Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Phận Đời Phận Người – Một đêm nhạc hay, rung động lòng người - Lê Bình

Phận Đời Phận Người – Một đêm nhạc hay, rung động lòng người

Cali Today News – Đó là buổi tối, lúc 09:56, ngày thứ Bảy 15/4/2017, nơi sân trước của nhà hát San Jose Center for The Performing Arts có đông người. Họ đang lũ lượt đi ra khỏi rạp, sau khi tham dự đêm văn nghệ chủ đề, với tên gọi “Phận Đời và Phận Người”. Những ánh sáng điện tỏa xuống từ những bóng đèn tròn trên cao, kết thành từng chùm dọc đường đi, và nơi đó có những chiếc xe đạp lôi, do các sinh viên chờ đón chở khách du lịch.
<!> 
Họ đi từng cặp, từng nhóm. Họ bận y phục trang nhã: Áo dài, áo vest, áo khoác, áo choàng …và tiếng ồn ào, trò chuyện. Tất cả hoạt cảnh đó làm cho tôi nhớ lại một khoảng không gian khác: Những bùng binh của Sài Gòn năm xưa. Đúng! Những năm xưa khi Sài Gòn chưa đổi chủ, mất tên. Sài Gòn vào những đêm cuối tuần, đông đảo như trẩy hội.
1,500 khán giả tham dự
Đêm nay, một đêm tháng Tư, tại nơi nầy, San Jose, hàng ngàn người Việt đã đến đây cùng tham dự một chương trình văn nghệ tưởng niệm một tháng tư năm cũ. Tháng Tư mất Sài Gòn.
Đêm văn nghệ còn có những người khách đặc biệt, Binh I, thương phế binh – anh Nguyễn Văn Nguôn (LĐ 4) là người tị nạn cuối cùng. Anh đã vượt biển, vượt biên đã bị bắt nhiều lần, đã đâm bụng tự tử khi bị trục xuất về Việt Nam, rồi vượt biên trở lại Thái Lan, lang thang trên đất Thái 26 năm, và rồi cuối cùng anh đến được bến tụ do vào tháng 10/2016. Anh là khách mời đêm văn nghệ quốc hận, và anh đến từ Atlanta trên đôi nạng gỗ
.
Lực Lượng Cựu Sĩ Quan Thủ Đức chịu trách nhiệm phần chào quốc kỳ Việt Mỹ.
Đêm văn nghệ khai diễn lúc 6:00pm, thứ Bảy 15/4/2017 mang chủ đề Phận Đời Phận Người – 42 Năm Âm Nhạc Hải Ngoại.
Lễ Khai Mạc thật long trọng. Sân khấu vừa mở ra, hai lá cờ Việt Mỹ tung bay phất phới, các cựu quân nhân của nhiều binh chũng trong Liên Hội Cựu Quân Nhân, một số sĩ quan, hạ sĩ quan Hoa Kỳ gốc Việt (thế hệ thứ 2) trong quân phục chỉnh tề chuẩn bị cử hành Lễ Chào Cơ và Tưởng Niệm. Lực Lượng Cựu Sĩ Quan Thủ Đức chịu trách nhiệm phần chào quốc kỳ Việt Mỹ. Lễ đặt vòng hoa trước bàn thờ Tổ Quốc Ghi Ơn. Ông Lê Đình Thọ – Liên Hội Cựu Quân Nhân, Cựu Trung Tá Quận Trưởng Đỗ Hữu Nhơn, Ông Ngô Tôn của Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức và Đại Tá Mimi Phan dẫn đầu toán quân nhân Mỹ Việt lên đặt vòng hoa tưởng niệm các tử sĩ quân lực VNCH. Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức trong quân phục đại lễ đã thực hiện phần nghi lễ thật uy nghiêm và hào hùng mà khi kết thúc đã nhận được tràng pháo tay kéo dài của trên 1,500 khán giả
.
Sau đó, ông Sam Liccardo, Thị trưởng San Jose, đã có lời chào mừng khán giả. Ông phát biểu rằng ông rất trân trọng nỗi đau của cư dân Việt, và ông hạnh phúc được có mặt hôm nay để chia xẻ những tâm tình của người Mỹ (gốc Việt), ông ghi nhớ “42 năm đón người tị nạn đến sinh sống và góp phần xây dựng thành phố nầy.
Sau thị trưởng Sam Licardo là Dân biểu Liên Bang Quốc Hội Hoa Kỳ, bà Zoe Lofgren – một người không ngừng đấu tranh cho tự do và nhân quyền cho Việt Nam trong khoảng 30 năm qua, cũng đã hiện diện trên sân khấu. Bà có bài phát biểu ngắn gửi đến cộng đồng người Việt nhân dịp Quốc Hận thứ 42. Bà sinh hoạt gần gủi với cộng đồng người Việt San Jose, bà hiểu tâm tư, ước nguyện của người tị nạn. Bà nói “Tôi sẽ cùng các bạn đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, nhân quyền. Chúng ta sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi nào tự do đến với dân Việt Nam…”.
Thị trưởng Sam Licardo trao bằng tưởng lục cho thương phế binh Nguyễn Văn Nguôn
Sau đó, dân biểu Zoe Lofgren, và thị trưởng Sam Licardo đã trao tặng một số bằng tưởng lục đến Liên Hội Cựu Quân Nhân, Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức, Đại Tá Mimi Phan, thương phế binh Nguyễn Văn Nguôn cũng là người tỵ nạn cuối cùng, và Hệ Thống Truyền Thông Cali Today.
Dân biểu quốc hội Hoa Kỳ Zoe Lofgren trao bằng khen
Chương trình ca nhạc bắt đầu lúc 6:30pm với 3 người điều khiển chương trình: NS Nam Lộc, Cô Phạm Mỹ Linh, và Hoa Hậu Mỹ-Á Jenny Chung, ban nhạc Sài Gòn Star, do nhạc trưởng Lê Sĩ Dự từ Nam California, điều khiển
.
MC Nam Lộc, Phạm Mỹ Linh và Hoa Hậu Mỹ-Á Jenny Chung
Không gian hí viện im lắng, bóng tối phủ lên các hàng ghế, và rạp hát đang đợi chờ giờ trình diễn, khán giả sửa lại thế ngồi, những người điều khiển chương trình biến đâu mất. Một giây, 2 giây và dường phải đến hơn 3, hay 4 giây đồng hồ chờ đợi, hồi hộp; bất chợt tiếng nhịp của chiếc dùi trống… “lốc cốc” phá tan bầu không khí yên lặng và tiếng hát cất lên từ phía hậu trường
“Thưa mẹ, con là người Việt Nam,
Luân lưu từ giòng máu điêu tàn,
Thưa mẹ, con là người da vàng.
Màu da của kiếp lầm than.
Quê hương ta vùng vẫy ngang tàn,
Huế, Sài Gòn, Hà Nội những vết tích tan thương,
Mậu Thân Mùa Hè đỏ lửa,
đại lộ Kinh Hoàng,
Con nhớ mãi trong lòng con bất diệt”

Sân khấu, âm thanh và ánh sáng tuyệt vời
Hơi bất ngờ. Có tiếng ai đó xì xào nho nhỏ “Ai hát vậy?”. Thế Sơn? Đúng lúc đó ca sĩ Thế Sơn bước ra cùng ca sĩ Nguyên Khang. Những hình ảnh cũ được nói lên qua lời ca. Hình ảnh những ngày đầu trên đất mới. Người di tản ra khỏi nước trốn chạy nạn cộng sản sau 42 năm được gợi lại như mới ngày hôm qua ”. Rồi:
Sài Gòn đó, từng con phố nhỏ.
Mỗi dặm đường hàng vạn dấu chân con.
Nha Trang, Đà Nẵng trời thơ mộng,
nhưng chẳng bao giờ con muốn quên…”
Những lời ca như thấm sâu, bật máu, người ra đi sẽ chẳng bao giờ quên.
Rồi sau đó thì thế nào?… GiọngNguyên Khang nghẹn ngào cất lên:
“Giờ đây, mỗi đứa con lạc loài mỗi nẽo,
đứa London, đứa Cali, đứa Paris, đứa đèo heo gió hút,
gặp nhau từng hàng lệ xót xa,
buông những câu chào đôi ba sinh ngữ,
Bonjour, Au revoir, Hello, Good bye
Con gục đầu chua xót đắng cay….”

Có xa quê hương, có sống đời tỵ nạn mới thấm, mới xót xa. Những tưởng rằng chạy loạn rồi sẽ trở về; nào ngờ đâu sanh con đẻ cháu đùm đề, những đứa con lớn lên chào nhau bằng những thứ tiếng, tiếng “lạ huơ, lạ hoắc.” Thế hệ thứ nhất còn đó nhìn đàn con và vẫn mơ, vẫn ước có một ngày về: “Thưa mẹ, thưa mẹ, thưa mẹ, quê hương mình …đã chết rồi, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ Việt Nam ơi…” Đó là tâm tình của người ra đi? Những ngày đầu là thế. Chương trình nhạc kể lại 42 năm xa quê với chặng đường thứ nhất. Rồi cơm áo, gạo tiền. Phải sống chớ? Không thể ngồi ôm nhau mà khóc? Nhưng không thể nào quên!
Những ca nghệ sĩ trình diễn
Một câu chuyện kể, một chương trình văn nghệ chủ đề? Một vở nhạc kịch, nói như anh Nguyễn Xuân Nam tâm sự, thì đúng hơn. Ban Tổ Chức đã khéo sắp xếp để kể lại một chặng đường 42 năm lưu vong, thành 6 tiểu chủ đề âm nhạc, ghi lại lịch sử cộng đồng Việt qua 6 giai đoạn, mà anh Nam Lộc gọi là nhạc sử. Chưa hết! Một nơi chốn vừa mới ra đi. Một nơi có quá nhiều kỷ niệm mà sao đành bỏ ra đi? Xót xa và đau đớn.
Trong 3 người điều khiển chương trình: Nam Lộc, Phạm Mỹ Linh, hoa hậu Jenny Chung đã là 3 thế hệ. Người mang tâm trạng hụt hẩng có lẽ là Nam Lộc. Lời tâm tình của ông đã được Hồ Lệ Thu diễn tả:
“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời.
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi.
Những nụ cười nát trên môi.
Những giọt lệ ôi sầu đắng…”

Có những “Niềm Nhớ Không Tên”, là Sài Gòn? Đà Lạt? Nha Trang? Vũng Tàu?…Tất cả những địa danh của quê hương đã được mỗi người tị nạn ra đi và mang theo.
Ra đi trong hổn loạn. Ra đi trong nước mắt từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, và cuộc ra đi không chấm dứt. Cuộc ra đi làm rúng động lương tâm nhân loại. Trong tự điển ngoại quốc có thêm danh từ mới “Boat People”. Chưa biết có phải là người cuối cùng của “boat people” chưa (?); nhưng Binh nhất Biệt Động Quân Nguyễn Văn Nguôn, một Thương Binh của VNCH, đã có mặt hôm nay trong chương trình nhạc kịch “42 Năm” là một chứng nhân của “boat people” vừa mới vào Mỹ năm 2016.
“Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” là hình ảnh vượt biển sinh động, tiêu biểu nhất của thảm cảnh “Thuyền Nhân”
“Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.”

Danh ca Phượng Mai đã đưa khán giả về lại một khoảng trời, một ky ức, mà lúc đó Chôn dầu để vượt biển mà trong đó 9 phần chết 1 phần sống. Thảm cảnh thuyền nhân chết trên biển, bị hải tặc, đói khát là đây, và có thật trong thế kỷ XX.
Tiếp nối là những nhạc phẩm khác ghi lại một khoảng thời gian nào đó trong tiến trình 42 năm (hải ngoại). Với Trần Quảng Nam thì “10 Năm Tình Cũ”, Nam Lộc thì “Xin đời Một Nụ Cười.” , Đức Huy thì “Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều. Nhất là những buổi chiều mưa rơi, cũng may Cali trời mưa ít không như Sài Gòn, nếu không tôi đã khóc một dòng sông…”. Tâm sự của Đức Huy có phải chăng cũng là tâm sự của người di tản buồn”. Không chi xót xa cho bằng thân “phận người” xa nhà sống một mình đơn côi. Cũng may thời gian qua vun vút không như Sài Gòn, Nếu không tôi đã khóc một dòng sông. Khóc một dòng sông, tôi đã khóc một dòng sông. Một dòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ. Nhớ anh, nhớ chị…”… Có phải đó là sông Sài Gòn?
Ban hợp ca gia đình Hải Quân
Người Di Tản Buồn sau những năm tháng áo cơm, con cái, thì họ vẫn chưa quên nỗi khát vọng một chỗ đi về. Có ai chia xẻ với Lam Phương: “Đến bao giờ trở về Việt Nam, thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang. Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm, nghe gió chiều nhẹ đưa. Đến bao giờ ta được nhìn ta, ta được nhìn ta trong niềm vui phố xưa. Cô em đôi mắt ướt mang sầu chia ly ra mừng đón anh về.
Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút người ơi.
Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời
Bây giờ mình đã đôi nơi, bây giờ buồn lắm người ơi”

Không chỉ người Việt tị nạn ở hải ngoại nhớ quê hương; người trong nước cũng nhớ quê hương khi họ “mất quê” ngay chính nơi họ đã được sanh ra và lớn lên. Chương trình hôm nay không những trình bày những uẩn khúc, những chờ mong mà còn nói lên tâm tình của thế hệ sau 75 về một Sài Gòn, một Việt Nam trước 1975.
“Mẹ Việt Nam đau
Từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian

Giờ đây
Việt nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu…”

Cứ như thế “Nhạc Kịch” Phận Đời – Phận Người, 42 Năm Tị Nạn, 42 năm với những chặng đường. Có thể được không, nếu ta (tạm) chia cuộc sống người Việt Nam tị nạn làm 3 giai đoạn. Giai đoạn một: Bơ vơ, mất hướng, trông chờ, nhớ thương. Gia đoạn hai: Bương chãi, kiếm sống, xây dựng… và tiếp tục mong chờ ngày về. Giai đoạn ba: Bén rể, sanh sôi nẩy nở, và thế hệ thứ hai, thứ ba ra đời, giữ gìn nguồn cội, truyền đạt, chuyển tiếp ước mơ.
Chấm dứt chương trình là toàn thể ca sĩ, ban tổ chức, những khách mời cùng ca sĩ “tí hon” Jenny Đan Anh cùng cất cao lời hát Việt Nam Tôi Đâu, Triệu Con Tim và Em Vẫn Mơi Một Ngày Về trong lúc đó lá Đại Kỳ Việt Nam Cộng Hòa phất phới tung bay.
Qua diễn tiến của chương trình, qua những nhạc phẩm được ghi lại, được trình diễn; thì, hôm nay, khán giả Việt Nam có mặt nơi đây có thể (phần nào) đã nghe và “nhìn” thấy như thế. Cứ mỗi một nhạc phẩm được cất lên là có ngay những hình ảnh “minh họa” chiếu lên màn ảnh đại vĩ tuyến. Nào Sài Gòn hoa lệ, nơi kia là Lê Lợi, Bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà… kìa là Hồ Xuân Hương, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt. Những tà áo trắng, những con đường đầy bông phương vĩ, quán kem Bạch Đằng, Thương xá Eden, Tax, chợ Hòa Bình. Cả một khung trời hiển hiện trước mắt người xem. Tham dự văn nghệ mà như đi xem cuốn phim dài nhiều tập, đầy đủ sắc màu. Những ai chưa lần nào sống ở Sài Gòn, chưa lần viếng thăm Đà Lạt, tắm biển Vũng Tàu (trước 1975); thì bây giờ có thể thấy sự phồn thịnh, ấm no, tự do và hạnh phúc của Miền Nam. Cả một sự cố gắng vượt bậc để có một đêm nhạc y nghĩa.
Một khán giả cho biết nhìn những hình ảnh Sài Gòn thủa trước mới thấy mình ngày đó văn minh, thanh lịch thật. Bây giờ tất cả đều mất…, như ca khúc “Sài Gòn thủa đó làm sao quên”, sáng tác của bác sĩ Lê Khắc Bình, đã được chính tác giả trình bầy trong đêm hôm ấy. Khóc cho quê hương, cho dân tộc

.
Một khán giả khác, ông Lê Minh Hưng, cho biết “Tôi đã khóc. Tôi phải dùng đến 2 napkin mà không đủ để lau nước mắt. Tôi không thể cầm được nước mắt vì xúc động. Một quảng thời gian thật hạnh phúc nay đã mất thật rồi.”
Anh John Nguyễn tâm sự: “Khi đó em mới có hơn 10 tuổi, mà Huế thì nhỏ xíu thế mà em bơ vơ vì gia đình di tản mà không có em vì em đang ở nội trú.” Anh John có cả một thời thơ dại sống lang thang “homeless” vì giữa đất Sài Gòn anh không có người thân cho mãi đến năm 16 tuổi làm “boat people” để đến được bến bờ tự do sum họp với gia đình. Nhưng với John, trong ky ức của anh vẫn còn: “Em còn nhớ những ngày ở Huế cuối tuần thật đẹp. Cầu Trường Tiền, sông Hương… nước mình hồi đó đâu có như bây giờ.”
Phận Đời-Phận Người! Sau 42 năm Việt Nam không phai trong trí nhớ của người Việt tị nạn. Ai cũng có một khung trời riêng. Việt Nam là một khung trời tuyệt mỹ được kết nối bằng những mảng màu của mỗi một con người. “Ra đi tôi mang theo quê hương”, một đôi vợ chồng già nói như vậy. Với họ, đêm nhạc (kịch) đã làm sống lại một thời hạnh phúc, thanh bình, tự do và no ấm.
Có người đã nói nhỏ vào tai tôi “Cảm ơn Nguyễn Xuân Nam, Nam Lộc và Phúc Quảng Đà (Phạm Phúc). Tôi xin chuyển lời nầy đến Ban Tổ Chức.

Thâu ngắn đường về quê hương có nhiều phương cách. Các anh làm trong khả năng và phương tiện của các anh. Nhạc và Kịch là một trong các phương tiện đó. Cho tôi nói lời cảm ơn.
Thoạt đầu, tôi không hiểu vì sao có đến 3 MC từ ba thế hệ. Nam Lộc (thế hệ cha chú), Phạm Mỹ Linh (thế hệ thứ hai) và hoa hậu Jennifer Chung (thế hệ thứ ba). Nhưng sau khi xem vở nhạc kịch “Phận Đời và Phận Người” thì tôi mới nhận ra chủ ý của Ban Tổ Chức: Gửi thông điệp đến mọi thế hệ, và chuyển tiếp thế hệ. Ý tưởng này càng rõ ràng hơn khi Liên Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH trao quà kỷ niệm và dặn dò các người lính Mỹ gốc Việt dẫn đầu bởi hai đại tá, mà trưởng đoàn là nữ đại tá Mimi Phạm. Anh Lê Đình Thọ trao cho nữ đại tá lá cờ VNCH, hộp quẹt Zippo của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tấm giấy khen các cháu, với nỗi niềm hy vọng các cháu sẽ tiếp tục xứng đáng là con cháu của người lính VNCH, đấu tranh cho dân chủ và tự do trên khắp thế giới. Các cháu làm thế hệ cha anh hãnh diện… Máu người Việt đổ trên mọi chiến trường, vì dân chủ tự do.
Và một thông điệp khác đến từ nữ đệ nhất Vstar – Bé Jenny Đan Anh. Vì quá giờ, BTC đành phải cắt 4 ca khúc của các danh ca như Tuấn Anh, Ngọc Hạ, Nguyễn Hồng Nhung, Ánh Minh, nhưng dành nguyên ba ca khúc đấu tranh của bé Jenny Đan Anh (11 tuổi) ở phần kết chương trình để chuyển thông điệp tuổi trẻ sinh ra tại hải ngoại tiếp nối thế hệ cha mẹ, ông bà để tiếp nối công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tươi sáng và tự do, mà hoa hậu Jennifer Chung (biểu tượng cho giới trẻ trong lãnh vực truyền thông), đại tá Mimi Phạm (biểu tượng cho giới trẻ trong lãnh vực quân đội) và bé Jenny Đan Anh (biểu tượng cho giới trẻ trong lãnh vực âm nhạc và nghệ thuật).
bé Jenny Đan Anh
Đã đến lúc tuổi trẻ nhập cuộc thay cho thế hệ đi trước.
Sứ mạng đêm nhạc này còn là dịp để vận động đóng góp xây dựng, trùng tu những ngôi mồ hoang phế của hàng ngàn tử sĩ quân đội VNCH tại nghĩa trang quân đội Biên Hoà. (check gửi cho FVAFA tức Liên Hội Cựu Quân Nhân, gửi về địa chỉ 1460 Tully Road #601, San Jose, CA 95122, Memo: Xây mộ tử sĩ).
Mọi người ra về trong niềm xúc động vì một đêm văn nghệ hay, ý nghĩa, có giá trị, xúc động và ân tình. Ai cũng khen âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, nhạc kịch thật hay.
Có hai người kỹ sư âm thầm làm tình nguyện trong suốt 2 tuần để lo “điện ảnh” trên màn ảnh để minh họa các ca khúc. Hai anh ngồi suốt ngày trong ngày trình diễn, gặm bánh mì làm việc hết lòng. Đó là kỹ sư Khôi, kỹ sư Thắng.
Vì ý nghĩa và mục đích cao đẹp của chương trình còn biết bao người âm thầm làm việc như thế… Họ là những người vì nghĩa cả mà làm việc tận hiến, trong âm thầm, góp bàn tay để một đêm diễn ra thật hay và hoàn chỉnh
.
Các quân nhân Mỹ gốc Việt
Những lời nhận xét:
Nữ đại tá Mimi Phan:
“Kính chú Nam, Nam Lộc, Ban Tổ chức và các chú, Bác trong LHCQN- Bắc Cali Mimi đã về lại VA từ hôm qua đến giờ mà âm hưởng của đêm live show Phận Đời-Phận Người vẫn còn trong tâm Mimi. Lâu lắm rồi Mimi mới được thưởng thức một chương trình hay và ý nghĩa như thế. Mimi và cả hai ngàn khán giả đã tận hưởng chương trình đến bài hát cuối cùng mà vẫn chưa muốn về.
Rất cám ơn hai chú, ban tổ chức và các chú, bác trong LHCQN đã cho Mimi và các anh em của VAUSA đến với chương trình và vinh dự được Quốc Hội cũng như Thị Trưởng của San Jose công nhận.

Đặc biệt là VAUSA được Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc Cali tín nhiệm và trao tặng Lá cờ VNCH và bật quẹt (di sản của cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu). Hai món quà mang đầy ý nghĩa rất cao quý đối với riêng Mimi và các anh chị em trong hội nói chung.
Kính chúc hai chú và các chú, bác trong LHCQN nhiều sức khoẻ để tiếp tục phục vụ cho lý tưởng đã chọn. Một lần nữa, thay mặt cho tất cả anh em trong hội, cám ơn các Chú Bác.
Thân Chào,
mi²”

Nguyễn Hồng Dũng
Giống như Mimi, rất nhiều khán giả tham dự đêm nhạc Phận đời, Phận người rất xúc động và lặng người khi nhìn thấy vị thương phế binh VNCH tìm được tự do qua 26 năm lầm than khổ sở.
Nhạc hay, ý nghĩa và chương trình không rườm rà là những ưu điểm của đêm nhạc 15/4. Xin cám ơn anh Nam, ban tổ chức đã thực hiện đêm nhạc thật hay.
Nguyễn H. Dũng
MC Hoa hậu Mỹ – Á Jennifer Chung
Jennifer
Lâu lắm rồi em mới được xem ca nhạc hay như vậy. Thanks anh Nam nhiều.
Jennifer

Và còn rất nhiều ý kiến như thế được gửi về Ban Tổ Chức mà các anh chị đã chia xẻ với người viết bài này.
Rồi qúy vị sẽ xem trên Youtube toàn bộ đêm Văn Nghệ Phận Đời và Phận Người và qúy vị sẽ cảm nhận cho riêng mình.Đó thật sự là một đêm đáng nhớ trong tháng tư đen năm nay.
Lê Bình

Không có nhận xét nào: