Nhìn hình này thấy được bãi biển Tiên Sa (7H)
Được ví như lá phổi xanh của Đà Nẵng nhưng núi Sơn Trà đang có nguy cơ bị băm nát để xây dựng các biệt thự hạng sang.
<!>
Từ lâu, núi Sơn Trà được người dân ví như lá phổi xanh của TP Đà Nẵng. Còn với các tướng lĩnh, Sơn Trà còn là nơi phòng thủ chiến lược, nơi có nhiều đơn vị quân đội đóng quân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, đất liền cho toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Với sự đa dạng về sinh học và thiên nhiên ưu đãi, nhiều năm qua nơi đây đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Đây cũng là nơi lý tưởng để những du khách thỏa sức với đam mê với môn thể thao mạo hiểm.
Với độ cao khoảng 700 m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh Bàn Cờ của núi Sơn Trà, người dân và du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn TP Đà Nẵng.
Ngoài giá trị về du lịch, quốc phòng thì Sơn Trà còn được người dân địa phương xem như một "long mạch". Khi còn sống, cố Bí thư Đà Nẵng Bá Thanh đã cho xây dựng ngôi chùa có tượng Phật Quan âm cao nhất Việt Nam (67 m) - chùa Linh Ứng để người dân và du khách đến thắp hương, cầu phật mỗi dịp đầu tháng hoặc ngày rằm.
Đến Sơn Trà, du khách còn có dịp ngắm toàn cảnh biển Đà Nẵng.
Dưới chân núi có nhiều ghềnh đá và những rạn San Hô rất đẹp. Khoảng chục năm trở lại đây, những khu vực này đã thu hút rất nhiều du khách đến lặn biển ngắm san hô.
Men theo sườn núi về phía Đông nam Sơn Trà, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây đa đại thụ với 9 rễ phụ đâm sâu vào lòng đất.
Cây cổ thụ có niên đại 800 năm này được xếp hạng Cây di sản Việt Nam. Tấm biển đặt dưới gốc đa có ghi: Nơi đây từng được lực lượng dân quân tự vệ, biệt động Quảng Nam, Đà Nẵng chọn làm căn cứ địa cách mạng cho hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm”.
Không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, là bức bình phong chắn gió bão cho Đà Nẵng, là địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng, bán đảo Sơn Trà còn được nhiều người biết đến là “Vương quốc” của một loài linh trưởng vô cùng quý hiếm - Voọc chà vá chân nâu.
Theo các nhà sinh thái học, hiện Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có Voọc chà vá chân nâu, một loại linh trưởng đặc biệt hiếm hoi trên thế giới.
Bất chấp những khuyến cáo về giá trị Sơn Trà của các chuyên gia, vừa qua Công ty CP Du lịch Biển Tiên Sa (địa chỉ tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đã đào xới hàng nghìn m2 đất rừng để xây dựng 40 trụ móng khách sạn mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết qua hồ sơ giấy phép được cấp năm 2009, dự án này chỉ được xây dựng một số hạng mục giao thông, phụ trợ. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 40 đế móng biệt thự đã làm gần hoàn thiện (tổng cộng theo hồ sơ sẽ xây dựng 56 đế móng)…
Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tháo dỡ các hạng mục đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND thành phố nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2050 để báo cáo Thủ tướng. Nếu triển khai dự án trên núi Sơn Trà, phải đặc biệt lưu ý các yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh và cảnh quan môi trường sinh thái.
Thủ tướng yêu cầu báo cáo trước ngày 15/4
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND Đà Nẵng.
Trong văn bản này, Thủ tướng yêu cầu UBND Đà Nẵng báo cáo trước ngày 15/4 cụ thể về vụ việc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà. Trong đó, địa phương phải làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng và các quy định pháp luật có liên quan, những biện pháp đã xử lý của thành phố...
Hải Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét