Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

NHỮNG ĐỢT SÓNG NGẦM TẠI BIỂN ĐÔNG - Đông Trường Sơn

Hiền đệ Đại Dương,
Chúng ta chia tay nhau đã trên 50 năm.  Kể từ khi ra trường, Đệ ra biển Đông ngăn địch xâm nhập miền duyên hải; Huynh về vùng sông ngòi Cửu Long cản du kích qua sông. Chúng ta hoạt động ở hai môi trường khác nhau, nhưng cùng chung mục đích, bảo vệ lý tưởng Tự Do cho Đồng Bào Miền Nam Việt Nam.<!>Một cuộc điện đàm đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ lúc tản hàng, chúng ta kể lể cho nhau về cuộc đời thăng trầm của người lính chiến thua cuộc.  Mặc dầu tuổi đời đã cao, gối đã mỏi nhưng bầu nhiệt huyết vẫn còn luân chuyển mạnh, chúng ta vẫn trung thành với lý tưởng phục vụ và hãnh diện với màu áo đã chọn.  Đệ hăm hở trình bày với Huynh "Đề Án Xây Dựng Một Hải Quân Việt Nam Hùng Mạnh, Tân Tiến".  Huynh nhận thấy Đệ rất lạc quan và dồn hết nhiệt tâm, nỗ lực vào kế hoạch quan trọng này.    
Huynh nghĩ lạc quan là động lực thúc đẩy kế hoạch tiến nhanh, tiến mạnh, nhưng thận trọng vẫn là cái thắng để giữ sự cân bằng cho thái độ chủ quan, dễ bị vi phạm sơ xuất.  Huynh già nua chậm chạp, thận trọng, phải phân tách mọi kế hoạch dưới ba yếu tố căn bản của Tiền Nhân:  Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hòa, một cách tỷ mỉ để tìm một phương thức hành động hữu lý trước khi bắt tay vào việc.  Hay giải thích theo thời đại tân tiến, thì khi soạn thảo một kế hoạch hay Dự Án (program development), Người Quản Trị Chương Trình (program manager) phải hiểu rõ nguyên nhân và nắm vững yếu tố căn bản cần thiết để bảo đảm sự thành công của dự án này.
Dựa trên dã thuyết của một chế độ Độc Tài, Đãng Trị Việt Nam bị sụp đổ và được thay thế bằng một chánh thể Việt Nam Tự Do.  Chúng ta cũng dựa trên dã thuyết này, tìm hiểu xem nguyên nhân và ảnh hưởng nào đưa đến sự tan rã của chế độ hiện hữu.  Chiều hướng của một nước Việt Nam Tự Do là Liên Kết hay Phi Liên Kết để hóa giải áp lực của một nước láng giềng đầy tham vọng như Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc (Tàu Cộng).
Một Kinh Nghiệm Của Thế Liên Kết
Chúng ta hiểu rằng mỗi nước trên quả địa cầu này chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng cho đất nước (national interest) và sự an sinh của người dân nước họ.  Không có nước mạnh bênh vực nước yếu mà không có một sự thoả thuận trao đổi quyền lợi.  Mọi sự liên kết chỉ có tánh cách giai đoạn và không trường cữu.  Quá trình lịch sử thế giới chứng minh cho ta một số sự thật qua các dữ kiện dưới đây:
1/  Trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đã hợp tác chặt chẽ với Đồng Minh chống lại Quân Đội Nhật ở Thái Bình Dương.  Sau khi chiến tranh kết thúc, Trung Hoa Dân Quốc là một trong năm nước, gồm: Trung Hoa Dân Quốc, Pháp, Anh, Nga, và Hoa Kỳ, thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc và Trung Hoa Dân Quốc là Hội Viên Thường Trực của Hội Đồng Bảo An LHQ kể từ năm 1945.  Đến năm 1971 thì Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đưa Trung Cộng, với dân số trên 840 triệu người, vào vị trí Uỷ Viên Thường Trực của Hội Đồng Bảo An thay thế Trung Hoa Dân Quốc.  Trung Hoa Dân Quốc trở thành một Tiểu Quốc Đài Loan (Taiwan) với dân số chỉ trên 15 triệu người.  Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng và đoạn giao với Đài Loan vào năm 1979.
2/  Trong cuộc chiến Iraq - Iran của thập niên 1980, Cơ Quan Trung Ương Tình Báo (CIA) và quân đội Hoa Kỳ yểm trợ tin tức tình báo và chiến cụ cho Saddam Hussein (Hồi Giáo Sunni), Tổng Thống nước Iraq, chống lại Chánh Phủ Cách Mạng Iran (Hồi Giáo Shiite) dưới sự lãnh đạo tối cao của giáo sĩ Ayatollah Khomeini.  Nhưng đến năm 2003, Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của George W. Bush và với sự hợp tác của Đồng Minh, tấn công Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein.  Chiến tranh kết thúc, Hoa Kỳ đưa Al Malaki (Hồi Giáo Shiite) thân Iran về thành lập Chánh Phủ Lâm Thời Iraq.  Chánh phủ Lâm Thời Iraq treo cổ Saddam Hussein vào ngày 30 tháng 12 năm 2006.
3/  Năm 1954, nước Việt Nam bị chia làm hai phần Nam, Bắc. Miền Nam Việt Nam có chế độ Tự Do, Miền Bắc sống dưới chế độ Vô Sản.  Giới Tài Phiệt của Thế Giới Tự Do nhận thấy Chủ Nghĩa Cộng Sản trên đà bành trướng và có mục tiêu nhuộm đỏ toàn vùng Đông Nam Á.  Một sự tranh chấp ý thức hệ giữa quyền lợi Tư Bản và chủ nghĩa Cộng Sản đã khơi mào.    Tư Bản chọn Việt Nam làm tiền đồn chống Cộng và thúc đẩy dân Miền Nam Việt Nam                vào cuộc chiến tranh đấu cho Tự Do.  
                                                          
Richard Nixon                                                           Henry Kissinger
Vào tháng 7 năm 1971, Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh (National Security Advisor) của Tổng Thống Richard Nixon, trên đường về từ Pakistan bí mật ghé qua Bắc Kinh để làm “môi giới” cho cuộc viếng thăm Trung Quốc của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon vào tháng 2 năm 1972 và viếng Mạc Tư Khoa vào tháng 5 năm 1972.   Kết quả sau hai chuyến mật đàm và với lời cam kết của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, Hiệp Định Paris năm 1973 được ký kết với tất cả thiệt thòi cho Chánh Phủ và hơn 20 triệu người dân Miền Nam Việt Nam. Tư Bản phủi tay.  Mission accomplished, adios Amigo!
Chiến Lược và Ảnh Hưởng Chánh Trị, Quân Sự Tại Biển Đông *
           Ba Quốc Gia có ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng chánh trị tại Biển Đông là Hoa Kỳ, Trung Cộng, và Việt Nam.
Hoa Kỳ:  Hoa Kỳ là một nước hùng mạnh nhất trên thế giới trên ba lãnh vực: chánh trị, kinh tế, và Quân Sự.  
a/  Về chánh trị, Hoa Kỳ quảng bá lý tưởng Tự Do để tạo ảnh hưởng và tìm môi trường phát triển kinh tế trên toàn thế  giới.
b/  Kinh tế là huyết mạch, là dòng máu nuôi dưỡng sự phồn thịnh và duy trì đời sống cao (standard of living) của dân Mỹ.  Tìm thị trường đầu tư để sản xuất và tiêu thụ là chiến lược trường kỳ và sự sống còn của quốc gia.  
c/ Hoa Kỳ có một tổ chức quân đội hùng mạnh nhứt thế giới và là phương tiện bảo đảm cho guồng máy kinh tế toàn cầu luân chuyển điều hòa.  Quân đội Hoa Kỳ có lực lượng điều động khẩn cấp (rapid deployment task force) sẵn sàng can thiệp và giải quyết cấp tốc mọi cuộc khủng khoảng chánh trị trên toàn thế giới đặc biệt là những quốc gia mà Hoa Kỳ có góp vốn đầu tư.
Trung Cộng:  Thế lực Trung Cộng đứng hàng thứ ba trên thế giới về chánh trị và quân sự, sau Hoa Kỳ và Nga Sô.  Riêng về sức mạnh kinh tế thì đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ.  
           Từ khi thiết lập liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vào năm 1979, Trung Cộng phát triển mạnh mẽ về kinh tế, hàng hoá xuất khẩu tràn ngập thị trường quốc tế vì giá rẻ.  Trung Cộng dùng tiền đầu tư và viện trợ các nước Phi Châu để tạo ảnh hưởng chánh trị.  Nước Nam Phi Châu (South Africa) vào năm 2014 đã từ chối Đức Daila Lama (Thánh Sống Tây Tạng) nhập cảnh vào nước này.  Mới đây Nước Kenya bắt giữ 50 người tàu Đài Loan và trục xuất họ về Trung Hoa lục địa.  
           Song song với sự phát triển triển kinh tế và ảnh hưởng chánh trị đến các nước Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh, đặc biệt là các nước Venezuela và Brazil, bằng cách viện trợ, đầu tư và đặc quyền khai thác khoáng sản như:  nhiên liệu, mỏ đồng, mỏ sắt, platinum, cobalt, vàng, uranium, boxite, và đặc biệt là coltan, một khoáng sản quan trọng dùng vào việc chế tạo cơ phận cho điện thoại cầm tay (cell phone).
           Cũng như sách lược Hoa Kỳ, Trung Cộng thiết lập nhiều căn cứ quân sự bằng cách chiếm các hải đảo trên biển Đông để làm điểm tiếp liệu và cũng là cứ điểm phát xuất những lực lượng điều động khẩn cấp trong tương lai để bảo vệ cho guồng máy kinh tế không bị trì trệ vì khủng khoảng chánh trị.  Năm 2016, Trung Cộng thiết lập một căn cứ quân sự tại nước Djibouti, Phi Châu, cửa ngõ vào Hồng Hải (Red Sea) và Ấn Độ Dương (cách căn cứ quân sự Hoa Kỳ khoảng 15 cây số).  Mục tiêu của căn cứ quân sự này là để bảo vệ quyền lợi đầu tư của Trung Cộng tại các nước Phi Châu.  
Việt Nam:  Sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam Việt Nam vào năm 1975, Nhà Nước Cộng Sản đã áp dụng chế độ Vô Sản lên toàn lãnh thổ Việt Nam.  Tháng 12 năm 1991, Liên bang Sô Viết sụp đổ, chủ nghĩa Cộng Sản tan rã.  Việt Nam chuyển qua kinh tế thị trường và loại bỏ chủ nghĩa Cộng Sản.  Việt Nam tìm cách thiết lập bang giao với Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1995 để tránh bị cô lập và mở cửa ngõ với thế giới bên ngoài, nhận tiền đầu tư hầu canh tân nền kinh tế chậm tiến, lỗi thời.
           Nước Việt Nam hiện tại là một quốc gia Độc Tài, Đảng Trị.  Chánh sách kinh tế Tư Bản là mạch sống của quốc gia.  Đảng độc quyền chánh trị vẫn lấy tên là Đảng Cộng Sản để vinh danh Hồ Chí Minh, người đã nhập cảng chánh sách bần cùng hóa nhân dân và áp dụng đường lối Công An Trị tàn bạo, sắt máu, hủy diệt nhân quyền.
           Trước thế lực của ba cường quốc, Hoa Kỳ, Nga, và Trung Cộng, nay không còn sự cạnh tranh về ý thức hệ, Tư Bản – Cộng Sản, mà cạnh tranh về ảnh hưởng chánh trị và kinh tế.  Việt Nam ở vào cái thế "đu dây", không quá thân thiết, không chọc giận với bất cứ ông bạn nào trong số ba anh chàng Khổng Lồ này.
            Trước cái tham vọng ngàn đời của nước Tàu (Trung Cộng) với ý tưởng xâm lăng đất nước, chiếm hải đảo ở biển Đông, phong tỏa hải phận, thu hẹp vùng khai thác hải sản, Việt Nam đành dựa vào anh Cao Bồi Texas, ngang tàng nhưng rộng rãi, để núp bóng may ra anh Tàu Cộng bớt “ăn hiếp”.
            Nhân cơ hội Hoa Kỳ giải tỏa lệnh cấm vận về việc xuất cảng chiến cụ tối tân cho Việt Nam, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đi Washington DC để gặp Donald Trump vào ngày 31 tháng 5 năm 2017, với một danh sách đặt hàng (shopping list) và cái chi phiếu 13 tỷ Mỹ Kim để mua chiến đấu cơ F-16, phi cơ không tuần Lockheed Martin P-3 Orion, drones, và phương tiện sưu tầm tin tức tình báo.  Các chiến đấu cơ F-16 sẽ tăng cường khả năng bảo vệ không phận Việt Nam cùng với các phi đoàn chiến đấu cơ Su-30MK2 (35 chiếc) và chiến đấu cơ Su27SKM (11 chiếc) hiện có của Không Quân Việt Nam.  Ngoài ra còn có văn kiện ký kết giữa hai nước về liên minh quân sự, hợp tác thao dượt trên biển và huấn luyện người liên nhái cho Hải Quân Việt Nam.                                          
                                      
(Xin mở ngoặc ở đây là Hoa Kỳ có thể bán chiến đấu cơ F-16 cho Việt Nam nhưng không trang bị hỏa tiễn không-không (air to air missile) vì Hoa Kỳ không muốn có sự "qui trách" (liability) của Tàu Cộng trường hợp hỏa tiễn “made in USA” bắn hạ máy bay Tàu Cộng. Việt Nam phải nghĩ đến việc mua hỏa tiễn qua một nước thứ ba, Phi-Liên-Kết.)
       Chiến đấu cơ F-16                                                         Máy bay không tuần  P-3 Orion
Chiến đấu cơ Su-30MK2
                                                         Chiến đấu cơ  Su-27SKM          
Cùng đi thăm Washington DC với Nguyễn Xuân Phúc, trong tháng 5 năm 2017 vừa qua, còn có hơn 100 doanh nhân Việt Nam.  Và đặc biệt hơn nữa là Donald Trump sẽ tham dự
Đại Hội Thượng Đỉnh APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) vào tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.          
           Việc Việt Nam đặt mua chiến cụ của Hoa Kỳ với “ẩn ý”.   Một phần, vì khoảng 80% vũ khí trang bị cho quân đội Việt Nam đều do Nga Sô sản xuất, Tàu Cộng hiểu rất rõ về khả năng và giới hạn của những chiến cụ nầy nên dễ dàng khai thác và chế ngự.  Thứ hai là Việt Nam muốn chứng tỏ chứng tỏ thiện chí, là tai, mắt của Hoa Kỳ trên Biển Đông.  Seriously, I am yours!  Nghĩ vậy nhưng không phải vậy.
Khả năng quân sự và chiến cụ của Việt Nam
           Trong khi chờ đợi chánh sách Biển Đông của Hoa Thịnh Đốn do chánh phủ mới Donald Trump lãnh đạo và trước hiểm họa xâm lấn hải phận Việt Nam của Tàu Cộng, Việt Nam đẩy mạnh sự hợp tác quân sự với nước Ấn Độ.  Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh trong khi viếng thăm Tân Đề Li, Ấn Độ (quốc gia phi liên kết) đã đề nghị nới rộng sự hợp tác trên mọi phương diện để tìm sự quân bình chánh trị, an ninh, và thịnh vượng của hai nước.   Việc kết hợp liên minh quân sự và kinh tế với Ấn Độ là một quyết định chiến lược hữu lý để cân bằng áp lực của Tàu Cộng trong sự tranh chấp Biển Đông.
           Nước Ấn Độ (1.300 triệu dân) với sức mạnh quân sự đứng hàng thứ tư trên thế giới.  Nước Ấn Độ nhận thấy Việt Nam là sẽ một đồng minh chiến lược để chống lại sự bành trướng thế lực trên biển Nam Hãi và Ấn Độ Dương.  Ấn Độ hứa hợp tác chặc chẽ về phương diện quốc phòng và yểm trợ cho Việt Nam một tài khoản tín dụng để mua vũ khí và huấn luyện lực lượng Hải Quân Việt Nam.   Đặc biệt Ấn Độ cũng có chương trình huấn luyện chiến tranh điện tử cho Hải Quân Việt Nam tại Hải Quân Học Viện Nha Trang.                                                                            Hải Quân Học Viện NhaTrang trong ngày lễ mãn khóa SVSQ trong tháng 7 năm 2017                                    
Việt Nam thương lượng với Ấn Độ và đặt mua hỏa tiễn cruise missile BrahMos có tốc độ bằng 3 lần tốc độ âm thanh và có tầm xa 290 cây số.  Hỏa tiễn có thể biến cải để trang bị trên các khu trục hạm, tiềm thủy đỉnh, và có thể trang bị cho chiến đấu cơ.   Hỏa tiễn Brahmos do hãng Brahmos Aerospace, một công ty hỗn hợp Ấn  & Nga,  sản xuất.                                                                  
          
           Ấn Độ cũng tham gia vào việc huấn luyện cho thủy thủ đoàn Việt Nam về việc xử dụng và kỹ thuật tác chiến trên biển, chiến thuật tàu ngầm chống tàu ngầm và tàu ngầm chống tàu nỗi (surface ship) của tiềm thủy đỉnh Kilo Class.  Hải Quân Việt Nam có tất cả 6 tàu ngầm loại Kilo Class (diesel propulsion system) với các tên:  Hà Nội, Hồ Chí Minh City, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, và Bà Rịa-Vũng Tàu.  Các tiềm thủy đỉnh này được đặt đóng tại thủy xưởng Nga Sô.                                                                                                     Tiềm Thủy Đĩnh Kilo Class         Tiềm Thủy Đĩnh Kilo Class  
Sự tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Cộng
           Sự tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam như thể nuôi thêm đàn chó dữ để “hù” anh ăn trộm nhưng không đủ sức để “cản” thằng ăn cướp.  Việt Nam nếu muốn chống lại với quan thầy Tàu Cộng thì quá yếu trên mọi phương diện, kể như trứng chọi với đá.
           Nếu so sánh về tương quan lực lượng và tiềm năng của hai nước, Tàu Cộng và Việt Nam, thì thấy sự chênh lệch quá rõ ràng.
Dân số tính đến năm 2017:             Tàu Cộng:  1.400 triệu            Việt Nam:  96 triệu
Vũ khí chiến lược mà Tàu Cộng đang có gồm: Bom Nguyên Tử, Hỏa tiễn Liên Lục Địa (ICBM), Hàng Không Mẫu Hạm (conventional propulsion system), tàu ngầm nguyên tử          (trang bị hỏa tiễn liên lục địa) Tang-Class,  Jin-Class,  Xia-Class ,  phi cơ tàn hình Chengdu     J-20 (stealth fighter), vệ tinh tình báo, v. v.                                                                                 
Chiến đấu cơ Tàng Hình Chengdu J-20                  Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh (CV-16)     
                        Tàu Ngầm Nguyên Tử Jin-Class (SSBN)  
 Tàu Ngầm Nguyên Tử Tang-Class (SSBN)
Việt Nam chỉ còn một cách duy nhất là dậm chân tại chỗ (biting time), dùng mọi đòn chánh trị khéo léo để vuốt ve Tàu Cộng.
            Để chứng tỏ với Tàu Cộng biết là Việt Nam vẫn duy trì tình cảm của người anh em Cách Mạng Mao-Hồ.  Một tình hữu nghị Việt - Trung bất diệt, I love you forever!
            Việt Nam giao cho Tàu Cộng những khu đất tự trị (một quốc gia trong một quốc gia), không có sự xâm nhập của người Việt (off limit to Vietnamese citizen), không có sự kiểm soát của chánh quyền.  Đàn áp và giải tán những cuộc biểu tình cuội để vuốt ve Tàu Cộng.
             Về kinh tế thì cho Tàu Cộng độc quyền đầu tư và xây cất những công trình quan trọng của các đồ án hạ tầng cơ sở (infrastructure).    
 Viễn Ảnh Của Một Nước Việt Nam Tự Do
           Sanh hoạt chánh trị, tại vùng Biển Đông nói riêng và toàn vùng Đông Nam Á nói chung, là những đợt sóng ngầm tiếp nối triền miên và với nguồn sinh lực (energy) vô tận.  
            Tàu Cộng đang ở cái thế hung hăng, lấn áp để phô trương thế lực; Hoa Kỳ vì thể diện của một Anh Hùng Vô Địch (the world champion) phải biểu diễn vài thế trong giang hồ bí kíp để hóa giải mê hồn trận.  Hoa Kỳ phải tung ra tuyệt chiêu cho thằng em (Việt Nam) lên tinh thần nhưng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ hạ độc thủ.  Hoa Kỳ thiếu nợ Tàu Cộng 1.300 tỷ Mỹ Kim (1.3 trillion dollars in 2013), trao đổi buôn bán với Tàu Cộng trong năm 2016 lên đến 580 tỷ Mỹ Kim.  Nếu có sự xung đột thì sẽ gây khủng khoảng trầm trọng cho guồng máy kinh tế của cả hai nước liên hệ.
           Nước Việt Nam có thể giữ được trạng thái cân bằng (balance) giữa ảnh hưởng của các thế lực siêu cường, không phải vì Việt Nam đủ mạnh để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, mà do sự tạm thời hòa hoãn sống chung hòa bình của các Cường Quốc.  
           Nước Việt Nam đang cầm quyền có một đường lối chánh trị độc tài, một chánh sách cai trị bằng hận thù, thiếu đạo đức, và phản thiên nhiên.  Việt Nam hiện hữu có một đường lối điều hành phản khoa học và đi ngược với sự tiến bộ của nhân loại.  Chế độ Độc Tài sẽ bị đào thải không phải vì ảnh hưởng của thế lực bên ngoài mà do chính người dân trong nước chủ động.   Người Việt Nam là một sắc dân thông minh, yêu nước, Huynh hy vọng thế hệ trẻ sẽ nhận lãnh trách nhiệm đưa Việt Nam ra khỏi chế độ độc tài.  Họ đã đi du học bên ngoài, tại các quốc gia văn minh tân tiến, tôn trọng nhân quyền.  Họ hấp thụ một nền văn hóa cận đại và tư tưởng cởi mở **.  Họ sẽ là những người lãnh đạo nước Việt Nam trong tương lai.
            Những người Việt có khả năng và nhiệt tình, trong và ngoài nước, đều được mời tham gia, đóng góp công sức để phát triển đất nước.
            Huynh hy vọng trong một ngày rất gần được về Việt Nam, được hít lại bầu không khí Tự Do.  Huynh sẽ trở lại Hậu Giang, chống gậy đi trên mảnh đất của Hải Đoàn 25 Xung Phong, nơi mà Huynh đã có một thời làm Sỹ Quan Căn Cứ.  Huynh sẽ đón ghe đuôi tôm xuống Quận Trà Ôn tìm lại anh Ba Răng Dàng (vàng), người dân quê chất phát hiền hòa,  lai rai vài xị  (rượu đế) với cá lóc nướng trui thơm phức làm mồi.  Cuối cùng, làm thêm một màn cháo Vịt Xiêm béo ngậy trước khi chia tay.
           Đó là ước mơ của Huynh mà cũng là sự mong đợi của những Người Việt Quốc Gia trên toàn thế giới.
Hoa Kỳ,  ngày 24  tháng 8 năm 2017
Đông Trường Sơn             
* Dữ kiện và hình ảnh trình bày trong bài bình luận dựa trên tài liệu cập nhật của các tổ chức chánh trị và hệ thống truyền thông quốc tế.
** Tổng số sinh viên Việt Nam du học học tại Hoa Kỳ đứng hàng thứ 6 trên thế giới. Sinh viên Trung Quốc sắp hạng số 1.

Không có nhận xét nào: