BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Vừa qua, trên mạng Facebook xuất hiện nhiều hình ảnh thú vị về các pha song đấu binh khí trên tháp Bánh Ít, Bình Định. Những thanh thiếu niên thể hiện tư thế dũng mãnh, như chim ưng đại bàng trên không trung chứng tỏ công phu tập luyện khá nhuần nhuyễn.Đây là môn sinh võ đường Việt Anh, chùa Nhạn Sơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Võ đường có đông môn sinh nhất và cũng đạt nhiều thành tích trong các hội thi, liên hoan của đất võ. Bình Định nổi tiếng là xứ võ với những huyền thoại về Tây Sơn Tam Kiệt, bài quyền Ngọc Trản Ngân Đài, Hùng Kê Quyền của Nguyễn Lữ, Cương Đao Phá Thạch của Nguyễn Huệ, Song Phượng Kiếm của Bùi Thị Xuân; tất cả đã tạo nên bản sắc của võ học Bình Định.
Nhưng không chỉ có vậy, võ học Bình Định rất đa dạng về nguồn gốc, đòn thế bao gồm thân thủ, quyền cước, 18 môn binh khí và 12 giáp chi…
Theo võ sư Phạm Phong, phó chủ tịch Liên Đoàn Võ Cổ Truyền Việt Nam, tác giả sách “Lịch Sử Võ Cổ Truyền Việt Nam” thì có lẽ chính cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà nhất là cuộc tập hợp lực lượng chống quân Thanh đã thu hút nhân tài võ học cả nước về đây tụ nghĩa và tạo ra truyền thống võ học cho vùng đất này.
Các môn sinh võ đường Việt Anh biểu diễn các bài Đối Kháng Binh Khí. (Hình: Thư Khôi)
Truyền thống đất võ
Dân gian có rất nhiều ca dao tục ngữ, thành ngữ về võ Bình Định.
“Ai về Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”
Nói về truyền thống của địa phương thì có “Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái” hoặc “Trai An Thái, Gái An Vinh” (Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn; An Vinh thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn; An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) hoặc chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) nổi tiếng với đường roi (côn).
Nhà biểu diễn võ thuật Tây Sơn trong khuôn viên bảo tàng Quang Trung hoặc các võ đường Phan Thọ (Bình Nghi-Tây Sơn), Hồ Cương (Bình Thuận-Tây Sơn), Lý Xuân Hỷ (Đập Đá-An Nhơn), Phi Long Vịnh (Phước Sơn-Tuy Phước)… là những nơi có truyền thống dạy võ lâu đời do các võ sư nổi tiếng, cao niên truyền dạy.
Hiện nay, Bình Định vẫn còn rất nhiều võ đường, mỗi làng xã xóm ấp đều có võ đường. Không cầu kỳ cơ sở vật chất phòng học rộng lớn, mà có khi võ đường đơn giản chỉ là một khoảng sân. Không ai lấy dạy võ làm sinh kế dù có thu học phí cũng chỉ mang tính tượng trưng. Khác với Sài Gòn và các tỉnh khác, lịch học võ ở đây trải suốt tất cả các ngày trong tuần như là nhu cầu thiết yếu, là sinh hoạt đời sống hằng ngày chứ không chỉ là môn thể thao như ở các tỉnh thành vùng miền khác.
Cứ hai năm một lần, vào các năm chẵn tại Bình Định diễn ra Liên Hoan Quốc Tế Võ Cổ Truyền Việt Nam, thu hút võ sinh học võ cổ truyền dân tộc từ tất cả các quốc gia trên thế giới về trao đổi, nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Cũng theo võ sư Phạm Phong, trên thế giới có hơn 60 quốc gia có tổng hội, hội, môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam, trong đó có võ Bình Định. Đến nay đã trải qua tám lần liên hoan quốc tế và mỗi lần tổ chức, số lượng đơn vị và cá nhân tham dự ngày càng đông hơn
Võ sư Trần Việt Hằng (thứ ba, từ phải, đeo kính) và các môn sinh. (Hình: Trần Việt Hằng cung cấp)
Mồ côi từ bé, quyết tầm sư học đạo!
Điều bất ngờ thú vị là giữa rừng những sư phụ cao niên, nổi tiếng về bề dày thành tích thì sư phụ duy nhất của võ đường Việt Anh tại chùa Nhạn Sơn là Trần Việt Hằng mới 39 tuổi. Võ sư Việt Hằng từng thọ giáo thầy Lý Xuân Hỷ và Lê Xuân Cảnh trước khi lập võ đường.
Về đẳng cấp theo phân hạng và đánh giá của Liên Đoàn Võ Thuật Việt Nam. Cô Việt Hằng đạt võ sư cấp 18 (tức sáu đẳng). Sư phụ trẻ nên tuổi đời của võ đường cũng trẻ, võ sinh lớp đầu đàn cũng chỉ mới năm năm. Tuy vậy, các võ sinh đã gặt hái nhiều thành tích đáng nể qua các cuộc thi và các liên hoan tại Bình Định và các cuộc thi cấp quốc gia. Riêng năm 2019 võ đường Việt Anh chiếm ba huy chương bạc Đối Luyện giải Cúp Hoàng Đế Quang Trung, tại giải Tinh Hoa Võ Việt Quốc Tế năm 2019 (có phái đoàn 18 nước và tất cả tỉnh thành tham dự) đoạt ba huy chương vàng, ba bạc và bốn đồng.
Câu chuyện thú vị của võ sư Trần Việt Hằng và võ đường không đơn thuần là câu chuyện thành tích, đòn thế mà là câu chuyện sống động về võ đạo về lòng nhân ái, thượng võ.
Việt Hằng là con thứ tám trong gia đình không có con trai. Thân phụ cô là võ sư Trần Đình Châu, từng huấn luyện cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa; sau năm 1975 võ sư Châu về dạy các con cháu ở Thôn Chánh Thạnh và Đập Đá! Ông rất tài hoa, không chỉ giỏi võ mà còn sáng tác thơ ca.
Năm 1987 ông qua đời không để lại bạc tiền nhưng để lại những tập thơ ca và nhiều sách võ bí kíp của ông, nhưng không hiểu sao thân mẫu của Việt Hằng đã đốt tất cả. Lúc đó Việt Hằng chỉ mới 7 tuổi, không được kế thừa di sản võ học của cha. Nhưng trong bối cảnh người mẹ yếu đuối phải một mình bươn chải nuôi con và chịu đựng sự ức hiếp của người ngoài, Việt Hằng tự thấy mình có trách nhiệm, phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ, bảo vệ gia đình.
Việt Hằng tìm thầy học võ và được ân sư Lý Xuân Hỷ chấp nhận. Lý gia nổi tiếng với tuyệt chiêu “Miêu Tẩy Diện,” một tuyệt chiêu gia truyền được ông tổ của dòng họ Lý có tên là Lý Thế sáng lập, dựa theo sự nhanh nhẹn, linh hoạt của loài mèo và truyền đạt lại cho con cháu sau này.
Sau ba năm tiếp nhận những tinh yếu của võ sư Hỷ, Việt Hằng tìm đến võ sư Trương Văn Sáo cũng từng là huấn luyện viên lính công binh tại Đà Lạt, rất nổi tiếng về công phu quyền cước, nhất là trảo công. Rất tiếc là võ sư Sáo khéo léo từ chối với lý do đã đủ môn sinh. Việt Hằng thất vọng ngỡ rằng có thể do ngoại hình của mình không được hoàn thiện như bao người khác nên cô không được tiếp nhận. Nhưng vẫn kiên trì như “Lưu Bị tam cố thảo lư,” ba lần liên tiếp trong ba năm cứ đến Hè, Việt Hằng lại tìm thầy xin học. Đến lần thứ ba thì võ sư Sáo nhận Việt Hằng làm đệ tử. Hóa ra lý do ông từ chối là đã từng nhận lời thách đấu và đánh thân phụ của Việt Hằng một trận “thừa chết thiếu sống.”
Võ sư Trương Văn Sáo đã chỉ dạy cho Việt Hằng tinh túy võ học độc đáo nhất của ông là sự biến hóa của cổ tay trong đòn đánh và hệ thống huyệt đạo kinh mạch hiểm yếu. Kèm với mỗi đòn thế gây sát thương đều có phương thức cứu chữa riêng. Tình nghĩa thầy trò giữa hai bên ngày càng sâu nặng. Khi ông lâm bệnh, Việt Hằng thường xuyên đến chăm sóc thầy. Thầy rất xúc động trước người học trò có tấm lòng đôn hậu như vậy. Trước khi qua đời, ông đã giao lại cho Việt Hằng tất cả sách vở võ học và ngay cả những hình ảnh lưu niệm của mình.
Khi thầy Sáo lâm bệnh nặng, Việt Hằng cứ nghĩ là con đường học võ đã chấm dứt. Nhưng cơ duyên và lòng ham học Việt Hằng đã giúp cô tìm tới sư phụ Lê Xuân Cảnh với đường roi tuyệt chiêu ở Bình Định, sau khi được sự đồng ý của thầy Sáo.
Võ sư Trương Văn Sáo trao di vật cho võ sư Trần Việt Hằng. (Hình: Trần Việt Hằng cung cấp)
Dạy võ, dạy cả tình thương yêu
Học được các tuyệt kỹ của ba vị võ sư hàng đầu của làng võ Bình Định, Việt Hằng đã phối hợp, sáng tạo ra một số đòn thế biến hóa riêng đủ cơ duyên để mở lớp dạy võ tại chùa Nhạn Sơn và dần dần võ đường có rất nhiều môn sinh.
Theo truyền thống, Việt Hằng không xem dạy võ là nghề kiếm sống. Mỗi ngày hai buổi sáng chiều, dạy liên tục 30 ngày trong tháng, võ sư chỉ thu học phí dưới mức tượng trưng là 100,000 đồng (khoảng $4). Điều quan trọng là Việt Hằng đã kế thừa cung cách đối xử yêu thương chăm sóc môn sinh của ba thầy: Thầy Hỷ vui tính dễ gần gũi; thầy Sáo nghiêm khắc quy tắc, kiên định bản lĩnh; thầy Cảnh chất phác. Việt Hằng còn học được cách sống của ba thầy, nhờ vậy thu hút được nhiều môn sinh. Võ đường Việt Anh không chỉ luyện võ mà còn là nơi dạy về đạo đức, cách sống tử tế, tinh thần cao thượng bao dung biết giúp đỡ và chia sẻ với mọi người.
Hiện tại dù võ đường còn nhiều thiếu thốn, thiếu dụng cụ, thiếu binh khí, thiếu thảm an toàn cho võ sinh… nên phải nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Tuy nhiên bằng sự cố gắng của bản thân và cộng tác với bạn bè thiện nguyện, hằng năm võ đường dành 500 phần quà cho thiếu nhi nghèo tại địa phương và nhiều nơi khác trong tỉnh.
Món quà không lớn chỉ là phần bánh, cái đèn lồng nhưng cách trao quà của võ đường Việt Anh thật đặc biệt, mang đến cho các trẻ em nghèo một đêm Trung Thu ấm áp vui tươi trọn vẹn. Các em được xem võ sinh biểu diễn những màn công phu đối luyện thật hấp dẫn, cùng ca hát, nhảy múa và chơi vui với các võ sinh.
Với các võ sinh, những đêm Trung Thu là thời gian mà mọi người cùng vui chơi thoải mái với nhau và quan trọng hơn cả là các em hiểu được tình yêu thương của con người đối với những mảnh đời kém may mắn hơn mình.
Có lẽ chính vì thế mạnh đó mà võ đường Việt Anh luôn có nhiều võ sinh gia nhập. Ngày thường có 30 võ sinh nhưng vào Hè có trên 120 người tham gia tập luyện.
(Thư Khôi) [qd]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét