là một cựu lãnh đạo tập đoàn Nhà nước Việt Nam — Petro Vietnam Construction Corporation.
"Chúng tôi có quyền đưa ra thêm biện pháp nếu cần, có liên quan đến các chính sách chính trị, kinh tế và phát triển", ông nói thêm.
Các công tố viên ở Berlin cho biết họ không thể đưa ra ý kiến vụ này, ngoại trừ xác nhận là đang có một cuộc điều tra.
Điện thoại gọi đến tòa đại sứ Việt Nam không có ai trả lời.
Ông Thanh từng làm chủ tịch Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam cho tới năm 2013, rồi sau đó được "luân chuyển" về làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang,
Tháng Năm năm 2016, ông được bầu làm đại biểu Quốc Hội, nhưng bị loại sau đó.
Trong thời gian qua, đảng Cộng Sản Việt Nam cho biết đang mở chiến dịch chống tham nhũng.
Về vụ bắt cóc, ông Schaefer nói thêm, "là một chuyện chưa có tiền lệ và vi phạm nghiêm trong luật pháp Đức và quốc tế" và "có thể có ảnh hưởng xấu rất lớn đối với quan hệ hai nước".
Theo nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét