Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore, bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á - 22/8/2021

 

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Singapore, ngày 22/08/2021. REUTERS – EVELYN HOCKSTEIN - Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm nay 22/08/2021 đã đến Singapore, bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á. Đây là chuyến công du đầu tiên ngoài châu Mỹ của phó tổng thống Harris kể từ khi bà chính thức nhậm chức vào tháng 01/2021. Theo trang mạng The Straits Times, Chuyên cơ số 2 ( Air Force Two) chở phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hạ cánh vào khoảng 10 giờ 50 sáng hôm nay 22/08 tại Căn cứ không quân Paya Lebar. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã đến Căn cứ Paya Lebar đón phó tổng thống Mỹ.  

<!>

Tại Singapore, các cuộc trao đổi chính chức sẽ bắt đầu vào ngày mai 23/08, với cuộc điện đàm cùng tổng thống Halimah Yacob tại Istana, sau đó là cuộc gặp và họp báo chung với thủ tướng Lý Hiển Long.

Phó tổng thống Mỹ cũng sẽ đến thăm Căn cứ Hải quân Changi và tàu tác chiến ven biển USS Tulsa của Mỹ, cập cảng để tham gia một cuộc thao dợt đa phương. 

Vào thứ Ba 24/08, bà Harris sẽ có bài phát biểu về chính sách và tham gia vào một cuộc thảo luận bàn tròn với cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Ngoại Giao Singapore hôm thứ Sáu 20/08 cho biết bộ trưởng Thương Mại Và Công Nghiệp Singpapore, Gan Kim Yong, cũng sẽ tham gia cuộc thảo luận. 

Bà Harris sẽ lưu lại Singapore đến chiều thứ Ba 24/08, rồi bay sang Việt Nam. Chuyến công du của phó tổng thống Mỹ dự kiến sẽ kết thúc vào thứ Năm 26/08.  

Theo thông tín viên đài RFI tại New York, Loubna Anaki, lần này sứ mệnh của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris là “cho thấy Mỹ vẫn ở lại” khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mở rộng. Trong chuyến công du, bà Kamala Harris sẽ lưu ý đến hợp tác về kinh tế, an ninh, nhân quyền và hồ sơ khí hậu. 

Kabul 2021, Sài Gòn 1975 và chuyến đi VN của Phó TT Mỹ Harris

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Phó Tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris, hôm Chủ Nhật bắt đầu chuyến công du châu Á, nơi bà sẽ đưa ra các đảm bảo về cam kết của Washington đối với khu vực, trong bối cảnh Mỹ rút quân và Taliban nhanh chóng tiến chiếm Afghanistan.

Chuyến đi đã được lên kế hoạch từ trước đó, với các chặng dừng chân tại Singapore và Việt Nam.

Tuy nhiên, sự trở lại vô cùng nhanh chóng của nhóm Hồi giáo cực đoan theo đường lối cứng rắn tại quốc gia Nam Á cùng cảnh tượng hàng ngàn người dân Afghanistan tuyệt vọng tìm cách bỏ chạy đã làm tổn hại tới hình ảnh siêu cường của Hoa Kỳ.

Sự sụp đổ của chính quyền Kabul và thái độ của Washington cũng khiến các đồng minh đặt câu hỏi về mức độ đáng tin cậy của những hứa hẹn chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Chụp lại video,

Dân Afghanistan hoảng loạn bỏ chạy bất chấp hứa hẹn của ‘đầy tớ’ Taliban

Theo lịch trình, bà Harris sẽ tới Việt Nam vào cuối ngày thứ Ba, sau khi dừng chân tại Singapore.

Bà sẽ là vị phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam.

Những hình ảnh gây sốc từ Afghanistan trong những ngày qua khiến chuyến đi tới Việt Nam của bà Harris bị chỉ trích.

Một số người cáo buộc bà đã nhắm mắt làm ngơ khi tới thăm quốc gia cộng sản trong lúc các lực lượng Hoa Kỳ vẫn đang từ sân bay Kabul nỗ lực sơ tán công dân Mỹ, người nước ngoài và người Afghanistan từng là đồng minh với Mỹ.

Đã có những so sánh giữa những gì đang xảy ra tại Kabul với tình cảnh tại Sài Gòn hồi 1975, khi trực thăng Mỹ từ sân thượng Tòa Đại sứ tại Sài Gòn đưa người đi trong lúc quân Cộng sản tiến chiếm thành phố.

Chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á và Việt Nam

Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ nói rằng chuyến đi của bà Harris đã được lên kế hoạch từ lâu, trước khi có những diễn biến quá nhanh tại Afghanistan, và nói chuyến đi tập trung vào các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Washington tại châu Á.

Đây là chuyến đi mới nhất của một quan chức hàng đầu Hoa Kỳ tới khu vực, trong lúc chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách xây dựng đồng minh chống lại Trung Quốc và tái thiết lập quan hệ sau thời ông Donald Trump.

Khi mà Trung Quốc đang thách thức Hoa Kỳ về vị thế chính trị và uy thế trên biển ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, Đông Nam Á vẫn “giữ tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế” đối với Hoa Kỳ, một quan chức ẩn danh từ Tòa Bạch Ốc nói với hãng tin AFP. “Điều này không thay đổi sau những gì diễn ra tại Afghanistan.”

Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh,

Bà Kamala Harris (trái) sẽ trở thành phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam vào thứ Ba tới đây

“Chuyến đi của Phó Tổng thống Harris tới Việt Nam ra tín hiệu rằng chính quyền Biden đặt ưu tiên cho mối quan hệ với Việt Nam trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ – Trung Quốc của Hoa Kỳ,” từ Úc, giáo sư Carlyle Thayer, nhà phân tích và quan sát chính trị Việt Nam, nói.

“Việc một phó tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam là điều chưa từng xảy ra. Do vai trò cao cấp của bà trong chính quyền ông Biden, chuyến đi sẽ là sự thừa nhận [của Hoa Kỳ rằng] Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”

Chuyến đi cũng “ra tín hiệu rằng Hoa Kỳ quyết tâm củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện” với Việt Nam, giáo sư Thayer nói thêm.

Tuy nhiên, “khó có khả năng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên thành hợp tác chiến lược” trong chuyến đi này.

Nghị trình làm việc của bà tại Việt Nam dự kiến sẽ bao gồm các chủ đề hỗ trợ Việt Nam phòng chống Covid-19, hợp tác thương mại và đầu tư song phương, biến đối khí hậu, an ninh mạng, thương mại điện tự và trật tự quốc tế.

Theo kế hoạch, bà sẽ có các cuộc họp với chính phủ Việt Nam, tham dự lễ ra mắt chi nhanh khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, và sẽ gặp gỡ các đại diện xã hội dân sự.

Bà cũng sẽ dự cuộc họp trực tuyến của các quan chức Đông Nam Á về vấn đề đại dịch Covid-19.

TP.HCM siết chặt quy định về COVID cấm hầu hết người dân ra đường

22/8/2021

TƯ LIỆU – Một người sống trong khu vực phong tỏa nhận thức ăn từ ngoài rào chắn ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 7, 2021.

Thành phố Hồ Chí Minh sắp sửa áp dụng những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất trong suốt đại dịch COVID-19 với lệnh cấm hầu hết người dân ra khỏi nhà trong 14 ngày tới để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, trong khi nhà chức trách đẩy mạnh nỗ lực cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng triệu cư dân.

Quy định “ai ở đâu ở yên đó” sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày thứ Hai 23 tháng 8 trong bối cảnh đô thị đông dân nhất cả nước tiếp tục ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm được báo cáo mỗi ngày dù hơn một tháng qua đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Cổng thông tin COVID-19 của thành phố báo cáo 4.052 ca dương tính trong ngày thứ Bảy tính đến 5 giờ chiều, với số ca nhiễm nhiều nhất tập trung ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh và Bình Tân. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo 171.581 ca nhiễm và 6.071 ca tử vong, cao nhất cả nước, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế.

Với quy định mới, mỗi đơn vị dân cư và doanh nghiệp được nói sẽ là một “pháo đài chống dịch” trong lúc thành phố siết chặt hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội để bảo đảm nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly với phường xã, thị trấn, theo ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của thành phố.

“Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh cảnh giác, thực hiện các biện pháp 5K + vắc-xin + thuốc, cùng nhau thắt lưng buộc bụng trong 14 ngày, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đoàn kết thực hiện các biện pháp,” ông Hải được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói trong một cuộc họp báo ngày thứ Bảy.

Ông cho biết thêm rằng các khu vực trong thành phố sẽ được xác định theo màu sắc để điều phối việc cung ứng hàng hóa trong những ngày tới.

Tại “vùng xanh” và “vùng vàng,” những người dân có điều kiện chưa cần sự hỗ trợ thì tự đi chợ một lần một tuần và nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ nhận gói hỗ trợ từ thành phố, theo Tuổi Trẻ. Còn tại “vùng cam” và “vùng đỏ,” người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì không đi ra ngoài, tổ công tác sẽ đi chợ giùm và người dân trả tiền. Nhóm người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ.

Những người được miễn áp dụng lệnh cấm bao gồm các nhân viên y tế, nhân viên siêu thị và các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhân viên phụ trách cơ sở hạ tầng của thành phố, và các quan chức chính quyền các cấp.

Tin tức về lệnh cấm ra ngoài đã khiến nhiều cư dân ồ ạt đổ đến các chợ và siêu thị để mua nhu yếu phẩm tích trữ. Hình ảnh trên truyền thông địa phương cho thấy những hàng dài người đứng xếp hàng ngoài siêu thị và các kệ hàng trống trơn vào sáng ngày thứ Bảy.

Khách tìm mua thức ăn giữa những kệ hàng gần như trống trơn ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2`1 tháng 8, 2021.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng để cung ứng hàng hóa tới người dân, Tuổi trẻ đưa tin ngày thứ Sáu. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để bảo vệ an ninh.

Việt Nam, nước đã kiểm soát thành công đại dịch trong giai đoạn đầu, hiện đang chật vật khống chế một đợt bùng phát mạnh do biến thể Delta của virus corona gây ra. Đến nay Việt Nam ghi nhận 323.000 ca nhiễm và 7.540 ca tử vong, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn một nửa số ca và 80% số ca tử vong, theo Bộ Y tế.

https://www.voatiengviet.com/a/thanh-pho-ho-chi-minh-siet-chat-quy-dinh-ve-covid-cam-hau-het-nguoi-dan-ra-duong/6011120.html

Mỹ nói 12 nước sẽ cho quá cảnh các chuyến bay di tản từ Kabul

21/08/2021

Công dân Afghanistan di tản từ Kabul đến Căn cứ Không quân Torrejon ở Torrejon de Ardoz, bên ngoài Madrid, Tây Ban Nha, ngày 20 tháng 8, 2021.

Chính phủ Mỹ ngày thứ Sáu nói rằng 12 quốc gia, từ châu Âu đến Trung Đông và Trung Á, sẽ cho phép người Mỹ và những người khác di tản khỏi Kabul được quá cảnh lãnh thổ của họ khi nước này đẩy mạnh nỗ lực di tản khỏi Afghanistan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Bahrain, Đan Mạch, Đức, Ý, Kazakhstan, Kuwait, Qatar, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Vương quốc Anh và Uzbekistan đã bắt đầu hoặc sẽ sớm bắt đầu quá cảnh người Mỹ, hoặc trong một số trường hợp khác, qua các vùng lãnh thổ của họ.

Mỹ đang chật vật di tản hàng ngàn người khỏi Afghanistan khi các báo cáo về những vụ trả đũa của Taliban nhắm vào những người Afghanistan từng làm việc với các lực lượng do Mỹ lãnh đạo gia tăng, buộc các cường quốc nước ngoài đẩy nhanh nỗ lực di tản, Reuters đưa tin.

Nhưng các quan chức cho biết không có chuyến bay di tản nào rời Kabul trong gần sáu giờ vào ngày thứ Sáu vì không có nơi nào để đi do quá đông người ở căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, nơi đang cho trú ẩn 8.000 người Afghanistan di tản. Các chuyến bay đó giờ đã khởi động lại.

Hơn 18.000 người đã được đưa ra ngoài kể từ khi các chiến binh Taliban chiếm thủ đô Kabul, theo liên minh xuyên Đại Tây Dương NATO.

Ông Price nói hầu hết các chuyến bay sẽ bay từ Kabul đến Qatar và sau đó là các nước này. Ông nói thêm rằng gần một chục quốc gia khác đã đưa ra “đề nghị hào phóng” liên quan đến việc di dời những người Afghanistan đang gặp rủi ro.

Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả-rập đã đồng ý nhận 5.000 người Afghanistan di tản trong 10 ngày trên đường đến nước thứ ba theo yêu cầu của Mỹ, bộ ngoại giao nước này cho biết.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Biden nói Washington đang ráo riết nỗ lực để đạt được thêm các thỏa thuận, Reuters cho biết.

Washington đang gấp rút đưa người ra khỏi Afghanistan trước hạn chót 31 tháng 8 khi các lực lượng của họ theo lịch trình rời khỏi quốc gia này. Tổng thống Joe Biden đầu tuần này cho biết các binh sĩ Mỹ cung cấp an ninh cho cuộc di tản có thể ở lại lâu hơn nếu cần thiết.

Một trong những trở ngại chính đối với những người muốn rời khỏi Afghanistan vẫn là hành trình đầy nguy hiểm đến sân bay Kabul. Mỹ cho đến nay không thể bảo đảm được việc đi lại an toàn cho công dân Mỹ hoặc những người khác, mặc dù Mỹ nói rằng họ đã nhận được sự bảo đảm từ Taliban rằng họ sẽ không chặn người đến đó.

Nhưng các báo cáo từ thực địa lại cho thấy khác. Hàng ngàn người Afghanistan ôm chặt giấy tờ, trẻ nhỏ và một số đồ đạc vẫn vây kín sân bay, nơi các chiến binh Taliban cầm súng ra lệnh cho những người không có giấy thông hành về nhà. Tại và xung quanh sân bay, 12 người đã thiệt mạng kể từ Chủ nhật, các quan chức NATO và Taliban cho biết.

EU kêu gọi các nước thành viên đón nhận người tị nạn Afghanistan

22/8/2021

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ( G) cùng các lãnh đạo EU, bà Ursula Von der Leyen, ông Charles Michel thăm trung tâm tiếp nhận người di tản từ Afghanistan trong sân bay Torrejon gần Madrid, ngày 21/08/2021. REUTERS – JUAN MEDINA

Cùng với thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen và ông Charles Michel chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, hôm qua 21/08/2021, đã đến thăm trung tâm tiếp nhận công dân Liên Hiệp Châu Âu từ Kaboul về cũng như kiều dân Afghanistan được di tản, đặt ngay tại sân bay Torrejon de Ardoz, phía đông Madrid.

Dù chiến dịch di tản đang gặp nhiều trở ngại ở Kabul, các chuyến bay trở người di tản về châu Âu vẫn còn thưa thớt, các lãnh đạo châu Âu muốn thuyết phục các nước thành viên hãy đón nhận người tị nạn Afghanistan trong thời gian tới. Thông tín viên François Musseau tại Madrid tường trình :

«  Ba nhà lãnh đạo đã đưa ra thông điệp chung : Thời gian hai mươi năm Afghanistan sống trong vòng ảnh hưởng của phương Tây đã không diễn ra vô ích. Nói cách khác, theo thủ tướng Pedro Sanchez, việc phe Taliban nắm quyền sẽ không có ảnh hưởng gì đến chuyện tiền bạc năng lượng đã được chi cho sự ổn định an ninh, phồn thịnh và phát triển của đất nước này. Rất đông người Afghanistan, nhất là phụ nữ đã có thể được học hành và điều này không dễ gì loại bỏ được.

Liệu có lạc quan quá không ? Dù gì thì đó cũng là ý kiến của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong khi đến thăm một trại tiếp nhận người tị nạn có sức chứa 800 người.

Toàn bộ giai đoạn từ sau khi chế độ Taliban chấm dứt năm 2001 cũng đã có ích, mọi nỗ lực đó sẽ để lại dấu ấn.

Publicité

Đồng thời, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khẳng định không hề có tiếp xúc chính trị nào với Taliban và không có chuyện Châu Âu rót dù chỉ 1 euro cứu trợ nhân đạo cho một chế độ như bà nói là không tôn trọng nhân quyền ».

“Không thể di tản hết” đến ngày 31/08

Hôm qua, 21/08, lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu, Josep Borrell đánh gia là « không thể » sơ tán tất cả các công tác viên người Afghanistan từ nay đến ngày 31 tháng 8. Ông cho rằng chính nhưng biện pháp an ninh của Hoa Kỳ tại sân bay Kabul đã cản trở chiến dịch di tản người khỏi Afghanistan hiện nay.

Chính quyền Mỹ ấn định đến ngày 31/08 tới sẽ rút toàn bô quân khỏi Afghanistan, đồng thời dự tính di tản hơn 30 nghìn người Mỹ và dân thường Afghanistan.

Riêng phái đoàn EU tại Kabul có tổng cộng 400 cộng tác viên người Afghanistan cùng gia đình của họ. Đó chỉ là số người đang làm việc cho đại diện EU, còn trong 20 năm qua số cộng tác viên của EU tại chỗ rất đông.

 Liên Âu đã hứa di tản các công tác viên Afghanistan và gia đình họ, nhưng đến giờ mới chỉ có 150 người tới Tây Ban Nha.  Pháp những ngày qua cũng đã cố gắng di tản qua 4 chuyến không vận mỗi ngày khoảng trên dưới 200 nhân viên người Afghanistan và gia đình họ về Paris.

Quân đội Myanmar tiếp tục đàn áp truyền thông sau cuộc đảo chính

Người dân Myanmar biểu tình phản đối chính quyền quân sự (ảnh: Youtube/Al Jazeera English).

Đài truyền hình Myanmar Myawaddy ngày 21/8 cho biết, chính phủ quân sự Myanmar đã bắt giữ thêm hai nhà báo địa phương, trong một cuộc đàn áp sâu rộng trên các phương tiện truyền thông kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, trang Straits Times cho hay.

Ông Sithu Aung Myint, nhà báo của trang tin Frontier Myanmar và là nhà bình luận của đài Tiếng nói Hoa Kỳ, và bà Htet Htet Khine, một người làm việc tự do cho đài BBC tiếng Miến Điện, đã bị bắt vào ngày 15/8.

Ông Sithu Aung Myint bị buộc tội dụ dỗ và lan truyền thông tin sai lệch trong các bài đăng trên mạng xã hội mà Myawaddy cho là chỉ trích chính quyền và kêu gọi mọi người tham gia đình công và chống lại các phong trào đối lập ngoài vòng pháp luật.

Bà Htet Htet Khine bị buộc tội chứa chấp ông Sithu Aung Myint, một nghi phạm bị truy nã, và làm việc cho và ủng hộ một Chính phủ Thống nhất Quốc gia.

Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) hôm thứ Bảy cho biết hai nhà báo trên bị giam giữ mà không được liên lạc với ai và việc giam giữ họ là bất hợp pháp.

Daniel Bastard, trưởng ban châu Á – Thái Bình Dương của RSF, cho biết: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ các điều kiện giam giữ họ một cách tùy tiện, phản ánh sự tàn bạo mà quân đội đối xử với các nhà báo”.

Quân đội Myanmar đã thu hồi giấy phép của nhiều hãng thông tấn, tuyên bố rằng họ tôn trọng vai trò của truyền thông nhưng sẽ không chấp nhận việc đưa tin mà họ cho là sai hoặc có khả năng gây ra bất ổn cho công chúng.

Một báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo vào tháng trước cho biết các nhà cầm quyền của Myanmar đã hình sự hóa hoạt động báo chí độc lập một cách hiệu quả.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết chính phủ quân đội đã bắt giữ 98 nhà báo kể từ cuộc đảo chính, đồng thời kêu gọi ngừng truy tố các nhân viên truyền thông. Trong số những người bị bắt, 46 người vẫn bị giam giữ tính đến cuối tháng Bảy.

Chiến dịch phản đối ‘chính quyền quân sự Myanmar’ thu hút hàng triệu người ủng hộ

Người dân Myanmar biểu tình phản đối chính quyền quân sự (ảnh: Youtube/Arirang News).

Một chiến dịch trên Facebook ủng hộ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) của Myanmar trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, khi các quốc gia thành viên của tổ chức này sắp tới sẽ chọn đại sứ của Myanmar đã thu hút được hơn 3 triệu người tham gia.

Cơ quan điều phối cuộc tấn công chung (GSCB) đã phát động chiến dịch “Chấp nhận NUG, Từ chối quân đội” vào ngày 9/8, kêu gọi người dùng Facebook thay thế ảnh hồ sơ của họ bằng hình ảnh một người đang giương cao lá cờ NUG trước quốc huy Liên Hợp quốc.

Tính đến cuối tuần, hơn 3 triệu người dùng đã thêm hình ảnh vào hồ sơ của họ, bất chấp chỉ thị của chế độ quân sự yêu cầu chính quyền có hành động pháp lý đối với bất kỳ ai đã làm như vậy, Ma Aye Myint, thành viên GSCB có trụ sở tại Mandalay, nói với Đài Á Châu Myanmar: “Vào ngày 11/8, quân đội thông báo rằng họ sẽ truy tố những người tham gia chiến dịch. Vì vậy, sau thông báo đó, nhiều người đã bắt đầu thay đổi hồ sơ tài khoản của họ [sang hình ảnh NUG]”.

Cô Myint cho biết mặc dù chiến dịch hiện đang thực hiện trên Facebook, nhưng nó sẽ sớm xuất hiện trên Twitter để tiếp cận nhiều hơn.

Trong khi đó, một nhóm hỗ trợ có trụ sở tại Úc đã thực hiện một chiến dịch kiến nghị trực tuyến kêu gọi Đại hội đồng LHQ công nhận NUG. Theo nhóm này, hơn 175.000 người ủng hộ quốc tế, bao gồm cựu Tổng thống Đông Timore và người đoạt giải Nobel Hòa bình Jose Ramos-Horta, cựu Đại sứ Mỹ tại Myanmar Derek Mitchell và nhà ngoại giao Séc Pavel Fisher, đã ký vào bản kiến nghị. Mục tiêu của chiến dịch là thu được 200.000 chữ ký bằng bảy ngôn ngữ.

Hai chiến dịch đang được tiến hành để thể hiện sự ủng hộ đối với Chính phủ Thống nhất Quốc gia của Myanmar tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 76 ở New York, vào ngày 14/9 cơ quan này sẽ bầu ra một chính phủ và một phái đoàn thường trực đại diện cho Myanmar.

Không có nhận xét nào: