Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Tin Buồn Về Họa Sĩ Vũ Thị Ngà và Kính Chuyển Tin Quốc Tế Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin Buồn -  Họa sĩ Vũ Thị Ngà,
Nguyên Giáo Sư Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn. Pháp Danh Huệ Thanh. Đã vừa qua đời, ngày 28 tháng 4 năm 2023. Tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Hưởng Thọ 86 Tuổi. Tang lễ của Họa sĩ Ngà, sẽ được cử hành trong tuần này, đúng ngày Lễ Mẹ, Chủ Nhật, ngày 14 tháng 5 năm 2023. Tại: Darling & Fisher Garden Chapel, số 471 Santa Clara St, San Jose và sẽ được hỏa táng tại Los Gatos Memorial Park.
<!>
Tính tình Nữ Họa Sĩ khi sống, rất hòa đồng, vui vẻ, khiêm nhường, ăn nói nhỏ nhẹ, làm mọi người ai cũng thương mến. Khoảng hơn 10 năm trước, Bà vẫn sáng tác, nhưng rất ít, lâu lâu có chung với các họa sĩ khác, mở các cuộc triển lãm tranh. Nhưng vài ba năm gần đây, bà không còn sáng tác. Hỏi lý do “Già rồi! lại bị bịnh run tay, cọ không còn đi theo ý muốn!”

Trong vườn hoa nghệ thuật, về bộ môn hội họa, nam họa sĩ cũng đã ít ỏi rồi hướng chi nữ. Chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như Bé Ký, Trương Thị Thịnh, Vũ Thị Ngà…

Bà mất đi là một mất mát lớn cho bộ môn này.

Nhiều người xem tranh của Nữ Họa Sĩ đã hơi thất vọng, vì nét cọ của bà khá đơn sơ, không chau chuốt, như các họa sĩ khác. Phải chú ý thật lâu, mới cảm nhận được nét đẹp, như viên kẹo, phải có thời gian tan biến, mới nhận ra vị ngọt.

Thật ra, tranh của mỗi Họa Sĩ nó có cái đẹp, cái lạ, cái hay riêng biệt của nó. Nghệ Thuật rất là rộng lớn và bao la, vì thế Nghệ Thuật Hội Họa sinh ra rất nhiều thể loại, người ta gọi là Trường Phái của Hội Họa, cứ mỗi trường phái là một bông Hoa xinh đẹp, trong vườn hoa muôn mầu, dâng đến cho người thưởng ngoạn. Đã nói là một bông hoa xinh đẹp thì dù là hoa Hồng hay hoa Lan, hoa Cúc, hoa Quỳnh, mỗi loại hoa đều có cái đẹp riêng của nó, không hoa nào đẹp hơn hoa nào, và cũng không có hoa nào là hoa xấu. Chỉ có yêu và thích một loại hoa nào đó riêng cho mình mà thôi.

Vì thế khi nói đến Nghệ Thuật thì không có xấu đẹp, đúng sai, cao thấp, chỉ có cảm nhận và thích hay không thích mà thôi.


 Chút Tiểu Sử:

 Hoạ sĩ Vũ Thị Ngà sinh năm 1937 tại Thành phố Sài Gòn.

 Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật khoá 3 năm 1958.

 Sau đó tốt nghiệp Sư Phạm về Hội Hoạ, dạy tại trường Trung Học Nguyễn Thượng Hiền, Nha Trang từ 1960 – 1961

 Từ 1961 đến 1980, HS Ngà là Giáo Sư Trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định (Saigon).

 Vượt biên đến Mỹ năm 1981 cư ngụ tại San Jose, California, đi làm hãng điện tử để kiếm sống cùng lúc vẫn sinh hoạt vẽ và triển lãm tranh chung với các bạn HS vùng Bắc California.

 Tham dự triển lãm “SắcMàu Hoạ Sĩ VN # 7” tại Quận Cam cùng với mấy chục họa sĩ hải ngoại cuối tháng 11 năm 2009 rất thành công, do mang lưới điện toán Hoasivietnam.com tổ chức.

 Hoạ sĩ Vũ Thị Ngà có khuôn mặt tươi cười, tính tình thoải mái xen lẫn cương trực khi dạy học, khiến học trò rất yêu thích.

 Khi còn ở VN thời Cộng Hoà, Hoạ sĩ đã chiếm được giải nhất hai con tem mang tên:



 Bộ tem Trung Thu năm 1958
 Bộ tem Hồng Thập Tự, kỷ niệm 100 năm Bác Sĩ Henri Durant sáng lập hội.

Sau đây là một vài tác phẩm hội họa của Họa sĩ Vũ Thị Ngà:






Tin Quốc Tế Đó Đây

Mừng Ngày Phát-Xít Đức Đầu Hàng, Tổng thống Nga Putin Hứa Giành Chiến Thắng ở Ukraine

-Hôm 9/5/2023, nhân lễ kỷ niệm ngày phát-xít Đức đầu hàng cách đây 78 năm, Tổng thống Vladimir Putin hứa giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh tại Ukraine, cuộc chiến tranh mà theo ông do phương Tây gây ra để tiêu diệt nước Nga.

Phát biểu tại Quảng Trường Đỏ ở thủ đô Mạc Tư Khoa, trước hàng ngàn binh sĩ, các lãnh đạo chính trị của Nga và một số lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, ông Putin khẳng định: “Thế giới lại đang ở vào một bước ngoặt. Một cuộc chiến tranh đã được phát động chống tổ quốc của chúng ta”. Ông cáo buộc Âu Châu và Hoa Kỳ sử dụng Ukraine để làm cho nước Nga bị sụp đổ và bị phá hủy. Tổng thống Putin còn nhấn mạnh, tương lai của nước Nga phụ thuộc vào diễn tiến cuộc chiến tranh Ukraine.

Vốn là dịp để ca ngợi sức mạnh của nước Nga và kích động tinh thần dân tộc, lễ kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức năm nay diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga ngày càng bị sa lầy ở chiến trường Ukraine, sau khi chịu nhiều tổn thất nặng nề, trong khi quân Ukraine đang chuẩn bị phản công.

Lễ kỷ niệm 9/5 năm nay được bảo vệ an ninh chặt chẽ hơn mọi năm sau khi xảy ra nhiều vụ tấn công bằng drone trên lãnh thổ Nga mà Mạc Tư Khoa cho là do Kyiv tiến hành. Vụ gây ấn tượng mạnh nhất và cũng đặt ra nhiều nghi vấn là vụ “tấn công” bằng drone vào Ðiện Cẩm Linh vào tuần trước, mà Nga gọi là một “âm mưu ám sát” Tổng thống Putin. Phía Kyiv đã bác bỏ cáo buộc đó, cho rằng đây có thể là hành động của một phong trào nổi dậy ở Nga, hoặc đây là một sự dàn dựng của chính quyền Nga.

Vì lý do an ninh, các cuộc diễu binh và tuần hành mừng ngày chiến thắng phát-xít Đức ở nhiều thành phố và nhiều vùng ở Nga đã bị hủy.

Đúng vào lúc Tổng thống Putin hứa hẹn chiến thắng ở Ukraine, chủ nhân của tập đoàn bán quân sự Wagner, ông Evgeni Prigogine, hôm nay, 9/5/2023, tố cáo binh lính thuộc quân chính quy của Nga đã bỏ trốn khỏi các vị trí của họ ở Bakhmut, ở miền Đông Ukraine, nơi vẫn đang diễn ra các trận giao tranh ác liệt. Trong một video đăng trên mạng Telegram, chủ nhân của Wagner còn cáo buộc các cấp chỉ huy quân đội Nga tìm cách “đánh lừa” Tổng thống Putin về tình hình chiến tranh. Ông Prigogine cũng khẳng định là nhà nước Nga “không có khả năng bảo vệ đất nước”.

Chủ nhân của Wagner trước đó đã tố cáo các cấp chỉ huy quân đội Nga không cung cấp đủ đạn dược cho lực lượng của ông.


Kỷ Niệm Chiến Thắng Phát-Xít: Ukraine Từ Bỏ Lịch Nga Để Theo Lịch Âu Châu

-Hôm 8/5/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ từ bỏ mọi hoạt động kỷ niệm chiến thắng Đức Quốc xã vào ngày 9/5 theo truyền thống của Liên Xô và Nga, và từ nay cùng với “thế giới tự do” sẽ kỷ niệm vào ngày 8/5.

Từ Kyiv, thông tín viên đài RFI, Stephane Siohan giải thích:

“Vào lúc Nga hôm nay kỷ niệm ngày kết thúc Ðệ nhị Thế chiến, ngày 9/5 như thông lệ tại nhiều nước Xô Viết cũ từ năm 1945, thì Volodymyr Zelensky đã làm lễ kỷ niệm ngày lịch sử này vào hôm thứ Hai theo cách của ông, khi tuyên bố rằng trong cuộc chiến tranh với Ukraine, nước Nga sẽ phải hứng chịu thất bại như phe phát-xít năm 1945.

Trong một phát biểu video, Tổng thống Ukraine thông báo rằng kể từ giờ Ukraine chỉ sẽ mừng lễ kỷ niệm ngày đình chiến vào ngày 8/5, mà ông nói rõ là cùng với “thế giới tự do”. Trong khi đó, từ năm 2015, theo thông lệ, người dân Ukraine tự chọn lựa ngày lễ, mồng 8 hay mồng 9/5, tùy theo truyền thống gia đình hay tưởng niệm.

Giờ thì Volodymyr Zelensky cho rằng Ukraine đang chiến đấu chống lại “điều Ác toàn diện” như Âu Châu từng làm cách nay 80 năm. Và ông tuyên bố sẽ đệ trình lên Nghị viện một Dự luật dành riêng ngày 8/5 là “một ngày để tưởng nhớ và hòa giải”, còn ngày 9/5 sẽ trở thành Ngày Âu Châu, dù rằng trên thực tế, những năm gần đây, tục lệ kỷ niệm ngày 9/5 ở Ukraine đã bị đông đảo người dân bỏ rơi”.

Thông tấn xã AFP cho biết, hôm 9/5/2023, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, bà Ursula Von Der Leyen đã đến Kyiv để đánh dấu Ngày Âu Châu và bày tỏ hậu thuẫn của Liên Hiệp Âu Châu đối với Ukrain trước cuộc chiến xâm lược của Nga.

Trước giới báo chí, lãnh đạo Ủy ban Âu Châu hoan nghênh quyết định của Tổng thống Ukraine xem ngày 9/5 như là Ngày Âu Châu. Đến Kyiv lần này, lãnh đạo Ủy ban Âu Châu sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine nhằm thảo luận về đề nghị xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Kyiv.


Âu Châu Chuẩn Bị Đưa Thêm Trừng Phạt Mới Đối Với Nga, Trung Quốc Cũng Rơi Vào Tầm Ngắm

-Tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga do xâm lược Ukraine, hôm 8/5/2023, Ủy Ban Âu Châu cho biết đã gửi tới các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm ngăn chặn Nga lách các trừng phạt.

Trong danh sách gồm 542 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp Nga, lần đầu tiên có 9 doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc xuất cảng cho Nga những mặt hàng điện tử hoặc chất bán dẫn, phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Từ Brussels, thông tín viên RFI Pierre Benazet tường trình:

“Ủy Ban Âu Châu đã gửi một đề xuất trừng phạt, tức gói trừng phạt thứ 11. 27 nước đã nhận được đề xuất này từ thứ Sáu tuần trước, nhưng không nước nào muốn chính thức xác nhận trong danh sách này có 9 doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở ở Hồng Kông và hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật và chất bán dẫn. Tuy nhiên Ủy Ban Âu Châu bóng gió xác nhận rằng những trừng phạt theo kiểu mới này nhằm chống lại những doanh nghiệp của các nước khác ngoài Nga, đó là những doanh nghiệp dường như liên can tới việc lách các trừng phạt và hỗ trợ Nga. Phát ngôn viên của Ủy Ban Âu Châu, Eric Mamer cho biết: “Quả thực, gói trừng phạt này tập trung vào việc thực thi các trừng phạt, hiệu quả của chúng và làm sao để ngăn chặn những trừng phạt này bị lách và làm sao để ngăn chặn những hàng hóa vốn đã bị cấm xuất cảng sang Nga vẫn tìm được đường tới Nga để phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng của Mạc Tư Khoa”.

Ngoài Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia ở vùng Kavkaz hay Trung Á là nơi có các công ty bị tình nghi đã giúp Nga lách các lệnh trừng phạt. Cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về gói trừng phạt thứ 11 này diễn ra vào ngày mai, 10/5, tại Brussels, trong cuộc họp giữa 27 Ðại sứ, đại diện thường trực của các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu”.

Trước thông báo này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ có biện pháp trả đũa, nếu Âu Châu trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, và đề nghị Âu Châu “không nên đi nhầm đường”. Hãng tin AFP trích dẫn một nguồn tin ngoại giao, cho biết sẽ cần nhiều cuộc họp để thông qua gói trừng phạt được cho là rất kỹ thuật này. Lãnh đạo 27 nước thành viên có thể sẽ thảo luận về gói trừng phạt này nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu ngày 30/06.


Gia Nã Ðại và Trung Quốc “Ăn Miếng Trả Miếng” Trục Xuất Các Nhà Ngoại Giao

-Quan hệ giữa Gia Nã Ðại và Trung Quốc lại căng thẳng. Theo báo Quebec La Press, hôm 8/5/2023, chính quyền Ottawa thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Trung Quốc vì cho rằng nhân vật này đã có những hành động hăm dọa một Dân biểu Gia Nã Ðại, ông Trang Văn Hạo (Michael Chong), và “can thiệp vào nội bộ Gia Nã Ðại”. Trước đó, Dân biểu Trang đã chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.

Từ Quebec, thông tín viên RFI Pascale Guericolas cho biết thêm thông tin:

“Rõ ràng là chính phủ Gia Nã Ðại không có lựa chọn nào khác là phải hành động. Cách nay một tuần, nhật báo Globe và Mail đã tiết lộ rằng cơ quan tình báo Gia Nã Ðại đã biết từ tháng 7/2021 về việc một nhà ngoại giao Trung Quốc Zhao Wei, (làm việc tại Lãnh sự ở Toronto), đã đe dọa Nghị sĩ Trang Văn Hạo (Michaël Chong) và gia đình ông.

Hôm nay, vị Dân biểu Gia Nã Ðại lấy làm tiếc về việc chính quyền cần chừng ấy thời gian mới có hành động. Theo ông Trang, Gia Nã Ðại phải chỉ ra cho chế độc độc tài thấy rằng Gia Nã Ðại tin vào công lý, quyền con người và không cho thế lực ngoại quốc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ông cho rằng “việc chính phủ Gia Nã Ðại bảo vệ các giá trị của mình là vô cùng cần thiết. Nếu không, tất cả những thứ như thịnh vượng, kinh tế sẽ biết mất”.

Về phần mình, Bắc Kinh đã cảnh báo Gia Nã Ðại nếu trục xuất nhà ngoại giao của Trung Quốc thì sẽ phải lãnh hậu quả. Vào năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Gia Nã Ðại, sinh sống ở Trung Quốc, là Michael Kovrig và Michael Spavor, ngay sau khi Gia Nã Ðại bắt giữ lãnh đạo quyền lực thứ hai của tập đoàn Hoa Vi, theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Hai người Gia Nã Ðại tên Michael đã bị giam trong nhà tù Trung Quốc 2 năm”.

Theo thông tấn xã AFP, trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm nay bà Jennifer Lynn Lalonde, thuộc Tòa Lãnh sự Gia Nã Ðại ở Thượng Hải, kể từ nay “không được hoan nghênh” và phải rời khỏi Trung Quốc trước ngày 13/5.


Nhật Bản và Nam Hàn Sẽ Liên Thông Hệ Thống Radar Để Theo Dõi Phi Đạn của Bắc Hàn


(Hình: Nam Hàn thử phi đạn năm 2017 để đối phó với phi đạn Bắc Hàn.)

-Nhật Bản và Nam Hàn sẽ ký Thỏa thuận vào đầu tháng Sáu tới, để liên kết các radar của họ thông qua một hệ thống của Mỹ để chia sẻ thông tin thời gian thực về phi đạn-đạn đạo của Bắc Hàn, một người nắm vấn đề này cho biết hôm thứ Ba (9/5/2023).

Ba Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ lên kế hoạch đi đến ký kết thỏa thuận bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Á Châu sẽ được tổ chức tại Tân Gia Ba vào đầu tháng tới, nhân vật không muốn nêu danh tính cho biết.

Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, nói rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về thỏa thuận đã được lên kế hoạch, song không nói cụ thể thêm.

Văn phòng Tổng thống Nam Hàn cho hay nước này sẽ thành lập một nhóm với Nhật Bản và Mỹ để chia sẻ thông tin về phi đạn của Bắc Hàn, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

Hệ thống hiện đang được xây dựng, tin cho hay, trích dẫn một viên chức cấp cao.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nam Hàn nói trong một cuộc họp báo trước đây là ba nước đã đàm phán để tăng cường chia sẻ thông tin nhưng chưa có gì được chốt lại.

Với việc Bắc Hàn phóng phi đạn-đạn đạo nhiều chưa từng thấy trong năm qua, ba nước hồi tháng 11 đã nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin. Nhật Bản và Nam Hàn đều liên kết riêng rẽ với các hệ thống radar của Hoa Kỳ nhưng không liên kết trực tiếp với nhau.

Mối quan hệ giữa hai nước đồng minh Á Châu của Hoa Kỳ đã ấm lên trong những tháng gần đây khi họ đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Hàn. Nối lại “ngoại giao con thoi”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol tại Hán Thành vào hôm 7/5, ở đó, hai ông xác nhận đã có tiến triển trong hợp tác quốc phòng.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Nam Hàn đang thu xếp để gặp nhau bên lề Đối thoại IISS Shangri-La sẽ được tổ chức tại Tân Gia Ba từ ngày 2-4/6, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên như vậy kể từ tháng 11/2019.


ASEAN Họp Thượng Đỉnh Với Trọng Tâm Là Khủng Hoảng Miến Điện

-Hôm 9/5/2023, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khai mạc cuộc họp thượng đỉnh tại Nam Dương, với trọng tâm là Miến Điện, nơi mà bạo lực đang leo thang. Trong cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Labuan Bajo, trên đảo Flores, miền Đông Nam Dương, các nước Đông Nam Á sẽ tìm cách thúc đẩy việc thực hiện bản đồng thuận 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực ở Miến Điện.

Miến Điện đã lâm vào khủng hoảng chính trị và nhân đạo kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, tiếp theo là chiến dịch đàn áp đẫm máu do tập đoàn quân sự tiến hành.

Bị chỉ trích vì không có hành động gì trước tình hình này, ASEAN đã cố tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng cho tới nay nỗ lực của các nước Đông Nam Á không đạt kết quả, nhất là vì tập đoàn quân sự dứt khoát không muốn đối thoại với phe đối lập, thậm chí còn đàn áp dữ dội hơn. Gần đây nhất, vào tháng 4, các cuộc không kích ở vùng Sagaing, miền Trung Miến Điện, đã khiến ít nhất 170 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Bạo động leo thang tại Miến Điện càng làm gia tăng áp lực đối với ASEAN. Theo hãng tin AFP, tuyên bố tại thượng đỉnh hôm nay, Bộ trưởng điều phối viên về Các vấn đề chính trị, Tư pháp và an ninh của Nam Dương, ông Mahfud MD, cho rằng ASEAN đang đứng trước “một sự chọn lựa mang tính quyết định”. Theo vị Bộ trưởng này, nếu thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng Miến Điện, ASEAN có nguy cơ mất hết uy tín.

Hôm nay, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng các vụ không kích nói trên “rất có thể là một tội ác chiến tranh”. Tổ chức này thúc giục ASEAN có những biện pháp mạnh hơn để cắt đứt các nguồn thu nhập của tập đoàn quân sự Miến Điện và thúc ép các tướng lãnh cầm quyền chấp nhận những thay đổi.

Theo hãng tin AFP, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á càng buộc phải có hành động trong hồ sơ Miến Điện sau khi một đoàn xe chở các nhà ngoại giao và các viên chức mang theo hàng cứu trợ nhân đạo bị tấn công ở khu vực phía Đông của tỉnh bang Shan. Trong đoàn xe có đại diện của Tòa Ðại sứ Tân Gia Ba và Tòa Ðại sứ Nam Dương. Hai nước này đã lên án vụ tấn công.


Tổng Thống Hoa Kỳ Gặp Các Lãnh Đạo Lưỡng Đảng Để Bàn Về Thuế và Nâng Trần Nợ

-Nếu không nâng trần nợ - tức là cho phép đi vay thêm, đến ngày 1/6/2023, Hoa Kỳ có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ. Vì vậy, hôm 9/5/2023, Tổng thống Joe Biden đã mời các lãnh đạo chủ chốt của cả hai đảng, Cộng hòa và Dân chủ, đến Tòa Bạch Ốc để thảo luận, tìm kiếm thỏa hiệp về thuế và nâng trần nợ.

Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình:

“Kim đồng hồ tiếp tục quay và thời điểm định mệnh đến gần. Theo Bộ trưởng Tài chánh Janet Yellen, Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng thanh toán kể từ ngày 1/6. Trường hợp này chưa từng xảy ra và có thể gây ra thảm họa đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới. Để tránh điều này xảy ra, các Nghị sĩ cần phải cho phép Nhà nước liên bang vay nhiều hơn. Tuy nhiên, Quốc hội lưỡng viện lại bị chia rẽ. Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden kiểm soát được Thượng viện một cách bấp bênh. Tình trạng cũng tương tự đối với đảng Cộng hòa ở Hạ viện.

Tòa Bạch Ốc mong muốn nâng cao mức đi vay vô điều kiện như thông lệ trước đây. Nhưng phe Cộng hòa thì muốn có những cam kết giảm một số chi tiêu. Joe Biden tố cáo hành động bắt bí của phe Cộng hòa và không muốn nói đến việc giảm tài trợ các dịch vụ cho những người có thu nhập thấp nhất.

Phe Cộng hòa, nhất là những người cực đoan nhất, muốn gia hạn chính sách giảm thuế đối với những người giàu nhất mà cựu Tổng thống Donald Trump từng đưa ra. Mỗi bên duy trì lập trường của mình trong nhiều tháng qua nhưng hiện giờ hai bên cần phải thảo luận. Chỉ còn 3 tuần nữa là đến ngày 1/6.

Cần phải có thời gian để thông qua một luật, vì vậy thật là vừa khớp nếu cuộc gặp hôm nay đạt được kết quả, ít nhất là về khuôn khổ các cuộc thảo luận.

Theo thông tấn xã AFP, từ khi Hoa Kỳ đạt giới hạn vay 31,4 ngàn tỉ Mỹ kim vào tháng Một, Bộ Tài chánh đã thực hiện các biện pháp đặc biệt, để cho phép tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của chính quyền Liên bang. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán. Cố vấn Kinh tế của Joe Biden cảnh báo rằng việc này có thể khiến 8 triệu người mất việc, GDP có thể sụt giảm tới 6%.


Nga Gia Tăng Bắn Phá Ukraine Trước Ngày Kỷ Niệm Chiến Thắng Phát-Xít

-Theo thông báo của chính quyền Kyiv cho hay, trong đêm 7/5 rạng sáng ngày 8/5/2023, Nga liên tiếp mở các cuộc tấn công bằng drone, phi đạn, không kích vào thủ đô Kyiv và nhiều thành phố khác của Ukraine.

Cập nhật tình hình chiến sự sáng 8/5, theo thông tấn xã Reuters, bộ tham mưu quân đội Ukraine cho biết Nga đã bắn không dưới 16 quả phi đạn vào các thành phố Kharkov, Kherson, Mykolaiv và Odessa, tiến hành hơn 61 đợt không kích cũng như 52 loạt rốc-két vào các vị trí của quân đội cũng như các khu đông dân ở Ukraine.

Vẫn theo nguồn tin trên, lực lượng phòng không của Ukraine đã bắn hạ được 35 drone (loại Shahed) tập kích vào Kyiv. Chính quyền Kyiv cho biết có ít nhất 5 người bị thương, một số công trình hạ tầng cơ sở và một kho chứa nhiên liệu đã bị thiệt hại trong các vụ bắn phá đêm qua. Một kho chứa lương thực tại thành phố Odessa (miền Nam Ukraine) đã bị cháy vì trúng phi đạn.

Các đợt tấn công dồn dập như vậy diễn ra ngay trước ngày Mạc Tư Khoa chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Liên Xô chiến thắng chủ nghĩa phát-xít 9/5/1945, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với Ðiện Cẩm Linh, nhất là Nga vẫn biện minh cho cuộc tấn công Ukraine là nhằm tiêu diệt “phát-xít” và “khủng bố”.

Về phía Nga, chính quyền do Mạc Tư Khoa dựng lên tại Crimea xác nhận, hôm qua đã chặn được hơn một chục cuộc tấn công bằng drone của Ukraine vào thành phố cảng Sépastopol, nơi có căn cứ của hạm đội Biển Đen của Nga.

Trong một bối cảnh khác, lực lượng đánh thuê Wagner hôm qua cho biết đã được Mạc Tư Khoa hứa cung cấp đầy đủ đạn dược để tiếp tục ở lại Bakhmut chiến đấu, sau đe dọa hôm 5/5 sẽ rút quân khỏi thành phố mà Wagner tuyên bố đã kiểm soát được gần hết.

Cùng ngày 7/5, tướng Ukraine Oleksandre Syrskyi chỉ huy mặt trận Bakhmut, cho biết Nga đang tập trung hỏa lực mạnh và hiện đại tại mặt trận Bakhmut với hy vọng chiếm toàn bộ thành phố vào ngày 9/5.


Ukraine Tạo Ra “Màn Sương Mù” Gây Hoảng Loạn Cho Nga

-Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, báo Le Monde nhận thấy trước khi bước vào cuộc phản công quy mô, Kyiv liên tục có những hoạt động gây bất ổn tại các lãnh thổ bị chiếm đóng và cả trên đất Nga. Giới quân sự gọi đó là “sương mù chiến tranh”, do tướng Phổ Carl von Clausewitz đúc kết vào đầu thế kỷ 19: Tung hỏa mù về lực lượng, vị trí và mục tiêu. Nhà nghiên cứu Joseph Henrotin cho rằng Ukraine rất giỏi về chiến thuật này.

Những ngày gần đây nhiều vụ tấn công bằng drone đã diễn ra, thiêu hủy một kho xăng lớn của hạm đội Hắc Hải ở Sébastopol, hai cơ sở lọc dầu gần Crimea và ở vùng Krasnodar. Hai đoàn tàu hàng bị trật bánh vì chất nổ ở Briansk gần biên giới Ukraine, một đường điện gần Saint-Pétersbourg bị hư hại. Song song đó lực lượng Ukraine từ giữa tháng Tư tiến hành vô số vụ tấn công nho nhỏ dọc theo 1.800 cây số đường biên, từ đồng bằng sông Dniepr cho tới Kupiansk.

Ông Henrotin giải thích, Ukraine đánh cả ở miền Bắc xuống miền Nam và miền Đông, khiến Nga ở thế lưỡng nan. Hoặc là chọn cách phòng vệ tất cả, khiến ở đâu cũng yếu; hoặc tập trung vào một số địa điểm, làm cho số khác dễ tổn thương hơn. Hơn nữa Mạc Tư Khoa không có đủ phương tiện để biết quân đội Ukraine sẽ tập hợp lại ở đâu. Nga chỉ có hai vệ tinh quân sự quang học Persona 2 và 3 ở quỹ đạo thấp, và theo một nguồn tin Pháp, Kyiv biết được giờ các vệ tinh này bay ngang qua để giấu quân. Đội drone quan sát Orlan bị bắn rơi rất nhiều, và phi cơ thám sát Iliouchine Il-20 hay Antonov An-30 không dám đến gần biên giới Ukraine vì sợ hệ thống phòng không.

Ngược lại, từ mùa Hè 2022 Kyiv đã thuê một vệ tinh quan sát radar của công ty Iceye (Phần Lan) nhìn thấy được cả ban đêm trong thời tiết xấu, đồng thời ký hợp đồng để có được hình ảnh độ phân giải cao từ 20 vệ tinh khác. Phương Tây cũng cho phép Ukraine tham khảo những vệ tinh của mình, tiến hành những chuyến bay thám sát ở biên giới Ukraine. Bên cạnh trang thiết bị, các viên chức Ukraine và phương Tây cũng liên tục có những tuyên bố gây lo sợ cho người Nga, và mới đây ra lệnh giới nghiêm 58 tiếng đồng hồ ở Kherson khiến phía Nga hoang mang. Mạc Tư Khoa loan báo di tản một phần tại 18 ngôi làng chiếm đóng ở Zaporijia, có vẻ như Nga cho rằng Kyiv sẽ phản công tại đây.


Syria Hội Nhập Liên Đoàn Ả Rập Sau 11 Năm Bị Đình Chỉ

-Trong cuộc họp kín ngày 7/5/2023 tại thủ đô Cairo của Ai Cập, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên Đoàn Ả Rập đã quyết định khôi phục quy chế thành viên cho Syria sau 11 năm bị đình chỉ vì Damas trấn áp phong trào nổi dậy nhân dân. Văn bản được nhất trí thông qua ghi rõ “các phái đoàn của chính phủ nước Cộng hòa Ả Rập Syria sẽ lại được dự họp ở Liên Đoàn Ả Rập”.

Bị cô lập về ngoại giao từ năm 2011, Tổng thống Syria Bachar Al Assad sẽ được tham dự cuộc họp thượng đỉnh thường niên của Liên Đoàn Ả Rập tại Jeddah ngày 19/5. Đây là sự trở lại ngoạn mục của Tổng thống Assad, trong khi năm 2013, phe đối lập chống Assad giữ vị trí của Syria trong cuộc họp thượng đỉnh tại Doha, Qatar.

Liên Đoàn Ả Rập đặt một số điều kiện với Syria như phải mở cửa với đối lập và tiến hành đối thoại để cải cách chính trị. Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI tại Cairo, những điều kiện này chỉ mang tính hình thức vì hầu hết những nước lớn trong Liên Đoàn đã phần nào bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Damas.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau thông báo của Liên Đoàn Ả Rập, hãng thông tấn chính thức Sana của Syria cho biết Tổng thống Assad đã điện đàm với đồng nhiệm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohammed ben Zayed để “ca ngợi nỗ lực của ông nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các nước Ả Rập”. Chính quyền Abu Dhabi đã tái lập quan hệ ngoại giao với Syria ngay năm 2018.

Quyết định phục hồi tư cách viên của Syria trong Liên Đoàn Ả Rập là “một sự sỉ nhục cho dân tộc Syria” nhưng “mở đường tái hội nhập thế giới” cho chế độ Bachar al Assad. Đây là nhận định của Hasni Abidi, chuyên gia về thế giới Ả Rập kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyên về Thế giới Địa Trung Hải (Cermam), trên đài RFI ngày 8/5:

“Việc Syria trở lại gia đình Ả Rập và Liên Đoàn Ả Rập chắc chắn sẽ khích lệ nhiều nước khác đang chờ quyết định này để nối lại quan hệ với chế độ Damas. Nhiều nước Âu Châu đã bắt đầu đàm phán với chế độ Syria theo nhịp độ tái hòa nhập của Tổng thống Bachar al Assad được ghi nhận. Họ không thể bảo hoàng hơn nhà vua, không thể yêu cầu mãi Bachar al Assad ra đi, đặt điều kiện chính trị nhất là về quan hệ với phe đối lập, để nối lại và bình thường hóa quan hệ với chế độ Syria.

Tôi nghĩ, bây giờ Syria sẽ thực hiện chính sách phản công ngoại giao hướng đến các nước Âu Châu bởi vì chế độ Damas cần Âu Châu trong kế hoạch tái kiến thiết và cần đến các vương quốc vùng Vịnh để tái thúc đẩy nền kinh tế đang trong tình trạng hỗn loạn. Điều này có thể giải thích cho việc Bachar al Assad vồ vập nối lại quan hệ với các Nhà nước vùng Vịnh”.


Bầu Cử Thổ Nhĩ Kỳ: Đối Lập Được Lên Ti-Vi 32 Phút, Erdogan 32 Tiếng Đồng Hồ

-Báo Le Figaro đặt câu hỏi “Liệu ông Erdogan có thể bị mất ghế hay không?”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tái tranh cử cố giảm nhẹ tác động của khủng hoảng kinh tế, tuy đây là yếu tố chính trong cuộc bầu cử vào Chủ Nhật (14/5/2023) tới. Trong khi đó người dân vào cuộc để chống lại nguy cơ gian lận.

Trong những tuần lễ gần đây, ít nhất hai văn phòng thường trực của đối lập bị lãnh những phát súng. Đối thủ chính của Recep Tayyip Erdogan là Kemal Kiliçdaroglu đã phải chấm dứt sớm cuộc mít-tinh vì những hành động thù địch. Tuy được những người ủng hộ gọi là “Gandhi của Thổ Nhĩ Kỳ”, nhưng Tổng thống vẫn lăng mạ ông là “kẻ đảo chánh”, “theo chủ nghĩa đế quốc”, “pê-đê”. Báo chí độc lập bị bịt miệng, thời gian dành cho hai ứng cử viên chính trên kênh truyền hình nhà nước TRT trong vài tuần qua hết sức chênh lệch. Theo trang Duvar, Kiliçdaroglu được nói 32 phút còn Erdogan đến 32 tiếng đồng hồ!

Trong không khí đó, gian lận là trung tâm mọi quan ngại. Cứ mỗi mùa bầu cử, các quan sát viên của Tổ chức An ninh Hợp tác Âu Châu (OSCE) đều được gởi đến Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi đảng cũng có người giám sát ở các phòng phiếu, nhưng vẫn có những sự việc xảy ra. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2014, hơn 20 tỉnh bị cúp điện trong lúc kiểm phiếu. Nguyên nhân chính thức được đưa ra là do “một con mèo chạy vào trạm biến điện”. Cuộc trưng cầu dân ý năm 2017 về việc gia tăng quyền hạn của Tổng thống có hơn 2 triệu phiếu không đóng dấu nhưng vẫn được tính.

Kỳ này ngoài hàng trăm ngàn quan sát viên của các đảng tại 195.000 phòng phiếu trên cả nước, vô số hiệp hội độc lập cũng tham gia. Chẳng hạn hội “Tình nguyện viên Thổ Nhĩ Kỳ” đã có 40.000 người đăng ký. Nếu có dấu hiệu bất thường, họ báo cho một trong số 2.000 Luật sư cơ động để nhanh chóng nộp đơn kiện. Việc kiểm phiếu được trang bị một hệ thống có chụp ảnh và lưu mỗi biên bản để so với con số chính thức. Tuy nhiên 11 tỉnh ở miền Đông0Nam bị động đất hôm 6/2 có 3 triệu người phải di tản, liệu họ có phương tiện quay về bỏ phiếu, hơn một chục ngàn người mất tích chưa tìm thấy xác. Vì không được chính thức khai tử, thẻ cử tri mang tên của họ vẫn được in ra, và như vậy có nguy cơ người chết vẫn “đi bầu”.


Pháp Kỷ Niệm Ngày Chiến Thắng Chấm Dứt Đệ Nhị Thế Chiến

-Theo truyền thống, ngày 8/5/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Khải Hoàn Môn ở Paris để kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát-xít Đức.

Sau đó, ông Macron xuống Lyon, cách Paris gần 500 cây số về Đông-Nam, để “đề cao tinh thần kháng chiến của người dân Pháp thông qua tấm gương của Jean Moulin”, một trong những lãnh đạo kháng chiến chống phát-xít Đức. An ninh được tăng cường do lo ngại biểu tình mặc dù Tư pháp đã cấm tập hợp gần những khu vực nguyên thủ Pháp đến thăm.

Ông Emmanuel Macron được hộ tống bởi đội Vệ Binh Cộng hòa cưỡi ngựa và xe gắn máy, đi từ phủ Tổng thống đến Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs-Elysée. Tổng thống Pháp đặt vòng hoa tại mộ Người Lính Vô Danh dưới chân Khải Hoàn Môn, tiếp theo cùng với Thủ tướng Elisabeth Borne và viên chức chính phủ dành một phút mặc niệm.

Để tránh “dàn đồng ca xoong nồi”, của những người phản đối cải cách hưu trí, dọc hai bên đại lộ Champs-Elysées bị cấm tụ tập. Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt cũng được khai triển ở thành phố Lyon; tại đây nguyên thủ Pháp đến Khu Tưởng niệm nhà tù Montluc, nơi Jean Moulin cùng với nhiều gương mặt tiêu biểu cho phòng trào Kháng chiến trong Ðệ nhị Thế chiến bị giam cầm và để tưởng nhớ “những nạn nhân của sự tàn bạo của chế độ phát-xít”.

Sở cảnh sát tỉnh Rhône đã cấm mọi cuộc tập hợp trong khu vực. Đơn kiến nghị của công đoàn CGT phản đối lệnh cấm biểu tình đã bị tòa án hành chính bác ngày 8/5.

Theo thông tấn xã AFP, phe đối lập chỉ trích lệnh cấm biểu tình vào ngày này. Trên đài phát thanh Pháp France Info, Nghị sĩ Âu Châu Manon Aubry của đảng cánh tả Nước Pháp Bất Khuất - La France Insoumise cho rằng “chính Emmanuel Macron bị nhắm đến, chứ không phải là Jean Moulin”. Còn Chủ tịch Thượng viện Gérard Lacher, thuộc đảng cánh hữu Những Người Cộng hòa - Les Républicains, chỉ trích những lời kêu gọi biểu tình vào một ngày như vậy là “không chấp nhận được” vì ngày 8/5 “là thời gian để tưởng niệm và đoàn tụ ở đất nước chúng ta”.


Peru: 27 Người Thiệt Mạng Trong Vụ Nổ Mỏ Vàng


(Hình: Mỏ vàng ở Arequipa, Peru.)

-Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay hôm 6/5/2023, hỏa hoạn xảy ra sau một vụ nổ tại một mỏ vàng hẻo lánh ở miền Nam Peru khiến ít nhất 27 công nhân chết trong một ca làm việc qua đêm.

Chính quyền địa phương của Peru cho biết một sự việc chập điện có thể đã gây ra đám cháy tại mỏ La Esperanza 1 ở độ sâu khoảng 100 mét dưới bề mặt ở vùng Arequipa.

Công ty Yanaquihua điều hành mỏ cho biết 175 công nhân đã được di tản an toàn sau vụ cháy.

Bộ Công cộng Arequipa cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà điều tra đang làm việc để làm rõ các tình huống của vụ tai nạn.

“Trong quá trình điều tra, Văn phòng Công tố sẽ xác định nguyên nhân của sự kiện bi thảm và trách nhiệm của những người liên quan”, tuyên bố cho biết.

Tin tức về vụ hỏa hoạn được đưa ra vào Chủ Nhật (7/5) sau khi cảnh sát thu thập thông tin và xác định danh tính của các nạn nhân.

Theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng và Mỏ của Peru, vụ tai nạn mỏ vàng hôm thứ Bảy là vụ tai nạn chết người duy nhất ở nước này trong hơn hai thập kỷ.

Peru là nhà sản xuất vàng hàng đầu của Nam Mỹ và khai thác mỏ là một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.

Vào năm 2022, 38 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn khai thác trên khắp đất nước, làm nổi bật những lo ngại về an toàn trong khai thác ở Mỹ Latinh.


Chí Lợi: Phe Cực Hữu Kiểm Soát Hội Đồng Soạn Thảo Hiến pháp Mới

-Trong cuộc bỏ phiếu ngày 7/5/2023, để lựa chọn 50 thành viên trong Hội đồng soạn thảo Hiến pháp, phe cực hữu đã về đầu với 35% số phiếu; liên minh cánh tả ủng hộ Tổng thống về nhì với 28% số phiếu. Phe hữu đối lập đã lôi kéo được cử tri với hứa hẹn bảo đảm “trật tự và ổn định” giữa lúc Chí Lợi đang rơi vào khủng hoảng an ninh và nhập cư.

Thông tín viên RFI tại Santiago, Naïla Derroisné tường trình:

Lịch sử lặp lại nhưng theo chiều ngược lại. Lần này cánh hữu chiếm đa số ghế trong Hội đồng soạn thảo Hiến pháp.

Thắng lớn là đảng Cộng hòa, cực hữu, với 22 ủy viên. Đảng này đã không che giấu sự ngưỡng mộ đối với nhà độc tài Augusto Pinochet và cũng là đảng không hề muốn thay đổi Hiến pháp.

Đúng là sự khôi hài của lịch sử, giờ đây đảng cực hữu sẽ dẫn dắt tiến trình soạn thảo Hiến pháp. Với sự ủng hộ của cánh hữu truyền thống, họ sẽ có thể soạn thảo một văn kiện theo ý họ, không cần phải tìm kiếm thỏa hiệp với phe đối lập.

Rất nhiều khả năng Hiến pháp mới cũng sẽ chỉ tương tự như hiện nay, thậm chí còn bảo thủ hơn trong một vài khía cạnh.

Trong tất cả những việc trên, cánh tả không có quyền ăn nói gì bởi họ đã không giành được đủ số ghế cần thiết để có quyền phủ quyết. Cánh tả cũng sẽ gần như không thể đưa ra bỏ phiếu theo chương trình của họ về vấn đề Nhà nước phúc lợi. Đây lại là một trong những đòi hỏi gay gắt nhất của dân chúng giữa lúc khủng hoảng xã hội.

Hội đồng soạn thảo Hiến pháp có 5 tháng để đưa ra Dự thảo Hiến pháp mới, sau đó văn bản này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào cuối năm nay.


Chính Quyền Cuba Gọi Người Biểu Tình Đòi Tự Do Là Những “Kẻ Say Rượu”

-Theo thông tấn xã AFP, các video phát trên mạng xã hội ngày 6 và 7/5/2023 cho thấy tại một thành phố cách thủ đô Havana của Cuba 1.000 cây số về phía Đông, hàng chục người đã tham gia một cuộc biểu tình đòi tự do. Chính quyền coi đó là hành vị vô kỷ luật của những người say rượu.

Cuộc biểu tình đã diễn ra tối thứ Bảy (6/5) tại Caimanera, thành phố có 10 ngàn dân thuộc tỉnh Guantanamo, gần căn cứ quân sự của Mỹ. Những hình ảnh phát trên mạng xã hội cho thấy vài chục người tụ họp trong một phố. Một số người hô “tự do”, một số khác dùng điện thoại ghi hình sự việc tại chỗ. Các hình ảnh loan truyền trên mạng xã hội ở Cuba vào buổi tối, nhưng không lâu sau, mạng inernet yếu dần và không truy cập được, theo ghi nhận của thông tấn xã AFP tại chỗ.

Một bộ phận của tổ chức Ân Xá Quốc Tế khu vực Mỹ Châu cho biết có “nhận được thông tin về các cuộc biểu tình tại Caimanera” đồng thời kêu gọi chính quyền bảo đảm quyền được bày tỏ phản kháng, không trấn áp người biểu tình.

Đến khoảng nửa đêm thứ Bảy (6/5), Bộ Quốc phòng Cuba đăng trên Twitter giải thích cuộc biểu tình bắt nguồn từ hành vi vô kỷ luật của một số người say rượu trong một ngày hội địa phương và người dân đã góp phần lập lại trật tự.

Trong khi đó, thông tin trên Twitter của Tòa Ðại sứ Mỹ tại Havana tố cáo “lực lượng an ninh Cuba đã đáp trả những người biểu tình ôn hòa bằng bạo lực, đánh đập các công dân đòi tôn trọng nhân quyền”. Đã có 1 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và khoảng 1.300 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình khi đó, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Cubalex đóng trụ sở tại Miami, Hoa Kỳ.

Theo số liệu chính thức gần 500 người biểu tình đã bị kết án, trong đó có người bị tuyên án tới 25 năm tù.


Máy Bay Huấn Luyện của Không Quân Ấn Độ Rơi, 2 Người Chết

(Hình: Máy bay MIG 21 của Không quân Ấn Độ.)

-Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin cho hay một máy bay phản lực của quân đội Ấn Độ rơi, khiến ít nhất 2 người trên mặt đất thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Ấn Độ đã bị rơi hôm thứ Hai (8/5/2023) tại quận Hunumangarh của tiểu bang Rajasthan, khi đang thực hiện một cuộc huấn luyện thường lệ. Máy bay đã cất cánh từ Trạm Không quân Suratgarh.

Lực lượng Không quân viết trên Twitter rằng phi công đã thoát ra ngoài an toàn, chỉ bị thương nhẹ.

Tờ Times of India cho biết có hơn 2.000 người đã tập trung tại hiện trường vụ tai nạn.


Nhật Bản-Nam Hàn Bình Thường Hóa Trở Lại Quan Hệ Song Phương

-Nam Hàn và Nhật Bản họp thượng đỉnh tại Hán Thành ngày 7/5/2023 nhân chuyến công du chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiến hành các bước nhằm cải thiện quan hệ song phương, đặc biệt là về mặt an ninh, kinh tế. Riêng vấn đề lao động cưỡng bách thời Nhật Bản chiếm đóng Nam Hàn, một chủ đề lịch sử nhạy cảm, Thủ tướng Kishida giữ nguyên lập trường chính thức từ trước đến nay của Tokyo và ông chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân.

Theo NHK, dường như chính quyền của Tổng thống Nam Hàn coi cử chỉ này là một dạng nhượng bộ của Nhật Bản.Thông tín viên RFI Trần Công tại Hán Thành cho biết thêm:

“Một trong những vấn đề tâm điểm trong mối bang giao giữa Nam Hàn và Nhật Bản đó chính là vấn đề lao động cưỡng bách trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Kishida vẫn giữ quan điểm và lập trường của Nội các Nhật Bản từ trước đến nay về vấn đề lịch sử. Mặc dù ông Kishida nói rằng “trên phương diện cá nhân, tôi rất đau lòng khi nghĩ đến những người đã phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp trong hoàn cảnh và môi trường khắc nghiệt trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản”. Tuy nhiên cho tới nay, phía Nhật Bản vẫn giữ nguyên quan điểm không đưa ra lời xin lỗi với những nạn nhân lao động cưỡng bách tại Nam Hàn.

Mối bang giao Nam Hàn-Nhật Bản đã từng bị đóng băng từ năm 2018, khi Nam Hàn yêu cầu hai công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bách lao động trong thời gian đô hộ. Đáp lại, Tokyo đã tuyên bố hạn chế xuất cảng một số vật liệu kỹ thuật cao ngành bán dẫn sang Nam Hàn. Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi Nam Hàn đưa ra kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bách thông qua một quỹ được đóng góp tư nhân. Nam Hàn hy vọng rằng các công ty tư nhân Nhật Bản sẽ đóng góp vào quỹ này và những nạn nhân lao động cưỡng sẽ nhận được lời xin lỗi từ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết hợp tác giữa Nam Hàn và Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa quân sự từ Bắc Hàn. Thủ tướng Kishida cho biết ông đồng ý với Tổng thống Yoon về “tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng răn đe và phản ứng thông quan liên minh Nhật-Mỹ, Hàn-Mỹ, và hợp tác an ninh 3 bên Nhật-Hàn-Mỹ trong bối cảnh an ninh ngày càng nguy hiểm hiện nay”.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm đó là việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển. Trong cuộc họp lần này, hai nhà lãnh đạo đồng ý trao đổi thông tin, giám sát độc lập và tham khảo cùng với Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA). Đây cũng là lần đầu tiên một đoàn thanh tra từ một nước khác được khảo sát vấn đề xả thải tại Nhật Bản”.


Quan Hệ Nhật-Hàn Được Cải Thiện Nhưng Có Dài Lâu?

-Bất chấp những tranh chấp lịch sử liên quan đến thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên, Nhật-Hàn, hai đồng minh của Hoa Kỳ đang cải thiện quan hệ để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Hàn và Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại Tokyo, các nhà quan sát tự hỏi liệu mối quan hệ hợp tác giữa hai bên có thể kéo dài hay không. Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles phân tích:

“Sự xích lại gần nhau giữa Hán Thành và Tokyo bắt nguồn từ sáng kiến của Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol. Ông Yoon cho rằng hai nước buộc phải hợp lực với nhau để chống lại một Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử và phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa và đối phó với một Trung Quốc đang quyết tâm trở thành cường quốc thống trị ở Á Châu.

Lợi ích chiến lược của hai quốc gia hội tụ với lợi ích của đồng minh Mỹ, vốn đang củng cố hệ thống phòng thủ của mình ở Nhật Bản, Nam Hàn và Phi Luật Tân. Trong trường hợp nổ ra xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, Nhật Bản và Phi Luật Tân sẽ bị trực tiếp lôi vào cuộc, và đối với Tổng thống Nam Hàn: “Vấn đề Đài Loan, tương tự như vấn đề Bắc Hàn, là một vấn đề toàn cầu”.

Nhật Bản tuy nhiên lại lo ngại rằng tiến trình hòa giải đang diễn ra với Nam Hàn có thể sẽ là nạn nhân của sự thay đổi quyền lực ở Hán Thành. Tổng thống hiện tại là một người thuộc đảng bảo thủ cánh hữu vốn ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Cánh tả Nam Hàn trái lại, luôn xóa bỏ các thỏa thuận của chính quyền tiền nhiệm”.


Trung Quốc Sẽ Bảo Vệ Lợi Ích của Mình Trước Lệnh Trừng Phạt của EU


(Hình: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân.)

-Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 8/5/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc phản đối bất kỳ biện pháp nào sử dụng quan hệ Trung Quốc-Nga như một cái cớ để phá hoại hợp tác thương mại.

Đáp lại các lệnh trừng phạt được đề xuất của Liên Hiệp Âu Châu (EU) đối với các công ty Trung Quốc với cáo buộc họ hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết nếu các lệnh trừng phạt này có hiệu lực, Trung Quốc sẽ có hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích của mình.

Sẽ là một “lằn ranh đỏ” tuyệt đối nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga, một viên chức cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu ngày 3/3 cảnh báo, đồng thời cho biết thêm rằng EU sẽ đáp trả bằng các chế tài, theo thông tấn xã Reuters.

Các bình luận này phản ánh đúng phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 2/3 cảnh cáo Bắc Kinh chớ nên cung cấp viện trợ như vậy cho Mạc Tư Khoa khi Nga tiếp tục chiến tranh ở Ukraine.

“Chớ cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho kẻ xâm lược Nga”, ông Scholz nói trong một bài phát biểu tại Quốc hội Đức trước cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hoa Thịnh Ðốn vào ngày 3/3.

Trung Quốc phủ nhận mọi ý định trang bị vũ khí cho Nga.


Bắc Kinh: Ổn Định Quan Hệ Trung-Mỹ Là Cấp Bách

-Hôm 8/5/2023, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương khẳng định điều cấp bách hiện nay là phải ổn định quan hệ Trung-Mỹ, sau một loạt các “phát biểu và hành động sai lệch” khiến quan hệ hai nước đóng băng trở lại.

Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc gặp Ðại sứ Mỹ Nicholas Burns tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đặc biệt nhấn mạnh Hoa Kỳ phải sửa chữa cách giải quyết vấn đề Đài Loan, không vượt ra ngoài nguyên tắc “một nước Trung Quốc duy nhất”.

Thông tấn xã Reuters dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Tần Cương đã nói với Ðại sứ Nicholas Burn: “Hàng loạt những phát ngôn sai lầm từ phía Hoa Kỳ đã làm tổn hại đến động lực tích cực mà phải khó khăn lắm mới có được trong quan hệ Mỹ Trung”, cụ thể là, “lịch trình đối thoại, hợp tác được hai bên nhất trí đã bị đảo lộn và quan hệ hai nước bị đóng băng trở lại”.

Ông Tần Cương nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu là ổn định quan hệ Trung-Mỹ, tránh đi xuống và ngăn chặn bất kỳ biến cố nào giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Những dấu hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng cũng xuất hiện từ Hoa Thịnh Ðốn gần đây. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trên nhật báo Washington Post rằng điều quan trọng là tái lập lại các kênh liên lạc thường xuyên giữa hai nước ở mọi cấp.

Bên cạnh các cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, Đài Loan vẫn là một vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Tháng trước, Trung Quốc đã tổ chức tập trận quy mô lớn xung quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xuống mức thấp nhất vào tháng 8 năm 2022, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận. Để đáp trả, Trung Quốc đã cắt đứt các kênh liên lạc chính thức với Mỹ, trong đó có kênh liên lạc giữa quân đội của hai nước.


Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc Hội Đàm Với Thái Tử Ả Rập Saudi


(Hình: Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman.)

-Tòa Bạch Ốc cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan vừa thảo luận về các nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh ở Yemen khi ông gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman hôm 7/5/2023, theo VOA News.

Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết hai bên cũng đã thảo luận về sự hỗ trợ của Ả Rập Saudi đối với các công dân Hoa Kỳ đã di tản khỏi Sudan sau khi giao tranh bùng nổ ở đó vào tháng trước.

Truyền thông nhà nước Ả Rập Saudi cho biết cuộc đàm phán diễn ra tại thành phố cảng Jeddah và cuộc thảo luận này liên quan đến “mối quan hệ chiến lược”.

Tòa Bạch Ốc cho biết hai bên cũng tham gia các cuộc đàm phán rộng hơn với các Cố vấn An ninh Quốc gia từ Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất “để thúc đẩy tầm nhìn chung của họ về một khu vực Trung Đông an toàn và thịnh vượng hơn, kết nối với Ấn Độ và thế giới”.

Cuộc hội đàm này diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi. Nguồn gốc của sự căng thẳng đó bao gồm vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post năm 2018 tại Tòa Lãnh sự Ả Rập Saudi ở Istanbul và việc cắt giảm sản lượng dầu của nhóm OPEC+ do Ả Rập Saudi dẫn đầu.

Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng thái tử Ả Rập Saudi này đã phê chuẩn chiến dịch bắt hoặc giết ông Khashoggi, điều mà Ả Rập Saudi bác bỏ.

Cuộc chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2014 khi phiến quân Houthi chiếm thủ đô của nước này. Vào đầu năm 2015, Ả Rập Saudi phát động một liên minh quân sự để hỗ trợ chính phủ Yemen.

Không có nhận xét nào: