Vừa đến cửa văn phòng Ban Chỉ Huy pháo binh Tiểu Khu Quảng Ngãi tôi gặp Thiếu úy Võ Hoàng đi ra. Tôi và Hoàng học cùng lớp Đệ Thất 4, đến Đệ Tứ 4 ở trường Trần Quốc Tuấn. Lên đệ Tam tôi ban A, Hoàng ban B nên không còn gặp nhau đến bây giờ là tám năm. Cả hai đều ngạc nhiên,vừa bắt tay tôi hỏi: - Hoàng, sao ông ở đây? - Mình về gặp Thiếu Tá - Còn Tiến tới đây làm gì? đi khóa mấy vậy? - Mình khóa 5/70, mới từ 20 chuyển về. Hôm nay trình diện, ủa Hoàng làm Trung đội trưởng hả? - Ừ, Trung đội 109 đóng bên Sơn Tịnh. Hoàng kéo tôi ra sân:- “Vậy là Tiến thay cho mình rồi. Cách đây mấy tuần Thiếu tá nói đã gởi công điện xin một Trung úy hoặc Thiếu úy thâm niên về thế Trung đội trưởng 109, để mình về thay cho Trung úy Thành đổi đi Nha Trang”
Hai đứa vui mừng hỏi thăm bạn bè cùng lớp, đứa còn đứa mất? Võ Hoàng khóa 6/ 69 (hai tháng sau lên Trung Úy). Sau nầy tôi mới biết Võ Hoàng là sĩ quan xuất sắc nhất trong bốn sĩ quan Trung đội trưởng của pháo binh Tiểu khu Quảng Ngãi, rất được lòng Thiếu tá Trần Trai Chỉ Huy Trưởng, nên ông đem về làm sĩ quan Quản Trị Tiếp Vận. Nói chuyện một lát, chiếc xe jeep lùn mang bảng số: 170310 gắng máy VRC 46 có cần ăng ten trờ tới, Hoàng lên xe, bọn tôi chia tay chúc may mắn và hẹn gặp lại.
Tôi vào gặp Trung úy Thành trước khi trình diện Thiếu Tá Trần Trai Chỉ Huy Trưởng. Sau khi xem Sự Vụ Lệnh ông nhìn tôi:
- Tạm thời anh phụ tá cho Trung úy Thành, tôi sẽ sắp xếp sau nhé.
- Tuân lệnh.
Tôi chào kính lui ra. Từ đó tôi thay Trung úy Thành khi ông vắng mặt. Trực Trung Tâm Hành Quân. Cập nhật kế hoạch “hỏa yểm” trong ngày lên bản đồ, để Thiếu tá Trai thuyết trình cho Đại tá Tiểu khu trưởng vào mỗi buổi chiều.
Thế rồi mọi việc diễn ra như dự định. Trung úy Thành chuyển đi Nha Trang, Thiếu úy Võ Hoàng về Quản Trị Tiếp Vận. Tôi ra Trung Đội Trưởng 109, thay thế Thiếu úy Hoàng.
Lễ bàn giao diễn ra nơi trung đội 109 pháo binh đang đóng, trên ngọn đồi bên cạnh Chi Khu Sơn Tịnh. Đầy đủ lễ nghi và thủ tục, có tiệc tiễn đưa, với sự chứng kiến của Thiếu tá Trần Trai Chỉ huy trưởng Pháo Binh Tiểu Khu Quảng Ngãi.
Sau một tuần ổn định. Tôi thấy cần đào tạo thêm một kế toán tác xạ. Đã có Trung sĩ nhất Chắt kế toán trưởng, Hạ sĩ Đa và Nguyễn Đức phụ tá. Nhưng tôi muốn có thêm kế toán trực tác xạ để anh em có thể luân phiên đi phép.
Sau khi xem hết hồ sơ cá nhân, tôi chọn Huỳnh Đạm đang ở khẩu đội Một của Trung sĩ Thí. Trung sĩ nhất Chắt tác xạ cho biết: “Đạm mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ còn hai anh em, hiền lành, chỉ có tội mê gái”. Tôi cười: “mới mười tám tuổi mà mê gái cái gì?”. Khi lên trình diện cảm nhận đầu tiên là Đạm rất trẻ, trẻ tuổi nhất của trung đội, cao ráo đẹp trai, nét thông minh vui vẻ hiện trên gương mặt. Đạm cho biết: “Học trường Trần Cao Vân Tam Kỳ, rớt Tú Tài Một, không muốn vào Đồng Đế nên đi pháo binh”. Sau khi trao đổi vài điều về cá nhân và ý định đưa lên học tác xạ. Tôi cười cười: “Nghe nói em mê gái lắm hả, có “bồ” chưa?”. Nó cười bẽn lẽn: “Dạ, đâu có Thiếu úy, ai mà thương em?” Sao vậy? “Dạ tại nghèo quá”. Đẹp trai thì không cần giàu đâu. Tôi cười.
Từ đó Đạm dọn lên ở đài tác xạ, TS Chắt dạy nó chấm tọa độ lên xạ bản, sử dụng “quạt hướng tầm”, “họa xạ biểu”, “thước tà giác” để tính yếu tố tác xạ. Nói chung Đạm tiếp thu nhanh và trở thành một kế toán . Nguyễn Đức đang làm kế toán tác xạ là một nhân vật khá đặc biệt: “Thiếu úy Võ Hoàng, Thiếu úy Lê Văn Hùng (trung đội trưởng 110) và Nguyễn Đức là bạn thân, học cùng lớp từ đệ Tam đến Đệ Nhất ở Trần Quốc Tuấn (cùng năm với tôi). Sau đó Hoàng và Hùng đều nhập ngũ khóa 6/ 69 Thủ Đức.
Nguyễn Đức vào sài gòn học đại học Khoa Học, mới được hai chứng chỉ thì lệnh động viên năm 1972 phải vào Thủ Đức. Nguyễn Đức không đi sĩ quan, chạy về Quảng Ngãi chui vào Pháo binh, đầu quân làm lính của thằng bạn thân là Võ Hoàng, Hoàng che chở bạn bằng cách đem Đức lên đài tác xạ làm kế toán”.
Lúc mới về Trung đội tôi ngạc nhiên trong hồ sơ cá nhân thì khai lớp Đệ Tứ, binh nhì chưa học C1, C2 tác xạ, mà sao Đức quá giỏi, tính yếu tố nhanh như gió, làm phiếu “chuẩn định chính xác”, giải “Điệnvăn khí tượng Nato” làu làu không suy nghĩ. Một hôm tôi hết hồn khi nghe “anh chàng” giảng cho Đạm áp dụng “Bảng Thị Sai M10” trong tác xạ khẩn cấp, và “bắn góc cao” khi gặp “tà giác” bức chắn. Tôi hỏi TS Chắt mới biết sự việc.
Thú thật bọn tôi đã học căn bản pháo binh có trường lớp đàng hoàng, nhưng ra trường đi đề lô mấy năm, kiến thức tác xạ rơi rụng theo bộ binh hết trơn. Nên thời gian đầu mới về Trung đội tác xạ cũng “quờ quạng”, như bản thân tôi phải “bí mật” lấy quyển “Tác Xạ Đại Cương” về phòng học lại, chỗ nào bí quá ghi vào sổ, về Tiểu Khu hỏi Thiếu Úy Võ Hoàng, không để Hạ sĩ quan tác xạ biết mình yếu. Nhiều đứa là sĩ quan nhưng trong trường Pháo Binh lười học, ham chơi thì về tác xạ “quờ quạng” là chuyện thường, vì nó là toán học.
Vậy mà Đức thì cứ cộng trừ nhân chia thoăn thoắt thuộc bản logarit y như hằng đẳng thức đáng nhớ. Tuy vậy Đức rất khiêm tốn, không khoe khoang chuyện học hành, ai nói gì cũng cười.
Sau biến cố năm 1975 Nguyễn Đức về quê ở Bình Sa làm giáo viên Trung học dạy Toán cho đến khi nghỉ hưu và đã qua đời năm 2015.
Điều may mắn nhất của tôi là các nhân viên tác xạ đều giỏi. Ngoài Đức ra thì Trung sĩ nhất Chắt và hạ sĩ Đa đều là hai tay giỏi và rất thông minh. Đa cũng thi rớt Tú tài Bán Phần đã có bằng C2 tác xạ.
Từ ngày lên đài tác xạ làm kế toán. Đạm tự nguyện giúp tôi những việc lặt vặt, xem nó như một người em, luôn bên cạnh. Gần gũi mới biết gia cảnh nó rất đáng thương:
“Năm 1963 cha bỏ mẹ theo “bồ”, lúc Đạm tám tuổi, cu Đạt lên năm. Mẹ nó buồn dữ lắm, bà đổ bệnh một thời gian dài, ngày nào cũng nhìn ra ngõ trông chờ sự hồi tâm của người chồng bội bạc, nhưng biệt vô âm tín. Nhìn hai con thơ bơ vơ thấy mình phải sống, cố gượng dậy, bỏ lại sau lưng đau buồn hờn tủi, lấy công việc để tìm quên. Mẹ sang lại một sạp bán vải ở chợ Tam Kỳ. Ngoài thời gian buôn bán bà về lo cho hai con. Vết thương dù không lành, nhưng đền bù là hai con ngoan và chăm học, các con là niềm vui là nguồn sống duy nhất. Hai anh em Đạm lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Nhưng định mệnh cay nghiệt không chịu buông tha.
Một ngày tháng 10 năm 1970, trong một chuyến đi mua hàng, chiếc xe khách từ Tam Kỳ đi Đà Nẵng vừa ra khỏi Tuần Dưỡng độ vài kilomet bị nổ tung khi đạp phải một quả mìn của Việt Cộng chôn trên đường đêm qua. Mười tám hành khách bị thương nặng, sáu người chết trong đó có mẹ của Đạm. Năm đó Đạm lên mười lăm, đang học lớp chín, cu Đạt mười hai, học lớp sáu.
“Họa vô đơn chí”. Cha bỏ đi bây giờ mất mẹ, hai anh em bơ vơ như cánh chim lạc giữa trời trong cơn giông bão. Căn nhà mẹ để lại trở nên mênh mông với hai đứa trẻ cô đơn sau mỗi buổi tan trường. Những bữa cơm tẻ nhạt hai anh em ngồi nhìn nhau nhớ mẹ, òa lên khóc. Thằng cu Đạt sợ ma vì cái bàn thờ mới, nó cứ bám sát anh mỗi khi bóng tối trở về. Nhiều đêm hai anh em lên giường nằm ôm nhau khóc. Giấc ngủ đến Đạm thấy mẹ đứng bên giường, giật mình tỉnh dậy mới biết là chiêm bao, Đạm gục xuống tìm bàn tay em nắm chặt, nước mắt tuôn dòng.
Thấm thoát đã hai năm trôi qua. Nỗi đau nào rồi cũng phai dần theo tháng năm. Hai anh em vẫn đến trường và lớn lên trong cảnh mồ côi. Dĩ nhiên chuyện học hành của Đạm không còn được như trước, kỳ thi Tú Tài năm 1972 Đạm bị hỏng. Thất vọng, nằm vùi mấy ngày, Đạm quyết định dẫn em lên gởi cho ông chú làm ở Ty Cảnh Sát Tam Kỳ nhờ ông lo cho nó tiếp tục đi học”. Đạm vào lính pháo binh về Trung đội 109”. Nghe chuyện của nó tôi buồn theo. Có thể còn quá trẻ, mới mười tám tuổi lại đẹp trai nên đi đâu có con gái là sà vào tán tỉnh, cho nên Trung sĩ Chắt nói nó mê gái là vậy. Lãnh lương Đạm mang về gởi ông chú lo cho em, thỉnh thoảng xin tôi đuôi sắt, kết gỗ đem bán kiếm thêm tiền.
Từ khi tôi về, đến năm 1975 Trung đội 109 hoán đổi qua các vị trí: Đồi 74, Tư Nghĩa và sau cùng là Bình Sơn. Tình đồng đội thắm thiết, và thương nhau như anh em một nhà. Đạm luôn bên tôi như hình với bóng. Bị “đồng minh” bội phản. Tình hình đất nước diễn biến bi thảm do sự cắt giảm quân viện của Hoa Kỳ, theo tinh thần hiệp định Paris. Từ trung tuần 1974, chúng tôi không còn đạn để yểm trợ quân bạn, đạn tồn kho xuống dưới mức an toàn, nòng đại bác hết đời tác xạ. Hàng chục công điện “khẩn” tôi gởi đi đều được trả lời: “đợi”. Kho 513 đạn dược đã cạn, quân cụ rỗng kho. Tôi được lệnh hạn chế tác xạ tối đa, chỉ được bắn một đến hai quả mỗi lần, khi quân bạn chạm địch.
Những nhu cầu quân sự khác cũng chung số phận, quân trang quân dụng thiếu hụt. Máy PRC 25 không còn pin để trực tác xạ. Phi cơ, thiết giáp nằm ụ vì không có nhiên liệu. Lính bộ binh chỉ còn nhận một nửa cấp số đạn khi hành quân, lựu đạn không đủ phát cho quân nhân. Tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp thấy rõ.
Cán cân quân sự bắt đầu nghiêng lệch, khi Cộng Sản Bắc Việt được Nga Sô, Trung Cộng viện trợ ồ ạt, hỏa lực dồi dào mở những cuộc tấn công. Tình hình chiến trường diễn biến xấu mau lẹ sau cuộc triệt thoái thất bại của Quân Đoàn Hai. Tại Quân Đoàn Một rút bỏ Quảng Trị, Huế bỏ ngỏ, Ngày 23 tháng 4 Tam Kỳ bị Cộng quân tràn ngập.
Chiều ngày 24 tháng 4 năm 1975 tại Bình Sơn, tôi nhận một công điện “mật khẩn” từ đại úy Tùng Chỉ Huy Phó pháo binh Tiểu Khu: “...Trung đội 109 yểm trợ tối đa cho cuộc di tản của các đơn vị từ Quảng Ngãi đi Chu Lai....Tiêu hủy đại bác, kho đạn khi xong nhiệm vụ ....”. Trung đội 109 pháo binh đã thi hành lệnh sau cùng của BCH pháo binh Tiểu khu Quảng Ngãi.
Trên quốc lộ, xe cộ đủ loại và một biển người đạp lên nhau trốn chạy, tình hình vô cùng hỗn loạn. Đến 12 giờ khuya hệ thống vô tuyến mất liên lạc với BCH pháo binh Tiểu Khu, qua hệ thống pháo binh Sư Đoàn cũng không được. Tôi cho chấm dứt tác xạ và thi hành lệnh “tiêu hủy” đại bác và kho đạn, lửa bốc cháy. Trung đội lên xe nhập vào dòng người di tản. Ra khỏi cầu Bình Sơn là một giờ khuya, bị Việt Cộng chận đánh. Hỏa tiễn, đạn cối, B40, súng cá nhân bắn xối xả vào dòng người, kẻ sống dẫm lên xác người chết mà chạy. Tôi cho binh sĩ xuống xe. Mọi việc diễn ra ngoài tầm kiểm soát, không ai có thể điều quân trong một biển người dân và lính hỗn độn, giày xéo đạp lên nhau. Trong khi cọng quân bám sát tác xạ tự do. Trung đội 109 pháo binh thất lạc và tan rã từ giờ phút đó.
Quốc lộ bị chận, người ta tỏa đi tìm đường chạy ra Chu Lai, thì tôi không nỡ bỏ anh em đồng đội, mò tìm người nầy người kia mà trời tối đen như mực, nên bị bỏ rơi lại. Cuối cùng chỉ còn Nguyễn Lòng tài xế, và Huỳnh Đạm bên cạnh.
Trời sáng ba thầy trò lẫn vào ruộng mía chờ đêm xuống đi tiếp. Đến nữa đêm hôm sau chuẩn bị vượt sông, thì hướng Chu Lai bốc cháy và đạn nổ long trời. Tôi ngã quỵ vì tuyệt vọng. Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn đã di tản.
Sáng hôm sau ba thầy trò bị vây bắt. Tôi không còn bình tĩnh biết những gì xảy ra, thần kinh bị tê liệt, chỉ biết Việt cộng rất đông và hung dữ quá. Tôi bị đánh tơi tả tối tăm mặt mày bằng báng súng vào đầu vào lưng, bụng, thừa chết thiếu sống ự..ự..ự.., bộp ..bộp..bộp.. ự..ự ..bộp ..bộp. Tôi ngã xuống bị nắm tóc xách dậy đánh tiếp, mà đánh toàn bằng báng súng. Cảm giác đầu như vỡ ra, mắt hoa, nghe mùi tanh của máu, máu từ đầu, miệng mũi trào ra chảy xuống áo quần đỏ lòm. Tôi thấy cái chết thật gần, gục xuống mặc cho số phận. Tiếng Việt Cộng gọi nhau í ới, tiếng ra lệnh. Tôi nhắm mắt chấp nhận cái chết, muốn biến khỏi cuộc đời nầy.
Một bàn tay nắm tóc lôi dậy, tôi đứng không vững ngã chúi về phía trước, dù cố gắng hai mắt không mở ra được, đưa tay lên sờ mặt mới biết nó biến dạng, phình to như quả banh nhầy nhụa máu. Hai tay tôi bị trói quật sau lưng, dính chùm với hai người lính, tôi chao đảo bước đi trong đau đớn rã rời từ thể xác đến tâm hồn.
Chúng tôi bị dẫn đi hai ngày đêm đến một “Trại Tập Trung” trong rừng phía tây quận Bình Sơn. Khi đến thì đã có hàng ngàn người. Thôi thì đủ mọi binh chủng, mọi cấp bậc, chức vụ. Ngày nào cũng có hàng chục, hàng trăm người bị trói tay dẫn về, nhưng không có ai trong trung đội 109 pháo binh của tôi.
Cố gắng đến được trại giam thì tôi ngã bệnh, tinh thần suy sụp, thêm trận đòn thừa chết thiếu sống làm hình hài tôi biến dạng, da đầu bị tét, mặt mày bầm tím sưng húp máu khô thành từng mảng lem luốc. Tôi lên sốt li bì người nóng như than, tâm trí bồng bềnh lúc tỉnh lúc mê. Nghe ai mách bày Đạm hái lá rừng nhai đắp lên những vết thương trên đầu và mặt lúc nào tôi không hay biết.
Là nơi tập trung để thanh lọc nên chưa phải lao động nhiều. Mỗi ngày tù chia nhau đi lấy củi, một số đi đốn cây làm thêm trại để đón tù mới. Tôi nằm liệt nên không lao động, Đạm đi lấy củi về xong là quanh quẩn bên tôi.
Nhập trại đã ba ngày tôi vẫn không ăn, hình như cơ thể không còn nhu cầu cho sự sống. Đạm sợ tôi chết. Cứ trời tối nó đem về nửa lon sữa bò cháo nấu bằng cơm cháy đen thui ép buộc tôi ăn. Miệng đắng nghét, đầu nhức buốt, mà cháo là một thứ nước đen ngòm lợn cợn vài hột cơm cháy, không có muối lạc nhách, lại nồng nực mùi khói, không thể nuốt được. Nó thì thầm vào tai tôi: “Thiếu úy phải ăn mới sống được”, Tôi lắc đầu, giọng nó ngậm ngùi: “Thiếu úy thương em, khó lắm mới tranh dành được tí cháy dính ở đít chảo, ngồi nấu lén, còn phải canh chừng tụi nó”.
Tôi cựa không nổi, tả tơi như cái mền rách. Đạm tìm cách để tôi khuây khỏa bằng cách kể chuyện xảy ra trong trại, chuyện tin đồn, chuyện đi tìm người quen, gặp người ở đơn vị nầy đơn vị nọ, mà đơn vị mình thì không có đứa nào. Nói đã đời thấy tôi vẫn như xác chết, nó cuối nhìn sát mặt tôi rồi thở dài.
Đến ngày thứ năm hơi giảm sốt, Đạm dìu tôi ra bờ suối rửa vết thương, nó thì thầm: “Áo quần Thiếu úy máu không để em giặt cho, đồ em hôm qua giặt rồi”. Nhìn ánh mắt chân thành của nó bất giác nước mắt tôi chan hòa, Đạm vừa giặt đồ vừa đưa tay quẹt nước mắt. Từ lúc nhập trại, Nguyễn Lòng tài xế bị tách qua toán khác, chỉ còn mình Đạm theo sát tôi như một định mệnh. Nếu không có nó chắc thân xác tôi đã vùi nơi bìa rừng trên đường đến trại. Đạm lo cho tôi những gì có thể trong cảnh tù tội thiếu thốn. Tôi bảo đừng gọi Thiếu úy nữa, thì nó nói “quen rồi”.
Được mười ngày, một sáng tôi đang đứng dựa lưng vào gốc cây thì Đạm hớt hãi chạy đến cầm tay tôi: “Anh, em và thằng Lòng có tên chuyển trại rồi chưa biết đi đâu?”. Dứt lời nó nhìn xuống đất, mặt đầy nước mắt. Quá bất ngờ cổ tôi nghẹn lại, cả hai cùng bước tới bọn tôi ôm nhau thật chặt, hai anh em bật khóc: “Bao giờ mình gặp lại nhau?”. Nó hỏi tôi mà như nói vào hư không.
Bằng giọng nghẹn ngào Đạm dặn dò tôi đủ điều, nhắc nhở đủ việc, nhưng tôi có nghe gì nữa đâu! Trong tình cảnh nầy Đạm là cái phao duy nhất cứu sống tôi. Tai đã ù, lòng tôi như bão tố. Tôi đứng lặng nhìn Đạm trong hàng tù binh, đi được mấy bước nó quay lại nhìn tôi đưa tay lên vẫy rồi hướng ra bờ suối.
Tôi lăn lóc qua nhiều trại tù trong nhiều năm. Những suy sụp tinh thần của ngày đầu “đổi đời” tưởng không thể nào vượt qua, rồi cũng nguôi ngoai. Cuộc đời tù khổ nhục, đói rách tả tơi cũng không làm sao tôi quên được tấm chân tình của Huỳnh Đạm và nhớ anh em trong đơn vị. Cái đêm định mệnh đó không biết ai còn ai mất? Không biết Đạm bây giờ ở đâu, sống thế nào?
Tôi ra khỏi nhà tù mang theo bản án quản chế. Về xóm làng không khí khủng bố nặng nề ngột ngạt, phải trình diện làm bản tường trình hàng tuần. Hết đi gỡ mìn, tới đắp đập, đào kênh, còn bị kêu lên kêu xuống liên miên. Tất bật với cuộc mưu sinh, nghèo khó đói rách bủa vây. Muốn tìm Đạm nhưng không có điều kiện.
Năm 1980 tôi bỏ Quảng Ngãi vào Miền Nam tìm đất sống. Từ đó không gian cách trở, cuộc sống khó khăn, tôi không có tin tức gì về Huỳnh Đạm dù tôi cố gắng hỏi tìm khi có dịp. Ngày chia tay Đạm là 8 tháng 5 năm 1975. Nay là 2010, đã ba mươi lăm năm, quỹ thời gian không còn nữa. Tôi nghĩ là chẳng còn cơ hội gặp nhau trên cõi đời nầy.
Bỗng một hôm lúc 8 giờ tối điện thoại đổ chuông.
- A lô
Bên kia tiếng đàn ông lạ:
- A lô, ông thầy đó hả?
Tôi nghĩ ai gọi lộn số.
- Xin lỗi chắc anh lầm máy .
- Em đây mà, Huỳnh Đạm đây.
Trời đất! Niềm vui bất ngờ đã 35 năm. Bây giờ thì tôi đã nhận ra âm sắc của Đạm: “Em đi khám bệnh ở Đà Nẵng gặp Trung sĩ Ngọc cho số điện thoại của anh”. Đạm dồn dập hỏi đủ thứ. Bọn tôi tóm tắt chuyện trong hơn một phần ba thế kỹ.
Một tuần sau Đạm có mặt ở nhà tôi. Ngày chia tay nhau Đạm mới hai mươi tuổi, đẹp trai, bây giờ gặp lại đã một ông già gần 60, da nhăn nheo, mắt lờ đờ, chậm chạp, tóc bạc trắng lưa thưa, bày cái trán hói.
Ăn cơm trưa xong hai anh em lên gác nằm, nghe Đạm kể chuyện đời:
“Ngày chia tay nhau, toán của Đạm vào Thạch Nham đắp đập, Đến tháng 12 năm 1975 thì được thả về. Sau tháng 4 năm 1975, gia đình ông chú cũng tan nát. Ông bị đánh chết trong “trại cải tạo” Tiên Lãnh. Thằng Đạt học xong lớp mười hai, trở về nhà cũ chờ anh ra tù. Mỗi ngày nó đạp xe lên núi mua củ mì, củ lang, chè lá, gặp gì mua đó, về chợ bán kiếm tiền vô Thạch Nham thăm anh mỗi tháng.
Ra tù, buổi chiều về đến nhà hai anh em ôm nhau khóc. Bữa ăn đoàn tụ tối đó là một rổ khoai mì luộc. Con đường trước mắt báo hiệu đầy gian nan không lối thoát. Muốn đi cùng em thì trở ngại vì chỉ có một cây xe đạp, mua thêm cây nữa không có tiền. Cuối cùng để em đi một mình Đạm ra bến xe Tam Kỳ bốc vác, làm thuê, ai kêu gì làm nấy. Bảo đi học nghề Đạt lắc đầu: “Tiền đâu? ai cũng đói, cơm không đủ ăn, có nghề nào sống được?”. Thương em thì nói vậy thôi, chứ cả nước điêu tàn xơ xác vì đói. Lại thêm quy định của “cách mạng” quá khắt khe, bà con láng giềng không ai tin nhau, nhìn mặt người nào cũng như đăm chiêu, tính toán. Không khí nặng nề, chết chóc, sợ hãi bao trùm toàn xã hội.
Hai anh em ăn cháo loãng với muối, nếu hôm nào Đạm từ bến xe về tay không. Nữa đêm thức giấc, nhìn thằng Đạt bên cạnh gầy còm nằm co ro. Đạm ra hè ngồi khóc thương em, thấy mình bất lực, cuộc đời hai anh em là một bài toán khó không giải được, tất cả đã ngoài tầm tay. Năm 1978 Đạt có tên đi “nghĩa vụ quân sự”. Nó quyết định theo một người quen vào Sài Gòn, Đạm đành chìu ý em, ở lại cũng cùng đường. Hai anh em ôm nhau khóc vùi hôm Đạt lên xe.
Năm sau Đạm lấy vợ. “Nồi nào úp vung đó”, Tâm là bạn cùng lớp với Đạm thời Trung Học. Sư Phạm Qui Nhơn mới ra trường dạy ở quận Lý Tín. Mẹ và thằng em trai rơi xuống biển chết khi tranh nhau lên tàu đêm di tản ở Chu Lai tối 25 tháng ba. Cha làm Xã Trưởng bị Việt Cộng bắt đưa đi thủ tiêu mất tích chỉ hai tuần sau đó. Gia đình tan nát, còn lại một thân một mình, lại bị cho thôi dạy vì thành phần “nợ máu”. Tâm trở thành cô bán “đậu hủ” gánh rong ở chợ và bến xe Tam Kỳ. Kẻ khổ gặp người khó, cùng mồ côi lại là bạn một lớp, cùng lang thang kiếm ăn mỗi ngày ở bến xe, vậy là thành vợ chồng.
Ngày Tâm về nhà Đạm, không họ hàng, không lễ nghi, không rượu bánh, không cau trầu. Tất cả đều không, nhưng hạnh phúc thì có nhiều. Một năm sau đứa con gái chào đời đặt tên Hải Triều, rồi mười hai tháng sau thằng cu cũng “tranh thủ” chui ra tên Hải Âu. Hai vợ chồng xoay trở tứ bề nhưng vẫn thiếu. Chỉ có tình yêu là dư thừa.
Nhưng nếu dòng đời cứ lặng lờ trôi thì không có gì để nói. Cuối năm 1982 trước tết có mấy ngày Đạm nhận hung tin thằng Đạt bị hải tặc Thái Lan chặt đầu ném thây xuống biển trong một chuyến vượt biên. Người còn sống sót được tàu Na Uy cứu vớt nhắn tin về. Đang bốc vác hàng vào kho cho một nhà buôn, Đạm ngã quỵ, khóc ngất: “Em ơi! Đạt ơi!”. Từ bến xe về nhà khóc hù hụ, bước chân chếnh choáng như người say, miệng cứ gọi tên em. Từ ngày vào Sài gòn, năm rồi Đạt mới về thăm anh chị lần đầu tiên cũng là lần duy nhất. Hai anh em ôm nhau khóc vùi, cả đêm không ngủ ngồi nói chuyện đến sáng: “Vào Sài Gòn Đạt đi làm thuê không lấy tiền công, chỉ xin được ăn cơm và học nghề máy dầu. Có nghề vững vàng nó theo thằng bạn ra Long Hải làm thuê cho một người sửa máy tàu đánh cá”.
Đạt về thăm để chào anh chị ra đi. Đạm chỉ khóc vì không lo gì được cho em, Đạt bồng bế nựng nịu hai cháu suốt ngày, nó mừng cho hạnh phúc của anh. Ngày đi chỉ để đủ tiền xe, Đạt móc trong túi đến đồng bạc lẻ sau cùng để hết lại cho anh. Đạm từ chối, đùn qua đẩy lại cuối cùng nó tuyên bố: “Anh đừng nhìn em nữa”. Cầm đồng tiền của em Đạm òa lên khóc.
Nằm vùi cả tuần lễ, rồi cũng phải gượng dậy. Nhưng từ đó Đạm hay uống rượu vào mỗi buổi chiều, rồi gọi tên em ôm mặt khóc. Dòng đời lại cứ trôi. Bữa đói bữa no, ngày thiếu ngày đủ hai con cũng lớn theo thời gian.
Năm 1993 thời kỳ “mở cửa”, người dân được đảng “cởi trói” nên chuyện mua bán làm ăn dễ thở hơn. Tâm có sạp bán rau trong chợ Tam Kỳ, Đạm mua được chiếc xe ba gác. Ăn tối xong hai vợ chồng đi lưới cá bằng chiếc ghe nang nhỏ trên sông, vợ chèo, chồng thả lưới. Hải Triều học hết lớp chín thì ở nhà phụ mẹ bán rau ngoài chợ, vì mẹ thường mệt bất thường. Thời gian qua mau hai con đã lớn và vợ chồng Đạm cũng già đi. Hải âu đẹp trai giống bố như dạo còn thanh niên.
Năm 1998 Hải Âu đậu vào trường đại học kỹ thuật điện Thủ Đức. Vừa nhận giấy báo cũng là lúc mẹ nó phát bệnh, cả nhà chết đứng khi kết quả xét nghiệm Tâm bị ung thư tử cung giai đoạn cuối. Trời đất như đổ sập ba cha con ôm nhau khóc. Đạm trách trời, trách đất, rồi tự hỏi Chúa, Phật có từng hiện hữu thật sự trên cõi đời nầy hay không? Tâm rất bình tỉnh đón nhận hung tin, dặn dò hai con phải thương cha, “ đời cha nhiều bất hạnh, mẹ mãn nguyện vì hai con ngoan và vui khi Hải Âu được vào đại học”.
Một ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng Tâm thều thào: “Em thương anh nhiều lắm Đạm ơi! chỉ xin một điều thôi: em đi rồi anh đừng uống rượu nữa, lo nuôi con khôn lớn”. Nhưng Đạm lại đến với rượu nhiều hơn, ngày nào cũng say vùi, say túy lúy, say không biết đất trời, say rồi ôm mặt khóc. Hai chị em ngày nào cũng đi tìm cha, thường ra mộ mẹ cõng cha về. Quyết định bỏ học của Hải Âu đưa Đạm đến một ngã rẽ quyết định. Phải ra đi, phải tránh xa cái không gian mà nhìn đâu cũng đầy ắp những yêu thương làm nát lòng, nhìn đâu cũng thấy mẹ, thấy em, thấy vợ. Nhất định thằng Hải Âu phải được đi học
Đóng cửa nhà, ba cha con dắt nhau vào Sài Gòn. Thằng Hải Âu lên trường ở ký túc xá. Đạm thuê căn phòng nhỏ bề bốn mét trong hẻm Lê Quang Định, đủ để cha con có chỗ đi về. Đạm bắt đầu việc làm mới: Đạp xích lô. Trời thương từ ngày ra nghề Đạm không thiếu khách. Quanh quẩn khu chợ Bà Chiểu, Lăng Ông, có hôm vòng ra bến xe Miền Đông, chiều tối về phòng. Công việc như một chu kỳ khép kín, Đạm không còn tìm đến rượu nữa. Hải Triều phụ việc cho một quán ăn trong chợ Bà Chiểu. Cuối tuần Hải Âu về thăm cha nói đã xin được chân bưng bê, rửa ly cho một quán nước ngoài giờ học. Nó dự trù khi tìm được việc khá hơn thì cha không đạp xích lô nữa.
Rồi dòng đời cứ trôi, duyên trời đưa đẩy, một năm sau Hải Triều lấy chồng. Nó từ chối cuộc hôn nhân, không nỡ bỏ cha, nhưng Đạm muốn tìm lối thoát cho con. Ngày đi theo chồng nó ôm cha khóc nức nở. Đông tàn rồi xuân sang, thời gian như bóng câu qua mành, Hải Âu học năm cuối. Đạm vẫn sáng đạp xe đi tối đạp xe về một mình lầm lũi như chiếc bóng, ngồi trông con cứ mỗi cuối tuần. Hải Âu ngoan, không đua đòi bon chen như bạn bè, mấy năm sau nó làm thêm đủ lo bản thân, nên nhiều lần bảo cha không đạp xe nữa. Nhưng Đạm nói chưa đủ tiền để mua chiếc xe cho con đi làm Còn một tháng nữa Hải Âu ra trường, Đạm moi trong gối ra xấp tiền gói trong cái áo cũ mà đêm nào cũng săm soi, đếm tới đếm lui. Hải Âu run tay cầm mười lăm triệu bạc của cha rưng rưng nước mắt .
Cuối tuần sau Hải Âu về thăm cha bằng chiếc xe mới. Hai cha con nằm nói chuyện tương lai trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà, nơi mà bốn năm qua cha con vẫn ngủ cứ mỗi cuối tuần, Đạm vẫn không bỏ thói quen ôm con vào lòng dù nó đã cao hơn bố. Mà Hải Âu thì cứ giữ cái tật gác đôi chân nặng chịch lên người cha lúc ngủ mê. Nhưng Đạm thì nằm yên chịu đựng sợ con thức giấc, mà cũng để nghe niềm hạnh phúc dâng lên theo nhịp tim đập từng hồi. Buổi chiều trước ngày mãn khóa Hải Âu chạy về mang theo bịch trái cây nói của thằng bạn cùng lớp dưới quê lên dự lễ ra trường. Nó vui mừng nói nhận bằng xong đã có công ty nhận đi làm ngay.
Đạm nghe như mình trẻ lại. Đêm đó trên cái “giá” làm bàn thờ, cây nhang nầy vừa cháy hết, Đạm lại đốt cây khác lâm râm khấn vái: Mẹ, vợ, em Đạt, phù hộ độ trì cho cháu, cho con.
Cả đêm không ngủ được. Nhìn thằng con nằm thở đều Đạm nghe tình thương căng đầy như khối dung nham chực phun trào. Chịu không nỗi nữa, Đạm nằm xuống choàng tay qua ghì chặt thằng con, hôn lên trán nó một hơi dài. Hải Âu mở mắt: “Cha không ngủ đi?” Đạm không nói cứ ghì chặt, mà nước mắt thì cứ tuôn dòng xuống mặt con trai. Hải Âu cũng ôm vai cha yên lặng.
Ngày hôm sau Đạm nghĩ đạp xe, ở nhà ra chợ mua con gà, vài ký thịt, nấu mấy món đơn sơ để làm lễ tạ ơn người quá cố, đã phù hộ che chở cho cha con đạt được nguyện ước. Sau đó mời vài người láng giềng hai bên để chung vui. Hải Triều theo chồng về mãi ngoài ngã ba Trị An, lại đang làm công nhân mới sinh con nhỏ, xa quá không về được. Thôi, làm đơn sơ, bia bọt thì thằng Hải Âu về nó đi mua sau. Sáng nay khi dắt xe ra cửa Hải Âu dặn bố: “làm lễ xong chậm lắm là 12 giờ con về ngay, cha nghĩ đi, để nguyên đó về con làm”. Đạm nhìn theo dáng thằng con chạy ra đầu hẻm, mà lòng dâng lên niềm vui lai láng. Nằm đã rồi ngồi, hai giờ rồi ba giờ. Đạm cứ nhìn ra đầu hẻm trông con, nó chưa sai lời với cha bao giờ.
Tiếng máy xe dừng lại trước cửa, Đạm nhìn ra, thằng Long bạn thân cùng lớp với Hải Âu nó thường dẫn về chơi. Không thấy con Đạm hỏi: “Hải Âu đâu cháu?”. Thằng Long không trả lời ngay, bước vào nhà tựa lưng vào tường giọng nghẹn ngào: “Thằng Hải Âu chết rồi bác ơi!” Sao chết? Giọng ai mù mờ vang vang trong cõi vô thức.
Đạm ngồi bệt xuống, mắt cứ mở to trân trối nhìn thằng Long. Khoảng không trước mặt một màu đỏ rực, đỏ như lửa cháy, khoảnh khắc lại sáng lòa, vầng sáng mênh mông tận chân trời, rồi tối đen như mực. Đạm thấy mình bay lướt trong không gian nhẹ nhàng như một cánh chim.
Sáng nay Hải Âu rủ thằng Long: “xong lễ tụi mình về ngay, mầy phụ tao nấu nướng, khi sáng nói với ông già rồi, về trễ ổng lo”. Nhưng nhóm bạn lại rủ ăn bữa cuối để chia tay.
Ngồi trong bàn Hải Âu cứ nhìn đồng hồ, hết thằng nầy nâng ly chúc mừng, đến thằng khác cụng ly chia tay. Kim đồng hồ chỉ hai giờ bảo thằng Long nhất định đi về. Lần đầu tiên nó uống nhiều, bước đi chếnh choáng,
Ngồi lên xe Hải Âu nhìn Long: “Nhanh lên, trễ quá rồi, ông già trông chết”. Nó chạy trước thằng Long theo sau, khoảng cách hai đứa cứ xa dần theo tốc độ. Qua khỏi nhà máy xi măng Hà Tiên, Long không còn tin vào mắt mình, người ta đang vây quanh thằng Hải Âu nằm úp mặt xuống đường, hình hài nó không còn nguyên vẹn, máu me lênh láng, chiếc xe đầu kéo đừng lại phía trước.....
Huỳnh Đạm về ở với Hải Triều ở ngã ba Trị An từ lúc nào cũng không biết, nó giải quyết mọi việc ra sao Đạm cũng không hay. Cả năm trường Đạm không biết là mình còn hiện hữu trên cõi đời nầy. Ngày lại ngày ngồi nhìn những vết loang vôi tróc lở trên tường, nhìn cái màng nhện đu đưa trong góc phòng, Đạm thấy không phải căn phòng, mà mình lạc vào một miền hoang đảo cô liêu.
Chiều chiều ra bãi tha ma thắp nhang cho con, ngồi bên nấm mộ cỏ mọc um tùm, nhìn khói hương bay lên thấy cuộc đời là giả tạo là ngắn ngủi. Hải Âu đã ra đi, đã vĩnh viễn lìa xa không trở về, nó đã đem theo sự sống, cả tình yêu thương khắc khoải của người cha. Âm dương xa cách Đạm ray rứt khôn nguôi về bí ẩn của một kiếp người.
Nhớ con lại tìm đến rượu, lại say, say để xóa đi từng thời khắc của cuộc đời. Say, để không còn thấy rõ đường đi của thời gian lướt qua khung trời quá khứ, có mẹ, có vợ, có em có thằng Hải Âu. Mỗi chiều Hải Triều lại ra nghĩa địa dìu cha về trong cảnh chập choạng của hoàng hôn. Bãi tha ma không một bóng người, con đường mòn luồn lách giữa những hàng bia mộ ngã nghiêng, tiếng côn trùng tỉ tê, những ngôi nhà xa xa đã lên đèn. Đạm say nhiều hơn tỉnh. Hải Triều thương cha nhưng cũng đầu hàng trước số phận dành cho mỗi con người, dẫu biết rằng hạnh phúc không thể chia đều cho khắp thế gian.
Tháng ngày cứ lặng lờ đi qua, Đạm đã già, bệnh tật đã xuất hiện, huyết áp rất cao, gan cũng có vấn đề. Rượu là nguyên nhân góp phần tàn phá hình hài và tinh thần vốn đã tả tơi vì giông bão của cuộc đời.
Những năm gần đây Đạm hay về Tam Kỳ thăm nhà cũ, thăm mộ mẹ, mộ vợ, ở lại năm bảy tháng. Vừa rồi đang ở Tam Kỳ Đạm phát bệnh, đi khám ở Đà Nẵng thì gặp Trung sĩ Ngọc là hạ sĩ quan Đạn Dược của trung đội 109 pháo binh. Từ ngày tan hàng rã đám mới gặp lại, Ngọc lớn hơn Đạm cả chục tuổi, cả hai đều già....”
Giọng Đạm đều đều, thỉnh thoảng ngưng lại nghẹn ngào hai bàn tay bụm mặt sụt sùi. Tôi im lặng, nước mắt cứ tuôn thành dòng xuống thái dương.
Câu chuyện chấm dứt, cả hai vẫn trong tư thế nằm nhìn lên trần nhà rất lâu, không ai nói lời nào. Nhưng trong đầu anh em chúng tôi cùng chung một cảm xúc. Cùng nghĩ đến cái vô thường của cuộc đời và mỗi người một số phận.
- “Trung sĩ Ngọc cho em số điện thoại của anh, mừng quá về đến nhà là gọi ngay.......”
- Em có tin tức gì về bố không?
- Không anh, đi biệt từ ngày đó, không ai gặp.
- Bệnh em bây giờ ra sao?
- Huyết áp cao lắm, lên đến 18, 20 hôm ở Tam Kỳ tưởng đi rồi anh à, gan thì tháng sau xét nghiệm lại.
- Em đừng uống rượu nữa, uống như vậy thì gan ruột nào còn?
Đạm bụm mặt nghẹn ngào:
- Đời em còn gì nữa đâu anh? Không có rượu em chết mất anh ơi!
Ngưng một lát Đạm tiếp:
- Sợ anh giận nên sáng nay đi gặp anh em đâu dám uống, mà cũng
phải tỉnh táo mới nói chuyện, chứ em uống vô là không biết trời trăng gì nữa anh à. Bây giờ miệng em lạt khó chịu lắm.
Đạm thông tin về anh em: “Trung sĩ Kim khẩu trưởng khẩu hai ở trước nhà thờ Tam Kỳ già lắm rồi còn bị điếc nữa, Nguyễn Thái Tào nhắm viên khẩu 1 chết ở Bình Sơn mấy ngày sau gia đình mới đi tìm, Cường truyền tin chết ở Nước Mặn, hạ sĩ Đa tác xạ mất tích. Trung sĩ Thừa chết bệnh”.
Đạm nói: “Hôm chia tay ở “trại tập trung” đi Thạch Nham sợ anh chết, suy sụp quá, anh ốm còn bộ xương, mà thương tích đầy mình...thấy nó đánh anh em tưởng tiêu rồi! Ngày nào em cũng khấn vái cầu xin cho anh bình an”
Đạm nhắc “chén cơm ân tình” ở trại tập trung, chuyện là thế nầy: “Ngày mới đến Trại Tập Trung, tôi kiệt sức nằm vùi không thiết tha gì chuyện ăn uống. Tới giờ kẻng ăn cơm, một mình Đạm sắp hàng đi ăn, khi về nó thì thầm: “Mỗi thằng chỉ một chén cơm!”. Tôi biết nó đói, vì hồi ở Trung đội Đạm ăn dữ lắm, ăn sáu, bảy chén cơm, nên anh em cứ chọc: “ăn như trâu”. Lần sau tới giờ ăn, dù đang sốt, tay chân rã rời tôi vẫn lết ra sắp hàng mà đạm phải ôm đỡ sau lưng. Nó mừng, tưởng tôi đã ăn được. Khi thau cơm đem ra chia mỗi người một chén, chan nước muối xong người ta tranh nhau ăn. Tôi chỉ đứng gục đầu hai tay vin vào sạp cây làm bàn, thấy vậy Đạm cứ thúc: “rán ăn đi anh”. Đạm lùa vài miếng là xong, tôi đưa chén cơm của mình cho Đạm. Suốt bốn ngày đầu cứ như vậy. Thật ra do miệng đắng quá, tinh thần suy sụp và tuyệt vọng đến độ tôi không cần sống nữa, không muốn ăn uống gì, chứ nếu nuốt được thì tôi cũng ăn vì bản năng sinh tồn mà! Đến ngày thứ năm trở đi chia chén cơm xong tôi chỉ ăn một nữa rồi cũng đưa cho Đạm. Hai anh em ở chung được mười ngày, Đạm chuyển trại”.
Hôm gặp lại Đạm cứ nhắc: “em không quên anh đã nhịn cơm cho em ăn....ngày đó đói quá, nhờ chén cơm “ân tình” của anh mà em sống được!”. Tôi cười: “anh không nuốt được, chứ không phải nhịn cho em đâu”. Nó nghiêng qua: “Anh không ăn được, đứng không nỗi mà cũng ra nhận phần là vì em, em biết chớ, nếu anh không ra thì em đâu có chén cơm đó”.
Đạm cho biết thứ hai tuần sau là ngày giỗ thằng Hải Âu, giỗ xong sẽ ra Tam Kỳ lợp lại mái nhà, tôi đề nghị: “Sao em không bán đi, sức khỏe yếu làm sao ra hoài được?” Đạm nói: “Cái đó sau nầy con nó tính, bây giờ còn mộ mẹ và vợ nên phải về, phải có chỗ ở anh à”
Gần 40 năm biết bao chuyện để nói. Tôi mời Đạm ở lại chơi nhưng nhất định về, tôi biết đã nhớ rượu, ở lại nó không thỏa mãn được. Tôi có thể đáp ứng nhu cầu rượu của Đạm, nhưng với tình thương chân thành dành cho em, và lương tâm không cho phép tôi, cho dù về nhà Đạm sẽ uống. Tôi đặt vào tay Đạm: “Gởi 200 em mua quà cho cháu ngoại, 300 em thay anh mua trái cây bông hoa ngày giỗ thằng Hải Âu. 3 triệu tiền xe và uống nước”. Tôi cười như mếu: “Nước chứ không phải rượu nghen Đạm”. Chúng tôi định khi về Tam Kỳ lợp nhà xong Đạm trở vào, tôi sẽ lên thăm cháu Hải triều, thăm mộ Hải Âu và nói chuyện nhiều hơn. Hai anh em ôm vai nhau, Đạm gục đầu vào vai tôi.
Tôi đón xe trả tiền luôn, Đạm bước lên quay lại nhìn tôi, đưa tay quệt nước mắt, nhìn theo xe chuyển bánh mắt tôi nhạt nhòa.
Vài tuần sau Đạm ra Tam Kỳ chúng tôi vẫn liên lạc nhau, nghe giọng lè nhè tôi nói: “Đã bệnh mà không kiêng bớt được sao em?” Lần nào cũng chỉ một câu nghẹn ngào: “Em buồn quá anh ơi!”.
Biết lời trách của tôi là vô nghĩa và phi lý nhưng còn ngôn ngữ nào khác đâu? Trước những bức bách khốn quẫn, chiều kích đau khổ quá lớn, một ký ức đau thương hằn sâu trong tâm hồn như thế, Đạm còn hướng thoát nào không?
Một tháng sau, điện thoại đổ chuông thấy số của Đạm: “A lô”. Giọng Đạm cứng và đứt quãng: “Em.....bị.. liệc... nữa...người....”. rồi không nói gì nữa. Tôi hỏi dồn dập không trả lời. Gọi liên tục cả chục lần cũng không bắt máy. Vài giờ sau tôi gọi lại thì điện thoại không còn tín hiệu. Hôm sau, rồi một tuần, một tháng rồi một năm vẫn không có thông tin.
Tôi vô tình quá, nên không có số điện thoại của Hải Triều ngả duy nhất để biết về Đạm. Hồi hay thì việc đã rồi. Cuối đời tôi vẫn tin mỗi người một mảnh đời, một số phận. Đúng là hạnh phúc không thể chia đều cho cả thế gian. Nhưng tại sao cuộc đời của Đạm lại chịu nhiều bất hạnh đến vậy? Bao nhiêu tai ương, bao nhiêu khổ nạn đổ ập xuống một con người. Nếu ngày đó tôi không chọn Đạm làm tác xạ thì sao? Làm gì có chuyện Đạm theo sát tôi trong cái ngày định mệnh đau thương đó? làm sao tôi vượt qua bờ tử sinh nơi không có điều kiện để sinh tồn?
Mọi việc đều có nhân duyên, hợp tan còn mất là định mệnh. Chúng mình gặp nhau trong cơn binh lửa của quê hương, và nỗi trôi theo vận nước.
Thấm thoát đã hết một đời người,ngồi nhớ lại đơn vị, nhớ lại bạn bè đứa còn đứa mất, trong đó có Đạm người lính kế toán tác xạ của tôi. Một mảnh đời bất hạnh đáng thương trên cõi đời nầy. Đạm ơi! Cuộc hội ngộ sau 35 năm không tin tức, đã sống lại trong tôi nỗi hoài nhớ bạn bè, một thời cận kề trong cơn binh lửa của quê hương. Đứa còn đứa mất, nỗi khắc khoải về số phận của con người, đã thống trị tâm hồn tôi một thời gian dài sau chiến tranh. Bao đau thương đổ vỡ, giữa muôn ngàn mảnh vụn của tan nát, tôi nhận ra rằng cuộc sống nầy là phù du.
Đạm ơi! Mỗi bước đi trong cõi nhân gian nầy đều ảnh hưởng đến số phận của một con người, ai lại không muốn mình bước chân vào ngôi nhà hạnh phúc? Nhưng cuộc đời vốn là vô thường là bể khổ trầm luân.
Ba năm rồi tôi vẫn chờ tin em, đôi khi nghe nỗi tuyệt vọng thoáng về bởi quỹ thời gian đã hết. Tôi cố quên những chênh vênh tàn nhẫn của hiện tại vì đã biết rằng cuộc đời chỉ là một cơn sóng phù du. Vết thương dù đau đớn cỡ nào rồi cũng theo ta về cõi hư vô.
Cầu mong em vẫn bình an ở đâu đó, cầu xin được an bình và cho tôi niềm tin mình còn gặp lại Đạm ơi!
Phước Tuy: Ngày 20 Tháng 10 năm 1993
Lưu Hoàng Kỳ
Trích hồi ký: "Ngày Không Có Mặt Trời"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét