Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

NÉN HƯƠNG LÒNG - Huy Văn

           Anh ch
ị Trần Văn Quy
Lần đầu nghe nói đến anh, là khi tôi được anh bạn họ Cốc, tên A Sam, kể chuyện về đơn vị mà anh chàng- có cái Họ lạ hoắc, nghe như của người Dao miền núi Bắc Việt- này nằng nặc đòi hoán đổi với tôi. Chuyện là như vầy, ngày 3 thằng tôi về trình diện Liên Đoàn 12 BĐQ ( tháng 12/1973 ), thì trên Sự Vụ Lệnh có ghi tên tôi làm trưởng toán. Hai bạn còn lại xếp kế tiếp, theo thứ tự vần alphabet ( Sam và Ước ). Vị Đại Úy Trưởng Ban 1, thấy vậy "phán" ngay, sau khi giới thiệu đại khái về 3 Tiểu Đoàn của Liên Đoàn 12 BĐQ:
- Anh này ( chỉ vào tôi ) đứng đầu danh sách...về Tiểu Đoàn 21!
Đại úy Cổn chưa kịp tiếp lời, thì chàng họ Cốc ngắt ngay:
- Đại úy cho em về 21 đi!
<!>
Rồi quay qua tôi, hắn nói tiếp:
- Mày đổi với tao nghe!?
Đáy Úy Cổn ngã người ra sau ghế, từ tốn nhưng nghiêm giọng nhìn cả 3 đứa:
- Còn ai có ý kiến gì nữa không?
Nguyễn Văn Ước nhanh miệng đáp:
- Em biết Tiểu Đoàn 39 hiện đang dưỡng quân tại hậu cứ. Mà theo thứ tự thì em về 39 là phải rồi!
Cặp mắt bên kia bàn lia một vòng qua Cốc A Sam và tôi. Bạn họ Cốc thoải mái nói:
- 37 cộng lại là "Bù". Xui lắm! Có nút mới có tiền! Cho em về 21 đi!

Hóa ra nó có tánh cờ bạc lẫn dị đoan hạng nặng. Tôi nghĩ thầm như vậy. Không chờ ông Cổn hỏi, tôi nói ngay:

- Không sao! Tao về 37 cũng được. Số 3 là số hên của tao!

Ông Cổn nghe tôi nói vậy, khoan khoái bốc điện thoại gọi hậu cứ các tiểu đoàn cử người qua đón mấy "quan nhí". Cái mà anh chàng họ Cốc gọi là xui xẻo đó, hóa ra lại là dấu hiệu tốt đối với tôi. Vì tôi được vị Trung úy chỉ huy hậu cứ của Tiểu Đoàn 37 BĐQ xách xe Jeep chạy tới đón; còn hai bạn kia thì lội bộ theo người hạ sĩ quan quân số, hoặc leo lên Honda, tùy theo mức độ xa, gần của doanh trại. Hậu cứ của Tiểu Đoàn 37 nằm xa nhứt! Tận ngoài biển, cách doanh trại của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn trên dưới 2km.

Vài tiếng sau- khi cả 3 đứa chúng tôi trở ra Đà Nẵng vui chơi trong đêm- là họ Cốc kể cho nghe những gì bạn biết được về anh qua những gì hắn nghe được từ vị Chỉ Huy Hậu Cứ TĐ 21 BĐQ. Sau đó, thỉnh thoảng trong những câu chuyện kể của lính tráng, nhứt là mỗi khi họ nhắc về trận Hạ Lào năm 1971, là tôi lại nghe tới tên anh. Tháng 3/1974, tôi vào Tổng Y Viện Duy Tân thăm hai bạn đồng khóa và chung đại đội quân trường. Cả hai là trung đội trưởng trong một đại đội của tiểu đoàn 21 BĐQ.

Họ bị thương trong một cuộc đụng độ với đám chính quy, kiêm chủ lực tỉnh tại Quảng Ngãi. Một bạn mất một con mắt, người còn lại gãy chân và nát một bàn tay. Họ kể về anh như nói tới một người thân trong gia đình và cho biết anh rất thương binh sĩ thuộc cấp. Là một người cương quyết, nghiêm nghị, quả cảm trong quân lệnh, điều hành và tác chiến, nhưng cũng rất nồng nàn và chân thành trong tình Huynh Đệ, Nghĩa Chi Binh.

Mãi đến khi biết được tin tức của Tổng Hội Biệt Động Quân ( sau hơn 12 năm hỏi thăm khắp nơi ) tôi mới có dịp tiếp xúc với anh khi tham dự Đại Hội kỷ niệm 50 năm thành lập binh chủng, tháng 7 năm 2010. Sau đó, những cuộc điện đàm, gặp gỡ tại nhà anh, cũng như ngoài quán xá mỗi khi anh em trong Liên Đoàn họp mặt, càng làm tăng thêm tình cảm dành cho nhau. Nhứt là từ năm 2017, khi tôi chứng kiến cảnh anh lần hồi nhích chân từ trong chiếc quán ra tới chỗ đậu xe, mà thấy thương anh quá đỗi!

Hôm đó, anh cương quyết không chịu cho ai dìu đỡ, mặc dù đã gần như cạn kiệt sức lực vì thuốc tan, người yếu. Nhìn anh, rồi liên tưởng tới mấy câu nói; hay nhớ những câu chuyện kể về anh, tôi mới thấy đúng với hình ảnh "Petit mais dur" ( Nhỏ con nhưng lì đòn ) mà mấy đứa "tây da vàng" chúng tôi thường hay khích lệ nhau, khi kiếm chuyện gây hấn với đám nhóc tì, dân "tây" chánh hiệu, lúc còn học trong trường JJR.

Chả là mấy đàn anh trong liên đoàn, đặc biệt là "Cọp đầu đàn" của Liên Đoàn 1&12 BĐQ- khi đề cập tới mấy con "Gà" kiêm cấp chỉ huy đã mang lại tiếng tăm cho đơn vị - đã không ngần ngại nêu tên anh, cùng những vị đồng khóa 20 Võ Bị Đà Lạt của anh, là các anh Lại Thế Thiết và Đỗ Đức Chiến. Họ và anh đều là những người có thước tất "khiêm nhường" so với tiêu chuẩn của Võ Bị. Nhưng khả năng lãnh đạo chỉ huy cũng như khi lâm trận, thì phải nói- theo lời của Phong Châu Trần Kim Đại- là...hết sẩy!

Lần sau cùng gặp anh tại nhà Mũ Nâu Bùi Duy Vinh, đúng một năm trước đây, là một kỷ niệm đẹp về cả ý nghĩa lẫn phong thái. Hôm đó- theo lời chị Hương, hiền thê của anh kể lại thì- anh "nạp thuốc đầy đủ" để cùng chị tới dự buổi họp mặt từ đầu cho tới cuối. Hình ảnh để lại dấu ấn sâu đậm nhứt trong lòng những người có mặt trong buổi tiệc là lúc anh, dù đang rất yếu sức và đang ngồi trên walker có gắn bánh xe, vẫn cố đứng thẳng lưng để chào tay cấp chỉ huy cũ của mình- Đại Tá Trần Kim Đại- khi đến, cũng như lúc từ giã ra về.

Trong 2 năm sau cùng của cuộc chiến, tuy đã rời Liên Đoàn 1 BĐQ để chỉ huy Tiểu Đoàn 68 thuộc Liên Đoàn 11 BĐQ trong tỉnh Quảng Ngãi, nhưng lúc nào anh cũng nhớ và gắn bó với cái "gốc" của mình tại thôn Phú Lộc, xã Hòa Hòa Minh, thuộc ngoại ô Đà Nẵng. Anh đã rời cõi tạm vừa đúng một tháng, nhưng trong lòng rất nhiều đồng liêu, đồng khóa và đồng đội cùng chiến hữu trong cũng như ngoài binh chủng Biệt Động Quân; vẫn còn in đậm hình ảnh của Thiếu Tá Quách Thưởng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 21 BĐQ, người đã góp phần không nhỏ vào việc đập tan âm mưu chia cắt Quốc Lộ 1 tại Đức Phổ, tháng 02- 1973, của Trung Đoàn 141, thuộc Sư Đoàn 2 CSBV!

oooOooo
Anh là bạn học kiêm đồng tuế với Thiếu Tá Quách Thưởng, nhưng định mệnh đặt anh vào vai trò của một "đàn em", khi rốt cuộc anh chỉ mang lon trung úy, còn bạn xưa lại trở thành cấp chỉ huy trực tiếp của mình trong Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân. Nhận lệnh rồi thi hành, anh đều thực hiện tới mức hoàn hảo nhứt. Tuy nhiên, nếu bạn điềm đạm và từ tốn bao nhiêu, thì anh lại sôi nổi, "ồn ào" bấy nhiêu trong cung cách hành động và sinh hoạt. Việc anh chỉ nhận được huy chương mà không được thăng cấp- sau khi góp phần không nhỏ vào việc tiêu diệt toàn bộ một trung đoàn của địch và tái chiếm Sa Huỳnh, trong khi khá nhiều đồng liêu được thăng cấp sau chiến thắng vang dội đầu Xuân Qúy Sửu năm 1973- đã làm anh ngấm ngầm bất mãn.

Bất mãn nhưng tôn trọng kỷ luật của Quân Đội, nên anh vẫn hoàn thành thật tốt những nhiệm vụ mà bạn mình giao phó. Nhưng một lần nữa, định mệnh như đố kỵ với cuộc đời anh, khi bị trọng thương vì đạp phải mìn trong một cuộc hành quân tại xã Đức Lương, quận Mộ Đức- Quảng Ngãi, tháng 3/1974. Càng không may hơn nữa, là không hiểu vì sao việc tải thương lại trì trệ một cách bất thường, nên khi từ Bệnh Viện dã chiến Quảng Ngãi về tới Tổng Y Viện Duy Tân, thì hai chân của anh bị hoại tử, không thể giữ được. Phải cưa bỏ!

Từ đó anh càng thêm "sầu đời". Đã bất mãn càng thêm... bất mãn với thời cuộc, với số phận của chính mình và bất mãn...với đời! Ngay từ khi còn trong giai đoạn hồi sức, anh đã không ngần ngại gởi cho báo chí tại Sài Gòn những lời tố cáo về sự cướp công, cướp sức của một vị tướng; khi ông này cho lính bôi, cạo lớp sơn và sửa lời ghi chú trên hàng trăm chiến lợi phẩm mà Liên Đoàn 1 BĐQ tịch thâu được, để "kể công" với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khi vị Tổng Tư Lệnh ra thăm Sa Huỳnh ngay sau khi nơi này vừa được tái chiếm.

Từ đó về sau, anh không hề giấu diếm sự "bạt mạng" của mình. Đầu tiên là giấu cấp bậc, tránh né việc tập trung của địch sau khi mất Đà Nẵng, kế tiếp là đưa gia đình rời Quảng Nam, lên Tuyên Đức ( quận Tùng Nghĩa ) rồi vào tận Sài Gòn. Sau đó là đem một đứa con vượt biển đi tìm tự do. Anh và đứa con 11 tuổi đi trước, chị và các cháu còn lại qua sau.

Khi đã yên thân tại Hoa Kỳ, anh sinh hoạt trong Văn Bút Hải Ngoại, từng là Chủ Tịch Văn Bút Nam Cali, là hội viên của Văn Bút Thế Giới ( International PEN. PEN= Poet, Essayist, Novelist ) "Tiếng Hờn" của anh càng lao vút tận "Chân Mây", khi anh xuất bản hai tập bút ký chiến trường vào những năm cuối của thập niên 1990. Qua đó, độc giả - dân chính cũng như cựu quân nhân - chỉ biết anh là một "Anh Hùng Bạt Mạng". Nhứt là luôn thấy anh, trong bộ quân phục Biệt Động Quân và trên chiếc xe lăn, có mặt trong rất nhiều lần xuống đường biểu tình chống cộng sản tại quận Cam. Không bao nhiêu người biết anh cũng là một thi nhân. Tựa đề của quyển "Tiếng Hờn Chân Mây" cũng đủ nói đến chất "Thơ" trong anh.

"Anh Hùng Bạt Mạng" không để viết riêng cho anh và về anh, mà là hình ảnh hào hùng của người Lính Việt Nam Cộng Hòa nói chung, người Lính Mũ Nâu, đặc biệt là Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân nói riêng. Bút ký của anh, mặc dù có nhiều điểm khiếm khuyết, nhưng cũng đủ tô đậm nét cho một cuộc đời hào hùng, trải dài trong 9 năm quân ngũ với 18 Anh Dũng Bội Tinh ( trong đó có 5 Nhành Dương Liễu/ Gallantry Cross with Palms ) và 2 Chiến Thương Bội Tinh.

Bấy nhiêu đó cũng đủ để Trung Tá Mcdonald Valentine Jr. ( R.I.P ) và Thượng Sĩ I /LLĐB ( Command Sergeant Major ) Mike Martin, đồng tác giả của The Black Tigers, vinh danh anh trong quyển sách viết về Biệt Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:

" Ranger Tran Thy Van,
You are a brave warrior; the people of South Vietnam and the Biet Dong Quân, are proud of you."
RANGERS CSM MICHAEL MARTIN & LTC McDONALD VALENTINE ( M&M )

oooOooo
Anh không có phong thái trầm tĩnh và nghiêm nghị như Trùng Dương Quách Thưởng, không "sôi nổi" như Việt Quốc- Trần Thy Vân, nhưng anh rất nóng tánh, nóng ghê lắm, mặc dù thuở nhỏ đã náu thân nơi cửa Phật và từng thọ giới Sa Di tại chùa Báo quốc, nơi đã góp phần tạo nên tên tuổi cho vị đồng tu với anh, thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, một trong những gương mặt sáng giá của Phật Giáo Việt Nam sau này.

Không hiểu vì sao, chỉ còn một bước là trở thành Đại Đức ( năm lên 20 tuổi ), anh lại bỏ áo sa môn, rời chùa, tình nguyện vào Thủ Đức theo học khóa 23 SQTB. Không ai biết lý do, kể cả người Mẹ của anh, một phụ nữ khuê các gốc Huế, sống tại Non Nước ( Đà Nẵng/ Quảng Nam), trong một gia đình tiên phong trong ngành tạc tượng cẩm thạch và các sản phẩm mỹ nghệ bằng đá nói chung.

Anh thừa hưởng tính phiêu lưu, phóng khoáng và sự tự lập của người cha ( gốc Khánh Hòa ) và sự nhạy bén, tỉ mỉ trong việc chí thú làm ăn của người Mẹ ( quán xuyến rất thành công kinh doanh của đại gia đình ) nên sau này, anh "đánh đấm rất ngọt", mà cũng rất "nặng tay" hiểu theo nghĩa "tiên hạ thủ vi cường", đánh nhanh rút lẹ.

Nếu Việt Quốc- Trần Thy Vân có "Tiếng Hờn Chân Mây" thì Bạch Mã- Trần Văn Quy cũng có "tiếng Đan Mạch nổ như tràng liên thanh"! Những người quen biết anh, trong cũng như ngoài đơn vị, kể cả thân mẫu cùng thân nhân của anh, cũng không hiểu vì sao anh thay đổi một cách đột ngột như vậy. Cho tới nay, đó cũng là bí mật mà chỉ một mình anh biết mà thôi. Bí mật này theo anh về phần đất nghĩa trang của họ tộc. Bây giờ nằm bên cạnh Mẹ, không biết anh có "lý giải" điều gì đó cho bà Cụ nghe hay chưa?

Anh rời chùa, vào lính, trở thành một cấp chỉ huy có thực tài, nhưng như đã nói, vì anh nóng tánh, nên nhiều khi "sừng sộ" bất tử vì những lý do không đâu vào đâu. Điển hình là trong lúc tập dợt cho cuộc duyệt binh mừng chiến thắng Quảng Trị, tổ chức tại thành phố Huế tháng 9/1972, có một binh sĩ TĐ 39 BĐQ bị anh "nện" một trận nhừ tử chỉ vì anh này "nhúc nhích", trước khi hàng quân được lệnh đều bước.

Bởi thế, không biết cấp chỉ huy trực tiếp nào của anh đã đặt cho biệt danh là "Ác Tăng" ( Có lẽ là Giang Sơn- Nguyễn Văn Gio, khi ông là Tiểu Đoàn Phó còn anh là Trưởng Ban 3 của TĐ 21 BĐQ mùa xuân năm 1973. Cũng có thể là Hưng Yên- Hồ Văn Hạc khi anh Hạc nắm Quyền Tiểu Đoàn Trưởng/ TĐ 37 BĐQ, còn anh Quy làm TĐP tạm thời khi 37 hành quân tại Đức Lương, Mộ Đức tháng 4/1974).

"Ác Tăng" chỉ là một trong nhiều biệt danh mà quan cũng như lính trong liên đoàn đặt cho anh. Hai trong những biệt danh khá "phổ thông" đó là Qúy "mát" do nộ khí thất thường của anh và Quy "lé" do con mắt phải bị "lạc phương giác" của anh. Đây cũng là lý do khiến nhiều binh sĩ bị "ăn đòn" ngang xương, vì tưởng anh ra lệnh cho người khác chứ không phải nhắm vào mình.

Nghe nói không bằng thấy tận mắt. Ngày mà tôi có dịp chứng kiến cảnh anh điều động đơn vị là hôm anh lên đồi Van Bang tại Đức Lương, một ngày trung tuần tháng 4/1974. Anh lấy quyền Tiểu Đoàn Phó của 37, điều động 2 Đại Đội ( ĐĐ3 trừ, vì trung đội của tôi đã đóng chốt trên Van Bang, còn lại là nguyên ĐĐ 2 làm nỗ lực phụ ) đánh vào ngôi làng dưới chân đồi.

Sau gần hai tiếng rượt du kích và lục soát hai làng Tú Sơn và Vân Bang, phe ta "te tua" còn địch chỉ để lại vài vết máu. Khi phá bụi lùm, mở lối lên chỗ trung đội chúng tôi đóng chốt, để trực thăng dễ bốc tử sĩ và thương binh, thì lại phải trả thêm một giá khá đắt khác khi nhóm tải thương đạp phải mìn cách chỗ anh và tôi ngồi không xa.
Hóa ra chung quanh chúng tôi vẫn là vùng đất của tử thần mà hai anh em, có lẽ nhờ ở yên một chỗ, nên không hề biết mình đã ngồi trên đống mìn nội hóa của địch. Hoặc là anh "lạnh cẳng", hay là anh đã thấy "mất hứng" vì " ĐM! Đánh đấm gì mà toàn là mìn không hà!" nên anh lấy nón sắt đang kê dưới đít, đứng lên thật nhanh, rồi tỉnh bơ "phán" một câu rất gọn "Mày nhớ lo tải thương cho đàng hoàng. Tao đi phép vợ đẻ!"

Kỷ niệm với anh ngoài chiến trường chỉ có vậy! Vì anh thường xuyên đi lòng vòng các tiểu đoàn để "xử lý thường vụ" chức Tiểu Đoàn Phó. Ngày đó, tôi đặt thêm cho anh một biệt danh nữa. Đó là " Ông Phó lưu động"! 36 năm sau, tại Đại Hội BĐQ mừng ngày thành lập binh chủng, tổ chức tại quận Cam/ California, tháng 7/2010, anh tìm tôi và đến tại bàn chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm. Câu nói đầu tiên của anh khi bắt tay nhau là "Anh rất nhớ anh em!" Câu nói làm tôi thấy cảm động đến cay mắt!

Anh thay đổi hoàn toàn dù không "lột xác"! "Ác tăng" đã không còn! Thay vào đó là hình ảnh một Ứng Pháp Sa Di của chuỗi ngày trước khi mặc bộ quân phục tác chiến. Mảnh đạn còn trong ngực, tuổi đời chất chồng, nghiệp quả đa mang, tự sám trong tâm thức, yếu tố tâm lý nào đã trở thành hào quang khai sáng, mà anh bỗng trở thành như một "cư sĩ tại gia" , với những hành xử có tính cách thiện duyên, rất chí tình với đồng đội, chiến hữu và tha nhân?!

Đến hôm nay thì anh đã thanh thản cùng với Trùng Dương và Việt Quốc phiêu diêu chốn vĩnh hằng. Trong đúng một tháng, Liên Đoàn 1&12 BĐQ chia tay với 3 Chiến Hữu/ Đồng Đội/ Cấp Chỉ Huy của một thời oanh liệt. Xin mượn dòng chữ sau đây của một "Cọp Nhí" đã từng sát cánh ( trong việc điều chỉnh Không Trợ ) với các anh cùng những cấp chỉ huy khác của Liên Đoàn 1 BĐQ tại chiến trường Quảng Trị tháng 4/1972, để cùng thắp nén hương lòng nhớ tới Trùng Dương/Quách Thưởng, Việt Quốc /Trần Thy Vân và Bạch Mã/ Trần Văn Quy: -

Xin biết ơn những đàn anh ở LĐ1 BĐQ và tất cả những đàn anh khác trong binh chủng Biệt Động Quân. Em còn nhỏ tuổi, đi lính sau các anh mà đã khổ như vậy thì trước đó các đàn anh còn khổ biết bao nhiêu.
Em ngồi gởi những lời này trong nước mắt vì vừa thương, vừa nhớ đến những vị đàn anh một thời xông pha trên chiến trường đầy lửa đạn, đã vì nước quên mình.
Vô cùng kính trọng.
Alpha Đỗ Như Quyên.
( Chiều trên Hilo/Hawaii ngày 20/6/2012 )

Huy Văn/Hoa Đăng HUỲNH VĂN CỦA


Anh chị Trần Văn Quy ( ảnh trên ) Anh Trần Thy Vân ( ảnh dưới ) tại Đại Hội BĐQ tháng 7/2010 ( Mon Chéri Restaurant/ quận Cam )



Các Niên Trưởng Phạm Văn Thuận, Trần Kim Đại, Quách Thưởng ( R.I.P ) Đặng Kim Thu và anh bạn "Cáp Ngầm" Nguyễn Nhựt Hoàng. Ảnh chụp tại nhà Mũ Nâu Bùi Duy Vinh, ngày CN 01/08/2021.

Không có nhận xét nào: