Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Chuyến Xe Chiều Định Mệnh - Ngô Viết Trọng (Đặcsan Lâm Viên)


Ngô Viết Trọng
Viết theo lời kể của anh Cao văn Diễn

Tôi cứ phân vân mãi không biết có nên lên chuyến xe này hay không. Những chuyến xe chiều Đà Lạt - Bảo Lộc hành khách vẫn rất ngán. Nhưng nếu không về thì thất hẹn với Chi. Chi đã hẹn chắc chắn với tôi hôm nay gặp nhau tại quán chè bờ hồ. Mới quen biết mà đã thất hẹn như thế tôi áy náy lắm. Mà về giờ ấy thì thế nào cũng bị mẹ tôi rày. Trước khi đi, mẹ tôi đã dặn kỹ:
- Nếu việc xong trước buổi trưa thì về, còn muộn hơn thì dứt khoát ở lại một đêm. Xe buổi chiều hay gặp nguy hiểm lắm!
<!>

Tôi đã 24 tuổi mà bà cứ coi như con nít, dặn đi dặn lại đến bực mình. Nhiều lần tôi cảm thấy quê vì sự chăm sóc quá đáng của mẹ mình. Bà không hề nghĩ rằng tôi cũng đã có một chỗ đứng nhỏ trong xã hội. Nói mà cười, dưới tay tôi cũng có chục thằng lính ngon lành như ai chứ.

Tôi để ý thấy hành khách phần nhiều là phụ nữ. Lâu lâu mới có một hành khách đàn ông lớn tuổi. Tôi thậm thùi thậm thụt toan quay về thì chợt thấy một người quen cầm xách tay đi lại. Đó là anh Khâm, một sĩ quan hiến binh vừa mới chuyển ngành sang cảnh sát tỉnh Lâm Đồng. Anh khoảng 40 tuổi, có vợ và 7 đứa con chưa có đứa nào trên mười sáu. Tôi làm bộ xăng xái hiên ngang vẫy tay với anh Khâm và hỏi:

- Anh định về Bảo Lộc giờ này?

- Về thì về chứ sợ cóc gì!

Có lẽ điệu bộ của tôi đã làm anh an tâm hơn. Ngược lại, lời nói của anh Khâm cũng khuyến khích tôi quyết định lên xe. Hai chúng tôi ngồi gần nhau. Tuy chúng tôi đều mặc đồ dân sự nhưng cả hai đều có lận súng lục trong người. Tôi là tiểu đội trưởng một tiểu đội cảnh sát dã chiến ở Lâm Đồng.

- Về chiều thế này anh thật không ớn à?

- Chú mày thanh niên không ớn tao già cả mà ớn gì! Nói chơi vậy chứ đi công việc cả tuần rồi, nhớ mấy đứa con chịu không nổi phải liều vậy! Có lẽ giờ này chúng đang ngong ngóng nhìn ra cửa ngõ. Mấy đứa con tôi ít đeo mẹ nó mà cứ quấn quít tôi không à! Sợ cũng sợ mà nghĩ đến con đâm ra hết sợ. Không lẽ mình lại mang mạng con rệp?

Tôi không dám đem cái động lực thúc đẩy tôi liều lĩnh về chuyến xe chiều nguy hiểm này tiết lộ với anh Khâm. Trong cách suy nghĩ vụng dại, tôi muốn bày tỏ sự can đảm của mình, tôi muốn lấy điểm với nàng. Tôi đã không chịu nghe lời căn dặn của mẹ tôi "Nếu về kịp buổi trưa thì về chứ sang buổi chiều thì nhất định phải ở lại nghe con!"

Thường thường những người có liên can tới quân đội và chính quyền qua lại Bảo Lộc Đà Lạt chỉ đi vào những chuyến xe sáng đến trưa hoặc những khi có xe mở đường. Bất đắc dĩ mới phải liều đánh rủi may với định mệnh. Những nương trà bao la nối tiếp nhau dọc con đường chính là chỗ ẩn núp rình mò rất tốt cho bọn du kích. Đoạn nào chúng cũng có thể xuất hiện bất ngờ. Du kích vẫn ra đón đường thu thuế xe đò và thỉnh thoảng cũng bắt vài người đi mất tiêu. Chủ xe lẫn hành khách tuy chẳng quen biết chúng tôi nhưng ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại. Khi chưa bước lên xe thì chúng tôi quả quyết lắm. Tôi nghĩ lâu lâu chúng mới đón đường một lần chứ chúng cũng "rét" thấy mẹ đâu dám làm ăn thường xuyên! Nhưng ngồi yên chỗ trên xe rồi, trống ngực tôi lại bắt đầu đánh lô tô. Tôi nhớ đến một chuyện kể về một lần duy nhất những người lính trên xe thoát khỏi tay bọn du kích. Lần đó, chúng bắt xe ngừng và bảo ai là ngụy quân ngụy quyền trên xe phải bước xuống hết. Vì không có một ai bước xuống cả nên chúng bảo tất cả phải xuống cho chúng kiểm tra. Một anh lính trên xe liền lấy ra một trái lựu đạn, anh rút chốt ra cầm tay tuyên bố:

- Bị bắt cũng chết, vậy, tôi muốn chết trước cho yên. Bây giờ, nếu có một ai trên xe bước xuống, tôi sẽ buông trái lựu đạn này để cùng chết chung.

Câu tuyên bố quyết liệt và hành động của anh lính làm mọi người trên xe tái mặt không dám động đậy. Sau đó thì tài xế, lơ xe cùng nhiều người lên tiếng năn nỉ bọn du kích. Rốt cục bọn du kích phải nhượng bộ cho xe đi.

Thú thật, tôi không có gan như anh lính kia. Hơn nữa, trong mình tôi cũng không có lựu đạn. Bấy giờ tôi lại hối hận về sự liều lĩnh nôn nóng của mình. Chỉ vì một cuộc hẹn hò phù phiếm làm mình dám quên thân, bỏ lơ cả lời mẹ ân cần dặn dò. Thà ở lại Đà Lạt một đêm rồi sáng về cũng đỡ mắc bệnh tim hơn như thế này. Tôi cũng hối hận vì đã lận theo cây súng trong người như một bằng chứng để nộp mình. Cây súng đó thật khó sử dụng trong trường hợp này. Mình đâu dám cầm sẵn trên tay! Mà nếu cầm sẵn được nó cũng chẳng ăn thua gì với nhiều cây súng lớn đang lăm lăm. Tôi ngẫm nghĩ rồi tìm cách gợi chuyện với cô gái ngồi cạnh:

- Cô về Bảo Lộc à?

- Dạ phải ! Ông cũng về Bảo Lộc?

Nghe giọng nói Bắc Kỳ, tôi rất mừng. Dân Bắc Kỳ sống ở Bảo Lộc hầu hết là dân di cư, không mấy người ưa Cộng Sản, tin tưởng được. 

- Đúng! Tôi về Bảo Lộc, tôi là Diễn, ở ấp Tân Phát. Cô ở ấp nào?

- Em tên Phượng, ở ấp Tân Bùi.

Tôi nhẩm lại tên cô gái cho nhớ. Tên ấp thì khỏe rồi. Tôi không dám hỏi kỹ hơn vì thật ra nói chuyện này tôi cũng không được tự nhiên cho lắm.

- Ông có đi lính tráng gì không? Về Bảo Lộc giờ này ông không ngại à?

Thấy cô gái hỏi câu đó tôi nhẹ người đi:

- Thanh niên thời này ai mà tránh lính được! Trong trường hợp cần thiết cô giúp đỡ tôi được không?

- Giúp đỡ như thế nào?

- Giấu giùm cái này! - Tôi chỉ vào cây súng lục đang giấu trong áo.

Những lần đón xe, bọn du kích thường chỉ lo nhận tiền của chủ xe, bắt bớ hoặc lục xét cấp tốc một vài người đàn ông rồi lo chuồn chứ ít khi đụng đến phụ nữ.

- Vậy ông hãy gói vào tờ báo, tôi cất trong xách tay cho!

Tôi quá mừng nhưng lại ngập ngừng vì súng là vật hộ thân, tôi chưa dám khinh xuất trao cho người khác. Ở đời, lúc đã đen lại hay gặp thợ rèn, chưa đi được bao xa thì xe chết máy. Bấy giờ tôi chỉ mong sao cho xe sửa không được ở lại tại đó cũng đỡ nguy hiểm. Hoặc sửa được thì cũng đủ muộn để xe phải quay về Đà Lạt. Nhưng chỉ khoảng 20 phút sau xe lại chạy được. Lúc đó tôi đành quyết định đem cả giấy tờ lẫn cây súng gởi cô Phượng. Nhìn lại anh Khâm thấy anh đang ngủ gà ngủ gật tôi cũng yên chí. Tôi gởi súng nhưng lại ngại anh Khâm biết, sợ anh cười là nhát gan. Tôi không ngờ chính vì sợ người khác cười, không dám thành thật bày tỏ lòng mình với anh Khâm, để khi chuyện xảy ra rồi, tôi phải ân hận mãi.

Chuyến xe chiều tuy cũng chật khách nhưng ít ai chuyện trò. Trông mọi người hình như đều có vẻ gì nghiêm trọng làm tôi càng thêm bồn chồn. Khi xe còn cách quận lỵ Di Linh chừng bốn năm cây số, lúc ấy mặt trời sắp lặn, ông tài xế đột nhiên quay mặt lại nói vội:

- Mấy ông đón đường rồi đó. Coi chừng!

Người trên xe đều lấm lét nhìn nhau, bầu không khí im lặng đến khó chịu. Vài người đưa mắt nhìn tôi và anh Khâm. Tôi quay lại thấy anh vẫn còn ngoẹo đầu mà ngủ. Tôi dùng tay đánh thức anh dậy và bảo nhỏ:

- Coi chừng, mấy chả ra đón đường!

Anh Khâm có vẻ hoảng hốt chốc lát nhưng rồi anh bình tĩnh lại ngay. Tôi chưa kịp bàn bạc gì với anh Khâm thì xe đã chậm lại rồi ngừng hẳn. Ba tên du kích chận cửa trước và bắt mọi người xuống xe hết. Tôi không rõ chúng còn bao nhiêu tên phục ở những chỗ khác. Cây súng không còn trong người nên tôi cũng an tâm phần nào, rụt rè theo chân mấy người bước xuống. Vừa đi tôi vừa quay liếc nhìn lại anh Khâm. Tôi thoáng thấy anh chạy ngược lại mọi người, kéo cái cửa sau của xe và nhảy xuống. Có lẽ mấy tên du kích không thấy được, bên dưới không có gì chộn rộn hết. Bọn du kích bắt số nữ hành khách ngồi một dãy. Nam hành khách chỉ có bốn người, ba người khá lớn tuổi, cỡ 50 trở lên cả và tôi cùng ngồi một dãy. Không có anh Khâm - như vậy là anh trốn được rồi. Anh tài xế cũng ngồi gần dãy chúng tôi. Hai tên vừa cầm súng kềm giữ hai toán người đang ngồi vừa thuyết chính trị. Tên thứ ba kéo anh lơ lên lục soát đồ trong xe. Chốc sau tên lục soát bước xuống, tay cầm một cây súng lục mới lấy được. Nó sấn lại ngay trước mặt tôi:

- Cái súng này của anh phải không?

- Dạ không phải. Tôi làm thợ mộc làm gì có súng!

Hai tên kia cũng chạy lại. Chúng cũng hỏi ba người kia, nhưng thấy họ đều già cả quê mùa nên rốt cục chúng quả quyết cái súng là của tôi. Tôi cũng nghĩ chắc là cô Phượng vì sợ quá đã quăng cây súng của tôi lại. Biết khó thoát chết chuyến này, tôi đành quyết định liều mạng.

- Nếu mày không chịu nhận, tao bắn liền tại chỗ bây giờ! Tao đếm 3 tiếng: một .... hai...

Bất ngờ tôi vùng đứng dậy chồm tới xô mạnh thằng đang chĩa súng vào tôi ngã vào một thằng thứ hai rồi bỏ chạy. 

- Đuổi theo! Đuổi theo!

Tôi nghe rõ tiếng hô của chúng, tiếp theo là nhiều loạt đạn nổ. Chúng nó đồng loạt đuổi theo tôi. Tôi cứ băng băng nhảy đại qua những bụi chè thấp hoặc lòn đại dưới những lùm cây lớn. Gai chồi đều không kể, tôi cứ chạy. Đằng sau vẫn có tiếng người la hét. Bấy giờ trời đã chạng vạng, nhá nhem. Người tôi ra mồ hôi như tắm. Khốn nạn thay, đang chạy tôi bỗng bị sa xuống một cái hố.  Hình như là cái giếng cạn người ta dùng để đổ cỏ rác. Tôi chưa leo lên miệng hố được thì nghe tiếng bọn người đuổi theo đã tới gần. Tôi nhìn lại thấy cả ánh đèn pin chiếu lập lòe. Tôi điếng hồn chưa biết tính sao thì bỗng nghe tiếng một tên đã tới gần chỗ tôi thét lên điệu mừng rỡ:

- Anh em ơi, nó đây rồi!

Tôi nghĩ chúng đã thấy tôi. Cái chết đã đến bên mình. Tôi kêu thầm "Mẹ ơi, chính vì con không nghe lời mẹ mới đến nông nỗi này!". Nhưng tôi ngạc nhiên thấy ánh đèn pin lại rọi vào một chỗ khác, hình như có tới bốn năm bóng người xúm lại.

- Mày chạy trốn ra đây rồi cũng không thoát được hả! Mày đáng tội chết chưa? 

Tôi nghe tiếng đấm đá lịch bịch cùng với tiếng kêu rên hự hự của nạn nhân. 

- Mày làm chúng ông chạy bở hơi tai mày có biết không? Mày làm gì mà có cây súng này? Nói ấm ớ tức là mày muốn chết sớm đấy nghe chưa!

- Dạ, tôi làm cảnh sát trật tự lưu thông.

- Công việc hằng ngày của mày là gì?

- Giữ trật tự các tuyến lưu thông cho xe cộ khỏi chạy ẩu tránh gây ra tai nạn.

Tôi nghe giọng trả lời đúng là của anh Khâm. Bây giờ thì tuy lo lắng thương xót cho anh ấy nhưng tôi lại khá an tâm cho mình. 

- Mày làm việc ở đâu?

- Thị xã Bảo Lộc.

- Mày làm việc ở Bảo Lộc vậy có biết thằng này không?

- Dạ không.

- Anh Hai, ông ta không biết em nhưng em biết ông ta. Ông ta không phải là người xấu. Ông ta không bắt nạt ai hết.

Tôi đoán chừng đây là một tên nào đó ở Bảo Lộc mới thoát ly. Nhưng tiếp đó lại một giọng hách dịch vang lên:

- Thôi, nói lôi thôi làm gì! Làm tay sai cho giặc thì cứ phất đi cho rảnh. Tốt cũng giết, xấu cũng giết, được thằng nào hay thằng ấy, có thế dân mới ngán mà khỏi theo chúng! Giết ngay đi! Hơi đâu đem về mất công giam giữ lại phải hao hụt khẩu phần mình! Ấy, đừng có bắn, để dành viên đạn bắn con chim con thú có lợi hơn. Dùng tay chân được rồi. 

Thế là tôi nghe rõ tiếng đấm tiếng đạp cùng tiếng rên la, tiếng năn nỉ của anh Khâm. Mỗi tiếng đấm đá, mỗi tiếng rên la đều như mỗi mũi dao ngoáy vào tim tôi. Chừng mười lăm phút sau thì tiếng đấm đạp ngưng và tiếng rên rỉ cũng ngưng.

- Kiếm một cái lỗ mà dập nó xuống!

Tiếng ra lệnh của tên nọ làm tôi điếng hồn lên. Chỗ chúng hành hạ anh Khâm chỉ cách chỗ tôi không tới mười thước. Nếu chúng đi tìm chỗ để dập anh Khâm thì có thể chúng bắt gặp tôi lắm. Nếu chúng động đậy chắc tôi phải liều mạng vọt chạy lần nữa. Chẳng thà bị chúng bắn nhằm một viên đạn còn hơn bị bắt để chịu trận đòn tàn khốc trước khi chết như anh Khâm.

- Thôi, dập làm gì! Ngày mai thân nhân nó sẽ đến tìm nó. Nếu mạng nó chưa mất thì cũng tàn phế suốt đời rồi. Chúng ta dọt!

Thế là chúng kéo nhau đi. Bấy giờ tôi mới biết mạng mình thật sự chưa đến nỗi tuyệt. Đợi cho thật yên ắng, tôi đứng dậy bước lại chỗ anh Khâm nằm. Tôi đặt tay lên ngực anh rồi lên mũi anh, tuyệt đối không còn dấu hiệu của sự sống. Tôi vuốt mắt cho anh Khâm, sửa lại cho anh đúng thế nằm ngửa. Sau đó tôi lăn đại trên cỏ mặc kệ muỗi mòng và sương rơi.

Nhờ người quá mệt, tôi cũng ngủ được một giấc. Gần sáng, phần vì sương lạnh, phần vì nôn nóng đợi sáng, tôi không thể nào ngủ được nữa. Thế là tôi phải ngồi chụp muỗi. Sau đó, tôi lần mò ra gần đường cái. Từ chỗ anh Khâm bị giết ra tới đường cái ước chừng hai cây số.  Anh Khâm đã chạy thoát và trốn xa như vậy tưởng cũng quá an toàn. Nào ngờ chỉ vì cây súng vô chủ trên xe mà bọn chúng cứ gán cho tôi mới sinh chuyện rủi cho anh. Tôi nhớ lại câu nói của anh chiều qua: Đúng là mạng con rệp!

Tới chín giờ rưỡi sáng tôi mới thấy chiếc xe đò đầu tiên trên đường nhưng lại là xe về hướng Đà Lạt. Gần mười giờ mới có xe về Bảo Lộc, tôi quá mừng ra vẫy tay đón. Về tới Bảo Lộc, tôi chưa vội về nhà mà đến thẳng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Lâm Đồng trình bày mọi sự. Thiếu tá Dương Quang Tiếp liền cho huy động một trung đội CSDC giúp đỡ người nhà anh Khâm đi lấy xác anh về. 

Khi tôi bước vào nhà, mẹ tôi mừng rỡ tươi cười:

- Mẹ biết con nghe lời mẹ sáng nay mới về chứ! Ba con cứ lo lắng sợ con không nghe lời mà về vào buổi chiều có khi mang khốn, cả đêm ông ngủ không yên đó.

Nghe lời mẹ tôi nói, tôi vô cùng hối hận. Mẹ đâu có biết con đã sống một đêm kinh hoàng! Nếu như chúng không bắt gặp anh Khâm thì chắc gì con đã thoát được! Bây giờ nét mặt mẹ đâu còn tươi như thế! Cũng may trong nhà tôi chưa ai biết gì hết.

Hôm sau tôi vào ấp Tân Bùi tìm nhà cô Phượng để xin lại cây súng. Cô Phượng mời tôi vào nhà uống nước rồi mang ra cho tôi gói giấy báo:

- Em cũng định đem đến ty Cảnh Sát trả lại nhưng còn đợi tin tức ông. Em cũng không ngờ ông Khâm lại phải chết như thế, tội nghiệp thật! Nhiều người thấy ông ấy chạy thoát được rõ ràng rồi, chúng nó đâu thấy. Chỉ tại ông bỏ lại cây súng dưới ghế ngồi mới nên nỗi như thế.

- Cám ơn cô Phượng vô cùng! Nếu không có cô can đảm giấu giùm cây súng này không biết lúc đó tôi sẽ ra sao nữa. Tôi sẽ nhớ ơn cô suốt đời...

oOo

Đúng là tôi nhớ ơn Phượng suốt đời thật. Sau khi gặp lại Phượng tôi đã có một sự suy nghĩ so sánh ngộ nghĩnh. Chỉ vì muốn lấy điểm với người con gái mới quen tên Chi mà chút nữa tôi mất mạng. Vậy thì nàng là hung tinh của tôi chứ gì nữa! Còn Phượng, dù chỉ mới gặp nhau lần đầu trên xe đã can đảm mạo hiểm ra tay giúp đỡ người không cần suy nghĩ. Vậy chính Phượng là phúc tinh của tôi. Chừng đó là đủ rồi. Tuy thế, tôi vẫn chưa tin vào sự suy nghĩ của mình. Bây giờ thì tôi có cơ sở để tin rằng, với tuổi trẻ, có thể người ta lo cho chính bản thân mình lại không chu đáo bằng những người thân khác, đặc biệt là người cha, người mẹ. 

Mượn cớ ăn mừng tai qua nạn khỏi, tôi tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời cả Chi lẫn Phượng đến dự rồi ngầm trưng cầu ý kiến những người thân của mình. Tôi không ngờ cuộc bầu cử ngầm lại thành công mỹ mãn như định mệnh đã sắp đặt. Trong đời tôi chưa thấy một cuộc bầu cử nào dân chủ hơn thế. 

Thế là sáu tháng sau cuộc gặp gỡ hãi hùng ấy, Phượng trở thành người vợ hiền của tôi.

Ngô Viết Trọng

(Đặc San Lâm Viên) 

Không có nhận xét nào: