Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Nhớ Phạm Huấn - Nguyễn Mạnh Trinh


Một nhà báo lừng lẫy. Một nhà văn lãng mạn. Một phóng viên chiến trường yêu nghề. Một người lính yêu binh nghiệp. Chân dung Phạm Huấn đa diện phong phú. Nhưng bao trùm tất cả là những nỗi buồn, những cuốn sách ghi lại một thời binh lửa. Từ “Một Ngày Tại Hà Nội” đến “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975”, rồi “Những Uất Hận Trong Cuộc Chiến Mất Nước” hay “Ðiện Biên Phủ 1954 Ban Mê Thuột 1975” và “Trận Hạ Lào 1971”. <!>
Tất cả phát xuất từ một chứng nhân, từ một người lính chuyên nghiệp có những hạnh ngộ bất ngờ để hiểu biết được những hỏa mù của thời thế và mặt sau của thời cuộc. Và chính vì hiểu biết nên ông đã đau nỗi đau của những người dân nhược tiểu, đau đớn bất lực nhìn cuộc chiến mà bao nhiêu xương máu của chiến sĩ của những người lính vô danh bị hy sinh oan uổng. Viết sách như một người chứng nhưng lại đau nỗi đau của người trong cuộc, bởi vì ông cũng là một người lính và luôn hiểu được vị trí và trách nhiệm của mình.

Tháng 11 năm 1974, Phạm Huấn lên Plei ku để chỉ vài tháng sau chứng kiến ngày quỵ ngã của Cao Nguyên với cuộc di tản ngày 17 tháng 3 mà ông gọi là “cuộc triệt thoái Cao nguyên”, những ngày dài nhất của 21 năm trên chiến trường này. Là một nhà báo tinh nhạy, lại ở một vị trí của một người biết nhiều tình hình kể cả hai mặt trái và phải nên những ghi chép lại trong tác phẩm này biểu hiện được nhiều sự thực.

Nếu Hoàng Khởi Phong viết “Ngày N+” với tư cách của một sĩ quan thừa hành trong cuộc di tản thì Phạm Huấn viết với tư cách của một người nắm vững tình hình tổng quát hơn và có những nhận xét ở trên cấp cao hơn và những bí mật, những bề trái của cuộc chiến được bầy tỏ rõ rệt hơn.

Cuốn sách mở đầu: “… Tự nhiên tôi thoáng nghĩ, nếu đây là một chuyến bay định mệnh, chuyến bay kết thúc những người yêu võ nghiệp như Tướng Phú, như Vinh, thì quả là oan trái phi lý!
Nhưng rồi những nguy hiểm cũng qua đi. Lúc gần hết xăng, bằng những kinh nghiệm nghề nghiệp, người phi công đã lái con tàu của mình thoát khỏi những tầng mây đen. Qua khung kính mù mịt tôi thấy được mỏm núi nhỏ gần phi trường Cù Hanh. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Phi cơ càng xuống thấp, mỏm núi càng gần lại và thấy rõ hơn. Ðó là “hình dáng” cái phần kín đáo và đẹp nhất của người đàn bà.

Thời tiết xấu xuống phi trường Cù Hanh –Pleiku theo 
kinh nghiệm của các Pi lốt vận tải- cần phải thấy “mỏm” núi đó mới thấy yêu đời và đáp an toàn được.
Khi chiếc C-47 chở tướng Phú tiến vào chỗ đậu, tiếng vỗ tay vang dội. Trời vẫn mưa như trút nước.
Ði trong đám đông những anh em đồ trận sũng nước tôi nghe được tiếng nói của một người quân nhân cao niên: Ðó là người mang…giông bão tới”

Và chấm dứt cuốn sách là một trời tâm sự đầy phẫn nộ: “Tôi xin chịu trách nhiệm về những điều tôi viết trong cuốn sách. Tôi cũng sẵn sàng chấp nhận mọi sự phê phán mọi chuyện xẩy ra bất cứ từ đâu tới. Ðây là việc làm tôi đã suy nghĩ trong một thời gian dài trước khi quyết định phổ biến mọi bí mật mà tôi biết về “cuộc rút quân Tây nguyên” và những ngày cuối cùng trên chiến trường Quân Ðoàn II.

Trong cái nhục của một người quân nhân bại trận, hèn nhát trốn chạy qua đây, tôi đã muốn quên đi tất cả. Nhưng, những hình ảnh của trận chiến sau cùng luôn luôn chờn vờn ẩn hiện trước mắt tôi. Tôi rất đau đớn và vô cùng phẫn nộ khi phải nghe, phải đọc hoặc có ai nhắc đến câu “Tan hàng bỏ chạy. Chưa đánh đã chạy…” Ðó là một sỉ nhục chung cho cả tập thể QLVNCH. Ðiều đó không đúng. Xin hãy kết tội phê phán những sai lầm của các Tướng lãnh, các cấp chỉ huy lãnh đạo đất nước, chỉ huy quân đội và cả kết tội cả tôi đã làm mất nước đã thua trận đã hèn nhát. Nhưng hãy để yên cho những người đã chiến đấu và đã chết sau trận chiến sau cùng được yên nghỉ…”

Một cuốn sách khác “Một Ngày Tại Hà Nội” của Phạm Huấn cũng gây cho tôi nhiều cảm xúc. Với tôi, Hà Nội chỉ là một thế giới xa lạ nhưng đầy tưởng tượng. Năm 1954, khi di cư vào Nam, lúc ấy tôi còn quá nhỏ để có một ký ức. Phần lớn kỷ niệm trong đời sống của ấu thơ tôi đều là Sài Gòn, thành phố mà tôi lớn lên và trưởng thành. Mỗi con phố, mỗi ngõ hẻm, đều in dấu những tháng ngày trải qua, luôn sinh động trong bộ nhớ. Thành phố ấy, có thể như một phần đời sống…
Nhưng Hà Nội lại là một thành phố trong tưởng tượng với tôi. Và vì không thực nên có những nét đẹp huyền ảo của vẽ vời suy tư của những nhân vật được phác họa bằng tất cả những nét lung linh nhất.

Tôi đọc những cuốn sách để thấy lại cả một khung trời tưởng nhớ, một thánh địa để nghĩ đến và tìm về. Những Thạch Lam, Vũ Bằng, Hồ Hữu Tường,… thời tiền chiến đến Mai Thảo, Nguyễn Ðình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn,… của 20 năm văn học miền Nam đã làm rực rỡ hơn trong tôi những nồng nàn của một thế giới thơ mộng đã mất hút xa nhưng thật gần gũi trong tâm tưởng.

Khi đọc “Một Ngày tại Hà Nội, 18-2-1973” của Phạm Huấn, tôi như đi lạc vào một thế giới khác mà nỗi bồi hồi cảm xúc đã lan ra từ những dòng chữ, những biểu tỏ. Không phải như trường hợp “Hồi hương ngẫu thư” sao lại giống như trong suy nghĩ. “Chắc chắn trong buổi trùng phùng cũng có nỗi xúc động ứa lệ” tác giả đã nói như thế trong buổi phỏng vấn. Hạ Tri Chương ngày xưa “Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi. Hương âm vô cải mấn mao thôi. Nhi đồng tương kiến bất tương thức. Tiếu vấn “khách tòng hà xứ lai”. (Xa nhà ấu thơ, về đã già. Quê mùa giọng cũ, tóc sương pha. Bạn cũ thân quen nay mặt lạ. Cười hỏi:”Khách về tự chốn xa?”)…

Phạm Huấn thì khác.Về chốn xưa, nhưng trong một cung cách khác. Của một người đi nói chuyện với những người tuy cùng máu mủ đồng bào nhưng là đối thủ dàn ra hai trận tuyến. Về, với cái đón tiếp lạnh lùng đầy nghi kỵ. Về, với cái tâm trạng vỡ òa của một người vừa làm vỡ một cái gì trân quý nhất. Cái tâm trạng của người vừa đánh mất một phần đời sống mình. Trong tình cờ của lịch sử, những người mặc quân phục VNCH trở về nơi chốn mà mình đã rời bỏ thời gian trước. Có một phút nao lòng với những tâm tưởng cũ nhưng cũng có nỗi rưng rưng của cuộc trùng phùng không ngờ tới được trong thời điểm ấy. 

Sau Hiệp đinh Paris, quân Mỹ đã rút về nước nhưng chiến tranh vẫn còn, vẫn còn cảnh những người đồng bào ghìm súng hầm hè nhau trong những cuộc chiến sinh tử. Miền Nam, miền Bắc, hai phía vẫn chưa ngừng cuộc chiến ủy nhiệm thời chiến tranh lạnh. Tác giả, trong “Một Ngày tại Hà Nội”, đã có nỗi niềm chua chát đắng cay của những người đã đặt niềm tin vào một điều gì rồi bị phản bội một cách trắng trợn. Thành phố đã đổi, những xưa cũ đã mất đi và những cảnh tượng mới làm quăn lòng người trở về.
Ông viết: “… ngồi trên chuyến xe di chuyển từ Gia Lâm về Hà Nội, nhìn thấy Hồ Gươm, tháp Rùa, tôi có trong lòng một nỗi xao xuyến muốn làm ứa lệ.

Tôi biết rằng, nhìn thấy Hà Nội đây, là nhìn thấy hàng triệu đôi mắt của người xa Hà Nội năm nào. Tôi đang di chuyển an lành trên những đường phố Hà Nội đây, là đòi hỏi bằng xương máu của bao nhiêu bạn hữu, bao nhiêu huynh đệ, bao nhiêu người quen biết và không quen biết, đã chết và còn sống, của 17 triệu dân miền Nam yêu nước đang trông ngóng một ngày hòa bình, thống nhất nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào, thống nhất với bất cứ giá nào. Tôi hiểu được tại sao con người có tình riêng nhưng không thể tách rời ra khỏi tập thể. Con đường này, xưa chúng tôi hàng ngày đi qua, cắp sách đến trường. Căn nhà này, xưa, tôi đã ở. Bạn bè tôi xưa, những ai còn, ai mất?

Người yêu tôi xưa, bây giờ bao tuổi, bao già? Tôi có thể gọi tên từng đứa bạn, gọi tên từng người con gái đẹp của Hà Nội khi xưa, tôi có thể chỉ đúng căn nhà họ ở, bây giờ họ còn ở đây chăng? Ngồi trên máy bay nhìn xuống Hà Nội giống như một khuôn mặt kiều diễm. Tháp Rùa chẳng khác cái nốt ruồi của thành phố! Tôi biết rằng, nếu biết được tôi nghĩ như thế, có ai sẽ mỉm cười. Cái cậu con trai nhảy chân sáo trên lối đi này khi xưa là tên vẫn còn ẩn núp trong tôi thật sao? Tôi mừng biết bao, khi nhận ra, với ba mươi năm liền nghe súng nổ, nhìn thấy khói, ngửi mùi tử khí, tai tôi chưa điếc, mắt tôi chưa mờ, mũi tôi vẫn còn phân biệt được những mùi hương phảng phất của sương mù tháng giêng Hà Nội.

Nỗi nhớ thương Hà Nội đã choáng ngập tâm trí đến độ trong khoảnh khắc tôi không còn nhận ra Hà Nội Ðã Không Còn Là Hà Nội Nữa…”
Nếu tôi trở về lại Sài gòn, chắc chắn tôi sẽ có cảm xúc y hệt như vậy. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ? Câu hỏi ấy, trong âm hưởng tạo thành nao nao cảm giác trong da trong thịt. Một thi sĩ nào đó, đã gọi thành phố mất tên trong buổi trở về như một níu kéo để tìm về những kỷ niệm cũ, những hình bóng xưa. Thi sĩ ấy, chắc cũng đồng điệu với tác gỉa “Một ngày tại Hà Nội” dù viết về Sài Gòn. Tự nhiên, như là lời tâm sự của riêng tôi, trong lời thơ diễn tả… Thơ chia sẻ như một tri âm với người tri kỷ…

Khi trở lại tôi kêu tên Sài Gòn
Như ba mươi năm qua thường buổi sáng
Uống ly cà phê không đường đen đậm
Quán cóc hẩm hiu lưỡi đắng nụ cười
Khi trở lại phố xưa tuổi đôi mươi
Ngọn dốc cầu cao nghe chừng khác lạ 
Bánh xe nào hằn dấu vết rã rời 
Những hẻm cụt giấc khuya về vội vã.
Khi trở lại tôi gọi hoài tuổi trẻ
Như mắt em nồng nàn ánh mặt trời 
Buổi sáng áo bay trong buồn lặng lẽ 
ai gọi ai cho héo úa tình phai
con kinh nước đen mùi bùn vương vấn
cỗ xe già nua về lại bến ven đường
mưa như trút buổi chiều nào địa chấn 
em xa tôi lòng buốt xót vết thương
khi trở lại tôi làm người dừng bước
hai ven đường ngọn cỏ mọc dửng dưng
chân lạ lắm đã hết rồi tiếng guốc
cửa nhà em đóng lại rất lạnh lùng
Sài Gòn vẫn nhớ hay là trong quên lãng
Khách lạ tôi tạm trú dưới hàng cây
Thấy con sẻ ríu rít hoài dĩ vãng
Ba mươi năm thoáng ngủ giấc hao gầy…”

Hà Nội- Sài gòn. Những nơi chốn tràn đầy kỷ niệm. Mỗi một người tha hương, đọc những trang sách, ngâm những câu thơ, như bước chân hành hương trở về thánh địa tâm hồn. Những lúc trời trở gió, trong cái gào thét lồng lộn của đất trời, tự nhiên nghe trong lòng mênh mang những rung cảm làm nặng nề vuông ngực. Ở xứ người, chỉ một tên gọi, dù Hà Nội hay Sài gòn cũng chứa đựng đầy và mênh mang niềm nhớ.

Bài mở đầu cuộc phỏng vấn người về từ một nơi chốn mà hành trình không ngờ trước được trong cái tình cờ của thời thế có âm vọng của những bàn tay vẫy gọi. Rất văn chương nhưng cũng thật chân thành, ngôn ngữ như mở ra một cánh cửa để tưởng tượng ùa vào, để nỗi niềm người ly xứ như tượng hình bằng những chi tiết thực:

“… Hà Nội, bài hát của Hoàng Dương là Hà Nội 20 năm trước. Hà Nội của một triệu người rời bỏ vào năm 1954. Hà Nội với tà áo màu tung gió, với những tiếng guốc reo vui. Hà Nội mà những người đứt ruột bỏ đi, đã nuôi nấng một mong ước, giữ chặt một niềm tin. Hoàng Dương đã nói trong bài hát của ông “hãy tin ngày ấy anh về”. Hà Nội 36 phố phường, Hà Nội mà nhạc sĩ Trần Văn Nhơn của chúng ta đã gọi là “Trái Tim của Việt Nam”, Hà Nội mà với mùa thu cuối cùng ta bỏ đi xanh xao như mất máu đó Hà Nội bây giờ ra sao? Trong hai mươi năm chiến tranh tàn phá, trong hai
mươi năm người Hà Nội bỏ đi, hai mươi năm Hà Nội sống dưới chế độ Cộng sản, cái trái tim của Việt Nam đó đã đập như thế nào? Những Hàng Ngang, Hàng Ðào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hồ gươm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Bẩy Mẫu,… những gì thay đổi? Người Hà Nội bây giờ sinh sống ra sao?…”
Trong những câu hỏi, Phạm Huấn đã trả lời thành thực bằng tấm lòng của mình. Tâm cảm của một thanh niên Hà Nội bao giờ cũng tiềm ẩn nét lãng mạn, của một thời hoa mộng được dệt bằng những nỗi nhớ thương mong manh nhưng lại bền chặt nhất. Mấy ai quên được một thời đã qua, mấy ai bỏ đi được những bóng hình khắc sâu trong tâm tưởng. Về mái nhà xưa, nhưng chẳng được vào, để cảnh cũ như những dấu tích của tang thương của biển dâu thay đổi.
Trả lời câu hỏi: Thế anh đi bằng con đường đó, cây cột Ðồng Hồ ở đường Bờ Sông có còn không? Phạm Huấn đáp:

“Cây cột Ðồng Hồ vẫn còn. Tôi có thể nói ngay với các anh là trung tâm thành phố Hà Nội, ngoài Tòa Tổng lãnh sự Pháp ở đường Trần Hưng Ðạo (Gambetta cũ) bị sập, còn tất cả những đường phố chính mà trước kia biết rất đẹp như đường Lý Thường Kiệt, Gia long, Tràng Tiền, Tràng Thi, chung quanh Hồ Hoàn Kiếm, v.v… thì còn nguyên vẹn. Nhưng rất tiếc tôi không hiểu tại sao thủ đô Hà Nội sau 19 năm dưới chế độ Cộng Sản bây giờ tiêu điều và xơ xác quá. Không có một kiến trúc nào đặc biệt tại Hà Nội so với trước năm 1954. Tôi tưởng Hà Nội tiêu điều nhưng không ngờ đến quá sức tưởng tượng như tôi nghĩ. Khu trung tâm thành phố như Gia Long, Tràng Thi,Tràng Tiền,… nhà cửa trông rất là cũ kỹ, không được sửa sang quét vôi gì hết. Tôi có cảm tưởng như đã 10, 15 năm nay không được quét vôi lại. Ði trên những con đường đó, nhìn thấy dân chúng phơi quần áo, tôi xin lỗi được tả chân, phơi cả những cái quần đen, những áo màu cháo lòng trên cửa sổ thì còn gì là phố xá, nhà cửa của Hà Nội?

Hỏi: Anh có đi ngang qua căn nhà mà anh ở khi xưa không?
Ðáp: Tôi có được đi ngang qua căn nhà trước khi di cư vào nam tôi trọ học. Tôi xúc động lắm, muốn khóc được. Còn y hệt nhưng tiêu điều xơ xác trông thật buồn thảm. Ở góc đường Lý Thường Kiệt và Gia Long gần trường trung học Nguyễn Trãi… ”

Trước khi đọc “Một Ngày ở Hà Nội” tôi đã đọc Ðêm Giã Từ Hà Nội của Mai Thảo, Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền, Áo Mơ Phai của Nguyễn Ðình Toàn, Nhớ về Hà Nội của Nguyễn Mạnh Côn,… Thế mà sao kỳ lạ, vẫn chung một cảm giác. Hai chữ Hà Nội như có một tính linh thiêng kỳ bí nào lôi cuốn. Giở những trang sách, như thấy lại những khung cảnh cũ…

Mấy ngày hôm nay, ở Cali, trời trở lạnh. Tôi nhớ buổi sáng đi làm đã phải mặc áo ấm và ngoài trời sương mù dầy dặc. Thời tiết làm tâm hồn bâng khuâng hơn. Tầm nhìn mờ đục trước mặt như có một nỗi niềm nào dàn trải. Tôi nhớ lại lúc ấy, nghe trên đài phát thanh, tin nhà báo Phạm Huấn vừa từ trần. Thực ra, Phạm Huấn làm rất nhiều công việc: viết văn, làm báo, làm lính, làm phóng viên chiến trường và cả làm diễn viên điện ảnh nữa. Tôi được nghe ông chú tôi là bạn khá thân của anh Phạm Huấn từ nhiều chục năm nay kể về những chi tiết của cuộc đời anh và riêng trong suy nghĩ tôi anh là một mẫu người đặc biệt. Thế mà, cuộc đời có nhiều cái bất ngờ không hiểu nổi. Ông chú tôi nói một người mạnh khỏe đẹp trai như Phạm Huấn mà cuối đời bị căn bệnh quái ác khiến ký ức trở thành quên lãng muôn năm.

Tôi nhớ có lần mình đã viết về cuốn sách “Những uất hận trong trận chiến mất nước 1975” đã dẫn nhập bằng thơ Nguyễn Bắc Sơn và có trích đoạn những câu đối đáp giữa một ông tướng tư lệnh Vùng và người lính binh nhì trong chiến trận ở phi trường Phụng Dực. Nhà văn Phạm Huấn có lần điện thoại nói chuyện với tôi tỏ ý thích những chi tiết ấy. Tôi có nói rằng em chưa gặp anh nhưng biết về anh rất nhiều. Ông hỏi tại sao và tôi có nói tên người chú mà cũng là người bạn của ông. Ông cười và tâm sự rằng trong đời ông mê nhất vẫn là vai trò phóng viên chiến trường. Và, ông đã làm được công việc mà ông ưa thích ấy. Vì hoàn cảnh, nhiều khi ông đã phải làm chứng nhân cho những biến cố lịch sử ngặt nghèo và từ đó thấu hiểu nhiều hơn thân phận của nước nhược tiểu. Không ai là không yêu nước nhưng có những bó buộc làm quyết định cá nhân nhiều khi là những điều mà thật tình trong thâm tâm những người trong cuộc không muốn…

Bây giờ, tât cả những điều ấy anh đã quên từ trước. Trong hoàn cảnh bỏ nước lưu vong, ai mà chẳng có nỗi niềm. Chắc hành trang ra đi của anh sẽ nhẹ tênh. Ngày 21 tháng 10 năm 2005, chuyến song loan đưa anh về thiên cổ đã một lần chuyển bánh. Vĩnh biệt người phóng viên chiến trường Phạm Huấn. Có phải anh sẽ trở về. Về Hà Nội như anh đã trở về vào ngày 18 tháng 2 năm 1973, cách nay hơn ba chục năm. Hay là trở về Pleiku, về Ban Mê Thuột,… những chiến địa xưa, nơi “hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…”

Nguyễn Mạnh Trinh

Không có nhận xét nào: