Thượng đỉnh ASEAN: Philippines bị tố chiều ý Bắc Kinh về Biển Đông
Các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này đã mở ra hôm nay, 26/04/2017, tại Manila dưới quyền chủ tọa của Philippines, nước làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Đông Nam Á năm nay. Bản dự thảo thông cáo chung dự trù công bố cuối hội nghị đã bị cho là có lời lẽ quá « nhẹ » đối với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Nước chủ nhà bị dư luận tố là đã « chiều ý » Bắc Kinh.<!>
Theo một bản sao bản dự thảo mà các hãng thông tấn Reuters, AP hay AFP có được, lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á dĩ nhiên sẽ bày tỏ những « quan ngại sâu sắc » về tình hình « leo thang các hoạt động » trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Vấn đề là bản dự thảo đã phớt lờ hay chỉ nói gián tiếp về nhiều điểm thiết yếu liên quan hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hãng tin Mỹ AP đã ghi nhận việc bản dự thảo không đề cập gì đến phán quyết vào năm ngoái của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hãng Reuters thì chú ý đến việc bản dự thảo không nói đến việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo các chuyên gia được hãng tin Anh tham khảo, thì bản dự thảo lần này còn nhẹ nhàng đối với Bắc Kinh còn hơn cả bản Thông cáo chung đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm ngoái ở Lào.
Hãng tin Pháp AFP cũng thấy rằng văn kiện do chủ tịch ASEAN năm nay là Philippines chuẩn bị chỉ đề cập bóng gió đến việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trong nhóm từ « diễn biến gần đây và leo thang các hoạt động ». Tên Trung Quốc cũng không được nêu lên.
Lời lẽ nhẹ nhàng trên đây được lồng vào trong bối cảnh tổng thống Philippines Duterte đã quay ngoặt với chính sách của người tiền nhiệm, chạy theo Trung Quốc để tìm kiếm hợp đồng kinh tế, và dịu giọng hẳn với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.
Lập trường của ông Duterte đã tạo ra phản ứng bất bình. Cựu ngoại trưởng Alberto del Rosario vào hôm qua đã không ngần ngại lưu ý chính quyền Duterte là nên tranh thủ hội nghị ASEAN để nêu bật việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Theo ông : « Vai trò lãnh đạo của Philippines sẽ bị mất ảnh hưởng đáng kể nếu bỏ lỡ cơ hội này ».
Một cựu quan chức chính quyền Philippines còn nặng lời hơn khi so sánh Philippines năm nay với Cam Bốt vào năm 2012. Phnom Penh khi đó đã bị tố cáo là ngả hẳn theo Trung Quốc và chống lại các đồng minh trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.
Trả lời hãng Reuters, quan chức xin giấu tên này nhận định : « Mọi chú ý đang dồn vào Philippines, và điều chờ đợi là Trung Quốc sẽ thông qua Duterte để gởi thông điệp đến ASEAN. Philippines đang hành động như là tay sai của Trung Quốc". - RFI
2.
Triều Tiên: Tàu sân bay Mỹ tập trận với không quân Nhật --- Hàn Quốc bắt đầu triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD
Hải quân Hoa Kỳ hôm nay, 26/04/2017, loan báo các phi cơ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hướng về Bắc Triều Tiên, đang tập trận với không quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản tại vùng biển phía nam nước Nhật.
Hãng tin AP dẫn thông cáo của hải quân Mỹ cho biết các phi cơ Nhật được bố trí tập luyện chung với phi đội của tàu sân bay USS Carl Vinson, gồm huấn luyện phi hành và chia sẻ thông tin, nhằm tăng cường phối hợp giữa hai lực lượng.
Hai ngày trước đó, trên đường đến Nhật Bản, hạm đội USS Carl Vinson đã tập trận với hai khu trục hạm Nhật. Hải quân Hoa Kỳ nói rằng cả hai cuộc tập trận này chứng tỏ khả năng Mỹ-Nhật có thể hoạt động chung trên biển để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực.
Tình hình BTT : Donald Trump mời 100 nghị sĩ đến Nhà Trắng
Cũng trong hôm nay tại Washington, chính quyền Donald Trump thông báo cho toàn thể Quốc Hội về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Một trăm thượng nghị sĩ Mỹ trước hết nghe phần trình bày của ngoại trưởng Rex Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, giám đốc tình báo Dan Coats và tổng tham mưu trưởng quân đội Joseph Dunford tại Nhà Trắng. Cả bốn vị này sau đó đến điện Capitol để báo cáo với Hạ Viện.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng hôm nay khoe khoang thành công của « cuộc tập trận pháo binh quan trọng nhất » tại Wonsan chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên, dưới sự giám sát của Kim Jong Un. Hãng tin KCNA được AFP trích dẫn cho biết « các tàu ngầm đã nhanh chóng lặn xuống để phóng ngư lôi vào các chiến hạm địch », và Kim Jong Un khen ngợi pháo binh Bắc Triều Tiên đã « nã đạn không thương tiếc vào các mục tiêu, bắn rất chính xác ».
Sau cuộc tập trận bắn pháo, quân đội hứa hẹn trung thành với lãnh tụ, « biến thành 10 triệu khẩu súng và 10 triệu quả bom » để tự vệ. Tờ báo Rodong Sinmun hôm nay đăng rất nhiều hình ảnh cuộc tập trận trên ba trang báo.
Nhiều nhà quan sát lo ngại nhân dịp này Bình Nhưỡng sẽ cho thử nguyên tử lần thứ sáu hay lại bắn hỏa tiễn đạn đạo. - RFI
***
Hôm nay, 26/04/2017, quân đội Mỹ bắt đầu chở các bộ phận đầu tiên của hệ thống lá chắn tên lửa THAAD đến nơi được lắp đặt. Hệ thống THAAD giúp đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, nhưng đã khiến Trung Quốc giận dữ.
THAAD có thể chặn và phá hủy các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Bắc Triều Tiên. Nhưng dự án gặp sự chống đối của một bộ phận người dân Hàn Quốc trong bối cảnh nước này chuẩn bị bầu tổng thống thay thế cho tổng thống bị truất phế Park Geun Hye. Là ứng viên được xem là có triển vọng thắng cử nhất, ông Moon Jae In vẫn dứt khoát chống lại việc triển khai hệ thống THAAD. Trung Quốc thì đã đáp lại dự án này bằng những biện pháp trả đũa về kinh tế và thương mại đối với Hàn Quốc.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :
"Việc triển khai hệ thống này đã diễn ra vào ban đêm mà không có báo trước. Quân đội Mỹ đã chở các dàn radar và các bệ phóng tên lửa đến sân golf cũ, nằm gần làng Seongju. Hàng trăm cư dân đã đón chào quân đội Mỹ với thái độ giận dữ, vì họ lo ngại khi thấy địa phương của mình trở thành một điểm nóng chiến lược. Trên một tấm bảng, họ ghi dòng chữ : « Này Hoa Kỳ, các người là bạn hay là quân chiếm đóng ? ». Đã xảy ra đụng độ giữa người dân với cảnh sát.
Là đối tượng mà THAAD nhắm tới, Bắc Triều Tiên đã nhiều lần cực lực phản đối hệ thống lá chắn chống tên lửa này, nhưng trên thực tế, việc triển khai lại có lợi cho Bình Nhưỡng, vì hệ thống THAAD đã khiến Trung Quốc giận dữ. Lý do là vì các dàn radar rất mạnh của THAAD có thể giám sát lãnh thổ Trung Quốc.
Dự án triển khai hệ thống này có thể gây tổn hại cho việc Hoa Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng ngày càng bị cô lập về ngoại giao, hệ thống THAAD có nguy cơ chọc thủng một mảng trong liên minh quốc tế chống Bắc Triều Tiên. Lá chắn chống tên lửa này, trên nguyên tắc, sẽ được đưa vào hoạt động từ đây đến cuối năm". - RFI
3.
TQ hạ thủy tàu hàng không mẫu hạm mới
Trung Quốc hạ thủy tàu hàng không mẫu hạm đầu tiên mới, một chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường sức mạnh quân sự.
Đây là chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, và là chiếc đầu tiên tự đóng trong nước.
Hiện vẫn chưa được đặt tên, con tàu mới vừa được hạ thủy tại cảng Đại Liên ở đông bắc Trung Quốc, truyền thông nước này nói. Tin tức nói tàu sẽ đi vào hoạt động từ 2020.
Việc hạ thủy diễn ra vào lúc đang có trận võ mồm gay gắt giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn, và tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Trung Quốc hiện mới chỉ có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động, chiếc Liêu Ninh mua từ Ukraine về tân trang.
Hoa Kỳ đã triển khai các tàu chiến và một tàu ngầm tới bán đảo Triều Tiên, khiến cho Bắc Hàn phản ứng giận dữ. Trung Quốc thúc giục Bình Nhưỡng bình tĩnh.
Chiếc hàng không mẫu hạm mới ra mắt được cho là sự nâng cấp đáng kể so với chiếc Liêu Ninh vốn được sản xuất từ 25 năm trước, từ thời Liên Xô.
Nó được coi như một dạng tàu tập huấn để chuẩn bị cho việc ra tàu hàng không mẫu hạm mới, phóng viên BBC nói.
Trung Quốc gần đây đang hiện đại hóa các lực lượng có vũ trang trong lúc nền kinh tế nước này phát triển nhanh.
Hồi tháng Ba, Bắc Kinh công bố nâng ngân sách quốc phòng lên 7% trong năm nay, là năm thứ hai liên tiếp đưa ra mức tăng dưới 10% sau gần 20 năm đẩy mạnh ngân sách quốc phòng ở quy mô lớn.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tuy vậy vẫn nhỏ hơn của Hoa Kỳ.
Con số của Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội năm 2017, trong lúc Hoa Kỳ chi khoảng 3% cho quân đội, và nền kinh tế của Mỹ thì lớn hơn của Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đề xuất tăng 10% ngân sách quốc phòng. - BBC
4.
Hunsen lại bị gọi là 'con rối của Việt Nam'
Hôm thứ Hai, khi cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành cầu hữu nghị Long Bình – Chrey Thom, bắc qua sông Bình Di nối hai tỉnh An Giang của Việt Nam và tỉnh Kandal của Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lại phản bác cáo buộc ông là con rối của Việt Nam.
Tờ Cambodia Daily cho biết: “Đứng bên cạnh người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Hun Sen cũng có cơ hội để thể hiện sự lưu loát bằng tiếng Việt. Tờ báo này cho biết ông Hun Sen nói vài phút bằng tiếng Việt và nói thêm rằng: ‘Tôi không nghe ai nói tôi là con rối của Anh hay Pháp khi tôi nói tiếng Anh và tiếng Pháp’ và ông hy vọng rằng "mọi người sẽ không lên án tôi vì tôi nói tiếng Việt.’”
Khi ấy ông Hun Sen nói thêm rằng vì có một số người dịch lời phát biểu của ông không chính xác, nên ông sẽ nói tiếng Việt. Ông nói: “Khi người ta thấy tôi nói tiếng Việt, họ buộc tội tôi là con rối của Việt Nam."
Đảng Nhân dân Cứu quốc Campuchia (CNRP), thường xuyên cáo buộc Thủ tướng Hun Sen quá thân cận với Hà Nội và liên tục các năm gần đây gọi ông Hun Sen là “con rối của Việt Nam.”
Đảng CNRP từng tuyên bố rằng Chính phủ Campuchia hiện tại cho phép quá nhiều người Việt Nam sinh sống tại Campuchia, và lo ngại rằng Campuchia có thể trở thành một Kampuchea Krom thứ hai. - VOA
5.
Cấm đặt tên tôn giáo cho con ở Tân Cương
Trung Quốc vừa công bố những hạn chế mới đối với việc đặt tên cho con cái tại khu vực Tân Cương nơi đa số dân theo Hồi giáo. Luật mới cấm các cha mẹ người Duy ngô nhĩ (Uighur) đặt cho con các tên như "Muhammad" hay những tên mà chính quyền cho là quá “thiên về tôn giáo”.
Đây là động thái mới nhất trong những biện pháp kiểm soát rộng rãi áp dụng tại vùng Tân Cương mà chính quyền Trung Quốc nói là nhằm mục đích kiềm hãm sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuy nhiên giới phân tích nói rằng lối tiếp cận cứng rắn đối với người Hồi giáo như thế không những chỉ gia tăng những sự đối kháng ở Tân Cương, mà còn khích động hận thù sắc tộc trên khắp nước.
Các chính quyền địa phương gần đây công bố một danh sách các tên sắc tộc thiểu số bị cấm, trong đó có hàng chục tên chẳng hạn như "Jihad," "Medina" hay ngay cả "Yultuzay", biểu tượng cho ngôi sao và mặt trăng trong đạo Hồi.
Tổng cộng có gần 30 tên bị cấm theo những tài liệu mà các nhà hoạt động Uighur ở nước ngoài gửi cho VOA.
Theo các quy định mới, các cá nhân vi phạm các quy định hạn chế sẽ bị cấm hộ khẩu, quy chế này cho phép công dân tiếp cận các quyền lợi xã hội, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục ở Trung Quốc.
Những lời ta thán đang tăng trong cộng đồng người Uighur, vì lệnh cấm này chỉ là biện pháp kiểm soát mới nhất.
Giáo sư Michael Clarke thuộc Đại học Quốc gia Australia nói với VOA qua email rằng qua lệnh cấm mới và các biện pháp khác áp dụng trước đó để siết chặt việc kiểm soát người Uighur, Trung Quốc đang tìm cách xác định các khía cạnh nào của lý lịch Uighur được coi là “có thể chấp nhận”.
Làm như vậy, theo Giáo sư Clarke, vô hình chung cho phép chính quyền độc đảng ở Trung Quốc đóng vai trò trọng tài, quyết định thế nào là “tính chất Uighur” có thể chấp nhận hoặc không thể chấp nhận.
Giáo sư Clarke nói những chính sách đó “trực tiếp đóng góp khiến nhiều người Uighur cảm thấy xa cách với người Hán, tạo điều kiện thuận lợi cho chính cái chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lo sợ sẽ phát triển ở Tân Cương.”
Tân Cương là quê hương của hơn 10 triệu người Duy-ngô-nhĩ, phần lớn thuộc nhóm sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo nói tiếng Turk.
Bất bình dâng cao
Vào ngày 1 tháng Tư, một loạt quy định mới được thi hành cùng với lệnh cấm đặt tên tôn giáo. Các quy định này cùng lúc nghiêm cấm việc để râu dài “bất thường”, mang khăn che mặt ở những nơi công cộng, và từ chối theo dõi các kênh truyền hình nhà nước.
Ông Dilxat Raxit, người phát ngôn của Nghị Hội Thế giới Uyghur có trụ sở đặt ở Đức, nói:
“Suốt từ đó tới nay, chúng tôi đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhận những khiếu nại. Tình trạng này đã trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt ở khu vực phía Nam, như ở Kashgar, Hotan và Aksu.”
Ông Raxit nói sự bất bình của dân cư trong vùng được coi là có cơ sở, và theo ông đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.
“Tôi e rằng sự bất bình đó có thể làm bùng phát một phong trào kháng chiến triệt để hơn từ những người Uighur cho rằng họ đã chịu đựng quá sức, nếu tình trạng kéo dài.”
Nhà hoạt động bênh vực nhân quyền hối thúc chính quyền Trung Quốc hãy ngưng đàn áp văn hoá truyền thống và bình thường của người Uighur, cũng như niềm tin tôn giáo của họ, nhân danh cuộc chiến chống các phần tử cực đoan Hồi giáo, bị Trung Quốc quy lỗi đã thực hiện các cuộc cuộc tấn công khủng bố và các phong trào ly khai.
Ông Raxit nói chính những biện pháp kiểm soát và đàn áp cư dân tại Tân Cương mới là nguyên do dẫn tới bạo lực và bất ổn.
Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ mọi cáo buộc là họ có bất cứ hành động đàn áp nào tại Tân Cương, và nhấn mạnh rằng các quyền pháp lý, tôn giáo và văn hoá của người Uighur đang được triệt để bảo vệ. - VOA
6.
Quân đội Thái triệu tập nhà hoạt động chống việc TQ cải tạo Mekong
Quân đội Thái đã triệu tập người đứng đầu một nhóm môi trường phản đối việc Trung Quốc thăm dò sông Mekong để phát triển một tuyến vận tải thương mại.
Ngày 25/4, Đại tá Jarat Panyadi, Phó Tư lệnh Quân đoàn 37 Chiang Rai, đã triệu tập ôngNiwat Roikaew, lãnh đạo nhóm bảo vệ môi trường địa phương có tên là Khon Rak Chiang Kong, để “nói chuyện” trong một quán cà phê .
Quân đội đã triệu tập ông để thảo luận về lập trường của nhóm chống đối việc tàu Trung Quốc khảo sát sông Mekong, giai đoạn đầu tiên của kế hoạch phát triển một tuyến vận tải từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến Myanmar, Thái Lan và Lào.
Trong cuộc nói chuyện khoảng 30 phút, viên sĩ quan quân đội nói với ông Niwat rằng nhóm môi trường của ông không nên vận động “một cách bạo lực” chống lại các tàu đó, trước khi hỏi về kế hoạch của nhóm.
Ông Niwat nói với viên sĩ quan rằng nhómcủa ông sẽ tiếp tục phản đối kế hoạch khảo sát một cách ôn hòa.
Tuy nhiên, nhà hoạt động này vẫn khẳng định rằng việc dùng chất nố phá các khối đá dọc theo sông Mekong để dọn luồng lạch cho các tàu thương mại sẽ gây ra tác hại về môi trường không thể khắc phục được đối với con sông và các cộng đồng địa phương.
Ông Niwat chỉ ra rằng người dân địa phương không có cơ hội được tham gia vào việc ra quyết định của chính phủ. Người ta đã không làm báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường kỹ càng trước khi chính quyền Thái Lan đồng ý với kế hoạch cải tạo sông.
Nội các Thái Lan hôm 27/12/2016 đã chuẩn thuận Kế hoạch phát triển giao thông quốc tế đối với sông Lan Thương-Mekong (2015-2025), cho phép các tàu thuyền từ Trung Quốc khảo sát dòng sông.
Giai đoạn 1 của kế hoạch từ năm 2015-2020 bao gồm các cuộc khảo sát và đánh giá các tác động xã hội và môi trường của dự án. Các hoạt động này phải được các chính phủ của cả bốn nước chấp thuận. Trong giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2025, người ta sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng như các cảng và cầu trên sông. - VOA
7.
Pháp: Đảng Xã Hội trước nguy cơ "diệt vong"
Trong lịch sử của Đảng Xã Hội, chưa bao giờ một ứng cử viên của đảng cánh tả này lại thu được số phiếu thấp như thế trong một cuộc bầu cử tổng thống. Trong vòng đầu ngày 23/04/2017 vừa qua, ông Benoit Hamon chỉ được 6,36%, thua xa bốn ứng cử viên về đầu.
Đảng Xã Hội Pháp đã ra đời vào năm 1971 từ đại hội ở thành phố Epinay, kế thừa từ đảng SFIO của Jean Jaurès và Léon Blum. Trong 46 năm qua, đảng này có lúc suy lúc thịnh, nhưng chưa bao bị tơi tả như thế, trong lúc đang bị chia rẽ rất trầm trọng. Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Renaud Payre, không loại trừ là Đảng Xã Hội sẽ bị « khai tử » trong những tuần tới, hay ít ra sẽ không còn Đảng Xã Hội như François Mitterand đã gây dựng vào năm 1971.
Không những thế, đảng này có nguy cơ sẽ bị « lấn sân », vì tuy ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon không lọt được vào vòng hai bầu cử tổng thống, nhưng ông đã giành được tỷ lệ phiếu rất cao ( 19,62% ), cao chưa từng có đối với một ứng cử viên cực tả. Như vậy là phong trào « Nước Pháp Bất Khuất » ( La France Insoumise ) có khả năng trở thành một lực lượng chính trị lớn bên cánh tả. Đảng Xã Hội sẽ chịu chung số phận với đảng Pasok bên Hy Lạp, bị đảng cực tả Syriza lấn át hoàn toàn. Bên cạnh đó, phong trào « Tiến Bước ! » ( En marche !) của ứng cử viên Emmanuel Macron chắc chắn cũng sẽ được tổ chức thành một chính đảng lớn, thu hút một bộ phận đảng viên Xã Hội, khiến cho đảng này thêm suy yếu. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 6 tới, Đảng Xã Hội sẽ khó mà địch lại với « Nước Pháp Bất Khuất » và « Tiến Bước ! ».
Trước kết quả thảm hại của ứng cử viên Hamon ở vòng đầu bầu cử tổng thống, ngay ngày hôm sau, chính các lãnh đạo của Đảng Xã Hội đã kêu gọi phải « xây dựng lại » một đảng đã có lịch sử gần 50 năm này, nếu không muốn tổ chức này bị xóa sổ khỏi sân khấu chính trị nước Pháp.
Trong một tuyên bố long trọng với báo chí, sau một cuộc họp bất thường của ban lãnh đạo đảng hôm thứ Hai, 24/04, bí thư thứ nhất của Đảng Xã Hội Jean-Christophe Cambadélis đã nhìn nhận rằng kết quả nói trên « đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ và đòi hỏi một sự canh tân sâu rộng », nhưng ông đề nghị là trước mắt hãy tập trung vào bầu cử Quốc Hội, rồi sau đó hãy tính.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Manuel Valls, trên đài phát thanh France Inter sáng thứ Hai, đã gần như đọc một bản điếu văn cho Đảng Xã Hội, khi tuyên bố « đây là sự chấm dứt của một chu kỳ, chu kỳ của Epinay ». Ông Valls cho rằng Đảng Xã Hội đang bị chia rẽ quá nặng nề và đặt câu hỏi : « Những người bất đồng với nhau về châu Âu, về kinh tế, về doanh nghiệp, về các vấn đề an ninh, làm sao có thể còn ở chung một đảng được ? ».
Cựu thủ tướng Pháp nhắc lại rằng từ năm 2014, ông đã cảnh báo Đảng Xã Hội phải thay đổi tên gọi, thay đổi bản chất, thật sự chứng tỏ là một đảng cầm quyền, và nhất là phải thích ứng với thế giới ngày nay. Theo ông Manuel Valls, chính vì không nghe lời ông nên Đảng Xã Hội mới gặp tình trạng như hiện nay. Nhưng khác với ông Hamon, người đã tuyên bố dứt khoát đối lập với đảng « Tiến Bước ! », ông Manuel Valls sẵn sàng giúp ông Macron và tham gia vào phe đa số của ứng cử viên phong trào « Tiến Bước ! », trong trường hợp ông Macron đắc cử tổng thống.
Bên cạnh phe của Hamon và phe của Valls, trong Đảng Xã Hội nay còn có phe của tổng thống mãn nhiệm François Hollande và phe gồm những người thuộc thế hệ mới. Nói cách khác, đảng này hiện đã bị phân hóa thành bốn khối có xu hướng hoàn toàn khác nhau. Cho dù có được xây dựng lại như thế nào thì Đảng Xã Hội chắc chắn sẽ không còn là « bá chủ » bên cánh tả nữa. - RFI
8.
‘Tự do báo chí chưa bao giờ bị đe doạ như bây giờ’
“Tự do báo chí trên thế giới chưa bao giờ bị đe doạ như trong lúc này”. Đó là nhận định của Tổ chức Ký giả Không Biên giới khi công bố chỉ số tự do báo chí thường niên hôm thứ Tư 26/4.
Tổ chức bênh vực tự do báo chí đặc biệt nêu bật các quốc gia dân chủ là nơi mà các quyền tự do báo chí sa sút nhiều nhất trong năm qua.
Phúc trình của Tổ chức Ký giả Không Biên giới có đoạn viết:
“Với những tuyên bố đáng chê trách, các luật lệ khắc nghiệt, các xung đột lợi ích, và ngay cả việc sử dụng bạo lực, các chính quyền dân chủ đang chà đạp lên một quyền tự do mà trên nguyên tắc, lẽ ra phải là một trong những chỉ dấu hàng đầu về thành tích của họ.”
Phúc trình của Tổ chức Ký giả Không Biên giới nói các quyền tự do báo chí bị hạn chế rõ rệt nhất tại những nước nơi mà “mô thức một nhà cai trị có xu hướng bạo lực chính trị lên ngôi,” chẳng hạn như ở Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng Thư Ký của Tổ chức Ký giả Không Biên giới Chistophe Deloire phát biểu:
“Đà các nền dân chủ hướng tới điểm “giọt nước tràn ly” rất đáng lo ngại đối với những ai hiểu rằng nếu tự do báo chí không được bảo đảm, thì không thể đảm bảo các quyền tự do nào khác.”
Nói tổng quát, 62% các nước được đánh giá cho thấy có hiên tượng sa sút về tự do báo chí trong chỉ số năm 2017.
Na Uy, Thuỵ điển, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan nằm trong số các quốc gia có chỉ số tự do báo chí cao nhất đối với các nhà báo.
Bắc Hàn bị xếp hạng chót, Tổ chức Ký giả Không Biên giới nói nước này “tiếp tục kềm kẹp dân nước họ trong tình trạng thiếu thông tin và bị khủng bố.” Cũng trong danh sách các nước bị xếp ở cuối bảng có Eritrea, Turkmenistan, Syria và Trung Quốc, là những nước được xếp hạng đứng trên Bắc Hàn.
Các nước nơi quyền tự do báo chí đã cải thiện nhiều nhất so với chỉ số năm 2016 gồm có Lào, Pakistan, Thuỵ Điển, Myanmar và Philippines. Trong các nước nơi quyền tự do báo chí sa sút nhiều nhất có Ả Rập Xê-út, Ethiopia, Maldives và Uzbekistan.
Phúc trình của Tổ chức Ký giả Không Biên giới còn quy lỗi cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và những lời lẽ ông đã dùng trong khi phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống, thường xuyên nhắm tấn công các tổ chức truyền thông và miêu tả những bài tường trình của họ là “tin tức giả.”
Phúc trình của Tổ chức Ký giả Không Biên giới viết:
“Những lời lẽ đầy hận thù do ông chủ Nhà Trắng đưa ra, và những tố cáo của ông rằng báo chí dối trá, cũng tiếp tay mở đường cho các cuộc tấn công vào giới truyền thông ở hầu hết các nơi khác trên thế giới, kể cả tại các nước dân chủ.”
Hoa Kỳ xếp hạng thứ 43 trong chỉ số tự do báo chí, sụt hai bậc so với năm 2016. Anh, nước đã quyết định tách ra khỏi khối Liên hiệp Âu châu (EU) trong một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái, xếp hạng thứ 40.
Phúc trình của Tổ chức Ký giả Không Biên giới nhận định:
“Việc ông Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ và chiến dịch Brexit, nước Anh rời khối EU, mang nặng dấu ấn của một chiến dịch công kích báo chí gây nhiều chú ý, một cuộc tranh luận độc hại chống truyền thông báo chí đã đẩy thế giới vào một thời đại mới của “ hậu sự thật”, chỉ dựa vào cảm tính, đám đông thay vì cân nhắc trên nền tảng sự thật hay dữ liệu, một thời đại đầy những thông tin sai lạc và tin tức giả.”
Phúc trình của Tổ chức Ký giả Không Biên giới nói Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục là những khu vực nguy hiểm nhất đối với các nhà báo tác nghiệp tại đó, kế đến là Đông Âu và Trung Á. - VOA
Tin Hoa Kỳ
9.
Tòa Bạch Ốc đưa ra đề án cải cách thuế quan trọng
Sau khi thất bại trong việc bãi bỏ Obamacare, Tổng thống Donald Trump đang giải quyết một lời hứa khác của ông khi tranh cử: cải tổ hệ thống thuế liên bang, bị nhiều người Mỹ kêu ca là quá phức tạp, là gánh nặng không cần thiết và làm trì trệ nền kinh tế.
Dự kiến chính quyền sẽ đưa ra một kế hoạch cải tổ luật thuế vào thứ Tư. Tuy hầu hết mọi người đều ủng hộ khái niệm là thuế phải đơn giản hơn, công bằng hơn, song việc làm sao để một gói cải cách được quốc hội thông qua sẽ là một thách thức.
Tổng thống Trump đã tóm tắt về kế hoạch thuế của ông như sau: "Đó sẽ là một sự cắt giảm mạnh".
Nhân vật hàng đầu của ông Trump phụ trách cải cách thuế nêu ra các thông số.
Steven Mnuchin, Bộ Tài chính Mỹ, nói: "Giảm thuế thu nhập cho giới trung lưu: đó là ưu tiên của tổng thống. Về đơn giản hóa: người Mỹ nói chung chỉ cần phải khai thuế trên bản khai to bằng tấm bưu thiếp. Cải cách thuế doanh nghiệp: chúng ta cần làm cho thuế doanh nghiệp thật cạnh tranh".
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại quốc hội nói những thay đổi về thuế không được làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang. Những người đảng Dân chủ nói lịch sử cho thấy các kế hoạch thuế của đảng Cộng hòa có lợi cho người giàu và làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden, đảng Dân chủ, nói: "Luật thuế của họ là một con ngựa thành Troy khi đề ra các mức giảm thuế mới cho những người giàu nhất".
Đồng thời với việc giảm thuế suất, đảng Cộng hòa cũng nhắm tới việc loại bỏ một loạt các khoản giảm trừ thuế có lợi cho tất cả mọi người, từ chủ sở hữu nhà còn đang thế chấp đến các nhà tài trợ từ thiện. Tuy những thay đổi đó sẽ làm cho luật thuế bớt phức tạp nhưng những điều đó sẽ gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích có thế lực lớn.
Những đảng viên Cộng hòa không nao núng, họ hứa hẹn về những lợi ích to lớn.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đảng Cộng hòa, nói: "Chúng ta sẽ thấy hàng triệu công việc có thu nhập cao. Chúng ta sẽ thấy tiền lương tăng lên trên khắp đất nước. Tôi nghĩ đó là những gì mà người Mỹ muốn và mong đợi chúng ta làm".
Nhưng một số nhà kinh tế cảnh báo về các vấn đề tiềm tàng.
Kinh tế gia trưởng của IMF Maurice Obstfeld nói: "Chính sách tài khóa của Mỹ dường như có thể sẽ mở rộng hơn nữa trong vài năm tới ... Kết quả có thể là lạm phát và tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn kỳ vọng".
Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ lần gần đây nhất có cuộc cải tổ lớn về thuế của Hoa Kỳ, khi đó sự khác biệt đảng phái ở Washington ít hơn nhiều so với hiện nay. - VOA
10.
Trump hoãn ngân sách xây tường biên giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ hủy bỏ các kế hoạch cấp ngân sách cho bức tường biên giới trong bản đề nghị ngân sách tuần này.
Cố vấn thân cận của tổng thống Trump, bà Kellyanne Conway, nói việc tài trợ cho bức tường sẽ nằm ngoài bản ngân sách phải đệ trình hôm 28/4.
Bức tường biên giới sẽ được chi trả bởi Mexico là một hứa hẹn quan trọng trong chiến dịch bầu cử.
Phe Dân Chủ đã đe dọa sẽ chặn bản đề nghị nếu như ngân sách được dùng để xây bức tường, vì vậy việc loại bỏ đề nghị này đã tránh được việc chính phủ đóng cửa.
Nhưng tổng thống khẳng định trên Twitter rằng ông vẫn ủng hộ bức tường và nó sẽ vẫn được xây dựng.
Ông cũng nói trong một cuộc họp kín với các thành viên của các hãng truyền thông phe bảo thủ tối 24/4 rằng ông sẽ triển khai việc tìm ngân sách cho bức tường vào thời điểm khác trong năm nay.
Bà Conway cũng xác nhận với Fox News rằng bức tường không nhất thiết cần tài trợ ngân sách vào tuần này, nhưng vẫn luôn là "một ưu tiên rất quan trọng".
Ông Trump từng đề nghị với Quốc hội về 1.5 tỉ đôla ngân sách cho bức tường.
Đề nghị này bị phản đối bởi tất cả các nghị sĩ Dân Chủ.
Một số nghị sĩ Cộng Hòa phản đối vì chi phí được ước tính lên tới 21.6 tỉ đôla, nhiều hơn con số Tổng thống Trump đưa ra 12 tỉ.
Các nghị sĩ Cộng Hòa tại các bang gần biên giới cũng chỉ trích vì họ có một số lượng lớn cử tri là người Hispanic.
Nhưng Nhà Trắng kiên quyết một bức tường sẽ được xây dựng, và sẽ không bỏ cuộc, chỉ có "một sự trì hoãn".
"Các vấn đề ưu tiên đều không thay đổi," phát ngôn viên Sean Spicer tuyên bố." Một bức tường sẽ được xây."
"Bức tường rất quan trong trong việc ngăn chặn tình trạng buôn lậu người, các băng đảng như MS-13, và luồng ma túy bất hợp pháp và dân nhập cư bấp hợp pháp," ông nói thêm. - BBC
11.
Tòa liên bang chặn sắc lệnh TT Trump cắt ngân sách các ‘thành phố trú ẩn’
Một chánh án liên bang ở San Francisco hôm Thứ Ba ra lệnh chặn sắc lệnh của Tổng Thống Donald Trump trong việc cắt ngân sách các “thành phố trú ẩn” vì những nơi này giới hạn hợp tác với giới chức Bộ Nội An trong việc áp dụng luật di trú.
Chánh Án William Orrick, thuộc Tòa Sơ Thẩm Liên Bang miền Bắc California, đưa ra án lệnh này, có nghĩa là sắc lệnh của tổng thống bị tạm thời ngưng thi hành cho tới khi tòa giải quyết xong đơn kiện.
Vị chánh án bác bỏ lập luận của chính quyền rằng, sắc lệnh này chỉ áp dụng đối với một khoản ngân sách nhỏ, và nói rằng, Tổng Thống Trump không thể đưa ra điều kiện mới liên quan đến chi tiêu do Quốc Hội chuẩn thuận.
Ngay cả tổng thống có thể làm điều này, những điều kiện này phải liên quan đến các khoản cắt ngân sách một cách rõ ràng, chứ không phải mang tính ép buộc, như tinh thần của sắc lệnh đưa ra, Chánh Án Orrick nói.
“Ngân khoản liên bang không có liên hệ thật sự đối với việc áp dụng luật di trú không thể bị đe dọa chỉ vì một chính quyền địa phương chọn một chính sách áp dụng luật di trú mà tổng thống không thích,” vị chánh án nói.
Đây là lần thứ ba một sắc lệnh của Tổng Thống Donald Trump liên quan đến chính sách di trú bị tòa liên bang chặn lại.
Ông Reince Priebus, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, mô tả án lệnh này là một ví dụ “điên khùng khác giống như của Tòa Kháng Án Khu Vực 9.”
Phía hành pháp lâu nay thường chỉ trích tòa kháng án này.
Ông Orrick không phải là chánh án của Tòa Kháng Án Khu Vực 9.
Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm của ông lại nằm dưới thẩm quyền của tòa này, một tòa từng đưa ra phán quyết chống lại sắc lệnh di trú đầu tiên của Tổng Thống Donald Trump.
“Chuyện một cơ quan chính quyền không thể đưa ra những quy định hợp lý về việc chi tiêu các ngân khoản này như thế nào cuối cùng sẽ bị đảo ngược, và chúng tôi sẽ thắng tại Tối Cao Pháp Viện vào một lúc nào đó,” ông Priebus nói.
Ông Dennis Herrera, luật sư thành phố San Francisco, khen ngợi án lệnh này, và nói rằng tổng thống bị “buộc phải thối lui.”
“Đó là tại sao chúng ta có hệ thống tư pháp – để ngăn chặn một tổng thống và một bộ trưởng tư pháp, những người hoặc không hiểu Hiến Pháp, hoặc cố tình làm lơ Hiến Pháp,” ông Herrera nói qua một thông cáo báo chí.
Ông James William, luật sư của Santa Clara County, nói rằng án lệnh của tòa cho phép các quận hạt và thành phố khắp Hoa Kỳ chuẩn bị ngân sách mà không bị “đe dọa rằng chính quyền liên bang có thể cắt tiền của họ.”
San Francisco County và Santa Clara County, hai nơi nộp đơn kiện chính quyền Donald Trump, cho rằng sắc lệnh này có thể làm họ mất hàng tỷ đô la ngân sách.
Tuy nhiên, ông Chad Readler, một luật sư đại diện Bộ Tư Pháp, nói rằng một số cuộc điều trần tại tòa án mới đây cho thấy ngân sách các thành phố bị cắt là không nhiều.
Ông Readler nói Santa Clara County có thể bị mất chưa tới $1 triệu, trong khi San Francisco có thể không mất đồng nào.
Dù vậy, vị chánh án nói rằng, sắc lệnh của Tổng Thống Trump được viết với tính cách được áp dụng rộng rãi đối với tất cả mọi ngân khoản của liên bang và có thể làm cho San Francisco và Santa Clara bị mất hàng trăm triệu đô la.
Ông Orrick dẫn chứng phát biểu của Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions là bằng chứng cho thấy mức độ của của sắc lệnh, và nói rằng bản thân tổng thống từng nói đây là “vũ khí” chống lại các thành phố cứng đầu cứng cổ.
Cho tới nay, chính quyền liên bang chưa cắt bất cứ ngân khoản nào hoặc tuyên bố bất cứ địa phương nào là “thành phố trú ẩn.”
Tuy nhiên, hồi tuần trước, Bộ Tư Pháp có gởi một lá thư ra, nhắc nhở các thành phố phải chứng minh là họ tuân thủ theo sắc lệnh của tổng thống. California được thông báo cho biết là có thể bị cắt khoảng $18.2 triệu.
“Thành phố trú ẩn” (sanctuary city) là từ ngữ ám chỉ các địa phương không hợp tác với cảnh sát di trú trong việc lùng bắt di dân bất hợp pháp hoặc thường trú dân trong diện bị trục xuất.
Ngay sau khi tuyên thệ, Tổng Thống Donald Trump ký một sắc lệnh di trú, tạm thời cấm di dân của bảy quốc gia có đa số dân Hồi Giáo nhập cư vào Mỹ, nhưng bị tòa sơ thẩm ở Seattle và Tòa Kháng Án Khu Vực 9 chặn lại.
Sau đó, ông Trump ký một sắc lệnh khác, có điều chỉnh, và chỉ còn cấm di dân sáu quốc gia, nhưng lại bị một tòa sơ thẩm ở Hawaii chặn lại.
Cả ba tòa ở Seattle, Hawaii, và San Francisco, đều thuộc thẩm quyền Tòa Kháng Án Khu Vực 9, nơi có một chánh án gốc Việt, bà Jacqueline Nguyễn.
Chánh Án William Orrick được Tổng Thống Barack Obama đề cử vào năm 2012 và được Thượng Viện chuẩn thuận năm 2013. - nguoiviet
12.
Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ ủng hộ Thỏa thuận Khí hậu Paris
Hồ sơ khí hậu quốc tế đang đứng trước một khúc quanh lớn, với quyết định của tân chính quyền Donald Trump, dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tuần này. Hôm qua, 25/04/2017, bộ trưởng Năng Lượng Hoa Kỳ Rick Perry có một phát biểu quan trọng, gây chú ý. Ông tuyên bố Washington cần tiếp tục ở lại trong khuôn khổ Thỏa thuận Khí hậu Paris COP21, vấn đề là cần thương lượng lại một số điều khoản mà thôi.
Thỏa thuận Khí hậu COP 21, đạt được tại Paris cuối năm 2015, giữa 195 quốc gia và khu vực (thỏa thuận quốc tế đầu tiên được toàn thể cộng đồng quốc tế tham gia), đặt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, và cố gắng giữ ở mức 1,5°C. Nếu vượt quá mức này, các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp sẽ xảy ra vượt quá khả năng kiểm soát của con người.
Cam kết rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu, được ký kết dưới thời Obama, là một trong các tuyên bố nổi bật nhất của Donald Trump trong thời gian tranh cử. Ứng cử viên Trump từng nhiều lần khẳng định việc « Trái đất bị hâm nóng » chỉ là một chuyện bịa đặt do Trung Quốc tạo ra, trước khi làm mềm lại lập trường này, sau khi đắc cử.
Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, người vừa đưa ra phát biểu được chú ý nói trên, vốn là thống đốc tiểu bang Texas, nơi ông đã góp phần phát triển rất mạnh năng lượng gió.
Trong hàng ngũ ban lãnh đạo chính quyền Mỹ, những người ủng hộ Hoa Kỳ tiếp tục Thỏa thuận Khí hậu Paris có ngoại trưởng Rex Tillerson, nguyên tổng giám đốc tập đoàn dầu khí ExxonMobil, con gái cả của ông Trump Ivanka và con rể Jared Kusnher, một cố vấn thân cận của tổng thống.
Chống lại Thỏa thuận Paris có giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA), Scott Pruitt. Nhân vật này gần đây tuyên bố Mỹ cần rút khỏi thỏa thuận, vì Hoa Kỳ sẽ thiệt nặng trong vụ này, đặc biệt trong tương quan với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh là thủ phạm phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, vượt xa Mỹ.
Một nhân vật có thế lực khác trong chính quyền Trump ủng hộ việc rút khỏi thỏa thuận là Steve Bannon, chủ nhân trang mạng Breibart News, được coi là một thành phần cực hữu cứng rắn, tuy nhiên, ảnh hưởng của viên cố vấn này đối với tổng thống Mỹ dường như đã suy giảm, sau khi ông ta buộc phải rời khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Hiện tại các đàm phán âm thầm diễn ra rất căng thẳng trong nội bộ chính quyền Mỹ (1). Khả năng chính quyền Trump thực hiện tuyên bố ra khỏi Thỏa thuận Paris là « 50/50 », theo bộ trưởng Môi Trường Pháp Segolene Royal, trả lời AFP (ngày 21/04), sau chuyến thăm EPA.
Về phần bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, trong một phát biểu hôm qua trước các nhà đầu tư và giới chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, ông Rick Perry chỉ trích Pháp và Đức không tôn trọng tinh thần của Thỏa thuận Paris.
Bộ trưởng Mỹ chất vấn Đức
Về trường hợp của Pháp, bộ trưởng Năng Lượng Mỹ không nêu lý do cụ thể, ngược lại ông đã chất vấn chính sách của Berlin đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, đã dẫn đến việc Đức phải gia tăng điện sản xuất từ than, một nhiên liệu gây ô nhiễm nhất. Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ so sánh chính sách của Đức bỏ điện hạt nhân, phát triển điện than, với chính sách của Hoa Kỳ, thay thế than bằng khí đốt. Một trong các chính sách chủ yếu của chính quyền tiền nhiệm Obama là buộc các nhà máy điện than cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cựu thống đốc Texax chỉ trích mạnh mẽ : « Quí vị không thể vừa ký vào một thỏa thuận, vừa chờ đợi Hoa Kỳ thực hiện, trong khi quí vị không thực sự tham gia ! », và khẳng định sẽ sẵn sàng thương lượng lại Thỏa thuận (với Đức và những nước khác).
Việc giã từ năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm, trước hết là than, để chuyển sang mô hình kinh tế Xanh, dù diễn ra còn chậm, nhưng đã trở thành một xu thế toàn cầu. Một mình chính phủ Hoa Kỳ không thể cưỡng lại được dòng chảy này.
Đại sứ Pháp ghi nhận không khí giã từ than đá ở Mỹ
Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, ông Gérard Araud, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Libération tuần trước, ghi nhận : « chính quyền Trump chắc chắn sẽ phải tôn trọng các cam kết Paris… Các thành phố lớn của Mỹ chiếm đến hơn 50% lượng khí thải quốc gia, mà lãnh đạo đều thuộc phe Dân Chủ… Tất cả các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã tham gia vào trào lưu này… Tất cả những nơi nào tôi đến, mọi người đều nói với tôi về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… Tại đất nước này, quyết tâm là rất lớn…
Về các điều kiện cho năng lượng tái tạo, Mỹ là một nước tuyệt vời… chúng ta có gió ở Midwest, mặt trời ở miền tây, bề mặt rộng lớn của đất nước tạo thuận lợi… Những luận điểm về (bảo vệ) than chỉ là mỵ dân. Ngành công nghiệp than không phải là nạn nhân của các quyết định thời Obama, mà đơn giản là nạn nhân của các năng lượng tái tạo, nhất là khí đá phiến. Điều đó làm tôi tin tưởng ».
60% cơ sở đầu tư lớn nhất thế giới chú ý đến khí hậu
Về tình hình toàn cầu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, một nghiên cứu được công bố hôm nay cho thấy hơn một nửa các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã chú ý đến nguy cơ biến đổi khí hậu, tác động đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể là, theo tổ chức độc lập phi lợi nhuận AODP (Asset Owners Disclosure Project), 60% trong số 500 nhà đầu tư lớn nhất thế giới, « thừa nhận các hiểm họa tài chính của biến đổi khí hậu và các cơ hội của việc chuyển tiếp sang một nền kinh tế thải ra ít các-bon ».
AODP là một dự án ra đời từ năm 2008, của Viện Khí hậu (Climat Institut), có trụ sở tại Sydney, Úc. Nghiên cứu của AODP được công bố liên tục từ 5 năm nay.
Hàng năm dự án AODP đánh giá mức độ quản lý rủi ro khí hậu của hơn 500 cơ sở đầu tư lớn, bao gồm các quỹ hưu trí, quỹ quốc gia, công ty bảo hiểm, quỹ góp vốn… Tổng số tiền cổ phần của hơn 500 cơ sở này là 27.000 tỉ đô la.
Theo số liệu của AODP, số lượng các cơ sở chú ý đến vấn đề khí hậu hiện nay cao hơn 18% so với cách đây hơn hai năm, tức trước khi cộng đồng quốc tế đạt thỏa thuận tại Paris.
Một số kết quả vừa được công bố mang lại niềm khích lệ cho phong trào chống biến đổi khí hậu, và công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, tuy nhiên, ý thức về mối quan hệ giữa đầu tư và biến đổi khí hậu là điều cần được cải thiện nhiều, theo AODP.
Chủ tịch của tổ chức này, ông Julian Poulter, nhấn mạnh là vẫn còn đến 201 trong số hơn 500 nhà đầu tư lớn « không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy đã hành động » nhằm tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và đây là một thực trạng « gây sốc ».
Khác với phát biểu của bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, nhấn mạnh sự đối lập giữa Hoa Kỳ và Đức, báo cáo của AODP hoan nghênh các nhà đầu tư châu Âu và Úc, như là « các học sinh xuất sắc nhất », trong khi đó, tình hình được coi là đáng ngại, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và châu Á.
Chủ tịch AODP cảnh báo : sắp đến lúc « sẽ là quá muộn để tránh các thiệt hại », nếu các nhà đầu tư vẫn để quá nhiều cổ phần trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, năng lượng hóa thạch…
AXA bị tố vẫn đầu tư nhiều cho than
Nỗi lo về các đầu tư lệch hướng vào năng lượng hóa thạch đã được một loạt tổ chức phi chính phủ bày tỏ. AFP hôm nay dẫn lời chỉ trích của hiệp hội Những Người Bạn Của Trái Đất/Les Amis de la Terre. Theo đó, tập đoàn bảo hiểm AXA tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than, điều này được coi là trái ngược hẳn với cam kết của tập đoàn trước Thỏa thuận Paris, là sẽ rút mạnh vốn khỏi các doanh nghiệp.
Hiệp hội Những Người Bạn Của Trái Đất, và các đối tác (như Greenpeace Thụy Sĩ, Sierra Club, The Sunrise Project…), ghi nhận nỗ lực của AXA đã thoái 500 triệu euro khỏi các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng cũng khuyến cáo tổ chức này là mức 50% lợi nhuận là quá cao (tức tiêu chí không đầu tư cho doanh nghiệp thu lợi quá 50% từ than), cần được hạ xuống 30%, thì mới đủ để răn đe các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
----
(1) Theo dự toán ngân sách của chính phủ Trump, ngân sách cho Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ sẽ bị cắt giảm tới 31%, bộ Năng Lượng 48% (bộ phận nghiên cứu-phát triển). Hai cơ quan chủ yếu trong lĩnh vực khí hậu là NASA và NOAA, Cơ Quan Đại Dương và Khí Quyển, cũng nằm trong tầm ngắm. NASA có thể sẽ mất bốn dự án vệ tinh thám sát. - RFI
Tin Việt Nam
13.
Việt Nam, “nhà tù lớn thứ nhì đối với các nhà báo công dân”
Việt Nam vẫn bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia được khảo sát về tự do báo chí, trong phúc trình năm 2017 của Tổ chức Ký giả Không Biên giới, RSF.
Tổ chức Ký giả Không Biên giới nói vì tất cả truyền thông nội địa đều được đặt dưới quyền kiểm soát và chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên những nguồn thông tin độc lập duy nhất là các blogger và nhà báo công dân, thành phần mà RSF cho là bị đàn áp nghiêm ngặt, kể cả bằng bạo lực dưới tay của cảnh sát mặc thường phục.
RSF tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam là lạm dụng các điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự như điều 88- “tuyên truyền chống phá nhà nước”, điều 79- “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và điều 258 - “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” để biện minh cho việc bắt giữ các blogger và nhà báo công dân.
RSF đặc biệt lên án các vụ bắt giữ để “đánh chặn” đối với ba blogger Trần thị Nga, Nguyễn văn Hoá và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm. Vụ bắt giữ ba nhà hoạt động này, theo RSF, đã biến Việt Nam thành “nhà tù lớn thứ nhì trên thế giới đối với các nhà báo công dân”, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Nạn nhân mới nhất là Trần thị Nga, tức blogger Thuý Nga, bị bắt tại tư gia ở tỉnh Hà Nam hôm 21 tháng Giêng năm nay. Bà Nga, 40 tuổi, là nhà hoạt động thường xuyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc, và tuần hành vì môi trường. Bà là một bà mẹ đơn thân phải nuôi hai con nhỏ, thường dùng trang blog để bênh vực giới lao động và dân oan khiếu kiện bị nhà nước tịch thu đất đai. Bà bị quy tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự. Nếu bị kết tội, bà có thể bị phạt từ 3 đến 20 năm tù.
Một nhà báo công dân khác được nêu tên là Nguyễn văn Oai, bị bắt hôm 19/1 tại Nghệ An vì đã cưỡng lại nhân viên thi hành công lực, và ra khỏi nhà trong thời gian bị quản chế.
Bị bắt năm 2011 và tuyên án 4 năm tù cộng với 3 năm quản chế theo điều 79 BLHS, ông Oai mãn hạn tù vào tháng 8 năm 2015.
Nhà báo công dân Nguyễn văn Hoá bị chính quyền Việt Nam khởi tố hôm 6/4 về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước”, nhà hoạt động trẻ này từng cộng tác với Đài Á Châu Tự do, bị bắt hôm 11/1 và bị cấm liên lạc với bên ngoài.
Nhà báo công dân trẻ tuổi này tường trình về các cuộc biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, bị quy trách nhiệm về vụ rò rỉ chất thải độc hại gây thảm hoạ cá chết hàng loạt hồi tháng Tư, 2016.
Ông Benjamin Ismail, Giám Đốc đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của RSF, nói:
“Đợt bắt bớ trước Tết Âm lịch thể hiện sự căng thẳng trong hệ thống chính quyền bất cứ lúc nào mà xã hội công dân có cơ hồi bày tỏ quan điểm tự do về những vụ vi phạm các quyền của họ và nhân quyền nói chung.”
Ông Ismail nói:
“Các blogger và nhà báo công dân vừa nêu không làm gì khác hơn là tường trình về các vụ biểu tình và bày tỏ quan điểm của họ về những hành động vi phạm quyền của các công dân, và bảo vệ lợi ích chung. Thật là kinh khủng khi phải chứng kiến những người bảo vệ lợi ích chung và nhân quyền bị gán cho tội tuyên truyền chống phá nhà nước ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tăng sức ép để những nhà báo công dân này được trả tự do ngay lập tức.”
Tháng 10 năm ngoái, RSF lên án chính sách của nhà nước Việt Nam cô lập hoá các nhà báo và blogger, cũng như có hành động trả thù có hệ thống chống lại những người cả gan liên lạc với thế giới bên ngoài.
Trong bảng sắp hạng báo chí năm 2017 của RSF, Việt Nam lại bị xếp gần chót, hạng 175 trên tổng cộng 180 nước được khảo sát. - VOA
14.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm việc với đại diện Facebook
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn và đại diện cấp cao của Facebook có cuộc làm việc vào chiều ngày 26 tháng tư ở Hà Nội. Phía đoàn cao cấp Facebook do bà Monika Bickert, Giám đốc Chính sách nội dung toàn cầu của Facebook, làm trưởng đoàn.
Tin cho biết tại cuộc gặp, người đứng đầu ngành thông tin- truyền thông của Việt Nam đưa ra yêu cầu Facebook tháo gỡ các tài khoản bị cho là mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được cho biết đánh giá cao vai trò thiết yếu của Facebook trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Ông cho biết thêm rằng hiện tại Việt Nam có 92 triệu dân, trong đó có 45 triệu người sử dụng Facebook. Ông cũng tiết lộ rằng nhiều lãnh đạo Việt Nam nói chung và chính bản thân nói riêng cũng là người sử dụng Facebook để trao đổi, kết nối với bạn bè. Tuy nhiên cũng tại buổi gặp mặt, bộ trưởng thông tin truyền thông đã trao đổi với đoàn cao Facebook về thực trạng nhiều cá nhân lập những tài khoản mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ông Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Fcaebook tháo gỡ những tài khoản như vậy để tránh bôi nhọ, đăng tải nội dung xấu làm ảnh hưởng đến người khác, tạo môi trường Facebook lành mạnh.
Truyền thông trong nước loan tin qua trao đổi của ông Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Việt Nam, phía đoàn Facebook bày tỏ thiện chí hợp tác với Việt Nam để tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Bà Monika Bickert đã đại diện cam kết rằng tất cả các tất cả các tài khoản đăng tải nội dung xấu mang tính chất bôi nhọ người khác sẽ được Facebook can thiệp gỡ bỏ. Trước đó Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clips bị cho nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay đã có hơn 1000 clips bị xóa. - RFA
15.
Cựu Bộ trưởng Thương mại: Kinh tế tư nhân bị phân biệt đối xử
Nghị quyết về việc phát triển kinh tế tư nhân sẽ được ban hành tại Hội Nghị Trung Ương 5 Khóa XII dự kiến diễn ra vào đầu tháng năm tới đây.
Tin được Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online loan đi ngày 26 tháng Tư, trích dẫn lời phát biểu của trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương, ông Nguyễn Văn Bình tại Diễn Đàn Kinh Tế Tư Nhân ở Hà Nội do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tổ chức..
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan và cấp thiết, rằng phải biến kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nên kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, ông nói tiếp, sự phát triển nhanh chóng, đa dạng, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao của kinh tề tư nhân góp phần tích cực vào tăng trưởng GDP tổng sản phẩm nội địa, nâng cao đời sống nhân dân để tiến tới công bằng xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Vẫn theo lời ông Bình, cho đến giờ kinh tế tư nhân của Việt Nam chưa thể hiện được vai trò một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Số liệu cho thấy kinh tế tư nhân trong nước chủ yếu tập trung vào hộ kinh doanh gia đình hay cá nhân, chiếm gần 38% GDP, trong lúc các thanh phần khác của kinh tế tư nhân chỉ gần 8% GDP năm 2015.
Đảng và chính phủ Việt Nam vẫn duy trì quan điểm doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế đất nước.
Kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn bị phân biệt đối xử, là nhận định của nguyên bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển, tại Diễn Đàn Kinh Tế Tư Nhân hôm 26 tháng tư.
Ông Trương Đình Tuyển đánh giá doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có nhiều điểm yếu kém, thí dụ thói quen làm ăn kiểu chụp giật, hay tranh thủ kiếm lợi qua chính sách xin cho, không chủ yếu coi trọng quyền lợi khách hàng, không dự kiến được kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Đây là những điều mà ông Trương Đình Tuyển cho rằng doanh nghiệp tư nhân nên chú ý để tìm cách tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh để có thể dần dần chiếm lĩnh thị phần .
Mặt khác, trong lãnh vực minh bạch và công khai, báo cáo của Tổ Chức Hướng Tới Minh Bạch cho thấy doanh nghiệp Việt không thích công khai phòng chống tham nhũng.
Đây là kết quả thăm dò của Tổ Chức Hướng Tới Minh Bạch dựa trên trên 30 đanh nghiệp lớn ở Việt Nam, gọi là TRAC Việt Nam 2017, lần đầu tiên được thực hiện trong nước, bao hồm các công ty niêm yết, công ty vốn đầu tư nước ngoài FDI và công ty quốc doanh. - RFA
16.
Đại diện tòa bị ném dép khi xin lỗi tử tù được minh oan
Một đại diện Tòa án Cấp cao mới đây đã bị phản đối và bị ném dép khi xin lỗi công khai một tử tù được minh oan ở tỉnh Bắc Giang.
Sự kiện diễn ra hôm 25/4 ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên của tỉnh. Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh Tòa án Nhân dân tối cao, đã đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long, 58 tuổi, là người từng nhận án tử hình và ngồi tù 11 năm vì bị kết án oan về một vụ giết người mà sau này được chứng minh là ông không liên quan.
Ảnh và video của nhiều người chứng kiến và báo chí địa phương cho thấy buổi xin lỗi đã trở nên hỗn loạn khi người nhà nạn nhân vụ giết người la hét phản đối, ném giày dép và chai nhựa vào ông Tuân.
Những người phản đối cho rằng đến nay vẫn không có bằng chứng rõ ràng để kết luận ông Long bị oan, cũng như chưa xác định ai là hung thủ gây ra vụ án nếu đó không phải là ông Long. Họ đã yêu cầu hủy buổi lễ xin lỗi.
Bất chấp sự hỗn loạn, Phó chánh tòa Trần Văn Tuân đã vội vã đọc lời xin lỗi trong 5 phút, trong khi các nhân viên khác của tòa án che chắn cho ông trước các vật dụng ném về phía ông. Ngay sau đó, đoàn của tòa án đã nhanh chóng rời khỏi xã Phúc Sơn.
Ông Hàn Đức Long, người được xin lỗi, và gia đình cho báo chí biết họ bị “sốc” và “hụt hẫng” về phản ứng của gia đình nạn nhân. Một bài báo đăng trên VietnamNet trích lời ông Long nói ông rất “thông cảm” với phản ứng của gia đình cháu bé bị hại. Ông cho rằng “vì quá đau đớn” nên họ mới như vậy. Song ông khẳng định “nỗi đau” mà gia đình ông chịu đựng suốt 11 năm qua “cũng rất lớn”.
Vụ án làm ông Long bị đi tù oan xảy ra cuối tháng 6/2005. Trong vụ này, một bé gái 5 tuổi đã bị hiếp và giết ở cùng địa phương của ông Long. Đến năm 2011, sau 4 phiên tòa, ông Long bị tòa tuyên phạm tội hiếp dâm trẻ em và giết người, nhận án tử hình.
Ông Long đã liên tục kêu oan. Cuối năm 2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang xác định rằng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông. Viện cũng yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông. - VOA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét