Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

TIN THẾ GIỚI 11/05/2023 - DHL


Quân đội Ukraina: Chiến dịch phản công ''đã bắt đầu'' tại Bakhmut Một góc thành phố Bakhmut, miền đông Ukraina, trong khói súng, ngày 26/04/2023. AP - Libkos - Thanh Hà Một quan chức quân sự cao cấp của Ukraina hôm 10/05/2023 khẳng định lực lượng Kiev đã « khởi động chiến dịch phản công tại Bakhmut ». Matxcơva công nhận quân Nga « gặp đầy khó khăn tại Bakhmut ». Tuy nhiên tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận Ukraina « cần thêm thời gian » cho một cuộc « phản công quy mô lớn ».
<!>
Trên mạng Telegram, thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Ganna Maliar loan tin, trong ngày 10/05/2023 Ukraina đã không « để mất bất kỳ một vi trí nào » ở Bakhmut. Tư lệnh Lục Quân Ukraina, tướng Oleksandre Syrsky cũng khẳng định quân đội Ukraina đã « tiến hành những đợt phản công hiệu quả. Tại một số khu vực, quân địch đã không thể kháng cự và đã phải rút xa đến cả 2 cây số ».

Vẫn theo nguồn tin trên, cũng trong khu vực chung quanh Bakhmut, có nơi lính thuộc lực lượng chính quy của Nga đã thay thế lực lượng bán quân sự Wagner. Tướng Oleksandre Syrsky ghi nhận các đơn vị lính chính quy «không được chuẩn bị tốt» để chiến đấu như lính Wagner. Về phần chủ nhân Wagner Evgueni Prigojine cách nay hai ngày đã thông báo lính chính quy của Nga đang chạy trốn khỏi Bakhmut. Nhưng hãng tin Anh Reuters « chưa thể kiểm chứng » tất cả những tuyên bố nói trên.

Tại Matxcơva, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên điện Kremlin, DmitriPeskov, được hãng tin Tass trích dẫn, nhìn nhận chiến dịch quân sự tại Ukraina hiện « rất khó khăn », cho dù Matxcơva đã « đạt được một số mục tiêu ». Nhưng phát ngôn viên điện Kremlin tin rằng Nga sẽ «chiếm được Bakhmut, và tình hình tại đây sẽ trong vòng kiểm soát » của Matxcơva.

Về kế hoạch tổng phản công đánh đuổi Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraina, trả lời truyền hình Anh hôm nay, 11/05/2023, tổng thống Zelensky khẳng định, Kiev « cần thêm thời gian » để chuẩn bị kỹ càng cho đợt « phản công ở quy mô lớn, tránh để gây nhiều tổn thất về nhân mạng ». Vào cuối tháng 4/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Reznikov cho biết khâu chuẩn bị cho cuộc phản công để giành lại các vùng bị Nga chiếm đóng đang bước vào « giai đoạn cuối ».

Pháp mở điều tra về « tội ác chiến tranh » sau cái chết của nhà báo Soldin gần Bakhmut
Viện Công Tố Quốc Gia Chống Khủng Bố của Pháp hôm 10/05/2023 thông báo mở điều tra về « tội ác chiến tranh », xác định « trách nhiệm » và « hoàn cảnh » dẫn đến vụ phóng viên chiến trường của hãng tin AFP, Arman Soldin thiệt mạng gần Bakhmut. Cuộc điều tra do OCLCH, cơ quan đặc trách về các tội ác chống nhân loại, tiến hành.

Viện Công Tố Pháp có thẩm quyền cho mở điều tra về các tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Từ đầu cuộc chiến tại Ukraina, định chế tư pháp này đã cho mở 7 cuộc điều tra về « khả năng » các công dân Pháp là nạn nhân của những « tội ác chiến tranh ». Ba trong số đó liên quan đến trường hợp của các nhà báo.

Phóng viên ảnh Pierre Zakrewski, của kênh truyền hình Mỹ Fox News, mang hai quốc tịch Pháp và Ireland, thiệt mạng hôm 14/03/2022 gần thủ đô Kiev. Nạn nhân thứ nhì là nhà báo Frédéric Leclerc-Imhoff, của đài truyền hình tư nhân BFM TV, qua đời hôm 30/05/2022 tại miền đông Ukraina. Arman Soldin là nhà báo Pháp thứ ba tử vong trong lúc tác nghiệp. Đến nay đã có 11 phóng viên quốc tế thiệt mạng từ khi Ukraina bị Nga xâm lược.

Pháp: Trung Quốc cần đóng một ''vai trò'' trong việc vãn hồi hòa bình cho Ukraina


Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna (P) và đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương (T) tại trụ sở bộ Ngoại Giao Pháp, Paris, ngày 10/05/2023. AP - Sarah Meyssonnier
Thanh Hà
Tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Paris hôm 10/05/2023, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh thuyết phục Nga ngừng xâm chiếm Ukraina. Paris kêu gọi Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong xây dựng « hòa bình và ổn định của thế giới ».

Phát biểu trước cuộc họp với ngoại trưởng Tần Cương, bà Colonna nhắc lại Trung Quốc cần « thuyết phục Nga tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ». Trước đó, tại phủ tổng thống Pháp, bà Catherine Colonna đã nhấn mạnh Trung Quốc cần khai thác những « mối quan hệ của Bắc Kinh với Matxcơva » để đưa Liên Bang Nga trở lại với con đường hòa bình, để Matxcơva hiểu rằng « nước Nga đang lâm vào ngõ cụt và để thuyết phục nước Nga trở lại với lẽ phải (…) thay vì tiếp tục chiến tranh ».

Đáp lời ngoại trưởng Pháp, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định Bắc Kinh vẫn nỗ lực « tìm kiếm một giải pháp chính trị » cho vấn đề Ukraina, duy trì liên lạc với tất cả các bên và Trung Quốc « tiếp tục đóng một vai trò xây dựng ».

Giới quan sát đánh giá lập trường của bà Colonna có vẻ mềm mỏng hơn so với tuyên bố một ngày trước đó của ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Trong cuộc họp báo hôm 09/05/2023 tại Berlin sau khi tiếp ngoại trưởng Trung Quốc, bà Baerbock chỉ trích Bắc Kinh giữ thái độ « trung lập » trong xung đột giữa Nga và Ukraina, bởi thái độ ấy cho thấy là Trung Quốc « đứng về phía quốc gia đem quân đi xâm lược » một nước có chủ quyền.

Reuters ghi nhận ngoại trưởng Catherine Colonna và đồng cấp Tần Cương đều tránh đề cập đến vấn đề Đài Loan.

Về quan hệ song phương Pháp-Trung Quốc, ngoại trưởng Colonna nhấn mạnh đôi bên cần « mở rộng quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn, cân bằng hơn ».

Đức, Pháp và Na Uy là ba điểm đến trong vòng công du châu Âu lần này của ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương.

Ba Lan xóa tên Kaliningrad, tiền đồn quân sự của Nga trong lòng NATO


Kaliningrad (mầu nâu), khu vực thuộc chủ quyền Nga nhưng nằm lọt thỏm trong lãnh thổ châu Âu. © Wikipedia
Thanh Hà
Ngày 10/05/2023, Vacxava thông báo « xóa » tên Kaliningrad khỏi các bản đồ và nhất là những tài liệu chính thức của Ba Lan. Sau gần 8 thập niên mang tên một lãnh đạo Liên Xô, Mikhaïl Kalinine, vùng lãnh thổ này của Nga, nằm sát biên giới với Ba Lan và Litva, hai thành viên NATO, giờ đây được gọi với cái tên Ba Lan là Krolewiec.

Bộ trưởng đặc trách về Phát triển Waldemar Buda giải thích Vacxava muốn tránh để Matxcơva tiếp tục « Nga hóa Ba Lan ». Matxcơva đã mạnh mẽ chỉ trích quyết định của Ba Lan

Thông tín viên RFI Martin Chabal từ Vacxava cho biết thêm :

« Kaliningrad sẽ bị xóa tên khỏi các bản đồ địa lý tại Ba Lan. Thay vào đó là địa danh được biết dưới tên gọi Krolewiec và vùng lãnh thổ cùng tên. Đây là quyết định của một ủy ban đặc trách về việc đồng hóa các địa danh ngoài lãnh thổ Cộng Hòa Ba Lan. Định chế này đảm nhiệm cả về chính tả và cách phát âm tên riêng các quốc gia và thành phố trên thế giới.

Krolewiec là tên đọc theo tiếng Ba Lan để chỉ Königsberg vào thời mà địa danh này còn thuộc về Đế Chế Phổ, rồi thuộc về Đức. Nga không hài lòng với tuyên bố của Ba Lan. Matxcơva ngay lập tức coi đây là một hành động « thù nghịch ». Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitri Peskov, cho rằng tuyên bố đổi tên Kaliningrad thể hiện trạng thái « gần như điên loạn » của Vacxava.

Về phía Ba Lan, lãnh đạo chính sách đối ngoại khẳng định họ đổi tên vùng lãnh thổ của Nga không phải là vì bối cảnh chính trị, mà chỉ là do Ba Lan muốn « kết nối lại với dòng lịch sử của mình ». Quan chức này thậm chí còn viện dẫn ví dụ của nhà triết học Đức Emmanuel Kant nổi tiếng thế giới. Ông đã sinh ra tại Königsberg, tức là tại Krolewiec, chứ không phải là trên mảnh đất mang tên Kaliningrad.

Nhưng dù sao thì việc xóa tên Kakiningrad chắc chắn sẽ bị xem là một quyết định chọc giận Nga. Bộ trưởng đặc trách về Phát Triển và Công Nghệ Ba Lan đã thẳng thừng tuyên bố không muốn Ba Lan bị Nga hóa. Thông điệp đã quá rõ ràng ».

Thượng đỉnh ASEAN bế mạc: Vẫn bế tắc về Miến Điện và quan ngại về Biển Đông


Tổng thống Joko Widodo trong cuộc họp báo tại Thượng đỉnh ASEAN ở Labuan Bajo, Indonesia, ngày 11/05/2023. AP - Achmad Ibrahim
Trọng Nghĩa
Các quốc gia Đông Nam Á đã “không đạt được tiến bộ đáng kể nào” trong việc thực hiện kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt đổ máu ở Miến Điện: Nhân ngày bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Labuan Bajo hôm nay, 11/05/2023, tổng thống Indonesia, nước đang làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á, đã phải thừa nhận như trên.

Phát biểu với các phóng viên, tổng thống Joko Widodo xác định: “Tôi phải thành thật nói rằng về việc thực hiện Bản Đồng Thuận 5 Điểm (tức là kế hoạch hoà bình của ASEAN về Miến Điện), đã không có tiến triển đáng kể nào”.

Đối với tổng thống Indonesia, các thành viên ASEAN phải đoàn kết trong việc giải quyết khủng hoảng nếu không muốn khối này bị “tan rã”.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, vấn đề Miến Điện vẫn chia rẽ các thành viên ASEAN. Một báo cáo nội bộ về các cuộc thảo luận của các ngoại trưởng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đã ghi nhận có một số nước muốn mời chính quyền quân sự trở lại các cuộc họp của ASEAN, vì “thời gian cô lập đã đạt được mục tiêu”.

Tài liệu mà AFP tham khảo được nói thêm: “Cũng có ý kiến cho rằng ASEAN có thể đang lâm vào tình trạng “mệt mỏi vì Miến Điện”, nên mất tập trung vào các mục tiêu lớn hơn là xây dựng Cộng Đồng ASEAN”.

Cho đến nay, Miến Điện vẫn thuộc khối ASEAN bao gồm 10 thành viên, nhưng đã bị cấm tham dự các hội nghị thượng đỉnh vì chính quyền quân sự không thực thi kế hoạch hòa bình do ASEAN đề xuất.

Dấu hiệu rõ nét nhất phản ánh bế tắc trong hồ sơ Miến Điện là ngoài việc lên án và bày tỏ lo ngại về bạo lực đổ máu tiếp diễn, các nhà lãnh đạo ASEAN đã không đưa ra được bất cứ điều gì cụ thể để thúc đẩy tiến trình hòa bình. Tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh không thấy đưa ra một lịch trình hoặc kế hoạch thực hiện.

Quan ngại về Biển Đông
Về hồ sơ Biển Đông, theo AFP, các lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về “những vụ việc nghiêm trọng” ở vùng biển này. Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử nhằm làm giảm nguy cơ xung đột.

Theo Reuters, trong tuyên bố kết thúc hội nghị do tổng thống Widodo thay mặt các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra, ASEAN nhắc lại lời kêu gọi tự kiềm chế ở Biển Đông đang tranh chấp để ngăn chặn những tính toán sai lầm và nguy cơ xung đột.

Đối với hãng tin Anh Reuters, Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á cũng chỉ lặp lại ngôn từ được sử dụng trong các tuyên bố trước đây của ASEAN, chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc, nhưng không nêu đích danh.

Hải Quân ASEAN thông qua bản hướng dẫn tương tác trên biển
Vào lúc các lãnh đạo ASEAN họp lại tại Indonesia, tư lệnh Hải Quân các nước Đông Nam Á đã họp lại tại thành phố Taguig ở Philippines hôm 10/05/2023trong khuôn khổ Hội Nghị Tư Lệnh Hải Quân ASEAN (ANCM) lần thứ 17.

Theo báo chí Philippines, điểm quan trọng nhất tại hội nghị lần này là các bên đã thông qua bản Hướng Dẫn Tương Tác Trên Biển (GMI). Bên cạnh đó, hội nghị cũng thông qua Lộ Trình ANCM 2024-2032, đồng thời thảo luận về những sửa đổi được đề xuất trong việc tiến hành Cuộc Tập Trận Hải Quân Đa Phương ASEAN (AMNEX) và tổng quan về các hoạt động trong tương lai.

Biển Đông: Hơn 10 chiếc tàu Trung Quốc tiến gần giàn khoan Nga ngoài khơi Việt Nam


Ảnh ghép, theo thứ tự: Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam và hai tàu hải cảnh Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Phú Yên, miền trung Việt Nam, ngày 26/05/2011. Ảnh do Petrovietnam cung cấp ngày 29/05/2011. REUTERS/Handout
Trọng Nghĩa
Hai nhóm chuyên gia theo dõi hành trình tàu biển vừa phát hiện một chiếc tàu khảo sát Trung Quốc, được 2 tàu Hải Cảnh và 11 chiếc tàu cá hộ tống, hôm qua, 10/05/2023, đã tiến vào một khu vực khai thác khí đốt trên Biển Đông ngoài khơi Việt Nam. Đây là một lô do các công ty nhà nước của Nga và Việt Nam vận hành.

Theo các dữ liệu mà hãng tin Anh Reuters tham khảo được, đội tàu Trung Quốc đã đi vào khu vực lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa hai tập đoàn Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam và vẫn ở trong khu vực cho đến tối.

Dữ liệu cho thấy nhóm tàu Trung Quốc cũng áp sát các lô 05-1B và 05-1C, do công ty dầu khí Nhật Bản Idemitsu điều hành.

Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo sử dụng lực lượng Hải Cảnh và cả một hạm đội tàu đánh cá – vốn bị nhiều người cho là tàu dân quân biển trá hình – để đe dọa và làm gián đoạn các hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông, kể cả ở vùng ngoài khơi Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Ray Powell, chủ nhiệm Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại Học Stanford, Mỹ, thì hành động lần này của Trung Quốc có tính chất “bất thường”, vì họ huy động một “số lượng lớn tàu dân quân và tàu Hải Cảnh”.

Theo chuyên gia này, có lẻ đây là “thông điệp về quyền tài phán của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam”.

Về phía Việt Nam, ông Powell ghi nhận có ít nhất ba chiếc tàu kiểm ngư của Việt Nam đã tiến sát các tàu Trung Quốc.

Theo Reuters, Bắc Kinh đã khẳng định rằng tàu Trung Quốc chỉ hoạt động “bình thường” trong vùng biển “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.”.

Liên quan đến các hoạt động của đội tàu Trung Quốc, tổ chức phi lợi nhuận độc lập mang tên Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông cho biết là ngày 10/05, tàu Trung Quốc cách giàn khoan đang hoạt động của Nhật Bản khoảng 18 km và cách giàn khoan Nga-Việt khoảng 32 km.

Theo nguồn tin này, tàu nghiên cứu Trung Quốc đã di chuyển hết tốc lực trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng sau đó đã giảm tốc độ còn 4-5 hải lý/giờ, chứng tỏ là họ đang tiến hành khảo sát.

Theo Reuters, các cuộc khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia mà không có thông báo trước đều bị coi là mang tính chất thù địch hoặc khiêu khích.

Pakistan : Quân đội trấn áp biểu tình bạo động ủng hộ cựu thủ tướng Imran Khan


Những người ủng hộ cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan xuống đường tại Hyderabad, Pakistan, ngày 09/05/2023. AP - Pervez Masih
Thu Hằng
Tình hình tại Pakistan trở nên căng thẳng kể từ khi cựu thủ tướng Imran Khan bị bắt và bị tạm giam 8 ngày. Hôm nay, 11/05/2023, quân đội Pakistan đã triển khai đông đảo lực lượng ở thủ đô Islamabad để dập tắt các cuộc biểu tình bạo động của những người ủng hộ ông Imran Khan, bị lật đổ vào tháng 04/2022. Vẫn rất được lòng dân, cựu thủ tướng Pakistan muốn sớm trở lại nắm quyền.

Tình hình đã trở nên hỗn loạn ở Pakistan kể từ ngày 09/05 sau khi ông Imran Khan bị bắt trước Tòa án Tối cao ở Islamabad. Bạo lực xảy ra giữa cảnh sát với những người biểu tình ủng hộ ông Imran Khan và đảng của ông Tehreek-e-Insaf (PTI, Phong trào Pakistan vì Công lý).

Tại Pakistan, việc tấn công vào biểu tượng của chính quyền quân sự, cáo buộc quân đội đã tham gia lật đổ ông Imran Khan là điều hiếm hoi. Phóng sự của thông tín viên RFI Sonia Ghezali gửi về từ Islamabad :

« Tự do, đó là quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ đấu tranh vì tự do ». Hàng trăm người ủng hộ đảng của ông Imran Khan tập trung tại một địa điểm chỉ cách đồn cảnh sát nơi cựu thủ tướng bị tạm giam có vài mét. Họ đòi trả tự do cho ông.

Usman, một trong số người biểu tình ủng hộ đảng PTI, nhận thấy: « Dần dần, ngày càng có nhiều người đến đây tham gia với chúng tôi. Chúng tôi sẽ giành lại các quyền của mình và nếu thượng đế muốn, chúng tôi sẽ chỉ rời khỏi đây sau khi Imran Khan được thả ».

Ngồi trên xe máy, một người biểu tình khác nói : « Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ và thời khắc đếm ngược đã bắt đầu. Họ chỉ muốn giết chúng tôi. Họ có vũ khí, chúng tôi thì không. Các vị biết cuộc Cách mạng Pháp đã bắt đầu như thế nào, thì cũng nên biết rằng điểm khởi đầu đối với chúng tôi là ngay bây giờ ».

Căng thẳng không ngừng gia tăng ở trong nước, chính quyền đổ lỗi cho Imran Khan. Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Ahsan Iqbal phát biểu : « Ông ta đã kích động tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn và phá hoại ở trong nước chỉ để rũ bỏ mọi trách nhiệm. Tôi muốn khẳng định rằng không có sự trả thù chính trị hay trấn áp vì mục đích chính trị ».

Quân đội đã được kêu gọi tăng cường lực lượng cho các tỉnh Pundjab và Khyber Pakhtunkhwa, cũng như tại thủ đô Islamabad ».


Không có nhận xét nào: