Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Ấn Độ Dương Tân Hoa Xã hôm qua 25/08/2017 loan báo hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật hiếm hoi ở Tây Ấn Độ Dương, trong bối cảnh căng thẳng với Ấn Độ.<!>
Cuộc tập trận này có sự tham gia của khu trục hạm Trường Xuân (Changchun), chiến hạm tên lửa dẫn đường Kinh Châu (Jingzhou) và tàu tiếp liệu Sào Hồ (Chaohu). Đoàn tàu này đã khai hỏa vào các tàu địch và hoàn thành việc tiếp tế nhiên liệu, nước uống trong cuộc tập trận kéo dài nhiều ngày. Bản tin không cho biết địa điểm cụ thể. Chỉ huy hạm đội Trần Đức Nam (Chen Denan) cho biết, cuộc tập trận nhằm tăng cường hiệu năng của các chiến hạm trong trường hợp chiến đấu thực sự.
Cũng theo Tân Hoa Xã, hạm đội này đang thực hiện vòng thăm viếng hữu nghị tại châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương, và đã tập trận chung với các chiến hạm của 10 nước từ khi khởi hành hôm 23/4.
Kể từ khi đụng độ với Ấn Độ tại Doklam, Trung Quốc đã biểu dương sức mạnh bằng cách tiến hành nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng. Nhưng đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua Bắc Kinh cho tập trận hải quân trên Ấn Độ Dương, sau cuộc tập trận Malabar gần đây giữa hải quân ba nước Mỹ, Ấn, Nhật.
Với tham vọng bành trướng hải quân trên toàn cầu, Trung Quốc mới đây đã đưa vào hoạt động căn cứ hậu cần hàng hải ngoài nước đầu tiên tại Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi trên Ấn Độ Dương, và ký kết hợp đồng thuê cảng Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm. Bắc Kinh cũng mua lại cảng chiến lược Gwadar của Pakistan, nối Tân Cương với hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan đi xuyên qua vùng Cachemire do Pakistan chiếm đóng.
Nhật quan ngại vì oanh tạc cơ Trung Quốc bay qua bán đảo Kii
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm qua 25/08/2017 bày tỏ quan ngại trước sự kiện chưa từng có là sáu oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc lần đầu tiên đã bay qua eo biển Miyako, nằm giữa đảo Okinawa và Miyako ở Biển Hoa Đông, vào không phận bán đảo Kii. Ông Onodera cho biết Tokyo đã phản ứng thông qua các kênh ngoại giao, và tiếp tục theo dõi tình hình. - RFI
2.
Iraq: Quân chính phủ tấn công ổ kháng cự IS cuối cùng
Các lực lượng Iraq nói rằng họ đã sẵn sàng giành lại thành phố Tal Talar từ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) sau sáu ngày chiến đấu dữ dội.
Quân đội đã dọn sạch thành cổ và vùng lân cận bao quanh của các chiến binh, tướng Abdul Amir Yarallah cho biết hôm thứ Bảy.
Tin cho hay các cuộc đụng độ vẫn còn diễn ra ở ngoại ô phía Bắc của thành phố.
Tal Afar, ở gần biên giới Syria, là một trong những căn cứ và ổ kháng cự cuối cùng của quân thánh chiến ở Iraq.
Tháng trước, một chiến dịch kéo dài đã đẩy bật các chiến binh IS ra khỏi thành phố Mosul của Iraq.
Tướng Yarallah, chỉ huy cuộc tấn công mới nhất, nói rằng các lực lượng của ông hiện đang giải quyết những ổ kháng cự cuối cùng của các chiến binh thánh chiến ở thung lũng Afar.
Một đoạn phim từ bên trong thành cho thấy các lực lượng đang di chuyển qua các đường phố trong những chiếc xe tăng với khói đen bốc lên từ các khu nhà là mục tiêu tấn công.
"Thành phố Tal Afar sắp rơi hoàn toàn vào tay lực lượng của chúng tôi, chỉ có 5% vẫn còn [thuộc quyền kiểm soát của IS]", một phát ngôn viên của quân đội nói với hãng tin Reuters.
Những người lính thuộc lực lượng do người Shia dẫn đầu (Hashd al-Shaabi) nói họ gặp phải kháng cự của quân IS dưới hình thức bắn tỉa, xe hơi đặt mìn cài bẫy và pháo cối.
Đột phá
Các lực lượng Iraq đã đột phá xuyên qua các tuyến phòng thủ của IS để tiến tới trung tâm của Tal Afar vào thứ Sáu.
Các đơn vị tinh nhuệ cũng đã chiếm giữ các khu lân cận thuộc mạn bắc của Nida, Taliaa, Uruba, Nasr và Saad, bộ chỉ huy liên chiến dịch của Iraq (JOC) cho biết.
Người ta tin rằng khoảng 2.000 chiến binh đã từng ở bên trong Tal Afar, giữa 10.000 tới 40.000 thường dân.
Tal Afar, nơi có dân số 200.000 người với chủ yếu là người sắc tộc Turkmen trước khi bị rơi vào tay của IS hồi tháng Sáu năm 2014, tọa lạc trên một tuyến đường huyết mạch lớn giữa Mosul, khoảng 55km về phía đông, và biên giới Syria, 150 km về phía tây.
Nguồn tin an ninh nói một phần tử nam giới từ thành phố này đã gia nhập hàng ngũ của IS như các chỉ huy, thẩm phán và các thành viên của cảnh sát tôn giáo.
Thành phố đã bị cắt đứt trong giai đoạn chín tháng với Mosul do các cuộc tấn công của quân đội và dân quân đồng minh từ Hashd al-Shaabi.
Nhưng quân đội của chính phủ đã không thử tái chiếm thành phố này cho đến tuần này.
Hơn 30.000 thường dân đã bỏ chạy khỏi khu vực Tal Afar kể từ cuối tháng Tư, nhiều người trong số họ khi đến được các địa điểm của chính phủ Iraq đã bị kiệt sức và mất nước, sau khi phải đi bộ trong vòng 10 đến 20 giờ trong thời tiết cực kỳ nóng, Liên Hợp Quốc cho biết. - BBC
3.
Trung Quốc và Hồng Kông: Hai lãnh thổ, một chế độ
Thời sự châu Á tuần lễ cuối tháng 8/2017 rất được tờ báo Anh The Economist chú ý, với tình hình tại Hồng Kông, nhượng địa cũ của Anh đã được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết tiếp tục duy trì một chế độ tương đối tự do tại vùng lãnh thổ này, theo chủ trương được gọi là « Một đất nước, hai chế độ ». Thế nhưng, bản án tù mà tư pháp Hồng Kông vừa ban hành nhắm vào ba thủ lĩnh của phong trào Dù Vàng đã khiến The Economist phải lên tiếng báo động về nguy cơ các quyền tự do mà Bắc Kinh hứa tôn trọng bị xóa bỏ, dẫn đến thực tế là chủ trương Một đất nước, hai chế độ áp dụng cho Hồng Kông sẽ biến thành « Hai lãnh thổ, một chế độ », và đó là chế độ khắc nghiệt của Trung Quốc.
Trong bài viết "Trung Quốc đang đe dọa chế độ nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông", The Economist đã nhắc lại vụ ba thủ lĩnh học sinh và sinh viên đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông vào năm 2014 đã bị tư pháp Hồng Kông kết án tù giam ngày 17/08, để tỏ ý lo ngại cho tương lai vùng lãnh thổ này, đồng thời phê phán thái độ hầu như dửng dưng của Anh Quốc và cộng đồng Quốc Tế.
Nhắc lại câu nói bất khuất của sinh viên Hoàng Chi Phong gởi qua Twitter ít lâu sau khi anh và hai người bạn bị tuyên án – « Các người có thể giam hãm thân xác, nhưng không thể cầm tù tinh thần của chúng tôi » - tuần báo Anh Quốc ghi nhận phản ứng phẫn nộ của những người ủng hộ ba tù nhân trẻ, với hàng chục ngàn người xuống đường phản đối.
Theo rất nhiều người Hồng Kông, ba thanh niên vừa bị kết án là ba tù nhân chính trị, và sự im lặng của phương Tây, đặc biệt là của Anh Quốc, rất đáng thất vọng.
Theo The Economist, người dân Hồng Kông lo ngại là đúng, vì dù không phải là một nền dân chủ, nhưng đặc khu này cởi mở hơn so với Trung Hoa Lục Địa, và uy tín của Hồng Kông phụ thuộc một phần vào việc nơi này có một hệ thống tư pháp nghiêm ngặt và vô tư. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nước ngoài chọn sống và đầu tư ở Hồng Kông và bất kỳ một sự xói mòn nào của nhà nước pháp quyền nào tại đấy cũng đe doạ sự thịnh vượng của Hồng Kông, cũng như uy tín của của Trung Quốc, vốn đã hứa hẹn tôn trọng quyền tự do của Hồng Kông khi thu hồi lãnh thổ từ tay nước Anh vào năm 1997.
Tập Cận Bình muốn bóp nghẹt quyền tự do ở Hồng Kông
Theo The Economist, dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng công khai tìm cách bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông. Tập Cận Bình đặc biệt bực tức trước những cuộc biểu tình của phong trào Dù Vàng, đòi cho Hồng Kông được nhiều quyền dân chủ hơn. Trung Quốc đã cử mật vụ qua Hồng Kông bắt cóc những nhân vật mà Bắc Kinh không thích, đã thúc đẩy việc tước quyền đại biểu của các nghị sĩ dân chủ, và đã thẳng thừng gây áp lực lên các thẩm phán Hồng Kông.
Tuần báo Anh ghi nhận : Chính do việc chính quyền Hồng Kông kháng cáo mà ba sinh viên trong phong trào Dù Vàng bị kết án tù. Đối với The Economist, việc các thẩm phán khuất phục trước sức ép từ bên ngoài là điều chưa thể xác minh, nhưng không một chút nghi ngờ về việc Bắc Kinh áp lực buộc chính quyền Hồng Kông thúc đẩy các bản án khắc nghiệt hơn. Một cách hết sức vô lý, đảng Cộng Sản Trung Quốc lại coi ba người này là thành phần ly khai nguy hiểm, và bản án tù đối với họ có nghĩa là họ không được ứng cử trong vòng 5 năm.
Tâm lý hoài nghi về các thẩm phán có thể khiến người dân mất lòng tin vào luật pháp và làm cho Hồng Kông dễ bị bất ổn như vào năm 2014, khi vào tháng 11, Nghị Viện do Trung Quốc chuẩn y đã giáng một đòn như búa tạ vào tính chất độc lập của tư pháp Hồng Kông khi muốn tác động lên một phiên xử của tòa án về việc có nên bác bỏ hay không tư cách nghị sĩ của hai nhà lập pháp ủng hộ dân chủ chỉ vì họ không tuyên thệ trung thành với Trung Quốc. Ít lâu sau, hai người này, rồi thêm bốn người khác, trong đó có La Quán Thông, một trong ba người vừa bị án tù, đã bị tước tư cách nghị sĩ.
Trung Quốc cũng muốn Hồng Kông ban hành luật chống nổi loạn và lật đổ. Năm 2003, chính quyền đặc khu đã phải gác qua một bên một dự luật như vậy sau các cuộc biểu tình phản đối của quần chúng. Nếu giờ đây, chính quyền Hồng Kông khôi phục lại ý định đó, thì họ cũng vấp phải phản ứng dữ dội tương tự, bởi vì người dân sẽ sợ rằng luật mới đó có thể được dùng để bắt người phạm tội chính trị, và qua đó biến Hồng Kông tự do thành một thành phố khác của Trung Quốc.
Đảng Cộng Sản có thể nhún vai xem thường các phản đối vì Trung Quốc vẫn cứ thịnh vượng bất chấp những hành vi côn đồ của họ. Tuy nhiên, vẫn có một cái giá phải trả.
Đối với một đất nước muốn trở thành cường quốc trong một hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ, sự tôn trọng thỏa thuận đảm bảo quyền tự do của Hồng Kông là thước đo quan trọng về uy tín của Trung Quốc. Nhưng hiện tại Bắc Kinh đã bội ước, cho nên thế giới phải lên tiếng. - RFI
4.
Dù gặp nhiều tai nạn, Hoa Kỳ vẫn duy trì các chiến dịch ở Biển Đông
Hôm qua, 25/08/2017, một viên tướng Mỹ khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn duy trì các chiến dịch tại vùng Biển Đông đang tranh chấp, cho dù đã xảy ra nhiều vụ tai nạn của các chiến hạm Mỹ tại châu Á.
Theo hãng tin Reuters, đang viếng thăm thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, tướng Terrence O’Shaughnessy, tư lệnh lực lượng không quân Thái Bình Dương, hôm qua tuyên bố rằng khả năng phòng thủ của quân đội Mỹ vẫn nguyên vẹn, mặc dù đã xảy ra 4 tai nạn liên quan đến các chiến hạm Mỹ từ đầu năm đến nay ở châu Á. Gần đây nhất là vụ khu trục hạm USS John S. McCain đụng một chiếc tàu chở dầu ngoài khơi Singapore ngày 21/08, khiến 2 thủy thủ chết và 8 thủy thủ mất tích.
Tướng O’Shaughnessy khẳng định rằng dù có những tai nạn nói trên, sẽ không có chuyện quân đội Mỹ từ bỏ các chuyến tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn rất bực tức trước các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của các chiến hạm Mỹ đến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.
Các vụ tai nạn của chiến hạm Mỹ đã là dịp để Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền rằng các nước trong khu vực không nên dựa quá nhiều vào Hoa Kỳ để bảo vệ an ninh. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã bày tỏ mối quan ngại rằng các chiến hạm Mỹ đang là một mối « đe dọa an ninh » đối với các tàu dân sự ở vùng Biển Đông. - RFI
5.
Cư dân mạng Trung Quốc phải khai tên thật khi viết bình luận
Các trang web Trung Quốc bị buộc phải kiểm tra danh tính những người sử dụng trước khi để cho họ được đăng các lời bình trên mạng. Bắc Kinh hôm nay 26/08/2017 loan báo như trên, cho thấy chế độ đang siết chặt thêm việc kiểm duyệt thế giới mạng.
Kể từ ngày 1/10 tới, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc diễn đàn phải « bảo đảm danh tính thực » của những người sử dụng, trước khi cho phép họ đăng các nội dung và lời bình lên mạng – theo quy định mới được công bố hôm qua của cơ quan quản lý internet Trung Quốc.
Tương tự, các trang web được lệnh « tăng cường giám sát các thông tin ». Nếu phát hiện các nội dung « bị pháp luật cấm đoán », thì phải « ngay lập tức gỡ bỏ » đồng thời « báo cho chính quyền biết ».
Internet Trung Quốc lâu nay vẫn bị hạn chế ngặt nghèo bởi hệ thống được mệnh danh là Vạn lý Hỏa thành, chặn hết các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Google và nhiều báo chí phương Tây. Các mạng Trung Quốc như Vi Bác hay dịch vụ tin nhắn nổi tiếng WeChat cũng bị kiểm duyệt chặt chẽ, các nội dung bị cho là « nhạy cảm » thường bị xóa ngay và một số từ khóa bị chặn.
Việc chính quyền Trung Quốc muốn cấm cư dân mạng ẩn danh khi đăng lời bình không phải là mới, nhưng các quy định trước đây chỉ được áp dụng một phần. Nay với việc bắt buộc phải đăng ký tên thật của cư dân mạng, có thể kèm theo bản sao thẻ căn cước để chứng thực, đánh dấu một sự cứng rắn thấy rõ và nguy cơ bị truy tố. Kể từ năm 2013, những thông tin bị cho là « vu khống » có thể dẫn đến án tù.
Quy định mới này nằm trong khuôn khổ một đạo luật quan trọng về « an ninh mạng » bắt đầu có hiệu lực từ tháng Sáu. Luật này cấm đăng tải các nội dung gây tác hại đến « danh dự quốc gia », « làm xáo trộn trật tự xã hội » hay nhằm « lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa ».
Vào lúc gần đến Đại hội Đảng tổ chức vào mùa thu này, các dấu hiệu cứng rắn ngày càng nhiều thêm. Vào tháng Bảy, Bắc Kinh ra lệnh cho các tập đoàn công nghệ lớn đóng cửa các trang đăng tải những thông tin chính trị nhạy cảm, những « diễn giải xấu » về các chỉ thị của chính quyền và « bóp méo » lịch sử của đảng.
Chú gấu Winnie vô tội cũng bị vạ lây : tất cả các bình luận về nhân vật hoạt hình này, bị cho là giống Tập Cận Bình trong các bức ảnh chế, đã bị chặn vào tháng trước. Bắc Kinh còn tăng cường chiến dịch chống VPN, tức những phần mềm giúp vượt tường lửa, và đến đầu tháng Tám đã mở điều tra về ba trang web lớn vì « truyền bá những nội dung bạo lực, dung tục". - RFI
6.
Lao động biệt phái: Ba Lan chỉ trích tổng thống Pháp Macron
Vấn đề cải tổ quy định về những người lao động biệt phái trong Liên Hiệp Châu Âu đang gây căng thẳng quan hệ giữa Pháp với Ba Lan. Hôm qua, 25/08/2017, thủ tướng Ba Lan Beeta Szydlo cho rằng những tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron về Ba Lan là « kiêu ngạo », sau khi ông chỉ trích Vacxava vẫn từ chối cải tổ quy định này.
Trên trang mạng wpolityce.pl, bà Szydlo tuyên bố : « Tôi khuyên Ngài tổng thống nên lo công việc của nước ông, có thể lúc đó ông sẽ đạt được các thành quả kinh tế và an ninh cho công dân của ông, như những gì mà Ba Lan bảo đảm ». Bà nhắc ông Macron rằng « Ba Lan là một thành viên Liên Hiệp Châu Âu ngang hàng với nước Pháp ».
Thủ tướng Szydlo đã nói như trên sau khi tổng thống Pháp trong cuộc họp báo tại Varna, Bulgari, hôm qua đã trách Ba Lan đang « tự đặt mình ra bên lề » châu Âu và đi ngược lại các lợi ích của châu Âu « trên nhiều vấn đề ». Ông Macron đã chỉ trích kịch liệt việc Vacxava dứt khoát chống lại dự án cải tổ quy định về các lao động biệt phái.
Đây là hồ sơ vẫn gây chia rẽ các nước châu Âu. Quy định hiện nay của Liên Hiệp Châu Âu cho phép chẳng hạn như một công ty Ba Lan giành được một hợp đồng ở Pháp được điều động những người lao động Ba Lan đến làm việc tạm thời tại Pháp, mà không phải trả các khoản đóng góp xã hội ở Pháp, vốn cao hơn rất nhiều so với Ba Lan.
Đối với tổng thống Macron, đây là một sự cạnh tranh bất bình đẳng và điều này làm tăng thêm tâm lý chống hợp nhất châu Âu ở các nước Tây Âu.
Tổng thống Pháp hôm qua vừa kết thúc chuyến công du ba nước Trung Âu, Áo, Rumani và Bulgari chủ yếu chính là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho dự án cải tổ quy định về lao động biệt phái. - RFI
7.
Chi phí "trang điểm" cho tổng thống Pháp gây bất bình
Chi phí trang điểm cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lên tới 26 ngàn euro tính từ khi ông nhậm chức cách đây ba tháng, đang gây phản ứng bất bình trên các mạng xã hội tại Pháp.
Trong số báo ra ngày 24/08/2017, tuần báo Le Point tiết lộ rằng người trang điểm cho ông Macron đã gởi đến phủ tổng thống Pháp hai hóa đơn, một hóa đơn 10 ngàn euro và hóa đơn kia 16 ngàn euro cho ba tháng "chăm sóc sắc đẹp" cho vị nguyên thủ quốc gia Pháp. Hôm qua, những người thân cận với tổng thống Macron đã xác nhận thông tin nói trên với hãng tin AFP.
Sau tiết lộ của tuần báo Le Point, đã có nhiều lời chỉ trích trên các mạng xã hội, bất bình với số tiền quá lớn dành cho việc trang điểm cho tổng thống, vào lúc mà dân Pháp được kêu gọi phải thắt lưng buộc bụng và chính phủ đang cắt giảm một số trợ cấp, trong đó có trợ cấp về nhà ở.
Hôm thứ năm vừa qua, phủ tổng thống Pháp bảo đảm với đài truyền hình BFMTV là chi phí trang điểm cho tổng thống sắp tới đây « sẽ giảm đáng kể ».
Trước đây tổng thống François Hollande cũng đã từng bị chỉ trích vì chi tiêu mỗi tháng 6000 euro cho người trang điểm và 10 ngàn euro cho người hớt tóc.
Sau ba tháng cầm quyền, tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Macron đã sụt giảm rất nhiều và chính phủ của ông đang chuẩn bị đối phó với các cuộc biểu tình tháng 9 tới theo lời kêu gọi của các công đoàn và phe cực tả để chống lại dự án cải tổ luật lao động. - RFI
Tin Hoa Kỳ
8.
Trump ân xá Cảnh sát trưởng Arizona bị kết tội khinh mạn tòa án
Tổng thống Donald Trump ra quyết định ân xá cựu cảnh sát trưởng Joe Arpaio ở bang Arizona, một trong những người ủng hộ ngay từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, chưa đầy một tháng sau khi ông ta bị kết tội khinh mạn hình sự trong một vụ án liên quan đến chính sách của sở cảnh sát của ông ta chặn giữ người dựa trên yếu tố chủng tộc.
Trong một thông cáo phát đi vào tối thứ Sáu, Nhà Trắng nói về ông Arpaio như sau: "Trong suốt thời gian làm cảnh sát trưởng, ông Arpaio tiếp tục công tác suốt đời của mình là bảo vệ công chúng khỏi những vấn nạn tội phạm và tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sát trưởng Joe Arpaio giờ đã tám mươi lăm tuổi. Sau hơn năm mươi năm phụng sự đáng khâm phục cho Quốc gia của chúng ta, ông ấy là một ứng viên xứng đáng cho lệnh ân xá của Tổng thống."
Ông Trump đã nói bóng gió trong cuộc tập hợp kiểu vận động tranh cử hồi đầu tuần này rằng ông có thể ân xá ông Arpaio, người được những người ủng hộ gọi là "cảnh sát trưởng cứng rắn nhất nước Mỹ."
Khi còn là cảnh sát trưởng Quận hạt Maricopa của bang Arizona, ông Arpaio là người lớn tiếng cổ súy cho những vụ trấn áp nhập cư bất hợp pháp và tháng trước đã bị kết tội khinh mạn tòa án vì từ chối thi hành một lệnh hồi năm 2011 của một thẩm phán tòa án liên bang Hoa Kỳ buộc ông ta chấm dứt những cuộc tuần tra giao thông nhắm mục tiêu xác định những người nhập cư bất hợp pháp.
Một số người chỉ trích ông Arpaio bày tỏ thất vọng về quyết định của ông Trump, trong đó có Cecillia Wang, phó giám đốc luật pháp của Liên đoàn Quyền Tự do Dân sự Mỹ.
"Với việc ân xá Arpaio, Trump đã chọn sự vô luật pháp thay vì công lý," bà Wang nói, nhắc tới những biện pháp kỷ luật phi chính thống của ông Arpaio. Một số biện pháp này - chẳng hạn như chính sách chặn giữ người dựa trên yếu tố chủng tộc - đã bị tòa án phán quyết là bất hợp pháp.
"Một lần nữa, Tổng thống đã hành động ủng hộ những tập tục bất hợp pháp và thất bại để chấp hành luật di trú vốn dĩ nhắm mục tiêu vào người da màu và đã bị tòa án bác bỏ," bà nói. "Việc ân xá Arpaio là một sự ủng hộ công khai của tổng thống đối với sự kì thị chủng tộc."
Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA), một tổ chức của những luật sư và những người chuyên nghiệp ngành luật khác, nói trong một thông cáo rằng họ thất vọng về hành động của Tổng thống, rằng nó làm suy yếu niềm tin của công chúng vào hệ thống luật pháp của Mỹ. ABA nói ông Arpaio đã "không tuân lệnh của các tòa án và vi phạm quyền của những người mà ông ta tuyên thệ bảo vệ," dùng cách hiểu riêng của ông ta về công lý thay cho luật pháp.
Hiệp hội Quốc gia các Quan chức Công cử và Được Bổ nhiệm Người Mỹ Latin gọi quyết định ân xá là "sự ủng hộ công khai nạn kì thị chủng tộc từ văn phòng cao nhất của đất nước."
Ông Arpaio lẽ ra đã phải đối mặt với án tù 6 tháng trong phiên tòa tuyên án vào ngày 5 tháng 10 tới đây. - VOA
9.
Bão Harvey suy yếu sau khi ập vào bờ biển Texas
Bão Harvey đã đổ bộ vào vùng đông nam bang Texas, ở thị trấn nhỏ Rockport gần thành phố Corpus Christi, sáng sớm thứ Bảy, đem gió mạnh và mưa lớn trút xuống hàng trăm dặm đường bờ biển của vùng Duyên hải Vịnh Mexico ở bang miền nam này.
Harvey là cơn bão xoáy hung hãn nhất ập vào Mỹ trong hơn một thập kỷ - với sức gió 209 km/giờ tại thời điểm đổ bộ vào bờ.
Tuy nhiên cơn bão đã dần dần suy yếu, và tới sáng thứ Bảy, Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ cho biết Harvey có sức gió liên tục là 185 km/giờ.
Khi Harvey đến gần, hàng chục ngàn cư dân Texas đã chạy sâu vào nội địa để tránh bão dữ.
Chưa có thương vong nào được xác nhận ngay tức thì, nhưng giới hữu trách cho biết các đội ứng cứu khẩn cấp không thể tới được nhiều nơi vì gió mạnh.
Phản ứng của Trump
Khi Harvey bắt đầu tiến sát bờ biển Texas vào tối thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump nói ông đã ký một tuyên bố thiên tai liên bang cho Texas, mở ra nguồn lực cấp liên bang để hỗ trợ bang này.
Trung tâm Bão Quốc gia gọi Harvey là "cơn bão đe dọa tính mạng."
Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết cơn bão sẽ là một "thảm họa lớn" và cảnh báo người dân chuẩn bị để đối mặt với lũ lụt kỷ lục.
Cơn bão được dự báo sẽ di chuyển qua một vạt rộng 600 km dọc theo đường bờ biển của Texas.
Lũ lụt
Thị trưởng thành phố Galveston ven bờ biển Texas, James Yarbrough, hôm thứ Sáu cho biết cơn bão dự kiến sẽ gây ngập lụt ở trung tâm thành phố, và nói rằng nước có thể sẽ không rút trong ba hoặc bốn ngày.
Các cơn bão xoáy thường suy yếu nhanh chóng thành bão nhiệt đới khi chúng đi vào đất liền, nhưng các nhà dự báo cho biết cơn bão này sẽ theo một mô thức bất thường – chậm lại khi nó ập vào bờ biển, sau đó có lẽ quay ngược trở ra biển trong một thời gian ngắn và lại ập vào những cộng đồng nằm ờ vùng đất thấp ven biển.
Harvey dự kiến sẽ trút gần 100 cm nước mưa trên một khu vực rộng lớn của bờ biển Texas trong ba ngày tới.
Người dân Texas sống ở vùng Duyên hải Vịnh Mexico đã chuẩn bị cho cơn bão này bằng cách đặt những bao cát xung quanh những khu vực dễ bị ngập lụt. Người dân cũng đổ xô tới các cửa hàng mua nước và những nhu yếu phẩm khác để sống qua những ngày sắp tới.
Lần gần đây nhất mà một cơn bão xoáy ập vào phía nam bờ biển Texas là cách đây 14 năm. Thống đốc Abbott đã ra lệnh huy động nhân viên ứng cứu khẩn cấp của bang để thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cần thiết. - VOA
Tin Việt Nam
10.
Người tiêu dùng VN không ưa TQ, còn quan chức thì muốn dĩ hòa
Cô Hà Trần ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi đi mua đồ ăn, quần áo hay đồ điện tử, thường tránh mua hàng nhập từ nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Cô nói hàng “thì dổm,” còn Trung Quốc thì chẳng tử tế gì với Việt Nam.
“Trung Quốc xuất nhiều hàng chất lượng kém sang Việt Nam. Chúng tôi biết rằng họ không xuất khẩu hàng kém chất lượng như vậy cho các nước khác trên thế giới. Do đó chúng tôi tránh mua hàng Trung Quốc,” cô Hà, 24 tuổi, nhân viên của một hãng thiết kế ở Sài Gòn. Người Việt chuộng hàng Nhật và hàng Âu, Mỹ hơn. “Chúng tôi đã nhiều lần xài hàng Trung Quốc trước đây, và nhận thấy chúng rất dễ hư, vỡ.”
Cô Hà nói quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc còn là “một yếu tố” nữa khiến người tiêu dùng không muốn mua hàng Trung Quốc.
Cô Hà không phải là một khách hàng hiếm hoi không thích hàng Trung Quốc. Người tiêu dùng trên cả nước Việt Nam thường tránh mua hàng “Made-in-China” để bày tỏ bất mãn đối với hàng chất lượng thấp từ một nước từ bao đời nay hay tranh chấp, xâm lấn đất nước của họ. Hai nước thường xuyên mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay mà trước đó đã từng xảy ra những trận hải chiến vào năm 1974 và 1988. Hai bên cũng đã xung đột trên bộ hồi thập niên 1970.
Việt Nam cảm thấy Trung Quốc lấn át trong tranh chấp lãnh hải với việc Bắc Kinh dùng quân đội hùng mạnh hơn kiểm soát quần đảo Hoàng Sa đang trong tranh chấp.
Theo dự báo của nhóm tư vấn Bostom Consulting Group, người tiêu dùng đang trở thành một thế lực ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam với hơn một phần ba của dân số 93 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và những con số đó sẽ tăng mạnh từ nay cho đến năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa tăng nhanh góp phần vào sự giàu có đang tăng của Việt Nam bằng việc tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm kể từ năm 2012.
“Nếu người mua tìm được một sản phẩm cùng giá, và họ xác định được là một cái là hàng Trung Quốc và một cái là hàng Nhật, Hàn Quốc hay của nước nào khác, quý vị sẽ đoán được là họ chọn hàng nào,” ông Oscar Mussons, một chuyên gia kỳ cựu của nhóm tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates ở Sài Gòn, nhận xét. “Người Việt không xem Trung Quốc là một nước đàn anh, mà là đối thủ.”
Ông Mussons nói: “Điều này là do những vấn đề xảy ra hồi gần đây, như việc Trung Quốc tấn công những biểu tượng của quốc gia như chiếm các hải đảo trên Biển Đông. Đối với người Việt Nam, đó là những điều không thể nào chấp nhận được, cho dù công chúng không được nghe nói đến nhiều, hay chính phủ tìm cách bưng bít những thông tin đó.”
Các giới chức Việt Nam tìm cách giảm nhẹ những tranh chấp chính trị với Trung Quốc kể từ khi xảy ra những vụ bạo loạn chống Trung Quốc năm 2014 đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ. Việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp đã châm ngòi cho các cuộc bạo động.
Nhưng Việt Nam vẫn xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Theo truyền thông báo chí tại Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong bốn tháng đầu năm nay lên dến 25,5 tỉ đôla. Các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải lệ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc.
Ngoài những vấn đề chính trị, đa số người tiêu dùng Việt Nam cho rằng Trung Quốc xuất hàng chấp lượng kém sang Việt Nam. Các công ty khổng lồ của Trung Quốc, lớn hơn các đối thủ Việt Nam nhiều, thường bán tháo hàng tồn kho, hàng thừa của họ sang Việt Nam.
Ông Jason Moy, chủ nhiệm nhóm tư vấn Bostom Consulting Group ở Singapore, nhận xét: “Đối với người tiêu dùng Việt Nam nói chung, hàng Trung Quốc bị xem là hàng chất lượng thấp. Một số đúng như vậy trong thực tế, nhưng cũng có những thông tin bị mạng xã hội lèo lái tạo ra thành kiến xấu.” Người có thu nhập thất, học thấp có thể bị chi phối bởi những thông tin định kiến đó, ông Moy nói thêm. “Do đó, hàng Trung Quốc thường đứng chót trong ưu tiên chọn lựa, hay chỉ trong danh sách dự phòng.”
Giày dép, đồi chơi, nhu yếu phẩm bán qua biên giới với giá rất rẻ có thể đã làm hàng Trung Quốc bị tai tiếng ở Việt Nam, nhưng người có thu nhập thấp mua chúng với giá rẻ, theo nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak ở Singapore. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc bán qua đường biên giới vào Việt Nam có nhiều trường hợp đã bóp chết thị trường truyền thống của Việt Nam, ông Hiệp nói thêm.
Tẩy chay có tổ chức đối với hàng Trung Quốc tiếp theo sau các vụ bạo động hồi năm 2014 không kéo dài được bao nhiêu, bởi vì người nghèo ở Việt Nam không kham nổi giá cả đắt đỏ hơn của những nguồn hàng khác.
Mặc dù điện thoại di động Trung Quốc đang tạo được uy tín đáng kể trên thị trường Việt Nam, cô Hà nói rằng cô đã từng mua một chiếc điện thoại Trung Quốc cho mẹ của cô chỉ đơn thuần là giá của nó rẻ, hợp với túi tiền. “Xài được vài tháng thì hỏng,” cô nói, và gia đình phải mua một chiếc điện thoại khác.
Chỉ có dép kẹp của Trung Quốc là đáng giá, vì chỉ một đôla một đôi, nên có thể dùng vài lần rồi bỏ cũng không sao.
Tiến sĩ Hiệp nói: “Người tiêu dùng hiểu rõ tiêu chuẩn thấp, chất lượng kém của hàng Trung Quốc. Theo tôi, một trong những lý do là đa số hàng Trung Quốc là hàng tiểu thủ công nghệ được nhập theo đường tiểu ngạch, không theo đường chính ngạch.”
Người tiêu dùng nhiều tiền hơn đánh giá hàng Nhật có chất lượng cao nhất, nhất là xe máy và đồ dùng điện tử, theo nhận định của ông Moy. Thực phẩm và đồ điện tử của Hàn Quốc cũng giành được uy tín trên thị trường Việt Nam. - VOA
11.
Thiếu dân chủ, trả giá kinh tế
Mạng Bloomberg.com vào ngày 24 tháng 8 có bài đề cập đến mối liên quan giữa dân chủ và kinh tế đối với Việt Nam.
Viễn ảnh kinh tế Việt Nam
Bài báo có nhan đề tiếng Anh “In Vietnam, repression threatens growth”, tạm dịch “Tại Việt Nam, sự đàn áp đe dọa tăng trưởng” của tác giả Ilaria Maria Sala, mở đầu với các số liệu đáng chú ý của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây như tỉ lệ thất nghiệp thấp ở mức 2,3%, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến tăng đều mỗi năm ở mức hơn 6% cho đến năm 2019, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân đạt kỷ lục hơn 16 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017 và nền sản xuất của quốc gia được cho là đang ‘bùng nổ’ khi nhiều công ty Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam .
Tuy nhiên, tác giả Ilaria Maria Sala nhấn mạnh vì thiếu dân chủ nên kinh tế Việt Nam phải trả giá do thể chế chính trị của nhà cầm quyền Hà Nội ngày càng hà khắc hơn trong việc gia tăng bắt bớ cùng các bản án tù nặng nề đối với giới bất đồng chính kiến và đấu tranh dân chủ trong quốc gia chỉ có một đảng cộng sản lãnh đạo.
Tác giả Ilaria Maria Sala trưng dẫn hai bản án gần đây nhất, tổng cộng 19 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhà hoạt động Trần Thị Nga. Theo khẳng định của tác giả mặc dù chỉ trích từ quốc tế cũng có phần nào tác động đến chính quyền Hà Nội, nhưng tình trạng đàn áp đang đe dọa tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam và Đảng Cộng Sản lãnh đạo cũng nhận thấy điều này.
Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu viên chức cấp cao của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam, bị Đức cáo buộc Việt Nam sang bắt cóc đưa từ Berlin về Hà Nội, hồi hạ tuần tháng 7 vừa qua, là minh chứng rõ ràng nhất. Qua vụ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh mà truyền thông Đức mô tả giống phim gián điệp thời Chiến tranh Lạnh, những ngày đầu tháng 8, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam. Và giới quan sát hầu như tiên liệu Việt Nam không thể ký kết Hiệp định Tự do Thương mại với Châu Âu.
Ngay sau khi vụ việc Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa về nước xảy ra, ông Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, đưa ra lời bình luận với RFA qua email rằng vụ việc này sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với Việt Nam. Nguyên văn trong nội dung email, ông Davit Hutt viết là:
“Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.”
Trong vòng 10 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU gia tăng từ 10 tỷ lên hơn 48 tỷ đô la Mỹ. Và nếu Việt Nam không thể đạt được Hiệp định Thương mại Tự do với Châu Âu thì mức GDP của Việt Nam không thể đạt được mục tiêu gia tăng 2,7%/năm.
Mất cơ hội cạnh tranh
Tác giả Ilaria Maria Sala so sánh Việt Nam với Indonesia và Philippines trong khu vực Đông Nam Á, cho rằng hai quốc gia sau có dân chủ và đây là yếu tố làm giảm bớt rủi ro trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi Việt Nam chỉ có thể có thêm nguồn vốn FDA một khi Hà Nội cởi mở hơn trong lãnh vực dân chủ. Bà này sử dụng cụm từ nói một cách khác là “Việt Nam sẽ mất cơ hội cạnh tranh khi gia tăng đàn áp”.
Trong khi đó, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định nói với RFA rằng Việt Nam còn bị mất uy tín trên trường quốc tế cả về mặt ngoại giao, đặc biệt liên quan đến cáo buộc nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền. Luật sư Lê Công Định lập luận:
“Bởi vì xưa nay các quốc gia giữ một vị thế độc lập và trung lập trong việc đánh giá. Những người bất đồng chính kiến nói rằng họ bị đàn áp, bị đối xử một cách không hợp pháp bởi nhà cầm quyền. Khi lên tiếng thì các cơ quan ngoại giao nước ngoài lắng nghe. Đồng thời họ cũng lắng nghe phía Chính phủ Việt Nam giải thích về những tố cáo cho là vi phạm nhân quyền.”
Luật sư Lê Công Định trình bày tiếp là phía Việt Nam dĩ nhiên bao giờ cũng đưa ra những lời bào chữa cho họ và bác bỏ không có vi phạm nhân quyền. Trong khi đó các nước có một nguyên tắc về phương diện luật pháp quốc tế là không can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia nào mà không có mối bang giao chặt chẽ với họ. Thường bao giờ các nước cũng giữ sự trung lập. Luật sư Định nêu ra trường hợp Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là hiển nhiên vi phạm luật pháp một cách có hệ thống. Theo ông thì về sau tất nhiên lời biện hộ của Chính phủ Việt Nam được nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ nhiều hơn so với quan điểm trung lập trước đây.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cả tác giả Ilaria Maria Sala và một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà Đài tiếp xúc đều có cùng nhận định các đối tác thương mại của Việt Nam sẽ đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn trong việc hợp tác nếu như Hà Nội không tuân thủ luật pháp cũng như không cho người dân được tự do ngôn luận. Ngược lại nếu Chính phủ Hà Nội cứ tiếp tục bất chấp lời cảnh báo của thế giới thì có thể kinh tế của Việt Nam sẽ bị tác động hết sức bất lợi. - RFA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét