Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

CIA ngưng hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại Syria - RFI

media

Một chiến binh Quân đội Syria Tự do canh gác tại một vị trí ở vùng Deraa ngày 14/07/2017.REUTERS/Alaa al-Faqir
Theo tiết lộ của báo Washington Post, số ra ngày 19/07/2017, các quan chức Mỹ xin ẩn danh cho biết cách đây một tháng, sau khi trao đổi với giám đốc CIA Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia, tướng H.R McMaster, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định cho CIA ngừng hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy Syria.
<!>
Theo AFP, cho đến hôm nay, Nhà Trắng và CIA vẫn từ chối bình luận về thông tin này.
Các quan chức Mỹ nói với Washington Post rằng chương trình hỗ trợ của CIA đã được khởi động cách nay bốn năm, nhưng hiệu quả bị hạn chế, đặc biệt là sau khi Nga tham chiến, yểm trợ chế độ Bachar al Assad.
Theo nhận định của Washington Post, việc xóa bỏ chương trình hỗ trợ quân nổi dậy Syria cho thấy mối quan tâm của tổng thống Donald Trump là tìm kiếm các phương tiện để có thể hợp tác với Nga trong hồ sơ này. Quyết định này cũng là một sự thừa nhận các hạn chế của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng và buộc tổng thống Syria Bachar Al Assad phải ra đi.
Quyết định ngừng hỗ trợ được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Nga đã đàm phán về lệnh hưu chiến tại phía tây nam Syria, bao gồm cả một phần khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.
Năm 2013, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấp thuận chương trình giúp đỡ vào thời điểm các nhóm nổi dậy tại Syria tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài để chống lại chế độ Bachar al Assad.
Mỹ: Iran vẫn yểm trợ khủng bố
Về quan hệ Mỹ-Iran, trong báo cáo thường niên về tình hình khủng bố trên thế giới năm 2016, được công bố hôm qua tại Washington, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận định, trong năm 2016, Iran vẫn là Nhà nước đứng đầu thế giới trong việc yểm trợ khủng bố và các tổ chức được Iran giúp đỡ vẫn có khả năng đe dọa các lợi ích của Mỹ và các đồng minh.
Hoa Kỳ và Iran đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1980. Kể từ năm 1984, Iran cùng Syria và Sudan, luôn nằm trong danh sách đen của bộ Ngoại giao Mỹ về các Nhà nước hỗ trợ khủng bố.
Báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ cũng cảnh báo, ngoài tổ chức khủng bố Al Qaida và lực lượng Hezbollah, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Syria vẫn là một mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc tế.

Washington trách Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ vị trí đặc nhiệm Mỹ, Pháp tại Syria

media
Lực lượng Mỹ, cùng với các chiến binh Kurdistan tiến vào một ngôi làng ở miền Bắc Syria ngày 28/04/2017.DELIL SOULEIMAN / AFP
Hôm qua, 19/07/2017, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã trách cứ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ về việc đăng tải các thông tin nói rõ vị trí của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Pháp tại Syria, gây nguy hiểm cho các đơn vị này.
Do Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Pháp đều là thành viên Liên Minh Bắc Đại Dương NATO, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ bày tỏ lo ngại nếu như việc rò rỉ thông tin này xuất phát từ một thành viên của NATO.
Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette tường trình :
« Chính hãng thông tấn chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đã đăng tải các thông tin trích dẫn nguồn tin từ các nhà báo có mặt tại Syria. Đó là những thông tin rất chính xác và cụ thể : dường như quân đội Mỹ đã gia tăng số lượng các cơ sở quân sự tại những vùng do lực lượng Kurdistan kiểm soát.
Mười địa danh được nêu ra trong đó có hai sân bay. Một trong hai sân bay có phi đạo khá dài cho phép các máy bay vận tải có thể hạ cánh. Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng quân đội Mỹ đang xây dựng các căn cứ quân sự khác trong những vùng vốn đã được coi là cấm tiếp cận trong những tuần gần đây.
Thậm chí hãng thông tấn Anadolu còn cho biết số quân nhân có mặt ở những nơi này, ví dụ khoảng 100 lính Mỹ gần một ngôi làng trong khu vực biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ, 200 binh sĩ khác ở một ngôi làng phía bắc Raqqa. Tại ngôi làng này, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ là có 75 lính đặc nhiệm Pháp bên cạnh các chiến binh Kurdistan mặc quân phục với biểu hiệu PKK và ảnh thủ lĩnh của đảng này đang ngồi tù là Abdullah Ocalan ».

Mỹ : Trump dọa các nghị sĩ Cộng Hòa về Obamacare

media
Donald Trump trong buổi ăn trưa với 49 thượng nghị sĩ Mỹ ngày 19/07/2017 tại Nhà Trắng.REUTERS/Kevin Lamarque
Trước việc dự luật hủy bỏ luật bảo hiểm y tế của ông Obama gặp khó khăn tại Thượng Viện Mỹ, ngày 19/07/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đến Nhà Trắng ăn trưa, nhằm thuyết phục họ bỏ phiếu thông qua dự luật này khi kết thúc khóa họp quốc hội.
Gọi là thuyết phục, nhưng ông Donald Trump được cho là đã không ngần ngại đe dọa các thượng nghị sĩ. Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường thuật :
« Đó là một bữa ăn trưa mà chắc hẳn 49 thượng nghị sĩ có mặt - có ba người vắng mặt - sẵn sàng không dự. Người mời ăn có tâm trạng không phải là tốt lắm, và đã lên lớp các vị khách của mình, cáo buộc họ là đã không giữ lời hứa với người Mỹ. Ông kêu gọi họ làm việc trở lại ngay lập tức : « Bất động không phải là điều hay, và tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta không nên rời khỏi Washington trước khi có được một kế hoạch có thể mang đến cho mọi người một chế độ bảo hiểm y tế tốt. »
Ông Trump đã dọa các thượng nghị sĩ là sẽ không cho họ đi nghỉ hè nếu không ra được một dự luật mới. Theo ông, Luật Obamacare cần bị bãi bỏ và thay thế, chứ không chỉ bãi bỏ đơn thuần.
Như vậy, ông Donald Trump đã một lần nữa thay đổi ý kiến. Hôm thứ Ba ông muốn để yên cho luật Obamacare tự hủy diệt. Trước đó, hôm thứ Hai, ông yêu cầu là phải hủy bỏ ngay luật đó, không cần đến luật mới để thay thế ngay lập tức. Và giờ đây, ông lại đòi vừa hủy bỏ, vừa thay thế cùng một lúc.
Về phần mình, thượng nghị sĩ McConnell, chủ trương thay đổi chủ đề, và chuyển sang giải quyết vấn đề cải cách thuế và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng. »

Brexit : Đàm phán chưa có kết quả đột phá

media
Bộ trưởng Anh đặc trách về Brexit David Davis ( trái ) và trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier tại Bruxelles ngày 17/07/2017.REUTERS/Yves Herman
Ngày 19/07/2017, trước ngày kết thúc vòng đàm phán thứ hai về Brexit giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, các nhà đàm phán cho biết vẫn chưa hy vọng một kết quả đột phá nào giữa hai bên.
Đàm phán diễn ra trong bốn ngày từ 17 đến 20/07/2017, với sự tham gia của 98 thành viên phái đoàn chính phủ Anh, do bộ trưởng đặc trách Brexit David Davis đứng đầu và 40 quan chức của EU, với trưởng đoàn là ông Michel Barnier. Cho đến giờ, họ vẫn chỉ bình luận về vòng đàm phán này bằng những cụm từ như "mang tính xây dựng ", “lịch sự”, “bước khởi đầu tốt đẹp”.
Các đại điện Anh và EU đều cố gắng để hiểu quan điểm của nhau để làm rõ các nội dung đàm phán và tìm ra tiếng nói chung. Nhưng những bất đồng sâu sắc giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa được giải quyết, đó là các khoản đóng góp của Anh với châu Âu và công dân EU ở Anh Quốc thời hậu Brexit.
Đàm phán còn tiếp tục sáng ngày 20/07 và sau đó là một cuộc họp báo chung công bố chính thức kết quả đàm phán.
Cả hai bên đều thống nhất về việc Anh chắc chắn phải trả các khoản đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu, nhưng vẫn thống nhất về số tiền cụ thể. Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire yêu cầu Anh phải xem xét vấn đề trả nợ cho ngân sách EU trước khi thương lượng về quan hệ tương lai giữa Anh với Liên Hiệp Châu Âu. Ông nhấn mạnh cụm từ “Chúng tôi cần lấy lại tiền”. Đây cũng là lời của bà Margaret Thatcher nói với Liên Hiệp Châu Âu khi bà còn là thủ tướng.
Hai bên cũng đã đạt đồng thuận về việc đảm bảo nguyên vẹn những quyền lợi hiện thời cho hơn 4,5 triệu người là công dân Anh đang sinh sống tại các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, và công dân các nước Liên Hiệp Châu Âu tại Anh.
Những bất đồng còn tồn tại được coi như “lằn ranh đỏ” giữa hai bên trong vấn đề những công dân Anh sinh sống tại châu Âu vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của luật pháp EU.
Cả hai bên cũng nhất trí rằng sẽ không để Bắc Ireland bị ảnh hưởng từ Brexit.
Dự kiến vòng đám phán tiếp theo sẽ diễn ra trong ba tuần tháng 10 cũng tại Bruxelles. Các chính phủ sẽ đi tới thống nhất một “tiến trình đầy đủ” với các vấn đề then chốt của Brexit, mà quan trọng nhất là quan hệ thương mại giữa Anh và EU.

Berlin phản đối Ankara bắt giữ một công dân Đức tại Istanbul

media
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel họp báo tại Berlin ngày 20/07/2017.REUTERS/Fabrizio Bensch
Bộ Ngoại Giao Đức ngày 19/07/2017 đã triệu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin lên để phản đối việc bắt giữ một công dân Đức vào ngày 05/07 cùng với năm nhà bảo vệ nhân quyền khác tại Istanbul. Trước đó, thủ tướng Angela Merkel cũng bày tỏ sự phẫn nộ về vụ này.
Vụ bắt giữ này lại « đổ thêm dầu vào lửa » trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut giải thích :
« Ngoại trưởng Sigmar Gabriel đã cắt ngang kỳ nghỉ của mình và triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin vào sáng thứ Tư (19/07). Sau buổi làm việc, phát ngôn viên của ông Gabriel cho biết người đại diện của Ankara đã hiểu tầm quan trọng mà Berlin muốn nhấn mạnh đến trong vụ bắt giữ Peter Steudtner và năm nhà hoạt động nhân quyền khác ở Istanbul.
Liên quan đến công dân Đức, Berlin nhấn mạnh: « Thật vô lý khi nghi ngờ một người mà cho đến giờ có rất ít tiếp xúc cá nhân hay chuyên môn với Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động khủng bố ».
Còn phát ngôn viên của thủ tướng Angela Merkel thì yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho công dân Đức và yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét lại các khoản tài trợ cho Ankara.
Peter Steudtner hướng dẫn một nhóm chuyên đề tại Istanbul và có nhiều nhà bảo vệ nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ tham dự. Đây là công dân Đức thứ 10 bị bắt từ sau cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây một năm. Chín người vẫn bị giam trong tù, trong đó có bốn người mang hai quốc tịch ».
Theo AFP, ngày 20/07, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ mọi chỉ trích của Đức và cáo buộc Berlin can thiệp vào công việc nội bộ.
Ali Gharavi, công dân Thụy Điển, cũng nằm trong số những người bị bắt trong tổ chức Amnesty International. Chính phủ Thụy Điển bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về tình trạng tôn trọng nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Không có nhận xét nào: