Việc Taliban nhanh chóng chiếm trọn Afghanistan khiến nhiều người kinh hoàng, sững sờ và hình ảnh người dân tìm mọi cách để thoát khỏi sự cai trị của Taliban, hằng ngày trên thế giới đã khiến cho những người muốn chê trách, đổ lỗi, khinh bỉ, hài tội cho Biden có cơ hội lên mặt dạy dỗ, chì chiết 24/24, bằng mọi cách. Trong bài này tôi chỉ xin lạm bàn vài tiêu đề phụ dưới đây sau khi đã tham khảo một số tài liệu đáng tin cậy (xin xem nguồn dưới cuối bài). Ai có lỗi nhiều nhất trong cuộc chiến bên Afghanistan?
Quân đội Afghanistan KHÔNG hèn yếu!
Tiếng nói, và ước vọng của người dân, nhất là phụ nữ bên Afghanistan
AI CÓ LỖI NHIỀU NHẤT TRONG CUỘC CHIẾN BÊN AFGHANISTAN?
Điều ai cũng có thể thấy được là việc có mặt của quân đội HK khởi đầu từ Bush, để dội bom, trả thù sự kiện 9/11, và đã tiêu diệt gần hết Taliban, nhưng rồi lại nhảy qua xâm lăng bằng những “bằng chứng” giả tạo về Saddam Hussein để chiếm đóng Iraq, để Taliban lại có dịp trở lại thao túng bên Afghanistan. Và kết quả là Mỹ đã trở lại Afghanistan, tiếp tục cuộc chiến dưới nhiều danh nghĩa, và những ngụy biện khác nhau…Ngay cả sau khi Bin Laden bị giết bởi chính quyền Obama, quân đội Mỹ vẫn hiện diện bên Afghanistan, không rút về, vì những người trong chính phủ HK biết rõ đó không phải là chuyện đơn giản, vì Taliban vẫn sống, vẫn còn hậu thuẫn từ Pakistan, khi ẩn, khi hiện tùy thời cơ, thời điểm. Qua bốn đời TT, 20 năm, và Trump vào năm 2017 đã tiếp tục tăng cường số quân nhân qua trước khi muốn phủi tay, “đàm phán” với Taliban và điều đình để trao trọn Afghanistan cho Taliban, năm 2020, với vài điều kiện chiếu lệ, chưa chắc Taliban sẽ thực hiện được, cùng với thủ tục “cứu xét”, chọn lọc, vô cùng giới hạn được đặt ra trong việc “cưu mang” người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ, những người đã vì miếng cơm manh áo, giúp cho Mỹ có cơ hội thực hiện cái “viễn kiến xây dựng quốc gia”, theo cách Mỹ muốn.
Trong YouTube “Let’s talk about some questions about leaving over there….”, (Hãy nói về những thắc mắc về việc tại sao lại rút quân về…) của “Beau of Fifth Column, tôi hòan toàn đồng ý với sự phân tích sau : ” nếu muốn “xây dựng một đất nước tự do, dân chủ cho Afghanistan thì đáng lẽ Mỹ nên gửi kỹ sư, bác sĩ, giáo sư ( và tôi xin nói thêm là xây nhà trường, nhà thương, cầu cống và tìm hiểu văn hoá của người dân với lòng trân trọng thực sự) , chứ không phải cứ để lính đóng quân sau khi Taliban bị đánh bại từ thập niên 2010s. Về chuyện chê bai là người lính A Phú Hãn đã không có tinh thần chiến đấu: đó là y như giọng điệu nói về VNCH vào những năm cuối! Mỹ đã huấn luyện cho lính bên đó, nhưng vẫn giữ thái độ Mỹ là chính, lính Afghanistan là phụ! Khi rút quân về, người Afghanistan không có máy bay yểm trợ , vũ khí, thì làm sao họ có thể tiếp tục cuộc chiến chống lại Taliban! Trong khi đó, những người lãnh đạo Taliban, họ dành cả đời chỉ để chiến đấu!”
Trò chơi đổ lỗi liên quan đến ai là người có lỗi trong việc Afghanistan sụp đổ nên được đặt một cách công bằng vào 3 tổng thống tiền nhiệm, bắt đầu với Bush (đặc biệt là với Bush kể từ khi ông bắt đầu nó), cũng như Biden. Thế nhưng các cử tri khi đi bầu trong những cuộc tổng tuyển cử TT bên HK, có mấy ai để ý, quan tâm và đòi hỏi những người lãnh đạo, mới hay cũ, phải trả lời, giải thích thành thật ra sao trong các trận chiến họ đã từng nói láo, để mang quân qua, bằng tiền của dân đóng góp? Tại sao người dân Mỹ không thắc mắc, đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng và cái “lòng nhân” của chính phủ Mỹ được thể hiện ra sao trong những trận chiến tại các nơi này ? Về mặt quân sự, với bao nhiêu vũ khí, hỏa tiễn, drones, không kể vũ khí nguyên tử, Hoa Kỳ đúng là cường quốc số một trên thế giới. Chính phủ, (nhất là người dân Hoa Kỳ trong đảng CH) với lòng tự cao, tự đại là đứng đầu thế giới, cũng luôn muốn được biết đến là mang “ánh sáng văn minh, dân chủ” cho các nước nhược tiểu, nghèo nàn! Và nếu vậy thì chính chúng ta, những người Mỹ, những cử tri đã vì sự lười biếng, kiêu ngạo, không suy nghĩ cặn kẽ, thờ ơ, ích kỷ, đã đồng loã khi tin tưởng, và không bắt chính phủ Mỹ nhận trách nhiệm với gây bao nhiêu lầm lỗi trong các quyết định tai hại trong bao năm qua.
Có thể nói: Trump đã đặt trước một cái bẫy cho Biden về sự rút quân ra khỏi Afghanistan! Năm 2020, theo những người từng làm việc trong bộ nội các, Trump tính toán rằng nếu thắng cử, và nếu có thể “thỏa thuận” với chính phủ Taliban, dù chỉ là trên giấy tờ, Trump sẽ dễ dàng khoe thành tích “hòa giải”, yêu cầu được đề cử cho giải Nobel Hòa bình! Nếu Taliban không giữ lời, Trump sẽ ra lệnh không kích hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa / tiêu diệt Taliban và người dân bên ấy! Đối với Trump thì cái quốc gia nghèo đói đó chẳng là gì cả! Việc “đàm phán” với Taliban, cùng với hiệp ước hết sức thô thiển ấy sẽ trở thành một cái bẫy, cái “nợ chua cay”, mà Biden phải thanh toán, nếu Trump thất cử . Chính quyền Trump cũng để lại cho Biden chính sách nhập cư phi nhân tính, vô cùng luộm thuộm, nhiêu khê, phức tạp, và rất giới hạn . (Xin nhắc lại là Trump đã từng muốn cấm tất cả nhưng người từ các nước theo Hồi Giáo đến Hoa Kỳ). May là Biden thắng, và dù muốn hay không, chắc chắn sẽ phải (dưới áp lực, thỉnh nguyện thư từ nhiều phía) cố gắng giúp đỡ những người từng có thể gặp nguy hiểm sau này với Taliban, chứ nếu không thì số phận của người tị nạn sẽ còn thê thảm hơn nữa, khi “Đồng Minh” có óc kỳ thị tên Trump mặc kệ, gán ghép cho họ bao nhiêu tội tình, xua đuổi, và để họ “sống chết mặc bây”!
Nay, vì việc rút khỏi Afghanistan, Biden đã phải chịu bao nhiêu chỉ trích, từ cả những người gây ra cuộc chiến, ngụy biện về cuộc chiến, và cả những người chưa từng để ý đến bất cứ điều gì liên quan đến chính sách đối ngoại, trong những cuộc chiến mà quân đội Mỹ đã tham gia trước đây, nhất là sau chiến tranh VN. Cái lỗi lầm Biden mắc phải là đã không nhanh chóng thay đổi sự sắp đặt, thương lượng của Trump trong việc giúp người tị nạn. Nhưng chuyện rút quân là điều cần phải làm, và ít ra, Biden đang công nhận đây là một cuộc chiến phi nghĩa, đã phí phạm ngân quỹ quốc gia trong 20 năm, vì những lý do không chính đáng. Việc chúng ta cần quan tâm lúc này là làm sao để giúp đỡ, an ủi những người Afghanistan phải di tản, đi nước khác, nhất là qua Mỹ, vì sợ bị giết hại, hành hạ bởi quân Taliban.
Cái ý tưởng viễn vông cho rằng “chủ nghĩa siêu phàm” của người Mỹ có thể khắc phục vấn đề của người khác đã cho chúng ta chứng kiến bao cuộc chiến sau VN, ( Afghanistan, Iraq, Syria) tạo ra bao nhiêu máu đổ thịt rơi. Những thiệt hại được liệt kê thường chỉ nói về nhân lực của Mỹ, nhưng bỏ qua những tác hại to tác hơn nhiều về nhân mạng và những đổ vỡ tinh thần, xã hội, văn hóa tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Thay vì tham gia vào những trò chơi đổ lỗi cho cá nhân này, tổng thống nọ, chúng ta hãy thẳng thắn nhận diện rõ ràng những cái đạo đức giả và mâu thuẫn của chính mình, và chính sách đối ngoại tàn khốc của chính phủ HK .
QUÂN ĐỘI AFGHANISTAN KHÔNG HÈN YẾU!
Các tân sĩ quan Quân đội Quốc gia Afghanistan mới ra trường diễn hành trong lễ tốt nghiệp tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Kabul ở Kabul vào ngày 30 tháng 12 năm 2014. WAKIL KOHSAR / AFP VIA NHẬN HÌNH ẢNH
Theo bài “Lực lượng phòng vệ của Afghanistan đã sai hỏng chỗ nào?” What Went Wrong With Afghanistan’s Defense Forces? của tờ báo Foregin Policy, chúng ta thấy được sự thất bại của Mỹ trong việc “chuẩn bị” cho người lính Afghanistan trong việc chiến đâu chống lại đoàn quân thiện chiến Taliban, đã mua được vũ khí từ những tên lãnh tụ tham nhũng, buôn bán (lậu) vũ khí mấy năm qua. Người lính A Phú Hãn không được trả lương, không được tiếp tế lương thực vũ khí, và những kẻ lãnh đạo lại có những người không hề là người dân của A Phú Hãn trước đó! Họ được đi học bên các nước Tây Phương, được Mỹ ủng hộ cho nắm quyền trong chính phủ, dù có người không biết nói được tiếng Ả Rập! Rồi thì chuyện tham ô, đục khoét tiền viện trợ, người dân người lính lãnh đủ ( không có được gì hết!) . Dù không thích Taliban, người dân cũng không thể nào tin và yêu được cái chính phủ tồi tệ đó! Người lính, từ dân mà ra, lại bị chuyển đi nhiều nơi mà họ không hề biết đến, không có gia đình. Khi những thành phố có gia đình họ bị thất thủ, đương nhiên, họ phải chạy về, tìm cách bảo vệ gia đình họ! Chưa kể chuyện không còn súng đạn, lấy chi mà đánh đấm! Và xin đừng quên rằng ( HK đã “thành công” lúc đầu khi bứng được Taliban đi. Rất nhiều lính Taliban đã bị bắt!) Nhưng rồi thì nhờ “Hồng ân” của Trump, hơn 5000 quân Taliban đã được thả ra vào năm 2020! Vậy thì Trump có công khá lớn trong việc mang lại sự chiến thắng, tóm trọn A Phú Hãn của Taliban bây giờ! Thành thực mà nói thì chỉ người dân là quá tội, quá điêu đứng trong việc này. Cầu mong những người dân Mỹ sẽ cẩn thận hơn khi bỏ phiếu bầu cho những ai muốn “chen vào, ngăn chận” nơi nào đó trong tương lai….
Sự uất ức, đắng cay nghẹn ngào mà chỉ có những kẻ trong cuộc, tại những nước nhược tiểu mới có thể nhận ra được là Hoa Kỳ chưa bao giờ thực sự coi trọng văn hóa, truyền thống của các nước ấy, hoặc xem họ ngang hàng, và chính phủ Mỹ chưa bao giờ thực sự muốn quốc gia của họ thực sự độc lập, tự do. Để chống lại sự bành trướng, ảnh hưởng của Nga, Mỹ mang quân qua chiếm đóng, huấn luyện quân sự, cho “đồng minh” đánh giặc theo cung cách của Mỹ, và viện trợ tiền bạc, vũ khí, máy bay nhưng khi rút quân về (năm 2020) đã không để lại cho người Afghanistan những quân nhu yếu phẩm, cùng máy bay quân sự, thuốc men cho quân đội, để họ có thể tiếp tục chiến đấu, cùng với một chính phủ bù nhìn tham nhũng thối nát, thì làm sao mà người lính còn có thể tiếp tục chiến đấu? Khi những người lính trong quân đội Afghanistan cảm thấy bị lợi dụng, phải “đánh” cho một “đồng minh” giàu có bậc nhất, nhưng đã xem thường, bỏ mặc họ, cùng lúc bị bóc lột bởi một chính phủ bù nhìn thối nát, tham nhũng, khi họ không còn được trả lương để mua sữa cho con họ, hay bảo vệ được sự an toàn của chính gia đình họ, ở nơi xa, thì sự mua chuộc, hứa hẹn (nếu có) của Taliban là sẽ mang lại cho họ danh dự, cùng miếng cơm, manh áo cho gia đình họ, thì đương nhiên, họ sẽ chọn việc buông súng đầu hàng để ít ra không bị chết đói, bị giết ngay lập tức. Cái bản năng sinh tồn của con người ai cũng vậy, và nhất là khi có gia đình đang gặp cơn đói khát ngặt nghèo, cùng những bất công xã hội nhan nhản chung quanh, làm sao chúng ta có thể trách người lính Afghanistan trong việc đầu hàng, khi chính nhưng người cầm đầu, lèo lái quốc gia đã bỏ rơi họ từ lâu? Và như thế thì họ không hèn, mà đã vô cùng dũng cảm, trong chọn việc buông súng, tránh cảnh máu đổ thịt rơi cho dân nghèo, dân oan, trong đó có cả gia đinh của họ, để thà sống với sự tàn bạo của Taliban, nhưng còn hy vọng có được chút công bằng vì người Taliban tin tuyệt đối vào lối sống “đạo đức” của họ, tuyệt đối chống lại sự ích kỷ, tham nhũng, đồi trụy. Chỉ những kẻ cầm quyền, tai to mặt lớn, bỏ dân chạy trước mới là hèn!
Xin trích một đoạn từ bài viết Afghanistan: Mồ chôn của những đế chế của TS Nguyễn Phương Mai, một người đã từng sống bên Pakistan để tìm hiểu, nghiên cứu về Taliban:
“Người bố thở dài: “Chính quyền tham nhũng, thối nát. Nếu phải chọn giữa Taliban và cái chính quyền tồi tệ này, tôi chọn Taliban. Ít nhất với Taliban, chúng tôi có thể đòi lại sự công bằng”.
Tại những vùng bị tái chiếm đóng và quân chính phủ thua chạy, Taliban tuyên bố họ đã thay đổi không còn cực đoan như trước. Ví dụ, các bé gái giờ đã được đi học dù những lớp học chỉ dạy kinh Quran. Cộng với sức mạnh của tôn giáo, Taliban với khuôn mặt của những kẻ ngoan đạo từ chỗ là kẻ thua trận dần dần trở thành một lực lượng chính trị không thể bị tiêu diệt mà buộc phải coi như một đối tác trên bàn đàm phán.
Tại sao? Vì những câu chuyện như đã xảy ra với gia đình cưu mang tôi ở Pakistan: Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù. Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.“
Ngưng trích.
Điều mỉa mai, mâu thuẫn là khi những người trong đảng CH rêu rao rằng họ “lo cho người dân Afghanistan, nhất là đàn bà con gái, sẽ bị tướt đoạt quyền sống, v.v….” thì ngay tại Mỹ, họ cũng là những người muốn tước đoạt nữ quyền, và vẫn xem thường người nữ, nhất là người da màu. Trong tương lai, khi những phụ nữ Afghanistan sang đây, khi họ mặt quốc phục, đội khăn, đi đến nhà thờ làm lễ của người theo Hồi Giáo thì họ sẽ đối xử với những phụ nữ này ra sao? Họ có dè bĩu, khinh khi, kỳ thị ra mặt hay ồn ào đòi hỏi, bắt buộc chính phủ không cho họ được đội khăn, che mặt, rồi hành hung, hay đốt phá nơi họ đến để cầu nguyện.
TIẾNG NÓI, VÀ ƯỚC VỌNG CỦA NGƯỜI DÂN, NHẤT LÀ PHỤ NỮ BÊN AFGHANISTAN
Trở lại chuyện người dân bên Afghanistan đang lo lắng, kinh hoàng và bi quan vì nhớ đến sự cai trị tàn ác, nghiêm ngặt của Taliban, nhất là phía phụ nữ. Từng ở trong tâm trạng bi phẫn đó sau khi Mỹ rút khỏi VN năm 1973 và chứng kiến sự sụp đổ của miền Nam VN năm 1975, chúng ta có thể hình dung ra sự kinh hoàng, sợ hãi vô cùng chính đáng của họ, và không thể cầm lòng, nghe chua xót, ngậm ngùi thương cho một dân tộc đã bị chiến tranh tàn phá, nghèo khổ, và ngay bây giờ, trong bối cảnh dịch Covid-19, lại đang và sẽ phải đương đầu với những luật lệ hà khắc của chính quyền Taliban…
Cùng lúc, bên nỗi lo sợ, kinh hoàng, hỗn độn một số không ít những phụ nữ, tuy lo sợ cho sự an nguy của chính họ, nhưng vẫn vô cùng can đảm, nhất định không tìm nơi trốn, hay di tản qua nước khác….Họ vẫn ấp ủ chút hy vọng mong manh là sẽ được tiếp tục thực hiện những công việc, những chương trình họ đã và đang ra công, đóng góp với bầu nhiệt huyết và lý tưởng chân thành, để mang lại niềm tin cho người dân còn lại Afghanistan. Đây là biểu tượng của những nữ lưu, rạng ngời tình yêu nước. Xin được nói về hai vị đã được NPR (National Public Radio) phỏng vấn trong tuần qua:
Phóng viên Noel King (NPR) đã phỏng vấn Pashtana Dorani, giám đốc điều hành trung tâm LEARN, (một tổ chức vô vụ lợi của người trẻ, chuyên về giáo dục ở Afghanistan) về sự tiếp quản của Taliban và tình hình ở đó đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Pashtana Dorani bảo cô không muốn bỏ nước ra đi trong lúc này vì cô không thể bỏ ngang công việc cô từng bỏ bao nhiêu tâm huyết, đang dốc lòng dốc sức cho dân tộc cô. Tuy lúc NPR phỏng vấn, cô cũng đang trú ẩn tại một nơi không được tiết lộ, cô vẫn nói là chưa nghĩ đến việc trốn đi, lánh nạn vì cô nghĩ nếu nữ sinh không còn được đến trường, cô vẫn sẽ tìm cách lén mở trường “chui” (underground school). Khi được hỏi làm sao cô có thể làm được việc đó thì cô bảo, trong thời gian qua, cô đã cố hết sức thu thập, viết bài và cho lên trang mạng của trường để học sinh có thể học ở nhà, hay bất nơi đâu, không cần phải đến trường nữa . Thật là một cô gái can đảm phi thường với những sáng kiến, trong tình yêu quê hương, lý tưởng tuyệt vời!
Một vị nữa là Mahbooba Seraj, người sáng lập hội Phụ nữ Afghanistan, và bao năm qua đã săn sóc, bảo vệ cho những phụ nữ bị hành hạ, yếu thế, cho trẻ con bị mất nhà, mất cha mẹ vì loạn lạc chiến tranh…Bà là người sáng lập và là phát ngôn viên của chương trình phát thanh dành cho phụ nữ có tên là “Afghanistan Yêu Dấu của chúng ta -Mahbouba Seraj” được phát thanh trên toàn Afghanistan. Bà cũng thành lập các “Vòng kết nối Lắng nghe” của Phụ nữ ở các ngôi làng của Afghanistan, nơi họ tụ tập để lắng nghe và thảo luận về các chủ đề khác nhau của các chương trình phát thanh đã phát ra trước đó. Bà luôn vận động không mệt mỏi cho nữ quyền, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các chương trình đòi hỏi Hòa bình.
Bà Mahbooba Seraj, đứng giữa
Trong buổi phỏng vấn buổi sáng với NPR, ngày 17/8/2021, Seraj nói rằng có “quá nhiều điều không chắc chắn đến nỗi tôi thực sự không thể nói cho bạn biết chúng ta đang đến hay đi, điều gì sẽ xảy ra, liệu chúng ta có còn sống vào ngày mai hay không. … Chúng tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra.”
Những phụ nữ Afghanistan tị nạn, phải di tản chạy trốn vì cuộc chiến giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan, tập trung tại Công viên Shahr-e-Naw ở Kabul vào ngày 13 tháng 8.
Wakil Kohsar / AFP qua Getty Images
Seraj nhất định ở lại Afghanistan, vì bà muốn bảo vệ những phụ nữ và trẻ em gái mà bà có trách nhiệm lo cho họ- nhưng cũng vì đó là đất nước của bà và bà nói “Tôi không muốn ai đó buộc tôi phải rời khỏi mảnh đất này lần này.” (Trước đây, bà đã sống xa xứ 26 năm và đã trở về quê năm 2003, để phục vụ cho người dân Afghanistan)
Bà khẳng định bà không làm điều gì mà phải xấu hổ, và không sợ sẽ bị bắt bớ chi hết, vì bà chỉ lo giúp cho những người đàn bà bất hạnh từng bị hành hạ, lợi dụng, và bà chỉ muốn ở lại để tiếp tục giúp đỡ họ, cho họ có thể tìm lại niềm tin trong cuộc sống.
Seraj có thông điệp muốn nhắn nhủ đến người dân Mỹ; xin trích dịch từ buổi phỏng vấn:
“Với tư cách là người Mỹ, bạn có một đất nước có luật pháp – bạn là một quốc gia dân chủ. Xin đừng cho phép chính phủ sử dụng bạn bằng cách dắt mũi bạn và chỉ đạo [đất nước] theo bất kỳ hướng nào mà họ muốn. Làm ơn đừng cho phép điều đó xảy ra đến bạn . Bạn vĩ đại hơn nhiều, vĩ đại hơn nhiều và mạnh mẽ hơn thế nhiều.
“Xin hãy nắm vững vấn đề khi bạn muốn vào một quốc gia nào đó, khi bạn làm điều gì đó cho một đất nước nào đó như Afghanistan- bạn phải biết chắc rằng chính phủ của bạn không lừa dối bạn. Bởi vì Chính phủ Mỹ đã nói dối bạn từ Ngày đầu tiên về điều này. Suốt chiều dài của cuộc chiến, họ đã nói dối bạn nhiều đến mức thậm chí chính họ còn không biết đâu là sự thật nữa.
“Vì vậy, làm ơn nói dùm chúng tôi với họ điều đó. Đó không phải là con người của họ. Người Mỹ là những người tuyệt vời.”
Theo tờ báo tiếng Pháp 20 minutes của Thụy Sĩ, ngày 18/8/2021, với tựa đề “Afghanistan : Avec quels pays les talibans pourraient bientôt entretenir des relations diplomatiques ?” (Afghanistan: Taliban có thể sớm duy trì quan hệ ngoại giao với những quốc gia nào?), được một người bạn dịch và gửi cho tôi thì:
“Quan tâm đến một khuôn mặt mới khác với cái mà họ đã thi hành trong những năm 1990 khi họ đang nắm quyền hành, Taliban đã từ vài năm nay có những liên lạc ngoại giao ít nhiều với những nước lân cận xa hay gần
Sự thừa nhận chế độ bởi cộng đồng quốc tế có thể cho phép họ có những đại diện ngoại giao và nhờ đó mà họ có thể có những cam kết và các thoả hiệp thương mại
Từ khi nắm quyền hành vào ngày 15/8, họ đã cố gắng bảo đảm các phưong thức mà họ dự định điều khiển Afganistan. Ngày thứ ba, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Taliban là Zabihulah Mujahid loan báo một cuộc đại xá (tha tội) tổng quát và hứa hẹn những người Afgans làm việc với Tây phương sẽ không bị truy tố. Ông ta cũng bảo đảm rằng phụ nữ sẽ không bị bắt buộc mang khăn trùm và họ có quyền làm việc và học hỏi phù hợp với luật của người Hồi giáo.
Các lời tuyên bố này hoàn toàn khác với chính sách mà họ đã nắm quyền hành vào thập niên 1990.
Dĩ nhiên, Tây phương đang chờ đợi xem họ có tôn trọng các lời hứa hẹn.
Taliban có những lầm lỗi nào trong quá khứ mà họ nay muốn tránh khỏi ?
Taliban hoàn toàn cô lập về ngoại giao khi họ nắm quyền hành từ 1996 đến 2001. Chỉ có ba quốc gia duy nhất đã thừa nhận họ là Saudi Arabia,Pakistan và United Arab Emirates
Các đại sứ của Taliban ở các quốc gia nói trên chỉ là hình thức vì những người này không có nhiệm vụ như các đại sứ theo nghĩa ngoại giao.
Afganistan có mỏ đồng và nhiều khoáng sản khác cho nên TQ và Nga đã không di tản các toà đại sứ của họ và TQ hiện nay đang khai thác một mỏ đồng ở phía nam Kabul.
Trước đây Mỹ có chương trình lập ống dẫn dầu (gazoduc) bởi công ty Unocal nối liền Turkménistan với Pakistan sau khi chạy qua Afganistan được ký kết với Taliban năm 1998 nhưng bị đình hoãn sau khi Mỹ ném bom vào các căn cứ của Bin Laden ở Afganistan
Trong bối cảnh toàn thế giới đang chú tâm chống dịch coronavirus và những biến thể vô cùng khó khăn, phức tạp hiện nay, việc lãnh đạo, điều khiển người dân Afghanistan (bao gồm nhiều nhóm với lịch sử và sự thể hiện tôn giáo, niềm tin khác nhau) sẽ cần sự khôn ngoan tinh tế và nhất là sự hợp tác của toàn dân, và càng nhiều quốc gia Tây Phương trên thế giới càng tốt. Chiến thắng một cuộc chiến là chuyện tương đối đơn giản. Để có thể điều động, phát triển và duy trì một đất nước nghèo như Afghanistan, cần có sự chung tay góp sức của đại đa số người dân, và chúng ta nên chờ xem chính phủ Taliban sẽ “cai trị” dân ra sao…
Niềm an ủi lớn lao cho tôi sau khi đọc tất cả những tài liệu trên, chắc chắn là còn nhiều thiếu sót, là ít ra người dân, nhất là những phụ nữ Afghanistan như bà Mahbooba Seraj, và cô gái trẻ Pashtana Dorani đã có những chọn lựa, so sánh, và cơ hội để học hỏi, dấn thân, phục vụ dân cho đất nước, dân tộc của họ với tinh thần khai phóng, lý tưởng yêu quê hương chân thành, thiết tha, đáng ngưỡng mộ. Họ đã không thay đổi cách sống, đòi hỏi “bình quyền” một cách hời hợt, phiến diện, mà đã tận dụng trí óc, tâm hồn và niềm tin của họ để xây dựng một xã hội công bằng hơn, nhân đạo hơn, và hướng đến hòa bình, nhân ái. Tôi chỉ biết cầu mong vạn sự an lành cho họ, và lòng nguyện lòng sẽ giúp đỡ những người dân phải tị nạn từ Afghanistan. Đó là bổn phận, là việc cần phải làm trong tình người và trong niềm cảm thông, trân trọng những giá trị tinh thần căn bản, bất kể màu da, ngôn ngữ, tôn giáo.
Cuộc chiến này ai nhục ai vinh?
Ai xua quân xâm lấn vô tình?
Ai hứa bao điều xong phủi sạch?
Ai lập lờ, gieo rắc điêu linh?
Cuộc chiến này ai nhục ai vinh?
Ai giang tay nối kết thân tình
cứu vớt bao đời dân bất hạnh
mặc hiểm nguy vây bủa quanh mình?
Minh Phượng
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét