Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Ngô Xuân Lịch gặp Osius sau vụ rút giàn khoan Repsol - VOA

Đại sứ Mỹ Ted Osius gặp Đại tướng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, Hà Nội ngày 26/7/2017. (Ảnh: QPND.vn)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius hôm 26/7 đã gặp Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đai tướng Ngô Xuân Lịch, để bàn về vấn đề hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ. Cuộc họp diễn ra hai ngày sau khi truyền thông quốc tế loan tin Việt Nam đã yêu cầu tập đoàn Repsol ngưng khoan thăm dò tại Biển Đông vì bị Trung Quốc dọa tấn công.
<!>
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin đại sứ Osius và Đại tướng Lịch bàn về những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Bản ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng song phương ký năm 2011, và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng năm 2015.
Ngày 27/7, Đại sứ Osius viết trên Facebook: “Hôm qua, tôi đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Ngô Xuân Lịch, để trao đổi về cách thức chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam và mở rộng hợp tác về cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, di sản chiến tranh, an ninh hàng hải, và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.”
Báo chí Việt Nam và phía tòa đại sứ Hoa Kỳ không đề cập đến cuộc họp ngày 26/7 có bàn đến việc Việt Nam ngừng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại lô 136-03 của công ty Talisman-Vietnam, một công ty con của Repsol. Công ty này đã bắt đầu khoan tại địa điểm tranh chấp vào giữa tháng 6 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, một nhà báo trích một nguồn tin thân cận với cuộc họp cho biết Bộ Chính trị Việt Nam đã họp khẩn ngay khi Trung Quốc cho tàu thăm dò HYSY 760 tiếp cận khu vực mà công ty Repsol đang thực hiện dự án, và trong cuộc họp ngày 26/7, phía Việt Nam đã thông báo tình hình cho đại sứ Mỹ Osius.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Quang Hữu Minh nói với VOA:
“Việt Nam muốn Mỹ phản đối việc Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò trên Biển Đông, cụ thể là phản đối Trung Quốc đe dọa Việt Nam thực thi quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Việc khai thác dầu của công ty Repsol nằm trong vùng EEZ của Việt Nam. Nhưng phía Mỹ im lặng.”
Nhà báo Hữu Minh cho rằng đại sứ Mỹ có một thông điệp muốn gửi cho phía Việt Nam:
“Việc ông đại sứ Osius gặp đại tướng Ngô Xuân Lịch là Mỹ muốn thông báo với Bộ Quốc phòng Việt Nam rằng an ninh hàng hải vẫn là tiêu chí mà Mỹ đặt lên hàng đầu. Nếu như Việt Nam và Trung Quốc có va chạm thì Mỹ sẽ có động thái để hai bên giảm thiểu căng thẳng.”
Ông Hữu Minh cho rằng chính sách dựa lưng vào Trung Quốc về chính trị thực sự đã làm cho đảng cộng sản Việt Nam lúng túng trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ, và chính sách không liên kết quân sự của Việt Nam với các nước đối lập với Trung Quốc, đã đẩy Việt Nam vào thế “đơn độc.”
Theo nhà báo này thì tất cả những điều đó đã “làm cho đảng lúng túng trong truyền thông, phản ứng ngoại giao và tìm kiếm đồng minh hỗ trợ khi cần. Sự lúng túng đó phản ánh rất rõ qua vụ Repsol hôm nay.”
Cho đến hôm 28/7 Việt Nam mới nói rằng Việt Nam có quyền khoan dầu ở Biển Đông, các nước khác nên tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo gửi cho hãng tin Reuters hôm 28/7: "Các hoạt động liên quan đến dầu khí của Việt Nam diễn ra trên biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập theo luật pháp quốc tế."
Trước đó, nguồn tin từ các chuyên gia về biển Đông, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton thuộc Viện nghiên cứu Chatham House, cho VOA biết Trung Quốc đã đưa ra lời đe dọa dùng vũ lực, nếu Việt Nam không ngưng khai thác, thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh. Nhà báo, học giả Bill Hayton nói với VOA: “Sau khi Bộ Chính trị (của Đảng Cộng Sản Việt Nam) xem xét yêu cầu, họ đã quyết định ngừng khoan dầu.”
Hôm 23/7, một ngày trước khi bài báo của BBC và giáo sư Carl Thayer nói về quyết định của Việt Nam ngừng khoan dầu trên biển, hai nhà quan sát có uy tín khác là Giáo sư Vuving và Jonathan London, đều đưa tin trên trang Twitter cá nhân về việc Trung Quốc đang triển khai dàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, quanh lô 163-03.
Ông Hữu Minh phân tích lý do vì sao mấy ngày qua Việt Nam im lặng, sau khi Trung Quốc tung ra lời de dọa rằng họ sẽ tấn công quần đảo Trường Sa, nếu không làm theo ý họ:
“Việt Nam đang rơi vào thế khó. Nếu Việt Nam thừa nhận có Trung Quốc đe dọa, thì quần chúng đánh giá Việt Nam yếu kém trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Hiện nạy ưu tiên của Mỹ là bán đảo Triều Tiên, hơn là vấn đề Biển Đông. Nếu Việt Nam một mình va chạm với Trung Quốc ở khu vực Trường Sa mà không có Mỹ và các đồng minh của Mỹ ủng hộ thì sẽ rất kẹt cho Việt Nam. Vì vậy Việt Nam buộc lòng phải im lặng trong việc này.”
Một thông báo ra ngày 25/7 của ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện trên Facebook cho biết Bộ Tư lệnh thành phố đã ra công điện ngày 21/7 chỉ đạo “trực sẳn sàng chiến đấu, phòng chống biểu tình, bạo loạn” cao điểm dư kiến vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, do lo ngại sẽ diễn ra nhiều tình huống phức tạp khi “giàn khoan HY 760 của Trung Quốc đặt tại Biển Đông.”
Tin này đã gây rất nhiều chú ý trên các trang mạng xã hội.
Một độc giả của VOA tên Gia Huy nhận xét về sự im lặng của Việt Nam: “Việt Nam làm vậy trong thời điểm này cũng hợp lý. Việt Nam nên tìm kiếm đồng minh và cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.”
Nhận định về “thế kẹt” của Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhà quan sát Ann Đỗ từ Australia nói:
“Mọi công cụ, mọi mặt trận và chiến lược trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đã thất bại hoàn toàn, cả kể trong quan hệ ngoại giao. Philippines cũng có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề biển đảo, họ không đối đầu về quân sự, nhưng họ sử dụng rất tốt vấn đề dư luận và pháp lý. Trong khi đó Việt Nam chúng ta, các mặt trận kinh tế, quân sự, ngoại giao… không có, còn dư luận và pháp lý thì thua hoàn toàn. Việt Nam không dám mang những điều này ra đối đầu với Trung Quốc.”
Chia sẻ ý kiến với bà Ann Đỗ, ông Hữu Minh bình luận trên Facebook: “Dĩ nhiên là đảng Cộng sản Việt Nam lâm vào thế khó. Một khi sự việc lùm xùm ra thì công luận sẽ chỉ trích là đảng đã để chủ quyền quốc gia bị suy yếu. Trong bối cảnh cả nước, trong dân lẫn trong đảng đang bức bách ngột ngạt về cải cách chính trị thì sự việc này nếu được đảng thừa nhận chính thức thì rất dễ dẫn đến làn sóng biểu tình có nguy cơ ảnh hưởng đến chế độ.”
Một bạn tên Huong Nguyen viết trên trang VOA: “Tôi hy vọng lãnh đạo Việt Nam sẽ xử lý khôn khéo và cần sự trợ giúp của các nước lớn. Chứ người Việt không bao giờ hèn nhát với lũ bành trướng.”
Trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 28/7, bà Phạm Hải Liên, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao cho biết, Hà Nội sẽ thảo luận việc khoan dầu chung với Bắc Kinh chỉ sau khi vấn đề chủ quyền được giải quyết.
Bà Liên nói tiếp: "Những tranh chấp về biển giữa Việt Nam và Trung Quốc nên được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng, Hà Nội sẽ không thảo luận về kế hoạch hợp tác với Bắc Kinh - một động thái mà người Việt Nam coi là phản bội."

Không có nhận xét nào: