Phạm Văn Tuấn
Trong thời kỳ Phục Hưng, các nghệ sĩ Cổ Điển tin tưởng rằng các nhân tài Hy Lạp và La Mã đã khám phá ra các định luật thẩm mỹ có giá trị vĩnh viễn nhờ đó các họa sĩ, nhà viết kịch, nhà văn, nhà thơ chỉ việc tuân theo và các văn nghệ sĩ cổ điển đã áp đặt các quy luật này trong thế kỷ 18 nhờ họ làm việc trong các triều đình và các hàn lâm viện. Từ năm 1750 trở về sau, những người đầu tiên của phong trào Lãng Mạn bắt đầu xuất hiện và nhân vật gây được nhiều ảnh hưởng nhất là Jean Jacques Rousseau (1712-78) do các lời biện hộ cho các đặc tính tự do, cảm xúc và bản chất tốt đẹp của thiên nhiên.
<!>
Trong khi xã hội Phương Tây thay đổi về các quan niệm chính trị và xã hội thì văn chương và các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, phê bình cũng tiến hóa theo. Phong trào Lãng Mạn từ từ phát triển, đã ảnh hưởng và làm giầu rất nhiều cho nền văn hóa tại châu Âu.
Phong trào Lãng Mạn (the Romantic movement) được coi là một cuộc cách mạng chống lại phong trào Cổ Điển (classicism) và thời đại Khai Sáng (the Enlightenment), bởi vì phong trào Cổ Điển đã đặt ra các tiêu chuẩn và quy luật như hài hòa, cân đối, yên tĩnh, lý tưởng hóa, còn thời đại Khai Sáng đặt niềm tin vào tính thuần lý (rationality), trật tự và một số giới hạn.
Sau đó phong trào Lãng Mạn lên tới cao độ vào thập niên 1790, đặc biệt tại nước Anh và nước Đức. Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã gây nên niềm tin rằng các cải cách căn bản có thể thực hiện được trong các đời sống văn hóa và nghệ thuật, nhưng rồi các biến cố và hậu quả bạo lực tại nước Pháp đã làm cho các nhà cải cách người Anh và người Đức theo trường phái Lãng Mạn phải thất vọng. Sau đó phong trào Lãng Mạn đã lấy lại được sức mạnh cho tới năm 1840, là năm phong trào Hiện Thực (realism) dần dần ló dạng.
1/ Các Nét Đặc Thù Của Phong Trào Lãng Mạn.
Phong trào Lãng Mạn bao gồm niềm tin tưởng vào sự phong phú tình cảm, vào trí tưởng tượng không giới hạn và vào đặc tính tức thời (spontaneity) trong đời sống cá nhân và nghệ thuật. Tại nước Đức, các nhân vật chủ trương lãng mạn trong hai thập niên 1770 và 1780 đã tự gọi là “Nhóm Bão Tố và Căng Thẳng” (the “Storm and Stress” = Sturm und Drang) và nhiều nghệ sĩ lãng mạn thuộc đầu thế kỷ 19 đã sống cuộc đời tình cảm với cường độ rất cao: điên khùng, tự tử, đấu gươm tới chết và các bệnh kỳ lạ.
Các nghệ sĩ này đã theo đuổi cuộc sống “du sinh” (bohemian), để tóc dài và đầu bù xù không chải, nằm ngủ trong các căn gác xép lạnh lẽo. Họ chối bỏ vật chất, tiện nghi và tìm lối thoát bằng thứ tinh thần cao vời của nghệ thuật. Họ là những người cuồng tín theo cá nhân chủ nghĩa, tin tưởng rằng nhờ vào bản chất tự do mà họ có thể làm phát triển các tiềm năng con người. Các văn nghệ sĩ lãng mạn đi tìm một thứ vũ trụ không giới hạn, tìm kiếm những gì không biết, không thể biết và không thể đạt tới được.
Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa trường phái cổ điển và trường phái lãng mạn là quan niệm tổng quát về "thiên nhiên" (nature). Trường phái cổ điển không quan tâm tới "thiên nhiên". Theo tác giả Samuel Johnson thuộc thế kỷ 18: “một cọng cỏ luôn luôn là một cọng cỏ, đàn ông và đàn bà mới là đề tài tìm hiểu của tôi”. Các văn nghệ sĩ thuộc trường phái cổ điển đã mô tả thiên nhiên là đẹp và không cầu kỳ, giống như một khu vườn được trồng tỉa cân đối trong khi các họa sĩ, nhà văn, nhà thơ lãng mạn say sưa vì thiên nhiên, đôi khi họ còn coi thiên nhiên là đáng sợ, khi nổi sóng, giống như trong bức họa “Chiếc Bè của Medusa” (The Raft of the Medusa) của họa sĩ Théodore Géricault, qua đó mô tả các người sống sót trôi dạt trên mặt biển giông bão.
Chiếc Bè của Medusa (The Raft of the Medusa)
Phần lớn các văn nghệ sĩ lãng mạn coi sự phát triển của nền kỹ nghệ mới là một cách tấn công xấu xa, tàn nhẫn vào thiên nhiên đáng yêu và vào bản chất của con người. Vì vậy họ phải đi tìm các lối thoát, tại miền hồ vắng thanh khiết của miền bắc nước Anh, trong khu rừng hoang sơ của châu Phi... Họ tránh xa các nơi kỹ nghệ hóa mới. Các nhà máy thép, các xưởng dệt vải... bị coi là những nơi có lửa cháy của địa ngục, mặt trăng trong khung cảnh thuộc khu kỹ nghệ mang mầu máu, các ngôi sao rơi xuống đất tại nơi này.
Các nhân vật thuộc trường phái lãng mạn còn say mê bộ môn "lịch sử ", coi nơi đây là cách thay đổi theo thời gian, vừa cơ hữu (organic), vừa linh động, không còn thuộc trạng thái tĩnh như quan niệm của các nhà thông triết (philosophes) trong thời kỳ Khai Sáng (Enlightenment) thuộc thế kỷ 18.
Các khảo sát lịch sử đã khuyến khích sự phát triển các ước vọng quốc gia (national aspirations), đã khiến cho vài dân tộc tìm kiếm các tầm vóc quan trọng, chẳng hạn như dân tộc Đức và các sắc dân thuộc miền Đông Âu. Theo nhà sử học người Anh Lord Acton, phong trào Lãng Mạn là một bước tiến mang tính định mệnh nhất trong trào lưu tư tưởng của châu Âu.
2/ Phong Trào Lãng Mạn Trong Văn Chương.
Nước Anh là quốc gia đầu tiên mà phong trào Lãng Mạn đã phát triển rực rỡ trong hai bộ môn Thơ và Văn. Các nhà văn, nhà thơ lãng mạn người Anh là những nghệ sĩ xuất sắc nhất tại châu Âu. Vào khoảng năm 1800, hoạt động tích cực nhất là các nhà thơ Wordsworth và Coleridge, sau đó không lâu là Byron, Shelley và Keats, với các vần thơ đặc sắc thuộc trường phái lãng mạn.
Vào năm 1798, hai nhà thơ Wordsworth và Coleridge đã xuất bản tập thơ Huyền Sử Ca Trữ Tình (Lyrical Ballads), một trong các tác phẩm văn chương gây được nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngôn ngữ Anh. Bất kể các quy luật cổ điển, Wordsworth và Coleridge đã bỏ qua các quy ước thơ phú hoa mỹ mà dùng lời nói thông thường, đồng thời cung cấp vẻ cao sang cho các đề tài đơn giản. Việc khước từ các quy tắc cổ điển lúc đầu bị chỉ trích nhưng rồi vào năm 1830, nhà thơ Wordsworth đã đắc thắng vẻ vang. Một trong các bài thơ lãng mạn điển hình của Wordsworth là bài “Hoa Thủy Tiên” (Daffodils).
Trong phần lời tựa của ấn bản lần thứ hai (1800) của tập thơ Huyền Sử Ca kể trên, Wordswoth đã mô tả thơ phú là nơi “các cảm xúc mạnh mẽ tràn ra một cách tức thời” (the poetry as “the spontaneous overflow of powerful feelings”). Câu nói này có thể được coi là một lời tuyên cáo (manifesto) của phong trào Lãng Mạn trong văn chương Anh.
William Wordsworth (1770-1850) là nhà thơ bậc nhất của phong trào, đã du lịch qua nước Pháp sau khi tốt nghiệp từ đại học Cambridge, tại nơi này ông ta đã say mê một phụ nữ Pháp. Wordsworth bị ảnh hưởng sâu đậm của lý thuyết triết học của J.J. Rousseau và tinh thần ban đầu của cuộc Cách Mạng Pháp. Để tránh chiến tranh và các khủng bố, Wordsworth trở lại nước Anh, sinh sống trong miền quê với người em gái Dorothy và Samuel Taylor Coleridge (1772-1834). Nhà thơ chính thứ ba của phong trào thơ lãng mạn tại nước Anh vào giai đoạn đầu là William Blake.
Tại nước Đức, các cải tiến văn chương đầu tiên bao gồm phần nội dung và văn phong (style) với các đặc tính bí ẩn, siêu nhiên và tiềm thức (subconscious). Các nhân tài ban đầu có thể kể là Friedrich Holderlin, Johann Wolfgang von Goethe, Jean Paul, Novalis, Ludwig Tieck, Friedrich Schlegel, Wilhelm Heinrich Wackenroder, Friedrich Schelling. Những người khởi đầu phong trào Lãng Mạn tại nước Pháp gồm có Tử Tước De Chateaubriand, bà De Stael do các bài viết gây nhiều ảnh hưởng và mang tính lý thuyết mới.
Giai đoạn thứ hai của phong trào Lãng Mạn kéo dài từ năm 1805 tới thập niên 1830, với đặc tính chú ý vào nguồn gốc quốc gia, văn hóa đặc thù địa phương. Tại nước Anh, thơ lãng mạn đã lên tới cao điểm do các thi tập của các nhà thơ John Keats, Lord Byron và Percy Bysshe Shelley. Về Văn có Thomas de Quincey, William Hazlitt và chị em Bronte. Các nhà làm công việc Văn Học đã sưu tập nhiều câu chuyện, bài hát, bài thơ dân gian cũng như các điệu nhảy, các nét âm nhạc truyền thống. Việc làm sống lại các câu chuyện lịch sử thời trước được diễn tả qua các tiểu thuyết lịch sử của Walter Scott.
Walter Scott (1771-1832) sinh tại Edinburg, nước Anh, đã nhân cách hóa phong trào lãng mạn qua bộ môn Lịch Sử. Scott đã quan tâm tới các bài thơ, câu chuyện kể của miền biên giới Tô Cách Lan, rồi do ảnh hưởng sâu đậm của nhà thơ người Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), Scott đã dịch thuật vở kịch danh tiếng của Goethe là vở “Goetz von Berlichingen”, nói về một hiệp sĩ thuộc thế kỷ 16 đã nổi loạn chống lại chính quyền trung ương vì tự do cá nhân. Walter Scott còn là một người kể chuyện rất tự nhiên, đã sáng tác được nhiều bài thơ dài và viết ra một loạt tiểu thuyết lịch sử (historical novels), đặc biệt nhắc lại các biến cố của miền Tô Cách Lan (Scotland).
Victor Hugo
Tại nước Pháp, phong trào cổ điển còn đủ mạnh để ngăn cản trào lưu lãng mạn mới nhưng rồi trong các năm từ 1820 tới 1850, sinh lực lãng mạn đã vượt trội trong các Thơ và Văn của Alphonse de Lamartine, Alfred de Musset, Alfred de Vigny, Standhal, Prosper Mérimée, Théophile Gautier, Victor Hugo, Alexandre Duma (cha) và George Sand. Trong những văn nhân này, Victor Hugo (1802-1885) là danh nhân bậc nhất cả về Văn lẫn Thơ.
Là con trai của một vị Tướng trong thời đại Napoléon, Victor Hugo đã sáng tác thơ văn trữ tình rất đặc sắc về âm điệu, ngôn ngữ và hình ảnh. Các tiểu thuyết của ông hàm chứa các nhân vật độc đáo, các cảm xúc nhân tính và các khung cảnh kỳ lạ. Một thí dụ về cách mô tả nhân vật đặc sắc ở trong cuốn “Anh Gù của Nhà Thờ Đức Bà” (The Hunchback of Notre Dame, 1831). Victor Hugo còn đứng hàng đầu về bộ môn Kịch, với vở Hernani (1830) từ bỏ các quy luật cũ, thể hiện tính tự do trong văn chương, trong tư tưởng chính trị và xã hội.
George Sand
George Sand (1804-1876) là một phụ nữ với ý chí mạnh, có tài, coi thường các quy ước xã hội để tìm cách tự thể hiện (self-fulfillment). Sau 8 năm không có hạnh phúc gia đình, George Sand bỏ chồng, mang theo 2 con tới thành phố Paris và theo đuổi nghề viết văn. Tại nơi này, bà ta đạt được danh tiếng và sự giàu có sau khi viết xong hơn 80 cuốn tiểu thuyết về các đề tài lãng mạn và xã hội, kể cả sự tự do dục tính. Đặc tính cá nhân chủ nghĩa của Geoge Sand đã thể hiện trong y phục nam, dáng điệu hút thuốc xì gà và các mối tình tai tiếng với nhạc sĩ Fréderic Chopin và nhà thơ Alfred de Musset.
Tại miền Trung Âu và Đông Âu, các nhà văn, nhà thơ đã chú tâm tới đời sống nông dân, các bài hát, các câu chuyện nhân gian mà trước kia bị coi thường. Hai anh em Jacob và Wilhelm Grimm đã thành công khi làm sống lại các câu chuyện cổ tích Đức. Tại các miền đất thuộc ngôn ngữ Slav, các văn nghệ sĩ đã dùng lời nói thông thường của miền quê trong ngôn ngữ văn chương. Nhà thơ danh tiếng nhất người Nga là Alexander Pushkin (1799-1837) là người tiền phong trong nền văn chương mới, sau đó phải kể tới Mikhail Lermontov.
Các quốc gia khác cũng có những nhà văn, nhà thơ lãng mạn, chẳng hạn như tại nước Ý với Alessandro Manzoni và Giacomo Leopardi, tại nước Tây Ban Nha là José de Espronceda và Angel de Saavedra; tại Ba Lan là Adam Mickiewicz và còn một số nhà văn khác tại châu Mỹ vào thời kỳ trước cuộc nội chiến.
3/ Bài Thơ “Hoa Thủy Tiên” Của Wordsworth.
DAFFODILS
WILLIAM WORDSWORTH (1770-1850)
I wandered lonely as a cloud
That floats on high o'er vales and hills,
When all at once I saw a crowd.
A host, of golden daffodils;
Beside the lake, beneath the trees,
Fluttering and dancing in the breeze.
Continuous as the stars that shine
And twinkle on the Milky Way,
They stretched in never-ending line
Along the margin of a bay:
Ten thousand saw I, at a glance,
Tossing their heads in sprightly dance.
The waves beside them danced, but they
Outdid the sparkling waves in glee;
A poet could not but be gay
In such a jocund company;
I gazed - and gazed - but little thought
What wealth the show to me had brought.
For oft, when on my couch I lie,
In vacant or in pensive mood,
They flash upon that inward eye
Which is the bliss of solitude;
And then my heart with pleasure fills,
And dances with the daffodils.
HOA THỦY TIÊN
Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO (chuyển ngữ).
Lang thang như mây trời cô độc
Bồng bềnh qua lũng thấp đồi xa,
Chợt đâu ta thấy thảm hoa
Thủy tiên đồng nội thướt tha óng vàng
Bên hồ vắng dưới hàng cây mát
Theo gió ngàn phơ phất múa chào.
Hoa tươi giăng tựa ngàn sao
Long lanh chiếu sáng đường vào Sông Ngân,
Hoa trải thảm xa gần phô sắc
Dọc theo bờ xanh ngắt vịnh bên.
Muôn hoa rực rỡ một miền
Đùa vui lả ngọn trao duyên, kết tình.
Dù bờ vịnh lung linh sóng nước
Nào đẹp hơn tha thướt dáng hoa;
Nhà thơ thi hứng chan hòa,
Cùng hoa tấu khúc hoan ca tuyệt vời;
Ta mải ngắm lộc trời vui thú
Cảnh thiên nhiên lúc đó như mơ.
Sau này ngồi tựa án thư,
Thả hồn hoang vắng, trầm tư cõi lòng,
Đồng hoa cũ về trong ký ức
Nỗi đơn côi hạnh phúc thăng hoa;
Niềm vui rộn rã bao la,
Thủy tiên khiêu vũ cùng ta dập dìu.
Bài thơ kể trên mang đặc tính đơn giản và diễn tả tình yêu thiên nhiên. Nhà Thơ Wordsworth đã tin tưởng rằng thiên nhiên có khả năng nâng cao tâm hồn; nhất là trong khung cảnh tĩnh mịch, các cảm xúc tức thời đã dâng trào ra ngoài tâm tư của người nghệ sĩ.
Như vậy Thơ Phú có khả năng khiến cho người đọc Thơ cảm nhận được cuộc sống và theo nhà thơ Wallace Stevens "công dụng của Thơ Phú là làm tăng thêm sức sống". Giống như các nhà văn, nhà thơ tạo lại các cảm xúc và kinh nghiệm của mình trước cảnh vật, diễn tả tâm tư bằng những lời nói uyển chuyển, hài hòa và trong các bài thơ được sáng tác cẩn thận, mỗi từ đều mang một ý nghĩa và như thế, một bài thơ đã chuyên chở một thứ nội dung chặt chẽ để cho người đọc thơ dần dần mở ra mà tìm hiểu các ý nghĩa này.
Thơ Phú là một hình thức cô đọng nhất của Văn Chương bởi vì nhà thơ đã chọn lựa các từ một cách rất thận trọng, những từ này có khả năng định nghĩa cũng như khuyến dụ, có khi hàm chứa các hình ảnh xa xôi, trừu tượng... Cách đặt chữ, cách cô lập một câu thơ thường được dùng tới để hướng dẫn sự chú ý của người đọc thơ vào một điểm quan trọng.
Các lời thơ là các mẫu câu nhịp nhàng về vần, về điệu, đây là các mẫu âm thanh (sound patterns) có thể là đơn giản hay phức tạp, rõ ràng hay tế nhị hoặc khó hiểu. Một bài thơ là cách pha trộn về âm thanh và cảm xúc bởi vì trong Thơ có nhạc tính, có tả cảnh, tả tình và người đọc thơ dễ dàng thông cảm với tác giả khi tưởng tượng ra trước mắt thứ phong cảnh diễn tả, thứ trạng thái tâm hồn, bởi vì Lời Thơ mang theo các hình ảnh rõ ràng về cảm giác. Bằng phương tiện Thơ Phú, nhà thơ dễ dàng đưa người đọc nhìn cuộc đời bằng một phối cảnh mới, do Lời Thơ là một thứ ngôn ngữ đặc biệt khác thường.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét