Ngày trước, người Hoa đổ xô sang Việt Nam sinh sống. Người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu chiếm số đông trong cộng đồng di dân Trung Hoa. Người Hoa Triều Châu tập trung sinh sống đông đúc ở Chợ Lớn, ngoài ra còn tập trung sinh sống ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Tiên (Kiên Giang). “Tiều Chua nán” (người Hoa Triều Châu) chuyên cần làm ăn cho cuộc sống sinh ý hưng long – sống khỏe như rồng bay – mạnh mẽ trên đất mới.
<!>“VUA” CỦA NHIỀU LĨNH VỰC
Dân Tiều thường mang họ Trần, Trương, Lý, Lâm, Mã, Quách, Tạ, Trầm, Nhiêu… Người Hoa Triều Châu không chịu làm công lệ thuộc người khác mà thích lập thân làm chủ sản nghiệp dù nhỏ hay lớn, kiếm được ít hoặc nhiều tiền. Ngày trước, dân Tiều nghèo thường sinh sống bằng nghề làm rẫy trên đất Chợ Lớn còn hoang vu. Ngày ngày, họ cần mẫn quảy đôi thùng thiếc tưới các liếp rau cải thẳng thớm không một ngọn cỏ dại. Rẫy Tiều cung ứng cải xà lách xon, cải xà lách, cải ná tươi ngon cho các chợ. Do vậy mới phát tích địa danh Xóm Cải, Chợ Rẫy ở Chợ Lớn.
Dân Tiều tỏ ra có năng khiếu thiên phú trong nghề buôn bán. Quách Đàm một người Hoa Triều Châu khởi nghiệp từ gánh ve chai. Ngày ngày, họ Quách quảy đôi cần xé lê la thu mua nồi hư, thau bể, da trâu… Ông vươn lên trở thành đại phú thương chuyên xuất cảng hải vị vi cá, bong bóng cá, lúa gạo. Thời Pháp thuộc, Quách phú ông xuất nhiều tiền xây chợ Lớn mới (chợ Bình Tây ngày nay) cho dân nghèo vào buôn bán miễn phí. Bù lại, nhà cầm quyền cho phép họ Quách xây 2 dãy phố chợ bán cho các phú thương mở tiệm, nhà vựa… Cân đối thu – chi, Quách Đàm huề vốn mà tạo lập công trình tiện ích thương mại để đời. Ông có công mở mang quốc kế dân sinh để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử người Hoa, góp phần phát triển kinh tế Sài Gòn – TP HCM.
Những ngai “vua” trong các ngành nghề kinh doanh ở Chợ Lớn đều do người Hoa Triều Châu nắm giữ. Thời Pháp thuộc còn lừng lẫy Mã Hỷ người Hoa Triều Châu làm chủ hãng tàu đò chạy khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Dân Tiều còn hãnh diện có Tạ Dảnh – “vua” kinh doanh lúa gạo. Trước năm 1975, nhà tài phiệt người Hoa Triều Châu Mã Tuyên ở Chợ Lớn có thế lực tư bản hùng mạnh khuynh đảo cả những nhân vật giữ trọng trách trên chính trường miền Nam. Lý Long Thân khởi nghiệp buôn bán lạc xoong sắt vụn có vẻ lùi xùi mà tích tư bản đầu tư thiết lập hãng cán sắt Vicasa cực lớn, chi phối thị trường sắt thép. Đại phú thương Trần Thành – “vua” bột ngọt, chủ hãng Vị Hương Tố. Thương gia Tạ Vinh là “vua” đường, sữa. Đại phú thương Tạ Phong – “vua” thuốc lá Capstan – mặt hàng ăn khách mạnh. Lâm Văn Phát là “vua” chiếu bóng, làm chủ nhiều rạp hát ở Chợ Lớn, độc quyền chiếu phim quyền cước Hồng Kông mới nhập cảng.
Ngoài ra, còn hàng ngàn thương gia người Hoa Triều Châu khác ở Chợ Lớn nắm giữ phần lớn nền kinh tế miền Nam. Trong các khu xóm ở Chợ Lớn đều có tiệm “chạp-pô” (tạp hóa) của người Hoa Triều Châu. “A chệt” (chú) Tiều thường vểnh môi xỉa cục thuốc “gò” (thuốc xỉa trồng ở quận Gò Vấp) loay hoay trong tiệm bán gạo, than, củi, dầu hôi, muối, đường, nước mắm, tương chao, xà bông, bột giặt… và rất chịu chơi, cho dân nghèo mua hàng thiếu, ghi sổ nợ.
Dân Tiều nghèo thì đẩy xe bán dạo bột chiên, bánh hẹ, bánh ướt, bò viên, hủ tiếu hồ, hủ tiếu sa-tế… Họ tự làm chủ sản nghiệp nhỏ nhoi của mình, có doanh lợi đủ nuôi sống gia đình. Các nghiệp chủ Tiều thuộc hạng có máu mặt đồng lòng xuất nhiều tiền thiết lập đại Bệnh viện Triều Châu (Bệnh viện An Bình ngày nay) ở Chợ Lớn. Bệnh viện này cứu tế đồng hương Triều Châu – lớn nhất so với các bệnh viện khác của người Hoa ở Chợ Lớn. Bang Triều Châu cũng hùng mạnh nhất trong các bang hội đồng hương người Hoa ở đây. Dân Tiều hãnh diện có những nghiệp chủ giàu tột đỉnh, đối cực với đông đảo đồng hương nghèo khó vất vả kiếm sống nuôi nấng ý chí vươn lên làm nghiệp chủ.
CÓ GAN LÀM GIÀU
Thời kỳ đầu đổi mới kinh tế, lão doanh nhân người Hoa Triều Châu Trần Thành làm cố vấn cho đồng hương hồ hởi trở lại làm ăn lớn. Doanh nhân người Hoa Triều Châu Trần Tuấn Tài thì bạo gan đứng ra nhận thầu xuất vốn xây chợ An Đông ở quận 5 sau khi bên đầu tư Singapore bỏ cuộc. Trần doanh nhân huy động vốn (trả lãi cao) cho công trình chợ An Đông. Nhiều người lắc đầu lè lưỡi với cách làm ăn có vẻ phiêu lưu của ông. Kết cục, chợ An Đông khang trang được khánh thành, thu hút đông đảo tiểu thương vào buôn bán. Doanh thu từ kinh doanh sạp đủ bù cho chi phí công trình. Trần doanh nhân còn bỏ túi 2 triệu USD thông qua việc bán lầu thượng chợ An Đông cho đối tác Đài Loan mở khách sạn Caesar. Mọi người phải nể phục cách làm ăn của doanh nhân Trần Thành, biết huy động tài lực xã hội để kiến tạo công trình tiện ích thương mại sinh lợi cao.
Tiếp bước, doanh nhân người Hoa Triều Châu Trầm Bê mạnh dạn đầu tư dự án đô thị hóa khu An Lạc – Bình Trị Đông ở huyện Bình Chánh giữa mớ bòng bong pháp lý về đất đai chưa minh bạch. Ông huy động vốn lớn san lấp mặt bằng rộng mấy trăm hecta ở ven đô; thiết lập hạ tầng; phân lô, bán nền. Doanh thu to tát đủ bù đắp chi phí đầu tư dự án và còn sinh lợi cao. Họ Trầm còn đầu tư mạnh sang lĩnh vục kinh doanh xây dựng, dịch vụ chiếu xạ hàng nông sản xuất khẩu sang Mỹ, kể cả đầu tư mạnh vào lĩnh vực ngân hàng. Cấp tín dụng lớn cho đồng hương khuếch trương kinh doanh, Trầm doanh nhân còn xuất vốn lớn thiết lập đại Bệnh viện Triều An ở quận Bình Tân, quy tụ nhiều bác sĩ giỏi tận tình cứu chữa bệnh nhân. Xuất thân con nhà nghèo ở Trà Vinh lên Sài Gòn khởi nghiệp, từ nghề sản xuất đồ nhựa ở quận 6, nhờ có gan làm giàu mà Trầm doanh nhân đã vươn lên hàng triệu phú đô-la. Một người Hoa Triều Châu khác cũng bỏ vốn vào ngân hàng là Trương Ty. Ông là chủ tịch kiêm sáng lập viên Công ty CP Nệm Vạn Thành vốn khởi nghiệp từ nghề tiểu thủ công nghiệp ở quận Tân Bình. Họ Trương từng giữ chức chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam – có vốn nhiều của cổ đông người Hoa Triều Châu.
Doanh nhân Trần Lệ Nguyên khởi nghiệp từ tiệm bánh gia đình, mạnh tay khuếch trương trở thành Công ty TNHH Kinh Đô. Họ Trần sớm tiếp thị hữu hiệu bánh snack. Chưa dừng lại, ông đầu tư vốn lớn mở nhà máy sản xuất bánh Kinh Đô ở Thủ Đức rồi mở thêm chi nhánh sản xuất ở miền Bắc. Tung ra thị trường nhiều sản phẩm bánh ngọt chiêu thị đại chúng hữu hiệu, Trần doanh nhân còn kinh doanh bánh trung thu thương hiệu Kinh Đô ăn khách mạnh. Kinh Đô làm ăn thịnh phát, thu hút doanh nhân nước ngoài bỏ nhiều vốn đầu tư mua cổ phần.
Chủ tịch kiêm sáng lập viên Công ty CP Văn phòng phẩm Vĩnh Tiến Lâm An Dậu cũng là một người Hoa Triều Châu. Ông khởi nghiệp từ nghề bán giấy trên vỉa hè đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5). Họ Lâm tích lũy vốn lớn thành lập Công ty TNHH Vĩnh Tiến, khuếch trương sự sản làm ăn, chọn lĩnh vực sản xuất tập vở học sinh thượng hạng nhắm tới thị phần cao cấp. Sản phẩm Vĩnh Tiến trở nên ăn khách mạnh trên thị trường. Công ty ăn nên làm ra, thu hút nhiều cổ đông góp vốn.
Nữ doanh nhân người Hoa Triều Châu Trương Mỹ Lan thì khởi nghiệp từ kinh doanh ăn uống; nhanh chóng khuếch trương sự sản làm ăn, trở thành chủ nhân chuỗi nhà hàng thương hiệu mạnh ở TP HCM. Còn doanh nhân Trần Kiên thì khởi nghiệp từ mấy cái cối xay bột xập xệ, đã vươn lên thành chủ Công ty TNHH Vĩnh Thuận – kinh doanh bột thực phẩm đa dụng. Trương Mộc Lợi – “vua” kinh doanh bún khô – cũng khởi nghiệp từ những nghề nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, dân Tiều ở Sóc Trăng thì độc quyền sản xuất đặc sản lạp xưởng, bánh pía, bánh in, mè láu…
NĂNG LÀM VIỆC THIỆN
Các doanh nhân người Hoa Triều Châu giàu có hay làm việc thiện. Sau Tết, họ tề tựu đông đủ trong chùa Ông (Quan Thánh Đế Quân miếu) trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 tham gia đấu giá đèn lồng – tượng trưng tài lộc chư vị hiển thánh, mang lại may mắn trong năm mới.
Hội quán Nghĩa An, nơi tập hợp doanh nhân người Tiều để tổ chức các hoạt động từ thiện
Ban Quản trị Hội quán Nghĩa An của đồng hương Triều Châu thì thu nhiều tỉ đồng qua cuộc đấu giá đèn lồng. Ngân quỹ sử dụng cho việc cúng tế, hương hỏa Quan Công và dành ra ngân khoản lớn cho hoạt động từ thiện, tu bổ Trường THCS Chính Nghĩa (tiền thân là Trường Nghĩa An dạy tiếng Hoa cho trẻ em người Triều Châu), kể cả chăm sóc nghĩa trang Triều Châu ở Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét