Người Đã Trải Qua, Xin Xem Lại, Rồi Kể Cho Con Cháu Cùng Nghe.
Năm nay 2021, người Việt định cư tại Hoa Kỳ đã lên đến con số 2 triệu người. Nhiều em trẻ sẽ hỏi, tại sao người Việt mình đến Mỹ? Đến từ hồi nào? Bằng cách nào? Tháng 4 năm nay là năm tưởng niệm thứ 46 biến cố Tháng Tư Đen, một biến cố mất nước khiến cho hàng trăm ngàn người Việt phải vùng thoát ra đi trốn chạy đoàn quân xâm lăng Cộng Sản độc tài tàn bạo, đã vào đến Thủ Đô Saigon lúc 10 giờ sáng Thứ Tư, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Quý vị cùng chúng tôi, rất nhiều người đã trải qua cuộc vùng thoát kinh hoàng đó. Exodus! Hàng trăm ngàn người đổ xô ra bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Tân Cảng, Kho Hàng Khánh Hội, hay Bến Đò Thủ Thiêm và Cát Lái, leo lên mọi thương thuyền lớn nhỏ, tràn vào những chiến hạm Hải Quân để ra đi, không cần biết sẽ đi đâu, có thoát được không, và bất kể sẽ còn được sống hay phải chết, cũng đi.
Xin cùng nhau nhìn lại những tấm hình dưới đây và xem lại câu chuyện video này, xin hãy tiếp tay chúng tôi chuyển tiếp tới những thân hữu trong facebook của quý vị, và nhất là giới thiệu cho các em trẻ từ 50 tuổi trở xuống để tất cả mọi người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ đều hiểu rõ hơn cuộc hành trình gian nan từ Việt Nam sang Mỹ của đợt người Việt đầu tiên, đợt người mà nhạc sĩ Nam Lộc đã đặt cho một danh hiệu đáng nhớ mãi "Người Di Tản Buồn".
Thật sự, ít có người biết, trong ngày và đêm 29/4/1975, hạm đội hành quân biển của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định ra khơi, khoảng hơn 40 chiến hạm lớn nhỏ trong tổng số 80 chiếc của hạm đội, sẽ tập trung tại Đảo Côn Sơn chờ một mệnh lệnh cuối cùng.
Có những chiến hạm đang tuần dương như chiếc HQ17 hoặc chiếc HQ229 được lệnh ra đi luôn khiến thủy thủ đoàn phải bỏ lại vợ con thân nhân trong sự chia lìa bất ngờ thật đớn đau.
Có những chiến hạm đang đậu ở bến Bạch Đằng thì phải đón nhận hàng ngàn đồng bào tràn lên, như chiếc HQ801 hay chiếc HQ502, có chiếc bình thường chỉ có 200 thủy thủ đoàn, nay phải cáng đáng 5,000 đồng bào tràn ngập mọi khoang tàu, từ đáy lên đỉnh cột cờ, người đâu là người đông như kiến bu.
Có chiếc đã bị hư máy nằm ụ trong Hải Quân Công Xưởng như chiến Lam Giang HQ402, đang sửa chữa mà cũng có hàng ngàn đồng bào tràn lên, căng thẳng nằm chờ không chịu xuống, và cũng chẳng biết thủy thủ đoàn ở đâu, con tàu có ra đi không?. Và con tàu đó, với một vài sĩ quan còn lại, bằng một cố gắng phi thường, cuối cùng cũng nổ được máy, ì ạch ra đi vào trưa ngày 30/4 ngay trước mắt những chiếc xe tăng của Quân Cộng Sản vừa đậu giương cao nòng súng trên bến cảng.
Cũng có những thủy thủ vì bị bất ngờ xa cách vợ con đã xin về, nay kể lại mới biết, quyết định sai lầm đó đã trả giá rất đắt vì chế độ Cộng Sản đã tống ngay tất cả mọi người trở về vào tù cải tạo, không hề được gặp mặt vợ con chút nào.
Cũng có đoàn chiến hạm 4 chiếc ra đi từ đảo Phú Quốc, mang theo khoảng 2,000 đồng bào chạy qua Singapore xin tị nạn, Singapore không nhận, 4 con tàu phải chạy qua Phi Luật Tân, trên đường đi, có một chiếc bị một nhóm người giết chết vị hạm trưởng, cướp tàu, lái về Việt Nam trở lại. Còn 3 chiếc kia, tiếp tục cuộc hành trình dài tổng cộng 22 ngày trên biển đi tìm tự do
Nếu quý vị là những người đã ra đi bằng cách đó, quý vị có còn nhớ quý vị đi trên chiếc chiến hạm số mấy không? Tôi hỏi cả trăm người, không có một ai biết tàu nào, số mấy, loại gì.
Thật sự, nếu không kể lại thì sự kiện mà Hải Quân VNCH đặt tên là Chuyến Hải Hành Cuối Cùng của đoàn chiến hạm 43 chiếc đã ra khơi, tập trung tại Côn Sơn chờ mệnh lệnh cuối cùng, rồi 32 chiếc còn sức chạy được, đã ra đi mang theo 30,000 đồng bào ruột thịt đi tìm tự do tại Subic Bay-Phi Luật Tân sẽ hoàn toàn bị quên lãng.
Ai đã ra đi trong Chuyến Hải Hành Cuối Cùng đó? Quý vị có còn nhớ gì chăng? Quý vị có còn nhớ giây phút được lệnh phải hạ cờ, cuốn cờ, sơn che lại số tàu, vất bỏ mọi đạn dược xuống biển thì Phi Luật Tân mới cho tàu vào bến không? Quý vị có còn nhớ giây phút linh thiêng khi tất cả mọi người trên 32 con tàu, thủy thủ cũng như dân chúng, đồng loạt hát bài quốc ca với nước mắt tuôn trào, đau đớn tột cùng trong cảnh bi hùng nước mất, nhà tan, mang thân phận của kẻ vô tổ quốc trong giây phút chào cờ lần cuối cùng đó không?
Lịch sử cần phải được ghi lại, cần phải được kể lại, nhất là kể cho con cháu chúng ta để các em hiểu rõ được tại sao người Việt đã đến đây? đến từ lúc nào, và bằng cách nào?
Một lần nữa, xin giúp chúng tôi chuyển tiếp video này đến mọi thân hữu xa gần. Chân thành cảm ơn tất cả quý vị.
Phạm Phú Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét