Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Mái Rạ Quê Tôi - Từ Thức

 Ngày tôi còn bé, làng tôi hầu hết là là nhà tranh vách đất, lợp rạ là chủ yếu thi thoảng mới có nhà đi bè ở mạn ngược mua được lá cọ để lợp nhà. Vào mùa hanh khô, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, rạ được phơi khô , lúc ấy là mùa lợp nhàRạ lợp nhà tốt nhất là rạ " mộc tuyền", đó là thứ rạ dài, sóng thẳng, những chân ruộng trũng lúa đổ , rạ ngoằn ngoèo thì không dùng để lợp nhà được, thường thường phải vay nhau, rạ của một nhà không đủ cho một mái nhà ba gian chứ chưa nói gì đến năm gianKhi gặt xong, rạ được dựng thành " tòm" để phơi nhanh khô, ai khéo tay dựng những ruộng rạ trông rất đẹp mắt , nhiều khi gặp gió cả ruộng đổ kềnh càng, những cơn gió xoáy còn tung cả rạ lên trời

<!>

Khi đã khô , rạ được gánh bằng đòn càn hoặc đòn xóc, bó dây chão, những anh khỏe, khéo bó gánh được cả nửa sào, đi đường chỉ nhìn thấy hai bó rạ đang đi, chả nhìn thấy người đâu

Rạ được đưa về nhà sẽ được "rút" , những chỗ đẹp được bó ngay ngắn làm  "dân", đó là loại rạ để lợp hàng đầu tiên của mái nhà hay còn gọi là giọt gianh , sau đó rũ rối, đập mềm và rút bó thành từng bó

Ngày lợp nhà phải xem kĩ, tránh ngày "hỏa" ,và một số ngày xấu khác có như vậy gia chủ mới an tâm làm ăn
Làng tôi có anh câm là thợ lợp nhà rất giỏi, anh tuy câm nhưng rất khéo tay nhanh ý, vào vụ lợp nhà anh làm không hết việc, những mái nhà anh lợp nom đều tăm tắp, không bao giờ bị dột

Việc đầu tiên là dỡ rạ cũ, lớp rạ cũ đã cùn gần hết, xem dui mè chỗ nào hỏng thì dặm lại, có khi còn phải thay cả đòn tay
Lợp lớp rạ dân trước, buộc bằng lạt tre, lớp dân phải trải cho đều và bằng bặn, sau đó lợp mái, tùy theo nhiều hay ít rạ mà lợp dày hay mỏng, lợp dày mái sẽ bền và mát hơn, có mái nhà được đến năm năm mới phải lợp lại. Rạ được xâu vào cây sào đưa lên mái cho thợ lợp
Khi lợp xong cả hai mái, sẽ đánh nóc, đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo tay của người thợ, nếu trải rạ sai nóc sẽ bị dột rất khó chữa. Thợ khéo đánh nóc, trông nóc nhà đều thẳng, không nhấp nhô lồi lõm, thật đẹp

Hai bên chái cũng rất kì công, cần buộc nhiều lạt nếu không mái chái sẽ bị tụt
Điểm giao giữa chái và nóc sẽ đánh tòm trông như hai chú Cuội ngồi quay vào nhau, để tránh giông gió làm tốc mái

Mỗi nhà cần hai ba thợ lợp, nhà năm gian có khi phải sang ngày hôm sau mới xong. Công của mấy ông thợ chỉ là vài ba bát gạo và dăm hào bạc, sau này thì dăm ba ngàn 

Đã qua rồi một thời khốn khó, nhưng trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy từng đêm rút rạ văng vẳng tiếng cười. 

Thân thương lắm ! Khói lam chiều bốc lên từ những mái tranh nghèo

Quê ơi !

Từ Thức

Không có nhận xét nào: