Mỹ đang ‘tích cực cứu xét’ bán vũ khí phòng vệ sát thương cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết trong chuyến thăm Ukraine rằng chính quyền Trump đang "tích cực cứu xét" liệu có nên cung cấp vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho quốc gia Đông Âu bị chiến tranh tàn phá này hay không.<!>
Khi được hỏi liệu Nga có coi hành động này là một mối đe dọa hay không, ông Mattis trả lời, "Vũ khí phòng vệ không khiêu khích trừ phi bạn là kẻ gây hấn."
Chính quyền Mỹ trước đây giữ quan điểm rằng bán vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho Ukraine sẽ khiêu khách Nga một cách không cần thiết, nhưng các quan chức chính quyền Trump đã mở lại quá trình cứu xét kế hoạch trước đây bị bác bỏ.
Trong một cuộc họp báo chung với ông Mattis sau cuộc hội đàm hôm thứ Năm, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không trả lời thẳng khi được hỏi về thời biểu cho bất kỳ vụ chuyển giao vũ khí nào, nhưng lưu ý rằng vũ khí phòng vệ "sẽ gia tăng sự tổn hại nếu Nga quyết định tấn công quân đội của tôi và lãnh thổ của tôi."
Khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với Ukraine trong khi ở Kiev, ông Mattis nói rằng Washington không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ông nói thêm rằng Nga đang "tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực" và do đó, các biện pháp chế tài của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn giữ nguyên cho đến khi Moscow thay đổi hành vi của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm đất nước này một ngày trước khi một thỏa thuận ngưng bắn dự kiến ở phía đông Ukraine được thực thi trùng với thời điểm bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên ông Mattis nói rằng Nga hiện không "tôn trọng ngôn từ chứ chưa nói đến tinh thần" của những cam kết trong Thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, cũng như những thỏa thuận khác mà nước này đã ủng hộ.
"Mỹ và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép để Nga tôn trọng các cam kết Minsk của nước này và các biện pháp trừng phạt của chúng tôi sẽ vẫn được duy trì cho đến khi Moscow đảo ngược các hành động kích hoạt chúng," ông Mattis nói. "Như Tổng thống Trump đã nói rõ, Hoa Kỳ vẫn theo đuổi nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine." - VOA
|
2.
Kyodo: Nhật Bản theo chân Mỹ đóng băng tài sản công ty Trung Quốc
Nhật Bản đã quyết định theo chân Mỹ gây áp lực nhiều hơn lên Bắc Triều Tiên bằng việc áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương mới lên sáu công ty và hai cá nhân từ Trung Quốc và Namibia, hãng tin Kyodo của Nhật Bản loan tin dẫn một nguồn tin chính phủ.
Các biện pháp chế tài mới được thiết kế để phong tỏa tài sản của những người và những công ty bị cho là có tham gia trong việc hỗ trợ Bình Nhưỡng xuất khẩu than đá và đưa nhân công ra nước ngoài, dường như nhằm mục đích hạn chế dòng tiền đổ vào quốc gia đã phát triển các chương trình hạt nhân và phi đạn vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Kyodo nói.
Tuy nhiên, hành động mới nhất của Nhật Bản có thể sẽ vấp phải chỉ trích của Trung Quốc, nước vốn phản đối bất kỳ nước nào áp đặt chế tài đơn phương ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là những chế tài nhắm mục tiêu vào các công ty và cá nhân Trung Quốc, theo Kyodo.
Nguồn tin của Kyodo cho biết nội các của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt mới vào ngày thứ Sáu.
Hôm thứ Ba, chính quyền Mỹ cho biết họ đã mở rộng danh sách chế tài của mình để bao gồm các thực thể và cá nhân Trung Quốc và Nga vì hỗ trợ Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí.
Hành động này diễn ra sau khi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được thông qua trong tháng này sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hai phi đạn đạn đạo liên lục địa đầu tiên vào tháng 7. - VOA
3.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak thăm Mỹ vào tháng tới
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tiếp Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Tòa Bạch Ốc vào tháng tới.
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư 23/8 đã ra thông báo về chuyến thăm này nói rằng ông Trump mong muốn thảo luận về việc tăng cường quan hệ với "một trong những đối tác thân cận của Mỹ ở Đông Nam Á."
Bộ Ngoại giao Malaysia nói rằng các nhà lãnh đạo sẽ bàn về vấn đề an ninh quốc gia, chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, và vấn đề thương mại.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Malaysia ấm lên sau khi ông Najib và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên nắm quyền vào năm 2009. Ông Obama vào năm 2014 đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Hoa Kỳ thăm Malaysia trong suốt hơn 50 năm.
Nhưng một vụ tham nhũng gây tai tiếng liên quan đến một quỹ đầu tư nhà nước do ông Najib thành lập đã gây ra những căng thẳng giữa Malaysia với Hoa Kỳ và các nước điều tra cáo buộc biển thủ và rửa tiền trong vụ này.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tìm cách phong tỏa 1,7 tỷ đôla tài sản có liên quan đến vụ điều tra này.
Ông Najib đã từ chối bất kỳ hành động sai trái nào. - VOA
4.
Trung Quốc tăng cường tấn công mạng chính phủ Việt Nam
Một nhóm hacker của chính phủ Trung Quốc đã tấn công các quan chức chính phủ Việt Nam qua mạng để giành lợi thế trong các thương thảo về thương mại sắp tới.
Báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye gửi cho VOA hôm 24/8 phát hiện ra hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính phủ Việt Nam bằng các email giả mạo liên quan đến các chủ đề kinh tế của ASEAN và APEC nhằm lấy thông tin từ người nhận. Dựa trên những tương đồng về hành động thâm nhập mạng trước đây, FireEye khẳng định hoạt động này được tiến hành từ Trung Quốc có liên quan tới nhóm Bolo.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về tình báo mạng của FireEye Fred Plan cho VOA biết do những lý do địa chính trị, đặc biệt khi các vấn đề biển Đông và cạnh tranh kinh tế đang tăng cao, Việt Nam sẽ tiếp tục là mục tiêu của các hacker Trung Quốc.
"Họ dùng phần mềm độc hại 008S Trojan để tấn công tài khoản của các quan chức chính phủ Việt Nam qua các email có gắn kèm các tài liệu về các vấn đề kinh tế của ASEAN cũng như các cuộc họp APEC ở Việt Nam từ đầu năm nay để đánh cắp mật khẩu và thông tin người dùng."
Theo các chuyên gia, Trung Quốc luôn tìm cách theo dõi hệ thống máy tính của các chính phủ nước ngoài. “Họ muốn biết về các đề tài thảo luận của các cuộc thương lượng về thương mại cũng như của các nhà ngoại giao trước khi bước vào thương lượng,” theo Adam Segal, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc và giám đốc chính sách an ninh mạng của trung tâm nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở New York và Washington DC nói với BuzzFeed.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Carl Thayer của học viện Quốc phòng Úc nói “Trung Quốc, cũng giống như nhiều quốc gia khác, không ngại ngần gì về việc ăn trộm hay thâm nhập bất hợp pháp vào các bí mật thương mại của các nước khác.”
Nhà phân tích chính trị và quốc phòng của khu vực nói với VOA rằng đây sẽ là một mối đe dọa thường trực đối với bất kỳ nhà ngoại giao nào của khối ASEAN về cả khía cạnh thương mại và chiến lược chính trị.
Báo cáo của FireEye kết luận rằng hoạt động của hacker Trung Quốc nhằm thu thập thông tin về các chính sách kinh tế thương mại từ quan chức chính phủ Việt Nam để có được lợi thế về chính trị. Sau khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ bể, các hiệp định thương mại tự do được khối ASEAN và APEC hậu thuẫn sẽ trở thành mục tiêu được nhắm đến. Trung Quốc coi Việt Nam là một đối thủ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.
Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp APEC từ đầu năm nay và sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương vào cuối năm nay với sự tham dự của tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc cũng đang vận động sự ủng hộ cho hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP) do họ khởi xướng.
Nhà phân tích Plan của FireEye và giáo sư Thayer đều cho rằng Việt Nam ý thức được mối đe dọa an ninh mạng từ Trung Quốc đặc biệt từ vụ tấn công hệ thống máy tính của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vào tháng 7 năm ngoái, không lâu sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
“Những cuộc tấn công mạng vào các sân bay của Việt Nam năm ngoái chỉ là ví dụ gần đây nhất. Các website chính phủ bị tấn công và làm tê liệt. Chỉ trước đại hội Đảng 12 vào tháng 1/2016, một người Việt Nam đã bị kết án vì cung cấp những thông tin mật cho Trung Quốc,” theo giáo sư Thayer.
Trong con mắt của các cơ quan an ninh Úc và Mỹ, Trung Quốc được coi là một trong những nước hung hăng nhất trong hoạt động gián điệp kinh tế thông qua điệp viên và gián điệp mạng, theo giáo sư Thayer.
Nói với VOA, chuyên gia phân tích Plan của FireEye cho biết hoạt động này đã tăng trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Và mặc dù các hacker Trung Quốc dùng các thủ thuật rất phổ biến là “spear phishing” nhưng chính phủ Việt Nam cần thận trọng và nâng cấp hệ thống máy tính cũng như đào tạo về an ninh tốt hơn cho các quan chức chính phủ. Giáo sư Thayer cũng nhận định rằng trong bối cảnh mạng toàn cầu làm cho việc bảo vệ các bí mật quốc gia khó khăn hơn, không phải quốc gia nào cũng có đủ khả năng luôn cập nhật với các hệ thống an ninh máy tính tốt nhất.
Theo thống kê từ một nghiên cứu cách đây 3 năm của nhóm chống lừa đảo ăn cắp thông tin trên mạng APWC, Trung Quốc đứng sau 85% các cuộc tấn công bằng phương pháp phishing trên toàn cầu. - VOA
5.
Mỹ tiếp tục chế tài Nga cho tới khi Moscow thay đổi hành vi
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 24/8 trong chuyến thăm Ukraina nói rằng Nga đang "tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực" và các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn giữ nguyên cho đến khi chính phủ Moscow thay đổi hành vi của mình.
Ông Mattis phát biểu như vậy khi xuất hiện bên cạnh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau cuộc họp với ông Poroshenko và các nhà lãnh đạo khác ở Kiev.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraina, và nói rằng Washington không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ông cũng cho biết việc đưa vũ khí sát thương tới Ukraina là một điều mà chính quyền Trump rất quan tâm.
Ông Mattis nói: “Chúng tôi trong những tuần qua vừa mới chấp thuận cung cấp thêm một số thiết bị trị giá 175 triệu đôla bao gồm những thiết bị chuyên dụng có thể được sử dụng để phòng vệ cho đất nước, nâng tổng mức viện trợ lên gần 750 triệu đôla trong những năm qua.” Ông cũng nói thêm rằng Mỹ đang tích cực xem xét cung cấp các vũ khí phòng vệ có tính sát thương khác.
Chính quyền Obama trước đó giữ lập trường rằng việc bán vũ khí sát thương cho quốc phòng Ukraina sẽ có thể khiêu khích Nga một cách không cần thiết, nhưng chính quyền Trump đã xem xét lại kế hoạch đã bị từ chối trước đó.
Ông Mattis nói: "Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục hối thúc Nga tôn trọng các cam kết của mình tại Minsk và các biện pháp trừng phạt của chúng tôi vẫn sẽ được duy trì cho tới khi Moscow đảo ngược những hành động của họ. Như Tổng thống Trump đã nói rõ, Hoa Kỳ vẫn cam kết nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraina." - VOA
6.
Doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ Philippines sang Việt Nam
Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Philippines Ho Ik Lee nói rằng các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Philipines đang đóng cửa và chuyển sang Việt Nam, báo PhilStar Global cho biết hôm 23/8.
Ông Lee nói: "Chúng tôi muốn đầu tư ở đây trong lĩnh vực sản xuất, nhưng thật không may, nhiều công ty Hàn Quốc ở đây đang bỏ Philippines và chuyển đến Việt Nam.”
"Khi tôi hỏi tại sao họ lại rời Philippines, họ nói là vì chi phí quá cao. Chi phí cao gần gấp ba lần so với Việt Nam. Chi phí cao hơn đang giết chết ngành sản xuất và đó là lý do tại sao các công ty Hàn Quốc đang chuyển sang Việt Nam," ông Lee nói.
Ông Lee cho biết các công ty Hàn Quốc, chủ yếu là trong các ngành may mặc và điện tử, đã chỉ ra rằng "việc tận dụng lao động giá rẻ không còn hấp dẫn" ở Philippines nữa.
Ông Lee cho biết thêm: "Một trong những lý do tại sao tôi nói rằng chi phí ở đây cao hơn Việt Nam ba lần là do phí cơ sở hạ tầng, bởi vì chi phí vận chuyển và kho bãi ở đây quá cao và chi phí cho chính phủ, Cục Hải quan - BOC, và những thứ phí khác cũng góp phần làm gia tăng giá thành."
Ông Lee chia sẻ: "Một khi họ đầu tư vào đây, họ muốn biết ưu đãi ở đây là gì? Bây giờ họ ra đi. Chúng tôi không yêu cầu mở cửa đất nước của quí vị. Nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu đất nước của quí vị hãy làm tương tự như các nước châu Á khác như Indonesia và Việt Nam."
"Thị trường trong nước thực sự tốt nên các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đầu tư vào đó, không chỉ giới hạn đầu tư trong các khu kinh tế Philippines (PEZA) mà thôi. Nhưng để đầu tư vào thị trường nội địa, các quy định của chính phủ lại quá chặt chẽ và lại có nhiều hạn chế đối với các cổ đông nước ngoài. Hãy tăng thêm ưu đãi," ông nói.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc kêu gọi chính phủ hãy tăng cường nỗ lực để phát triển ngành sản xuất để có thể nâng cao vị thế kinh tế của Philippines. - VOA
7.
Lãnh tụ Kim Jong Un không màng tới ngoại giao
Các nhà phân tích nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un không ngừng tham vọng đưa Bắc Triều Tiên lên thành cường quốc hạt nhân.
Triển vọng thông qua ngoại giao để giải quyết mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn rất mong manh vì lãnh tụ Kim Jong Un dường như không màng tới thỏa hiệp với các đối thủ ở Washington hoặc thậm chí với đồng minh ở Bắc Kinh.
Nhà phân tích chính trị Choi Kang thuộc Viện Asan Institute cho biết: "Ông ấy là người tin tưởng vào chính sách cứng rắn, bởi vì việc hoàn thành chương trình hạt nhân, tên lửa là một trong những yếu tố mạnh nhất để hợp pháp hóa quyền lực, kiểm soát chế độ của ông."
Vào cuối năm 2011, ông Kim Jong Un lên nắm quyền, sau khi cha ông là Kim Jong Il qua đời. Khi ấy xuất hiện những nghi vấn liệu lãnh tụ Bắc Triều Tiên, người được tiếp nhận nền giáo dục phương tây, có thể tự do hóa chế độ chuyên quyền kéo dài ở Bắc Hàn và liệu ông có thể củng cố quyền lực được hay không.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng ông Kim Jong Un đã nâng cao hình ảnh của mình lên như là một lãnh tụ mạnh mẽ bằng cách nối bước cha ông là Kim Jong Il và ông nội của ông là Kim Il Sung, nhà sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên và là người chủ xướng chính sách "byongjin," được giải thích là chính sách quân sự và kinh tế tĩnh hành tiến triển để tăng cường chương trình hạt nhân nhằm chống lại Mỹ, đồng thời cải thiện nền kinh tế.
Giáo sư nghiên cứu Suh Bo-hyuk thuộc Viện nghiên cứu Hoà bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul nói: "Tôi nghĩ rằng chế độ của ông Kim vẫn ổn định, và ông ấy tuyên bố sẽ theo đuổi một chính sách song hành về kinh tế và hạt nhân, và đồng thời thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo. Mặc dù kinh tế vẫn chưa cải thiện đủ, tôi nghĩ ông Kim được người dân Bắc Hàn ủng hộ."
Chính quyền của ông Trump đang tìm cách tăng áp lực lên Trung Quốc đòi Bắc Kinh kiểm soát Bắc Triều Tiên, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết ảnh hưởng của họ có giới hạn.
Vị lãnh đạo thế hệ thứ ba của Bắc Triều Tiên không có quan hệ thân thiết với Trung Quốc và đã nhiều lần phớt lờ các yêu cầu liên tiếp của Bắc Kinh gửi đến Bình Nhưỡng đòi Bắc Hàn ngưng nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân và quay trở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân quốc tế.
Mặc dù về mặc ngoại giao và 90% hoạt động kinh tế, Bắc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc, nhưng ông Kim Jong Un vẫn không gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái ngược với cha ông, người đã nhiều lần thăm Bắc Kinh.
Ông Kim Jong Un, vào năm 2013, đã ra lệnh hành quyết người chú của mình, ông Jang Song Thaek, vì đã bị nhiều người cho rằng ông Jang ủng hộ cải cách và có quan điểm thân Trung Quốc. Năm nay chính phủ của ông bị cáo buộc là đã tổ chức ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của ông là ông Kim Jong Nam ở Malaysia. Có tin nói rằng ông Kim Jong Nam được Trung Quốc bảo hộ.
Giáo sư Andrei Lankov, một nhà phân tích về Bắc Triều Tiên thuộc Đại học Kookmin ở Seoul cho biết: “Ông ấy không xem Trung Quốc là một đồng minh. Đối với ông ấy, Trung Quốc là một mối đe dọa, là quốc gia duy nhất có thể can thiệp có hiệu quả vào các vấn đề nội bộ của Bắc Triều Tiên và thậm chí có thể bí mật sắp đặt người thay thế cho ông Kim Jong Un.”
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên dường như cũng toan tính rằng Bắc Kinh đánh giá cao sự ổn định của vấn đề phi hạt nhân hoá và sẽ không áp đặt các điều kiện quá khắc nghiệt vì sợ gây ra một dòng người tị nạn ở biên giới hoặc sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un sẽ dẫn tới việc Mỹ và Hàn Quốc sẽ chiếm toàn bộ bán đảo Triều Tiên. - VOA
8.
Nữ cựu thủ tướng Thái Lan đang ở đâu?
Thái Lan thắt chặt kiểm soát biên giới sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra không xuất hiện trong phiên toà phán quyết về cáo buộc 'sao nhãng bổn phận' của bà trong chương trình trợ giá gạo năm 2011.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nói có thể bà đã bỏ trốn.
Các luật sư của bà Yingluck nói bà không thể đến tòa vì bị ốm.
Tuy nhiên, Toà án Tối cao đã ban hành lệnh bắt giữ và tịch thu số tiền bảo lãnh của bà là 900.000 đôla và trì hoãn bản án đến hôm 27/9.
Bà Yingluck bác mọi hành động sai trái trong chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại cho Thái Lan hàng tỷ đô la. Nếu bị kết tội, bà có thể đối mặt với 10 năm tù giam và bị cấm tham gia chính trường Thái Lan vĩnh viễn.
Hôm 25/8, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết tất cả các tuyến đường ra khỏi lãnh thổ Thái đang được giám sát chặt chẽ.
"Tôi chỉ biết rằng bà ta đã không xuất hiện (tại tòa)," ông nói với các phóng viên. "Tôi đã ra lệnh tăng cường tại trạm kiểm soát biên giới."
Ông Prawit ban đầu nói rằng ông không có thông tin về nơi ở của bà Yingluck nhưng khi ông rời một cuộc họp ở Bangkok, ông nói: "Có thể bà ta đã trốn rồi."
Trước đó, luật sư của bà Yingluck yêu cầu trì hoãn phiên tòa phán quyết, nói bà bị chóng mặt và đau đầu dữ dội và không thể tham dự.
Tuy nhiên, thông cáo chính thức của Toà án Tối cao cho biết họ không tin rằng bà bị bệnh vì không có giấy chứng nhận y khoa và bệnh này không đủ nghiêm trọng đến mức không thể ra tòa.
"Hành vi như vậy cho thấy có thể bà ta đã đào tẩu. Vì vậy, tòa án đã ban hành một lệnh bắt giữ và tịch thu số tiền bảo lãnh", thông cáo của tòa cho biết.
Trưởng phòng cảnh sát nhập cư nói với Reuters rằng ông tin rằng bà Yingluck vẫn còn ở Thái Lan vì ông không có thông tin cho thấy bà đã rời đi.
Tuy nhiên, khi được BBC hỏi liệu bà vẫn còn ở trong nước, luật sư của bà Yingluck Norrawit Larlaeng nói: "Tôi không biết, tôi không biết."
Sự nghiệp chính trị của YingluckShinawatra
Tháng 7/2011: Giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để trở thành Thủ tướng thứ 28 và nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan
Tháng 8/2011: Đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở Thái Lan trong 50 năm xảy ra và chính phủ của bà bị chỉ trích nặng nề vì không giải quyết vấn đề triệt để
Tháng 10/2011: Khởi động chương trình trợ giá gạo, mua đồng ruộng từ nông dân với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Chính quyền quân sự khi đó đã cáo buộc dự án gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước một nửa nghìn tỷ baht (15 tỷ đôla)
Tháng 11/2013: Giới thiệu một dự luật về ân xá cho tất cả các vụ án liên quan đến chính trị, khiến các cử tri trung lưu ở thành thị phẫn nộ và dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố kéo dài
Tháng 12/2013: Giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh khi bà vẫn giữ chức thủ tướng
Tháng 5/2014: Bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự
Tháng 1/2015: Các nghị sĩ phe đảo chính bỏ phiếu cách chức bà và cấm bà tham gia chính trị trong 5 năm.
Tháng 3/2015: Tòa án tối cao bắt đầu các phiên điều trần về hành vi sao nhãng bổn phận của bà trong khi hàng ngàn người ủng hộ đã đến Bangkok để ủng hộ bà tại tòa án
Tháng 10/2016: Bộ Tài chính đã ra lệnh cho bà bồi thường nhà nước khoản lỗ 35,7 tỷ Baht
Tháng 7/2017: 12 tài khoản ngân hàng của bà đã bị đóng băng. - BBC
9.
Mỹ lên án Cam Bốt đàn áp báo chí và xã hội dân sự
Ngày 23/08/2017, Hoa Kỳ đã lên án “sự suy thoái của bầu không khí dân chủ tại Cam Bốt”, sau khi chính quyền Phnom Penh thi hành các biện pháp cấm đoán đối với báo chí và xã hội dân sự.
Trong cuộc họp báo tại Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố rằng thành công của các cuộc bầu cử địa phương gần đây đã bị che khuất bởi những hành động “đáng quan ngại” của chính quyền Cam Bốt cản trở quyền tự do báo chí và công việc của các tổ chức xã hội dân sự.
Ngày 23/08, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, Viện Dân chủ Quốc gia (NDI), và trục xuất các nhân viên nước ngoài của tổ chức này, với lý do NDI nợ thuế. Trong những tuần qua, các phương tiện truyền thông thân chính phủ vẫn cáo buộc NDI, mà chủ tịch là cựu ngoại trưởng Madelaine Albright, hỗ trợ cho phe đối lập Cam Bốt để tìm cách lật đổ chính quyền Hun Sen.
Trước đó, thủ tướng Hun Sen đã dọa sẽ đình bản nhật báo Cambodia Daily, một trong số ít tờ báo chỉ trích chính quyền, với lý do tờ báo này nợ tiền thuế lên tới 6,3 triệu đô la.
Ngày 23/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã kêu gọi chính phủ Phnom Penh cho phép tổ chức NDI, tờ Cambodia Daily, cũng như các phương tiện truyền thông độc lập khác và các tổ chức dân sự được tiếp tục hoạt động “để cho cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2018 được diễn ra trong một môi trường tự do và cởi mở”. - RFI
10.
Chính sách cây gậy, cà rốt của Trung Quốc ở Đông Nam Á
Trước hết xin giới thiệu một phân tích về các diễn biến chính trị mới tại châu Á, với bài « Trung Quốc dứ gậy, nhử cà rốt ở Đông Nam Á », được Le Monde đăng tải.
Thông tín viên tại Đông Nam Á Bruno Philippe mở đầu bài phân tích với nhận định : « Trung Quốc kể từ giờ là một thế lực dẫn dắt cuộc chơi tại Đông Nam Á. Sự thiếu nhất quán của tổng thống Trump và sự vắng mặt của một học thuyết chiến lược rõ ràng của Washington tại khu vực này ở Viễn Đông đang giúp cho Bắc Kinh đẩy xa hơn các con tốt của mình trên bàn cờ, nơi đã từ lâu Trung Quốc đã giành phần thắng trong cuộc chơi kinh tế ».
Trước thế thượng phong của Bắc Kinh, tác giả mường tượng là đế chế Trung Hoa đang « thiết lập lại trên thực tế hệ thống quan hệ cống nạp (giữa thiên triều và các chư hầu) xưa kia… với các nước láng giềng ».
Một ví dụ cụ thể là trong hội nghị các ngoại trưởng Đông Nam Á tại Manila, hồi đầu tháng 8/2017, chỉ có Việt Nam là nỗ lực đưa vào thông cáo chung những lời lẽ lên án trực tiếp Bắc Kinh về « các đảo nhân tạo » mà Trung Quốc xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa tranh chấp, « 9 nước còn lại của ASEAN đã phủ phục trước Trung Quốc ».
Ngay cả Philippines, sau chiến thắng pháp lý tại La Hay, hồi năm ngoái, cũng đã thay đổi chiến lược, dưới thời tổng thống Duterte. Ông Duterte thậm chí còn thuật lại cuộc nói chuyện riêng với lãnh đạo Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) đã đe dọa chiến tranh với Philippines, nếu Manila cương quyết khoan dầu tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đổi lại các nhân nhượng, chính quyền Philippines đã nhận được 26 tỉ đô la tín dụng.
Sau Philippines, cả Miến Điện, « ở mức độ ít hơn », cũng ngả về phía Bắc Kinh. Lý do là vì sự hậu thuẫn mà Trung Quốc dành cho nhiều nhóm nổi dậy vũ trang sắc tộc thiểu số ở vùng biên giới – các hậu thuẫn mà Trung Quốc « không quá che giấu » - khiến Bắc Kinh có tiếng nói trong các thương lượng với chính phủ Miến Điện.
Theo bài viết, ngay cả Việt Nam cũng buộc phải nhường bước trước Trung Quốc trong một dự án thăm dò dầu khí thuộc « vùng đặc quyền kinh tế », nhưng bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, với việc đưa hàng chục tàu thuyền đến khu vực này, trong đó có cả tàu chiến.
Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý, trong bối cảnh Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng lấn sân, ngày 08/08, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến công du Bangkok, để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không bỏ mặc chính quyền quân sự Thái Lan trong vòng ảnh hưởng Trung Quốc. Cũng ngày hôm đó, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có chuyến công du Washington, nhiều thỏa thuận quân sự Việt – Mỹ đã được ký kết.
Tóm lại, theo chuyên gia quân sự quốc tế Philip Golub, ảnh hưởng của giới quân sự trong chính quyền Trump vẫn còn rất lớn, các « quan hệ ngoại giao và chính trị » từ lâu đời với các nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Singapor và Indonesia, vẫn còn « rất mạnh ». Trong hiện tại, đế chế Trung Hoa vẫn chưa thể mặc sức tung hoành. - RFI
11.
Cựu chưởng lý Venezuela tố cáo tổng thống Maduro tham nhũng
Hôm qua, 23/08/2017, tại Brasilia, cựu chưởng lý Venezuela, bà Luisa Ortega khẳng định nắm giữ « rất nhiều bằng chứng » tham nhũng của tổng thống Nicolas Maduro, và tỏ ra lo ngại cho sinh mạng của mình.
Từ Colombia sang, nhân hội nghị các chưởng lý khối Mercosur (thị trường chung châu Mỹ), bà Ortega đã lên diễn đàn đả kích chính quyền Venezuela. Bà khẳng định : « Luật pháp đã chết tại Venezuela, sự ổn định khu vực đang lâm nguy. Venezuela đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng, người dân thiếu thốn thực phẩm và thuốc men thiết yếu ».
Cựu chưởng lý Venezuela cho biết bà đang nắm trong tay « rất nhiều bằng chứng, cụ thể là vụ Odebrecht mà nhiều quan chức Venezuela có liên can, trước hết là tổng thống Nicolas Maduro ». Bà Ortega nói : « Chúng tôi phát hiện rằng tập đoàn xây dựng Odebrecht đã chuyển 100 triệu đô la cho Diosdado Cabello (cựu chủ tịch Quốc Hội, nhân vật số 2 trong chính phủ) thông qua một công ty Tây Ban Nha của những người họ hàng ông này. Nhà nước Venezuela đã dùng tiền công quỹ trả 300 tỉ đô la cho các công trường hiện đang bị tê liệt ».
Bà cho biết sẽ chuyển các thông tin hiện có cho chính quyền nhiều nước như Hoa Kỳ, Colombia, Tây Ban Nha, Brazil để tiến hành điều tra riêng. Bên cạnh đó, bà Luisa Ortega cho biết : « Tôi nhận được nhiều đe dọa đến tính mạng, và chính quyền Caracas phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra với tôi ».
Cựu chưởng lý bị ông Maduro cách chức đã bỏ trốn khỏi Venezuela thứ Sáu 18/08. Đến thứ Ba 22/8, tổng thống Maduro loan báo ra lệnh truy nã quốc tế Interpol đối với và Ortega và chồng là dân biểu German Ferrer.
Tại Caracas, người kế nhiệm bà Ortega là Tarek William Saab tuyên bố các tố cáo của bà « không có giá trị gì », còn ông Diossado Cabello cho rằng đó là những lời « dối trá ».
Về phía Hoa Kỳ, ngày 23/08, phó tổng thống Mike Pence tiếp tục bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về cuộc khủng hoảng, và tái khẳng định sẽ không để Venezuela sụp đổ. - RFI
12.
Đại sứ Nga ở Sudan chết trong hồ bơi tại tư dinh
Đại sứ Nga ở Sudan vừa chết tại tư dinh ở thủ đô Khartoum của quốc gia Phi Châu này, theo các giới chức điện Kremlin.
Cảnh sát Sudan cho hay họ thấy thi thể Đại Sứ Mirgayas Shirinsky trong hồ bơi của ông, theo bản tin hãng thông tấn UPI.
“Ngay sau khi có thêm chi tiết từ nhân viên tòa đại sứ ở Khartoum, chúng tôi sẽ đưa ra tin tức rõ ràng về cái chết của đồng nghiệp chúng tôi,” theo Bộ Ngoại Giao Nga.
Nguyên do cái chết của ông Shirinsky hiện chưa được loan báo, nhưng ông Sergei Konyashin, tùy viên báo chí tòa đại sứ Nga ở Sudan, nói ông này chết vì lên cơn đau tim.
“Chúng tôi gọi xe cứu thương nhưng các nhân viên cấp cứu không cứu được đại sứ,” theo lời ông Konyashin, bản tin UPI cho biết.
Ông Shirinsky, 63 tuổi, vào ngành ngoại giao năm 1977.
Ông nói thông thạo tiếng Ả Rập và từng phục vụ tại Ai Cập, Saudi Arabia, Yemen, và Rwanda.
Ông là đại sứ Nga ở Sudan từ năm 2013.
Hồi Tháng Hai vừa qua, đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly I. Churkin, chết ở thành phố New York.
Cho đến nay nguyên do cái chết của ông cũng chưa được loan báo, cũng theo UPI. - nguoiviet
Tin Hoa Kỳ
13.
Trump mắng lãnh đạo Cộng hòa ở Quốc hội làm ‘lộn xộn’ trần nợ
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại công kích các thành viên Đảng Cộng hòa của ông hôm thứ Năm, lần này đổ lỗi cho họ làm "lộn xộn" quá trình lập pháp về trần nợ.
Trong một loạt phát biểu đăng trên Twitter, ông Trump mắng Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan vì không gắn dự luật trần nợ vào một dự luật gần đây mới được ký ban hành nhằm giúp đỡ các cựu chiến binh.
Nếu tới cuối tháng 9 mà Quốc hội không tăng trần nợ thì chính phủ liên bang có thể sẽ không thể thanh toán một số khoản nợ, một tình huống mà một số nhà kinh tế dự đoán có thể là thảm khốc. Trong một diễn biến khác, các nhà lập pháp cũng phải thông qua một dự luật để giữ cho chính phủ liên bang tiếp tục hoạt động một khi các khoản phân bổ ngân sách cạn tiền vào ngày 30 tháng 9.
Những hạn chót này là một cuộc đối đầu gay go đối với ông Trump, người đã nhiều lần xung đột với các nghị sĩ Cộng hòa về các ưu tiên ngân sách. Tuần này, ông Trump đe dọa sẽ đóng cửa chính phủ nếu Quốc hội không cấp kinh phí để xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ và Mexico, một trong những lời hứa lúc vận động tranh cử của ông.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders từ chối cho biết liệu Tổng thống sẽ ký một dự luật ngân sách hay không nếu nó không bao gồm kinh phí xây tường.
Bà Sanders cũng hạ giảm xung đột giữa Nhà Trắng và các nghị sĩ Cộng hòa ở Quốc hội.
"Tôi nghĩ rằng các mối quan hệ vẫn tốt đẹp," bà nói. "Chắc chắn, sẽ có một số khác biệt về chính sách, nhưng cũng sẽ có một số mục tiêu chung và đó là điều mà chúng tôi đang tập trung vào."
Theo những bài báo hồi gần đây, mối quan hệ của ông Trump với Thượng nghị sĩ McConnell đã xấu đi, đặc biệt là sau khi Thượng viện thất bại trong việc bãi bỏ hoặc thay thế đạo luật chăm sóc y tế của cựu Tổng thống Barack Obama.
Những bài báo này cho biết ông McConnell và Trump đã không nói chuyện với nhau kể từ đầu tháng này, khi mà các nguồn tin nói họ đã quát tháo nhau trong một cuộc điện đàm về những ưu tiên lập pháp. Văn phòng của cả hai người kể từ đó đã đưa ra những tuyên bố hạ giảm mức độ nghiêm trọng của những căng thẳng.
Đầu tháng này, ông McConnell khẳng định rằng Quốc hội và Nhà Trắng sẽ không cho phép chính phủ vỡ nợ. "Không có chuyện chúng tôi sẽ không tăng trần nợ," ông nói tại một sự kiện ở bang Kentucky.
Một số nghị sĩ bảo thủ ở Quốc hội nói rằng họ sẽ không ủng hộ một dự luật trần nợ, trừ phi nó cũng bao gồm những khoản cắt giảm ngân sách. Nhưng bà Sanders hôm thứ Năm nói rằng ông Trump để ngỏ khả năng nâng trần nợ mà không có những điều khoản bổ sung.
Khi các nhà lập pháp quay trở lại từ đợt nghỉ giải lao tháng 8, họ sẽ chỉ có 12 ngày trong lịch lập pháp để giải quyết vấn đề trần nợ. - VOA
14.
Mỹ sắp hạn chế visa từ 4 nước không chịu nhận công dân bị trục xuất
Chính quyền Trump sắp áp đặt các hạn chế về thị thực đối với bốn nước Châu Á và Châu Phi từ chối nhận lại công dân của họ bị trục xuất khỏi Mỹ, các quan chức nói với hãng tin AP hôm thứ Năm.
Các quan chức này nói rằng các nước Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone sẽ sớm chịu chế tài. Những chế tài này nhằm mục đích buộc các quốc gia "ngoan cố" phải nhận lại những cá nhân mà Mỹ tìm cách trục xuất, AP cho biết. Theo luật liên bang, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson có thể ngưng cấp tất cả hoặc một số loại thị thực cụ thể cho các quốc gia như vậy.
Ông Tillerson sẽ không cấm tất cả thị thực, các quan chức này nói với AP. Thay vào đó, ông sẽ nhắm mục tiêu vào các quan chức chính phủ và gia đình của họ, như Mỹ đã từng làm trước đây. Các quan chức nói chuyện với AP không được phép công khai thảo luận vấn đề này và phát biểu với điều kiện giấu tên. Họ không chịu nói khi nào thì ông Tillerson sẽ hành động.
Bộ An ninh Nội địa hôm thứ Tư nói rằng họ đã đề nghị Bộ Ngoại giao có hành động nhắm vào bốn quốc gia trong số 12 nước mà họ xem là ngoan cố. Cơ quan này không nêu tên các quốc gia đó.
Khi được AP yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao xác nhận đã nhận được thông báo của Bộ An ninh Nội địa. Bộ cũng không nêu đích danh các quốc gia này, chỉ nói rằng mỗi một nước đều đã "từ chối nhận hoặc trì hoãn một cách bất hợp lý việc hồi hương công dân của họ." Bộ nói họ sẽ công bố các hình phạt chính xác sau khi các chính phủ bị ảnh hưởng được thông báo.
Bộ An ninh Nội địa hiện xác định Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Lào, Iran, Guinea, Campuchia, Eritrea, Myanmar, Ma-rốc, Hong Kong và Nam Sudan là những nước ngoan cố không nhận những người bị trục xuất khỏi Mỹ.
Chưa rõ vì sao chỉ có Campuchia, Eritrea và Guinea được chọn để chế tài hoặc tại sao Sierra Leone, lần gần đây nhất được xác định là "có nguy cơ" bị xếp vào diện ngoan cố, lại nằm trong nhóm này. - VOA
15.
Một phụ nữ ở Massachusetts trúng Powerball $759 triệu!
Một phụ nữ ở Massachusetts vừa thắng lô độc đắc xổ số Powerball trị giá $758.7 triệu tối Thứ Tư. Ngày hôm sau, bà tuyên bố nghỉ việc ở bệnh viện nơi bà làm việc trong hơn ba thập niên vì bà muốn nghỉ ngơi.
Bà Mavis L. Wanczyk, 52 tuổi, cư dân Chicopee, làm việc ở bệnh viện Mercy Medical Center trong 32 năm.
Bà nói rằng bà dùng các con số ngày sinh nhật của bà để chọn mua vé số tại một cửa tiệm ở Chicopee, một thành phố nhỏ nằm ở phía Bắc Springfield.
Giới chức xổ số tiểu bang nói rằng bà Wanczyk chọn lấy tiền một lần, khoảng $480 triệu, hoặc $336 triệu sau khi trừ thuế.
Trong số tiền trúng xổ số, bà Wanczyk bị chính quyền liên bang thu thuế khoảng $120 triệu và tiểu bang lấy khoảng $20 triệu.
Giới chức xổ số Massachusetts cho hay họ bán được $13 triệu tiền vé số trong đợt này, và riêng trong ngày xố, tiểu bang bán được $8.4 triệu.
Trước đó, vào buổi tối Thứ Tư, ông Christian Teja, phát ngôn viên cơ quan xổ số của tiểu bang, nói với CNN rằng vé số trung được bán ở thành phố Watertown.
Đến sáng Thứ Năm, cơ quan này điều chỉnh lại nơi bán vé số trúng, và cho biết chủ cây xăng Pride, nơi bán vé số trúng được thưởng $50,000.
Đây là số tiền trúng số riêng rẽ, tức là chỉ có một vé trúng, lớn nhất trong lịch sử vùng Bắc Mỹ.
Các số trúng là 6, 7, 16, 23, 26, và số Powerball là 4.
Xác suất trúng độc đắc xổ số Powerball hiện nay là 1/292 triệu.
Điều này có nghĩa là trúng số còn khó hơn là bị một thiên thạch rơi trúng người (xác suất 1/700,000), bị sét đánh (1/183 triệu), hoặc sinh bốn đứa con cùng lúc (1/729,000).
Như vậy, trong năm 2017, đã có hai lần Powerballl có số tiền thưởng trên $400 triệu.
Lần đầu là $435 triệu hồi Tháng Hai, và lần thứ nhì là $448 triệu vào Tháng Sáu.
Lần duy nhất có lô độc đắc cao nhất là vào Tháng Giêng, 2016, với số tiền $1.6 tỷ, và có ba vé số trúng được bán tại ba tiểu bang Tennessee, California, và Florida.
Powerball được chơi tại 44 tiểu bang, thủ đô Washington, DC, Puerto Rico, và Virgin Island. - nguoiviet
Tin Việt Nam
16.
Việt Nam, Indonesia hàn gắn quan hệ sau khi đàm thoại về Biển Đông
Dù vừa qua xảy ra hai sự cố gần quần đảo Natuna ở Biển Đông, Việt Nam và Indonesia đã hàn gắn quan hệ sau khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo hội đàm ở Jakarta hôm 23/8.
Cuộc gặp đã mang lại những thỏa thuận trong một số lĩnh vực bao gồm giáo dục, năng lượng, phát triển nông thôn, luật pháp, hàng hải và ngư nghiệp.
Việc nhanh chóng xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước để ngăn ngừa các đụng độ hàng hải trong tương lai, giữ gìn sự ổn định ở Biển Đông là một trọng tâm của các cuộc hội đàm.
Trong thông cáo chung tại dinh tổng thống, ông Joko nói Việt Nam cũng đã đồng ý làm việc với Indonesia để ngăn chặn nạn đánh cá trái phép nhằm bảo đảm nghề cá bền vững.
Về tình hình Biển Đông, ông Joko nói hai nhà lãnh đạo đồng ý đưa ASEAN trở thành động cơ của hòa bình và ổn định ở khu vực.
Indonesia không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng Indonesia và Việt Nam gần đây có những đụng độ ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna vì hai nước có những tuyên bố chồng lấn nhau ở đó.
Số liệu của Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho thấy trong tổng số 75 tàu bị bắt vì đánh cá trái phép trong năm nay, có tới 63 tàu từ Việt Nam.
Trong một động thái để giảm căng thẳng, Tổng thống Joko đã chỉ định Vụ An ninh Hàng hải thuộc Tuần duyên Indonesia ký kết một ý định thư trong lĩnh vực hàng hải với Việt Nam.
Nữ ngoại trưởng Retno Marsudi nói văn bản này được kỳ vọng sẽ xây dựng lòng tin giữa hai bên đối tác. Bà nói: “Trao đổi thông tin tốt hơn là điều quan trọng, sao cho bất cứ sự cố nào trong tương lai cũng có thể được hai bên xử lý nhanh chóng”.
Bà nói việc hai nước giải quyết được vấn đề chồng lấn EEZ là điều quan trọng để tránh các sự cố tàu thuyền. Bà cho hay: “Nếu đạt được thỏa thuận về các ranh giới, sẽ dễ dàng thực thi luật hơn”.
Bà nói thêm Hạ viện Indonesia sẽ chuẩn thuận luật về ranh giới EEZ sau khi hai nước đạt được các thỏa thuận chung cuộc. - VOA
17.
Việt Nam kêu gọi ĐNÁ đoàn kết dù có căng thẳng Biển Đông
Lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết hơn nữa vào lúc Việt Nam ngày càng thân cô thế cô hơn trong việc chống lại các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một bản tin của Reuters cho hay trong chuyến chuyến thăm đầu tiên của một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đến Indonesia, ông Nguyễn Phú Trọng nói trong bài phát biểu được chiếu trên truyền hình trong nước hôm 23/8 rằng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cần đoàn kết trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Ông Trọng phát biểu: "Đừng để ASEAN trở thành một con bài trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn", nhưng ông không nói rõ thêm ý ông là gì.
Việt Nam lâu nay là nước lớn tiếng nhất phản đối các tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông, nơi lượng hàng hóa giá trị hơn 3 nghìn tỷ đôla đi qua hàng năm.
Dù Trung Quốc khó chịu, Việt Nam đã đòi một hội nghị của ASEAN trong tháng này phải đưa vào trong một tuyên bố những lời văn thể hiện quan ngại về việc xây đảo và chỉ trích động thái quân sự hóa ở Biển Đông.
Trung Quốc đã gây áp lực buộc Việt Nam ngừng khoan dầu hồi tháng trước trong một lô dầu khí của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ. Bắc Kinh cũng đã tức giận về mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Một số quốc gia Đông Nam Á dè chừng về những hậu quả có thể xảy ra do thách thức Bắc Kinh với việc nêu ra lập trường mạnh mẽ hơn về Biển Đông.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong khi Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố chủ quyền về nhiều phần của vùng biển, là nơi có các tuyến đường biển chiến lược, cũng như các ngư trường có sản lượng lớn, cùng với các mỏ dầu khí.
Sau Indonesia, dự kiến ông Trọng sẽ thăm Myanmar. - VOA
18.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nguyễn Hải Long bị bắt vì nghi làm gián điệp
Cộng hòa Czech giải giao cho Đức một người đàn ông Việt Nam bị tình nghi làm gián điệp, thuê chiếc ôtô dùng để bắt cóc cựu giám đốc dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Công tố viên Đức hôm 24/8 cho biết một người đàn ông 46 tuổi được xác định là Nguyễn Hải Long đã bị bắt ở Cộng hòa Czech ngày 12/8 và giải giao cho Đức hôm thứ Tư 23/8. Ông Long vì tình nghi làm gián điệp, đã thuê chiếc xe ôtô ở thủ đô Praha vào ngày 20/7 để sử dụng trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi tháng trước, theo tin của hãng AP.
Chính quyền Đức cáo buộc cơ quan tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23/7, và đã trục xuất các nhân viên tình báo của Hà Nội ra khỏi nước này. Tuy nhiên, Việt Nam nói rằng ông Thanh đã ra đầu thú ngày 31/7 tại Hà Nội.
Cộng hòa Czech giải giao cho Đức một người đàn ông Việt Nam bị tình nghi làm gián điệp, thuê chiếc ôtô dùng để bắt cóc cựu giám đốc dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Công tố viên Đức hôm 24/8 cho biết một người đàn ông 46 tuổi được xác định là Nguyễn Hải Long đã bị bắt ở Cộng hòa Czech ngày 12/8 và giải giao cho Đức hôm thứ Tư 23/8. Ông Long vì tình nghi làm gián điệp, đã thuê chiếc xe ôtô ở thủ đô Praha vào ngày 20/7 để sử dụng trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi tháng trước, theo tin của hãng AP.
Chính quyền Đức cáo buộc cơ quan tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23/7, và đã trục xuất các nhân viên tình báo của Hà Nội ra khỏi nước này. Tuy nhiên, Việt Nam nói rằng ông Thanh đã ra đầu thú ngày 31/7 tại Hà Nội.
Không rõ ông Long có phải là người trực tiếp lái chiếc xe này sang Đức hay không.
Các công tố viên nói rằng nghi phạm bị buộc tội là “gián điệp và có liên đới trong vụ bắt người bất hợp pháp ở Đức.”
Liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, hôm 18/8, Nhật báo TAZ của Đức loan tin rằng bà Frauke Köhler, Công tố viên Liên bang Đức, đã xác nhận có bắt giữ “một nghi can ở nước ngoài.”
Tờ Thoibao.de nói người đàn ông bị bắt giữ hôm 12/8 để điều tra có tên Nguyễn Hải Long, là một chủ văn phòng chuyển tiền MoneyGram tại chợ Sapa, thủ đô Praha.
Trang tin này còn cho biết văn phòng của ông Long cũng bị cảnh sát kiểm tra và niêm phong các tài liệu cùng nhiều trang thiết bị để phục vụ điều tra.
Trước đó người chủ doanh nghiệp cho thuê xe ở Praha, ông Bùi Quang Hiếu, cho VOA biết rằng ông đã cho một người bạn của ông ở Trung tâm Thương mại Sapa thuê chiếc xe Volkswagen 7 chỗ ngồi, màu ánh bạc, biển số xe 2AB – 3140, từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 7.
Ông Hiếu cho biết:
“Cảnh sát hình sự Liên minh châu Âu có làm việc với tôi về chiếc xe đó – cho ai thuê – và họ đã thu giữ xe của tôi ngày 28/7/2017. Người thuê là một người đồng nghiệp của chúng tôi. Cảnh sát có đến hỏi tôi một vài lần nữa. Họ hỏi tất cả các nhật ký cho thuê xe trong thời khoảng thời gian đấy. Tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin cho họ.”
Hiện nay chiếc xe bị nghi ngờ dùng để chở nhóm bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7 đã bị cảnh sát Cộng hòa Czech tạm giữ và chuyển sang Đức để phục vụ điều tra, theo ông Hiếu.
Hôm 16/8, báo Bild của Đức nói rằng chiếc xe thứ hai tham gia vụ bắt cóc là chiếc xe Audi Limousine 5 chỗ ngồi, cũng mang biển số Cộng hòa Czech và cũng là xe thuê.
Hôm 8/8, cảnh sát Cộng hòa Czech cho VOA-Việt ngữ biết cơ quan này đã chính thức mở cuộc điều tra về vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, rồi đưa lên một chiếc xe đăng ký biển số Cộng hòa Czech.
Tuy nhiên, hôm 24/8, trong một email trả lời cho VOA, cảnh sát Cộng hòa Czech nói không thể tiết lộ thông tin cụ thể về người thuê xe đã bị bắt và giải giao cho Đức điều tra.
Cho đến nay chính phủ Đức vẫn quả quyết Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ nước Đức và quyết tâm làm sáng tỏ việc chính phủ nước ngoài dùng mật vụ bắt người trái pháp luật. - VOA
19.
Báo Nhật bàn về sự thiếu vắng Chủ tịch Quang
Tờ Nikkei, báo kinh doanh phiên bản trên mạng, vào hôm 25/08 có bài với tựa 'Vietnam president's mysterious absence raising eyebrows' (Sự vắng mặt huyền bí của Chủ tịch Việt Nam gây thắc mắc).
Bài của tác giả Atsushi Tomiyama nói về biểu hiện được mô tả là bất thường trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tới Hà Nội.
"Nghị trình chuyến thăm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim được sửa đổi đột ngột vào đêm hôm thứ Ba.
"Bản đã sửa đổi gửi phóng viên không đề cập tới cuộc gặp được lên lịch lúc đầu [của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ] với Chủ tịch Quang vào hôm thứ Tư và Bộ Ngoại giao Việt Nam không đưa ra lời giải thích nào," theo tác giả.
Bài báo mô tả thường thì những quốc khách tới Việt Nam luôn gặp "tứ trụ" và rằng chủ tịch nước thường có mặt trong các nghi lễ đón tiếp như vậy.
"Việc không có chỉ dấu nào cho thấy ông Quang đang ở ngoài Việt Nam có nghĩa là có thể ông vẫn đang ở trong nước, khiến cho việc ông vắng mặt lại càng thêm khác thường," bài báo bình luận.
Chủ tịch Quang xuất hiện trước công chúng lần gần nhất là vào 25 tháng Bảy khi ông gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev.
Chủ tịch [Quang ] kể từ đó không có mặt tại các sự kiện quan trọng như dịp kỷ niệm ngày truyền thống Công an nhân dân, lực lượng từng dưới quyền chỉ đạo của ông khi ông giữ ghế bộ trưởng.
'Ngày Quốc Khánh'
Truyền thông Việt Nam vào dịp này đăng bài ký tên ông có tựa "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới" với tấm hình mô tả ông tặng quà cho các điển hình tiên tiến trong lực lượng Cảnh sát nhân dân với tấm hình được ghi chú là chụp ngày 11/7/2017
Bài viết đề cập tới các hoạt động ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai chuyến đi Indonesia và Myanmar với các cuộc gặp người đứng đầu nhà nước như thể để trám vào sự vắng mặt của Chủ tịch Quang, vốn hay thực hiện các nhiệm vụ này.
Việc ông Quang không xuất hiện trước công chúng, theo tác giả, không phải là chuyện bất thường duy nhất trong chính trị Việt Nam trong vài tháng qua.
Việc bổ nhiệm người thay thế ông Đinh Thế Huynh, cáo buộc của Đức rằng Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, cũng như việc cách chức bí thư Tp HCM và ghế ủy viên Bộ Chính trị với ông Đinh La Thăng cũng được đề cập tới.
Bài viết cùng bàn về những đồn đoán được mô tả là khả năng Tổng Bí thư Trọng sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm vào năm sau.
"Sự lựa chọn [cho ghế tổng bí thư ] có thể xảy ra nhất là đối với ông Quang, người hiện đang dường như vắng mặt. Việc ông Huynh nghỉ chữa bệnh kể như khiến ông không còn nằm trong danh sách.
"Cáo buộc bắt cóc ông Thanh, người có quan hệ với ông Dũng [cựu thủ tướng] và là cựu đối thủ chính trị của ông Trọng.
"Liệu tất cả những diễn biến này có thể diễn ra như sự trùng hợp cùng lúc hay không vẫn là điều chưa rõ," tác giả nhận định.
"Sự kiện lớn sẽ là Ngày Quốc Khánh'. Những nhà quan sát Hà Nội sẽ theo dõi xem ông Quang có xuất hiện hay không". - BBC
20.
Khởi tố LS Đài theo hai điều là 'chưa có tiền lệ'
Một luật sư ở Hà Nội nói với BBC rằng việc khởi tố ông Nguyễn Văn Đài theo cả hai Điều 88 và 79 "là chưa có tiền lệ" và "là chỉ dấu chính quyền xem ông là con cá lớn để đổi chác với quốc tế".
Tháng 12/2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt và bị khởi tố theo Điều 88 Bộ luật Hình sự sau khi ông nói chuyện về Hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Hôm 30/7, Bộ Công An Việt Nam loan báo việc bắt tạm giam và khởi tố thêm bốn người trong vụ án được gọi là "Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.
Việc thay đổi tội danh từ khi bắt tạm giam cho tới khi khởi tố, đưa ra xét xử theo Bộ luật Hình sự đã từng xảy ra trong quá khứ.
Luật sư Lê Công Định từng bị bắt theo điều 88 nhưng khi đưa ra xét xử cùng các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long được áp dụng điều 79 (có khung hình phạt nặng hơn).
Thông báo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gửi Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Đài đề hôm 23/8 được luật sư này chia sẻ trên Facebook của ông ghi: "Ông Nguyễn Văn Đài bị khởi tố về các tội "Tuyên truyền chống Nhà nước", "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 88 và 79 Bộ luật Hình sự, thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia."
"Xét thấy cần phải giữ bí mật trong quá trình điều tra vụ án, Viện Kiểm sát quyết định để người bào chữa [ông Sơn] tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra vụ án."
'Nói sự thật'
Hôm 25/8, trả lời BBC, Luật sư Lê Quốc Quân nói: "Tôi bị sốc khi hay tin Luật sư Nguyễn Văn Đài bị khởi tố thêm tội danh thế này."
"Lần đầu tiên có người bị khởi tố vì hai hành vi liên quan đến hai Điều 79, 88 thuộc Chương an ninh quốc gia, có mức án rất cao, có thể đến tử hình."
"Dù chỉ khởi tố ông Đài theo một Điều 88 thôi đã là quá đáng, không chấp nhận được vì ông ấy chỉ nói sự thật về hiện trạng đất nước."
"Việc khởi tố thêm tội danh nặng với ông Đài là chỉ dấu cho thấy chính quyền muốn gia tăng đàn áp, không dung thứ cho những ai vì lòng yêu nước muốn thảo luận về tình hình đất nước một cách ôn hòa."
"Việc khởi tố thêm ông Đài theo Điều 79 có nghĩa là chính quyền có quyền giam giữ ông Đài thêm bốn lần tạm giam, tức khoảng 16, 20 tháng nữa mà luật sư bào chữa cho ông không thể can thiệp."
"Còn về bản án cho ông ấy sẽ thế nào thì tôi không dám dự báo, nhưng mong chờ có sự thay đổi hoặc nhìn nhận đúng đắn là ông ấy không phạm tội."
"Như tôi và những người Việt Nam khác tin ông ấy."
Luật sư Quân nói thêm: "Chính quyền xem vụ án Nguyễn Văn Đài là đầu vụ, xem ông là con cá lớn, là món đổi chác cho những vấn đề lớn với quốc tế".
"Nhưng hiện tại Việt Nam đang vỡ trận, bị ảnh hưởng bởi vụ không tôn trọng luật pháp quốc tế sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nên không có nhiều cơ hội để đổi chác."
"Hơn nữa, bối cảnh quốc đang thay đổi, dường như người ta không quan tâm nhiều lắm đến những cá nhân hoạt động nhân quyền."
'Tiếc là như vậy'
"Bản thân tham gia hoạt động luật sư cùng ông Đài, tôi nhận thấy ông là người chân thành, yêu nước, sống đẹp. Ông đem cái đẹp đi vào một xã hội như thế này nhưng rồi lại bị người ta vùi dập."
"Nhưng tôi biết ông là người có đức tin vào Chúa và lẽ sống nên trời sẽ có mắt, cho ông một giải pháp hoặc một giá trị nào đó."
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: "Các quy trình tố tụng của án an ninh quốc gia có lẽ được "đặc quyền" nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác. Nên việc bảo vệ của các luật sư đối với thân chủ trong các vụ án an ninh hầu như là vô vọng."
"Vì thế đa phần các luật sư ít tham gia những vụ án được quy kết là xâm phạm an ninh quốc gia là vậy."
Sau phiên xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm 10 năm tù trong phiên sơ thẩm vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" ở Khánh Hòa hôm 29/06, Luật sư bào chữa Võ An Đôn nói:
"Những vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia thì luật sư có cũng như không. Chỉ nói mà chẳng ai nghe hết." - BBC
21.
Việt Nam không đặc xá cho tù nhân dịp Quốc khánh năm nay
Trung tướng công an Nguyễn Ngọc Bằng cho báo chí biết như vậy, và ông nói rằng sẽ có một đợt đặc xá vào tháng Giêng năm sau, 2018.
Việc đặc xá tại Việt Nam cũng dựa trên những điều kiện như ở các quốc gia khác như là người tù nhân chấp hành tốt những qui định khi thi hành án, tù nhân là người tàn tật, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, người già …
Ngoài ra còn có những điểm đặc biệt như người có công với cách mạng, hoặc thân nhân của người có công với cách mạng đã thi hành 1 phần ba thời gian của bản án, hoặc 12 năm trong trường hợp án chung thân, có thể được đặc xá.
Các tội được xếp vào loại xâm phạm an ninh quốc gia, án 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm nhân phẩm, 7 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, hoặc bắt cóc, sẽ không được ân xá. - RFA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét