Nhìn những miếng plastic nhỏ hình vuông gắn trên xa lộ làm lằn kẻ phân chia lane xe hơi chiếu sáng dọc theo bên trái của xe bus, tôi say mê theo dõi và tự hỏi tại sao nó lại sáng như vậy. Chẳng lẽ nó có điện thắp sáng vào lúc trời tối, hay nó là một chất lân tinh, phản ảnh ánh sáng của đèn xe? Khi nhìn sang đường xe chạy ngược chiều tối om lúc không có xe cộ, không có đèn đóm gì nổi lên ở giữa hai lane, tôi biết ngay giả thuyết thứ hai của tôi là đúng. Nó là một miếng plastic có chất lân tinh, sáng lên khi có đèn rọi vào nó.
Đó là cảm tưởng của tôi ngồi trên chiếc xe bus tối ngày 5 tháng 6 - 1975, trên đường từ phi trường Harrisburg đến trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap ở tiểu bang Pennsylvania. Tôi rời Sàigòn trên một chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ sáng ngày 30-4-1975. Một tuần sau, 2 giờ đêm ngày 5-5, chiếc tầu chiến đến Subic Bay, Phi Luật Tân. Ở đây hai ngày, ngày 7-5-1975 chúng tôi đi máy bay sang trại Orote Point ở đảo Guam, và rồi ngày 9-5-1975, di chuyển qua trại Asan Annex, cũng ở Guam.
Ở Asan một tháng thì chúng tôi được phi cơ dân sự chở đi Mỹ, đáp xuống thành phố San Francisco là trạm chuyển tiếp, rồi từ đó tiếp tục đi Harrisburg. Xe bus đón chúng tôi đến trại Fort Indiantown Gap. Tôi không ngớt say mê những cảnh lạ của cường quốc Hoa Kỳ trong cuộc hành trình đến Mỹ này, từ chiếc máy bay DC-8 cả đời tôi không bao giờ có dịp thấy, huống gì là ngồi vào bên trong khi nó bay trên trời, đến các cô chiêu đãi viên người Mỹ da trắng tóc vàng nói tiếng Anh nghe thật lạ tai, đến trạm phi trường San Francisco, và bây giờ đến xa lộ và những miếng plastic lân tinh phân chia lane xe hơi trên đường.
38 năm sau, hôm nay tôi trở lại trại tỵ nạn ngày xưa tôi ở khi đến Mỹ. Nhiều chuyện đã thay đổi. Tổng Thống Ford không còn là Tổng Thống. Người đẹp Bích-La-Thôn bây giờ đã thành bà cụ già tuổi hưu trí. Tôi nói tiếng Anh đỡ ẹ hơn xưa. Chỉ vì vài giây ân ái không suy nghĩ nên từ một người không mang trách nhiệm mà bây giờ tôi phải kéo theo bốn cái rờ-moọc. Tóc tôi bây giờ bạc trắng, bụng xệ gần chạm đất. Thế nhưng hôm nay, cũng như vào tháng 6 năm 1975 ba mươi tám năm trước, trạng thái hoan hỉ của tôi vẫn hoàn toàn như ngày đầu tiên tôi đến đây: tôi vui mừng tìm được cuộc sống tự do ở xứ Hoa Kỳ.
Không muốn cho mọi người nghi kỵ tôi là đặc công khủng bố chụp hình những barrack, nhất là vì đây là một căn cứ quân sự, cả trăm lính G.I. sẽ dùng súng M16 hay cà-nông xe tăng chĩa vào tôi, tôi vào một văn phòng giữ an ninh để xin phép chụp hình khách sạn mười sao ngày xưa tôi trú ngụ. Không như đại đa số mọi người gặp tôi lần đầu tiên nghĩ ngay gương mặt tôi có vẻ gian ác, anh lính trẻ nói với tôi không sao, cứ tha hồ chụp.
Fort Indiantown Gap to khoảng chừng 40 cây số vuông, một phần đất to dùng để máy bay quân sự. Vài chiếc trực thăng, một chiến đấu cơ, và một chiếc C-130 trưng bày ở ngoài đường cái.
C-130 là loại phi cơ đã chở tôi từ Subic Bay, Phi Luật Tân, đến Orote Point, Guam. Lần đầu tiên trong đời tôi đi máy bay mà lối vào máy bay là phần đuôi một tảng sắt khổng lồ hạ xuống rồi nó đóng lại khi bay. Mọi người đều ngồi bệt xuống đất. Tôi ngồi ngay chỗ tảng sắt đóng lại ở đuôi phi cơ, bụng cứ đánh lô tô vì sợ nhỡ nó mở ra khi đang bay thì tôi sẽ rớt ra ngoài, lao đầu xuống đất thành người thiên cổ.
Người tỵ nạn ở trong bốn khu: 3, 4, 5, 6. Tôi ở khu 6, barrack số 78 nên địa chỉ của barrack tôi ở là 6-78. Theo lời anh lính, họ đã phá hầu hết những barrack dân Việt Nam tỵ nạn ở thời bấy giờ vì quá cũ kỹ và vì ngày xưa khi tôi rời trại, barrack nào tôi cũng sơn hàng chữ "Hận kẻ bạc tình". Căn cứ quân sự Fort Indiantown Gap đã là nơi trú ngụ của 32,000 người tỵ nạn Việt Nam vào năm 1975, và vào năm 1980, 19,000 người tỵ nạn Cuba trong chiến dịch Mariel boatlift. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1980, Fidel Castro loan báo cho phép ai muốn rời Cuba thì cứ rời nên 120,000 dân Cuban đóng tầu vượt biển đến Mỹ, hầu hết đến tiểu bang Florida.
Thời gian ở Fort Indiantown Gap là thời gian thần tiên nhất của tôi. Trong khi dân ở lại lầm than lao lực với cuộc sống, người bị tù đày, người bị xử tử, cả miền Nam chìm ngập trong cuộc sống nghèo nàn vô tiền khoáng hậu, tôi chẳng những vừa thoát khỏi được ách Cộng Sản mà ngày ba bữa tôi còn được xếp hàng đi ăn (thức ăn có người nấu sẵn và có người rửa), tối đi xem ciné, thỉnh thoảng xem chương trình văn nghệ giúp vui, rồi đêm về barrack gác chân chữ ngũ ngủ cho đến sáng.
Giải trí giúp vui trong trại. Anh bên phải là Vũ Huyến, và tôi nghĩ người bên trái là anh Lê Tuấn
Tôi phải công nhận người Việt mình có nhiều sáng kiến: khi đi máy bay, chăn phát cho hành khách khi bay thay vì trả lại máy bay lúc đến nơi thì dân Việt Nam lấy hết, lúc vào trại ở thì họ may cắt biến chế thành áo lạnh đủ kiểu mặc nhan nhãn khắp trại. Hãng máy bay sau này không phát chăn cho những người tỵ nạn đi sau nữa.
Báo tiếng Việt dã chiến thông báo tin tức liên quan đến việc tỵ nạn và định cư ở Hoa Kỳ phát hành hằng ngày ở đảo Guam cũng như là ở Pennsylvania. Ở Guam, tờ báo tên là “Chân Trời Mới”, và ở Pennsylvania, báo tên là “Đất Lành – Good Land”.
Báo Đất Lành liệt kê phim chiếu hàng tuần trong trại
Tôi còn giữ lại tất cả những tờ báo này, và trong tờ báo phát hành lần đầu tiên ở Guam, ngày 2-5-1975, trang cuối cùng mặt sau có đăng một kiến nghị bằng hai thứ tiếng Việt Anh mà tôi xin copy lại sau đây:
MOTION
Guam, 28-April-1975
To The Government & The People of The United States of America
We, the undersigned intellectuals who have been evacuated to Guam, recognize the great efforts of the American government, the Governor and the people of Guam in securing our safeguard.
However, most of the highly qualified professionals are still stranded in Vietnam. We therefore urgently entreat the Government and the People of America to continue the effort in bringing them back to freedom. We who have been more fortunate in being brought here before, are ready to share our place and the little we have in order to save as many of our fellow countrymen as possible with us.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
KIẾN NGHỊ
Đảo Guam Ngày 28 tháng 4 năm 1975
Kính gửi Chính phủ và Nhân dân Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ,
Chúng tôi ký tên dưới đây là những nhà trí thức đã được di tản tới đảo Guam, nhìn nhận những nỗ lực lớn lao của chính phủ Hoa Kỳ, của vị Thống Đốc và nhân dân đảo Guam trong việc bảo đảm an toàn cho chúng tôi.
Tuy nhiên, còn phần đông những chuyên viên ưu tú còn bị mắc kẹt tại Việt Nam. Vì vậy chúng tôi khẩn thiết thỉnh cầu chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực đưa họ về vùng tự do. Chúng tôi, những người có may mắn được di tản tới đây trước, sẵn sàng chia xẻ nơi ăn chốn ở mà chúng tôi có thể có được ngỏ hầu cứu vớt được càng nhiều đồng bào của chúng tôi chừng nào càng tốt chừng nấy.
Dưới bản kiến nghị này là chữ ký của 24 bác sĩ, 2 kỹ sư, 1 giám định viên hàng hải, 1 nha sĩ, 8 dược sĩ, 1 kinh tế gia, 9 giáo sư, 1 phi công, 1 Giám Đốc, 1 làm thương mại hành chính, 3 người không liệt kê nghề nghiệp, và cuối cùng, Phạm Duy.
Lý do tôi copy lại bài này ở đây vì vào thời gian đó tôi chỉ mới là “một thằng con nít nhãi ranh” 17 tuổi mà tôi đã rất xì-nẹc sau khi đọc xong, lý do sau đây:
1. Các ông bà này ngày xưa chắc ít đọc chuyện ngụ ngôn nên viết một bức thư phổ biến công cộng, tự xưng mình là “dân trí thức”. Tính khiêm nhường đã chẩy ra hết ống cống ở cầu Thị Nghè.
2. “When it rains, it pours”. Trời không mưa thì thôi, nếu mưa thì chỉ mưa lớn. Những người này yêu cầu chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ cứu “những chuyên viên ưu tú” còn kẹt lại Việt Nam, đưa họ sang Mỹ. Thế thì những người đầu óc kém thông minh, những người làm nghề tay chân, những người buôn thúng bán bưng, những người khờ khạo… để họ lại ở Việt Nam cho Cộng Sản xử trảm à? Nếu gia đình của họ, bố mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em của họ còn kẹt lại Việt Nam nhưng ông trời cho sinh ra dưới vì sao xấu làm tính toán 2 + 3 = 6, 8+7 = 12 thì đừng cứu họ hay sao? Một lời thỉnh cầu cho thấy những người trí thức này chẳng những trọng người có học, khinh giới nông dân cày bừa mà còn thiếu suy nghĩ chín chắn. Ấy là chưa kể đến họ quá ngây ngô nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm theo lời yêu cầu của họ, và làm thế nào để phân biệt "chuyên viên ưu tú" với phó thường dân nếu biệt kích quân thật sự trở lại SàiGòn cứu dân miền Nam VN, trong khi đạn địch quân đã bắn đến mông mà cứ phải hỏi: "Ê, anh này, cho xem căn cước?" "Căn cước này không đề là "chuyên viên ưu tú", anh có phải là chuyên viên ưu tú không?"...
Mục đích chính tôi copy lại bản kiến nghị này vì một trong những người ký tên là Phạm Duy. Tại sao Phạm Duy và những người khác ký bản kiến nghị đó vào tháng Tư 1975? Họ nhận thức là trong cả triệu người Việt ở miền Nam Việt Nam, họ chỉ là một thiểu số rất ít đã may mắn được chính phủ Hoa Kỳ cứu vớt khỏi nanh vuốt Cộng Sản, mang sang nước Mỹ tự do nên họ khuyến khích chính phủ Mỹ cứu vớt những người trí thức đồng hương khác (để ý một điểm bản kiến nghị này ký ngày 28-4-1975, có nghĩa là những người này bỏ chạy trước khi VNCH thất thủ).
Nhiều người đặt quyền lợi cá nhân của mình lên trên hết nên tuy rằng lịch sử kinh hoàng trốn chạy Cộng Sản vẫn còn đó, nhắm mắt dẹp lịch sử qua một bên. Vào năm 2005, sau 30 năm sống ở Hoa Kỳ, Phạm Duy về sống ở Việt Nam. Không nhớ chính mình đã ký kiến nghị thỉnh cầu chính phủ Hoa Kỳ cứu thêm người Việt sang Mỹ vì hiểm họa Cộng Sản, Phạm Duy cũng đổ lỗi cho những bài nhạc chính ông viết sau khi đi tỵ nạn là lúc đó đầu óc ông ta không minh mẫn. Phỏng vấn của BBC với Phạm Duy vào tháng 12 năm 2012:
"BBC : Thời gian ông đi Philippines, ông đã viết “Tị nạn ca”, “Nhục ca” đúng không?
Phạm Duy : Những bài đó là bài soạn ra trong lúc hoảng hốt, không nên nhắc đến. Tôi quên rồi."
Đứng trước những barrack ở Fort Indiantown Gap liên tưởng đến cuộc sống trong trại tỵ nạn dạo nào, không như Phạm Duy hay những ca sĩ, MC, thương gia.., -những người tỵ nạn rời Việt Nam sau 1975-, đã quên cái kỷ niệm kinh hoàng 30-4, bây giờ trở lại Việt Nam kiếm tiền hay về hưu, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái ngày định mệnh 30-4-1975 tôi bỏ nước ra đi.
30-4-1975, trong khi quốc gia Hoa Kỳ xa lạ tận dụng phi cơ, tầu chiến, quân đội của mình cứu giúp trăm nghìn người tỵ nạn như tôi đến nơi sống thanh bình thì chính quốc gia của tôi, những người mang cùng giòng máu Việt với tôi, quân đội Cộng Sản, bắn pháo kích ra biển Vũng Tầu, biển Cần Giờ, giết hại chính dân mình. Mắt tôi mục kích bom bắn từ bờ làm nước bắn tung trên mặt biển, gây náo động cho nhung nhúc những ghe người tỵ nạn, và chiếc tầu chiến Mỹ mà xà-lan của tôi kẹp ngang hông phải tạm thời ngưng việc di tản người từ xà-lan lên tầu, kéo thang từ xà-lan lên, rồi chạy tiếp ra biển ra ngoài tầm đạn pháo kích (Sau này đọc báo tôi mới biết nhà văn Chu Tử trên con tầu Việt Nam Thương Tín đã bị đạn giết chết ở cửa biển Cần Giờ). Những người cùng giòng máu với tôi muốn giết tôi, trong khi ở Fort Indiantown Gap, quốc gia Hoa Kỳ xa lạ với dân Việt tỵ nạn, thiết lập cho tôi một đời sống tự do mới.
Hàng Không Mẫu Hạm Midway tham dự cuộc di tản người tỵ nạn (Midway bây giờ là museum ở San Diego)
Tôi không phải là loại người ăn cháo đá bát. Quốc gia này đã nuôi nấng tôi, cho tôi một cơ hội sống đời hạnh phúc để rồi bây giờ tôi trở lại xứ sở với những người cùng giòng máu Việt Nam, cùng một tiếng nói Việt Nam ngày xưa đã toan tính tước đoạt tự do, tài sản, và mạng sống của tôi. Ở Mỹ tôi may mắn làm cho một hãng chế tạo máy hàn tự động. Máy hàn này đã được dùng để hàn những ống sắt trong chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, của các lò nguyên tử, và ngay cả phi thuyền Space Shuttle. Hai mươi năm trước khi hãng tôi bán máy hàn cho hãng đóng tầu Newport News Shipbuiding (ở Newport News, Virginia, hiện thời đang xây cất hai Hàng Không Mẫu Hạm USS Gerald R. Ford và USS John F Kennedy), tôi may mắn có dịp đến đây để xem hãng đóng tầu tư nhân lớn nhất của Hoa Kỳ. Tôi đã ngỡ ngàng và xúc động. Ngỡ ngàng vì không ngờ số phận đưa đẩy tôi được vào xem một hãng đóng tầu chiến trên xứ Mỹ, và xúc động vì tôi có cảm tưởng tôi được dịp góp phần vào việc trả ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã mang tôi sang đây.
38 năm sau, đứng trước trại Fort Indiantown Gap, cảm tưởng của tôi không khác gì khi tôi đến Newport News Shipbuilding. Có thêm một khác biệt lớn lao giữa hôm nay và ngày 30-4-1975: bây giờ tôi hãnh diện là một công dân Hoa Kỳ.
I am proud to be an American.
Nguyễn Tài Ngọc
April 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét