Thập niên 1960 tạp chí Thế Giới Tự Do in trên giấy láng rất đẹp với những hình ảnh, sinh hoạt văn hóa của các nước Á Châu theo Phật Giáo như Thái Lan, Miến Điện…. nhiềuchùa nguy nga tráng lệ, sư sãi mặc y vàng. Chiêm ngưỡng cảnh đẹp và ước mơ của tuổi thơ là mong lúc mình trưởng thành có tiền đi du lịch đến những địa danh, Phật tích. Thời gian đến và đi trong chiến tranh khói lửa, giấc mơ của tuổi thơ bị lãng quên.
<!>
Sau biến cố lịch sử 30/4/1975, tôi vượt biển đi tìm tự do và được định cư ở nước ngoài, đi học để có nghề nghiệp, đi làm trả nợ áo cơm, lo cho hai con trưởng thành. Năm quathực hiện giấc mơ thuở nào chúng tôiđi du lịch các quốc gia Á Châu, Từ Kulua Lumpur xin Visa đến Myanmar/ Miến Điện th(a)m thành phố Yangon vàMandalay. (tấm hình toàn cảnh nầy lấy trên Internet)
Địa lý
Myanmar / Burma/ Miến Điện tên chính thức: Cộng hòa Liên bang Myanmar ở Đông Nam Á, tây bắc bán đảo Trung-Ấn. Có 5.876 km đường biên giới với Trung Cộng (2.185 km), Ấn Độ (1.463 km), Thái Lan (1.800 km), Lào (235 km) và Bangladesh (193 km). Đường bờ biển dài 1.930 km. Diện tích 676.577 km². Dân số hơn 53 triệu người, có 99% là người Miến, người Shan và người Karen là tín đồ Phật giáo. Cả nước có khoảng 500.000 tăng ni. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Tiểu thừa), giáo phái Nam Tông. Sự tu hành cũng giống như Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia: các sư không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực, không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn.
Lịch sử cận đại tóm lược
Myanmar từng là một nước thuộc địa của đế quốc Anh. Tháng 1 năm 1946, ông Aung San đã diễn thuyết trong một cuộc mít tinh lớn ở chùa Vàng Schwedagon để kêu gọi nhà cầm quyền thực dân Anh phải trả độc lập cho Myanmar và đến năm 1948 được độc lậptrải qua nhiều biến đổi của lịch sữ thăng trầm. Ngày 26 tháng 8 năm 1988, con gái ông là bà Aung San Suu Kyilà nhà đấu tranh bất bạo động cho dân chủ Miến Điện đã diễn thuyết trong một cuộc mít tinh lớn đông tới 500 nghìn người kêu gọi dân chủ cho Myanmar. Bà được trao giải Nobel hòa bình năm 1991… Tháng 9 năm 2007, khoảng 20 nghìn sư sãi đã xuống đường từ chùa Shwedagon để phản đối chế độ chính trị của Myanmar. Ngày 22 tháng 10 năm 2010, Myanmar tuyên bố đổi quốc hiệu thành Cộng hòa Liên bang Myanmar, thay đổi quốc kỳ và quốc ca.
Ngày 8-11-2015, hàng chục triệu người dân Myanmar đi bỏ phiếu với hy vọng vào tương lai với cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ năm 1990. Kết quả cuộc bầu cử được công bố sáng ngày10-11-2015. Với khoảng 10.000 quan sát viên đã có mặt theo dõi tiến trình bầu cử tại Myanmar. Hơn 40.000 cảnh sát đặc nhiệm giám sát các điểm bầu cử. Chợ, nhà hàng ở Yangon đóng cửa để bảo đảm an ninh. Chiều ngày 10-11-2015, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) Myanmar tuyên bố đảng của bà giành khoảng 75% trong tổng số ghế Quốc hội. Trong đó, NLD có 96 ghế, bao gồm 49 ghế hạ viện. Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) cầm quyền chỉ có 3 ghế hạ viện. Tuy nhiên, quân đội Myanmar vẫn sẽ nắm giữ nhiều quyền lực chính trị…Lãnh tụ dân chủ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, được đề cử để trở thành một thành viên trong nội các của Tổng Thống tân cử Htin Kyaw. Myanmar đã mở ra một trang sử mới trước sự ngưỡng mộ của toàn thế giới. Một đất nước muốn có tự do dân chủ và kinh tế phát triển giàu mạnh phải có đa đảng, theo thể chế độc tài, quân phiệt thì chỉ tập đoàn cầm quyền là giàu cócòn người dân thì thêm khổ đau, nghèo đói mà thôi.
Phong tục
Y phục có tên là Longyi của người Myanmar là một loại váy cuốn quanh người, dành cho cả đàn ông và đàn bà. Đàn ông buộc miếng vải ở đằng trước bụng ngang rốn, trong khi phụ nữ gập váy lại giáp mí ở bên hông đẹp hơn.
Phụ nữ, trẻ em trên mặt thoa những vệt trắng, thay vì dùng phấn mỹ phẩm họ xử dụng loại bột Thanakha bôi mặt để chống nắng, trang điểm, dưỡng da ngày và đêm. Thanakha là một loại cây gỗ, là đặc sản của Myanmar, người ta cắt thân cây thành các khúc và mài vào miếng đá có thấm nước. Phần bột được mài ra này sẽ được sử dụng để bôi lên da mặt.
Ở Myanmar, già, trẻ, trai gái họ đều thích nhai trầu suốt ngày và trầu được bày bán khắp nơi. Đàn ông thích ăn trầu hơn là hút thuốc lá, trầu được gọi là Kun ja, trên khắp các nẽo đường đều có cái bàn nhỏ bán trầu. Họ gói hay tem trầu rất nhanh lá trầu có vôi còn các loại hạt cau, cau khô, hạt xoài khô thái nhỏ, thuốc lá…Ngày tết cổ truyền của người Myanmar còn gọi là Thingyan, giống như ở Thái hay Campuchia là lễ té nước vào tháng 4 hàng năm, trong 4 ngày diễn ra lễ hội các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng đều đóng cửa. Người dân thích thú nhất là việc tát, ném nước vào nhau xua tan những xui rủi trong năm cũ và mong muốn một tương lai luôn tốt đẹp hơn. Người Myanmar họ dùng tay trái để làm vệ sinh cá nhân và tay phải để ăn bốc. Du khách nên lưu ý khi ăn hoặc trả tiền cho người khác, hãy nhớ đưa tay phải.
Dân tộc Myanmar thật sự hiền hòa, hiếu khách. Ngoài đường phố đông người qua lại hay trong chợ không sợ bị móc túi hay cướp giật, người ta cầm túi tiền đi ngoài phố bình an vô sự. Tài xế Taxi cũng thật thà xe không có đồng hồ. Từ Hotel đến Shwedagon giá 3 ngàn (1USD = 983 kyat) đồng ý thì đi, có lúc kẹt xe cả giờ họ cũng vui vẻ không đòi thêm tiền, nhờ sự thật thà đó chúng tôi luôn trả gấp đôi. Myanmar là đất Phật nên sự bác ái đã thấm nhuần vào trái tim của mỗi con người ở đây. Dù đời sống của họ còn nghèo nhưng họ có tấm lòng tốt, chân thật, bác ái. Theo nhận xét của du khách, họ hơn người Việt Nam chúng ta nhiều.
Chùa Vàng Shwedagon
Nổi bậc nhất ở Yangon là Shwedagon (chùa vàng) chùa tháp lớn và đẹp nhất Myanmar, được hình thành từ 2500 năm trước Công nguyên và được các triều đại phong kiến Miến Điện tu bổ, mở rộng dần. Shewdagon tọa lạc trên đồi Singuttara cao 190 feet so với mực nước biển, diện tích đất của chùa 114 Arces (46 hectares), diện tích sân chùa 14 acres (6 hectares). Chùa cao 326 feet (99,36m). Từ chân đồi có bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc đều có những bậc thang dài dẫn vào chùa. Du khách phải mua vé 8USD. và phải ăn mặc chỉnh tề, cởi giày, dép cả vớ chỉ được đi chân đất. Gởi giày ngoài cổng, hay bỏ vào túi mang theo, đàn bà mặc váy ngắn phải mua chiếc váy longyi dài tới gót chân. Sân chùa lát đá, cổng phía Nam chùa có đôi tượng sư tử cao tới 9m hướng ra phía trung tâm thành phố có nhiều cửa hàng bán dụng cụ thờ Phật và dụng cụ tu hành. Tại các bậc thang cuối của lối lên phía Nam có chân dung hiện thân Phật Câu Na Hàm,(Koṇāgamana Buddha).
Shwedagon đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng mỏng chia làm 3 phần (area of gold leaves) là vùng vàng mỏng (area of thinner gold leaves). Phần hình chuông của tháp là vàng nguyên chất lên tới phần trên đỉnh tháp. Tính từ đỉnh xuống, đỉnh cao 56 cms, đường kính 27 cm được gắn hạt kim cương 76 carat (15g) chung quanh với 4.351 hạt kim cương là 1.800 carat, dưới là phần cánh chim cụt (Vane) dài 130 cms rộng 76 cms nặng 419 kilo được gắn 2000 hột đá qúy đủ loại. dưới là hình vương miện còn gọi là cái lọng (hti) cao 13 m, đường kính 5 m, bằng vàng nặng 500kilo; gắn 83.850 những hộthồng ngọc, bích ngọc, các loại đá quý và 4.016 cái chông vàng nặng 5 tấn. Tiếp theo hình giống như bắp chuối (banana bud) rồi những cánh sen, hoa sen luân hồi…Du khách phải dùng Telescope để xem rõ hơn.Khu vực quanh tháp chính còn nhiều tháp Phật với các sảnh cầu nguyện, tượng điêu khắc và đền thờ. Không gian tĩnh lặng, xung quanh nhiều cây xanh, càng làm nổi bật màu vàng lộng lẫy của chùa. Đặc biệt cây bồ-đề (Bodhi tree) từ Ấn Độ thời Đức Phậtngồi thiền đã được chiết về trồng tại đây.
Trong sân chùa có 8 bức tượng mang hình dáng loài vật khác nhau và 7 bồn nước tương ứng với 7 ngày trong tuần. Là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới lấy nước tắm các tượng Phật.Shwedagon được lưu truyền là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật. Trong khung viên rộng lớn nầy có 4 chùa: The Shwedagon; The Naungdawgyi Pagoda; The Htidaw Pagoda; Replica of Shwedagon Pagoda in Gold, có 18 tượng Phật lớn khác nhau theo từng vị Phật. Hai cái chuông lớn:
-King Singu‘s Bell, Năm 1779, Vua Singu Min cho đúc và dâng nhà chùa một quả chuông, gọi là chuông Maha Gandha "âm thanh tuyệt diệu" nặng 25 tấn, đường kính rộng 2,13 m cao 2,01m.
-King Tharyarwady‘s Bell, Năm 1841 Vua Tharrawaddy sai đúc một quả chuông nặng 42 tấn bằng đồng và dát vàng (khoảng 20 kg vàng), đặt tên là chuông Maha Tissada "ba âm thanh". Chuông này treo trong lầu chuông ở phía đông bắc tòa tháp.
Vàng bao quanh tháp hay các tượng Phật là những tấm vàng dát mỏng được các thợ thủ công chế theo tiểu công nghệ, những miếng vàng nhỏ bỏ trong túi bằng da hay vải, thợ dùng búa tạ đập cho vàng bên trong thật mỏng như tờ giấy quyến vấn thuốc lá. Các bà cắt từng miếng hình vuông dán lên giấy. Tín đồ mua các tấm vàng nầy dâng nhà chùa để dát vào tháp hay tượng Phật. Việc dâng vàng này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu. Shwedagon màu vàng luôn rực sáng dưới ánh nắng mặt trời, ban đêm ánh đèn làm tăng thêm vẻ đẹp huyền bí, số vàng xử dụng ở đây có thể đến hàng mấy chục tấn. Trải qua chiến tranh và thiên tai, nhưng đến nay Shwedagon vẫn là ngôi chùa bề thế bậc nhất thế giới,là niềm kiêu hãnh của Myanmar.
Nguyễn Quý Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét